🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Uỳnh! Uỳnh! Uỳnh! Uỳnh…!



Hôm nay, Thủy Tinh rúng động.



Từ hầu như mọi cường quốc trên thế giới, các hạm đội không ngừng cất cánh, hướng về kinh thành Đông Kinh của Đế quốc Liên hiệp. Hạm đội Hoàng gia Albion, Hạm đội Viễn dương Espánia, Hạm đội 1 Portugale, là ba lực lượng lớn cử hẳn biên chế hạm đội sang. Đây là biên chế cao nhất của Không quân, nhưng tùy quốc gia mà số lượng có chênh lệch. Novgoroussiya, Valhöll gửi đi các đội cơ động, có gần hai trăm tàu, để hộ tống Hoàng đế nước họ. Không mang đi toàn lực lượng, chính là ý muốn cho thế giới thấy chỉ cần một nhóm nhỏ là đủ. Dĩ nhiên, các tàu rời đi đều thuộc về những đơn vị tinh nhuệ nhất, hoàn toàn không phải hạng xoàng.



Ở Tân Thế giới, các đồng minh của Đế quốc cũng đã khởi hành. Vương quốc Terra Méxca gửi đi Hải đoàn Yucatán, lực lượng bảo vệ duyên hải, để hộ tống Thái tử nước họ với mấy bộ trưởng. Cộng hòa Carib gửi đội tàu Saint Augustine, các khu trục đời mới nhất, do lớp tàu kế tiếp vẫn chỉ mới đặt lườn, không thể tham gia vào. Chủ tịch Carib cùng các tướng lĩnh sẽ sang thăm, như một động thái vừa thể hiện tình bằng hữu, vừa để thoát khỏi các cấm vận Columbia đang đơn phương áp đặt lên họ. Phía nam, Đế quốc Hy Brasil cũng tham gia, với Hạm đội Rio của mình. Họ đang tạo dựng quan hệ đồng minh chiến lược với Valhöll, và nếu được thì là cả hai quốc gia kia trong liên minh Trục. Ba siêu cường đã phá thế độc bá của Albion, hoàn toàn không thể tầm thường.



Cùng với các hạm đội ấy, một số nước ở vùng Đông Gaia cũng rục rịch. Vương quốc Hungollente, “cường quốc ẩn mình”, đã phái sang Hạm đội Cjeste, cùng Công quốc Valakia và số tàu ít ỏi của họ, tham gia với đoàn Novgoroussiya. Ba quốc gia là hàng xóm cùa nhau, đã không ít lần liên minh đẩy lùi sự tấn công ác liệt của “kẻ thù phía Nam”, nên đi chung không phải chuyện lạ. Ba nước gặp nhau tại thành phố Donograd, rồi bay thẳng sang bên kia, qua không phận Thổ Phồn. Liên minh Babylon tại Trung Đông không thể đưa nhiều tàu sang vì cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc, nhưng cũng được Turan, quốc gia đúng đầu Liên minh, cử một hải đội nhỏ đi.



Hầu hết các nước mạnh đều như vậy, do Đế quốc Liên hiệp, ngoài là thành viên Hội đồng Bảo an, còn là cường quốc Không quân số một thế giới, cũng như một trong các ông lớn kinh tế thuộc tốp năm thế giới. Cử người sang để thắt chặt thêm tình bằng hữu, thực hiện các bản hợp đồng mua bán vũ khí, liên minh kinh tế,… là điều mấy quốc gia thuộc dạng cường quốc “hạng hai” như Hy Brasil, Portugale và Liên minh Babylon rất muốn. Vả lại, họ cần một đối trọng đủ mạnh để ngăn cản quyền lực mềm ngày càng lớn của Columbia, vì dù Albion và Terra Méxca đang ra sức kìm hãm, thêm Carib hỗ trợ, thì vẫn cần một bức tường thép tại phương Đông, ngăn cản các tác động của xứ “dân chủ” ấy vào các chuỗi đảo và lục địa. Ngay cả Albion cũng muốn thế.



Chính trường Thủy Tinh đang thay đổi.



Kể từ sau Đại chiến Gaia và Nội chiến Terra Méxca, quyền lực giữa các quốc gia đã biến động đáng kể. Với việc Gaullia, quốc gia có nhiều thuộc địa thứ hai thế giới thất bại, mất toàn bộ lãnh thổ bên ngoài cùng một phần sáu chính quốc cho các quốc gia phe Liên minh, không còn bất cứ thế lực nào đủ mạnh ở miền Tây lục địa. Albion một mình một cõi giữa đại dương, trong khi Espánia đang đối mặt với khủng hoảng thuộc địa trầm trọng, các vùng đang nổi dậy đòi độc lập. Columbia tranh thủ khi Terra Méxca suy yếu đã bí mật chuyển tiền với khí tài cho các phe cánh nổi dậy tại vùng Nam Tân Thế giới, kích động các thuộc địa nổi lên chống mẫu quốc.



Nhân cơ hội Albion đang tái cơ cấu bộ máy Nhà nước, Columbia đã bí mật nuôi các nhóm khủng bố tại Trung Đông, hình thành những tổ chức khủng bố cực đoan nhằm vào các thành viên thuộc Liên minh Babylon, khối quốc gia cung cấp Divaenium chính cho thị trường phương Tây và Novgoroussiya. Bằng mục đích những loạn thị trường nhiên liệu, giới tài phiệt nấp trong cái bóng của Nhà Trắng ra sức giật dây, phát động các cuộc chiến tranh, xung đột tại vùng “mỏ”, làm giá quặng chao đảo không ngừng. Ngay chính bán đảo Saudia, khu khai thác lớn nhất của Albion cũng bị “khủng bố” tấn công. Trong khi đó, xứ thiên đường dân chủ bí mật đẩy mạnh công tác khai thác quặng trong nước và bán cho Gaia, mục đích chính là thâu tóm thị trường nhiên liệu thô tại đây.



