🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau

Nữa đêm vừa cố chợp mắt được một lúc thì mẹ tôi gọi điện, giọng bà cuống quít:
-Con ơi, thằng Gạo bị sốt từ chiều, mẹ giã cỏ mực cho cháu uống mà vẫn không thấy đỡ, giờ làm sao con?
Tôi hoảng hốt bật dậy dặn mẹ:
-Mẹ giặt khăn ấm lau người cho Gạo đi, thuốc hạ sốt con bỏ trong ba lô ngăn kéo ngoài cùng ấy mẹ, cái gói màu cam cam, mẹ mở ra con chỉ cho.
Giọng mẹ tôi càng lúc càng cuống:
-Đâu nào, ông ơi ông nghe điện thoại của con đi, nó chỉ cái gói gì mà pa ra pa ra gì đó, ôi giời ơi sao cháu tôi nóng thế này.
Nghe tin con sốt tôi cũng quýnh cả lên, lại nhớ lúc nhỏ có lần thằng Sang bị sốt co giật nên cứ ám ảnh mãi, vừa lật đật nhét mấy bộ quần áo vào ba lô vừa mếu máo dặn ba cách pha thuốc:
-Ba ơi cho Gạo uống xong ba đưa nó xuống bệnh viện giúp con luôn nha ba, ba nhớ để ý thân nhiệt cháu thường xuyên nhé.
Ba tôi cũng cuống quýt:
-Ừ ừ, để ba xem sao rồi ba đưa xuống viện, con cúp máy đi lát ba gọi lại.
Ngày chị em tôi còn nhỏ nóng sốt cũng chỉ vài nắm lá vặt ngoài vườn là lại khỏe re nên tính ra ít khi ông bà đưa tới viện, giờ nửa đêm nửa hôm Gạo lại sốt thế này tôi vừa lo cho Gạo lại vừa lo cho ba mẹ, tôi không đợi được nữa nên sau khi nhét hết mấy bộ quần áo thì lật đật xách ba lô lao xuống gõ cửa phòng cô Lâm:
-Cô ơi, cô ngủ chưa?
Cô Lâm nghe tiếng tôi vội vàng mở cửa rồi cũng hốt hoảng khi nhìn thấy tôi xanh như tàu lá.
-Có chuyện gì thế cháu?
-Cháu phải về cô ạ, con cháu bị sốt cao.
Cô Lâm nghe tôi nhắc tới con thì thoáng giật mình rồi cũng lật đật hỏi:
-Không được đâu, nửa đêm thế này làm gì có xe nào chạy ra ngoài đó, cháu chịu khó đợi thêm một lúc nữa, sáng sáng rồi hẵng về.
Tôi vừa kiếm chìa khóa vừa chạy nhanh ra mở cổng rồi nói với cô:
-Để cháu thử ra bến xe cô ạ, nếu không có thì cháu đợi ngoài đó cũng được chứ giờ ngồi đây cháu không yên tâm.
Lúc này chú Tùng cũng đã dậy, chú bình tĩnh nói:
-Giờ này cháu có ra bến xe thì cũng không có xe đâu, cháu chịu khó đợi mai mình đón chuyến xe sớm nhất ra cháu ạ.
-Chú ơi sáng mai cỡ mấy giờ có xe ạ?
-Tầm bốn rưỡi, năm giờ gì đó.
Tôi liếc nhìn đồng hồ, giờ này mới hơn mười một giờ đêm, nếu đợi thì cũng phải gần sáu tiếng nữa, tôi nóng hết cả ruột gan cứ đi đi lại lại mấy vòng, cuối cùng không đợi được nữa tôi nói với chú Tùng:
-Chú chở cháu ra bến xe với, may ra có chuyến xe khuya thì cháu về luôn ạ.
Chú Tùng cũng dắt xe ra định chở tôi đi nhưng khi tôi chưa kịp leo lên xe thì cô Lâm lại lật đật chạy ra níu tôi lại, đoạn quay sang nói với chú Tùng:
-Thôi anh ơi, đợi mai sớm rồi tìm xe quen cho con bé chứ đêm hôm thế này để nó đón xe dọc đường em không yên tâm.
