Vị cung nhân chủ trì hôn lễ không dám chậm trễ dù chỉ một khắc, dùng bồ câu đưa tin, lại còn phái khoái mã phi suốt ngày đêm, chuyện “Tổng đốc Lưỡng Giang Bùi Diễn Trinh kháng chỉ từ hôn” nhanh chóng lan truyền khắp trên trời dưới đất, bay vèo vèo tới kinh thành. Thái hậu nương nương vừa hay tin vô cùng buồn bã bi thương, đối với Bùi Diễn Trinh thất vọng tột cùng, Hoàng đế bệ hạ vỗ bàn tức giận, nói hành động lần này của Bùi Diễn Trinh chính là khinh thường coi rẻ hoàng quyền, chẳng coi uy nghiêm thiên gia ra gì cả, đúng là hết thuốc chữa, không lôi ra Ngọ môn chém đầu thị chúng thì không đủ để dẹp yên cơn thịnh nộ ngút trời này. Tuy nhiên, niệm tình tổ tiên Bùi gia có ân với hoàng thất, hoàng ân mênh mông rộng mở, cho nên “chỉ” thu hồi ngọc bội miễn tử, cách chức Tổng đốc Lưỡng Giang của Bùi Diễn Trinh, biếm làm thứ dân, cả đời này không được vào triều làm quan, coi như là sự trừng phạt.
Còn ta, từ lúc Bùi Diễn Trinh bị nhốt vào đại lao ta có tới thăm một lần, cho đến khi y ra khỏi tù thì không quay lại thăm lần nào nữa. Tống Tịch Viễn kể từ hôm đám cưới đến nay cũng chẳng có tin tức gì, lại không thấy hắn bước chân vào Thẩm gia lấy một bước.
Hạ đã về len lỏi vào trong Thẩm viên, trừ việc nhà bếp có thêm đầu bếp mới, ve trên ngọn cây phá kén chui ra cất tiếng kêu râm ran, cũng chẳng có thay đổi gì quá lớn, ngày lại ngày trôi qua, vẫn đơn điệu tẻ nhạt như xưa.
Dạo gần đây, phụ thân bận bận bịu bịu tới phương bắc lo vấn đề tơ lụa, chân không chạm đất, hôm nay khó khăn lắm mới có dịp ở nhà, cả gia đình ta cùng nhau ăn cơm tối tại tiền thính, thuận tiện nghe phụ thân kể chút chuyện trời nam đất bắc kỳ văn dị sự. Bọn nha hoàn lần lượt bưng thức ăn lên, một đầu cá chép hấp được đặt ngay ngắn trước mặt Tiêu Nhi, bánh trôi cụp đôi mắt đen lay láy, mũi hơi nhăn lại.
Theo ý kiến của ta, cá chép ăn rất ngon, thịt mềm, đầu giàu chất béo, hấp cùng với đậu hũ và thịt gà xắt miếng, quả không thẹn với danh hiệu đệ nhất trong từ điển ẩm thực Hoài Dương. Nhưng từ nhỏ Tiêu Nhi đã không thích ăn cá tanh, dù chỉ dính chút xíu thịt cá cũng không chịu ăn, chẳng hiểu nó giống ai nữa, sau này ta phỏng đoán, không lẽ do lúc còn ở trong bụng ta chỉ vì một chén canh cá mà bánh trôi bị ép phải ra sớm, cho nên từ khi sinh ra đã ghét mùi tanh này, nghĩ như vậy, ta ít nhiều cảm thấy sầu não không đành lòng. Ngày thường khi phụ thân không có nhà, các viện đều tách ra dùng cơm riêng, cho nên ta cũng không ép bánh trôi ăn, còn cố ý dặn dò nhà bếp đừng đưa món cá tới viện của ta và bánh trôi.
Phụ thân thì ngược lại, rất không thích trẻ em kén ăn lãng phí, mỗi lần về nhà cả gia đình lại quây quần bên bàn ăn, ông đều đốc thúc đám trẻ nhỏ kết hợp chay mặn, các món ăn đều phải nếm qua, nếu kén cá chọn canh nhất định sẽ chọc giận lão nhân gia, lòng bàn tay không thể thiếu trúc bản. Hồi trước ta và hai đệ đệ đã từng bị đánh rồi.