Tệ hơn, các nhóm nổi dậy móc nối với Columbia chủ yếu nằm tại những vùng quan trọng của các đế quốc già. Nam Tân Thế giới, tiểu lục địa Gautama và các vùng thuộc Afrikae, rất khó để kiểm soát hết. Trong khi đó, vừa tiếp quản phần lớn thuộc địa tại Lục địa Đen của Gaullia, Valhöll nhanh chóng đối diện với áp lực lớn từ các dân tộc địa phương. Họ trao dân “bên ngoài”, cách người Gaia gọi dân bản xứ, nhiều quyền lợi và tự do hơn, nhưng vẫn phải đều phòng các bộ tộc làm loạn. Novgoroussiya canh giữ vùng Alaska, nơi nước này từng từ chối bán cho xứ dân chủ, vì lo sợ một khi đã mất bán đảo này và quần đảo Aleut, toàn bộ eo Aurora và các dòng hải lưu dẫn vào Bắc Băng Dương sẽ bị phỏng tỏa. Vả lại, cái mỏ vàng khổng lồ ở đó, nên dễ gì lũ ấy chịu bỏ qua?



Sau hai thập niên từ khi Đại chiến kết thúc, Columbia biến mình thành cái gai trong mắt toàn thế giới. Ngay tới Vương quốc Yamato cà khịa tất cả còn ghét bỏ. Đường lối chính trị diều hâu, dân chủ giả tạo, đạo đức thối nát, ngay chính đồng minh là Albion còn đâm ra chán ghét. Ngoài mặt luôn rao giảng dân chủ như nhà truyền giáo chân chính, trong lòng lại đối xử với người da màu, nhập cư như nô lệ, người ở. Đề cao các giá trị bình đẳng nhưng chèn ép phụ nữ, da màu, chủ trương “da trắng thượng đẳng”. Thể hiện mình văn minh, cao thượng nhưng mafia ra đường như đi chợ, cảnh sát ăn hối lộ, còn chính trị gia chỉ là con rối của giới tài phiệt lắm tiền. Mọi người đều biết, lý do Columbia còn chưa bị diệt là bởi quốc gia ấy đóng vai trò sàn giao dịch, trung tâm chứng khoán, ngân hàng lớn nhất thế giới. Phố Wall, quận Manhatta, những khu vực “bất khả xâm phạm” của nền kinh tế thế giới. Không ai muốn gây ra một vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên dù cay lắm mà chưa làm gì được. Vẫn chưa, chưa được.



Và họ có thực lực.



~oOo~



– Óe hé hé hé, bố già nè, bọn ta có bản thiết kế mẫu hạm rồi nè! Óe hé hé hé hé hé hé!



Ngậm một thìa đầy ắp đá bào siro dậu, Giao Long chép miệng bảo. Đám con nít, mà chính xác là Viêm, đã được “mời” khỏi đài chỉ huy bằng lời lẽ đường mật đáng sợ tới mức không ngờ. Tạm thời giữ con bé tránh xa khỏi những chuyện chính trị, thuyền trưởng vừa đảm bảo an toàn cho đứa nhỏ, vừa giữ các thông tin tuyệt mật tránh xa khỏi việc bị lộ. Lệ đã rời xuống cột buồm đáy, cùng một phân thân của “Thi Hoàng”. Trên cầu bây giờ chỉ còn cô, Hồng Ma, người vừa kiểm tra hệ thống, cùng con quạ sáu mắt hoạt động như đường dây liên lạc riêng giữa cô và Tổng lãnh Linh Giang. Các thi quỷ khác ở bên dưới, và dù có thính lực tốt hơn, họ không thể nghe nếu như Hồng Ma tạo kết giới xung quanh.



Nheo tít mắt lại, mồm ngoác tận mang tai nhưng không to thành tiếng, chỉ giữ vừa đủ tiếng thoát khỏi bờ môi, chính là kiểu cười “đê tiện” mỗi khi Giao Long có cái gì đó thú vị trước người khác. Lần này, đó là dự án tàu chuyên chở xe bay, cải tạo lại từ lớp tuần dương Thuận Châu. Thật không ngờ chi mới đi kiểm tra khoang chứa hôm qua và ngồi chém gió chơi chơi về nhu cầu có một loại tàu mới, chuyên dụng để chở mấy con xế hộp ấy, thì ngay trong đêm Jessie đã mang bản thiết kế thử nghiệm lên rồi.



Dĩ nhiên, cô đã cho in một bản riêng rồi gửi nó cho Đại Công tước, thông qua… quạ. Đôi khi, chính Giao Long cũng thấy bất ngờ trước sự tiện đến không ngờ của lũ quạ này, vì dù chúng là bản sao mình tạo ra, “Thi Hoàng” lại chưa bao giờ dùng hết mọi khả năng, và vì vậy cũng còn nhiều thứ cô không ngờ. Ngoài việc liên lạc đường dài, đám quạ ma sáu mắt còn đóng vai trò như máy fax – ít ra bên Tráu đất gọi thế – để chuyển các văn bản đi. Rất tiện, nhưng đồng thời lại là vật hãm.



Tuy nhiên, bây giờ thuyền trưởng sẽ không bàn về mấy vụ triết học cao siêu hại não, như kiểu vật chất với ý thức hay tư bản xuất hiện trong lưu thông, mà chỉ là chuyện quân sự bình thường. Việc chia sẻ thông tin quân sự giữa các Đại Lãnh địa, chính xác là giữa các Tổng lãnh với Thừa tướng, bình thường không hiếm, do họ đều là các tướng cấp cao vào loại bậc nhất của Đế quốc. Nắm rõ tin tức của nhau giúp việc phối hợp quân lực, hiệp đồng tác chiến hay lao động sản xuất, thực hiện công tác hậu cần dễ dàng hơn.



Thông tin về loại tàu do Viện Nghiên cứu Hàng không Bình Sa đã được công bố cho các thành viên mang lon một sao vàng trở lên thuộc các bộ phận tham mưu, hậu cần, chính trị và kỹ thuật. Các đơn vị trực chiến sẽ chỉ gồm bậc hai sao trở lên nắm thông tin. Như vậy, họ đảm bảo các thành viên đầu não biết chuyện, cũng như ngăn việc rò rỉ thông tin. Dù sao, quyền hành của tướng bậc một sao vàng tại các đơn vị tiền tuyến là không đủ để tiếp cận các tư liệu này.



