Thời buổi này mà vẫn dưỡng được mình trắng trẻo mập mạp như thế, có thể thấy hương hỏa ở đạo quán của hắn quả thực rất thịnh.
Cũng đúng thôi, khi con người không thể tự cứu mình, luôn trông chờ thần Phật phù hộ.
Chỉ là chẳng nghĩ tới, điều Phật gia nói nhiều nhất chính là "tùy duyên".
Mà Đạo gia lại giảng rõ ràng nhất rằng "Đạo pháp tự nhiên".
Tóm lại, mọi thứ đều là số phận, bất kể tốt xấu, đều phải bình thản mà chấp nhận.
Kỷ Hoài uống một chén trà, ăn nửa đĩa điểm tâm, rồi ngồi giảng đạo pháp với ta suốt nửa canh giờ.
Ta vốn chẳng có ngộ tính gì, nhưng lại rất kiên nhẫn.
"Ta thấy nương tử quả thật có căn cơ giác ngộ.”
Hắn nheo mắt cười.
"Quả thực ta đã thấu triệt được câu ‘chết đạo hữu không c.h.ế.t bần đạo’.”
Ta đáp, cười nhẹ.
"Đây là đại trí tuệ, chỉ có người thông suốt mới có thể lĩnh ngộ."
Hắn đứng dậy, vung tay áo, nói muốn lấy 200 lượng vàng.
Ta mở ngăn tủ đầu giường, lấy 10 thỏi vàng mỗi thỏi 10 lượng, cộng thêm 50 lượng vàng hạt và vàng lá, bỏ vào hòm rồi gói lại.
Hắn tiện tay xách đi, lại lấy thêm gói điểm tâm ta đã chuẩn bị, ung dung ra khỏi cửa.
Chuyện này tuy nhỏ, nhưng nhìn là biết hắn có bản lĩnh.
Có thể tự bảo vệ mình đã là rất tốt.
Ít nhất trong thời điểm quan trọng, hắn có thể giữ mình an toàn, sẽ không làm rối Tống Thập Bát.
Ta thở dài, vì sự ích kỷ và thiển cận của mình.
Một người thông minh như thế, làm sao có thể gây rối?
13
Tháng Tư cùng năm, Quách Hưng tự phong làm Hán Vương.
Cuối tháng, Ninh Uy Hầu g.i.ế.c c.h.ế.t Khánh Đế, tự xưng vương, quốc hiệu là Ngô, niên hiệu Kiến An.
Tống Thập Bát dọc đường chiêu binh mãi mã, đến khi tới Kiến Ninh, đô thành Tây Thục, dưới trướng đã có hơn ba vạn binh mã, hai nghìn ngựa chiến.
Ta ở lại Xương Châu.
Xương Châu chính là gốc rễ của Tống Thập Bát, là nơi khởi đầu, cũng là đường lui của hắn.
Ta giữ Xương Châu, chính là giữ đường lui cho hắn.
Khi Yến Vạn Tam rời đi, mang theo vợ con, Tam Nương gả cho một Bách phu trưởng dưới trướng ca ca nàng. Đôi vợ chồng son không nỡ chia lìa, Tam Nương cũng đi theo.
Chỉ có Ngũ Nương không chịu rời, nhất quyết ở lại Xương Châu.
Tính nàng bướng bỉnh, không ai làm gì được, đành để nàng ở lại.
Nàng lẽo đẽo đi theo ta, học đọc học viết, giúp ta chăm sóc Hỉ Cô.
Nàng muốn ta đặt cho nàng một cái tên, nhưng ta không đặt, vì không biết nên đặt tên như thế nào để xứng với nàng.
Tên của con cái vốn là kỳ vọng của cha mẹ.
Kiến Ninh cách Xương Châu hơn bốn trăm dặm, gửi một lá thư cực kỳ khó khăn.
Nhiều chuyện từ Kiến Ninh truyền đến Xương Châu đã qua nửa tháng.
Tống Thập Bát tới Kiến Ninh một năm, chỉ gửi một lá thư.
Thư viết nguệch ngoạc vỏn vẹn bốn chữ, vừa nhìn liền biết là do chính tay hắn viết:
"Kiến tự như ngộ" (Thấy chữ như gặp mặt).
Viết cũng như không viết, có gì khác biệt?
Nhưng ta ép lá thư vào ngực, cảm giác như hắn đang ở ngay trước mắt.
