Từ chiều tà, các thủy thủ tập sự – học viên năm cuối – đã lục đục sắp xếp hành lý, mang dần lên tàu. Họ được phân thành các tiểu đội mười người, theo sự hướng dẫn của giảng viên phụ trách và sĩ quan tàu để lên phòng được chỉ định. Truyền thống của Học viện là dành ra một số tàu riêng, tương đối mới cho lính của mình, để lũ trẻ có thể nhanh chóng làm quen với các thiết bị tân tiến nhất, chứ không phải khổ sở loay hoay với mớ đồ lạc hậu mấy mươi năm.
Đêm nay, tự dưng trời mưa lất phất. Mưa trái mùa, điều không hiếm ở vùng núi Thất Sơn, vì dù phong lộ bên trên đủ mạnh để ngăn những giọt nước yếu ớt rơi xuống mặt đất, có một khoảng nó bị suy yếu. Vào nửa cuối tháng Ba lịch âm, kéo dài tới đầu tháng Năm, gió đổi chiều, khiến những trận lốc xoáy ngang ấy cũng bớt phần hung tợn. Như những con nước, chúng chuyển dòng, quay từ từ ra phía biển, kéo theo cả các chi lưu nho nhỏ xung quanh và “Máy chém của Trời”, dọn ra một quãng quang đãng bên trên, có thể thấy được rõ mây trời và trăng sao. Cũng bởi thế mà hổm rày đám nhỏ với mấy người lớn mới trông được con trăng lớn ấy.
Đón từng hạt nước lạnh buốt, Mộc Ma khẽ thở dài, rùng mình. Mang mỗi lon Trung úy, và là đứa bé đáng ra phải ngủ lăn quay từ lâu, nhưng vì cái chức Chỉ huy Phòng không mà nhỏ phải đứng ở đây. Viêm với Thiên ngủ khò trên phòng, còn nhỏ khoác tạm chiếc áo bành tô cỡ con nít, đầu đội nón kêpi quân đội, hông đeo súng lục chỉ đạo các tốp quân di chuyển. Trước mặt nó, từng đoàn, từng đoàn người mặc áo bành tô da, lưng đeo ba lô, đầu đội nón lưỡi trai có huy hiệu Không quân Đế quốc đi thành hàng dài, bước dần lên cầu thang dẫn vào tàu.
Cảnh đêm nay, nếu được thấy, chắc Viêm sướng quá đứt mạch máu não chết tại trận luôn!
Học viên năm ba và năm cuối, tổng khoảng hai ngàn người, đi từ từ lên những tàu đã được bố trí cho mình. Bốn khu trục hạm lớp Xích Quỷ, mỗi chiếc sẽ được một đại đội thực tập viên hợp tác điều khiển cùng thủy thủ đoàn gốc, trong khi lứa dưới quan sát, xem đàn anh đàn chị làm việc, ghi chép báo cáo làm bài tập kết thúc môn. Đối với năm tư, nhiệm vụ của họ khó hơn: Trực tiếp thao tác với các máy móc, tùy vào chuyên ngành mà phân vào các bộ phận khác nhau. Khi ấy, họ không khác gì những quân nhân thực sự, làm việc tận nơi để biết được sau này mình sẽ thế nào. Kết quả thực tập sẽ được người phụ trách từng đơn vị báo cáo về cho thuyền trưởng, thuyền trưởng báo lên sĩ quan chỉ huy cấp cao hơn, sau đó là về nhà trường.
Nhìn người nào cũng đeo một ba lô lớn trên vai, đồ đạc lỉnh kỉnh, bước đi dưới cơn mưa không đủ ướt vai này, Mộc Ma lại thấy nhớ mấy năm trước, khi nó còn đang học như vậy. Lên tàu nghe giảng, rồi lại thực hành, con bé muốn trở thành sĩ quan tham mưu, nhưng xui rủi sao lại bị phân về ngành phòng không hạm đội! Lúc đó nó thực tập trên một kỳ hạm của nhóm tác chiến khu trục cơ động, chỉ đạo việc đánh không đối không giữa các tàu với nhau, tức dùng hỏa lực cỡ nhỏ để bào vào những khu vực “nhô ra” của địch. Đồng thời, chúng nó còn được tập bắn những chiếc khinh khí cầu trôi nổi giữa trời và bom bay không nhồi bom, được điều khiển bằng sóng vô tuyến, mà bây giờ ngẫm lại mới hiểu là chuẩn bị cho tác chiến chống xe bay. Hồi ấy điểm lý thuyết nó cao ngút trời, nhưng khi thực hành, vì không quen ứng phó nên… không tốt cho lắm.
Viu…!
Gió thổi mạnh.
Đêm nay có vẻ sẽ dài lắm, Mộc Ma nghĩ. Trời đổ mưa, và gió rét thổi về từ những triền cao. Hơi gió lãnh buốt giá hất những giọt nước thẳng vào gò má cô bé, vào mái tóc đỏ rực xõa dài, và cặp sừng nhỏ chĩa sang hai bên thái dương. Cái lạnh cắt da khiến Mộc Ma không khỏi run lên cầm cập, nhưng răng chưa đánh, mắt chưa hoa, nó vẫn có thể tiếp tục. Ngày trước, những lần trực ban buổi tối trên tàu, nhỏ cũng toàn thức tới nửa đêm mới ngủ, rồi hôm sau bốn giờ lại phải dậy đấy thôi? Trên ấy lạnh còn khiếp nữa, khi phải ra ngoài ban đêm, ở độ cao mấy ngàn thước so với mặt biển, gió cắt qua thân như muôn vàn lưỡi lê sắc lẻm mà đâm, mà chém liên tục vào cơ thể bé nhỏ. So với trên ấy, thì dưới này giống như được ai đó cầm quạt quạt cho, chứ chẳng phải cái cảm giác kinh khủng của trời đêm, nơi không khí cực loãng và vớ vẩn thì té lộn cổ xuống ngay.
