Thiệu Việp đắc chí cười vang trời, vỗ tay đôm đốp, quay sang hả hê nhìn Long Đĩnh:
"Xem ra bản triều(4) cần cho người sang dạy nước Nam tiễn pháp rồi."
Sắc mặt Long Đĩnh không thay đổi, môi khẽ nhếch lên cười đáp lại lời Thiệu Việp.
Tôi nhìn theo La Đạc lo lắng đến mức hai tay run đến mất kiểm soát. Không rõ vì lí do gì con ngựa của y liên tục lồng lên không đi đúng hướng. Dường như tất cả mọi người có mặt đều nhận ra điểm bất thường. Thiệu Việp được đà càng cười to hơn nữa:
"Ô hô, cưỡi ngựa xem ra vẫn còn khó khăn lắm."
La Đạc rút ra mũi tên thứ hai, giương cung bắn. Ngay lập tức con ngựa chồm lên, hất y văng xuống đất. La Đạc ngã nhào, lăn vài vòng trên đất rồi nhanh chóng đứng dậy. Trước cả khi tôi kịp định thần xem vừa có chuyện gì xảy ra thì Đạc đã rút kiếm, một đao chém xuống lấy mạng con vật bất tuân kia. Tôi kinh hãi đứng lùi về phía sau mấy bước. Bên này người cầm cờ hô lớn:
"Hồng tâm thứ hai, không trúng."
Thôi, kiếp này coi như bỏ.
Dù La Đạc có cố cách mấy thì cũng không thể nào cứu vãn được tình hình. Tất cả những gì có thể làm là không để Đại Cồ Việt bị mất thể diện hơn nữa.
La Đạc nhanh chóng nhảy lên một con ngựa khác, lần này mọi chuyện có vẻ đã đi đúng hướng hơn. Y liên tục rút tên, nhằm thẳng hồng tâm mà bắn.
"Hồng tâm thứ ba, trúng."
"Hồng tâm thứ tư, trúng."
Tiếng báo hiệu gấp gáp đến độ càng về sau chỉ còn là những tiếng "Trúng!" "Trúng!" "Trúng!" vang lên liên tiếp. Sạ ngồi ngay bên cạnh không giấu được vui mừng, hai mắt long lanh sáng rỡ.
La Đạc rút mũi tên thứ chín, cưỡi ngựa phi nước đại. Trong ánh nắng gay gắt buổi ban trưa chỉ còn thấy y là một đốm nhỏ hoà lẫn trong lớp bụi dày đặc. La Đạc kiên định giương cung lên, đôi bàn tay lực lưỡng kéo căng dây hết cỡ rồi bất ngờ buông ra.
Mũi tên vun vút lao đi trong không trung, liền một lúc xuyên qua cả hồng tâm thứ chín và thứ mười. Thao trường tràn ngập tiếng vỗ tay tán thưởng. Tôi cười toét, miệng rộng đến tận mang tai. Lúc này quay sang sắc mặt Thiệu Việp đen lại, không nói câu nào.
La Đạc vẫn chưa dừng lại, y dong ngựa thật nhanh đến điểm cách xa hồng tâm nhất. Ai nấy nhìn nhau khó hiểu, chỉ còn một mũi tên nữa sao không cứ thế mà kết thúc đi?
Hơn lúc nào hết, mặt trời nắng gắt đến độ muốn bỏng da bỏng thịt. Bóng dáng La Đạc ngày một mờ ảo ở phía xa tít tắp thao trường. Tôi lo lắng đến độ vô thức nắm chặt lấy tay Sạ, lẩm bẩm:
"Tên điên La Đạc này, có chết thì chết một mình đi, lại làm điều ngốc nghếch gì đây?"
Sạ có vẻ không nghe rõ nên chỉ vỗ nhẹ vào tay tôi an ủi. Lúc La Đạc giương cung lên, tôi nhắm tịt mắt quay đi. Mãi đến khi thao trường vỡ oà trong tiếng reo hò, người cầm cờ hô khản giọng: "Hồng tâm thứ nhất, trúng!", "Hồng tâm thứ hai, trúng!" tôi mới dám mở mắt ra, mừng mừng rỡ rỡ không tin vào tai mình.
Chỉ với tám mũi tên La Đạc có thể thành công bắn trúng mười hồng tâm, quả là bậc kì tài, rất xứng đáng làm bạn thân tôi.
La Đạc quay trở về, ghì dây cương rồi nhảy xuống khỏi ngựa, quỳ phục dưới đất:
Long Đĩnh phẩy tay ra hiệu La Đạc đứng lên, chậm rãi:
"Cho lui."
Thiệu Việp ngồi bên trên nét mặt ngày càng xấu hơn, lúc này Long Đĩnh mới nho nhã đáp lại:
"Quả thực vẫn cần thiên triều chỉ giáo thêm, tiễn pháp ở cự li gần chưa được vẹn toàn."
Việp không trả lời, tảng lờ quay mặt đi nơi khác.
Rõ ràng là một câu nói rất khiêm tốn nhưng sao tôi nghe qua lời Long Đĩnh lại có đến ba phần mỉa mai, bảy phần thách thức thế kia? Cái gì mà "cần chỉ giáo", cái gì mà "cự li gần"? Thể theo luật lệ thì Đại Cồ Việt thua thật nhưng nếu tính về tỷ lệ bắn trúng lẫn tổng số hồng tâm thì nước Tống khó lòng bì lại.
Cũng may cho La Đạc, phước đức mấy đời y kịp gỡ gạc phút cuối nếu không chỉ e rằng hôm nay lành ít dữ nhiều. Đến lúc này tôi mới thấy ông bạn mình bước đi có phần hơi tập tễnh, chắc cú ngã ngựa vừa nãy không phải chỉ là xây xước bên ngoài. Sạ hiểu ý, bảo tôi:
"Chị sang đó xem Kinh lược sứ có sao không."
Tôi mừng hơn bắt được vàng, rối rít cảm ơn Sạ rồi chạy biến đi.
______
Chú thích:
(1) Quốc tử giám bác sĩ: Chức danh học quan. Nhà Tuỳ, Đường Quốc tử học lệ thuộc Quốc Tử Giám, Quốc tử bác sĩ trở thành học quan có thụ nghiệp cao nhất.
(2) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
"Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi Giác đến chùa Sách Giang, vua sai pháp sư tên là Thuận
giả làm người coi sông ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngửa mặt nhìn chân trời).
Pháp sư dương cầm chèo, theo vần làm nối đưa cho Giác xem:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
(Nước lục phô lông trắng,
Chèo hồng sóng xanh bơi)."
(3) Duyên biên an phủ sứ: An phủ sứ: quan đặc phái đi các đạo, vỗ yên địa phương. Duyên biên: biên giới.
(4) bản triều: Triều Tống, Lý Giác là người Tống, nên gọi Tống là bản triều (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Cách gọi này phỏng theo cách gọi của Lý Giác.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]