Ba năm thoáng cái trôi qua, Hỉ Cô đã biết đọc thuộc Tam Tự Kinh.
Người ta nói, khi bận rộn thời gian sẽ trôi qua nhanh chóng.
Ta ở Xương Châu mở một tiệm gạo, nuôi mấy chục chưởng quầy, dựa vào danh tiếng của Tống Thập Bát, từ Xương Châu mở rộng tiệm gạo đến tận Trường An.
Việc làm ăn của ta chính là phục vụ Quách Hưng.
Lương thực trong quân đội của hắn đều xuất phát từ tiệm gạo của ta.
Số bạc ta kiếm được từ tay Quách Hưng, một phần nộp lên cho hắn, phần còn lại là để hỗ trợ Tống Thập Bát.
Hắn muốn tiến về phía trước, muốn thu phục lòng người, có dũng có mưu nhưng không có tiền bạc, thì không thể thành đại sự.
Những người muốn đưa tiền cho hắn không ít, nhưng người ta cho hắn, chắc chắn sẽ có điều kiện. Đến lúc đó, đó chính là lý do để ép buộc hắn.
Hắn không thể vì bất cứ lý do nào mà bị người khác kiềm chế.
Quách Hưng và Thành Vương như đã hẹn trước, đều dốc sức tiến về phía bắc.
Cứ như thể ai tới được Trường An trước, người đó sẽ được xem là chính thống.
Cuối cùng Thành Vương không địch nổi Quách Hưng, chậm hơn một bước.
Ngô Vương không chống lại được Quách Hưng, bỏ thành mà chạy, nghe nói trên đường trốn chạy, đến con mình cũng bỏ lại xe ngựa.
Nhưng cuối cùng, hắn c.h.ế.t dưới tay chính thê của mình.
Một kẻ vì mạng sống mà không thèm để ý đến con mình, c.h.ế.t cũng đáng.
Trùng hợp là, Quách Hưng còn chưa vào được Vĩnh An thành, đã c.h.ế.t ngay trước cổng thành.
Nghe đồn là vì quá vui, nên c.h.ế.t đột ngột.
"Nương tử, tỷ nói xem, Quách Hưng thật sự c.h.ế.t vì vui sao?"
Ngũ Nương chống cằm bằng cả hai tay, nhíu chặt mày hỏi.
"Mẫu thân, thật vậy sao?" Hỉ Cô ngây thơ hỏi theo.
Hỉ Cô cũng bắt chước Ngũ Nương, chống cằm cố gắng nhíu chặt mày.
Ta xoa đầu Hỉ Cô, mái tóc mềm mượt như tơ. Con bé lớn lên càng giống cha nó.
"Nếu con tin, thì đó là thật."
"Nếu không tin thì sao?" Ngũ Nương hỏi tiếp.
"Vậy thì cứ từ từ nghĩ, không tin chắc chắn là có lý do."
Ta đặt kim chỉ trong tay xuống, nhìn ra ngoài cửa sổ.
Gió thổi qua, cánh hoa mơ rơi đầy một lớp.
Lại một mùa xuân nữa đến.
Cũng vào mùa xuân năm ngoái, Quách Hưng gả nữ nhi út của hắn cho Tống Thập Bát, còn tự tay đặt tên và tự hiệu cho hắn.
Tên là Tranh, tự Cảnh Hòa.
"Nương tử mà không nói, ta cả đời cũng chẳng nghĩ ra."
Ngũ Nương thở dài.
Hỉ Cô cũng bắt chước nàng thở dài.
Ta lại bắt chước Hỉ Cô, cũng thở dài.
Hỉ Cô vui vẻ, vỗ tay cười giòn giã.
Vô ưu, vô lo, thật tốt biết bao.
"Mẫu thân, con muốn ăn một bát hoành thánh nhân thịt."
Ta cắn môi, gật đầu đồng ý.
"Nương tử ngày ngày như kẻ buôn tiền, buôn bán lương thực khắp nơi. Người trong thành nhắc đến nương tử, đều nói rằng mấy năm qua nương tử đã kiếm hết tiền thiên hạ, sao chúng ta vẫn khổ thế này? Ngay cả một bữa thịt cũng khó ăn?"
Ngũ Nương nghiêng đầu, còn ngây thơ hơn cả Hỉ Cô.