Người thành công luôn có lối đi riêng. Giả như việc tôi xin xỏ được một chân đứng bên cạnh Sạ hôm thi bắn cung để xem việc đón tiếp sứ thần thế nào, đến hôm nay thì trời xui đất khiến tôi phải đứng phơi nắng ở đây. Đáng kiếp tôi lắm, nghiệp không đến sớm cũng không đến muộn, nghiệp đến đúng lúc.
Tôi đứng bên cạnh Lịch Vũ, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn phải cố tỏ ra trang nghiêm tử tế. Xung quanh tôi hơn ba chục người ai nấy ăn vận như đi đánh trận đang đứng ở vị trí được ấn định. Tôi giữ chắc cái lọng trên tay mình, quay sang nhìn Lịch Vũ thỏ thẻ:
"Chỉ huy sứ, che như thế này được chưa ạ?"
Lịch Vũ gật đầu.
"Nàng tự che cho mình đi."
Tôi cười nhăn nhở, nhiệm vụ của tôi hôm nay chỉ có mỗi đứng hầu cho Lịch Vũ mà cũng không xong thì về nhà sẽ bị đuổi đi mất.
Nói xuôi thì phải kể ngược về ngọn ngành câu chuyện. Sau buổi thi bắn cung đấy Thiệu Việp tỏ ý vẫn muốn thể hiện uy phong của thiên triều thêm nữa. Nhân dịp vô tình thấy Sạ đang học chơi cờ tướng(0) với Hoàng Thành Nhã liền cười khẩy, cho rằng không chỉ nước cờ chưa cao mà ngay cả bộ cờ bằng ngọc hoàng tử dùng cũng thấp kém vụng về.
Chuyện nhà Tống khinh rẻ Đại Cồ Việt chẳng phải ngày một ngày hai. Hồi Tống Cảo sang đi sứ(1),lúc về không chỉ bẩm lên vua Tống chê kiến trúc nước ta quê kịch, dân chúng nghèo nàn mà vũ khí sử dụng cũng thô sơ chẳng có gì(2). Chuyện này không hiểu bằng cách nào đến tai Đại Hành hoàng đế, lẽ đương nhiên là Long Đĩnh cũng biết. Nghĩ kỹ lại thì quả thật nực cười, nếu vũ khí Đại Cồ Việt thô sơ như lời Cảo thì việc nhà Tống bại thê bại thảm trong tay một nước vừa nhỏ vừa nghèo chẳng há làm trò cho thiên hạ hay sao?
Quay trở lại với Thiệu Việp, mấy lời đấy Long Đĩnh ghi nhận, hẹn sáng hôm sau đến sân rồng để Việp được chơi thử một bàn cờ trước nay chưa từng có. Lẽ đương nhiên Việp sẵn lòng, y cũng muốn xem rốt cục Đại Cồ Việt này còn có thứ gì quý giá nữa?
Việp có nằm mơ cũng chỉ mơ đến bàn cờ bằng ngọc bằng vàng, chắc chắn không thể nghĩ đến việc Long Đĩnh cho dàn toàn bộ số quân thành người thật, bày trí như một bàn cờ khổng lồ.
32 người được chọn đều phải là những gương mặt xuất chúng, gia thế hiển hách, đặc biệt hai người đảm nhận quân Tướng thì phải có ngoại hình nổi trội nhất. Lịch Vũ theo lẽ đương nhiên, không chỉ có ngoại hình đẹp mà còn là Tướng hàng thật giá thật. Y chịu ra sân cờ thế này xem như cũng là nể mặt người sắp xếp lắm rồi. Tướng của bên Tống do tên thi bắn cung hôm qua cầm trịch. Tôi là người thật thà có gì nói nấy, chẳng phải "mèo khen mèo dài đuôi" chứ so với Lịch Vũ nhà tôi, hắn không có cửa.
Tôi được cái vừa không có gia thế hiển hách lại vừa không có phong thái của tướng quân, vậy nhưng lại vừa vặn có dáng dấp của một nô tỳ. Quân tướng ngoài việc đội mũ soái, chân đi hài còn phải có một người đứng bên cầm lọng che. Vận đời rui rủi, kinh nghiệm cầm lọng cho Lịch Vũ thử hỏi khắp Đại Cồ Việt này có ai hơn tôi?
Luật cờ tướng tôi chỉ học lỏm được từ mấy lần đến chơi với Sạ, trên bàn cờ cứ đi theo Lịch Vũ là được.
***
Khoảng sân rộng trước điện Bách Bảo Thiên Tuế rợp sắc cờ, hai bên triều thần sắp hàng ngồi thẳng tắp, ở giữa sân 32 người phục sức võ bị đầy đủ chuẩn bị cho màn tranh đấu. Long Đĩnh ngồi phía trên, bên phải là Thiệu Việp. Phía dưới một chút là Hoàng Thành Nhã cùng Lăng Trị ngồi cạnh bàn cờ bằng ngọc. Lăng Trị là người dưới trướng của Thiệu Việp, cùng đi sứ chuyến này có lẽ cũng không hề đơn giản.