Mưa dần nặng hạt. Những giọt ướt dẫm, lạnh như băng rơi ngày một nhiều, bắt đầu tạo thành vũng trên mặt đường lát đá. Những ống dẫn vốn phủ sương giờ đã lộ từ từ lớp sơn xám ngắt bám dầy các giọt long lanh, dưới ánh đèn đường vàng vọt, cùng những chiếc đèn rọi cao áp chiếu thẳng lên trời, thấy rõ nước rơi xuống ào ào. Mộc Ma khẽ thở dài. Đoạn, nhỏ vén gọn mái tóc dài vào trong chiếc áo, thu sừng vào đầu, rồi kéo chiếc dây kéo sau phần cổ áo dựng đứng. Một điểm đặc biệt của áo bành tô Đế quốc, đó là chúng được thiết kế chống thấm và có thể dùng như cả áo lạnh lẫn áo mưa. Rút phần mũ trùm đầu chống thấm làm bằng da thuộc ra, cô bé trùm nhanh, phủ lên cái nón sĩ quan. Kéo gút dây lại, giữ cố định, nhỏ chỉnh cổ áo cho nó ôm lấy mũ trùm, cài luôn mấy cúc trên cùng, không để nước mưa lọt vào.
Trên đường, các học viên bắt đầu đi nhanh hơn. Sĩ quan phụ trách đơn vị mặc áo mưa, chỉ là áo bành tô che đầu, tay cầm cờ hiệu phản quang và loa, liên tục hối thúc mấy tay lính mới lên tàu. Cầu thang thép dốc đứng, trơn tuột vì nước, lại thêm ba lô nặng trĩu phía sau khiến việc di chuyển khó khăn hơn hẳn. Vài người suýt té, nếu ko phải đã huấn luyện đàng hoàng và có người hỗ trợ thì không biết sẽ còn thảm họa tới thế nào. Đám gà mờ gọi nhau í ới, hàng ngũ rối loạn. Các giảng viên ra lệnh liên tục, nhưng có vẻ dưới trận mưa bất ngờ trở lớn này, đám “sắp thành sĩ quan” kia hoàn toàn lúng túng, xử lý chẳng khéo chút nào. Hàng ngũ rối từ từ, và vì đồ đeo sau lưng không được bọc chống thấm, nên chúng nó cứ nhao nhao, lo… ướt đồ!
“Trời ạ… Thiệt luôn? Đi lính mà sợ ướt?”
Bĩu môi, Mộc Ma đi ngay về một hàng mất trận tự, thuộc nhóm đang chờ lên khu trục hạm lớp Xích Quỷ. Đám ấy nó nhớ, hồi còn đi học thì tụi nó dưới cô nhỏ ba năm, hình như là cái lứa của mấy nhà khá giả mới phát nên được cưng chiều lắm. Chúng nó từng là cơn ác mộng, ỷ nhà cha mẹ làm to nên vào Học viện cứ vênh cái mặt lên, không coi các học viên khác ra gì. Mộc Ma vẫn nhớ mặt vài thằng trong đám đó, rất khoái ăn hiếp mình vì coi mình là con nít, trong khi bản thân nó trên lũ kia hai khóa và sắp tốt nghiệp. Bây giờ quay về với lon hai sao đồng cùng cái ghế Chỉ huy Phòng không của Hồng Ma, để xem còn đứa nào đám hó hé?
Nói chuyện vài câu với người giảng viên phụ trách, Mộc Ma xin phép được có “đôi lời” với nhóm nam sinh đang la làng, hối thúc kia. Một thằng tướng tá khá béo, mặt búng ra sữa, thằng khác như que tăm, không khác gì hạng nghiện hút, và một tay nữa, hình thể trông “ổn” nhất, không mập cũng chẳng ròm, lại có chút cơ, nhưng cũng không khá khẩm hơn. Từ năm Nhất, chúng nó đã liên tục làm trò ngu xuẩn với anh chị lứa trên, nhưng chưa tới mức bị thôi học. Bởi lẽ cha thằng mập kia là Phó Chủ tịch Hội đồng Đại Lãnh địa U Minh, từng làm tới Trung tướng bên Lục quân, mẹ thằng thứ ba lại là Cục trưởng Cục trị an bên Công an, cũng Thiếu tướng chứ không ít, nên giảng viên có phần “nể”. Chỉ cảnh cáo vài lần, viết kiểm điểm và chịu phạt, nhẹ chán. Thể loại ỷ vào gia thế, không lo học, chỉ biết quậy như bọn này mai mốt đến là nát. Vả lại…
Chúng nó vẫn chưa biết thân thế thực sự của Mộc Ma!
Chỉ một số sĩ quan cấp cao trong trường mới biết con chột là “cục cưng” của Hồng Ma, tướng ba sao vàng và là Tư lệnh Quân đổ bộ U Minh. Mà vì mẹ nó đã “kết hôn” với Giao Long, Tổng lãnh xứ này nên ở khía cạnh nào đó, có thể coi nhỏ như “con” của vị chỉ huy da xanh tái ấy. Điều đó không quan trọng, và Mộc Ma thực sự ghét bị nghĩ rằng mình lên nhờ quan hệ chứ không phải thực lực. nó có năng lực, điều đó không bàn cãi, nhưng cái bóng của mẹ và “mẹ hờ” quá to, nên mới phải tạm thời nép mình lại. Nhỏ cũng không ưa tư tưởng “đồng chí này là con đồng chí nào”, với nó, gia thế có thể là bệ phóng, chứ tuyệt đối không thể là phương tiện để đạt được chức vụ, cấp bậc, và nhất là những vị trí trọng yếu. Bởi thế, gặp mấy đứa suốt ngày dựa hơi cha mẹ, hở ra là nói sau này sẽ được ông bà nâng đỡ cho, con bé chỉ muốn lấy sừng húc cho lòi ruột!
