🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Ngồi chơi trong phòng Mộc Ma, Viêm tranh thủ mượn bạn vài cuốn sách để đọc. Chữ hai bên giống nhau nên cũng không quá khó, vấn đề là ngoài vài quyển dành cho con nít, thì còn lại đều là sách học thuật, giáo trình đại học và đủ thứ trên trời dưới biển khác. Cuốn truyện hôm qua hai đứa đọc chung là một trong số mấy món “trời hỡi” đó, Viêm không định sẽ đọc lại sau khi thấy cái kết quá ư là thốn ấy. Xe lửa thì Thiên giành đọc tiếp rồi: Cu cậu một chữ bẻ đôi cũng không biết, toàn xem hình thôi. Nhưng nhìn đôi mắt nó mở to, chằm chằm vào từng trang sách, lưng hơi còng xuống và đôi tay chống lên bộ ván mà cưng thấy sợ luôn!



Nghĩ gì đó một hồi, tự dưng Viêm quay sang Mộc Ma, lúc này đã thay đồ mặc ở nhà, rồi hỏi:



– Thế giới này có máy bay không?

– “Máy bay”?



Chưng hửng trước câu hỏi có phần kỳ cục, Mộc ma quay lại, nhướng mày nhìn Viêm. Từ từ, nghía qua não con kia phát đã. Với cái năng lực không khác gì gian lận thi cử đó, nhỏ chột nhìn thấy rõ mồn một hình ảnh của thứ gọi là “máy bay” trong đầu con bé. Một khí cụ bay khá hoành tráng, nó nghĩ bụng, với đôi cánh dài, đuôi lái đứng và bánh lái độ cao phía sau. Trên cánh còn có cả những tấm giúp điều chỉnh dòng khí nữa. Mộc Ma chắc mẩm Viêm không có đủ kiến thức để hình dung rõ ràng tới thế, chắc chỉ là cóp nhặt từ đâu về thôi. Dù sao bên ấy vẫn phát triển truyền thông hơn mình mà.



Chép miệng mấy cái, Mộc Ma làm bộ ngây ngô, hỏi:



– Là cái gì cơ?

– Ơ… Ưm…



Bị hỏi ngược, Viêm cứng họng. Thực ra nhỏ chỉ biết sơ sơ, chứ đi vào chi tiết thì mù tịt. Nó không so được với Mộc Ma, người được học bài bản, và nếu nói bậy bạ, kiểu gì cũng tự biến mình thành trò hề. Nhỏ không định nói, chỉ muốn hỏi cho biết, và cho có cái để nói chuyện, nhưng xem ra…



– Cậu cũng chả biết, nhỉ?



Mộc Ma mỉm cười.



– Ư… Ừ…



Đỏ mặt, Viêm gật khẽ đầu.



Thấy vậy, Mộc Ma mới nói. Thế giới này, Thủy Tinh, không tồn tại “máy bay”, cũng như khái niệm về dạng khí cụ bay nặng hơn không khí, di chuyển dựa vào lực nâng khí động học thuần túy. Nó khác với phía bên kia, qua những hình ảnh con bé thấy trong đầu Viêm, rằng các dạng phương tiện dùng nguyên lý khí động học chiếm ưu thế. Bởi, nhỏ bảo, với mỗi thế giới, tuy có thể có các điểm chung khiến nhiều người lầm tưởng là giống nhau, lại tồn tại các quy luật riêng.



Một trong số đó là các dòng khí lưu, hay “phong lộ”, quá mạnh của Thủy Tinh, thứ vượt xa cơn siêu bão mạnh nhất Trái đất từng hứng chịu, có thể băm nát bất cứ thứ hợp kim nhôm nào thành đống phế liệu. Ngoài ra, sự bất ổn trong luồng không khí cũng khiến việc duy trì áp suất lên mặt phẳng cánh khó khăn hơn rất nhiều, dẫn đến việc sức nâng bị giảm mạnh, và những thứ dùng cánh đơn thuần như “máy bay” ở đây trở nên không thực tế.



Tuy nhiên, về mặt “quy luật thế giới”, Mộc Ma lại nói việc bay ở đây hoàn toàn khả thi, chỉ khác là không phải theo cách của Trái đất. Bằng chứng là tuy phong lộ rất mạnh, có thể băm nát một chiến hạm, nhưng các loài yêu ma biết bay hoàn toàn có thể chịu được chúng ở một mức nào đó, nhấn mạnh là “ở một mức nào đó”, đồng thời không phải nơi nào trên trời cũng vậy.



Biển có hải lưu, trời có khí lưu, chúng tuân theo quy luật dịch chuyển của dòng, chất lỏng hay chất khí tùy loại, vì vậy nên sẽ có những nơi tĩnh lặng và nơi khác lại như Địa ngục trần thế. Không nói đâu xa, nhỏ chột bảo ngay bên trên điện, cách khoảng bốn, năm ngàn thước từ mực nước biển tính lên chính là một phong lộ như thế, với sức gió rơi vào khoảng gấp năm tới bảy lần tốc độ âm thanh. Phải mạnh ít nhất tầm đó thì mới có thể khiến các khối khí xung quanh bị xoắn theo mà hình thành “Máy chém của Trời” được. Ngay cả rồng, rồng xịn trăm phần trăm chứ không phải đám phi long wyvern tào lao, cũng phải ngán loại ấy, và đó chỉ là hạng tôm tép!



– Hả?



Nghe tới thế, Viêm trợn mắt, há mồm, không dám tin vào tai mình nữa. Tốc độ đó… chẳng phải là bội siêu thanh sao? Hèn gì khi bay xuống nghe gió nó đập uỳnh uỳnh, cứ ngỡ là kiểu tàu đi bão thôi, ai ngờ… Anh sinh viên mập trước có nói, “vượt bức tường âm thanh”, tức một vật thể nhanh hơn tốc độ của âm thanh trong không khí, sẽ phá vỡ một bức tường gì đó, rồi nổ bùm một cái. Hình như thế. Viêm không nhớ rõ, mà anh ta nói thế trong lúc đang ăn, chữ được chữ mất nên cũng không rõ ràng.