Chú Tùng nghe cô Lâm nói thế thì chững lại kêu tôi ở lại đợi tới sáng, chúng tôi cứ dùng dằng như thế trước cổng nhà một lúc thì tôi thấy có một chiếc xe đang chạy chầm chậm về phía mình, chiếc xe trờ thêm một đoạn nữa thì dừng lại, người đàn ông trên xe bước ra nhìn ba chúng tôi hỏi:
-Tôi thấy cô này mang theo ba lô, ba người cần đi đâu à?
Lúc đó tôi đang hoảng quá, lại có người hỏi như thế nên đánh liều bước mấy bước tới trước mặt anh ta nói:
-Tôi cần về quê gấp, anh có thể đưa tôi về dùm được không?
-Quê cô ở đâu?
-Phú Yên.
Lúc nghe tôi nói xong khuôn mặt anh ta lộ vẻ ngạc nhiên tột độ, xe của anh ta là dòng xe hạng sang, anh ta cũng không có vẻ gì là lái xe chở khách cả, huống hồ từ đây về tới quê tôi chí ít cũng phải cả chín mười tiếng đồng hồ, tôi mà thuê xe này về tới nơi thì chắc móc luôn tiền công hai tháng ngồi may ra để trả, nhưng tôi không nghĩ được nhiều như thế, chỉ muốn làm sao để về nhanh nhất với con có thể mà thôi.
Anh ta hơi chần chừ một lát rồi mở cửa xe, mặt hơi hất về phía tôi ra hiệu:
-Tôi cũng đang trên đường ra nhà vợ sắp cưới ngoài đó, xem như trùng hợp, cô lên xe đi tôi chở về luôn.
Cô Lâm không cản được nên đành để tôi lên xe, khi xe chuẩn bị đi rồi còn lẩm nhẩm đọc đi đọc lại biển số xe mấy lần.
Lúc này bên ngoài sương đã xuống nên nhiệt độ bên trong càng lạnh hơn, trong xe có mùi hương nồng nồng âm ấm, thứ mùi hương làm tôi thư thái hơn một chút, dễ chịu hơn một chút, trong đêm tối tôi vô thức cười buồn bã, hình như cái mùi hăng hắc nồng nồng của quế luôn khơi dậy trong tâm khảm của tôi một chút ký ức nào đó.
-Cô có việc gì mà về gấp vậy?
Người đàn ông kia cất tiếng hỏi cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, tôi giật mình lắp bắp:
-À, à, con tôi bệnh nên tôi sốt ruột muốn về liền.
-Thế à, thế chồng cô đâu mà chỉ mình cô về.
-Tôi chưa có chồng.
-À.
-Anh ra nhà vợ à, mà nhà vợ anh ở đâu ạ?
Tôi thấy anh ta cứ ấp úng một lát rồi mới trả lời:
-Nhà vợ tôi cùng quê với cô, tôi thích đi vào giờ này, vừa mát mẻ vừa đỡ kẹt xe.
Tôi với anh ta nói thêm vài câu qua quít, sau đó vì mệt quá nên dựa vào ghế thiếp đi một lát, suốt cả quãng đường hình như anh ta liên tục nghe điện thoại của ai đó, tôi nghe anh ta hỏi đường đi gì đó nhưng cũng không để ý lắm, đến khi nghe tiếng anh ta gọi mới giật mình mở mắt ra thì thấy xe đang đỗ trước con hẻm vào nhà mình.
-Đây đã phải nhà cô chưa?
Tôi tròn mắt nhìn anh ta:
-Sao anh biết nhà tôi chỗ này?
-Thì lúc lên xe cô có nói địa chỉ nhà cho tôi rồi mà, tôi ra đây thường xuyên nên rành đường lắm.
Lúc đó tôi cũng không nhớ rốt cuộc mình đã cho anh ta địa chỉ từ lúc nào, nhưng về được tới nhà là may cái đã, anh ta nhiệt tình đi theo hướng dẫn của tôi chở về tới tận cổng. Tôi vội lao vào nhà, vừa đi vừa hét to gọi mẹ:
-Mẹ ơi, mẹ, cu Gạo sao rồi?