Toan bước đến, bỗng dưng Mộc Ma bị vịn lại.
Nhìn sang vai trái, nơi bàn tay xanh lè ấy đang nắm chặt, con bé không thể giữ được trái tim đang muốn bay khỏi lồng ngực. Trời đất quỷ thần ơi, đang mưa gió bão bùng thế này mà cái tay xanh màu xác chết – chắc chắn là thi quỷ – còn để lên thì có muốn rớt tim không chứ! Lá gan sắp bỏ chạy tới nơi, và nếu không phải quá quen với mấy cảnh này thì chắc nhỏ lăn quay ra từ đời nào rồi. Tự dưng có cái xác sống tới chụp vai mình, giữa cơn mưa, xung quanh người ta không để ý tới thì có muốn xỉu không cơ chứ!
Nuốt “Ực!” nước miếng, Mộc Ma chầm chậm quay đầu lại. Nhỏ sợ người sau lưng là Giao Long, nhưng khi trông thấy, ánh mắt chuyển dần từ lo lắng, sang ngạc nhiên, rồi cuối cùng là khuôn mặt thốn như bị táo bón, trề môi, tròn mắt mà nhìn!
Cô ta tới đây hồi nào vậy chứ?
Tư lệnh Quân đoàn 2, Phó Đề đốc Phùng Thị Diễm!
Tuy đã được báo rằng Quân đoàn 2 sẽ tạm thời thay các lực lượng thuộc Không Hạm đội 6 làm nhiệm vụ cảnh giới vùng trời U Minh, nhưng việc chỉ huy của họ xuất hiện tại đây thực sự khiến Mộc Ma bất ngờ. Tư lệnh Diễm, một trong mười hai thi quỷ đầu tiên của Hồng Ma và cựu Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang U Minh trước khi cậu Trung lên, không phải nhân vật tầm thường. Học trò cưng của Cao Mỹ Lệ, cấp trên trực tiếp của Oa Lân khi họ còn chung đơn vị, đặc biệt điên như bà sếp lớn, rất khó để biết cô ta nghĩ gì.
Mặc bộ quân phục tiêu chuẩn của Quân Đổ bộ đường không với áo bành tô da thuộc đen trũi, cài đôi hàng khuy trước ngực và cổ dựng che gần nửa mặt, Phó Đề đốc Diễm toát lên một khí chất rất đáng sợ, với đôi mắt đỏ ngầu nhìn trừng trừng xuống dưới và đôi bàn tay để móng dài nhọn hoắt, tím tái vì chất độc thi quỷ. Cô để tóc xõa, từng lọn từng lọn lớn đong đưa trong cơn mưa nặng hạt lạnh thấu xương, với những giọt mưa hắt thẳng vào vẻ mặt tiều tụy, thiếu hẳn sự nữ tính, vào cả mái trước lòa xòa kinh dị hơn cả ma nữ.
Cùng chiếc áo, cô ta đeo bộ dây đai tiêu chuẩn mà bất cứ người lính nào thuộc quân chủng thứ tư cũng được trang bị: Thắt lưng liền áo móc các bao đạn và bao súng lục, hai dây khác kẹp vào đai lưng, vòng qua cầu vai vải phía trên, luồn ra sau người. Mấy dây này dùng mang lựu đạn chày, thứ Đế quốc vẫn dùng rất nhiều, cũng như theo nhiều người nói đùa là “tránh dây nịt tuột”, dù nhỏ không biết thực hư ra sao. Trước ngực cô là hai túi lớn, đeo vào dây, có lẽ đựng đạn hay thứ gì đó to lắm. Chiếc lê dài có lồng bảo vệ tay, cùng cây rìu và xẻng quân dụng dắt lỉnh kỉnh theo bên hông, còn khẩu súng lục K93 thì nằm yên vị trong chiếc bao da bên trái. Diễm không đội nón, cô để đầu trần ra, càng khiến mái tóc bay phần phật vì mưa hơn, ai không biết chắc tưởng ma hiện hình thật!
Mà, bỏ qua vụ ngoại hình như mới trong phim ma bước ra đi! Khác với các thành viên Quân đoàn 1 đã quy ẩn, Quân đoàn 2 vẫn hoạt động bình thường, cứ đia của họ nằm ngay trên đỉnh núi Thiên Cẩm, cách khu vực này ngót ngàn thước lên cao. Nhưng theo kế hoạch, nửa đêm họ mới xuống cơ mà? Sao lại…
– Phù…!
Thở một hơi mà như phà ra cả làn sương giá, Diễm trông xuống Mộc Ma. Khác với Lệ, người đã ngủ suốt và hầu như không biết gì về “tiểu thư”, cô có đủ mọi kiến thức về đứa bé mang họ của Bồ Đề này. Hai người biết nhau đã lâu, vì cô thường được thỉnh giảng về những tiết chuyên ngành tấn công đổ bộ, nên cũng có thể xem là thầy của nhỏ chột. Và, cô ta cung4nam81 tình hình kha khá để biết con bé định làm gì.
Cúi xuống nhìn Mộc Ma, Diễm cất giọng khò khè như người viêm phế quản, hỏi con bé:
– Khỏi chào hỏi. Công việc khó khăn nhỉ?