Nhưng kể cả thế, với Mộc Ma là quá đủ.



“Thế giới đó cũng tồn tại khái niệm như vậy à?”



Nghĩ thầm trong bụng, Mộc Ma khá bất ngờ khi thấy Viêm biết về lý thuyết này. Nó thuộc dạng tuyệt mật của Đế quốc, tuy các khái niệm cơ bản thì đều được dạy trong chương trình cấp Ba nâng cao. Hiện tại đang thử nghiệm một loại động cơ đẩy mới cho phép bom bay phi mình với tốc độ siêu thanh, nhưng nó quá ồn, bất ổn và gây ra một vụ nổ lớn trong không trung.



Không cháy gì cả, chỉ là nổ.



Một vụ nổ gây ra bởi áp lực quá lớn mà bom bay gây ra, được gọi là “tiếng nổ siêu thanh”. Những thứ thế này, Mộc Ma không có quyền biết quá nhiều. Các thông tin trên kia chỉ là hàng bảo mật thấp nhất, có vai trò chỉ huy trên tàu thì sẽ được tiếp cận. Mà, nhỏ chợt nhớ, mấy cái “giếng phóng” của mẹ hình như là dùng cho loại đó nhỉ? Khi nào tàu trang bị cái hệ thống dẫn bắn bằng sóng vô tuyến xịn hơn thì sẽ thực sự đi vào trang bị.



Cơ mà… hơi lạc đề nhỉ?



Quay lại vấn đề chính, Mộc Ma nói các khí cụ bay của Thủy Tinh, và cả các yêu ma nữa, đều vượt qua “phong lộ” bằng việc “bọc” bản thân trong một tấm kết giới. Nguyên lý làm việc thực tế của kết giới tự nhiên, tức do yêu quái tạo ra, tới giờ vẫn còn là bí ẩn, nhưng theo các nghiên cứu và thực hành về sau, đa số các nhà khoa học nhất trí rằng đó là một trường năng lượng đặc biệt, hình thành từ linh lực nội tại của mỗi sinh vật. Như tấm màn chắn, nó bảo vệ vật chủ khỏi các tác nhân bên ngoài tới một mức cụ thể. Đây cũng được xem là một trong các ma pháp tiêu hao năng lượng nhất, cả ma năng lẫn sức lực, vì nó đòi hỏi sự kết hợp giữa sức mạnh thể chất và khả năng kiểm soát dòng linh lực. Đặc biệt, do bản chất là màn ma thuật bao phủ cơ thể, kết giới hoàn toàn có thể bị tiêu hao với ngay cả các tác nhân vật lý, như gió siêu mạnh chẳng hạn.



Trong khi đó, tàu bay, thế giới này tồn tại thứ ấy từ rất sớm, lại hoạt động theo nguyên lý “hơi khác chút”… Mộc Ma phán thế. Vào giai đoạn đầu, tàu thuyền thường mang theo một cục quặng đá linh tử, chính là loại đá được dùng cho động cơ sau này, để tạo năng lượng ma pháp trực tiếp. Cách làm này yêu cầu mỗi tàu phải có ít nhất một pháp sư, và có thể di chuyển quãng đường bằng với sức lực của vị pháp sư đó. Tải trọng càng lớn thì mức tiêu thụ càng cao, và thế là người ta phải tìm cách khác. Một trong những chiêu đó, về sau trở thành phương thức chính, là “bọc tàu”.



“Nghe giống bộ truyện hải tặc nào đó quá…”. Viêm nghĩ bụng.



– Giống lắm à?



Nhìn bạn, Mộc Ma cười như con mèo mướp, mắt nheo lại.



– Có lẽ…?

– Hừm? Mà thôi kệ, tiếp nè!



Phương pháp “bọc tàu”, như Mộc Ma nói, là trang bị con tàu với một máy tạo kết giới. Vẫn dùng đá linh tử làm lõi, nhưng cách này cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn, tuy chi phí cho bộ máy khá chua và đôi khi đáng giá cả căn nhà. Một dụng cụ ma pháp dung81 nghĩa, nó được chạm các mạch linh lực lên, từ đó dẫn truyền linh lực từ đá sang các bộ phận khác, và dưới sự điều khiển của một tổ ba người, tạo thành kết giới bao phủ toàn bộ thứ trang bị nó.



Đồng thời, một hiệu ứng phụ khi khai thác chính là trường năng lượng sinh ra trong quá trình tạo kết giới có thể điều khiển được, và “vô tình” thứ ấy lại phản trọng lực, giúp tàu trở nên nhẹ như lông hồng, hoàn toàn trôi nổi giữa trời. Trừ việc vẫn phải phụ thuộc vào gió để di chuyển, cũng như bay thì mái chèo bó tay, khả năng vận hành của thứ này lên tới hàng chục ngàn giờ bay, và còn bền hơn chính con tàu.



Về sau, nhiều pháo đài thậm chí dùng chúng để tạo kết giới bảo vệ, và dùng trường năng lượng phản trọng lực có thể điều khiển hướng như một lớp giáp ngoài phòng thủ chủ động. Nhưng nó rất phức tạp và cần nhiều nhân lực, nên chỉ các pháo đài lớn mới sở hữu được. Lại thêm, thứ ấy không phải vạn năng: Chịu đựng sát thương tới một mức giới hạn, kết giới sẽ sụp đổ, và sẽ mất hàng tiếng để khôi phục.



