Chương trước
Chương sau
Tên gọi Trịnh Kỳ, con trai Quốc công, em ruột Quý phi, có tài học cao, vợ xuất thân từ, Giang Nam Nguyễn thị, vừa tròn hai mươi, đã làm Hàn lâm. Nhỏ được kỳ ngộ, chị ruột vào cung, vinh hưởng Đế sủng, sinh con trai ngoan, gia đình thắm thiết, khi vị còn thấp, nhận ân chủ ban, được vời Phu nhân. Đi theo mẹ vào cung, dù Kỳ còn nhỏ tuổi, nhưng cung kính cẩn thận, trông sáng lạn lạ kì, bám ngọc bội váy mẹ, không rời xa một tấc.

An vương phạm tử tội, có nuôi con Tước vương, kính dâng tặng Thái hậu, nhờ vậy giữ mạng này. Hậu chúc mừng cho Phi, lúc hoàng hôn sẩm tối, mở tiệc vời Phu nhân, thả Tước vương ra chào, mọi người hoan hô đón. Sinh linh giỏi ca múa, tiếng hót lại du dương, mắt ngọc trong trẻo lạ, thấy người chẳng sợ chi, xòe hết lông đuôi ra, rực rỡ đến chói mắt. Bỗng nhiên nó ngưỡng cổ, bay vút vào cửu thiên, vui vầy bên ánh trăng, Kỳ cứ nhìn mê mải, kinh hãi thầm thán ca.

Rượu đã quá ba tuần, Đế tới, tay áo thoảng máu tanh, Hậu hoảng sợ quỳ sụp, bất an hỏi nguyên nhân, Đế lại cười mà nói: “Chỉ là giết một tên, tặc tử vô lại mà.” Con ngươi của Tước vương, lập tức đen như đuốc, kêu rít gào the thé, lao xuống hòng mổ Đế. Bốn phía đều xôn xao, ba mươi tên thị vệ, giương kiếm ra bảo vệ, vây chặt một hồi lâu, mới khóa được chim Tước. Đế tức giận mà rằng: ‘Con súc sinh giống chủ!’, rút kiếm ra muốn chém, Kỳ nhào đến che cho, làm lễ bái rồi thưa: “Nghiêm Thuấn đức tứ phương, khi nào giết súc sinh!” Phu nhân và Phi tử, mày nhăn trán khẽ nhíu, Đế thì lại nghĩ khác, cho thế là phi phàm, khen rằng Kỳ mẫn tuệ, ban tặng con Tước vương, lệnh cho đám nội thị, dẫn hắn tới Đông cung, được phong làm phụ tá.

Kỳ cứ ôm Tước mãi, vỗ về mãi hồi lâu, đặt lên đình ven đường. Sương đêm đang buông xuống, nội thị cầm lồng đèn, Kỳ cứ canh cánh mãi, xoay người thử nhìn xem, Tước nay đã mất dạng. Kỳ mang lòng chán nản, cầm đèn lồng trong cung, lỗ mãng đi tìm Tước, chẳng bao lâu sau đó, khi rời khỏi cung nhân, lại như mất phương hướng, lạc vào một vườn nọ, bốn phía hương ngát thơm, con đường cong khúc khuỷu, chẳng biết là nơi nao. Xoay người đụng ai đó, cầm đèn nhìn kĩ lại, thấy áo trắng tay xanh, vừa nhìn lần đầu tiên, mắt trong veo như nước, nhìn thêm một lần nữa, thấy chóng mặt thất thần, lần thứ ba nhìn lại, chẳng còn bóng dáng nào.
Cứ như một câu đố, lại tựa còn trong mơ? Hoặc chăng… đó là người? Kỳ lạc đường trờ về, lạy ra mắt Thái tử, đèn ngọc Đông cung tắt, biết đã lạc từ lâu, nay quá canh hai rồi .


—— Tái 《Chân tri lục · Dị văn quyển một》.


Tề Minh năm thứ mười, có cha già xuống phố rao con gái, Ngự sử đại phu nhân từ mềm lòng, bỏ nghìn vàng mua về làm thiếp. Năm đó, Trịnh Kỳ chỉ mới hai lăm hai sáu, còn tiểu thiếp kia cũng chỉ mười sáu mười bảy, đang tuổi trăng rằm đẹp như hoa, cũng coi như xứng đôi. Mặc dù chính thê Nguyễn thị được chuyên sủng, lại không phải người hay đố kị, cộng thêm mãi mà không có con nối dõi, bị nhiều quý nhân trong cung lén lút bàn luận, thế nên cũng vui vẻ chấp nhận cô gái này. Chỉ chờ ngày tốt, một buổi náo nhiệt, chào đón vào phủ. Lúc trước, được Trịnh Kỳ sắp xếp, đang ở tạm một nhà dân ở ngoại thành.

