Thường chẳng ai để ý rằng mình đang hít thở, cũng không nhận thức được rằng mình đang cười. Thấy thì cười, nghe thì cười, đôi khi chỉ nghĩ cũng cười. Gần như không phát ra tiếng mà khoé miệng đã nhích, khóe mắt đã cong, bất giác nở một nụ cười chân thành mà không hề hay biết.
Phải giải thích thế nào?
Sao giải thích nổi.
Đơn giản là nghe bệ hạ thao thao bất tuyệt như vậy thì thần muốn cười.
Không phải khinh thường hay trêu chọc gì bệ hạ, cũng không phải câu chuyện đó thú vị hay hài hước vô cùng, đơn giản là muốn cười thôi.
Viên quan can gián đứng sững ở đó, tay còn đang cầm tuyển tập Nakajima Atsushi.
Sau ba phút lẳng lặng nhìn nhau, Vương Tử Chu tự nhiên thấy ù tai đến lạ, kèm theo đó là đỏ bừng, lan từ cổ lên tai, đến cả đuôi mắt và gò má. Nóng rực.
Dị ứng nghiêm trọng hơn dự kiến.
Cô đưa tay gãi gãi, tham lam hít một hơi thật sâu, trốn ra sau bàn để né tránh ánh mắt của cậu, đoạn, gác lại chủ đề kia: “Cà phê uống được rồi đấy.”
Cà phê phin nóng hổi nay đã đạt đến nhiệt độ vừa phải, Vương Tử Chu cầm lên tu ừng ực hơn nửa cốc, tưởng các triệu chứng của dị ứng sẽ thuyên giảm, ngờ đâu đồ uống nóng làm nó càng nghiêm trọng hơn. Mặt và cổ cứ hừng hực, không tài nào dịu xuống nổi.
Bồn chồn bất an, bồn chồn bất an.
Tay nọ chuyền tay kia xoay cốc cà phê.
Quan can gián ngồi xuống đối diện, hỏi: “Cậu đã đọc ‘Palomar’ chưa?”
Vương Tử Chu nhanh chóng nhớ lại và nhận ra đây có lẽ không phải chủ đề mới, mà là tiếp tục cuộc thảo luận về “Ngộ Tịnh xuất thế”. “Palomar” là một cuốn tiểu thuyết tương đối đặc biệt. Tuy cuốn sách được viết dưới ngôi thứ ba của Palomar nhưng có thể coi như chính tác giả Calvino đang quan sát, suy tư và kết luận qua những miêu tả xúc giác nhạy bén, tinh vi.
Tác giả giấu mình khi viết nhưng suy cho cùng vẫn phơi bày bản thân.
Trong ấn tượng mơ hồ của Vương Tử Chu, Calvino qua đời một năm sau khi xuất bản “Palomar”. Đây có thể coi là một trong những tác phẩm cuối cùng của ông. Ở những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, ông đã lười phải ẩn mình sau ngòi bút, dường như việc phơi bày là có chủ ý.
Vương Tử Chu gần như coi Palomar là Calvino, và đôi khi là chính mình – khi những chiêm nghiệm, cảm thụ mà tác giả biểu đạt trùng lặp với mình, bản thân mình cũng trở thành Palomar.
“Tớ đọc lâu lắm rồi, không nhớ chi tiết nữa.” Vương Tử Chu trả lời, “Chỉ nhớ là cảm xúc của tớ khi đọc cũng tương tự như ‘Ngộ Tịnh xuất thế’, là kiểu…”
Cô không khỏi cau mày: “Cảm giác hoang mang, lo lắng khi quanh quẩn trước những hình ảnh to lớn không thể đoán biết. Tớ thấy mặc dù Nakajima Atsushi viết kết thúc cho ‘Ngộ Tịnh xuất thế’ nhưng cái kết ấy, với tớ, như một sự thỏa hiệp, một loại bất lực, đó không phải là thứ ông ấy thực sự tìm kiếm, hay nói cách khác là miễn cưỡng tìm ra nhưng không thể giải quyết triệt để những lo lắng, băn khoăn, trăn trở còn tồn tại. Viết xong ‘Ngộ Tịnh xuất thế’, Nakajima Atsushi vẫn sẽ khắc khoải về những vấn đề của mình. ‘Palomar’ cũng vậy. Về cái chết chung quy sẽ đến, Calvino đã đề xuất rất nhiều biện giải và phương pháp khác nhau nhưng cuối cùng lại để Palomar đột ngột chết đi khi đang suy nghĩ về những vấn đề này. Tương đương với việc bỏ ngỏ chúng ở đó.”
“Không thể tìm ra.” Vương Tử Chu nói một cách rất bi quan, “Bản chất của tồn tại.”
