Từ Tố Chiêu chỉ nghĩ trong bụng chứ không nói ra. Dù người hầu mới tới có hợp ý nàng cỡ nào cũng không thể vội vàng trách mắng người hầu cũ. Làm thế sẽ chỉ khiến người ta cảm thấy chủ nhân của hai người họ là nàng hà khắc, thiếu tình nghĩa. Vả lại, Đào Yêu luôn trung thành, tận tâm, cứ thế mà mắng mỏ cô ta, nàng chẳng nỡ. Thôi thì xem biểu hiện của bọn họ sau này ra sao đã.
- Còn tên của nô tỳ. - Lộng Ngọc tiếp lời. Cô ta cẩn thận quan sát nét mặt Từ Tố Chiêu, nói với vẻ khấp khởi.
- Không dám giấu nương nương, nguyên danh của nô tỳ là Đậu Nha. Tiến cung rồi xung quanh toàn là các vị tỷ muội tên hay tên đẹp, ai ai cũng cười chê tên của nô tỳ. Nô tỳ tự ti, thường trốn trong chăn khóc thầm. Năm Thiệu Ninh* thứ hai mươi nhăm, nô tỳ nhận nhiệm vụ mang cơm nước sang cục Thượng nghi dâng lên một vị nữ quan thay cho vị tỷ tỷ ở chung phòng bị đau bụng. Nghe nói là vị nữ quan đó mới được thăng chức, cơm canh này là ân điển của bề trên ban cho, rất quý giá không thể chậm trễ.
- Nương nương cũng biết đó, cục Thượng cung đứng đầu lục cục, trừ ty Cung chính ra thì các cục các ty còn lại xuất nạp văn tịch đều phải qua cục Thượng cung đóng dấu. Còn cục Thượng nghi chịu trách nhiệm dẫn dắt lễ nghi. Hai cục ấy phải tiếp xúc với văn kiện nhiều nên tuyển người khắt khe lắm. Đừng nói là nữ quan, đến cung tỳ hầu việc thôi đã phải biết kha khá chữ nghĩa rồi. Nô tỳ vốn có lòng ngưỡng mộ các vị nữ quan thu thư đầy bụng, phong thái hơn người nên đánh bạo xin vị ấy đổi tên cho.
Đậu Nha. Mầm đậu. Thật sự có người đặt tên cho con gái qua quýt như thế à? Chốn nhà cao cửa rộng cũng có cách nói đặt tên xấu cho con dễ nuôi, tránh bị quỷ thần bắt mất. Nhưng người ta không đặt quý danh kiểu đó mà lấy thêm một nhũ danh, chẳng hạn như nhũ danh Bình Nhi của nàng vậy. Từ Tố Chiêu vừa nghe đã suýt bật cười thành tiếng, song nàng cố gắng nén tiếng cười xuống để còn chú tâm nghe tiếp.
- Ban đầu vị nữ quan ấy không hài lòng lắm. Bà nói cái tên do song thân phụ mẫu đặt cho không thể tùy tiện thay đổi. Nếu phạm húy kỵ phải đổi tên hoặc bề trên ban tên thì cũng đành thôi, còn đây tự ý đổi là bất hiếu. Nô tỳ trình bày rõ nguyên do, rồi nài nỉ mãi, bà ấy mới chịu sửa miệng: “Tên của ngươi không được hay cho lắm, đi lại trong cung ắt sớm muộn gì cũng phải đổi. Nếu để bề trên ban tên chưa chắc đã hợp ý ngươi, thôi thì để ta giúp ngươi một phen vậy. Nhưng ngươi phải nhớ là không được phép quên cái tên do đấng sinh thành ban cho đâu đó!” Nói rồi, vị nữ quan ấy nghĩ cho ba cái tên để nô tỳ tự lựa. Lúc ấy nô tỳ đã nhận rõ mặt chữ, hiểu ngữ nghĩa hòm hòm rồi thế là chọn ngay tên Lộng Ngọc. Nô tỳ sinh ra đã không giàu sang, chọn tên như thế những mong sau này đi theo minh chủ, được thưởng ngoạn đồ ngọc mỗi ngày. Không thể sở hữu thì được ngắm thôi nô tỳ cũng thấy mãn nguyện lắm rồi.