Hiện nay, bọc tàu vẫn được dùng làm cách chính để vận hành tàu bay, nhưng theo một cách khác. Với sự phát minh ra zeppelin, do Bá tước von Zeppelin người Valhöll tạo ra vào nửa thế kỷ trước, đã có một cuộc cách mạng toàn diện. Các tàu trước zeppelin hoàn toàn dùng chỉ một máy tạo kết giới với một hòn đá độc lập để tạo lá chắn và lực nâng, trong khi động cơ chỉ dùng để đẩy. Đồng thời, việc dàn trải nguồn năng lượng như vậy gây hao tổn lớn, và hiệu suất nâng thường chỉ dao động trong mức sáu mươi tới tám mươi lăm phần trăm, một con số không thể chấp nhận được với tàu vỏ thép và tàu kim loại về sau.



Ngoài ra, thiết kế của chúng cũng khá tạp nham, chủ yếu là dựa trên tàu buồm thế hệ trước. Ngài von Zeppelin đã đặt ra một thiết kế mới, chung nhất cho các tàu bay, theo đó phần thân chính sẽ có dạng điếu xì gà, khu vực lái chuyển xuống dưới bụng được gọi là “gondola”, Và đồng thời, thay vì để trường phản trọng lực kia ở bên dưới đáy, lộ thiên toàn diện, ông đã cho thiết kế thân trong tàu thành nhiều thân chịu lực độc lập, với các buồng chứa và ống dẫn giúp năng lượng ấy lưu thông chubng với hơi nước. Việc phát hiện ra đá linh tử có thể pha với cồn, dầu, nước và các loại dung môi khác giúp tạo ra dung dịch Divaenium, lấy theo tên hóa học của thứ quặng vi diệu ấy, cho ra thứ chất đốt có hiệu suất cao hơn hẳn mấy trăm phần trăm so với kiểu dùng linh lực trích xuất trực tiếp cũ.



Bộ động cơ được làm lại, với một lò đốt lớn, nhiều “nồi hơi” cùng toàn bộ các động cơ, máy phát điện đều đặt ra sau. Với việc biết về phản ứng phân lẫn nhiệt hạch, von Zeppelin cùng nhóm nghiên cứu của ông đã bắt tay vào chế tạo các lò phản ứng đầu tiên, được gọi vui là “nồi hơi” do lượng hơi nước dùng làm mát thải ra cực lớn. Dùng lại chính hơi ấy chạy động cơ và máy phát điện, trong khi vật liệu phóng xạ và dung dịch Divaenium, vừa dùng để làm mát, vừa là chất đốt phụ trợ, được đưa vào, nó tạo thành dạng động cơ hạt nhân sơ khai của Thủy Tinh.



Kết giới tích hợp vào bộ điều khiển chung của phòng động cơ, nằm tách khỏi phòng đốt, và được chỉ huy từ buồng lái. Các mạch linh lực cũ được thay bằng bảng điều khiển, vi mạch linh lực công nghiệp, các thiết bị điều chỉnh dòng chảy ma năng,.. qua một loại máy tính cơ khí cùng bàn phím của máy đánh chữ, với đòn bẩy của các máy khác. Kíp trực lên tới mười người ở các tàu thời đầu, và về sau thì nó được thành một vùng riêng, tách khỏi nhóm phụ trách lực đẩy vận hành cánh quạt.



Không đi quá sâu vào động cơ, Mộc Ma chỉ lướt sơ, nói rằng thời đó dùng lò phản ứng hạt nhân nước áp lực, lấy nguồn nhiệt phân hạch để đun dung dịch Divaenium tại nhiệt độ cao và lấy hơi ấy chạy máy, trong khi bàn cũng chẳng quá chi tiết về máy tạo kết giới. Viêm hiểu, bạn ngầm ý rằng đó là các thông tin tuyệt mật, không được phép để lộ, nếu không là tạch ngay. Nó cũng không hỏi, dù có rất nhiều điều muốn biết, nhưng để sau vậy.



Tiếp tục, Mộc Ma bảo, thế hệ hiện tại là các tàu dùng nguyên lý hợp hạch lạnh để vận hành, và nó “tương đối” an toàn hơn so với loại cũ kia. Khác với động cơ phân hạch lấy sự phân tách gạt nhân nguyên tử nặng thành các nguyên tử nhẹ hơn, hợp hạch lại là quá trình ngược lại, tiến hành “dung hợp” hai hạt nhân nhẹ thành hạt nặng hơn và sinh nhiệt, ở đây là hai Hidro kết hợp thành một Heli.



Về lý thuyết là thế, nhưng trong phản ứng thực tế, người ta dùng Deuterium, đồng vị của Hidro để thực hiện.



Còn gọi là Hidro nặng, Deuterium có thể được tìm thấy khá nhiều trong các đại dương, và là nguyên liệu chính cho các phản ứng hợp hạch lạnh có kiểm soát hiện tại. Sản phẩm cho ra là heli, một nguyên tố không phóng xạ và nhìn chung vô hại. Dung dịch Divaenium được bơm vào giúp ức chế quá trình phản ứng dây chuyền không kiểm soát, đồng thời là chất làm mát cho lò phản ứng.



Nói “lạnh” nhưng nhiệt lượng sinh ra vẫn đủ đun sôi chất lỏng ấy, ở khoảng hai trăm độ bách phân, và tạo thành hơi nước như các lò phân hạch cũ. Các phản ứng hợp hạch nóng, còn gọi là nhiệt hạch, bị cho là quá nguy hiểm để sử dụng, do nguồn nhiêt tại tâm phản ứng có thể lên tới vài triệu, thậm chí vài chục triệu độ, nên sẽ phá hủy lò phản ứng trước khi thu được tí ti hơi nào. Điểm khác biệt là năng suất đầu ra lớn hơn rất nhiều, cho phép động cơ tàu đạt tới ngưỡng bảy trăm ngàn mã lực và trường năng lượng mạnh hơn, tăng độ cao tối đa tàu có thể đạt tới, và dĩ nhiên là một lớp kết giới khỏe hơn hẳn.