Hiện nay, mạng lưới viễn thông của Đế quốc cơ bản đã hoàn chỉnh, với hàng trăm ngàn, có lẽ lên tới cả triệu, cây dây điện chằng chịt dưới lòng đất. Không làm đường dây lộ thiên, họ xây dựng chúng ngầm dưới đất để đảm bảo an toàn, cũng như mỹ quan đô thị. Hệ thống “điện thoại”, loại công nghệ truyền âm mới vừa được du nhập từ phương Tây, đã gây nên một cơn chấn động thực sự của nền bưu chính – viễn thông, ảnh hưởng ngay đến cả quân đội. Họ có các đường dây riêng, nhà đài riêng, và tuy quân đội có các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông dân sự, hai bên tách biệt nhau. Cùng điện thoại, điện đàm vô tuyến băng tần ngắn cũng được dùng liên lạc nội bộ, nhưng… vẫn khá bất tiện.



Ngoài ra, lý do chính cho chuyện liên lạc thế này, chính là dịch vụ bưu chính “ba chấm” của Đế quốc. Dù đầu tư rất nhiều, không thể phủ nhận được toàn hệ thống bưu chính Đế quốc đang phải phụ thuộc vào các đoàn tàu, vốn có thời gian chạy lâu và thường dừng nhiều ga. Sử dụng zeppelin giao hàng đang được đầu tư, nhưng bởi đa số zeppelin hiện có đều là tàu quân đội, việc cải biên sẽ tonnhiều, cả thời gian lẫn tiền bạc, và có thể sẽ vượt hơn cả hiệu quả kinh tế để thu hồi vốn.



Các đường tàu hỏa tốc, như tuyến Bắc – Nam nối liền từ Bạch Hạc xuống Đông Kinh, sang Thiên Trường, tới tỉnh Thừa Thiên, vô các thành Định Tường, Gia Định và kết thúc ở thủ phủ Bình Sa cũng phải mất tới cả ngày chạy liên tục. Dùng động cơ đốt Divaenium mới nhất, chúng có thể phóng trăm mấy cây mỗi giờ, nhưng việc dừng tại mỗi ga khiến tiếc độ chậm đáng kể. Tàu hỏa tốc là tuyến khai thác riêng của quân đội, chỉ để đưa đón sĩ quan, đơn vị hay chuyển khí tài mà còn lâu thế, thì tàu dân dụng phải tới thế nào?



Việc đó chính là lý do Giao Long dùng quạ để gửi đồ.



– Bản vẽ chi tiết đấy. – Ông Đức nói – Nhưng đây mới là thí nghiệm cơ bản mà nhỉ? Cô gửi cho bọn ta không sợ bị bóc phốt à?

– Ông không thể bóc một thứ không có.



Giao Long nhoẻn miệng. Đoạn, cô tiếp:



– Trước mắt thì vậy đã. Ta có sang “bên kia”, tham khảo vài mẫu của họ nhưng…

– Chúng sẽ thành sinh tố ngay lập tức nếu vào phong lộ.

– Đúng vậy. Hầy…



Cuộc nói chuyện nhanh chóng trở lại chủ đề chính. Với các bản vẽ giao long gửi sang, những người kia đã nắm được cơ bản chi thiết loại tàu này. Dĩ nhiên, chỉ là thử nghiệm, nhưng rõ ràng là khả quan và đáng tin cậy. Đêm qua, cô đã nhận điện tín từ Tổng lãnh Bồn Điện, một trong các đồng minh thân thiết, rằng thiết kế xem ra rất thực tế và phù hợp với điều kiện thời tiết Đế quốc. Tuy nhiên, ông ta cũng chỉ ra khuyết điểm của thiết kế này: Quá nhiều pháo chính khiến tàu bị nặng đáy, chưa kể trữ lượng đạn pháo mang theo sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng tác chiến của xe bay. Về mặt này, có vẻ Jessie đã lập lờ khi báo cáo, hoặc đó là sai sót của tổ thiết kế.



Về khả năng, sau khi tính toán thì quả thực thiết kế này có thể nhét từ sáu tới bảy trăm xe các loại, nhưng đó là khả năng tải. Tổng lãnh Linh Giang phân tích, với thiết kế nhà chứa như vậy, việc triển khai phi đội thực tế sẽ bị chậm và mất nhiều thời gian, do kích thước cửa ra quá bé so với quy mô mang theo. Hiện tại, Đế quốc vẫn chưa có biên chế chính thức cho các phi đội đặc nhiệm, như kiểu mô hình mà Giao Long từng đề cập khi sang “bên ấy”. Các tàu có khả năng mang được xe bay thực tế đều là loại tàu cải biên, trang bị tạm thời một khoang riêng để chở theo, như cái gara biết bay chứ không phải kiểu tàu chuyên dụng. Ngay tới như Hồng Ma, có thể mang khoảng bốn trăm chiếc mà vẫn chỉ là mẫu thử nghiệm, năng lực tác chiến thực tế bị hạn chế nhiều.



Ngoài ra, trữ lượng hành trình không tương xứng với kích thước. Tuy tàu lên kế hoạch có ba boong chở xe, với nhà chứa lớn ở trên cùng, thì nhiên liệu dự trữ mang theo thực tế chỉ có thể đáp ứng cho mỗi xe bay khảng mười chuyến ở tốc độ hành trình, chưa tính tốc độ tối đa và các tình huống khác. Về cơ số đạn dược, theo liệt kê và chia bình quân thì mỗi tiêm kích sẽ được cấp một trăm băng đạn loại ba trăm viên. Khá nhiều, nhất là khi xe F1A mang mười băng loại ba trăm viên khi bay. Tuy nhiên, chúng không có thùng dầu phụ, còn các vũ khí đối hạm thực tế như bom, bom bay,… lại vô cùng thiếu thốn. Mỗi chiếc chỉ được trang bị một đàn pháo phản lực bốn mươi viên bắn “ngu” dưới cánh, hai bom xuyên giáp hai tạ rưỡi hay một quả bom bay đầu nổ nửa tấn, và chỉ những phi đội riêng biệt mới được sở hữu. Theo biên chế như thế, sẽ chỉ có tối đa một phần sáu số xe trực chiến, tức khoảng trăm chiếc, là được vũ trang hạng nặng, mà thậm chí chỉ được chọn một trong ba chứ không phải tải hết nữa!