Đầu bếp trong nhà đều biết bánh trôi không thích ăn cá, lại thương nó nhỏ nhắn yếu ớt, trắng trẻo mịn màng nên ai cũng không nỡ để nó chịu phạt, cho nên mỗi lần phụ thân ở nhà, mọi người tụ tập bên nhau cùng ăn cơm, nếu có thể không nấu món cá thì cố gắng không làm cá, thay thế bằng những món ăn ngon miệng khác. Tóm lại phụ thân bận rộn quanh năm suốt tháng, một bữa cơm đúng nghĩa tại nhà cũng không có mấy, cho nên đến nay bánh trôi chưa bị phụ thân trách mắng bao giờ, người trong nhà cũng nào hay bánh trôi không thích ăn cá.
Có điều, gần đầy trong nhà mời tới một vị đầu bếp, tuy rằng rất có tài nấu nướng, thái độ cũng vô cùng hòa nhã, không giống với những đầu bếp khác bị khói bếp hun khiến tính tình trở nên nóng nảy cáu kỉnh, việc ăn uống trong nhà từ di nương cho tới con vẹt đều qua tay nghề điêu luyện của y, tuy nhiên, ngàn tốt vạn tốt chỉ có duy nhất một điều là không tốt, chính là tính khư khư cố chấp, chẳng những không đặt lời nhắc nhở đừng làm món cá của ta ở trong lòng, ngược lại còn nhiều lần khí định thần nhàn, ôn tồn nhã nhặn khuyên ta: “Cao lương mĩ vị trong thiên hạ phải kể đến thủy sản, trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn, thịt cá rất bổ dưỡng.” Ngày thường còn cố tình đưa món cá tới viện của ta, dẫu sao ta cũng có thể ăn giùm bánh trôi, nhưng hôm nay cả nhà sum vầy lại có phụ thân ở đây, vậy mà vẫn làm món cá… Lần này bánh trôi tất nhiên khó tránh khỏi bị phạt.
Ta đang suy nghĩ nên tìm cớ gì để bảo người ta bê con cá này xuống, quay đầu lại thì thấy bánh trôi quỳ gối trên chiếc ghế tròn khắc hoa văn bồ đào, một tay chống trên mặt bàn đá, một tay cầm muỗng bạc chọc chọc con cá chép kia, róc ra một miếng thịt cá lớn, phụ thân mặc dù có tư tưởng tiến bộ nhưng ông rất coi trọng “trưởng ấu hữu tự”, trong nhà dùng bữa bao giờ cũng phải đợi trưởng lão động đũa trước, đám tiểu bối mới có thể bắt đầu ăn, việc làm của bánh trôi lần này lập tức khiến phụ thân chau mày lại thành một chữ “Xuyên” [川] thật lớn.
Ta đang định tiến tới ôm bánh trôi kéo xuống, không ngờ thấy bánh trôi cẩn thận đặt miếng thịt cá chép vừa róc xương đặt vào trong chén phụ thân, giọng ngọt ngào mềm mại: “Gia gia ăn.”
Nhất thời lừa được phụ thân tâm hoa nở rực rỡ, chữ “Xuyên” chuyển thành chữ “Tam” [三], nói liên tục: “Ngoan, ngoan lắm! Tiêu Nhi hiếu thảo hơn hai cậu nhiều.” Các di nương thấy bánh trôi tuy còn nhỏ mà đã khôn khéo như vậy cũng mỉm cười vui vẻ.
