Hiểu Linh cùng Quế Chi sang bên nhà. Trên đường đi, Quế Chi không nén nổi hưng phấn kể cho Hiểu Linh nghe những ý tưởng của cô để cố gắng trả lời cho những câu hỏi kia. Hiểu Linh không biết về những chuyện này nhưng cũng hi vọng biết đâu những kiến thức cô từng lượm nhặt được trong các cuốn sách tạp nham trời biển trước kia có thể gợi cho nhà khoa học tương lai này chút ý tưởng nên chân thành nói: - Sau này ngươi có thể thường xuyên nói cho ta nghe về những việc ngươi đang làm không? Ta rất hứng thú với những chuyện như vậy. Quế Chi hồ hởi: - Đương nhiên rồi. Ngươi không muốn nghe ta cũng sẽ bắt ngươi nghe. Ai bảo ngươi là người đầu tiên ủng hộ ta làm chuyện này đâu. Nhưng a.. đừng cố gắng thay đổi mẫu thân ta nếu không ngươi cũng sẽ chỉ ăn mắng mà thôi. Hiểu Linh gật đầu: - Ừm. Ta biết rồi. Coi như ta chưa hề nghe thấy những chuyện ngươi định làm. Đến cổng nhà Trần bá mẫu, từ bên ngoài Hiểu Linh đã có thể nhìn thấy bà đang đảo phơi dược liệu. Cô cất tiếng chào: - Bá mẫu gọi con. Trần Bạch Trật nghe tiếng liền đứng thẳng dậy. Bà xoay xoay thắt lưng đã mỏi nhừ vì cúi nhiều nhìn ra cửa, gật đầu nói: - Tới rồi hả, vào nhà đi. Là có chuyện gọi con sang đây. Bán Hạ cũng từ dưới nhà thuốc đi ra sân mỉm cười chào hỏi: - Linh muội tới rồi. Hiểu Linh có chút ngây người vì thái độ của Bán Hạ. Hình như cô ấy đang rất cao hứng nên mới cười với cô như vậy. Bán Hạ đúng dạng người mặt than, ít nói ít cười. Không hiểu thứ gì có thể khiến cô ấy vui vẻ như vậy. Hiểu Linh gật đầu chào lại: - Bán Hạ tỷ khỏe. Hôm nay tỷ có vẻ rất vui? Bán Hạ cũng không hề phủ nhận mà đáp: - Đúng vậy. Thật sự rất vui. Muội còn nhớ đứa nhỏ Trần Giản con gái của Trần Ngũ Nương chứ. Hôm nay ta và mẫu thân đi xem bệnh cho đứa nhỏ đó, chân con bé giữ được rồi lại còn lành rất nhanh nữa. Hiểu Linh rốt cuộc à lên một tiếng. Có khi Trần bá mẫu gọi cô sang vì chuyện này. Hẳn là Bán Hạ và cả bá phụ đã kể lại chuyện ngày hôm đó. Trần Bạch Trật ánh mắt không giấu nổi sự vui vẻ. Bà nhiệt tình tới lôi kéo tay Hiểu Linh vào nhà rồi nói: - Vào nhà uống nước đã rồi nói ta nghe xem sao con lại có ý tưởng nẹp chân đứa nhỏ lại như vậy. Trước nay thật sự không thiếu những ca gãy xương rồi chẳng thể phục hồi nguyên trạng nữa mà dị tật suốt đời. Giờ chỉ cần nẹp một chút như vậy liền có thể thay đổi số mệnh của một con người. Chuyện này thật sự không đùa được đâu. Bán Hạ rót nước cho mẫu thân cùng Hiểu Linh rồi lấy cho mình và Quế Chi chén nước khác. Quế Chi hứng thú: - Hôm nay mẫu thân đi xem bệnh cho Trần Giản rồi? Đứa nhỏ đó khỏi hẳn chưa? Trần Bạch Trật hồ hởi: - Khỏi hẳn thì chưa. Gẫy xương trăm ngày mới xem như khỏi hẳn. Nhưng như tình hình hiện tại thì hẳn là không vấn đề gì nhiều. Sau này lớn lên cũng không bị tật. Thật tốt quá rồi. Đoạn bà quay sang Hiểu Linh: - Con nói xem phương pháp nẹp đó làm được với những phần xương nào? Theo ta thấy thì chỉ ở cánh tay và chân mà thôi. Những chỗ khác như cổ tay, cổ chân thì không được. Ta và Bán Hạ có từng thử cố định chúng nhưng không giữ chặt được lắm. Hiểu Linh giả bộ cười khổ: - Bá mẫu, con chỉ là nhìn thấy chân đứa nhỏ Trần Giản kia bị gãy gập giống như thân cây non bị đổ thì liên tưởng tới việc nẹp chống nó lại mà thôi. Không ngờ nó thật sự có hiệu quả. Còn con có biết chút gì về y thuật đâu, xương khớp người ra sao con mù tịt thì làm sao ý kiến được cho ngài đây. Bán Hạ không biết từ đâu lấy ra mô hình bộ xương người làm từ gỗ kích thước bằng 1/3 người thật vô cùng tỉ mỉ tới từng chi tiết với những khớp nối linh hoạt. Hiểu Linh vừa nhìn thấy thì thật sự choáng váng. Làm sao có thể? Thầy thuốc ở thời đại này đã có thể tạo ra mô hình bộ xương hoàn chỉnh như vậy cho người sao? Cô lắp bắp: - Cái… cái này… Bán Hạ mím môi rồi đáp: - Là ta phục dựng từ trí nhớ sau những lần tham gia bốc mộ cùng người trong làng. Ta cũng hỏi phu bốc mộ rất nhiều về số lượng xương của mỗi người: già trẻ, nam nữ liệu có khác nhau không thì được biết trẻ con xương sẽ nhiều hơn một chút, còn đến độ trưởng thành thì đều là 206 xương. Ta.. nghĩ rằng nếu có mô hình như thế