– Hừm? Có vẻ nhiều vấn đề nhỉ?



Chống cằm, Giao Long nheo mắt, nghĩ ngợi. Không phải cô không biết điều này, mà do đã tiếp xúc khá nhiều với thế giới khác, lại được bà nội kể cho hồi nhỏ, nên cô không mấy ngạc nhiên với việc chỉ một cơ số thành viên đội bay được trang bị vũ khí hạng nặng thế này. Ở Thủy Tinh, không chiến đã có từ lâu, nhưng là giữa các loài yêu ma hay tàu bay với nhau, chứ không phải kiểu hình mà cô đang muốn áp dụng. Nó quá mới mẻ, và xung đột với những gì được dạy đó giờ.



Kể cả Tổng lãnh Linh Giang, người hết sức ủng hộ việc sử dụng các phương tiện nhỏ, giá rẻ và có thể triển khai số lượng lớn để hạ tàu chiến cũng chưa hình dung ra được. Mà, ngay chính mình còn thấy nó mông lung mà! Học thuyết không chiến đó giờ là vũ trang mạnh, nên kể cả Jeune École cũng không thoát khỏi lối nghĩ ấy. Nếu chỉ trang bị pháo ba mươi ly, chuyện bắn hạ chiến hạm gần như không thể. Nên cô biết, “vấn đề” kia là có lý do. Chỉ là bên ta chưa hình dung ra được một trận chiến như thế thực tế sẽ như thế nào, giả như biết rồi thì sẽ nghĩ khác ngay.



– Hừm, vậy à?



Không đợi vợ mình nói, Hồng Ma lập tức chen vào. Tuy về cấp hàm, cô thấp hơn các Tổng lãnh hai bậc, nhưng về địa vị đặc biệt thì có khi còn hơn cả Hoàng đế. Một thực thể đã tồn tại từ bình minh của Hồng Bàng, sức mạnh không tượng, không ai dám nghĩ tới việc chống lại bà già tóc đỏ ấy. Kể cả trong quân ngũ, dù nhiều cấp dưới cũ đã vượt xa hơn, họ vẫn kính trọng cô ta. Hoàng đế cũng không dám đứng gần, Hồng Ma tồn tại là cái gì đó vượt xa mọi khái niệm thông thường. Một vị “thần”, hiện thân của Mặt trời, hay như các yêu ma khác vẫn gọi, Viêm Đế.



Kinh nghiệm dẫn quân đánh trận của Hồng Ma chắc chắn nhiều hơn bất cứ ai trong quốc gia này, hơn cả Lệ, Tham mưu trưởng của mình. Về thực hiện tác chiến chiến thuật cụ thể, rõ ràng cô ta rất ngáo, nhưng hoạch định chiến lược thì chưa từng có ai vượt qua được. Chủ trương dựa vào đặc điểm giống loài, tình huống trước mắt để xoay sở tình thế hơn là các lối đánh sách vở khuôn mẫu, không hề khó khăn khi cô nhìn ra được cái lý do của việc chỉ có một số ít xe bay mang vũ khí hạng nặng. Giao Long biết, do cô ấy tiếp xúc với thế giới khác, nhưng bà già lại hoàn toàn chưa biết gì về thứ vợ mình gọi là “tác chiến tàu sân bay”. Cô chỉ hình dung ra khi tự tay cầm lái một chiếc LAtV01, và hiểu được điều ấy.



– Đức, nhớ bà già này chứ?



Cầm con quạ lên, Hồng Ma cười ngoác mồm, hỏi.



– Nhớ chứ, ai quên nổi bà.

– Hô, thế à?



Cười mỉa đầy ma quái, Hồng Ma nói, việc “thiếu hụt trang bị” đó không phải lỗi thiết kế, mà chính là bên viện người ta tính thế. Các xe bay sẽ có nhiệm vụ đánh tàu, điều đó chính xác. Tuy nhiên, loại xe mang vũ khí hạng nặng như vậy sẽ bị giới hạn vận tốc di chuyển, giảm tính cơ động và dĩ nhiên, đường bay dễ dàng bị địch đọc được. Như vậy, cần có loại xe tương tự nhưng nhanh hơn, không mang vũ trang nặng để đổi lấy độ cơ động cao, sẽ làm nhiệm vụ đánh rỉa hàng phòng thủ trước khi mấy bạn “phá giáp” bay tới. Pháo ba mươi ly là trò hề khi đứng trước giáp chiến hạm, vốn chịu được cả phong lộ và “Máy chém của Trời”, nhưng lại là thứ rất hữu dụng để bắn quét, nhất là mấy chỗ yếu như ụ phòng không, động cơ đẩy, bánh lái,…



Ngoài ra, còn vì lý do khác.



Hồng Ma nói, xe bay, hay vimana theo cách gọi phương Tây, được chế tạo lần đầu tiên ở mũi Kitty Hawk tại Columbia sáu năm trước. Kể từ đó, chúng được các nước phương Tây du nhập và không ngừng cải tiến, cho ra nhiều loại mới. Đế quốc chỉ có hai mẫu, quá ít so với nước ngoài. Năng lực không chiến của chúng đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng lãnh địa Borneo đã xác định có thể sử dụng được. Vậy giả sử, trong một trận đánh mà hai bên đều tung lên cả mấy trăm xe, thì chẳng phải những loại mang nặng sẽ dễ bị các mẫu tiêm kích cơ động bắn hạ? Tính trước như thế, nên trong thiết kế này, chỉ có một phần sáu số xe mang bom. Số còn lại sẽ bay hộ tống, trinh sát và đánh chận, bảo vệ an toàn cả tàu ta lẫn hỗ trợ đánh hạ đối phương.



– Ra là thế à? – Tổng lãnh Linh Giang nói – Không ngờ họ tính xa tới vậy. Nhưng có gì chắc chắn là các nước khác cũng nghĩ về điều này không?

– Họ sẽ nghĩ tới.



Giao Long nói, đặc biệt nhấn mạnh chữ “sẽ”.