– Dạ… Dạ…
Ngập ngừng, Mộc Ma không muốn trả lời. Trong các thi quỷ, nhỏ xoắn mỗi Diễm, vì cô ta rất nghiêm khắc và rõ ràng không đùa được. Mẹ từng nói một ngàn năm trước, cô ta chính là phó tướng đã phò tá Trùng Hưng Đế hạ mặt Tây thành Kinh Dương, khả năng đánh trận không thể xem thường, thậm chí tài thao lược chỉ dưới một người duy nhất, còn lại không ngán ai. Mẹ có chém gió không thì không biết, nhưng khả năng giảng dạy và sắp xếp trận đánh thì Diễm thuộc hàng trùm cuối của Đế quốc, còn đánh cờ soái hay chơi sa bàn thì có thể ngang cơ Hương Hương, cao thủ “không chuyên” mấy món đó. Đặc biệt, là tướng quân dày dạn kinh nghiệm trận mạc, can qua trăm lần đánh đủ trăm nên Mộc Ma không thoải mái khi ở gần. Không chỉ chuyện chiến công, mà nó còn thấy ghen tỵ. Sao vừa giỏi lý thuyết, vừa bá thực tế được tới thế cơ chứ?
Vỗ vỗ lưng nó, Diễm nói:
– Em không cần tự tay xử lý. Nhìn đi, mấy đứa “có vẻ” bất trị” luôn sẽ có người hốt chúng nó.
– Dạ?
– Nhìn đi.
Nói đoạn, Diễm chỉ tay về con tàu mà bọn đó đang lên. Do mưa và trời tối nên Mộc Ma không trông rõ lắm, nhưng giờ, theo hướng cô giáo cũ chỉ tay, nhỏ thấy được hình vẽ rồng xanh lá ở thân trên, với thân mình uốn lượn nhiều khúc và đầu hướng về phía mũi nhọn đằng trước. Không nhầm đi đâu được, là chiếc Thanh Long, Xích Quỷ mẫu C chuyên dành cho nhiệm vụ chỉ huy tác chiến! Mà… nếu là Thanh Long, chẳng phải đó là tàu của… của…
Tham mưu trưởng?
Vừa nghĩ tới, Mộc Ma đã thấy được bóng người cao lớn, cơ bắp cuồn cuộn từ chiếc xe bay vừa vào cảng nhảy ngay xuống, đi nhanh tới hàng ngũ đám học viên đang la ó. Ngay tức khắc, ông thầy giơ tay lên chào cấp trên, thẳng cánh về trước, hô to câu khẩu hiệu quen thuộc. Đám học viên cũng chào theo, vì trừ khi được cho phép, không chào sĩ quan cấp cao là tội có thể phạt cả đơn vị.
Không nhầm đi đâu được, cậu Trung vừa tới, và bây giờ đang xử lý những vấn đề mà đám loi nhoi kia gây ra. Làm rối loạn hàng ngũ, tội không nhỏ đâu. Nhất là trong cảng, chuẩn bị đi thực tập mà thế này, thể nào khi về cũng ăn hành ngập mồm. À không, Mộc Ma cười thầm, lên chiếc Thanh Long thì nát xác với cậu! Ngài Tham mưu trưởng đáng kính rất nghiêm khắc, và chuyện bị ngài đây bắt gặp tại trận khi đang gây rối, thậm chí có biểu hiện chống đối giảng viên là tiêu tùng chắc. “Đen như chó, ha ha.”, nhỏ cười, “Lên đâu không lên, lại nhè ngay cxai1 tàu đó! Thôi, chúc các chú một mùa kiến tập vui con mụ nó vẻ nhé, ráng sống sót qua học phần! Ha ha ha ha!”.
Lúc này, Mộc Ma mới giật mình, tự hỏi sao Diễm tới đây trước giờ tập trung những hai tiếng. Cô ta đâu phải dạng người sẽ tới sớm đâu chứ?
Vừa định hỏi, nhỏ bị chặn họng, rồi người kia nói:
– Lên tàu rồi tính.
– Hế?
Nói đoạn, Diễm quay lưng bỏ đi, để Mộc Ma một mình chơ vơ giữa cơn mưa nặng trĩu hạt. Còn phải cả tiếng nữa mới tới giờ thay ca, nó vẫn phải chôn chân ở đây, chứ có dễ dàng gì mà đi đâu! Mà khoan, cô ta vô hồi nào, có báo cáo ai không, sao mà tỉnh bơ quá thế? Lại còn thản nhiên đi thẳng về ụ cảng của mẹ nữa! Mấy người cảnh vệ đâu rồi chứ?
~oOo~
– Ư ư ư…!
Vẫn đang lau mái tóc ướt sũng với chiếc khăn bông nhỏ, Mộc Ma bước từ từ vào phòng hạm đợi, nơi các chỉ huy đang tiến hành cuộc họp đặc biệt, hoàn toàn không báo trước. Mười phút sau khi Diễm đi mất, có người chạy tới thông báo cho Mộc Ma biết việc đổi người được đẩy nhanh, và yêu cầu nó phải lên phòng họp của Hồng Ma gấp. Đây là lệnh trực tiếp từ Tổng lãnh, không được chậm trễ. Trên đường, hãy thay luôn bộ quân phục ướt bằng đồ đàng hoàng rồi hẵng đến. Người đó bảo, tất cả là lệnh của Giao Long, Hồng Ma không được can thiệp, và con bé phải lập tức thi hành. Người thay thế nó sẽ tới ngay, nên phải nhanh chóng rời đi.
Tuy không biết chuyện quái gì mới xảy ra, nhưng Mộc Ma khá mừng là mình đã thoát được cái cảnh dầm mưa chưa dãi nắng kia, và được lên nơi khô ráo, ấm áp. Nói là thế, chứ phòng chỉ huy hạm đội cũng rét bỏ xừ, chủ yếu vì mấy cái quạt lúc nào cũng chạy hết công suất. Vách ngăn dù cách nhiệt đi nữa, thì khi ở dưới, ống thông hơi mở cho tàu thoáng thì cái lạnh bên ngoài cũng len vào được. Hừm, chạy trời không khỏi nắng, à, không khỏi rét nhỉ? Đằng nào cũng thế thôi, lạnh khô vẫn đỡ hơn lạnh ướt. Chẳng né đâu được, đành thế. Nhét vội chiếc khăn vào túi áo, Mộc Ma hít thật sâu, rồi đẩy cửa, đi vào.
