🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau


Ngón tay đang lướt trên màn hình điện thoại bỗng chững lại vài giây, trái tim trong lồng ngực của tôi hình như cũng dừng đi vài dịp, có một chút cảm giác khó chịu nào đó cứ len lỏi mãi vào trong lòng.

Rốt cuộc là tôi khó chịu vì điều gì nhỉ? Vì không được đi dạo ngắm cảnh đêm ở hồ Gươm hay vì không được ăn kem Tràng Tiền? Tôi cũng không rõ, chỉ biết tâm trạng của mình bỗng chốc cứ như có thứ gì đó cồn cào khó chịu trong gan ruột.

Đang định về phòng leo lên giường ngủ cho cảm giác khó chịu này trôi tuột đi thì mẹ gọi điện lên, giọng mẹ nghèn nghẹn như mới khóc:

-Con ơi, thế cuối tuần này có về được không? Về đi rồi mẹ nấu cháo hến cho mà ăn, mùa này quê mình nhiều hến lắm rồi con ạ.

Ngày còn nhỏ, ngày hai mẹ con còn chui rúc trong căn nhà bé tí tẹo có tường trét bằng đất và lợp bằng lá mía của ông bà ngoại thì cháo hến dù là món bình thường của nhiều người nhưng lại là món ăn xa xỉ của tôi, nhớ có lần sắp đến sinh nhật tôi đã nói với mẹ ước gì mình được ăn một lần ba tô cháo hến, ăn đến khi đã đời mới thôi. Thế mà năm đó tôi được ăn một lần ba tô thật, ăn đến mức bụng căng cả lên rồi mẹ phải lôi đi tắm cho đói bớt mới nằm ngủ được.

Sau này cứ mỗi năm đến sinh nhật mẹ lại nấu cháo hến cho tôi ăn, năm nào mẹ không nấu thì bố nấu, anh Toàn còn trêu tôi cũng có một món ăn quốc dân trong ngày sinh giống người Hàn Quốc.

Quen mãi cho tới bây giờ, sau này đi học xa nhà năm nào không về kịp thì rủ cái Nhi theo, nó nghiền ăn món này cũng là vì bị tôi dụ.

Năm nay không có mẹ, cũng chẳng có Nhi, tự nhiên nghe mẹ nói thế tôi lại thấy chạnh lòng, nhưng chỉ rớm rớm một xíu rồi nhanh chóng lấy lại thái độ vui vẻ để nói chuyện với mẹ, lấy chồng rồi chứ có phải như ngày xưa nữa đâu mà hễ tí lại mè nheo. Tôi cười:

-Vâng, cháo hến mẹ nấu là tuyệt nhất, cuối tuần con về mẹ phải nấu một nồi to thật to nhé.

-Ừ, ăn có bao nhiêu đâu mà lần nào cũng đòi nấu cho nhiều.

-Lâu rồi không được ăn mẹ ạ, con thèm lắm.

-À, anh Toàn con mới nói cuối tuần này được về nhà thời gian, hai vợ chồng con sắp xếp được thì về cùng anh luôn, rủ cả cái Nhi với thằng Nam về nữa nhé.

Rồi mẹ thở dài:

-Năm nay tụi mày không về mấy cây ổi ngoài vườn chín rụng đầy dưới gốc cây, đó, bố mày cứ có trái nào to to lại hái mang vào cất trong tủ lạnh nói để dành cho tụi mày về ăn, để mấy ngày nó héo lại mang ra cho chim ăn hết chứ đâu.

Khóe mắt tôi cay xè phải chớp chớp mấy cái liên hồi cho khỏi khóc, từ hồi lấy chồng tôi ít về hơn, anh tôi thì ở viện suốt, nghĩ tới bố mẹ ngày ngày ngóng con tôi chạnh lòng đến xót xa.

Một lát sau sực nhớ tới Duy mẹ vội hỏi:

-Thế thằng Duy có khỏe không con? Công việc nó dạo này thế nào? Đâu, nó đâu cho mẹ gặp nó một chút.

Sợ mẹ biết mình đang ở nhà một mình lại xót nên tôi vội ngăn mẹ:

-Anh Duy mới đi vào phòng rồi mẹ ạ, để cuối tuần con về cùng anh Toàn, rủ thêm cả anh Nam và cái Nhi nữa mẹ nhé, ở nhà có gì ăn mẹ cứ để dành hết cho tụi con đi.