Mẹ tôi đang bế Gạo trên tay, thằng nhỏ nằm oặt ẹo trên tay bà ngoại, mẹ dơ tay ra hiệu tôi im lặng:
-Cả đêm nó quấy có ngủ được đâu, mãi tới sáng mới thiếp đi được một lúc nên mẹ thương, mẹ bế cho nó ngủ.
Gạo còn nóng hầm hập, hai cánh tay tím lên từng mảng, tôi bế con rồi quay sang hỏi mẹ:
-Sao lúc tối con kêu mẹ đưa cháu đi viện mà mẹ không đưa đi?
-Tại lúc đó ba con cho thằng bé uống thuốc, một lúc sau thấy nó mát hơn nên mẹ thôi, thời buổi này ở bệnh viện dịch bệnh tùm lum, cực chẳng đã mới phải bắt con tới đó con ạ.
Thật ra sau thằng Sang tôi còn có một đứa em nữa, đợt nó bị viêm phổi sốt cao, nằm viện được mấy ngày thì nó mất, năm đó nó bốn tuổi. Tôi biết cái chết của em trai đã ám ảnh ba mẹ cho tới tận bây giờ, sau này tụi tôi có ốm đau gì mẹ cũng nhất quyết không đưa đi bệnh viện nữa, mẹ nói đưa tới viện lỡ có chuyện gì sao mẹ chịu nổi, thà mẹ cứ để chúng tôi ở nhà uống qua quít cũng xong.
-Dạo này đang có dịch sốt xuất huyết đó, cô đưa thằng bé tới bệnh viện đi.
Nãy giờ vì cứ cuống lên mà tôi quên mất người đàn ông đã chở mình về, không biết anh ta đã đi vào tới nhà từ lúc nào, sực nhớ mình chưa trả tiền xe nên đâm ra ái ngại:
-Xin lỗi anh, lúc nãy vội quá nên tôi chưa kịp trả tiền xe.
-Cái đó để sau đi, cô đưa bé ra xe sẵn tôi đưa tới bệnh viện luôn.
Tôi bế Gạo rồi lật đật theo chân người đàn ông đó ra xe, vừa leo lên xe thì anh ta đạp chân ga lao vèo một cái, nhanh đến mức trống ngực tôi vẫn còn đập thình thịch thì tôi đã thấy xe đậu trước cổng bệnh viện. Anh ta xuống mở cửa xe cho tôi, còn cố dặn với theo tôi hãy bình tĩnh.
Bác sĩ xét nghiệm máu cho Gạo rồi kêu tôi đi làm thủ tục nhập viện, Gạo bị sốt xuất huyết, lúc này tôi mới nhớ nãy cuống quá mà tôi để luôn cả ví tiền và giấy tờ trong balo cả, đang loay hoay thì may mà ba tôi chở mẹ vừa kịp tới. Làm xong thủ tục nhập viện cho con tôi nhờ mẹ trông chừng Gạo còn mình thì đi ra nhà xe tìm người đàn ông đã giúp đỡ mình, thú thực lúc đó ngay cả tên của anh ta tôi cũng chưa kịp hỏi.
Tôi đi tới đưa tay gõ gõ vào cửa kính mấy cái, hình như anh ta đang ngủ, nghe tiếng động mới hạ kiếng xuống, vừa đưa tay dụi mắt vừa thò đầu ra hỏi tôi :
-Con cô sao rồi ? Có phải nhập viện không ?
Lúc đó tôi thật sự áy náy, đành rằng nếu không có tôi thì anh ta cũng ra nhà vợ ở ngoài này, nhưng lại vướng thêm việc chở Gạo nên thành ra tới giờ này vẫn còn phải ngồi đợi tôi ở đây nên tự nhiên tôi đâm ra ngại kinh khủng :
-Thằng bé bị sốt xuất huyết anh ạ, tôi mới làm thủ tục nhập viện xong, bác sĩ nói phải ở lại theo dõi mấy ngày.
Anh ta mở cửa xe bước xuống, mắt ngó nghiêng nhìn vào trong rồi quay sang tôi, hai hàng lông mày hơi nhíu lại :
-Nãy tôi thấy chỗ khám bệnh đông quá, thế con cô có giường nằm chưa ?