này thì có thể biết hơn một chút về con người và bệnh tật. Nhưng chuyện này bên ngoài không ai biết. Hiểu Linh cắn răng hỏi lại: - Vậy… sao tỷ biết những phần xương này được nối với nhau như vậy? Bán Hạ nhìn Hiểu Linh một chút rồi lại có phần trốn tránh. Cô không muốn bị nhìn với ánh mắt kinh dị, ghét bỏ sau khi nghe câu trả lời của mình từ Hiểu Linh. Chuyện cô làm bộ xương mô hình này chỉ duy nhất có mẫu thân cô là người biết. Ban đầu bà không ủng hộ nhưng cũng không cấm cản cô làm cái gì. Đến hôm nay khi khám lại cho Trần Giản, mẫu thân khuyên cô cho Hiểu Linh biết chuyện này. Biết đâu đứa bé kia có những ý tưởng tốt cho y học thì sao? Việc nẹp xương không phải là một ví dụ tốt nhất sao? Bán Hạ đã nghĩ rất nhiều mới quyết định mang nó ra. Cô khó nhọc nói: - Muội… có biết những trường hợp khi bốc mộ còn chưa sạch không? Hiểu Linh ngẩn người. Ra là tình huống này sao. Những câu chuyện về việc bốc mộ mà người đã mất còn chưa tiêu hết thịt da không hề thiếu. Nhưng một khi ván thiên đã mở thì dù người nằm bên trong còn nguyên vẹn thì họ cũng phải tiến hành làm sạch xương cốt để chuyển sang nhà mới. Đó có lẽ là quy trình gây ám ảnh nhất đối với bất kỳ phu bốc mộ nào. Người chỉ được nghe và đọc qua những câu chuyện như Hiểu Linh còn không khỏi rùng mình ớn lạnh. Bán Hạ nhìn gương mặt vỡ lẽ của Hiểu Linh thì có chút thở phào. Cô ấy thật sự biết. Bán Hạ tiếp tục: - Đó là những hình ảnh đáng sợ và ám ảnh nhất mà ta từng nhìn thấy. Phu bốc mộ họ phải róc từng phần thịt còn bám trên xương chính, rửa sạch lại với rượu từng chút một. Nhưng chứng kiến cảnh đó ta cũng mới biết hóa ra xương khớp được nối với nhau như vậy. Chúng kết nối với nhau thật sự rất phức tạp. Ta không có quá nhiều thời gian để nhìn hay nghiên cứu nên chỉ có thể dựa vào trí nhớ kết nối những phần xương lại với nhau mà thôi. Hiểu Linh sau khi đã biết nguồn gốc mô hình bộ xương người này thì vừa có phần an tâm lại cũng ngưỡng mộ khao khát tìm hiểu tri thức của Bán Hạ. Trước đây cô đọc không ít những câu chuyện lịch sử về những nhà khoa học cổ trung đại bị thiêu chết khi cố gắng trộm mộ lấy thi thể để nghiên cứu về cấu tạo con người. Việc tạo ra một mô hình bộ xương như thế này thật sự không hề đơn giản và thậm chí còn bị quy tội tà giáo. Nếu Bán Hạ đã dám làm ra nó thì cô cũng sẵn sàng liều mình bồi quân tử. Cô còn sợ gì nữa mà không cung cấp những kiến thức cô biết về giải phẫu cơ thể người đây. Cho dù chuyên ngành học sau này của Hiểu Linh là kinh tế, nhưng suốt 9 năm học trung học, môn cô yêu thích nhất chính là Sinh và Hóa. Hiểu Linh nhìn Trần bá mẫu lai nhìn sang Bán Hạ và Quế Chi rồi hít một hơi thật sâu nghiêm túc nói: - Bá mẫu, lần đó con bị ngã mất trí nhớ nhưng có một chuyện con vẫn giấu bá mẫu và mọi người. Đó là khi con tỉnh lại tuy không nhớ được mình là ai nhưng lại có rất nhiều thứ kỳ lạ xuất hiện trong đầu con. Có điều, con thật sự không dám nói chúng với ai cả vì sợ mọi người nghĩ con bị điên rồi hoặc con bị ma quỷ nhập. Những tháng vừa qua, ngài cũng chứng kiến nhiều thứ về con. Ngài liệu có thể tin những điều con sẽ nói ra không? Trần Bạch Trật nhìn thái độ nghiêm túc của Hiểu Linh thì bất giác ngồi thẳng người lại. Bà chăm chú nhìn đứa nhỏ trước mặt, quan sát từng nét mặt, cử chỉ của con bé rồi đáp: - Thế gian nhiều điều kỳ lạ. Lần đó đối với con có lẽ chính là một cơ duyên ông trời ban cho: đánh đổi trí nhớ lấy những điều mới lạ. Thời gian qua ta quan sát con thay đổi và đều thấy đó là chuyện tốt. Một người bị điên hay ma quỷ nhập thân làm sao có thể càng sống càng tốt như vậy được chứ. Ta sẽ tin những điều con nói. Chính vì ta linh cảm thấy rằng con còn rất nhiều điều chưa nói ra nên mới khuyên Bán Hạ để con biết về mô hình xương người này. Nếu không tin tưởng con, ta cũng không dám đưa ra quyết định đó. Hiểu Linh bỗng chốc mỉm cười. Có lẽ cô quá may mắn rồi khi tới nơi này liền có Phạm gia, giờ lại có thêm Trần gia tin tưởng cô. Hiểu Linh gật đầu: - Vậy… con sẽ nói cho mọi người nghe những điều mà con biết.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]