Trong 7 xí nghiệp và 11 loại thuốc dính líu đến làm giả số liệu được thông báo lần này, công ty sản xuất thuốc Tân Hi bất ngờ có mặt trong nhóm.
Đối mặt với chất vấn và truy cứu trách nhiệm, trong thông cáo phát qua mạng lưới nhân viên, Tân Hi tuyên bố: “Số liệu của khâu thí nghiệm lâm sàng là do đơn vị thứ ba cung cấp, công ty đang tiến hành điều tra, hiện chưa xác định được bên chịu trách nhiệm.”
Điển hình của việc đùn đẩy trách nhiệm sau khi sự việc phát sinh.
Ống kính lại chuyển sang phòng phát trực tiếp, trong lúc bình luận viên nói “thí nghiệm lâm sàng là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm tính an toàn và hiệu quả của thuốc, trước mắt lại phổ biến những hành vi không toàn vẹn, không quy phạm như tự tiện sửa chữa, khai man số liệu báo cáo v…v… Ngoại trừ xí nghiệp mù quáng chạy theo giá thành không hợp lý…”, Thịnh Thanh Nhượng ra khỏi cửa hàng tiện lợi.
Mặc dù Tân Hi năm lần bảy lượt từ chối trách nhiệm, nhưng vẫn không trốn thoát điều tra và trừng phạt mà họ đáng phải nhận.
Ngoài việc làm giảm hình tượng xí nghiệp nghiêm trọng, căn cứ vào ý kiến nhà nước mới đưa ra “những người giở trò bịp bợm trong tài liệu nghiên cứu lâm sàng, nếu muốn đệ đơn đăng ký đưa ra loại thuốc mới sẽ không được thụ lý trong vòng 3 năm”, trong vòng ba năm tới, Tân Hi không thể tiến hành đăng ký trình báo dược phẩm.
Ngoài ra, trên internet lục tục xuất hiện nhiều lời vạch trần về việc trước kia Tân Hi làm giả số liệu, thậm chí có kẻ thích xen vào chuyện của người khác tiết lộ: “Lúc đầu, bà Nghiêm Mạn, người phụ trách bộ phận nghiên cứu phát triển của Tân Hi, chính vì thế mà chết, nghe nói năm đó tranh đoạt chức quyền trong nội bộ Tân Hi vô cùng gay gắt, trước khi Nghiêm Mạn chết, cơ bản đã mất quyền khống chế với bộ phận nghiên cứu phát triển, Hình Học Nghĩa chết bởi vụ tai nạn 723 trước đó không lâu cũng như vậy.”
Tin đồn nhiều vô số, rốt cuộc bao nhiêu là thật, có lẽ chỉ có người trong cuộc biết rõ nhất.
Nhưng đối phương không bị còng tay vào tù, thì đã vĩnh biệt nhân gian, gần ba tháng sau khi vụ tai nạn 723 xảy ra, cảnh sát một lần nữa công bố kết quả điều tra.
So với tình hình thảo luận sôi nổi lúc vụ tai nạn xảy ra, mọi người phần nào tỏ ra không mấy để ý đến kết quả.
Ba tháng đã đủ lâu để điểm nóng nguội xuống.
Thượng Hải cũng lạnh, nhiệt độ không khí hạ xuống dưới 20℃, tiết trời quang đãng mấy ngày qua rốt cuộc bị cơn mưa thu rả rích thay thế.
Tông Anh mắc bệnh cảm cúm nghiêm trọng, tình trạng cực kỳ kém, phải ở lại bệnh viện mấy ngày, lúc Tiết Tuyển Thanh đưa báo cáo kiểm nghiệm đến, cô vừa truyền hết túi truyền dịch cuối cùng và tỉnh lại.
Mở mắt ra, đèn trần nhà lẳng lặng chiếu sáng, bên ngoài, sắc trời bạc phếch, mưa bụi giăng giăng.
Tiết Tuyển Thanh đưa cho cô đơn giám định vật chứng trong vụ án rơi từ tầng cao xuống của Nghiêm Mạn, Tông Anh nhận lấy đặt trên đùi, lại chần chừ không mở ra xem.
Mặc áo khoác ra ngoài, mưa gió tạt vào mặt, Tiết Tuyển Thanh bất chấp mưa, vội vã đi lấy xe, Tông Anh lên xe, gập ô lại.
Tiết Tuyển Thanh liếc vòng mobius và con số in trên mặt ô màu đen: “Vẫn dùng à?!”