Chắc anh ta cũng biết đang vào mùa cao điểm của dịch, các bệnh viện hầu như quá tải nên mới hỏi tôi thế. Tôi trả lời :
-Con tôi đang nằm tạm ở giường xếp chỗ hành lang, trong phòng giành cho mấy bé mệt hơn nhưng dù sao thì như thế cũng là may rồi.
-Thế cô không thuê phòng dịch vụ à, con đang sốt nằm hành lang sao mà chịu nổi ?
-Phòng dịch vụ cũng kín người anh ạ.
Tôi vừa nói vừa mở ví ra, lấy mấy tờ tiền cầm trên tay rồi hỏi :
-Cảm ơn anh nhiều lắm, nếu không có anh thì giờ này tôi còn chưa về được tới đây, anh còn chở mẹ con tôi xuống bệnh viện nữa. Anh cho tôi gửi tiền để còn về nhà vợ nữa.
-Năm trăm.
Nghe anh ta nói thế tôi nghĩ mình nghe nhầm nên nhướn mắt nhìn anh ta tỏ ý hỏi lại thêm lần nữa.
-Tiền xe của cô hết năm trăm.
Tôi vẫn giữ nguyên mấy tờ tiền trên tay, vì không biết nói gì cả nên cứ nhăn mặt đứng nhìn.
-Tôi chỉ lấy tiền chở cô từ bệnh viện tới đây thôi, còn từ Đồng Nai về đây thì coi như tôi cho cô đi nhờ xe, dù sao thì có thêm cô tôi cũng không tốn thêm tiền xăng, dọc đường lại có người cùng nói chuyện cho đỡ buồn ngủ.
Tôi cứ đứng chần chừ mãi, anh ta chở tôi quãng đường xa xôi như thế trong đêm, năm trăm thì bỏ bèn gì ?
Anh ta thấy tôi ngập ngừng liền đưa tay rút một tờ tiền năm trăm ngàn trên cùng rồi quay sang cười với tôi :
-Cô không cần phải mất tự nhiên thế đâu, kiểu gì sau này chúng ta chẳng gặp lại, khi đó chỉ cần cô mời tôi ăn một bữa là được. Thôi cô vào lo cho con cô đi.
Tôi cứ đứng ngẩn ra, mãi đến khi anh ta bước lên xe rồi mới giật mình hỏi:
-Thế anh cho địa chỉ nhà vợ anh đi, khi nào con tôi ra viện tôi tới tìm anh?
Anh ta khoát tay:
-Nhà vợ tôi ở gần đây, nhưng cô không cần tới đâu, sau này gặp lại.
Tôi thất thểu quay trở lại chỗ con, hành lang chật kín người nên phải chen chúc mãi mới qua được, Gạo đang mân mê với cái ô tô đồ chơi mơi mua, từ lúc tôi về tới giờ mới thấy lại được nụ cười của con, tôi đứng nhìn con lúc này mới thở phào được một cái. Khuôn mặt mẹ tôi cũng giãn ra, có lẽ mẹ cũng đã ám ảnh và sợ hãi giống như tôi.
Mẹ kéo tay tôi ngồi xuống rồi nói:
-Mẹ ép mãi mới được nửa chén cháo con ạ, liều thuốc cô y tá mới phát tí nữa con hãy cho cháu uống nhé, uống giờ mất công nó ói tội nghiệp.
Tôi ngồi nép vào một góc nhỏ của cái giường xếp, trời càng về trưa thì ánh mặt trời càng chiếu thẳng vào chỗ chúng tôi, vừa chật chội, chen chúc, nóng nực, mấy đứa nhỏ vừa mệt vừa nóng cứ khóc ầm cả lên. Tay mẹ tôi phe phẩy cái quạt quay sang giục tôi :
-Con cũng kiếm cái gì mà ăn đi, từ sáng tới giờ chưa ăn gì cả.
Tôi tranh thủ lúc mẹ còn ở đây chạy xuống dưới mua hộp cơm, đi tới gần cầu thang thì thấy một bác sĩ từ sau lưng tôi gọi to:
-Quân, Quân.
Sau đó bác sĩ này chạy nhanh vượt mặt tôi để kịp người đang đi phía trước.