Những lúc như thế này cô luôn trượt dài trong vũng bùn mang tên khổ đau. Theo như cô phân loại, khổ đau tồn tại độc lập với những cảm xúc khác. Buồn bã, lo lắng, sợ hãi hay vui vẻ thường xuất phát từ một sự kiện cụ thể nào đó, trong khi khổ đau thì không có lý do và cực kỳ trừu tượng. Một khi sa vào đó, cần tiêu tốn rất nhiều sức lực mới có thể vùng ra. Có người nói rằng nó bắt nguồn từ nỗi sợ hãi về cái chết chung cực, một số khác lại cho rằng đó là sự thất vọng khi “muốn trở thành tất cả mọi thứ nhưng mọi thứ đều bất khả tri”.
Nhiều vô kể.
Vương Tư Chu thở một hơi thật dài.
Cảm giác hừng hực kia cũng biến mất.
Ngay cả dị ứng cũng thể không tồn tại ở vũng bùn khổ đau.
Như một con cá sắp chết trên mảnh đất khô cằn đang thoi thóp cái mang của mình trong vô vọng.
May thay vẫn còn tiếng ve kêu râm ran ngoài cửa sổ, vẫn còn tiếng xe cấp cứu í o như chiếc dây an toàn kéo mình ra khỏi vũng bùn. Nhưng không phải lúc nào dây an toàn cũng phát huy tác dụng, Vương Tử Chu cảnh giác, chẳng may nó hỏng mất thì sao?
Tư tưởng nguy hiểm.
“Kia là gì thế?”
Ai đó nhận ra tình trạng của cô và đưa tay kéo cô về.
Vương Tử Chu nhảy ra khỏi vũng bùn, nhìn theo hướng cậu chỉ. Cậu chỉ vào khung ảnh được dán bằng băng dính hai mặt trên bức tường đối diện. Bên trong là một trang bản thảo, chữ đen nền trắng với chi chít chú thích và những vòng tròn màu đỏ.
“À, đấy là…” Vương Tử Chu thấy hơi xấu hổ, “Đấy là trang nhận xét bản thảo đầu tiên của tớ, bị gạch bút đỏ nhiều lắm, giống huyết thư nhỉ?”
Cậu quay lại nhìn cô một cái như thể lí do cô đóng khung bản thảo treo lên tường là một điều rất dễ hiểu.
Chúng mình quan tâm đến những điều mà mình quan tâm.
“Khi mới cầm nó trên tay cậu thấy thế nào?” Cậu hỏi.
“Tức giận chăng?” Vương Tử Chu do dự một lúc rồi nói, “Bản dịch của mình tệ đến thế ư? Mà phải sửa nhiều thế này? Nhưng…” Cô khựng lại một lát: “Sau khi đọc xong nhận xét bản thảo, tớ lại thấy đúng là bản dịch của mình dở ẹc, sau đó tớ sẽ bắt đầu nghi ngờ bản thân, thấy mình còn yếu kém nhiều.”
Quân chủ chuyên chế đang bộc bạch với quan can gián của mình. Viên quan nọ nhìn cô chăm chăm.
Vương Tử Chu ngừng thở.
Sao mình phải kể chuyện này cho cậu ấy? Mình chưa kể điều này với ai bao giờ. Hình như tác dụng phụ của dị ứng là khát khao không ngừng giãy bày, chia sẻ hay sao ấy.
Vương Tử Chu đang dằn vặt thì quan can gián lại hỏi: “Cậu vẽ những cái kia à?”
Cạnh khung ảnh có hơn 20 tờ giấy hình vuông, dán bằng băng dính hai mặt, trên đó vẽ những đường nét, hình dạng khác nhau, không có màu sắc mà chỉ lặp lại vòng quanh hoặc chồng lên nhau.
“Ừ á.” Vương Tử Chu nói, “Mỗi khi stress quá, tớ hay vẽ mấy thứ như thế. Toàn vẽ bậy vẽ bạ thôi.”
“Cậu có học vẽ không?”
“Tớ không.” Vương Tử Chu trả lời, “Tớ chưa học mấy lớp năng khiếu bao giờ, cũng không có sở thích hay sở trường đặc biệt nào cả.”
Viên quan nọ quay đi như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục thưởng thức những mảnh giấy vuông trên tường.
Vương Tử Chu nghĩ thầm, trong lịch sử có vị vua nào chết vì nói nhiều không, chắc là có chứ nhỉ? Mình nè. Cô cầm cốc lên, uống nốt phần cà phê còn lại, nhìn sang bên kia, chắc mới uống một hớp.
Cô cũng không định nhắc nhở cậu.
Chỉ bảo: “À đúng rồi, trước kia dịch sách gì tớ cũng kể cho Tưởng Kiếm Chiếu nghe nhưng tớ chưa nói về ‘Công viên’. Mấy nữa nó đến đây, nếu nó thấy mà hỏi thì tớ phải bảo sao, có thể nói cho nó cậu viết ‘Công viên’ không?”
“Đừng hỏi tớ.” Cậu quay lại, “Cậu muốn kể cho cho ai cũng được.”