– Chỉ là vấn đề thời gian tới khi các siêu cường khác tính tới việc xây dựng mẫu hạm. Chúng ta đang có lợi thế, là việc phóng xe từ tàu đã được Hồng Ma và các tàu cải tạo thực hiện thành công. Bất quá, mỗi thiết giáp hạm đèo một trăm con xế hộp, thế cũng được.

– Cô định làm tàu lai à?

– Nhà nghèo cha mẹ keo thì đành thế thôi! A ha ha ha ha!

– Ha ha ha ha ha!

– Ga ha ha ha ha ha!



~oOo~



Quay về căn phòng ở tòa chánh điện, Viêm thấy cu Thiên đã ngồi chờ sẵn. Nhưng bên cạnh thằng bé, còn có một người khác, với ngoại hình kỳ lạ, và có chút gì đó đáng sợ. Một ông lão, nhỏ chắc mẩm, tóc bạc phơ, dáng mình cao lớn, quắc thước, nổi rõ từng múi cơ bóng lưỡng như đô vật nổi tiếng thế giới. Ánh mắt ông cụ ngời ngời, lại sắc lẻm như diều hâu, hoàn toàn phù hợp với bộ râu dài quá ngực và mái đầu bạc trắng như cước. Cụ cởi trần, với chỉ chiếc áo choàng khoác hờ trên vai và chiếc quần dài, trên tay là thanh kích đầu rìu cực lớn. Cơ thể đầy các vết sẹo, nhưng hoàn toàn không có vẻ gì là người xấu.



Tuy đứng ngay đó, nhưng cụ già lại trông rất mờ ảo, cơ hồ như trong suốt, với sắc xanh lập lòe và làn sương mỏng bao quanh. Ông nhìn Viêm một hồi, mỉm cười, đoạn xoa đầu Thiên rồi… biến mất! hết trố ra, rồi lại dụi mắt, Viêm không dám tin điều mình vừa thấy nữa! Chả lẽ… mình mới gặp ma? Không, nhỏ không nghĩ thế. Điện Cây Quế có rất nhiều hồn ma, nhưng đều là bề tôi của mợ Dung, không thể nào có chuyện đi lang thang vầy được. Lúc quay về, nó còn thấy con chột nói chuyện với mấy linh hồn đang lo tạp vụ, họ bảo một loại bùa đặc biệt khiến các linh hồn bình thường không thể tiến vào tòa chánh điện mà không được phép. Nhưng nếu vậy, thì làm sao giải thích được cảnh tượng ban nãy?



– Sao vậy? Tự nhiên đứng như hóa đá vậy?



Vỗ lưng Viêm, Mộc Ma hỏi bạn mình. Ngay lúc ấy, con bé nhận ra mặt nhỏ kia trắng bệch, mồ hôi mồ kê tuôn đầm đìa, ướt nhẹp như người đi tắm quên lau mình mẩy. Nhanh chóng dẫn nhỏ vô phòng, lấy khăn lau trán, chờ một hồi nó mới bình thường lại. Gặng hỏi, thì hóa ra Viêm đã gặp “ông”.



– “Ông”?



Mắt tròn xoe như hai cái tô, Viêm quay qua hỏi.



– Là cố Tổng lãnh…



Lí nhí, Mộc Ma nói.



Đó là một bí mật của điện Cây Quế. Linh hồn của cố Tổng lãnh, U Minh Thân vương Phạm Đông Hải vẫn còn ở đây, đôi khi đi loanh quanh trong các dãy nhà và thường hỏi han con cháu mình thế nào. Rất nhiều nhân viên ở đây, gồm binh lính á nhân, các thi quỷ phụ trách phòng ngự, nhóm âm binh và ngay cả Mộc Ma cũng từng gặp ngài ấy ít nhất một lần. Vẫn cường tráng như khi còn sống, cùng điệu cười hào sảng và thanh kích trên tay, anh linh vị Nguyên soái quá cố xuất hiện như thần bảo hộ điện, canh giữ giấc ngủ của các thế hệ sau. Ngày Mộc Ma lên tàu, ngoài các học viên tốt nghiệp cùng lứa và giảng viên đến tạm biệt, nhỏ còn thấy thấp thoáng bóng ông giữa khu cảng, ẩn trong hơi sương máy móc.



Thấy chị sợ, Thiên cũng bò qua. Cu cậu không nói gì, chỉ im lặng trèo vào, ngồi vô lòng chị. Nhóc tỳ im re, chốc chốc lại ngửa cổ, nhìn lên rồi quay lại. Nó nín thinh, nhưng ôm bé con như vậy, Viêm lại thấy đỡ sợ hơn. Nhỏ không ngờ sẽ có ngày thế này. Ma quỷ, quái vật đều gặp cả rồi, nhưng trực tiếp đối diện mới kinh dị. Cũng may đó là người tốt, chứ nếu như mấy con ma ác trên tivi thì nhỏ tận mạng rồi… Cơ mà khoan, có Thiên ở đây thì sợ gì nhỉ?



– Lấy lại tinh thần nhanh đó!



Quàng tay qua ôm Viêm, Mộc Ma nói. Đoạn, nhỏ tỳ sát ngực áo lên vai bạn, tới nỗi nhỏ kia cảm thấy rõ “cái gì đó mềm mềm” ấn vào người.



– Cậu…

– Được rồi, được rồi mà!



Vừa nói, Mộc Ma vừa vỗ về, vuốt tóc Viêm. Tuy đã định thần lại, con bé còn run lắm, người lạnh như băng luôn. Thiên phồng má, liền lấy tay ôm chặt hai tay chị. Bình tĩnh hoàn toàn, nhưng chẳng biết sao người vẫn thấy lạnh. Vẫn cứ run, dù không còn sợ nữa. Tới khi Thiên tự dưng bì ra, Viêm mới thấy hết. Hiểu rồi! Nhỏ nghĩ bụng, tại cu em lạnh như cục nước đá đây mà! Người nó đã cóng, ngồi vô ngay trước bụng mình, khí lạnh nó tràn sang thì lại chả run! Thằng bé bò qua đọc sách tiếp nên không còn dính hơi nữa, chứ ban nãy, cảm giác như để cả thùng nước đá lên đùi ấy.



