Trước cổng thành Mai Vị treo một cái đầu người, da trắng bờn bợt, vài chỗ bục ra như thể vừa bị nấu quá lửa, hai mắt trợn ngược, tóc tai rũ xuống loà xoà che nửa mặt. Ai nấy đi ngang qua cũng chẳng có lấy nửa điểm sợ hãi hay run rẩy, họ nhìn chằm chằm rồi hung hăng nhổ lại một bãi nước bọt. Tôi sợ chết khiếp không dám bén mảng lại gần, dù rằng chỉ là một cái thây người càng không có khả năng làm hại tôi như lúc còn sống. Một phần là vì tôi ghê rợn, phần còn lại là bởi cảm giác tội lỗi không sao nguôi ngoai được.
Cơ chế giết người của một nạn đói là gì? Thứ gì khiến nhiều người phải bỏ mạng nhất? Liệu rằng có phải việc đói đến chết hay không? Tôi nghĩ là không!
Luôn luôn là như vậy, điều bắt đầu đến cùng nạn đói bao giờ cũng là dịch bệnh. Không đủ thức ăn, thiếu thốn dinh dưỡng hay việc tận dụng bất kể thứ gì để làm no bụng, nhẹ thì rau củ cỏ cây, nặng thì đồ ăn thối rữa, côn trùng hay giáp xác... luôn là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch suy giảm, kéo theo hệ luỵ là cơ thể dễ dàng bị tấn công bởi bệnh dịch, tiêu biểu nhất là bệnh tả, ghẻ lở...
Điều tiếp theo đến cùng với nạn đói, đó là bạo lực. Tiêu biểu như ở Mai Vị đã có thời gian dài kiệt quệ vì bất ổn, chính trị bị thao túng bởi bè lũ tham quan, tù trưởng lộng quyền, những nơi giáp ranh với Man Cử Long liên tục bị quấy nhiễu, lòng dân bất an, bạo loạn, tưởng chừng chỉ cần một nhân tố ngoại bang khích bác nữa thôi là bất cứ khi nào chiến tranh cũng có thể xảy ra.
Long Đĩnh và Lịch Vũ mất nhiều thời gian như vậy không chỉ đơn thuần là quan sát động thái. Những ngày tôi nghỉ lại chơi bời ở khách quán, hai người đó đã lẳng lặng điều tra danh sách tất cả các tù trưởng, những ai nắm nhiều binh hùng tướng mạnh, những ai tận trung, những ai phản trắc, từng bước từng bước liên hệ, móc nối lại sẵn sàng cho cuộc tắm máu thanh trừng. Và như tôi dự liệu, một khi Long Đĩnh đã xuống tay thì cho dù chỉ là một mầm mống nhỏ cũng không có cơ hội chạy thoát. Ngay đến cả những kẻ lái buôn hay thương nhân đầu cơ tích trữ gạo, đẩy gạo lên giá cao đến mức lòng dân oán thán cũng không thể thoát tội. Kẻ nhẹ nhất cũng bị phạt 50 hèo, tịch thu toàn bộ tài sản, đày đi tù khổ sai. Kẻ nặng nhất dĩ nhiên không cần phải giải thích gì thêm, chỉ e đến giờ này sớm đã thành ra trăm mảnh nhỏ.
Cũng như Hoa Lư, ở Mai Vị không phải nơi đâu cũng có người nghèo, người chết đói nằm la liệt, nhưng như thế không có nghĩa là họ không tồn tại. Kể từ ngày Long Đĩnh dẹp yên đám tham quan, những người bạo loạn được thả ra, quân tri viện được phái tới thì khắp thành Mai Vị nơi nơi đều là người ngắc ngoải sắp không qua khỏi vì đói, vì bệnh. Lý An Tường đặc biệt được phái tới Mai Vị để hỗ trợ thêm vì tôi với thân thể tàn tạ thế này dễ phải nhiều ngày nữa mới bình phục lại được.