“Nói thì nói thế nhưng tớ vẫn muốn hỏi ý kiến cậu trước.” Vương Tử Chu lí nhí.
“Không quan trọng lắm.” Cậu bảo, cúi đầu uống một hớp cà phê.
“Không quan trọng thật không?” Vương Tử Chu cảm thấy mình cứ lằng nhà lằng nhằng nhưng cô không sao khắc phục được, đành tiếp tục xác minh, “Mọi người xung quanh cậu, trừ Mạn Vân và Đàm Duệ Minh, còn ai biết cậu viết tiểu thuyết không? Như… bố mẹ cậu chẳng hạn. “
“Tớ không chủ động kể.” Cậu cầm cốc, trả lời.
Câu này rất khó hiểu.
Không chủ động kể không có nghĩa là họ không biết, nhưng nếu họ biết thì phải bảo “bố mẹ tớ biết” chứ. Vương Tử Chu mơ hồ cảm thấy mối quan hệ của cậu và gia đình không thân thiết cho lắm, hay nói cách khác, e là viết tiểu thuyết không phải chuyện đáng để khen ngợi trong mắt bố mẹ.
Dễ hiểu thôi.
Cậu tiếp tục uống cà phê.
Vương Tử Chu nhìn cốc cà phê của cậu vơi dần vơi dần chút một, cảm giác chạy đua với thời gian lại tăng lên điên cuồng.
“Về Palomar của Calvino…”
Con người luôn quay lại vấn đề cũ khi không thể tìm ra chủ đề mới.
Vương Tử Chu nói: “Tớ cảm thấy ông ấy cố tình bộc lộ bản thân trong tác phẩm. Nên tớ rất tò mò, liệu tác giả có thể kiểm soát mức độ họ tiết lộ bản thân không?”
“Đôi khi là cố ý thể hiện, đôi khi là vô tình. Nếu cố ý thì có thể kiểm soát được, còn lại thì khó nói.” Cậu trả lời.
“Thế trong ‘Công viên’…”
Cậu lại uống một hớp nữa.
“Nhiều lắm.” Quan can gián thẳng thắn thừa nhận.
“Cậu có hay đau đầu không?” Bỗng Vương Tử Chu hỏi.
“Có.” Cậu đáp.
“Vậy đó là kinh nghiệm của cậu à?” Vương Tử Chu hỏi.
Khi đọc “Công viên”, cô rất tò mò về bệnh đau đầu của nhân vật chính. Nó hoàn toàn khác đau đầu khi mệt mỏi hay đau nửa đầu. Về triệu chứng, nó phát tác theo chu kỳ như thủy triều lên thủy triều xuống. Vào giai đoạn phát tác, ngày nào cũng sẽ lên cơn đều như đồng hồ báo thức, nhưng khi thuyên giảm thì không hề đau đầu trong vài tháng hay thậm chí là vài năm. Thứ hai là cách diễn tả, cậu mô tả nó chi tiết và chân thật đến nỗi khó mà tin rằng đó là tình tiết giả tưởng.
Mỗi lần thấy nhân vật chính lên cơn đau đầu, cô luôn có cảm giác đó là Trần Ổ.
Cậu đáp: “Ừ.”
“Ra vậy.” Cô có được câu trả lời, “Đau đầu kiểu ấy gọi là gì?”
“Đau đầu cụm từng cơn.”
“Có thể chữa khỏi hoàn toàn không?”
“Không,” Rồi cậu bổ sung, “Chắc sau này sẽ đỡ hơn.”
“Có dấu hiệu nào cho thấy sắp đến giai đoạn phát tác không? Hay có cách nào để ngăn chặn nó không?”
“Không.”
“Cậu bắt đầu bị từ khi nào thế?”
“Hồi cấp ba.”
Im lặng một lát, cô hỏi tiếp: “Thuốc giảm đau có tác dụng không?”
Trong “Công viên” cô chưa từng thấy nhân vật chính uống thuốc giảm đau, ngay cả lũ yêu quái cũng không chịu được, phải khuyên răn hết lời rằng thời đại này y học phát triển lắm, uống thuốc giảm đau đi nhưng thuật sĩ kiên quyết không chịu uống.
“Không có tác dụng đâu.” Cậu trả lời.
“Ây dà.” Vương Tử Chu thở dài một hơi.
Làm sao bây giờ, dịch “Công viên” đến đoạn nhân vật chính đau đầu, tớ lại tưởng tượng ra cậu mất.
Thậm chí cô có thể tưởng tượng ra cảnh cậu cuộn mình trên nền nhà lạnh lẽp, tóc tai ướt sũng mồ hôi.
Tớ muốn vuốt mái tóc đẫm mồ hôi, muốn áp tay lên vầng trán và đôi mắt đang nhắm nghiền của cậu.
Vương Tử Chu sợ run bần bật.
Mình điên rồi! Tác dụng phụ của dị ứng đáng sợ quá!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]