Vừa định thần lại, Viêm muốn tìm gì khác để quên vụ ấy đi. Chợt, nhỏ thấy cuốn sách Thiên đọc. Sách hình, in màu, nhìn khá đẹp. Chữ Quốc ngữ y như tiếng Việt – thì dù sao Đế quốc cũng là “Việt Nam” – nên con bé hiểu được. Bé con chắc toàn coi tranh thôi nhỉ, hai gò má phồng to tròn như con sóc nhìn đến là cưng! Nhóc con ngồi khoanh chân, sách để trên đùi, mắt chăm chú nhìn hình trong trang.



Là xe lửa.

Viêm ngạc nhiên, loại xe lửa cũ xì hay có trên phim cao bồi Mỹ. Một toa đầu tàu dài ngoằng, nhiều bánh với ống khói nhả khói đen cuồn cuộn, các bánh lớn chạy xình xịch trên đường ray, với một người thợ lái điều khiển tốc độ. Nhỏ lại nhớ hồi trước có coi phim gì có đoàn xe lửa chạy lên Bắc cực, quả tàu phanh trên mặt hồ băng coi rõ phê luôn! Tàu lướt đi kin kít, băng vỡ ra phía sau, nhắm thế nào mà ngay lúc băng nát tới thì chạy lại ngay trúng đường ray, đã lắm cơ!



– Cậu thích xe lửa à?



Nhìn bạn, Mộc Ma hỏi.



– Ừ thì… cũng thích, nhưng…



Ngập ngừng trả lời, Viêm quay đi, không muốn trông nữa. Đó giờ nó chưa đi xe lửa bao giờ, dù nhà cách ga Sài Gòn chưa tới năm cây số. Cha mẹ luôn bận bịu, chưa kể việc mẹ biến mất bất thình lình khiến hai cha con càng lạnh nhạt nhau hơn. Có vài lần được cha chở đi chơi, từ chợ cá Nguyễn Thông đi thẳng vào ga, nó thấy cả cái đầu máy hơi nước đen trũi, to lớn với logo sao vàng năm cánh trong hình tròn nền đỏ và biển số “141 – 158” trưng ngay trên dốc cao phía sân trước ga.



– Nè…



Viêm hỏi nhỏ.



– Ở đây cũng có xe lửa à?

– Hỏi gì kỳ vậy! có chứ sao không!



Muốn té xỉu với câu hỏi quá sức ngây ngô của Viêm, tới cái mức Mộc Ma nhìn nhỏ như đứa con nít mẫu giáo lớn xác chứ không phải bằng tuổi nữa, nhỏ chột đành lắc đầu ngao ngán. Kêu Thiên qua, Mộc Ma mượn sách đọc cho, vì dù sao bé con cũng chưa biết chữ. Là loại sách tranh cho con nít, chủ yếu là hình nhiều, lắm màu và ít chữ, nói về hệ thống đường sắt Đế quốc, nên cũng không phải khó nuốt. Một kiểu sách học cho trẻ con, nhưng thành phần nào ném cái cuốn của trẻ tiểu học cho thằng cu chưa vô mẫu giáo này thực sự cần đi khám tổng quát hệ thần kinh.



“À quên, cuốn này mình mua mà…”



Tự bóp rồi!



Nhớ lại thì, hồi sáu bảy tuổi gì đó, Mộc Ma mua quyển này để đọc cho qua ngày giờ. Hồi đó, không biết sao mà chữ nghĩa nó cứ tuôn ra, cày một phát mười hai năm phổ thông chỉ trong ba năm ngắn ngủi, rồi sau đó là bốn năm mài đũng quần trên ghế Học viện. Xe lửa, cùng với hệ thống cao tốc liên lãnh địa, các thành phố quy hoạch kiểu mới, vùng công nghiệp và các đường bay zeppelin là năm trụ cột chính của Đế quốc Liên hiệp cơ giới hóa. Trong đó, đường xe lửa là thứ được xây dựng gần như cùng lúc với các tổ hợp công nghiệp dân sự đầu tiên, ban đầu vốn phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô từ vùng mỏ tới các nhà máy.



Tuyến đường sắt đầu tiên được xây là năm một ngàn tám trăm ba mươi sáu, nối liền mỏ đá linh tử Quảng Ninh với kinh thành Đông Đô – khi này Đông Đô và Đông Kinh vẫn chưa tách ra. Đoàn tàu đầu tiên là loại Rocket III của Albion, sức kéo sáu mươi mã lực, kéo bảy toa hàng cùng một toa chất đốt chạy quãng đường hai trăm ba mươi bốn cây từ mỏ đá về khu công nghiệp Kẻ Chợ, tức vùng công nghiệp kẻ Chợ hiện tại. Với tốc độ sáu mươi cây một giờ, chuyến tàu mất khoảng bốn tới bốn tiếng rưỡi để mang hàng vào nhà máy, sau đó lại tốn từng ấy thời gian chạy về. Vì vậy Trung ương đã cho làm tuyến đường sắt đôi, với hai đường chạy nghịch nhau, mỗi tàu cùng đường sẽ khởi hành cách nửa tiếng.



Từ ngày ấy, các đoạn đường sắt khổng lồ, khổ một ngàn bốn trăm ba mươi lăm ly bắt đầu vươn đi khắp cả nước. Không đơn thuần chỉ là chở hàng công nghiệp nữa, những tuyến tàu thời ấy được dùng để phục vụ nền quân sự quốc gia, với các tuyến hỏa tốc gần trăm năm vẫn bền như mới. Đoạn tàu hỏa tốc đầu tiên được khánh thành là từ Đông Đô đi Thiên Trường năm một ngàn tám trăm ba mươi bảy, sau đó là chuyến Đông Đô – Bạch Hạc – Kinh Dương hai năm sau đó.