Mẹ tôi cười:

-Ừ, đầy ra đó, kéo nhau về mà ăn. Thế thôi con nhắn với thằng Duy cho mẹ cảm ơn nhé, cái thuốc xương khớp hôm nọ nó mua tốt lắm con ạ, giờ mẹ đứng lên ngồi xuống không phải chống đầu gối như trước nữa.

Tôi không nghe Duy nói gửi thuốc cho mẹ, cũng không biết đó là thuốc gì nên chỉ trả lời qua quýt:

-Vâng ạ, để con nhắn lại với anh ấy.

-À, còn cái này nữa, hôm sau về mà mẹ quên thì nhớ nhắc, mẹ gói sẵn cho bố chồng con ít trà sen đây rồi, nhớ lấy lên đưa cho ông ấy nghe không.

Cúp máy mãi một lúc lâu sau tôi vẫn ngồi lại ở trên xích đu, nhớ mẹ, nhớ nhà kinh khủng, có điều giờ không còn như hồi son rỗi nữa, có nhớ bố mẹ cũng chỉ rấm rứt ngồi khóc chứ đâu thể tót về bên mẹ như xưa.

Đang ngồi thút thít thì có một bóng người cao lớn đứng ngay bên cạnh, tôi giật bắn mình một cái, vì chỗ này không sáng lắm nên tôi cứ tưởng là Duy, đang định hỏi sao hắn về mà không báo trước thì một giọng nói dịu dàng cất lên, không phải cái giọng cộc cằn thường thấy của Duy.

-Sao lại ngồi một mình ở đây thế?

Tôi thở nhẹ ra một cái, hình như thoáng một chút thất vọng rồi mới lắp bắp:

-Anh ạ, em …em ngồi đây cho mát.

-Vào đi, trời chuyển mưa nên nhiều muỗi lắm.

Tôi đi theo anh Dũng vào nhà, mãi tới lúc vào tới phòng khách rồi mới biết anh Dũng đang cầm trên tay một cái bánh sinh nhật và một túi gì đó nữa, anh cười:

-Anh về muộn quá, cứ sợ em ngủ rồi thì phải ăn cháo một mình, may mà em còn thức.

Anh Dũng vừa nói vừa lôi từ trong túi ra một cặp lồng to:

-Cháo hến đấy, đựng vào đây nên còn nóng lắm khỏi phải hâm lại.

-…

-Sao thế? Sao lại nhìn anh như thế?

Đúng là nãy giờ tôi cứ đứng im nhìn anh Dũng thật, không phải tôi ngạc nhiên vì cái bánh sinh nhật, có thể là mẹ chồng tôi kêu anh Dũng mua cho tôi khỏi tủi thân, tôi chỉ ngạc nhiên vì anh Dũng mua đúng món mình đang muốn ăn nên mới nhìn anh như thế.

Không đợi tôi trả lời anh Dũng nói luôn:

-Sinh nhật thì phải có bánh có hoa, mà hoa thì em không thích, quà anh lại không biết mua nên sẵn chưa ăn gì anh mua luôn món mình đang thèm, không biết có hợp ý em không nữa.

Tôi cười:

-Đúng quá chứ ấy ạ, anh biết không, mẹ em mới gọi điện lên nói cuối tuần về mẹ nấu cháo hến cho ăn đấy, tự nhiên mẹ nhắc làm em thèm chết đi được, anh đúng là cứu tinh của em chứ em mà đang thèm gì là khó ngủ lắm.

-Ừ, nãy anh đi ngang qua chỗ lần trước mình ăn nên ghé mua luôn, nào, ngồi xuống ăn đi kẻo nguội.

Cháo chỗ quán ruột anh Dũng thì dù không thèm cũng phải thèm, ngon cực kỳ, chẳng trách quán nằm trong cái hẻm bé tí tẹo mà lúc nào khách cũng chật kín chỗ.

Đang cắm cúi ăn thì anh Dũng hỏi:

-Duy đi Hà Nội với em gái em phải không?

Hình như từ sau hôm Vy tới làm ở cửa hàng thì Duy chưa nói với ai trong nhà, mà Duy không nói thì thôi, tôi cũng không nói vì chủ đề về nước hoa vốn vẫn hạn chế nhắc đến trước mặt bố chồng, không biết sao anh Dũng lại biết, còn biết cả chuyện Vy cùng đi công tác nữa nên tôi đâm ra lúng túng:

-Vâng ạ, anh Duy đi ra ngoài đó để tìm nhà cung ứng nguyên liệu nên cả em gái em cùng đi, em ấy tên Vy.