Thế nhưng, điều khiến Nguyễn thị rất ngạc nhiên là từ đó, cho dẫu bận rộn công việc thế nào, Trịnh Kỳ luôn để dành thời gian, đánh ngựa chạy tới nhà dân để hỏi thăm tiểu thiếp. Trịnh Kỳ là quân tử, không làm chuyện vô lễ, nhưng cũng đủ khiến Nguyễn thị thầm ghen. Thị kê gối cười liếc Trịnh Kỳ, “Lang quân, cô gái ấy đẹp lắm à?”

Trịnh Kỳ khẽ nở nụ cười, “Nữ tử ti tiện, không đẹp bằng phu nhân.”

Nguyễn thị lại hỏi: “Thế thì, chắc là một đóa hoa biết hiểu lòng người rồi?”

Trịnh Kỳ lắc đầu, “Bình thường nàng ta chỉ thích ở sau màn đọc sách, không hề tiếp chuyện với ta.”

Nguyễn thị khó hiểu, “Đã không xinh đẹp, lại lạnh nhạt với ngài, vậy cớ sao lang quân lại coi trọng?”

Trịnh Kỳ trải chiếu, khẽ nhắm mắt lại, như đang trong mộng, lại như sực tỉnh, nói: “Ta cũng không hiểu vì lẽ gì, chưa từng nhìn thẳng nàng ấy, quan sát từ xa, hao tâm tổn sức thăm dò, trong lòng cảm thấy cứ rối bời, như có gì đó muốn ra ngoài.”

Nguyễn thị nghe thế, không khỏi kinh hãi. Ngày hôm sau, thừa dịp Trịnh Kỳ vào triều, thị tự tới nhà dân. Ngờ đâu chốn ấy khó tìm, quanh co hiểm trở, như gương bát quái như là ruột dê, có một cảm giác huyền diệu cổ quái tỏa ra xung quanh. Vừa sáng đã ra khỏi nhà, thế nhưng phải tới trưa mới đến được chỗ hoang vu ấy. Gõ cửa, tụi trẻ xung quanh bảo có người vô danh đang ở, Nguyễn thị sực nhớ Trịnh Kỳ từng nói, cô gái này tiện tịch, không tên không họ, thị cười lạnh, dựa vào nô tỳ, đi vào sân. Vừa vào cửa, liền ngửi thấy mùi thơm ngan ngát, lúc này đang đông, xung quanh vắng lặng, không có cây hoa. Trong viện sơ sài trống hoắc cùng cực, không có nô tì, chỉ một lão già mù đang dọn dẹp. Căn phòng chính đang đóng kín cửa, cửa sổ xung quanh chỉ mở một cánh, cho ánh nắng len vào.

Nguyễn thị tiến tới, định đẩy cửa ra, lại nghe một giọng nói trong trẻo nhưng lạnh lùng như sông băng vang lên: “Phu nhân dừng chân.”

Bà vú ở sau Nguyễn thị lớn tiếng mắng to: “Nữ tử hạ lưu, chủ mẫu đã tới, sao không nghênh đón?”

Giọng nói kia lại vang lên: “Phu nhân dừng chân.”

Không biết vì sao, Nguyễn thị nghe thấy giọng nói đó thì cả người khẽ run, “Vì sao?”

Người trong nhà nói: “Không hợp phép tắc.”

Quả là như vậy, vị thiếp này chưa bước qua cửa mà vợ đã tới tận nhà người ta để dánh quen thế này thì còn đạo lý gì. Nguyễn thị đỏ mặt, nhưng lại lạnh lùng đáp trả: “Ngươi chẳng qua chỉ là thứ mà phu quân mua về, muốn đánh muốn giết, tự khi nào ngươi được làm chủ.”

Ấy mà người nọ lại nở nụ cười, “Thì ra đây là tâm tính của nữ tử sao, đến hôm nay ta mới biết. Phu nhân chớ lo lắng, ngày sau ta nhập phủ, cũng chỉ vì ân tình, không hề có ý khác.”

Nguyễn thị lên tinh thần, đi tới cửa sổ đang mở một cánh, chỉ thấy một bóng người mặc áo trắng sạch sẽ tao nhã. Nháy mắt, cánh cửa sổ kia đóng sầm lại, một cơn gió ập tới.

Giọng nói kia lại vang lên, tuy ôn hòa nhưng cũng mang theo ý lạnh lùng, như những viên ngọc thạch vỡ vụn, “Nữ tứ trọng danh tiết, xin phu nhân về cho.”