Hai năm trước, một người bạn khai trương cửa hàng quà tặng, mời họ đến ủng hộ, hôm đó trời mưa, Tông Anh in một chiếc ô trong tiệm, mới đầu Tiết Tuyển Thanh cho rằng “9.14” chỉ có ý nghĩa là sinh nhật cô, bây giờ nghĩ lại, khi đó cô in con số này hẳn là vì Nghiêm Mạn.
Ô tô cán qua vũng nước mưa, đi đến nghĩa trang, lúc đến nơi, cơn mưa nhỏ dần, không khí ẩm ướt, phía chân trời lộ ra một tia sáng trong trẻo.
Trời mưa, nghĩa trang vắng vẻ thê lương, trong tầm mắt chi chít bia mộ, những rặng tùng, rặng bách xanh ngắt thấp bé im lặng làm bạn hai bên lối đi, hai người đi đến trước mộ Nghiêm Mạn mới dừng chân, Tông Anh nhìn tấm bia một lát, lại cúi đầu cẩn thận vuốt đơn giám định trong tay.
Lúc trước vì thiếu chứng cứ chứng minh đây là vụ mưu sát, vụ án này được cho là không đáng lập án, vì thế Nghiêm Mạn phải chịu các loại phỏng đoán ác ý, mà kẻ đẩy bà xuống lầu trong cuộc tranh chấp, bỏ mặc bà chết lại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hiện tại hết thảy cuối cùng có kết quả, cũng không cảm giác sảng khoái như vén mây mù gặp mặt trời.
Dù sao cách biệt âm dương, sau này không cách nào gặp lại.
Nếu có thể, cô thậm chí hy vọng hết thảy chưa từng xảy ra…
Ngày 14 tháng 9, màn đêm buông xuống, cửa nhà để ngỏ, ánh trăng mang theo gió thu vào phòng, ngoài phòng vang lên tiếng ô tô thắng lại, Nghiêm Mạn cầm quà sinh nhật xuống xe, vội vàng đi vào, nói với Tông Anh, người đã ngủ gật vì chờ bánh ga tô và nến rằng: “Mẹ về muộn.”
Là về muộn, không phải không về nữa.
Tông Anh khom người xuống, đặt đơn giám định và hoa trắng trước tấm bia, mưa rơi lộp độp, nhanh chóng thấm đẫm tờ giấy, cánh hoa hứng nước mưa, cành lá càng thêm tươi xanh.
Bụi về với bụi, đất về với đất, nếu thực sự không về được, vậy hãy để nó dưới đáy lòng đi.
Mưa vẫn rơi đến tận ngày hôm sau, hôm nay cũng là ngày cuối cùng trước khi phẫu thuật.
Phương án phẫu thuật được chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ, thầy giáo cũ của cô – tức chủ nhiệm Từ – mổ chính, mọi người khuyên Tông Anh thả lỏng tinh thần, nhưng cô vẫn hẹn luật sư Chương, xác nhận nội dung di chúc.
Trước khi xác nhận, luật sư Chương hỏi cô: “Ngoài xử lý tài sản, tôi còn cần cô xác nhận một chuyện, lúc học ở Học viện Y, cô từng ký một bản thoả thuận hiến tặng bộ phận cơ thể, cô có muốn hủy bỏ không?”
Tông Anh nhớ tới cuộc ghi âm trong điện thoại di động mà cô được nghe trong phòng bệnh của Tông Du tháng trước, im lặng một hồi lâu, ngẩng đầu trả lời: “Không cần đâu.”
Luật sư Chương đưa di chúc cho cô, ký tên xong xuôi, bên ngoài trời đã tối.
Hạ tuần tháng mười, ban ngày dần dần ngắn lại.
Máy làm ẩm không khí trong phòng bệnh phun sương dày đặc ra ngoài, trên tủ đầu giường trống trơn, đã rất lâu không xuất hiện hoa hướng dương bọc trong báo mới, điều này có nghĩa là Thịnh Thanh Nhượng rất có thể vẫn chưa về Thượng Hải.
Thật ra tạm thời không trở lại cũng tốt, qua hơn mười ngày nữa, Thượng Hải của năm 1937 sắp rơi vào tay giặc, Tô Giới cũng triệt để trở thành đảo biệt lập, trở về lúc này là nguy hiểm nhất.
Tông Anh lặng lẽ suy nghĩ, nhớ tới cuộc sống ồn ào của gia đình nọ trên đường Tĩnh An Tự, nhớ tới cảnh lá rụng đầy đất bên ngoài căn nhà; nhớ tới chung cư cũ trong Tô Giới Pháp, nhớ tới Diệp tiên sinh ở quầy phục vụ với mái tóc bóng lộn sáng loáng, nhớ tới cầu thang bị ánh mặt trời phủ kín, nhớ tới mùi trà sữa đun sôi trong sớm mai quang đãng, tờ Tự Lâm Tây Báo mang mùi mực in, tiếng hát luyến láy phát ra từ máy quay đĩa “Mười dặm đô thị có nhiều người nước ngoài ở, phong cảnh tươi đẹp à í a…”.
