Tiễn Lộng Ngọc rời đi, Đào Yêu trở về với khuôn mặt tái nhợt, dáng vẻ thất thểu. Cô không về điện Trân Minh hầu cận Từ Tố Chiêu ngay mà quay gót về phòng mình. Thân là thị nữ hồi môn của chủ một chung, Đào Yêu có cho mình một gian phòng riêng, không cần phải chen chúc với ai nữa.
Cô lấy hộp cao Ngọc Dung đã dùng quá nửa mình đặt trong ngăn tủ ra giấu vào ống tay áo rồi vội rảo bước về hướng điện Trân Minh. Khi đi qua tòa núi giả ngay gần điện Phi Dương, Đào Yêu vung tay ném hộp cao Ngọc Dung. Hộp cao va vào núi giả phát ra tiếng cạch, rồi mất hút.
Đào Yêu thu hồi tầm nhìn. Giá băng vụn vặt lan tràn khắp đáy mắt. Sau cùng thứ duy nhất còn sót lại trong trí óc cô lúc bấy giờ chỉ là lời thề độc trung thành với Lương Quốc phu nhân và nhị tiểu thư phủ Lương Quốc công - Từ Tố Chiêu.
Nhưng, hiện thực xảy đến sau đó luôn và cho Đào Yêu một cú bạt tai đau điếng.
- Người tiến cử Lộng Ngọc là ngươi. Người nghi ngờ Lộng Ngọc là nội gián cũng là ngươi. Sao? Ỷ mình là thị nữ hồi môn của bản cung rồi muốn nói gì thì nói à? Đào Yêu ngươi nghĩ bản cung tin tưởng ngươi nên đòi dắt mũi bản cung chứ gì? Đồ chết giẫm! Bản cung nể mặt ngươi là người do mẫu thân tiến cử nên mới nhân nhượng ngươi. Thế mà ngươi dám trèo lên đầu lên cổ bản cung. Đúng là phản rồi!
Từ Tố Chiêu trừng mắt, sẵng giọng đuổi cổ Đào Yêu ra ngoài cho khuất mắt. Song, nửa chừng nàng gọi với lại:
- Khoan! Ngươi vào đây cho ta dặn dò.
Có quá nhiều chuyện trùng hợp, Đào Yêu nghi ngờ Lộng Ngọc cũng có CƠ SỞ. Nàng phải biết rốt cuộc Lộng Ngọc có mối quan hệ thế nào với điện Phi Dương, liệu có phải nội gián do ả Đổng thị phái tới hay không? Với cả, thân thế của Lộng Ngọc, chuyện cô ta được nữ quan đứng đầu Ty Tịch đổi tên, liệu có ăn rơ bắt mối với kẻ nào thông qua nữ quan này không cũng điều phải điều tra cho ra nhẽ. (1)
Trung tuần tháng quý xuân, sự vụ bận rộn trong cung mới ngớt. Lâu Nguyệt Dao bèn mới tam hoàng tử đến cung Phồn Dương dùng thiện đền bù cho bữa trước. Thân Duy Thượng được Hoàng đế cho phép, lựa một buổi trưa nọ quá bộ tới Phủng Nguyệt các.
Tuy đạo Khổng có lời dạy: nam nữ bảy tuổi không chung bàn, song đã có Hoàng đế chống lưng cho, hoàng tự, phi tần gặp gỡ hôm nay cũng không quá câu nệ lễ tiết. Nhâm Hòa dẫn chúng tỳ nữ cung Phồn Dương bày biện một bàn thức ăn ba mươi sáu món đủ cả sắc, hương, vị. Ba nàng Tôn, Liễu, Lâu cũng xuống bếp làm dăm món, còn đâu do cục Thượng thực dâng lên cả.
Công chúa Vĩnh Xuân gắp một miếng bánh rau củ ngũ sắc chiên cho hoàng huynh Duy Thượng của mình, hớn hở giới thiệu:
- Món này ngon lắm đó ca ca. Ngọc Trân được Tôn nương nương nấu cho ăn vài lần rồi. Ca ca dùng thử đi.
- Ca ca cũng thấy ngon phải không ạ? Thế mà các nương nương lại ngăn không cho Ngọc Trân dâng món này lên mời cha ăn thử. Ca ca giúp muội thuyết phục các nương nương với.
- Món này làm từ phần rau củ còn thừa lại của những thức củ quả được tỉa tót, tạo hình cho đẹp mắt hầm chung với gà rừng. Ở quê nhà thiếp, người ta tận dụng phần bã đậu nành từ quy trình xay sữa làm đậu phụ để làm cái ăn. Thiếp hứng lên mới học theo, trộn với thịt heo băm nhuyễn, đập thêm mấy quả trứng vào rau củ thừa xắt nhỏ, thêm chút bột gạo, nặn miếng, chiên lên. Công chúa nói thích, thiếp mới chiều theo. Chứ vốn dĩ nó là đồ thừa, sao có thể dâng lên thánh giá được? - Tôn Mộng phân trần.
Nhân đó, Liễu Thanh Thanh đề nghị:
- Mộng tỷ tỷ nói đúng đó. Công chúa thích món này thì chi bằng ban cho nó một cái tên thật kêu để không phụ công Mộng tỷ tỷ nấu nướng.
Công chúa nhìn chằm chằm đĩa rau củ ngũ sắc chiên để gần mình, ra chiều nghiền ngẫm kiến nghị của Liễu mỹ nhân. Lâu Nguyệt Dao thấy con bé bị “bí”, bèn góp lời cứu cánh Vĩnh Xuân.