Bên trong, mọi người dã tập hợp đầy đủ. Thật bất ngờ, khi cả ba người quý tộc, Diễm và cậu Trung cũng có mặt tại đây. Đi cùng họ là khoảng mươi thủy thủ, là thi quỷ, mặc quân phục Không quân nhưng có băng tay đỏ – cảnh vệ chiến hạm. Nhìn ai cũng căng thẳng. Oa Lân ép thẳng tóc, Masami biến về dạng người và mặc quân phục đàng hoàng, Hương Hương bỏ cái áo choàng chỗ khác, tức là chuyện đang căng lắm. Ngay đến Hồng Ma, mẹ nhỏ, cũng cởi luôn cái bao bố bà ta hay trùm, để lộ bộ quân phục Quân Đổ bộ bên trong. Giao Long vẫn ngồi trên ngai, nhưng mặt mày trông hình sự lắm. Mộc Ma biết vì nó đang đứng ngang hàng, vả lại nhỏ thọt bên trái chứ mắt phải ngon lành.
Môi cắn chặt, tay nắm lấy ghế đến muốn gãy, chân đan mắt cá vào nhau, lông mày chau lại, đều là những biểu hiện khi Giao Long nghiêm túc suy nghĩ. Cô ta chỉ như thế khi có chuyện thực sự lớn xảy ra, và bị gọi bất ngờ thê này, chắc chắn không phải chuyện dễ chịu.
Đợi tất cả ổn định, Giao Long mới nhìn hết một lượt. Đoạn, cô nói:
– Tin từ Bộ Tổng Tư lệnh truyền vào. Hạm đội Liên hợp Yamato đã hành động. Họ nói năm nay sẽ tiến hành “giám sát” cuộc tập trận của chúng ta, và trong trường hợp căng thẳng leo thang, sẽ trực tiếp can thiệp.
– Thiệt luôn? – Hồng Ma hỏi ngay – Masami, Kiyo, nói ra mích lòng nhau chứ… người bên đó có ăn trúng nấm độc hay gì không vậy?
– Em nghĩ chỉ đám già chóp bu thôi, và bọn nó nên mổ bụng tự tử hết đi.
“Gắt!”
Ai cũng nghĩ thế sau câu nói và biểu cảm lạnh như tiền của Masami. Mặt không cảm xúc, đôi mắt mở to vô hồn như xác chết, và khuôn miệng khi nói như thể cứ nhếch lên cười cười, nhìn cô ta như mấy con quái vật khổng lồ sẽ phun tia hủy diệt tàn phá các thành phố vậy. Rõ ràng cô ta đang bực. Masami không ưa Yamato lâu rồi, theo quan điểm của phần đông người xứ ấy sẽ gọi là “phản động”, nhưng thực chất là ghét cái chính quyền quân phiệt tới mức ngu người kia. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan? Cho rằng mình là hậu diệ Mặt trời rồi làm xằng làm bậy à?
Đứng gần đó, Kiyo cũng khó chịu ra mặt. Nhắc đến Yamato, nhất là quân đội, trước mặt bác sĩ là điều cấm kỵ, nhưng Giao Long lại không ngại công bố trước toàn thể các sĩ quan cấp cao, có nghĩa là cô cũng đã chuẩn bị rồi. Khác với Masami chỉ đơn giản là không ưa chính quyền hiện tại, cô ghét Yamato, ghét chính người dân và những lối suy nghĩ lạc hậu của quê hương mình. Không ngạc nhiên với những gì cô ta trải qua, người cựu binh bị chính ngôi làng thân yêu khinh bỉ, ruồng rẫy, đến mức sắp chết đói thì lại được người nước ngoài cứu. Nên nhắc tới Yamato và cách họ hành xử, cô lại rất không vui, nếu không phải là muốn thiêu rụi cả thủ đô ra tro.
Tiếp tục nói, thuyền trưởng đi vào chi tiết tình hình. Hạm đội Liên hợp, thành lập lần đầu trong chiến tranh Hòa năm một ngàn tám trăm chín mươi lăm, là lực lượng không chiến chủ lực của Vương quốc Yamato. Hiện tại, thế lực quân sự này bao gồm hai thành phần chính là Hạm đội Thường bị và Hạm đội Biển Tây với tổng quân số năm trăm tám mươi tư tàu, trong đó hạm đội Thường bị chiếm ba trăm mười sáu chiếc, là những chiến hạm đời mới, có năng lực tác chiến cao, tạo thành các nhóm xung kích đầu và giữa. Đặc biệt, theo tin tình báo từ các điệp viên nằm vùng, Yamato đang đẩy mạnh viêc triển khai những loại tàu mới, nhất là lớp Kii, thiết giáp hạm trang bị động cơ đặc biệt, di chuyển không tiếng động và có thể xem là “tàng hình” trước loa AL hiện tại của Đế quốc.
Nhóm còn lại, Hạm đội Biển Tây, hay còn được gọi là Hạm đội Trù bị, gồm những chiến hạm đời cũ như zeppelin, chủ yếu chiến đấu phòng ngự mặt sau và thực hiện các nhiệm vụ đánh phá mặt đất, đổ bộ,… Do zeppelin thời xưa của Yamato có trần bay khá cao, chúng thích hợp cho việc tạo thành điểm cao di động, rót pháo xuống hạm đội địch. Hạm đội Biển Tây không có tính cơ động cao, bù lại chúng sở hữu năng lực tác chiến dài ngày và rất tiện dụng trong những nhiệm vụ đánh phá chiến lược, điều mà các tàu loại Dreadnought bên ấy rất xoắn. Thậm chí, có thể xem lực lượng chủ lực để quét sạch hậu phương địch là đám tàu cũ đó, chứ chẳng phải đám quân đi đầu.