Lúc người đàn ông tên Quân vừa được gọi tên đó quay lại tôi mới nhìn rõ mặt, thì ra là người lúc nãy đã chở tôi về, không biết sao giờ này anh ta còn ở đây nữa.
Người bác sĩ mới chạy qua tôi vỗ vai bạn rồi hỏi:
-Làm bác sĩ ở bệnh viện lớn có khác, mấy lần vào trong đó tập huấn mà gọi mãi không được. Hôm nay có việc gì mà ra ngoài này vậy?
-Ừ, tôi có việc ra đây, sẵn ghé nhờ ông chút chuyện.
Tới lúc hai người đó đi khuất rồi tôi vẫn còn nghĩ mãi, lúc trên xe thì vì tối quá nên không nhìn rõ mặt, lúc về nhà rồi thì cứ cuống quýt lo cho con nên giờ mới nhận ra người này nhìn rất quen, hình như tôi đã từng gặp ở đâu đó nhưng cuối cùng nghĩ mãi cũng không ra.
Sau chín giờ tối thì bệnh viện không cho người thăm ở lại nữa, mỗi bệnh nhi chỉ có một người nhà ở lại nên hành lang rộng rãi hơn môt chút, không khí cũng dịu lại, dù vẫn còn hơi nóng hầm hập nhưng may có vài luồng gió thổi tới mang hơi nước từ biển vào nên dễ thở hẳn. Chúng tôi trải manh chiếu nhỏ ngay dưới chân giường để tranh thủ chợp mắt một chút, lúc này ai cũng mệt rã rời. Đang thiu thiu ngủ thì tôi nghe tiếng gọi nhỏ:
-Nghi. Nghi ơi!
Tôi rướn mắt nhìn thấy anh Hoàng đang đưa mắt dáo dác tìm, không muốn anh tìm lâu ảnh hưởng tới người xung quanh nên tôi lật đật đứng dậy vơ lấy sợi thun cột tóc rồi chạy ra kéo tay anh:
-Anh Hoàng, sao anh biết em ở đây?
-Ừ. Gạo sao rồi em?
-Vẫn nóng hầm hập anh ạ, bác sĩ nói phải sốt chừng một tuần, khi nào xuất ra thì mới hết được.
Anh Hoàng liếc nhìn thằng bé đang nằm ghẹo cổ trên giường rồi túm lấy balo của tôi:
-Bỏ hết đồ vào đây đi anh xách cho, em đưa thằng bé theo anh.
-Đi đâu hả anh?
-Lên phòng dịch vụ, có người mới chuyển viện nên còn giường trống, nhanh lên em.
Tôi vừa mừng lại vừa bị anh Hoàng hối nên lật đật làm theo, đi được nửa đường mới sực nhớ giờ này đang là nửa đêm vội quay sang hỏi:
-Sao giờ này anh Hoàng vào được đây?
-Anh nhờ bạn anh xin, đưa hộp sữa đây anh cầm cho.
Anh Hoàng đúng là tài thật, thường thì bệnh viện không cho người vào lúc tối muộn thế này đâu, thế mà anh vừa xin vào được lại vừa tìm được phòng cho tôi nữa.
Gạo nằm viện một tuần thì được về nhà, hôm hai mẹ con tôi về tới tiệm thì có vài người hàng xóm tốt bụng mang sang cho bé ít quà quê, con Tâm vừa bế Gạo vừa nựng:
-Cục vàng của dì đi học một khóa bác sĩ về đây rồi à?
Tôi ép cho Gạo uống nốt chỗ thuốc, thấy thằng bé mím môi lắc đầu nguầy nguậy, cứ đút vào một muỗng lại phun ra hết hai muỗng, Tâm giành luôn cái ly trên tay tôi:
-Đưa đây em đút cho, phải thế này này, chị phải mạnh tay vào.
Tôi đưa ly thuốc cho Tâm, mấy cái trò ép con uống thuốc này tôi non tay lắm, Tâm cho Gạo uống hết xong bế xốc lên dỗ dỗ:
-Chó con ngoan, chó con của dì ngoan, chiều mát trời dì cho ra đê thả diều nhé.
Nói rồi như sực nhớ gì đó Tâm quay sang tôi:
-Chị ơi, thế lần trước chị nói chuyện tăng tiền thuê nhà với cô Hai tới đâu rồi?