- Triều ta mỗi dịp sắp đến khoa cử, sĩ tử hoặc những nhà có con em tham gia đều đua nhau tìm mua món bánh Trạng Nguyên. Chính vì hình dạng của nó giống mũ trạng nguyên, tên nghe may mắn nên mua ăn để cầu chúc thi cử đỗ đạt, không đỗ tam khôi* thì cũng bẻ được cành quế trên cung thiềm*. Hay chẳng hạn như món tên kim ngọc mãn đường. Đâu phải nó làm từ vàng ngọc mà do trù sư sử dụng những nguyên liệu như hạt ngô, đậu nành, củ cải đỏ cắt hạt lựu, đậu xanh, đậu hòa lan,... Thành phẩm ra mâm có màu chủ đạo là màu hoàng kim bắt mắt, điểm xuyết sắc xanh, sắc đỏ, trông cũng ra ý cảnh vàng ngọc đầy nhà nên mới có cái tên đó. Công chúa không ngại thì đặt tên món ăn theo hướng ấy.
Nói rồi, nàng múc cho con bé chén canh gà hầm nấm, rau củ, cười bảo:
- Cơ mà, trời đánh còn tránh miếng ăn. Chuyện ban tên để sau hẵng nghĩ. Bây giờ việc quan trọng là ăn no bụng cái đã. (3)
Trước đó, công chúa đã chén liền tù tì ba miếng bánh rau củ chiên dầu. Món này hơi khô nên con bé cũng cảm thấy khát. Vĩnh Xuân bèn cầm chiếc muỗng bạc múc canh ăn. Lâu Nguyệt Dao bảo với con bé rằng những chuyện trong khả năng thì nên tập cách tự làm. Thế là, gần đây công chúa Vĩnh Xuân ăn cơm cũng không phiền hà nhũ mẫu Lâm Thu Nương và cung tỳ đứng đầu đám cung nhân thân cận của mình - Thu Lê bón cho ăn nữa.
Tam hoàng tử tuân thủ nề nếp dùng bữa nghiêm ngặt. Cậu ăn không nhiều
lắm, hầu như món nào cũng chỉ thứ hai, ba đũa chứ không tỏ ra là mình thích món nào nhất. Ăn xong, cậu gác đũa, ngắm hoàng muội Ngọc Trân ăn uống. Thấy con bé thỉnh thoảng lại đánh mắt liếc về phía đĩa rau củ chiên, trông có vẻ tiếc nuối ý tưởng của mình; Thân Duy Thượng khuyên giải:
- Hoàng muội của ca ca hiếu thuận, ăn món nào thấy ngon đã nghĩ ngay đến chuyện dâng cho phụ hoàng là rất tốt. Nhưng chư vị nương nương nói cũng phải lẽ. Món này hai ta thấy ngon, nhưng để người khác biết được nguyên gốc nó được làm từ đồ thừa, e rằng sẽ đơm đặt sau lưng các vị nương nương. Như vậy vốn dĩ là chuyện tốt, ngược lại sẽ rước lấy điều tiếng. Hay là muội nhờ các nương nương chỉ cho vài món ăn nhẹ, cách làm đơn giản. Muội tự tay làm rồi dâng lên phụ hoàng sẽ có thành ý hơn.
Xưa nay, Vĩnh Xuân rất mực cung kính hai người huynh trưởng của mình. Nhị hoàng huynh Thân Duy Trác lớn tuổi nhất hay ca ca Thân Duy Thượng là máu mủ cùng mẹ, con bé đều nể trọng. Nghe tam hoàng tử nói thế, con bé cũng đành vâng lời. (2
Lâu Nguyệt Dao lại đưa ra gợi ý.
- Chủ ý của công chúa, điện hạ và hai vị tỷ tỷ đều hay cả. Thôi thì thiếp nghĩ thế này, nếu chư vị có kiến nghị hay hơn thì chớ ngại nói ra. Ngày mai bệ hạ nghỉ hưu mộc, chúng ta sẽ phụ giúp công chúa làm thêm ba, bốn món công phu để đưa đi điện Bàn Long. Riêng món rau củ ngũ sắc, công chúa có thể nghĩ sẵn tên, rồi mang tới một đĩa, nhờ bệ hạ xem thử món này có hợp với cái tên ấy không. Thiết nghĩ công chúa mượn danh nghĩa nhờ phụ hoàng bình luận cái tên cũng chẳng phải chuyện không hợp lễ. Kẻ khác cũng chẳng nói gì được.
Ý nàng là công chúa không dâng món này, Hoàng đế ăn là do ngài thích. Trừ khi ngài ăn mà có chuyện, còn không thì cấm có mượn chuyện mà đàm tiếu cung Phồn Dương.
Cả đám đều cho là ý hay. Tất nhiên người thấy vừa lòng nhất không ai ngoài công chúa Vĩnh Xuân.
Chú thích:
*Bánh trạng nguyên và kim ngọc mãn đường là hai món ăn có thật.
*Tam khôi: ba danh hiệu cao nhất của học vị tiến sĩ đệ nhất giáp được chọn ra trong thi Đình gồm Trạng Nguyên, Thám Hoa, Bảng Nhãn (tên danh hiệu có thể thay đổi tùy triều đại)
*Bẻ quế cung thiềm hay bẻ quế cung trăng: ý chỉ sự đỗ đạt.
* Nghỉ hưu mộc: chữ Mộc bộ thủy mang nghĩa gội đầu, gột rửa. Lệ ngày xưa làm quan cứ mười ngày được nghỉ một ngày để tắm gội, xưng là hưu mộc nhật (web Thi viện). Ở các truyện khác có thể xuất hiện cụm “nghỉ tắm gội” cũng chính là nghỉ hưu mộc.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]