Về kết cấu hiện tại, Mộc Ma chỉ nói sơ, đó là các đường ống dẫn hơi nước Divaenium đi khắp tàu, chứ không còn các khoang chứa độc lập như zeppelin nữa. Điều đó cũng có nghĩa là, tàu hiện tại, nhất là tàu chiến, sở hữu một trường phản trọng lực lưu chuyển không ngừng bên trong, giống như cách mây bay trên trời vậy. Dòng chuyển dịch nguồn năng lượng này tạo thành lực nâng chính, còn két giới được thu lại để bảo vệ sát tàu, giống như lớp giáp vô hình. Cũng bởi cái điều này nên người ta đang dự định trang bị hàng loạt đầu đạn hạt nhân chiến thuật, có mức đương lượng nổ vài ngàn tấn TNT, để đánh sập chúng. Với loại hàng “khủng” như pháo chính của mẹ, Mộc Ma không thể nói, nhưng Viêm đoán chắc cũng chẳng xoàng xĩnh gì. Việc bạn không nói càng làm mọi thứ đáng ngờ hơn.



Tóm lại, Viêm tự kết luận, là thế giới này bay theo kiểu phản trọng lực. “Hiểu rồi, hiểu rồi…”, nhỏ gật gù. Phản trọng lực không phải khái niệm quá mới mẻ, coi phim nhiều với anh sinh viên hay kể nên cũng coi như biết chút chút. Kết giới, nếu bỏ qua các yếu tố ma thuật huyền huyễn, hoàn toàn có thể xem nó là một dạng lá chắn sóng năng lượng, như các phim khoa học viễn tưởng vẫn luôn có. Công nghệ hạt nhân, nếu nó nhớ đúng, cũng đã tồn tại ở Trái đất khá lâu. Cơ mà… Chờ chút nào! Năm nay là ngàn chín trăm hăm ba mà nhỉ? Vậy mà bên này đã có mấy món như vậy rồi á?



– Làm gì sốc dữ vậy? – Mộc Ma bĩu môi – Bộ lạ lắm hả? Tớ nghe nói bên đó mấy ngàn năm trước còn có chiến tranh hạt nhân quy mô lớn cơ mà? Sử thi gì ấy?

– Tớ mù mấy cái đó…



Xụ mặt xuống, Viêm nói.



– Không ngờ… mấy cậu mới giờ này đã chơi cả năng lượng hạt nhân ngầu vậy… Còn bên tớ…

– Mỗi chỗ mỗi khác mà, lo cái gì!

– Vậy mà tớ cứ tưởng là thời kỳ hơi nước pha ma pháp chứ? Này thì công nghệ quá cao luôn rồi…



Còng lưng xuống, Viêm nói.



– Thì vẫn là hơi nước mà!



Thấy bạn thế, Mộc Ma vỗ lưng nó, bảo:



– Cậu có biết nguyên lý thực sự của các lò hạt nhân không?

– Sao cơ?

– Nguyên lý thực sự ấy, chứ không phải kiểu người ta chém gió!

– Tớ…



Hơi ngập ngừng, Viêm lên tiếng:



– Tớ… không biết…

– Ừm, vậy thì, nó là thế này này.



Xích xa cu thiên một chút, nãy giờ nó lườm hai chị hơi bị lâu rồi, tại nói chuyện ồn quá, Mộc Ma mới bắt đầu giải thích. Các lò phản ứng hạt nhân, lúc trước phân hạch còn giờ là hợp hạch, hoạt động theo một nguyên tắc chung. Kiểu thiết kế này được gọi là lò phản ứng nước áp suất, theo tiếng Albion là “pressurized water reactor”, hay lò PWR cho ngắn gọn. Đó là chúng dùng dung dịch Divaenium pha loãng với nước nhẹ để làm nguội, sau đó chất lỏng kia sẽ được truyền vào một khu vực, tại đó mới bốc hơi.



Hoạt động theo lý thuyết hai quy trình, các lò phản ứng vừa tự làm nguội mình, vừa đun chất làm mát để quay tua bin, chạy động cơ và vận hành máy tạo kết giới. Mà đó là kiểu phân hạch, động cơ hợp hạch có thể tự tạo trường năng lượng nên hệ thống kết giới được giảm tải công việc kha khá. Dung dịch Divaenium bình thường rất trơ, không phản ứng ở hầu hết các điều kiện, trừ trong một số trường hợp cụ thể, nên được dùng là như vậy. Ở quy trình đầu, chất làm mát được nén ở áp suất lên tới khoảng hai trăm lần áp suất phòng, đưa vào lò phản ứng để làm nguội nhiệt độ. Chất lỏng đã đun sôi nhưng chưa thể sôi này tiếp tục chạy tới khi sang khu vực giảm áp, giúp chúng nhanh chóng hóa khí. Hơi nước này lại có áp lực rất lớn, truyền vào hệ thống tua bin và làm chúng hoạt động. Đây cũng là kết thúc giai đoạn đầu tiên.



Giai đoạn thứ hai của lò PWR mà vẫn được ứng dụng tới nay là ngưng tụ tự thân và tái sử dụng chất lỏng. Trong quá trình đun, Divaenium bị pha có cùng nhiệt độ sôi với nước nhẹ, nên khi thu về thường sẽ lẫn vào nhau. Nước này được đưa xuống xử lý, bổ sung thêm phần nhỏ dung dịch hao hụt trong quá trình truyền hơi, tiếp tục quay lại làm việc ở quy trình đầu. Là phân khúc khó nhằn nhất, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn tới bể van, tràn dịch màng… nhầm, Mộc Ma nói nhầm, tràn dịch làm mát, và đi đời cả hội, nên không đàng hoàng không được.