-Ừ, anh biết rồi.

-Em gái em du học bên Pháp ngành điều chế nước hoa anh ạ, nó mới về nước chưa xin việc ở đâu nên đến chỗ cửa hàng phụ với anh Duy luôn.

Anh Dũng nhìn tôi chăm chú, lát sau chỉ trả lời lại i hệt câu vừa rồi:

-Ừ, anh biết rồi. Em lo ăn đi kẻo nguội.

Vì không còn sớm nữa nên ăn xong tôi không ngồi lại lâu, trước khi về phòng anh Dũng còn gọi lại:

-Sao không thổi nến đi, cắt bánh nữa, phải làm cho đủ thủ tục chứ?

Tôi thì không để ý tới cái thủ tục gì đó nhưng dù sao anh Dũng cũng mua bánh rồi, lại còn đãi một tô đầy món khoái khẩu nên dù đã bước lên được hai bậc cầu thang cũng vội vàng quay lại, tôi cười:

-Thủ tục trong ngày sinh nhật của em chỉ là cháo hến thôi anh ạ, ngày xưa làm gì có bánh sinh nhật mà cắt, mẹ em cứ nấu cho một nồi ăn chán chê thì thôi, tính ra mẹ em lãi anh nhỉ, có mỗi thế mà thay luôn cho cả quà cả bánh.

Khóe môi anh Dũng cong lên, anh gật gù:

-Ừ thôi năm sau anh rút kinh nghiệm, khỏi mua bánh thì bớt đi được một khoản, xem ra cô giáo trong trường em nói đúng ấy chứ, sinh nhật em là đỡ tốn nhất.

Tôi ngớ người:

-Ớ, anh có kết bạn trên facebook với em à? Sao em không nhớ nhỉ?

Anh Dũng giật mình, giọng hơi lúng túng:

-Thôi khuya rồi, em đi ngủ đi.

****

Chiều hôm sau dạy xong tôi tranh thủ vào với anh Toàn, tôi biết không chỉ mình tôi nhớ anh mà anh cũng sẽ nhớ tôi, đợt sinh nhật bố tôi làm cái bánh không ra hình tròn cũng không ra hình vuông đó anh còn bỉu môi chê, anh nói để anh học làm bánh rồi tới sinh nhât tôi anh sẽ làm cho tôi lác mắt.

Thế mà từ bận đó tới bây giờ anh cứ nằm mãi ở đây, lời hứa đó chẳng biết bao giờ mới thực hiện được.

Lúc tôi tới thì anh đang chuẩn bị đi ra ngoài, bộ dạng vui vẻ lắm, anh khoe:

-Bác sĩ nói anh đáp ứng thuốc tốt hơn mong đợi, cuối tuần này anh được về nhà một thời gian, lâu hơn những đợt trước.

Tôi đang định chạy lại ôm lấy cổ thì anh làm động tác xua xua tay ra:

-Thôi thôi, hôm nay tròn ba mươi rồi, cho mày đu hai mươi mấy năm nay là được rồi, từ giờ đừng đu nữa.

Tôi phụng phịu:

-Ba mươi hay bốn mươi thì cũng là em của anh, anh không cho em ôm thì cho ai? Mà anh định đi đâu vậy?

-Mày ở đây một lát, anh xuống dưới sân gặp bác sĩ Vinh, tuần sau anh ấy chuyển công tác không làm ở đây nữa nên anh ấy hẹn anh nói chuyện cho vui, với cả anh cũng muốn cảm ơn anh Vinh nữa, thời gian qua lúc nào cũng nhiệt tình động viên anh.

-Vâng, thế anh cho em đi cùng với, em cũng muốn chào anh ấy một tiếng.

Anh Toàn thò tay gõ đầu tôi:

-Mày ở đây đi, tâm sự đàn ông với nhau mày xuống làm gì?

Vừa ra tới cửa anh Toàn tôi vội quay lại:

-À An này, hôm nọ tự nhiên có người gọi điện đặt nhạc chỗ anh đấy, họ nói có người giới thiệu. Sướng không, mai mốt có tiền anh mua lại cho cái đồng hồ.

Cái đồng hồ đó, lời hứa đó đã xa tít tắp mà anh tôi còn nhớ.