Ngoài ra, xét về quân lực chung, Yamato cũng không phải xoàng khi vẫn sở hữu một nhóm nữa, được gọi là các “đội cơ động”, gồm những chiến hạm mẹ cỡ lớn chở nhiều thuyền phóng bom bay. Khoảng hai trăm tàu thuộc kiểu phân bố này, trong đó cứ từ một tới hai “mẫu hạm” lại được hộ tống bởi tầm hai mươi tàu nhỏ, chạy nhanh, năng lực phòng không cao, gọi là các “nhóm tác chiến”. Một tàu mẹ của Yamato, ngoài năng lực đấu pháo vốn có, còn thêm khả năng tải khoảng từ bốn tới sáu mươi thuyền con, mỗi chiếc mang hai bom bay và tầm bốn cây súng máy mười hai ly bảy, đảm bảo hỏa lực gần tương tự một chiếc xe bay vũ trang nhẹ. Khả năng tác chiến của họ, nhất là đám nhỏ nhỏ ấy, không phải hạng xoàng. Cùng Đế quốc, Yamato là hai quốc gia Viễn Đông ít ỏi áp dụng học thuyết Jeune École của Gaullia, và về mặt này thì phải thú nhận, họ làm tốt hơn hẳn.
Tình báo gửi về, dù ngoài mặt Yamato hổ báo tuyên bố rằng sẽ cử Hạm đội Liên hợp tới, nhưng thực tế họ sẽ gửi kèm Nhóm tác chiến Cơ động 1, gồm hai tàu sân bay Amagi, Akagi cùng khoảng hai mươi chiến hạm hộ tống. Tổng số thuyền được huy động là khoảng một trăm bốn mươi chiếc, trong đó có lớp khu trục Fubuki đời mới, được gọi là loại tàu “tác chiến đặc biệt” mang bom bay rất mạnh và pháo phòng không uy lực. Xem ra bên ấy cũng đã biết về xe bay, nhưng chưa hình dung được cách Đế quốc sẽ sử dụng. Họ cũng chỉ muốn làm màu, vì thực sự nếu hai nước xảy ra chiến tranh, thì với quân lực trên trời chênh nhau tới hơn năm lần, cái đảo quốc ấy sẽ bị xóa sổ ngay.
Tóm lại, những chuyện căng thẳng thế này không phải quá hiếm, nhưng để leo thang thành xung đột vũ trang thực sự thì cực kỳ khó. Không quốc gia nào ở thời đại này lại ngu tới mức chủ động gây chiến – đó sẽ là hành động chống lại cả thế giới – và đi tong luôn mọi thứ của họ. Dĩ nhiên, Đế quốc không định gây sức ép. Giao Long nói, kế hoạch thông qua vẫn sẽ tiến hành, và không có bất cứ thông tư nào từ bề trên nên có sao diễn vậy. Những cuộc tập trận này từ lâu vốn đã không còn mang tính răn đe Yamato nữa, mà là cuộc huấn luyện cho học viên quân sự năm cuối. Bên kia có “mong manh dễ vỡ” thế nào không quan trọng, đám diều hâu có nốc vài chục ngàn tấn nấm độc cũng không ngu người tới mức tự tiện nổ súng.
– Nói chuyện tào lao vậy thôi.
Thả lỏng người, Giao Long quay về cái vẻ vô lo vô nghĩ bình thường. Đoạn, cô nói tiếp:
– Tình hình có hơi chút bất ngờ, nhưng ta mong mọi người vẫn làm đúng phần việc. Trung, năm nay lại nhờ đội 6 cảnh giới. Các Bá tước, rất cảm ơn vì mọi người đã trực tiếp tham gia. Năm nay phân nhóm các người không có đám nhỏ, nhưng không được lơ là. Phải luôn cảnh giác, phòng khi… có đứa nào chơi ngu kiểu bắn pháo vô nhà chỉ huy đấy.
– Vụ kinh điển ấy à? – Osman bật cười – Cái đó đỉnh cao quá rồi!
– Huyền thoại rồi! – Hồng Ma hùa theo.
– Quả ấy phải gọi là bá! Thêm hai thước nữa thì vui ngay!
Chính “Thi Hoàng” cũng nhếch mép, sau đó cả phòng cười ồ. Huyền thoại khu trục bắn vào nhà Tư lệnh hạm đội cả thế giới đều biết, và đó là bài học cho việc để một đám thủy thủ, sĩ quan non kinh nghiệm lên một tàu mà không hề có dân chuyên nghiệp đi theo. Ngay cả trong những đợt diễn tập bắn đạn thật, chuyện “friendly fire” hay “bắn đồng minh” cũng không phải chưa từng xảy ra. Năm sáu năm trước gì đó đã có, một đám học viên năm cuối thao tác sai trong tháp phóng bom bay, làm nó cho đi liền hai quả có đầu đạn thật thẳng về một thiết giáp hạm. Cũng may khi ấy tàu kia phát hiện sớm, nhanh chóng hạ nòng phòng không đánh chặn, đồng thời cơ động tăng độ cao nên tránh được thảm họa.
Vả lại, chủ đề năm nay là huấn luyện tác chiến bằng xe bay, một nội dung còn quá mới mẻ thậm chí là với các cường quốc. Nhưng, không phải nó chưa từng được nghĩ tới. Việc các đơn vị nhỏ, nhẹ, cơ động cao và có số lượng lớn chống lại các đơn vị địch thực tế đã tồn tại ở Thủy Tinh từ lâu lắm rồi. Và vô tình, nhắc tới Yamato lại đánh ngay tới vấn đề này.