Trước khi đi vào lại lò, chúng phải được làm nguội về nhiệt độ bình thường, sau đó qua bộ tăng áp lần đầu, vô lò sẽ tăng áp lần nữa để giữ nguyên trạng thái lỏng. Nếu không, áp suất hơi nước quá cao sẽ gây “nổ nồi hơi”, cách gọi khác của nổ lò phản ứng, và đi luôn con tàu chứ chẳng cứu chữa được. Bởi chính Divaenium là thứ kiểm soát quá trình hợp hạch dây chuyền, không còn nó thì chuỗi hợp hạch sẽ không còn kiểm soát được, khi đạt đến “điểm nóng chảy” sẽ nổ tung như bom nhiệt hạch. Mộc Ma nói, nó giống như một Mặt trời thu nhỏ bùng nổ trong phút chốc vậy.



Cách làm việc của loại lò này là thứ trước sau gì, cuối năm lớp mười hai Viêm sẽ phải học tới, nên Mộc Ma không ngại nói ra. Vả lại, nhỏ bảo mọi thứ nói nãy giờ đều là kiến thức cơ bản môn Giáo dục Quốc phòng, còn vụ động cơ là của môn Công nghệ, có thêm Vật lý phần vật lý hạt nhân, gần cuối chương trình, thành thử ra có nói cũng chả bị bắt tội tiết lộ bí mật này nọ. Nhưng chương trình mấy năm cuối cực nặng, thi chuyển cấp là cơn ác mộng ngay cả với thể loại ba năm ba cấp như con chột, thế là nó bảo Viêm chuẩn bị sẵn tinh thần đi, vì với cái đà “đổi mới” giáo dục hiện nay thì bài thi sẽ… khốn nạn dần đều thôi!



– Hả?



Nghe thế, Viêm chỉ muốn chết quách cho rồi! Qua tới bên này mà áp lực học hành, thi cử thế thì ở nhà cho khỏe, xuyên làm quái gì chứ!



– Cuộc sống mà.



Nhún vai, Mộc Ma cười trừ. Nhìn thế, Viêm biết bạn mình cũng bất lực rồi.



– Mà sao bên này công nghệ lên cao dữ vậy? – Viêm chợt hỏi – Bộ có ai thiên tài lắm à?

– Thiên với tài cái gì, người ta nghiên cứu khoa học cả đấy!



Nhếch mép, nheo mắt, con bé nói tiếp, khoa học và ma pháp của Thủy Tinh từ lâu đã như hai thái cực rồi. Đối lập nhau chan chát, vậy mà không tách rời được. Các nhà thông thái từ thời xưa đã cố gắng giải thích ma pháp theo hướng tư duy duy vật, gạt bỏ yếu tố thần thánh duy tâm, cũng như tư duy siêu hình coi tất cả đều giống nhau và cô lập sự vật được bàn đến khỏi môi trường. Thế giới này may mắn có các nền văn minh cổ đại đi trước dẫn đường, và tuy vẫn hứng chịu đêm trường Trung cổ, các ngành nghệ thuật, khoa học, giả khoa học và nghiên cứu ma pháp vẫn không bị cấm cản quá nhiều. Bởi, bản chất ma thuật là thứ sinh ra ai cũng có, nên cấm nó tức là tuyên chiến với cả thế giới. Khoa học đi liền với ma pháp, dùng ma pháp để thay thế tạm thời công cụ khoa học, khi có đủ dụng cụ, kiến thức rồi thì quay trở lại nghiên cứu pháp thuật, tìm hiểu các căn nguyên của nó.



Công nghệ hạt nhân, nguồn năng lượng vĩ đại của Mặt trời cũng không phải ngoại lệ. Như những thứ khác, ban đầu nó được lý giải bằng ma thuật, khi có đủ chứng cứ khoa học xác đáng sẽ lật lại vấn đề. Cuối thế kỷ mười tám, chuyện vật chất cấu thành từ các hạt vô cùng bé đã được chứng minh, và còn có thêm vài thông tin khá thú vị. Trong quá trình đó, người ta tìm ra nếu phân tách hạt nhân của một nguyên tử, nó sẽ sinh ra nguồn nhiệt năng rất lớn, cùng với đó là hai nguyên tử mới, nhẹ hơn. Gần một thế kỷ nghiên cứu, thì tới thập niên năm mươi của thế kỷ trước, phương Tây đã thành công chế tạo các nhà máy hạt nhân nước nhẹ, và hai chục năm sau là zeppelin dùng lò PWR để vận hành. Bây giờ, hầu hết đều là lò hợp hạch, à dung dịch Divaenium pha với nước đóng vai trò không thể thiếu trong việc vận hành chúng.



Ngồi xích sát vào bạn, Mộc Ma bảo:



– Quan trọng là có đủ điều kiện cần không! Chứ như Thủy Tinh mà không có đá linh tử thì cũng… bó chiếu à!

– Một đống công nghệ ra như vậy rồi còn nói…

– Thôi mà, cậu mong gì chứ? Phù thủy đánh nhau giữa không gian, cầm gươm ánh sáng mà vẫn mặc áo thầy tu Trung cổ à?

– Cái đó…



Tính ngạc nhiên mà thôi, Viêm quá quen rồi. Ba ngày ở chung là ba ngày nó biết mình không qua mắt được con chột, cứ đối diện nhau là nó biết tuốt cả. Nhỏ đó nói vậy tức là thấy mình nghĩ gì trong đầu rồi, nên cũng chẳng cần tỏ vẻ cho mệt. Chỉ là, nó muốn hồn vía lên mây khi biết thế giới này đã lên đời công nghệ tới thế, trong khi vũ khí thì vẫn cứ èo uột y như hồi đầu thế kỷ trước. Mà có vậy thiệt không nhỉ, nó nghĩ, hay do tập trung phát triển trên trời quá nên không đầu tư mạnh cho Lục quân?