-Chị chưa nói, mà sao thế?
Tâm gãi gãi đầu thắc mắc:
-Tại em thấy mấy hôm trước cô có một người đàn ông cứ đứng nhìn nhìn vào nhà này nè, em tưởng người đó thuê nhà.
Đợt trước tôi hứa với cô Hai sau khi về sẽ tới nói chuyện lại nhưng vì Gạo bệnh thành ra mãi tới bây giờ chưa tới được, đang định dặn Tâm trông em để lên trên đó thì thấy cô Hai đứng trước cổng, cô còn xách theo bịch trứng gà đưa cho tôi:
-Nghe nói thằng Gạo nằm viện mà cô có tới được đâu. Đây, có chục trứng gà nhà mới đẻ cháu mang vào cho nó.
Chưa kịp lên tiếng hỏi cô về tiền nhà thì cô đã nói trước:
-Còn cái chuyện tiền nhà hôm bữa cô nói với cháu đó, chú mày mới nạt cho cô một trận xong, ông ấy nói nhà mình thiếu đi một tháng dăm bảy trăm chẳng bỏ bèn gì nhưng mày thì mua cho con được cả vài hộp sữa, cô chú quí mày là quí ở cái thật thà, chịu khó làm ăn lam lũ. Cô cũng nghĩ kỹ rồi, cho người khác thuê mấy ai mà ăn ở thuận hòa với hàng xóm, lại cẩn thận sạch sẽ như mày, giờ cô không tăng tiền nhà đâu nhé, hai mẹ con mày cứ ở lại đây cho vui.
Tôi ngạc nhiên:
-Thật thế hả cô?
-Ừ, thật, mảnh đất phía trước mày xem trồng được gì thì cứ trồng đi nhé.
-Thế cháu trồng rồi cô có nhổ mất của cháu nữa không ạ?
Cô Hai nhìn tôi một lát rồi nói:
-Không, mà trên nhà cô còn ít hạt giống, để bữa nào cô mang xuống đây hai cô cháu mình trồng cho vui.
Lúc nghe tôi kể lại Tâm cứ hồ nghi không tin, nó nói không dưng mà cô Hai lại thay đổi thái độ như vậy cả, nó suy nghĩ một chút rồi hỏi:
-Có khi nào là người đàn ông kia nói gì không chị nhỉ?
Tôi nhăn mặt nạt nó:
-Người đàn ông nào? Luyên thuyên.
-Thì cái người em nói với chị là em thấy mấy lần ấy, hôm nọ em thấy người đó nói chuyện gì với cô Hai nhưng cứ nghĩ nói chuyện thuê nhà hay mua nhà gì đó nên không để ý.
Tôi không trả lời, trước giờ Tâm vốn nổi tiếng với biệt danh là camera chạy bằng cơm, chẳng có biến to biến nhỏ gì của xóm mà qua mắt được nó cả, đã thế còn có tài suy diễn, như chuyện của tôi đây, chỉ cần nhìn thấy có người vừa nói chuyện vừa chỉ chỉ vào đây là nghĩ ngay ra người đó có liên quan tới tôi, hay thật.
-Mà giờ em mới để ý nhá, cái người đó mấy lần lảng vảng ở đây rồi, có hôm mãi tới nửa đêm em còn thấy đứng hút thuốc chỗ đầu đường ấy, đầu gần chỗ quán tạp hóa kia kìa.
Lúc đó tôi đang lúi cúi rửa bình sữa cho Gạo, nghe Tâm nói thế tự nhiên giật mình một cái, hình ảnh người đàn ông đứng hút thuốc lá lúc nửa đêm cứ ám ảnh tôi mãi tới tận khuya, trong lòng trồi lên một thứ cảm giác khó tả, tôi như người mất trí đứng dậy đi ra cổng rồi đứng ngó mãi ra phía tiệm tạp hóa bên kia đường, trước mắt tôi chỉ là một màn đêm cô đặc, tôi đứng hồi lâu rồi bần thần quay vào, không quên tự mỉa mai cái ý nghĩ huyễn hoặc của bản thân một chút.