Trong Đại chiến Gaia, việc không chiến chủ yếu dựa vào zeppelin và các chủng loài biết bay tự nhiên, những nhóm không bay được sẽ đeo “ba lô phản lực” để lên trong một thời gian, trước khi quay về nạp thêm nhiên liệu. Những cuộc không chiến kiểu đó, giữa yêu ma bay được và lính dùng khí cụ chuyên biệt, nhìn chung không quá nổi bật khi so với tàu chiến bắn nhau, vì đơn giản một điều, vũ trang họ mang theo không đủ. Súng máy bộ binh có cỡ nòng quá nhỏ, trữ lượng đạn ít ỏi, trong khi một người chỉ mang được từ một tới hai khẩu. “Bom” mang theo cũng chỉ là lựu đạn, bổ nhào xuống, rút chốt, ném rồi bốc đầu vọt lên, chứ thậm chí còn không phải đạn pháo!
Các khái niệm đầu tiên về loại phương tiện chiến đấu nhỏ gọn, cơ động đã có từ xa xưa, tận thời Trung cổ và trước nữa, với các chiến binh cưỡi giống rồng bay wyvern, đại bàng và nhiều thứ khác. Các loại ấy tỏ ra hữu ích trong thời chiến tranh lạnh, với tốc độ cao và khả năng chiến đấu liên tục có thể tiêu diệt một đội quân. Nhưng từ khi tàu bay được trang bị hàng loạt nỏ liên hoàn, sau là đại bác, súng máy quay tay và giờ là đại liên nhiều nòng, việc kỵ binh cưỡi mấy thứ sinh vật đó tấn công áp chế trên không trở nên khó khăn hơn. Từ từ, những kỵ sĩ cưỡi rồng trong bộ giáp sáng lóa trở thành dĩ vãng, lui về sau cánh gà, nhường lại sân khấu cho tàu chiến nã nhau, cũng với những phát minh mới giúp người ta bay được mà không cần thú cưỡi to lớn.
Một trong các nỗ lực “thực tế” nhất là việc chế tạo các thuyền phóng bom bay cao tốc, có thể triển khai từ tàu mẹ ở cao độ thích hợp, dùng chiến thuật bầy sói, đánh và chạy để chống lại những đối thủ to hơn. Lối đánh này là một trong các hướng cụ thể hóa của Jeune École, nhấn mạnh vào khả năng chiến tranh phi đối xứng, trong đó các lực lượng nhỏ, rẻ, dễ chế tạo với số lượng lớn nhưng mang vũ khí uy lực có thể quật ngã những mục tiêu kềnh càng, to lớn và đắt tiền hơn gấp nhiều lần. Cực kỳ phù hợp cho tác chiến thủ nhà, nhưng một số nước như Yamato và Novgoroussiya đã “xào nấu” lại, mang chúng trên các tàu lớn để nhanh chóng triển khai tầm xa, có thể xem như tiền đề cho học thuyết về xe bay, “cánh tay nối dài” của Không Hạm đội.
Loại thuyền như thế chỉ dài khoảng mười lăm thước, với kíp lái từ bốn tới sáu người, mang hai đến bốn quả bom bay đầu nổ xuyên giáp năm trăm cân là đủ để giáng những đòn chí tử lên tàu khu trục, do giáp chúng rất mỏng. Loại tiêu chuẩn của Yamato là mẫu Kiểu 38, mang theo hai ngư lôi Raiden, định danh của Đế quốc là “Lôi điện”, có tầm hoạt động ba trăm sáu mươi lý, tốc độ di chuyển vào khoảng một trăm lẻ tám lý mỗi giờ. Tàu kíp lái sáu người gồm một chỉ huy kiêm lái chính, một máy trưởng, ba thành viên vận hành súng và một sĩ quan phụ trách phóng bom. Trang bị phòng ngự là một pháo Ho114 cỡ hai mươi ly, băng đạn năm trăm phát cùng hai khẩu mười hai ly bảy, dùng hộp hai trăm năm chục viên, bố trí phía trước và hai bên buồng lái.
Có một sự khác biệt lớn giữa hai quốc gia mà những ai ở đây cũng hiểu, đó là tuy đều theo Jeune École, nhưng Yamato chủ trương dùng các phương tiện “bỏ túi” như thuyền mang bom bay, có thể triển khai hàng chục chiếc từ mẫu hạm một cách nhanh chóng, trong khi Đế quốc lại chuộng kiểu khu trục với tuần dương hạng nhẹ, cơ động cao và có thể đi dài ngày, nhưng lại đắt tiền và tiêu hao nhiều tài nguyên hơn hẳn. Sự khác biệt trong tư duy chính là ở chỗ đó. Đế quốc có nguồn tài nguyên dồi dào và nền công nghiệp phát triển gần hai thế kỷ, trong khi xứ kia chỉ mới mở cửa ngót nghét sáu mươi năm, lại bơ vơ một mình giữa biển, ít khoáng sản, nhiên liệu nên không thể chơi lớn kiểu mấy hạm đội cực khủng được. Cũng bởi thế mà mới sinh ra lắm học thuyết quân sự thú vị.
Chỉ huy hiện tại của Hạm đội Liên hợp, Đô đốc Yamamoto, là một người năng động, cầu tiến và rất tin vào sức mạnh của các đơn vị cơ động chiến đấu tầm xa, thay vì lý thuyết “Hạm đội quyết chiến” cổ điển của quốc gia ấy. Giao Long biết tin này nhờ Masami và xa hơn là Nguyên soái Yamashita Yukihime, một người bạn cũ. Về kinh nghiệm thao tác với loại khí cụ nhỏ trên tàu lớn, triển khai tác chiến cấp phi đội ba bốn chiếc, hay tuần tra tác chiến trên không, khả năng phối hợp giữa thuyền con và tàu lớn, Yamato thực sự đi trước Đế quốc một đoạn khá xa. Họ có giáo trình bay, có các trường đào tạo riêng, có hệ thống tuyển chọn lính tráng nghiêm ngặt, phân loại lính rất đàng hoàng. Trong khi đó, nơi này, đắng lòng thay, chỉ mới chập chững bắt đầu.