Tới đây, Mộc Ma nói tiếp, vào thời đại chiến thì các tàu zeppelin bắn nhau vẫn dùng đạn bình thường. Bởi lẽ, trường phản trọng lực của chúng tập trung hầu hết vào các khoang chứa đặc biệt, giống như những buồng khí nâng lên, nên không có lớp giáp chủ động phía ngoài. Kết giới nhân tạo cũng yếu hơn hàng tự nhiên nhiều, do máy móc không thể hoạt động với công suất lý thuyết được mà luôn có hao tổn, nên kết giới thực tế luôn bị yếu theo thời gian.



Vả lại, còn tùy loại tàu mà độ mạnh yếu của tấm chắn đó khác nhau. Ví dụ một tàu phân loại thiết giáp hạm hoàn toàn có thể đập nát giáp của một con khu trục trong chỉ một loạt bắn. Nhưng đổi lại, bom bay cũng có thể làm điều tương tự. Tuy nhiên, chúng thường không được tính, do bom bay có đầu đạn mang nhiều thuốc nổ hơn, và tầm sử dụng thời ấy không quá xa. Và cách đánh giá nghe “lý tưởng” nọ hoàn toàn dựa vào hỏa lực pháo hạm, nên dĩ nhiên mấy thứ không phải pháo không được tính vào.



Nghe Mộc Ma nói xong, Viêm lặng thinh, không nói gì. Nhìn tưởng sốc, thực ra nó đang dùng hết số tế bào não còn hoạt động được, chưa bị số thông tin mấy bữa rày nướng chín để tư duy, lắp ghép các chi tiết với nhau. Theo những gì Mộc Ma “vô tư” cung cấp thì rõ ràng thế giới bên này phát triển công nghệ không bình thường: họ có lò phản ứng hạt nhân những vẫn dùng xe lửa nơi nước, sở hữu công nghệ cực chất nhưng chưa lên nổi bộ giáp cho quân đội, và kết hợp ma pháp vào vũ khí được nhưng lại không làm nổi gươm ánh sáng hay súng laser như trên phim. “Hơi” bị buồn, Viêm thầm nghĩ, ít nhất với công nghệ cỡ đó, dù chưa đóng được cái pháo đài không gian dài hơn cây số gắn tàu sân bay thì cũng phải có máy bay phản lực biến hình thành robot chứ?



“Cái quái gì vậy chài…?”



Ngồi kế bên, Mộc Ma bốc hơi lời với những gì Viêm nghĩ.



“Nhỏ này lậm khoa học viễn tưởng à?”, con bé cười trừ.



Lại vỗ vai Viêm, nhưng lần này Mộc Ma kéo bạn dính chặt vào mình. Bị một cú bất ngờ, nó hoang mang nhìn nhỏ kia, thì chỉ thấy nhỏ ấy đang cười. Đoạn, con bé đầu đỏ nói, nếu đi học, Viêm sẽ được biết nhiều hơn. Những kiến thức nó có thể nói hiện tại chỉ là phần nền tảng, là bề nổi của tảng băng chìm, do lượng tri thức thực sự thuộc về chuyên ngành ở bậc đại học, chứ trường phổ thông không thể dạy hết được. Chúng quá nâng cao, chuyên biệt và yêu cầu cả năng khiếu lẫn học thức, nên nếu nói hết ra bây giờ, khả năng cực cao là Viêm sẽ… bất tỉnh nhân sự sau khi nghe. Tệ hơn, nó có thể “lâng lâng”, không còn biết trời trăng gì, vì mọi thứ quá khó hiểu.



– Đi học à…



Nghe tới thế, Viêm hơi nhụt chí. Đã hơn một năm bỏ học, chả biết đầu óc còn chữ nghĩa gì không. Vả lại, nó thực sự cũng chưa từng hào hứng với chuyện học hành. Mục đích ban đầu khi qua là mong muốn cuộc sống tự do, làm mạo hiểm giả đánh quái kiếm tiền, ăn hên thì thành anh hùng, đời danh vọng, tiền bạc không thiếu. Dĩ nhiên, khi biết sự thật về Thủy Tinh, mọi ước mơ ấy đều đỏ sông đổ bể. Giao Long có ngỏ ý muốn nhận mình làm con nuôi, nhưng nhỏ vẫn lưỡng lự. Nó đã nghe qua về chế độ nghĩa vụ bắt buộc bên này rồi, còn khủng hơn Việt Nam nữa. Thành con Tổng lãnh, nghĩa là mang thân phận quý tộc, nhưng cùng với đó là trách nhiệm và áp lực lớn hơn.



– Cũng không khó lắm đâu, hì!



Cười tươi rói như hoa hướng dương mới nở, Mộc Ma nói, chương trình học thực tế trên trường không quá nặng như những gì người ta nghĩ. Vẫn là từng ấy môn y như Trái đất – Hồng Ma có nói chút đỉnh với con về điều này – thêm môn luyện tập ma pháp được dạy để đám học sinh biết cách kiểm soát, thì cũng không quá phức tạp. Hai cấp học đầu là bắt buộc, lên cấp ba có thể chọn thi vào các trường công lập, các trường chuyên, phổ thông năng khiếu hay đi học trường tư, thậm chí là trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề. Chương trình học lúc này phân hóa theo các “khối”, mỗi khối gồm tổ hợp ba môn chính yếu để thi đại học và… dĩ nhiên, các môn còn lại. Lên cấp ba phải học thêm Giáo dục Quốc phòng, là chuẩn bị cho sau này. Môn ấy, nhỏ chột nói, sẽ theo mình dài dài, và là tiền đề nếu muốn thi vào các trường sĩ quan.



– Chi tiết hơn đi, vụ sau thi đại học ấy!