Lại nghĩ tới hội nghị về việc di dời nhà máy lùi sâu vào đất liền giương cung bạt kiếm ở xưởng đúc đồng khu Đề Lam Kiều, nhớ tới sông Hoàng Phố với chiều hoàng hôn đỏ như máu, nhớ tới đôi chân vấy máu sau khi bị đám đông đẩy qua cầu Ngoại Bạch Độ, nhớ tới thi thể đứa trẻ bị luồng hơi của quả bom đè nát trên tường tầng một khách sạn Hoa Mậu, nhớ tới tàu khu trục của Anh trở trẻ em và phụ nữ rút khỏi Thượng Hải, nhớ tới những người dân chạy nạn run lẩy bẩy vì lạnh trong cơn mưa thu dưới lán che mưa, nhớ tới khuôn mặt dính đầy máu của lão Tứ, thi thể lạnh băng im lìm của chị hai, và cả Thanh Huệ, người buộc phải rời khỏi Thượng Hải vì bất lực.
Tông Anh chán nản bần thần, y tá đột nhiên mang tới mấy tờ giấy cam kết, giấy thoả thuận cho cô ký.
Cô cúi đầu ký hết toàn bộ, y tá nói: “Ngày mai cô là ca phẫu thuật sớm nhất, hiện tại bắt đầu dừng uống nước.”
Tông Anh nói: “Tôi biết rồi.”
Y tá đi rồi, trong phòng bệnh chỉ còn lại mình Tông Anh, cô quay đầu ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ, lấy lại tinh thần xuống giường, mặc áo khoác đi dạo trong hành lang một lát, quyết định về chung cư một chuyến.
Trên đường lác đác người đi lại, lúc đến cửa chung cư, cô ngẩng đầu nhìn lên, đa số cửa sổ đều sáng đèn, chỉ có hai căn hộ trên tầng hai và căn hộ nơi cô ở tối om.
Quẹt thẻ vào chung cư, đi cầu thang lên tầng chót, mở cửa phòng, bật đèn hành lang.
Đèn hành lang nhấp nháy, vài giây sau mới ổn định lại, Tông Anh đưa mắt sang nơi khác, trực tiếp đi vào thư phòng, khom người vặn công tắc đèn bàn, ánh sáng ấm áp thoáng chốc phủ kín mặt bàn.
Cô ngồi xuống, lấy giấy bút ra suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng cúi đầu viết: “Anh Thịnh: Em không thể xác định khi nào anh trở lại Thượng Hải, trở lại căn hộ này, cũng không xác định anh có thể thấy phong thư này không, ngày mai em mổ rồi.”
Ngòi bút kim loại hoạt động trên tờ giấy nhẵn nhụi, cô viết một hồi rồi đột nhiên dừng lại, ngẩng đầu lên, nhắm mắt hít sâu, vùi đầu viết tiếp: “Em hy vọng, chúng ta còn có thể gặp lại nhau.”
Còn chưa kịp viết lạc khoản, chợt nghe có tiếng gõ cửa.
Muộn thế này rồi còn ai đến tìm cô đây? Tông Anh đặt bút xuống đứng dậy, liếc nhìn đồng hồ, hơn 9 giờ tối, tuyệt đối không phải Thịnh Thanh Nhượng.
Cô mở cửa, người đứng ngoài là bảo vệ chung cư.
Bảo vệ đưa chô cô một xấp thư chuyển nhanh, nói: “Đây là thư phát chuyển nhanh của cô phải không? Tích lũy nhiều ngày rồi đấy. Số điện thoại trên đây không gọi được, chúng tôi liền nhận thay cô, nhưng mãi mà không thấy cô về, cũng không cách nào đưa cho cô, vừa rồi thấy nhà cô sáng đèn, tôi vội vàng mang lên. Cô mau đọc qua đi, hình như đều là cùng một người gửi.”
Tông Anh cúi đầu kiểm tra thông tin trên hoá đơn, lập tức nhận ra là chữ của Thịnh Thanh Nhượng, ngày gửi chuyển phát nhanh gần như từ ngày anh rời khỏi Nam Kinh.
Cô nhanh chóng mở thư phát chuyển nhanh, rút giấy viết thư mỏng ra, từng lá từng lá một, ghi chép hành trình, báo bình an đồng thời bày tỏ lời thăm hỏi sức khoẻ.
“Tông tiểu thư, tôi đã đến Hán Khẩu, ở đây đang mưa to, dự báo thời tiết nói chỗ em cũng đang mưa, trời rét, chú ý giữ ấm.”