Đại đệ đệ Thẩm Thế ngồi bên cạnh đương nhiên sẽ không tranh sủng với cục bông tròn trắng như bánh trôi, gương mặt vạn năm không đổi, nét mặt lạnh tanh như đang cầm sổ sách ngồi thiền, trừ chuyện buôn bán làm ăn ra thì chẳng có gì đáng để đệ đệ lưu tâm, mọi việc còn lại đều không lay động được. Tiểu đệ đệ Thẩm Tại thì ngược lại, dù sao đệ ấy vẫn còn nhỏ, chỉ hơn bánh trôi tám tuổi, ngày thường rất nghịch ngợm, trèo cây vọc bùn đốt đàn nấu hạc, cũng giống ta không thích những người điềm đạm nho nhã như bánh trôi, thấy mẹ mình thích bánh trôi, vẫn luôn lấy tính tình yên tĩnh yêu thích văn thơ của bánh trôi làm hình mẫu cho Thẩm Tại, khiến Thẩm Tại hận không thể kéo bánh trôi cùng xuống nước, nay lại nghe phụ thân nói vậy, tất nhiên là dẩu miệng, vẻ không phục đều lộ cả trên mặt.
Đôi mắt đen láy long lanh sợ hãi chớp chớp, bánh trôi chìa tay ra múc một miếng thịt cá bỏ vào chén Thẩm Tại, giọng nói nhỏ nhẹ mềm mại: “Tiêu Nhi không ngoan bằng tiểu cữu cữu.” Sau đó, dựa theo hồ lô vẽ trái bầu múc một miếng thịt cá cho đại đệ đệ Thẩm Thế, giọng ngượng nghịu: “Đại cữu cữu cũng ăn.”
Khổng Dung nhường lê tri kỷ chia cá như vậy, chẳng những làm Thẩm Tại không bị mất mặt, mà ngay cả Thẩm Kế cũng cảm động mấy phần, chìa tay xoa xoa đầu bánh trôi. Người trong nhà vốn nhiều, một con cá chép thì có thể có bao nhiêu thịt chứ, chỉ hai ba lần đã bị bánh trôi chia sạch.
Phụ thân nhìn vui vẻ như vậy có lẽ đã quên mất trong chén bánh trôi chưa có một mẩu cá tanh nào, khen tiếp: “Ừ ~ con cá này mùi vị không tệ. So với hồi trước hình như hơi bất đồng.”
Đại di nương cũng không ngẩng đầu lên, lạnh nhạt trả lời: “Gần đây phòng bếp trong nhà có thêm một vị đầu bếp mới.”
Phụ thần trầm ngâm một lát, bình luận: “Rất tốt.”
Bữa cơm chưa đầy một canh giờ đã trôi qua, cơm nước xong xuôi ta dẫn Tiêu Nhi về viện, thấy con vẹt Tống Tịch Viễn tặng đứng trên giá treo lắc đầu vẫy đuôi đi tới đi lui, nhìn ta, cố gắng há miệng, nhưng vẫn không thể phát ra tiếng nào, cho nên lại tiếp tục buồn rầu sầu muộn đi qua đi lại, con chim này chẳng hiểu bị làm sao, dạo trước kêu không ngừng không nghỉ, vậy mà mấy ngày gần đây lại chẳng nói câu nào, dáng điệu rầu rĩ bước đi thong thả có vài phần khí chất của thi nhân u sầu.
Nói tới con vẹt này, người trong nhà thấy nó thông minh lanh lợi cũng không phải chưa từng dạy nó đọc mấy thi từ nổi tiếng, ai ngờ một câu cũng không chịu đọc, chỉ nhớ mấy từ khúc phóng túng mà Tống Tịch Viễn dạy, lại còn thường xuyên tự hỏi tự đáp những câu khiến người ta phải dở khóc dở cười.
Ví dụ như nó thường thích hỏi: “Diệu Diệu, chúng ta tái hợp nhé?”
Tiếp theo tự mình nói trôi chảy: “Được.”
Rồi lại hỏi tiếp: “Diệu Diệu, nàng thấy Tống Tam ta thế nào?”