Nghe đến thế, Viêm thấy hứng thú, và giục Mộc Ma kể nhanh lên. Nó gật đầu.



Giống như các quốc gia văn minh khác, Đế quốc có chương trình đào tạo phổ thông mười hai năm, và đó là bắt buộc. Kể cả trường nghề cũng vậy, khi học xong ba năm nghề vẫn tính là đã tốt nghiệp cấp ba, còn sau đó có muốn học bổ túc văn hóa hay không thì tùy. Tuy nhiên, cái chính nằm sau đó. Là quốc gia duy nhất trên thế giới, tới thời điểm hiện tại, còn duy trì hệ thống ba mức học, Đế quốc có thể nói là có một chương trình đào tạo “cấp bốn” không giống ai. Ba mức ấy là các trường nghề chuyên sâu dành cho thanh niên tốt nghiệp trường cấp ba, hệ cao đẳng, đại học và các học viện.



Trường nghề và cao đẳng ở chung một mức, tuy bằng cấp có chênh nhau nhưng nhìn chung bị xem là “bề dưới”, khả năng tiến thân ở mấy chỗ trọng bằng cấp rất khó. Đại học ở bậc cao hơn, là nơi đại đa số học sinh cố hết mình thi vào. Tuy được xem là đồng hạng, nhưng giữa các trường cũng rất thượng vàng hạ cám, từ trường chuyên lấy điểm trên trời tới trường chỉ dùng điểm sàn, bằng tốt nghiệp theo đó cũng có giá trị xã hội khác nhau, kể cả khi chung 1 chuyên ngành. Lấy ví dụ, Mộc Ma nói đại học A và B đào tạo chung một ngành như nhau, nhưng trường A nhiều năm liền có tiếng tăm, điểm chuẩn cao, trong khi trường B thuộc kiểu “tốp dưới”, điểm đầu vô thấp nên dù chất lượng đầu ra, giả sử, như nhau, thì cái bằng tốt nghiệp của bên A luôn được chào đón hơn B. Đó là một thực trạng rất đáng buồn cho một nền giáo dục, mà nhỏ bảo, bị ảnh hưởng từ các suy nghĩ hủ Nho trọng học vấn lý thuyết hơn khả năng làm việc thực tế.



– Nhưng cậu cũng mù thực hành mà? – Viêm hỏi ngay.

– Quên… Quên vụ đó đi!



Đỏ tía mặt mày, tới mức vành tay cũng rực hơn cả gấc, Mộc Ma gần như hét toáng lên. Thực tình Viêm không có ý xiên xỏ, nhưng nghe một câu như thế thì lại tức trào máu ruột được. Chỉ tại mẹ tự nhiên dở chứng, đem mình ra làm trò hề!



Ráng nuốt cục tức xuống, Mộc Ma hít vào thật sâu, đến ưỡn cả bộ ngực phẳng như đồng bằng lên, rồi lại thở ra. Nhỏ nói, mấy vụ đại học bên ngoài rất quan tâm mấy cái tào lao như vậy, bất kể công tư. Tuy học thuyết Nho gia đã bị cho xuống mồ cùng Mạc Dụ Tông và đám quan lại lộng quyền, những đoạn, thì ảnh hưởng của nó trong dân chúng vẫn còn mạnh. Một mặt, Nho gia khuyến khích học, nhưng lại là học giáo điều, học vẹt, noi theo người xưa một cách mù quáng và không coi trọng các phát hiện mới, nhìn chung là bảo thủ. Mặt khác, học thuyết của “thứ chết tiệt ấy” khích lệ thi cử, nhưng lại coi trọng chuyện bằng cấp đầu ra hơn là điểm quá trình, coi người học, người thi thuộc bài tới đâu chứ không phải làm việc hiệu quả thế nào.



Tư duy ấy ngấm vào đầu các ông bên bộ Giáo dục, mà mấy ông mấy bà lại từ các nhà có truyền thống “hiếu học” mà ra, thành thử đổi mới cả. Mang danh cải tiến, nhưng cái mà thế hệ già như Giao Long, ông Trung và mấy người ngoài ba mươi đổ lên thấy lại là cải lùi, trong khi đám trẻ thì è cổ với chương trình học mới quá nặng nề.



Hiện tại nhiều người đang lên tiếng chống lại kiểu học này, quay về lối giáo dục trọng thực tế cũ, thứ mà mấy vị ăn no rửng mỡ bảo là “không phù hợp với thực tiễn đất nước”, và yêu cầu một cuộc cải cách giáo dục hoàn toàn. Bởi, nhỏ nói, một nước mà nền giáo dục đào tạo ra toàn đám ngu dân, bị xỏ mũi dắt đi như lừa thì còn đáng sợ hơn một nước không biết chữ. Học vấn không có, bất quá dạy lại từ đầu còn được, chứ kiểu có học mà học sai, học tầm bậy tầm bạ mà cứ ỷ mình đúng, rồi đi tiêm nhiễm cho người ta thì chính là thứ ung thư đang tàn phá từ trong ra.



Quay lại chủ đề chính, sau một hồi ca thán đã đời, Mộc Ma mới nói, điều đó không quan trọng nữa nếu như thi vào quân đội. Bởi quân đội quản lý đa số các trường ở hàng đầu, được gọi là học viện. Như cái ngay trong khuôn viên điện Cây Quế, các học viện quân đội nằm ở khắp nơi trong cả nước, mỗi tỉnh đều có ít nhất một cơ sở với sức chứa khoảng một tới hai tiểu đoàn bộ binh, chưa tính quân trang và các đơn vị khác đồn trú ngay bên trong.