Ở miền Nam, chính quyền U Minh cũng cho xây các đường của mình, với đường sắt công nghiệp từ khu Hà Tiên lên thủ phủ Bình Sa, các đoạn quân sự Nam Vang – Bình Sa – Gia Định – Định Tường hay đường nối thẳng từ Nam Vang qua thành phố Thái tới thủ phủ Đế Ly của Bồn Điện, một thành tựu lớn lúc bấy giờ, dài hơn hai ngàn cây và mất tới bốn năm để hoàn tất. Điều khác biệt là ngoài tuyến quân sự, U Minh còn khai thác cả các đường tàu dân dụng, chở khách và hàng hóa đi khắp vùng lục địa của Đế quốc. Tuyến xe lửa từ Thái kéo xuống thành phố Malacca, và cầu đường sắt Nam Đảo nối liền đảo Sumatra với eo đất Malacca trở thành đường tàu hỏa vượt biển đầu tiên trên thế giới.



Những năm tiếp theo chứng kiến sự phát triển rực rỡ của hệ thống giao thông hỏa xa Đế quốc. Từ hai trăm ba mươi tư cây ban đầu, tới cuối thập niên tám mươi, chỉ tính riêng dân sự đã có hơn một trăm ngàn cây được đưa vào khai thác. Tới cuối những năm một ngàn chín trăm, số lượng này tăng gấp đôi. Tất cả các thủ phủ, thành phố lớn và thị xã có quy mô trên ba vạn dân đều có đường sắt và nhà ga, kết nối lại thành một mạng lưới khổng lồ.



Cục Đường sắt được thành lập, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, và với sự thành lập của Tổng công ty Đường sắt Đế quốc Liên hiệp, năng suất khai thác tăng mỗi năm không dưới hai mươi phần trăm. Các tàu hiện tại sử dụng cấu hình bánh xe 4 – 8 – 4, công suất dao động từ hai tới sáu ngàn mã lực, có tốc độ di chuyển tối đa là một trăm bảy mươi cây mỗi giờ. Con số này thậm chí vượt trội so với các thiết giáp hạm lẫn zeppelin các loại, và chỉ chậm hơn những loại tàu chiến nhỏ, tốc độ cao.



Các tuyến tàu dân sự hiện thuộc sự khai thác của ba công ty chính: Tổng công ty Đường sắt, tập đoàn Nhà nước, chiếm bốn mươi phần trăm thị phần thương mại. Công ty Tàu hỏa Quân đội, chủ yếu thực hiện các tuyến ngắn giữa từng thành phố, nắm ba mươi lăm phần trăm. Phần còn lại là Công ty Giao thông vận tải Đại Đông Dương, thuộc sở hữu của gia tộc Tổng lãnh Bồn Điện, hoạt động phần lớn trong nội bộ lãnh thổ của họ, giữ hai mươi lăm phần trăm còn lại. Trong ba thế lực, Tổng công ty nằm dưới ảnh hưởng của Trung ương, gần như độc chiếm các vùng phương Bắc. Công ty Tàu hỏa Quân đội giữ chặt U Minh, trong khi Bồn Điện cũng bảo vệ thị trường của mình, đồng thời cố gắng đối đầu với đối thủ cạnh tranh lớn kia.



Nghe cái cục diện, chẳng hiểu sao Viêm lại nghĩ tới Tam Quốc… À mà thôi, sao trùng hợp ghê thế cơ chứ?



– Xe lửa! Xe lửa! Gắn pháo!



Tròn vo mỏ, Thiên ngước lên nhìn Mộc Ma, rồi lại đòi lật sang trang. Đoạn, cu cậu vỗ bình bịch vô trang sách, nhìn thôi mà Viêm đã thấy gai người. Sách giấy đó em, không phải cái gì cứng lắm đâu mà đập kiểu đó! Cơ mà thôi, nói thế nó lại giận thì khổ, nên im lặng vậy. Với lại hồi nãy mình có nghe nó nói xe lửa “gắn pháo” thì phải? Là sao, để nghía phát…



Òa…



Viêm đã rời cuộc chơi.



Xe lửa vũ trang? Nghiêm túc à?



Tuy đã nghe Mộc Ma nói về các chuyến tàu quân đội, nhưng Viêm nghĩ đó chỉ là loại xe lửa bình thường, được trưng dụng để chở quân, khí tài, đạn dược ra chiến tuyến thôi. Chứ thế này thì quá bá rồi! Ảnh chụp hoàn toàn, được vẽ minh họa màu lại, một đoàn xe lửa lớn, bọc giáp kín bưng từ đầu tới cuối. Khác hoàn toàn mọi thứ Viêm từng biết, trông nó như chiến hạm lên bờ vậy. Cái mũi to bè, bên dưới nhọn và bành dần ra sau nhơ cái tấm loe của xe bình thường, nhưng phía trên tạo hình y như tàu thủy vậy. Hai bên phòng lái là hai tháp pháo, có ghi hẳn chú thích lựu pháo ba mươi bảy ly nữa. Bánh xe giấu cả sau các lớp giáp gắn ngoài, được gọi là “bộ váy”, vẫn thấy được cấu hình bánh xe, nhưng ẩn khá nhiều.



Phía sau, các toa tàu đều bọc kín thế, có chiếc còn mang cả tháp phá ba nòng theo nữa! Viêm muốn té, thứ quái thai lai quái vật gì mà lại kinh khủng vậy chứ? Giáp làm mặt xiên, với các tháp pháo và lỗ châu mai xung quanh, người nào không nhìn kỹ chắc còn tưởng ảnh chụp bức tường thành hay công sự nào đó chứ. Khoảng hai mươi toa, tính luôn khoang nhiên liệu và đầu máy, tạo thành một con quái vật trên đường ray. Phần đầu gắn cả một ụ phòng không hai khẩu sáu nòng bốn mươi ly, trong khi phía sau là pháo hai mươi ly trong các ụ đa giác bốn nòng rời. Ống khói nhả từng hơi đen xì, xem ra là chụp khi sắp chạy, vì bánh còn nằm im trên ray. Hàng đoàn người đang bước lên, tất thảy đều mặc quân phục, đội mũ giáp và đeo balo lớn, mang cả súng nữa. Nhìn cảnh ấy, con bé không khỏi tái mặt. Đoàn tàu vũ trang… Đế quốc có thứ như vầy sao?



– Xe lửa! Gắn pháo! Bắn! Bùm!