Lộng Ngọc ngó sắc mặt Từ sung viên càng lúc càng tươi tỉnh. Cô ta mỉm cười nịnh cú chót:
- Giờ nghĩ lại mới thấy nô tỳ lấy cái tên này là đúng rồi. Ngắm đồ ngọc thôi đã là gì, ngắm người ngọc như nương nương đây mới là diễm phúc chứ. Nô tỳ được vinh hạnh tới hầu bên nương nương chắc chắn là nhờ có cái tên mang tới phúc lành. (
Từ Tố Chiêu đã lâu rồi mới được vui sướng đến thế. Nàng có cảm giác như trở về thời mình vẫn còn là khuê nữ, ở trong lầu các tiểu thư phía trước có liễu rủ hai bên cầu bán nguyệt soi bóng mặt hồ, phía sau có hoa viên trồng đủ loại mai, cúc, lan, trúc cho nàng thưởng ngoạn. Bên cạnh có thị nữ Kỳ Diệp khéo miệng lại ham học hỏi mình yêu thích nhất.
Phiền não lớn nhất của tiểu thư phủ Lương Quốc công thuở ấy chỉ quanh quẩn trong áo váy trang sức không đẹp, không tôn lên được khí chất thoát tục như tiên của nàng; thơ từ nàng viết thấy hay song sau đó lôi ra đọc lần nữa lại không còn ưng ý; hoặc khúc huyền cầm nàng đàn cứ thấy thiêu thiếu mà mãi không ngộ ra thiếu ở chỗ nào.
Gặp Lộng Ngọc, Từ sung viên có cảm giác như tìm lại được người tri âm. Cô ta còn khéo miệng và cầu tiến hơn Kỳ Diệp gấp bội. Mảnh ghép người mưu sĩ mà điện Trân Minh còn thiếu đích thị là Lộng Ngọc.
Từ Tố Chiêu bỗng nhớ tới mảnh ghép người thuyết khách* mà mình từng muốn lôi kéo - Lâu mỹ nhân. Nàng hầm hừ khó chịu. Nếu nàng ta không chịu quy thuận, nàng sẽ cho nàng ta đẹp mặt. (7
Lâu Nguyệt Dao mà biết Từ Tố Chiêu đang nghĩ gì, ắt sẽ cười vào mặt nàng ta rằng:
- Còn phải đợi cô khen à? Ta biết mặt ta đẹp rồi!
Thế là phe cánh cung Trân Minh do Từ sung viên đứng đầu chính thức được thành lập.
Đào Yêu tiễn Lộng Ngọc về lại nội phủ. Trên đường ra cửa lớn Trân Minh, Đào Yêu nhìn thoáng qua dãy hành lang, nơi mà mình và Từ sung viên từng bị Đổng mỹ nhân hiếp đáp, bắt phải giao than hồng la với danh nghĩa biếu tặng. Đào Yêu phiền muộn thở dài.
- Vết thương của cô độ trước sao rồi? - Lộng Ngọc gợi chuyện.
- Lành lại rồi. May nhờ có hũ thuốc cao cô cho tôi. - Đào Yêu vừa nói vừa vén tóc mái lên cho Lộng Ngọc xem.
Trên vầng trán trắng nõn láng mịn thình lình mọc ra một đường sẹo mảnh, dài độ ba phân phá hỏng mỹ quan. Sẹo lồi hồng hồng trông không còn gớm ghiếc như lúc ban đầu nhưng nó vẫn khiến Đào Yêu tự ti ghê gớm, đến nỗi cô phải để tóc mái che đi cho khuất mắt.
Lộng Ngọc xuýt xoa, nắm tay Đào Yêu an ủi không ngớt. Đào Yêu cố rặn ra nụ cười nhưng không sao cười nổi. Cô vội chuyển đề tài:
- Nói mới nhớ, hũ thuốc cao này tên gì, mua ở đâu vậy? Cô không biết chứ lúc đầu vết sẹo to như con sâu róm ấy. Tôi bôi mỗi ngày thấy sẹo mờ dần rồi đây. Thuốc tốt thật đấy!