Lâu lắm rồi tôi mới thấy anh tôi vui như vậy, cái đầu vẫn trọc lóc như xưa nhưng dưới cái đầu trọc đó là một ánh mắt tràn đầy hi vọng, bầu trời của anh tôi sẽ không bao giờ sập, vì anh đã luôn kiên cường chống đỡ.

Ngồi đợi anh được một lúc thì bố ruột tôi tới, tôi ngạc nhiên đến mức cổ họng nghẹn lại không thể thốt nên lời, từ nhỏ tới giờ đừng nói là anh Toàn tôi, ngay cả tôi có ốm đau gì bố còn không hề biết nên giờ thấy bố đến thăm anh tôi cứ như không tin vào mắt mình.

Bố đi lại gần tôi nhìn xung quanh một lượt rồi cất tiếng hỏi:

-Bố đi thăm bạn ở đây nên sẵn ghé thăm anh con, thế anh con đâu rồi?

-Anh con mới xuống dưới sân bố ạ.

-Ừ, cũng nên đi lại cho khuây khỏa, bố biết anh con nằm viện mà cứ lu bu mãi giờ mới ghé thăm được.

Anh tôi nằm viện cả năm chứ ít ỏi gì, ngay cả bố mẹ chồng dù không biết anh Toàn là ai nhưng khi nghe tin cũng vội vã đến thăm, từ đó tới nay còn không ít lần lui tới thế mà bố thì lu bu mãi tới giờ này, tôi cúi mặt nói nhỏ:

-Vâng, cảm ơn bố, anh con khỏe rồi bố ạ, ít bữa nữa được về rồi nên bố không cần đến đâu.

Hình như bố biết tôi đang nói hờn nên áy náy:

-Đáng lẽ bố nên đến từ lâu, chỉ tại công ty nhiều việc, rồi thêm chuyện của thằng Vũ nữa.

Những chuyện đó vốn dĩ tôi không có nhu cầu nghe nên chỉ hờ hững đáp:

-Vâng.

Bố tôi im lặng một lúc lâu, mãi sau mới nặng nề thở dài rồi nói tiếp:

-An này, hôm nọ bố có đến tìm bố chồng con….

Nghe bố nói thế tôi mới sực nhớ tới chuyện hôm nọ đã nói với bố chồng, sau đó ông không nhắc lại nên tôi cũng không biết ông quyết định như thế nào.

Tôi nhìn thẳng vào mắt bố hỏi:

-Bố tới tìm bố chồng con vì chuyện dự án gì đó phải không ạ?

Có lẽ bố tôi không ngờ tôi sẽ thẳng thắn như thế nên ông hơi lúng túng, mãi sau mới nói tiếp:

-Ừ, con biết đấy, chuyện làm ăn của bố đang gặp khó khăn, lại thêm vài tin đồn về em Vũ con nữa nên các đối tác của bố hủy hết hợp đồng, vì thế nên bố mới phải nhờ tới bố chồng con, dù gì ông ấy cũng có tiếng tăm và uy tín lâu năm trên thương trường.

Lúc này trong lòng tôi sôi lên như có lửa, cứ tưởng bố tốt bụng tới thăm anh hóa ra là tới để tìm tôi, chắc bố định nhờ tôi tác động với bố chồng.

Thế nhưng dù giận đến mấy tôi cũng tỏ ra bình tĩnh như thường, tôi hỏi bố:

-Vậy bố chồng con nói sao ạ?

-À, ông ấy chưa trả lời, còn để xem xét thêm con ạ.

-Vâng, vậy bố cứ đợi bố chồng con đi ạ, bố nói với con làm gì?

-Ý bố là con có thể nói giúp bố vài câu, bố chỉ sợ bố chồng con nghe ở đâu tin đồn về em Vũ nên mới cân nhắc lâu như vậy chứ ngày trước hai nhà vẫn vui vẻ hợp tác với nhau suốt, bố làm việc thế nào ông ấy cũng thừa biết mà.

-…

-Tại con không hiểu về kinh doanh nên con không biết thôi, thương trường phức tạp lắm con ạ, nhiều khi chỉ vì cạnh tranh với nhau mà người ta có thể tung những tin đồn thất thiệt như thế đấy.

Tôi mỉm cười, giọng vẫn bình thản:

-Nếu tin đồn của em Vũ không có thật thì việc gì bố phải sợ? Còn nếu có thật thì bố dấu nỗi không? Hơn nữa bố chồng con là người công tư phân minh nên nếu bố có đủ khả năng, đủ bãn lĩnh thì con tin là bố chồng con sẽ giao dự án cho bố mà không quan tâm tới một tin đồn hay mười tin đồn gì của em Vũ cả.