Tiếng trống nổi lên dồn dập báo hiệu trận quyết đấu đã bắt đầu. Lăng Trị cầm quân đỏ nên được quyền đi trước. Từ vị trí của tôi không thể nhìn được hai người kia đánh gì, chỉ nghe Bạch Vỹ đứng bên cạnh hô lớn:
"Đương đầu pháo.(3)"
Dứt lời ngay lập tức quân Pháo bên phía Lăng Trị tiến lên.
Bên trên Hoàng Thành Nhã chầm chậm vuốt râu, đặt xuống một nước cờ. Quân Pháo phía trước tôi di chuyển vị trí. Không có gì ngạc nhiên lắm, Pháo đầu bao giờ cũng là lựa chọn của người quân tử.
Lăng Trị khởi Mã.
Hoàng Thành Nhã lên Mã.
Sau hàng loạt nước đi liên tiếp, trên bàn cờ tạm thời là bố cục Liệt Thủ Pháo, chưa bên nào có thể thu được lợi ích từ phía đối phương. Không cần đoán cũng biết, tất cả chỉ là mới bắt đầu. Càng về sau thế trận càng quái đản, mà không ngờ ở chỗ Hoàng Thành Nhã gần như tái hiện toàn bộ nước đi của Lăng Trị, tạo nên thế cục trên bàn cờ đối xứng đến 90%.
Đương nhiên Lăng Trị cũng không chịu ngồi yên, khai thông tuyến đáy để dọn đường cho Xe. Hoàng Thành Nhã lên Xe, Lăng Trị Xe 9 bình 6. Tới đây ông Nhã chủ động tiến công, ăn xe của Lăng Trị. Điều tôi háo hức mong chờ từ nãy đến giờ của bàn cờ người cũng đã bắt đầu.
Quân Xe tiến sang phía bên kia bàn cờ, tuốt gươm sáng choang. Hai bên lao đến giao đấu vô cùng sống động y như đang ở trên chiến trường thật. Quả là dịp may hiếm có, vừa được xem đấu trí vừa được xem đấu võ. Lần này thần may mắn cũng chịu mỉm cười với tôi rồi.
Lăng Trị cũng không chịu thua, thế Mã ăn lại Xe của Hoàng Thành Nhã. Liền theo sau là gần một canh giờ hai bên giao đấu không ngừng. Bên này mất một rồi lại ăn một, không ai nhường ai.
Thiệu Việp ngồi phía trên vừa thấy Lăng Trị ăn liền một lúc hai quân thì tỏ ra đắc ý, nhìn thế trận rồi cười mỉa bảo Sạ:
"Khai Phong Vương xem, thầy của người sắp không xong rồi."
Sạ cúi đầu không đáp còn nét mặt Long Đĩnh bỗng chốc cũng trở nên vô cùng khó coi.
Lúc Việp định bồi thêm mấy câu nữa thì Sạ đã đặt ly trà đang uống dở xuống, cung kính:
"Thưa sứ thần, Chưởng thư ký tuổi đã cao lại ngồi lâu dưới nắng, nếu người không chê thì để trò thay thầy chơi nốt ván cờ này."
Tôi chết ở đây cho y vừa lòng!
Không chỉ tôi mà tất thảy ai nấy có mặt đều sửng sốt trước yêu cầu của Sạ. Vài người lo lắng, vài người kêu than oán thán Sạ khẩu xuất cuồng ngôn(4).
"Khai Phong Vương, đây không phải chuyện để đùa." - Một viên quan có vẻ có chức tước lên tiếng can gián.
Liền theo sau là tiếng xì xào của quần thần. Thiệu Việp vẫn ngồi yên quan sát tình hình, nét mặt đầy sự thích thú. Một đứa trẻ lên bảy thì dù có tài cách mấy cũng hoàn toàn không có khả năng đánh bại kỳ thủ nhà Tống. Chút khích bác này của Việp đã thành công đạt được ý đồ.
Sạ không từ bỏ ý định, đi đến bên cung kính chắp tay lạy Long Đĩnh. Việp lúc này không muốn bỏ lỡ chuyện vui, khanh khách cười:
"Đến đi, đến thử xem cả thầy và trò có xoay chuyển được tình thế không?"
_____
Chú thích:
(0) Cờ tướng: Trò chơi ra đời vào thời Chiến Quốc. Số quân cờ dần được tăng thêm trong khoảng thời gian nhà Tuỳ, Đường, Tống và dần định hình vào cuối thời Bắc Tống. Do đó, chi tiết chơi cờ này không khẳng định hay xác nhận về thời gian trò chơi cờ tướng được lưu truyền tại Việt Nam. Đây hoàn toàn là chi tiết hư cấu.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]