Lộng Ngọc đang nhăn trán nhíu mày, xót xa thay cho Đào Yêu bỗng chốc tươi tỉnh hẳn lên.
- Công dụng tốt vậy sao? Loại thuốc cao tên là Ngọc Dung. Tôi làm việc thường bị sây sát tay, thoa thuốc hai ba hôm sau da dẻ bóng loáng lại rồi. Lần trước thấy cô bị thương nên tôi mới tặng cho cô. Không ngờ là đối với vết sẹo của cô, nó cũng làm mờ được. Đúng là đồ tốt. Cô không biết nó sao? Lúc Đổng nương nương lên bậc mỹ nhân đã phái người ban thuốc cao này với ngân phiếu cho cung nhân và nữ quan khắp nội phủ để chung vui. Tôi nhanh chân, lấy được hai hộp. - Vừa nói, cô ta vừa giơ hai ngón tay, mừng ra mặt.
Phải biết nội phủ là nơi các ty, phường, cục, tỉnh,... của cả bên hoạn quan, cung tỳ và nữ quan tọa lạc. Ít nhất cũng phải hơn một ngàn người. Tốn bao nhiêu vàng bạc cho đủ đây? (2)
- Nhà họ Đổng của Đổng nương nương giàu nứt đố đổ vách. Nghe bảo là giàu nhất đất Đông Hạ. Có tiểu thư tiến cung làm phi tần, nhà họ cũng được thơm lây, đã trở thành hoàng thương đảm nhận cung ứng vải vóc, hương liệu cho cung đình rồi đó. Thương nhân kinh thương lời lãi nhiều lắm. Đó lại là dịp nương nương được tấn phong, ra tay hào phóng là chuyện thường tình ấy mà! Trời ơi tiếc quá đi mất! Tôi mà biết loại thuốc này tốt vậy, thể nào tôi cũng phải lấy bốn, năm hũ mà dùng.
Nét hớn hở trên mặt Lộng Ngọc bỗng chốc trở nên sượng sùng bởi cô ta sực nhớ ra mối quan hệ không thể coi là thiện lành giữa Từ sung viên và Đổng mỹ nhân. Cô ta vốn muốn đến điện các phi tần hầu hạ, tất nhiên đã sớm hỏi thăm về những mối quan hệ xoay quanh vị chủ cung Trân Minh hiện thời. Vì thế, cô ta cũng biết hai người Từ, Đổng hục hặc với nhau đã lâu.
Ai đời lại đi khen người có thù hằn với Từ sung viên trước mặt thị nữ hồi môn của sung viên nương nương chứ!
Lộng Ngọc chữa cháy ngay:
- Lời thật lòng thường không dễ nghe. Tôi nói lời này, nếu có bất kính thì xin cô hãy bỏ quá cho tôi. Phàm là người nam nhi mà có vết thẹo ngay mặt, người đời cũng thường xì xầm bàn tán sau lưng rằng kẻ đó không phải phường gian ác thì cũng là thứ đầu trộm đuôi cướp hành vi bất chính, nữa là phận nữ lưu như chúng ta. Lề thói bây giờ càng khắc nghiệt với nữ nhân gấp bội. Chỉ cần họ thoáng thấy vết tích trên mặt cô cũng sẽ chắc như đinh đóng cột là cô phạm đại tội mới phải chịu loại hình phạt hủy dung tàn khốc đối với nữ giới.
- Nay cô để tóc tạm che được vết thẹo, nhưng ngộ nhỡ có một ngày nào đó, nương nương bắt cô phải vén tóc lên thì phải làm thế nào? Bề trên ra lệnh, chẳng lẽ chúng ta còn có thể cự lại không tuân theo hay sao? Nghe lời tôi đi, thuốc cao này tốt lắm. Cô bôi ít lâu nữa, sẹo siếc gì cũng bay biến hết.
Lộng Ngọc nắm lấy đôi tay lạnh ngắt của Đào Yêu đưa lên ngang mặt mình, nhìn thẳng vào mắt cô, khuyên nhủ.