Nhìn Thiên vừa khoanh chân ngồi, vừa nói lại múa tay phụ họa, hai chị gái không thể nào nhịn cười được. Nhóc tỳ dễ thương quá, cái mặt bánh bao tròn um ủm và đôi mắt ngây ngô ấy, thêm hai tay múa may liên tục nhìn cưng không chịu được. Tuy không biết chữ, cu tý nhìn hình cũng đoán được đây là thứ gì. Xe lửa vũ trang, là thứ mà quân đội sử dụng ở các vùng biên giới và khu chiến sự thay cho loại tàu chở lính thông thường, vốn chỉ là tàu dân sự bọc thêm giáp mỏng và thường sẽ ừng cách chiến tuyến khá xa.



Xoa đầu Thiên, Mộc Ma mỉm cười. Đoạn, nó quay sang Viêm, hỏi:



– Bên cậu có cái này không?

– Hở?



Giật mình, Viêm ngồi thẳng dậy. Định thần một lát, nhỏ nghĩ ngợi, rồi nói:



– Tớ cũng… hổng biết nữa! Năm ngoái Chủ tịch Triều Tiên qua Hà Nội thì đi bằng xe lửa bọc thép, báo nói thế thôi! Còn có vũ trang thì hình như là đoàn tàu của Nga, mang tên lửa đạn đạo, ưm…

– Rồi, rồi, dừng hình tại đó! Có nói nữa thì tớ cũng chả biết mấy nước đó đâu!

– Vậy bình thường cậu nói ai nghe? – Viêm bĩu môi.

– Ờ thì… Thôi tớ thua, được chưa?

– Ừm!



Mỉm cười đầy thỏa mãn, Viêm tiếp tục nói “nhảm” về thế giới bên đó. Mộc Ma có vẻ khá miễn cưỡng nghe, nhưng Thiên thì lại khoái vô cùng. Nhỏ kể về vụ Chủ tịch Triều Tiên qua thủ đô Hà Nội để hội đàm với Tổng thống Mỹ, ông họ Kim đó đi bằng xe lửa bọc thép, bảo vệ nghiêm thế nào. Rồi xe lửa có vũ trang, nó nói về đoàn tàu hỏa “tử thần” của Liên bang Nga, đoàn xe chở tên lửa hạt nhân ấy. Chạy vòng vòng y như xe lửa thường, nhưng khi cần là bấm nút, mỗi toa nó lại chả phọt ra một quả tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Mà hình như mấy nước to như Nga, Mỹ có cái hệ thống gì đó, mỗi đầu đạn tự nhận một mục tiêu rồi lao xuống. Với sức công phá tương đương vài trăm ngàn tới vài triệu tấn thuốc nổ TNT, đó thực sự là ác mộng của bất cứ quốc gia nào.



– Nổ! Nổ! Bùm! Bùm! Oa!



Mở to mắt, Thiên cười ngoác mồm, ra vẻ khoái chí lắm. Còn Mộc Ma thì trợn mắt mà nhìn, như thể mới thấy thú lạ. Tên lửa liên lục địa với chả đầu đạn hạt nhân, nó hoàn toàn không biết gì! Nhưng sức hủy diệt tới thế, chẳng phải là đủ để thổi bay mấy thành phố luôn sao? Ngẫm lại thì, khi còn học trên trường, nó được dạy rằng động cơ Divaenium là một dạng lò phản ứng “hợp hạch có kiểm soát”, và dung dịch Divaenium đó là chất giữ phản ứng trong mức cho phép.



Run run giọng, Mộc Ma hỏi:



– Cậu… nói thiệt hả?

– Thiệt, xạo chi?

– Trời ạ…



Không tin được, Mộc Ma muốn tự vỗ đầu quá, rằng bên ấy lại kinh đến thế. Nghe nữa là bại não luôn, nên nhỏ chột nhanh chóng đổi đề tài. Quay lại với xe lửa quân sự, nó nói, loại tàu vũ trang này thường xuất hiện ở các vùng biên giới phía Tây và Bắc, ít thấy ở U Minh. Bởi lẽ, chúng không thích hợp với địa hình vùng này, và cũng không có nhu cầu về một hệ thống công sự chống bộ binh di động kiểu ấy. Khác với các vùng Linh Giang, Viễn Tây và Bồn Điện, U Minh không có biên giới trên cạn với bất cứ quốc gia nào. Vì vậy các đoàn tàu thế này là không cần thiết, nhưng vẫn giữ vài chiếc trong kho để phòng chiến sự.



Loại tàu thường dùng nhất của quân đội là “tàu hỏa tốc”, có vận tốc tối đa lên tới hai trăm bảy mươi cây mỗi giờ, được chạy trên hệ thống đường ray riêng, tách biệt hoàn toàn với tàu dân sự và tàu vũ trang. Cùng với đường cao tốc liên lãnh địa, các tàu hỏa tốc, có tên thế là vì chúng phóng cực nhanh và phun tàn lửa cực nhiều, đóng vai trò chính trong việc vận chuyển các lực lượng của Đế quốc tới những vùng xảy ra chuyện. Một tàu có thể chở hai trung đoàn, ba mươi tấn “hàng” và cỡ mười tấn nhu yếu phẩm tùy tình hình. Bọc giáp và vũ trang nhẹ hơn loại kia, kiểu tàu này lại được thiết kế để tăng tính ổn định, do tốc độ cao và quán tính lớn nên dễ trật ray. Mọi đoàn tàu quân sự đều chạy trên đường riêng, không đi đường dân sự trừ trường hợp khẩn cấp, và dư sức húc bay một con trâu mộng nếu nó “dám” cản đường.



Điều Mộc Ma không biết, đó là tàu hỏa tốc đã mở một đường đi thẳng từ Bình Sa lên điện Cây Quế. Tiêm kích và cả các bản vẽ mẫu hạm đều là do tuyến mới này thực hiện. Nó quá bí mật, đến nỗi các sĩ quan cấp úy hoàn toàn không được cho hay, và việc xây dựng được giữ kín. Đổng thời, đâu đó trong núi Thiên Cẩm, một nhà ga quân dụng mới đang được xây dựng, chứa ít nhất bốn đầu máy vũ trang, ngay bên cạnh một con “quái vật” đang ngủ say.

Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.