Ngay sau đó nó không ngừng tiến bộ học theo giọng nữ tự nói: “Tịch Viễn, từ thuở khai thiên lập địa chàng là người hào phóng nhất.” Cuối cùng còn vui vẻ mượn điệu dân ca Giang Nam: “Hai chúng ta chèo thuyền hái dương mai í a hái dương mai…”
Khỏi phải nói, giọng nữ nũng nịu này học giống mấy phần. Chẳng qua là, ngày ấy khi con vẹt này đứng trên giá treo vui mừng vẫy cánh tự vui tự đùa, đúng lúc đó vị đầu bếp kia vừa tới cửa. Nhất thời làm ta ngượng ngùng mấy phần. May là vị đầu bếp kia chỉ liếc thoáng qua nó một cái, cũng không nói gì, dường như cũng không để ở trong lòng, ngày hôm sau nấu cơm cho hai mẹ con ta vẫn không quên tiện thể cho con vẹt ăn, cũng chẳng so đo hiềm khích trước kia, cho nó ăn tới mức màu lông bóng loáng tỏa sáng, cơ thể béo tốt.
Sau khi thu xếp ổn thỏa cho bánh trôi, ta nghĩ một lát, cuối cùng băng qua cửa thùy hoa [1] vòng ra sau đi tới nhà bếp, thấy trong nhà bếp nóng hừng hực có một người đang ngồi giữa đống rau quả, ngón tay thon dài lướt trên một vật xanh mướt, tế nguyệt phù vân lưa thưa giữa trán, tư thái dáng điệu ấy khiến người ta liên tưởng tới nhã sĩ tựa vào gốc lan trong vườn vin cành ngâm thơ, thực ra nếu nhìn kỹ sẽ thấy, vật xanh mướt giữa những ngón tay người nọ chỉ là một cây cần tây, quả thực chẳng có chút quan hệ nào tới bạch quả dương liễu.
Bên cạnh bếp còn đặt vài món ăn chưa động tới. Người nọ quay đầu mỉm cười với ta, hàm răng đều tăm tắp: “Nàng đã tới?”
Rõ ràng chỉ là một chiếc tạp dề thông thường, vậy mà mặc trên người y lại có ý vị xuất trần mà người khác không thể nào sánh được, quả bí đao ngốc nghếch cây hành tây quê mùa bên cạnh cũng được thơm lây, dường như có thể sánh với vẻ đẹp thược dược, cây liễu, cây đa dưới ánh trăng bên hồ sen.
Ta bỗng ngẩn người, mãi đến khi nhìn thấy ý cười xao động gợn sóng lăn tăn trong đôi mắt sáng ngời của y, mới hoàn hồn lại, cúi thấp đầu hỏi y: “Sao ngài còn chưa ăn cơm?”
“Vừa rồi bọn họ đi mua rau quả tươi trở về, ta tiện thể tới xem.” Y không quá để tâm, ý cười dần phai đi.
Ta nhìn cây cần tây trên tay y cùng chiếc tạp dề bên hông, nhớ tới ngón tay vốn nên chấp bút chu sa, bên hông nên đeo ngọc bội, lòng đầy ấm áp, chóp mũi cay cay, cụp mắt cúi đầu nói: “Để ngài chịu ấm ức rồi.”
Nghe vậy, y buông cây cần tây xuống, đứng dậy tới gần ta, vùi trán vào tóc ra, giọng nỉ non rầu rĩ cắt ngang: “Nói gì vậy, hiện giờ cam tâm tình nguyện còn chẳng kịp, há có lời ấm ức? Cổ nhân có câu: Tiểu ẩn ẩn vu dã, trung ẩn ẩn vu thị, đại ẩn ẩn vu triêu, [2] bây giờ ta có thể được cho là cự ẩn ẩn vu trù, [3] thật sự như một ẩn sĩ tái ngoại. Huống hồ, hưởng lộc của quân, phân ưa cùng quân là chuyện nên làm. Chỉ là…” Nghe thấy y kéo dài giọng cười nhẹ, có vài phân trêu chọc: “Chỉ là tấm lòng son sắt này có nhật nguyệt chứng giám, quân có thể thưởng?”
~~~~~o0o~~~~~
Chú thích
[1] Cửa thùy hoa: Một kiểu cửa trong kiến trúc nhà thời xưa, trên có mái, bốn góc buông bốn trụ lửng, đỉnh trụ chạm trổ sơn màu.
[2] Tiểu ẩn ẩn vu dã, trung ẩn ẩn vu thị, đại ẩn ẩn vu triêu: Tiểu tu tại thâm sơn, trung tu tại thôn trấn, đại tu tại thành thị.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]