“Tông tiểu thư, tôi đã đến Vũ Xương, trăng thanh gió mát, lại là một đêm dài. Khi nào em lên bàn mổ? Hy vọng hết thảy đều thuận lợi.”
“Tông tiểu thư, tôi sắp về Thượng Hải, nhưng đường về Thượng Hải không hanh thông cho lắm, cần đi từ Dương Châu đến Thái Châu, chuyển sang đi bằng thuyền đến Thượng Hải, hy vọng em bình an.”
Chuông điện thoại chợt vang lên.
Tông Anh chợt hoàn hồn, cầm xấp giấy viết thư kia, rảo bước đến chỗ điện thoại bàn.
Điện thoại quốc tế, đầu dây bên kia vang lên tiếng cậu út, anh nói: “Tiểu Anh, không quấy rầy cháu nghỉ ngơi chứ?”
Tông Anh nói: “Cháu vẫn chưa ngủ, có chuyện gì không cậu?”
Cậu út nói: “Ca phẫu thuật của bà ngoại rất thành công, hồi phục rất tốt, hôm nay xuống giường hoạt động được mà không gặp trở ngại nào, bà mới bằng lòng gọi điện thoại cho cháu báo bình an.”
Tông Anh thở phào nhẹ nhõm.
Cậu út lại nói: “Bà mong đợt nghỉ phép lần sau cháu có thể tới chỗ cậu ở một thời gian ngắn.” Ngập ngừng một lát, anh nói tiếp, giọng nói dường như mang theo ý cười: “Bà còn nói, hy vọng lúc tới cháu không đi một mình.”
Tông Anh “dạ?” Một tiếng.
Cậu út nói: “Cậu nghe bà kể là cháu có bạn trai, bà còn cho cậu xem qua ảnh giấu trong di động, cậu ấy thoạt nhìn là người rất tốt, trông hơi giống…”
Tông Anh bỗng nhiên nhíu mày.
Anh nói tiếp: “Giống một vị luật sư của những năm 30.”
Tông Anh chợt nín thở, hỏi: “Vị luật sư nào ạ?”
Cậu út trả lời: “Họ Thịnh, làm tiến sĩ luật ở Paris, sau khi về nước từng sống trong căn hộ nhà chúng ta, hẳn thuộc hộ gia đình đời đầu, ở được vài năm thì qua đời. Chắc là mất trong cuộc chiến tranh ở Thượng Hải, ngày cụ thể cậu không nhớ rõ, trời cao đố kỵ anh tài, thật đáng tiếc.”
Tông Anh ngẩn ngơ bên bàn trà.
Bên kia điện thoại, tiếng nói chuyện vẫn chưa dừng lại: “Sao cậu lại nói với cháu về chuyện này nhỉ? Cháu sống một mình, công việc lại bận rộn, nhớ chú ý sức khoẻ, có rảnh thì đến thăm bà ngoại.”
Không biết cúp điện thoại từ khi nào, Tông Anh bừng tỉnh, đột nhiên lật đến lá thư cuối cùng, trong thư chỉ lưu lại vài ba câu:
“Tông tiểu thư, ngày mai tôi về Thượng Hải, hy vọng mọi chuyện của em vẫn diễn ra trôi chảy, tôi rất nhớ em.”
Tay chân Tông Anh rét run, cô quay lại thư phòng, mở máy tính, truy cập trang tìm kiếm, gõ ba chữ “Thịnh Thanh Nhượng”, gõ xong nhưng mãi vẫn không dám ấn nút tìm kiếm.
Bức ảnh trắng đen hiện ra, cô mở phần giới thiệu lý lịch, tiểu sử cuộc đời ra, hai mục này chỉ gói gọn trong nửa trang ngắn ngủi, đối với một cá nhân trong biển người mênh mông thời loạn lạc, nửa trang ghi chép này đã quá xa xỉ.
Không cần kéo giao diện trang web, cô có thể liếc thấy rõ tử kỳ của một người…
Ngày 27 tháng 10 năm 1937.
Ngay cả hô hấp cũng tạm dừng, Tông Anh đưa mắt nhìn thanh taskbar trên máy tính, mục ngày tháng hiển thị: Ngày 26 tháng 10.
Anh sẽ chết vào ngày mai năm 1937.
—
Lời tác giả:
Về thời hạn truy tố vụ án của mẹ Tông Anh:
Nếu người bị hại đệ đơn khởi tố trong thời hạn truy tố thì toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan công an phải lập án, cho dù trước đó vụ án này được cho là không đáng lập án, không thể hạn chế thời hạn truy tố.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]