-Thì không phải bố sợ, bố chỉ muốn nhờ con nói thêm vào giúp bố vài câu, dù gì cũng là thông gia với nhau nên chắc ông ấy sẽ nể mặt.

Tôi hít một hơi dài cho căng cứng lồng ngực, cho thứ cảm xúc chua xót uất hận được nén xuống tận sâu dưới đáy rồi mới mỉm cười hỏi bố:

-Theo bố nghĩ con tác động vào thì có tác dụng gì không? Mà kể cả có thì liệu con có nói không khi con đã biết tất cả những gì mà bố làm với con?

Nghe tôi nói thế bố thoáng sững lại mất mấy giây rồi mới bối rối hỏi :

-Con..sao con lại nói thế?

Thấy tôi không trả lời bố hỏi tiếp:

-Con còn giận bố vì chuyện bố ép gả con hay sao? Con cũng biết là không phải bố cố tình ép con cơ mà?

Trong phòng lúc này chỉ có mình tôi với bố, các đồng chí chiến binh khác cũng giống anh Toàn tôi, cũng đang tranh thủ chút chiều tà để ra ngoài hít thở cái không khí ít mùi hóa chất dịch truyền hơn một chút.

Tôi nhìn ông cười:

-Vâng ạ, con biết bố không ép con, bên nhà chồng con cũng không ai ép uổng gì chồng con cả bố ạ, là tự tụi con đồng ý lấy nhau. Bố biết không, đến tận bây giờ con vẫn thấy mình may mắn khi được gả về bên đó, bố mẹ chồng rất yêu thương con. Còn chồng con thì bây giờ đã tự mở được một cửa hàng nước hoa thiên nhiên, tuy chưa có nhiều thành tựu lắm nhưng cũng đang ổn dần bố ạ, quan trọng là anh ấy được làm công việc mà mình thích, trước đây cũng có nhiều người nói chồng con là người lêu lỗng vô tích sự, nhưng con lại thấy chỉ cần được sống cuộc đời mà mình muốn thì dù trong mắt người khác mình có là người như thế nào cũng không quan trọng bố nhỉ?

Bố gật gù:

-Ừ, chồng con chí thú làm ăn bố mừng lắm, để bữa nào bố ghé chúc mừng chồng con sau. Từ đầu bố đã nói là nhà chồng con sống tình nghĩa, nhất định con về bên đó sẽ không phải chịu thiệt thòi mà.

-Vâng, bố mẹ chồng con thương con lắm, mà chắc ông nghĩ bố mẹ thương yêu con là chuyện đương nhiên nên bố chồng con chẳng bao giờ hỏi gì về số tiền mà ông đã cho con trước khi cưới nữa bố ạ, có lẽ ông nghĩ con đã dùng hai tỷ đó để lo cho đám cưới của chính mình.

Cơ mặt bố tôi bỗng chốc cứng lại, tôi thấy ông nuốt khan nước bọt mấy lần rồi mới lắp bắp nói:

-Con…. Con…

-Không sao bố ạ, dù sao thì cũng nhờ có số tiền đó mà con giữ lại được căn nhà mà gia đình chúng con đã cùng nhau trải qua bao thiếu thốn, bao khó khăn, nơi anh em con đã cùng nhau lớn lên. Bố biết không, đó không chỉ là nhà mà còn là tất cả ký ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của con. Con chỉ tiếc là, ngay từ đầu sao bố không nói rõ cho con về số tiền đó, lẽ ra con nên cảm ơn bố chồng con một tiếng mới phải ạ.

Bố tôi chỉ mấp máy miệng, ánh mắt nhìn tôi hơi áy náy:

-An này, bố xin lỗi, nếu con đã biết rồi thì bố không dấu nữa, nhưng con thông cảm cho bố, bố làm như thế cũng chỉ vì muốn cứu em Vũ con, đợt đó bọn giang hồ tìm tới tận nhà quậy, mà bố thì…

Giọng bố tôi khàn đặc, chùng xuống, hình như hai vai ông khẽ run lên một cái.

Trong lòng tôi chợt có chút xót xa, bố cả đời gầy dựng sự nghiệp, thậm chí vì muốn dựa hơi nhà vợ mà không tiếc rẻ đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà, thế nhưng đến cuối cùng lại trở về với hai bàn tay trắng, của cải cứ ngày ngày đội nón ra đi theo trò đỏ đen của thằng Vũ.