Ngoài quân đội chỉ có học viện của Nhà nước, tư nhân không được phép tổ chức mức học này. Điểm khác biệt lớn nhất giữa học viện và đại học là đầu ra: Đại học tốt nghiệp sẽ mang bằng cử nhân, còn học viện là thạc sĩ. Nó chênh nhau như thế, do việc học của học viện nặng hơn, kiến thức chuyên ngành rộng, và độ khó nhằn cao hơn hẳn một bậc. Chỉ có hai dạng học viện: Nhóm quân sự đào tạo sĩ quan quân đội và nhóm hành chính cho ra lò các công chức, chính trị gia tương lai. Tuy nhiên, để thăng tiến thì quân đội vẫn chiếm ưu thế, và những người do học viện quân sự đào tạo ra đều rất chất. Cái giáo dục nó lộn tùng phèo như bây giờ là do người của bên hành chính…



– Quan hệ hai bên không tốt lắm nhỉ? – Viêm hỏi.

– Mấy cái đấu đá này tớ không rành, mà nghe nói là do Bộ trưởng kỳ này ngáo quá, nên thôi kệ! Cha già đó nhiệm kỳ còn có hết tháng Sáu này là cút, nên cũng chả lo! Chỉ không biết gương mặt mới nào sẽ ngồi vô ghế đây…

– Một Bộ trưởng như vậy thường nhiệm kỳ mấy năm vậy?

– Năm năm cho các Bộ thường và mười năm cho Bộ Tổng tư lệnh. Đổi lại Bộ trưởng Bộ Tổng Tư lệnh chỉ được giữ một kỳ mỗi lần, không liên tiếp, còn mấy người kia có khả năng nắm hai nhiệm kỳ liền, tùy vào sự tín nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Đế quốc. Mà với cái giáo dục nát bươm như xơ mướp thế kia thì cha đó chỉ có xách đít chạy dài! Biến giùm cho người ta nhẹ nợ, cái thứ chỉ biết ý mình!



Vung thẳng nắm đấm lên trời, Mộc Ma hét to tới mức Thiên giật mình, vô tình xả tử khí ra ngập phòng. Nhận ra không có gì quái đản, cu cậu liền bình thường lại, thu khí vào, nhanh hơn cả con chột định nhào qua dỗ. Bé con trưởng thành nhanh ghê, Viêm nghĩ, mới hôm nào còn mè nheo đòi ôm chân… Cơ mà chăng phải mới hai, ba bữa trước sao? Dù có là con nít lớn nhanh thì sao nhanh ghê gớm vậy chứ? Hay tại nó không phải người?



À mà nó có phải người đâu!



Nhớ ra chuyện ấy, Viêm lờ luôn. Thiên dễ thương thiệt, nhưng cứ nghĩ nó là “Thi Hoàng” phiên bản bé bi thì gai ốc cứ gọi là nổi từng cục. Má phúng phính, mặt búng ra sữa, nhưng màu da xanh tái tái và nhất là cặp mắt kia khiến nó xém rụng tim mấy lần. Buổi tối ở nhà trùm mền coi phim ma Mỹ còn đỡ hơn phải ẵm nhóc tỳ, vì dù sao phim vẫn là phim, không có thiệt, còn cu em thì lù lù ra ngay đó! Với lại, làm nó giận nó xả hơi lạnh nữa thì mình tạch chắc á?



– Ừ, tạch chắc á!

– Ư…



Nhoẻn miệng đầy trêu chọc, Mộc Ma nhìn Viêm như thể mình đang nắm giữ điểm cao. Nhỏ nói, tất cả những thứ nãy giờ hai đứa bàn mai mốt Viêm đều sẽ gặp. nói trước vậy thôi cho đỡ phải bỡ ngỡ, kẻo tới khi thực sự đi học lại choáng váng. Vả lại, các kiến thức về bay lượn, tuy không thuộc thẩm quyền được tiết lộ, nhưng nó cũng cho biết tất cả mọi thứ có trong chương trình phổ thông. Dĩ nhiên, kiến thức của bậc học viện là tin tối mật và không thể nói. Nhưng nếu Viêm có “nhã hứng” thi vô bên Không quân thì kiểu gì cũng được học thôi, không kiểu nào thoát được cả. Nguyên lý nâng và đẩy là hai món cơ bản của Không quân rồi, môn đại cương thể nào cũng có thôi.



Nghe đến thế, Viêm dừng bạn lại, rồi hỏi:



– Tóm lại là kiểu gi tớ cũng phải đi học, và học sấp mặt ra, đúng không?

– Chuẩn rồi đó! – Mộc Ma nháy mắt – Chuyện học bên này là bắt buộc, Nhà nước miễn toàn bộ học phí trường công, với lại không học thì mai mốt cạp đất ăn à?

– Hưm… Hừm…



Nghĩ ngợi một hồi, Viêm nói:



– Đành thế…

– Ừ, chỉ có vậy thôi!



Không hiểu sao khi nghe mình nói vậy, mặt Mộc Ma lại có vẻ sáng rỡ lạ thường. Mà thôi, Viêm không muốn quan tâm nhiều. Nhỏ hỏi thêm một thứ:



– Cái này tớ không biết có thuộc của cậu không, cơ mà…

– Sao cơ?

– Ở thế giới này có tồn tại cái gọi là “động cơ phản lực” không? Ý tớ là, một động cơ đốt nóng khí rồi phụt ra sau, dùng phản lực của môi trường để đẩy lên, chứ không phải là cánh quạt như giờ ấy?

– Hả?



Tận tai nghe những thứ Viêm nói, Mộc ma trợn mắt, há hốc mồm. Đó là cái thứ gì vậy, chưa nghe qua bao giờ luôn! Nhưng cách nhỏ diễn tả, một loại động cơ dùng ống phụt và phản lực của môi trường để chuyển động chứ không phải cánh quạt, hình như có biết qua đâu đó rồi thì phải? Tam thời chưa nhớ được, Mộc Ma đành lắc đầu, nói một câu đầy vẻ chán nản:



– Xin lỗi, tớ… không biết nó…

Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.