Tôi nằm im trên chõng tre, thi thoảng rên lên khe khẽ, hai mắt ầng ậng nước nhưng không dám khóc vì sợ Bạch Vỹ quát mắng. Vết thương ở trên đầu tôi cả máu lẫn tóc bết dính lại với nhau không cách nào sơ cứu được, thành ra Vỹ phải loay hoay tìm cách xử lý sạch vết thương trước khi đắp thuốc và băng bó.
Lần cuối cùng tôi xin nhắc lại, phim ảnh toàn thứ lừa người. Rõ ràng trên phim nếu như bị xe tông hoặc bị đánh cần phẫu thuật thì chắc chắn khi tỉnh dậy chỉ có một vết băng bó bé xinh trên trán, hoặc cùng lắm là vải trắng quấn quanh đầu, đôi khi vô lí tới mức bông gạc còn được đắp trên cả tóc nhưng rõ ràng không thể nào bi ai bằng tôi. Bạch Vỹ tay thấm khăn vào nước ấm, chầm chậm rửa nhẹ vết thương trong tiếng rên ư ử:
"Giỏi thì đi võ mồm nữa đi." - Y ngoa ngoắt.
Tôi im re không dám phản kháng, ít nhất khi Vỹ đang nắm đằng chuôi thế này chẳng dại gì mà dây vào ổ kiến lửa cả.
"Sắp xong rồi, mau mau ta còn cạo cho sạch tóc."
Tôi quay sang nhìn y rơm rớm, kéo vạt áo thỏ thẻ:
"Ngươi cạo thì cạo, chừa lại cho ta ít tóc nhé."
Vỹ nhún vai:
"Sao lúc đấy không chừa lại cho mấy tên kia ít mặt mũi? Ta nghe nói ngươi hùng hổ lắm cơ mà? Giờ giỏi thì đi xin Lý An Tường đi, ta đâu có cái tài quyết định."
Tôi không dám phản kháng cũng không có tư cách nghi ngờ y thuật của Tường. Thực lòng trong thâm tâm tôi biết nếu không cạo tóc sẽ khó lòng chữa trị vết thương này cho ổn được. Ở thời hiện đại cũng thế mà ở đây cũng vậy, với những vết thương ở đầu, việc cạo tóc là thực hành lâm sàng được chỉ định nhằm phòng ngừa nhiễm trùng hậu phẫu. Không chỉ vậy, việc này còn giúp dễ dàng quan sát vết thương, đắp thuốc và băng gạc, giảm thiểu những khó khăn không đáng có. Lý thuyết thì là vậy nhưng khi nhìn Vỹ tay cầm lăm lăm con dao cạo, sắp sửa cạo tóc tôi như người ta làm lông lợn ngày Tết là tôi lại không nhịn được mà thút thít khóc.
"Để ta làm cho."
Tôi nhìn ra ngoài cửa, Lịch Vũ từ đâu đi đến. Y cởi giáp sắt đang mặc trên người rồi đặt xuống bên cạnh, thân hình vạm vỡ với những mũi cơ chắc nịch lộ ra dưới lớp vải nâu mỏng làm tôi không nhịn được mà dán mắt vào. Mãi đến khi ý thức được Lịch Vũ đang lăm lăm cầm con dao cạo trên tay tôi mới lau nước mắt, nước mũi, (nước dãi) tèm lem, hớt hải:
"Ấy chết Chỉ huy sứ, người cứ để Đam với Vỹ tự lo."
Lịch Vũ nhìn tôi cười nhẹ:
"Sao? Ta làm không được à?"
Tôi không dám nói bình thường y toàn cầm gươm cầm đao, nay lại cầm con dao cạo này huơ huơ trên đầu trên cổ thì chỉ có kẻ ngốc mới không sợ hãi. Nhưng nhìn vẻ mặt kiên định của Lịch Vũ tôi lại không dám làm y thất vọng, dù gì người cứu tôi khỏi nanh vuốt của con vật kia cũng là y, nếu có phải vĩnh biệt hồng trần tại đây thì coi như tôi cát bụi lại trở về với cát bụi.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]