Mấy ngày sau rỗi hơn tôi chạy tới cửa hàng của anh Hoàng, vừa để cảm ơn anh Hoàng vừa để cảm ơn mấy anh chị ở đó đã gửi quà hỏi thăm Gạo hôm ở bệnh viện. Nói chuyện với mấy chị ở đó một lúc thì chị Oanh rủ:
-Chủ nhật tuần này bọn chị định ra biển cắm trại, em đi cho vui, sẵn cho thằng nhỏ đi chơi luôn.
Tôi suy nghĩ một chút rồi lặng lẽ lắc đầu từ chối, hình như lần cuối cùng tôi ra biển là đợt đi cùng anh hôm đám hỏi tôi, mãi sau này tôi không bước chân ra đó lần nào nữa, dù nhà tôi gần biển, dù nghỉ hè nào thằng Sang cũng muốn kéo tôi ra đó nhưng tôi sợ khi đứng trước biển cả mênh mông tôi không kìm được lòng mình mà để cho những thổn thức trong lòng dậy sóng, từ sau khi gặp lại anh, tôi mới biết hóa ra tôi chưa từng quên anh, hóa ra thời gian chẳng là gì cả, tôi đã ghi nhớ anh từng chút một như bàn chân lặng lẽ bước trên cát nhưng để lại dấu thật lâu.
Cửa hàng bắt đầu đông khách, tôi cũng có nhiều việc ở nhà nên không ở lại lâu được, chỉ nán lại thêm một chút rồi về, vừa bước chân ra tới cửa thì va vào một người, tôi khựng lại, sững sờ, toàn thân như bị tê cứng đi mấy giây mới có thể lắp bắp lên tiếng:
-Anh.
Không phải tôi chạy trốn anh, cũng không phải tôi không giám đối diện với anh, nhưng gặp lại trong khi lòng tôi đang bất giác nghĩ về anh thế này tôi thấy mình đáng thương quá.
-Em có sao không?
Tôi hít hít một hơi dài để tống cái cục gì đó nặng nề nơi cổ ra khỏi người, không cố nén lại nữa, tôi phải tống nó ra ngoài.
-Em không sao.
Tôi ngẩng cao đầu định bước đi nhưng ánh mắt chợt lướt qua cái áo anh đang mặc trên người, là cái áo tôi mới may cho anh hôm vào lại Đồng Nai, cái áo màu xanh nhạt, tự nhiên tôi chùng xuống, miệng lẩm bẩm:
-Hình như hơi rộng.
-Hơi rộng, tại dạo này anh gầy hơn.
Tôi không nghĩ lời lẩm bẩm trong cổ họng mình lại bị anh nghe thấy.
-Em xin lỗi, hôm đó em vội quá, sao anh không nói cô Lâm sửa lại cho anh?
Thành khoát tay:
-Không cần đâu, cái gì đã thành thói quen thì cũng không dễ dàng gì thay đổi được.
Lúc đó tôi nghĩ anh đang nói mình, tôi đã may áo cho anh như một thói quen, quen đến mức hai năm sau gặp lại, đo lại, biết anh gầy hơn nhưng vẫn không thể quên được số đó ngày đó, vẫn may cho anh cái áo như những ngày đầu. Giờ phút này tôi thấy mình đúng là kẻ thất bại, đứng trước anh lần nào tôi cũng là kẻ thất bại.
Tôi không về nhà mà chạy ra công viên lang thang như người mất hồn, vài giọt nước mắt ít ỏi rơi ra, đau cho tôi, đau cho cả anh. Tôi biết trong đời này mình đã từng gặp nhiều người tốt như anh Hoàng, nhưng một người vừa tốt với tôi vừa là bạn thân của anh là điều không thể. Cả người mấy hôm trước đã chở tôi về trong đêm nữa, bây giờ tôi mới nhận ra đó là người bác sĩ đã khám cho tôi ngày đó, cũng là người mà sau này mỗi lần tôi bị mẹ chồng mắng vì ăn vớ vẫn gì đó thì anh hay nói “thằng Quân nó nói là…”. Từng chút suy nghĩ một cứ mơ hồ trong tôi rồi dần dần hiện rõ, hình như anh chưa từng rời xa mẹ con tôi???
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.