- Tôi để ý thấy nương nương là người coi trọng hình thức. Không chỉ có yêu cầu cao về người hầu bình thường sắp tới điện Trân Minh như tôi mà với người tâm phúc như cô, ắt tiêu chuẩn của nương nương càng phải khắt khe hơn nhiều. Nương nương là ngọc đẹp không tỳ vết, đương nhiên sẽ không thích những thứ không được tận thiện tận mỹ ngày nào cũng kề cận mình. Cô vốn là thị nữ hồi môn của nương nương, ắt phải hiểu điều này hơn tôi.
Đôi mắt rầu rầu của Đào Yêu phản chiếu nét mặt sầu khổ và cả khuôn miệng đang khuyên toàn lời thật lòng của Đào Yêu. Mỗi chữ cô ta nói ra đều khiến cổ họng Đào Yêu nghẹn đắng.
- Tôi đã phải buồn khổ nhiều năm vì cái tên cha sanh mẹ đẻ. Sau này may nhờ có nữ quan Ty Tịch họ Chúc ban tên, nỗi tự ti trong tôi mới có thể vơi bớt phần nào. Nhưng nguyên danh còn có thể đổi được, chứ vết tích để lại do hình phạt lúc cả giận mà không nắm bắt thời cơ xóa mờ, ắt sẽ khiến cô phải khổ tâm thậm chí khổ thân cả đời.
- Tôi ở trong cung ngót nghét bảy năm, lấy lòng, nịnh hót, bấu víu đủ đường mà vẫn không chờ nổi thời cơ lội ngược dòng. Chỉ có cô mới chịu đáp lại tôi, chịu tiến cử tôi trước mặt nương nương. Hôm nay mà không dốc hết ruột gan, lòng tôi không sao an yên được. Nếu trong đây có lời khó nghe, cũng mong cô thứ cho.
Chú thích:
* Niên hiệu Thiệu Ninh: chương trước Mèo viết là niên hiệu Thiệu Bình, nhưng khi tra cứu lại mới phát hiện Thiệu Bình là một trong hai niên hiệu mà vua Thái Tông triều Lê sơ (Hậu Lê) sử dụng nên Mèo đổi sang Thiệu Ninh. Xin lỗi mọi người, Mèo sẽ cẩn thận hơn. (T
Niên hiệu của tiên để không quan trọng đâu. Mọi người chỉ cần nhớ niên hiệu Nguyên Hựu (phúc lành đầu tiên) của nam chính là được rồi.
* Húy kỵ hay phạm hủy, tỵ húy: nghĩa là tránh tên, việc kiêng hủy này rất phổ biến vào thời phong kiến. Nổi tiếng nhất nước mình có lẽ là việc kiêng tên húy của vua Thiệu Trị thời Nguyễn. Vua tên húy là Miên Tông nên tất cả chữ Tông đều phải đổi sang chữ Tôn. Do đó nếu là người dân sống dưới đời vua Thiệu Trị cho đến khi vua Bảo Đại thoái vị, khi nói hoặc viết miếu hiệu của các vua đời trước phải tránh húy Tông. Ví dụ vua Lý Thánh Tông đổi thành Lý Thánh Tôn (một số sách cũ vẫn còn dùng cách viết này).
Tiện đây Mèo nói luôn về miếu hiệu. Miếu hiệu là tên hiệu dùng trong tế tự tông miếu, do vua đời sau đặt cho vua đời trước. Cách phân biệt dễ nhất là miếu hiệu có hai chữ và phải có một chữ Tổ hoặc Tông. Nhắc đến miếu hiệu ta hiểu ngay vị vua này đã băng hà rồi (như tiên đế Thế Tông và Hoàng đế Thái Tổ trong truyện). Về cách đặt miếu hiệu thì xin thứ lỗi, Mèo đặt đại. Mèo chỉ biết vua khai quốc thường được đặt miếu hiệu là Thái Tổ thôi à.
* Người thuyết khách: người có biệt tài ăn nói, thường được cử đi để thuyết phục một hoặc những người nào đó (giải nghĩa tham khảo web Thi viện)
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]