– Đó là lúc vấn đề của chúng ta bắt đầu.
Nói thế, Giao Long bảo, khác với thuyền con đã được dùng từ lâu, xe bay là một phát minh tương đối “mới”. Tuy được tạo ra từ cuối Đại chiến, nhưng do không đủ kinh phí và vài vấn đề khác, nó bị người phát minh xếp xó một thời gian dài, tới khi tướng Flint bên Carib vô tình mua lại trong một cuộc thanh lý nhà kho. Đặt tên thứ ấy là vimana, ông ta chính là người thực sự có công hoàn thiện cỗ xe, khiến nó bay được và trở thành một hiện tượng mới trong ngành hàng không nói chung và Không quân xét riêng. Chuyện đó chỉ mới bốn, năm năm trước, nên vẫn chưa thực sự có các giám định và giáo trình chính xác về việc vận hành thứ này.
Mẫu LAtV01, bản xe bay đầu tiên do Đế quốc tự đóng dựa theo chuyển giao công nghệ từ Cộng hòa Carib bị xem là “thất bại” trong mặt không chiến, nhưng vẫn có khả năng tác chiến không đối đất, yểm trợ đồng minh càn địch trên bộ. Các chương trình đào tạo lái xe bay của quốc gia cũng chỉ mới tập trung vào mẫu này, còn loại F1A vừa nhận hàng thì quá mới, hướng dẫn sử dụng chi tiết nhưng không được dễ hiểu lắm. Giao Long đã cho vài người bay thử trước, dĩ nhiên là trong “không gian” cô tạo, và nhận xét chung là loại này bay nhanh, ổn định hơn, nhưng khả năng bẻ cua và lạng lách lại không bằng mẫu cũ. Hiện những phi công đó đang tất bật hoàn thành đề cương để gửi sang các đơn vị khác, sau đó khi ra Bắc sẽ cho Bộ Tổng Tư lệnh xem xét.
Vuốt vuốt bộ râu, Karl lên tiếng:
– Chúng ta thực sự đang đối mặt với cái tình huống tréo ngoe nhất từ hồi nước mình theo thuyết Jeune École. Có phương tiện mới mà lại thiếu hụt các tài liệu hướng dẫn, tới thành viên tổ lái cũng không được gửi vào, vậu mà năm nay là phải cho tụi nhỏ thực tập bay ngay à? Mấy thằng rửng mỡ ngoài đó “vui tính” ghê ấy.
– Không, bọn nhỏ thì chưa cần. – Trung nói – Nhưng đám bụng bia đó muốn chúng ta, cụ thể là Hồng Ma, phải cho xe ra bay thao diễn trong cuộc diễu binh. Vừa khoe hàng cho thiên hạ, vừa bí mật nghiệm thu rồi sau đó mới xây dựng chương trình học cho tụi con nít.
– Thằng mất não nào lên cái kế hoạch ngu như bò vậy?
Không cầm được, Alicia bức xúc nói:
– Mấy thằng đó có bao giờ tự tay lái một chiếc chưa mà làm như thể dễ lắm? Cả ngày hôm qua tụi này bị Giao “hành” liên tục trong cái không gian của nó, cũng vì muốn kiểm tra độ an toàn đó! Chết tiệt, một tiếng ngoài này bằng ba tháng trong đó! Cày liền tù tì sáu giờ đồng hồ, là một năm rưỡi giờ bay rồi!
– Bà bên vùng điều hành thì la hét gì? – Jessie thở dài – Đám máy mới chảnh như con cún ấy! Chăm sóc chúng nó mà tưởng đang nuôi thú cưng, đụng chút là khạc khói, bay không nổi! Đợt này ra phải chửi cha cái đứa ôn dịch nào thiết kế, xài động cơ yếu sinh lý!
Chính Hồng Ma mặt mày vui vẻ còn tối sầm lại. Nghiến răng, cô gần như cầm lên:
– Đừng nói nữa, càng nghe càng bực! Mả bố chúng nó, ngay sát giờ cuối thì thay đổi! Mà chơi thay cái này mới khốn nạn! Quật mồ mả tổ tiên mười đời thằng nào con nào tự nhiên nghĩ ra ý tưởng này! Chuyển vô ngay sát giờ rồi kêu là phải bay được? Đùa ta à?
– Mấy lão trên Bộ luôn biết cách hành đám địa phương tụi mình mà.
Chán nản, bực tức và có vẻ sắp nổi cáu, Liên nói:
– Hậu cần đang chửi đổng vì cái lũ đó uống Divaenium gấp bốn lần trên giấy đây! Đứa thông minh nào chỉ viết mỗi mức tiêu thụ của bản nguyên mẫu chứ! Động cơ nguyên mẫu với động cơ thực tế khác xa nhau, vậy mà cứ đắp hẳn cái số liệu đó vào! Làm ăn có lương tâm không vậy chứ? Tổng cục Kỹ thuật phải không? Lần này bộ phận hậu cần đồng loạt ký tên, gửi đơn kiến nghị!
– Đúng, phải kiến nghị! Bên kỹ sư cũng phát bệnh rồi!
– Nhóm phi công cũng mệt lắm, đội điều hành nữa! Mấy con này điều khiển khó muốn chết!
– Thôi bỏ đi.
Lắc đầu, Giao Long lên tiếng, chấm dứt cuộc “tổng sỉ vả” kia. Bằng chất giọng trầm trầm, âm u, lạnh buốt như vọng lên từ tận mười tám tầng Âm phủ, cô nói:
– Chuyện gì đã rồi cứ để nó rồi đi. Có đem xương cốt ông bà tụi nó xay ra cám cũng chả thay đổi được gì. Giờ phải tranh thủ vừa bay vừa huấn luyện. Vả lại, chuyện lái nó ấy, ta cũng có cách xử lý rồi. Một đêm tám tiếng không ngủ… trong cái “không gian” đó đấy.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]