Có thể ngay từ đầu bố cũng không muốn ép tôi như thế, bố đã gặp Duy trước đó, mà hồi đó Duy còn có tiếng lêu lỗng không làm nên tích sự gì, nên nếu không phải cùng đường thì bố sẽ không làm như vậy.

-Bố xin lỗi, bố cũng chỉ vì muốn cứu em Vũ con, muốn cứu lấy tâm huyết cả đời của bố.

Tôi cười buồn:

-Con hiểu bố ạ, xem như bố bán đứa con này để cứu lấy đứa con khác, con người vốn dĩ ai cũng vậy, khi phải lựa chọn thì tất nhiên họ sẽ chọn thứ quan trọng hơn.

Cơ mặt bố tôi bỗng chốc cứng ngắc, cuối cùng ông tiến tới gần tôi một chút, gần tới mức tôi thấy đuôi mắt ông có thứ gì đó óng ánh chực chảy ra.

-Bố xin lỗi, nhưng không phải bố bán con, con đừng nghĩ như thế.

Tôi cười:

-Bố không cần phải xin lỗi con đâu ạ, mọi chuyện qua hết rồi, cuộc sống của con bây giờ thực sự rất tốt đẹp, không những có được gia đình chồng yêu thương mà anh trai con cũng đang ngày một khỏe lên bố ạ, bây giờ anh ấy còn sáng tác được cả nhạc nữa đấy, vừa có tiền lại vừa được thấy mình sống ý nghĩa nên tinh thần anh con tốt lắm, bệnh cũng nhờ thế mà ổn định rất nhanh, đến bác sĩ trưởng khoa ở đây còn ngạc nhiên đấy bố, hình như người tốt thì luôn được trời thương bố nhỉ?

-Bố…

Bố chỉ ngập ngừng nói tới đó rồi im lặng.

Tôi nói tiếp:

-Bố con từng dạy là người không tốt được với tất cả mọi người thì ít nhất phải sống chân thành được với người thân của mình, để khi đi ra thế giới bên ngoài có mỏi mệt thì còn có một mái ấm đủ ấm để trở về, anh em con từ nhỏ luôn nghe theo lời bố dạy, thế nên ngay lúc này đây con lại càng thấm thía câu nói sống tốt thì trời không phụ, có đợt anh con gầy còm toàn xương với xương, anh yếu tới mức uống nước cũng nôn ra hết, có ai ngờ anh con được như ngày hôm nay, đúng là trời thương bố ạ.

Không phải tôi vô tâm khi thấy bố lâm vào đường cùng như vậy, cũng không hẳn là không đau lòng khi em trai mình phải chui rúc trốn khắp nơi như thế, chỉ là so với những gì mà bố đã đối xử với tôi thì tôi lại thấy đau lòng cho bản thân mình nhiều hơn, ngoài cho tôi một nửa dòng máu đang chảy trong người ra thì bố chưa từng cho thêm tôi thứ gì dù là nhỏ nhất, thế mà khi cần người để gả về nhà giàu nhằm lấy tiền chuộc con trai thì bố lại thẳng tay ép gả tôi như thế.

Anh tôi nằm viện cả hơn một năm trời, có đôi khi sống chết chỉ cách nhau một gang tay thế mà bố không hề hỏi han, hôm nay đến đây cũng là vì mục đích gặp tôi để khuyên tôi nói giúp với bố chồng một tiếng, mà bố thì thấy tôi cứ nhắc đi nhắc lại nói trời thương nên có lẽ cũng biết tôi đang giận, ông không nói thêm gì chỉ im lặng thở dài. Hồi lâu tôi quay sang giục bố:

-Thôi bố về đi kẻo muộn ạ, anh con còn đi gặp bạn chưa lên, lát nữa con sẽ nhắn lại với anh con là có bố đến thăm ạ.

Bố nhìn tôi ngập ngừng một lát rồi mới cô độc bước đi:

-Ừ, thế bố về đây.

Tôi không tiễn bố mà bước thêm mấy bước về phía cửa sổ để nhìn ra ngoài, để bầu trời mênh mông ngoài kia khỏa lấp được cảm giác hỗn độn trong lòng, giận bố nhưng cũng thương cho bố vô cùng.

Tiếng cánh cửa vừa mở thì có một giọng nói từ bên ngoài truyền vào, giọng nói lạnh lùng quen thuộc:

-Con chào bố ạ.

Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.