Nguyễn thị cảm thấy lạ kì, nhưng không thể đẩy cửa sổ ra được, hỏi chuyện thì không có người trả lời, giận dỗi đành dắt tôi tớ trở về. Ngồi trên xe, hình như nghe thấy tiếng kêu đau kiềm nén loáng thoáng từ trong viện, như đang chịu hình ngục, lại giống bị tàn sát. Lắng nghe lần nữa, thì lặng thinh. Hỏi mọi người, ai cũng bảo không nghe thấy. Nguyễn thị tự cho là ảo giác, cũng bỏ qua.

Buổi tối Nguyễn thị hầu Trịnh Kỳ dùng cơm, mấy ngày liền hắn buộc tội Thái phó Thái tử, gần tối hôm nay mới nhận được thánh chỉ, vây bắt phủ Thái phó. Những người cạnh Thái tử, đã dọn gần sạch rồi. Qua một thời gian nữa, một thời gian nữa thôi… Trịnh Kỳ cầm chum rượu, híp mắt đang nghĩ suy, không lộ ý đồ gì, nhưng rõ ràng trong mắt, mang một vẻ đắc ý.

Nguyễn thị thấy tâm trạng hắn đang vui, tay trắng muốt rót đầy rượu Hoàng đằng vào ly (*),bĩu môi nói: “Lang quân, cô gái kia không hiểu lễ một chút gì cả, gặp ta mà không quỳ bái.”

(*) Hồng tô thủ (Tay trắng muốt) và rượu Hoàng đằng đều là câu từ của bài thơ Thoa đầu phụng của Lục Du. Lục Du là chồng của Đường Uyển, ban đầu cưới nhau về nhưng vì gặp mẹ chồng tác quái nên ép buộc chia tay. Khi gặp lại nhau thì Lục Du có viết bài thơ này.

Trịnh Kỳ siết chén rượu, sắc mặt sa sầm hẳn: “Nàng tìm nàng ta làm gì? Chỉ là một ả thiếp chưa qua cửa, không sợ mất thân phận hay sao?”

Ngón tay Nguyễn thị cứng đờ, nổi giận nói: “Ta gả cho Lang quân đã nhiều năm, có khi nào từng không tròn đạo vợ? Chỉ là một ả nhà nghèo, ta đường đường nữ chủ nhân, chẳng lẽ lại không thể nhận? Nhưng rõ ràng ả ta quá khinh người, hôm nay đã phải nhìn sắc mặt ả, chẳng lẽ sau này muốn một bà chủ như ta phải bưng nước dâng trà? Lang quân mua thiếp hay mẹ chồng?”

Trịnh Kỳ tự rót đầy rượu cho mình, hơi nóng thông cổ họng, trời mưa tuyết tầm tã, phòng khô nóng bức bối, hắn túm tay Nguyễn thị, kéo vào trong lồng ngực, bắt đầu hôn mút vợ. Tấm rèm sa màu xanh nhạt đã được vén lên bình phong, không biết vì sao Trịnh Kỳ hôm nay sung sức quá, Nguyễn thị không thể chịu nổi, thở hổn hển ngượng ngùng gọi một tiếng ‘Lang quân’. Đôi mắt Trịnh Kỳ trông có vẻ ôn nhu, nhưng chẳng biết ẩn sâu có ý gì, nâng cằm Nguyễn thị lên, ngẫm nghĩ thở dốc nói: “Đã bao lâu ta không cầu Nương tử rồi? Lúc này đây, hãy mặc kệ ả, thỏa mãn mong nguyện của ta một lần.”

Nguyễn thị nay đã ý loạn tình mê, khẽ khàng gật đầu, không khỏi thẹn thùng. Trịnh Kỳ đụng vào làn da để lộ bên ngoài của Nguyễn thị, cảm giác man mát, nháy mắt liền nhớ tới mùi thơm trong trẻo ngan ngát của nữ tử ở biệt viện, có một ngọn lửa vô danh bỗng bùng lên dữ dội, sau vài lần đòi hỏi, cuối cùng khiến Nguyễn thị mấy ngày liền không thể nhúc nhích được. Nô tì rối rít chúc mừng, Tiểu phụ kia biết sợ chưa, Phu nhân mới giống tân nương! Những lời nói mang ý khinh thường đã khiến Nguyễn thị cảm thấy thoải mái hẳn.

Tháng ba, Thái tử chết, chính ngọ, Đông cung gặp cháy, chết ba trăm người, Đế sư Nội khanh đều vong mạng. Lúc ấy có tăng nhân, đi ngang phủ Quốc công, thì gặp phải Trịnh Kỳ, cười nói: “Quân quả là người tài, độc nhất vô nhị của kiếp này kiếp trước lẫn kiếp sau.” Vài ngày sau, lão chết bất đắc kì tử ở trước Phật, hai mắt bị khoét sâu.

Mồng bảy tháng ba, ngày lành tháng tốt, thích hợp cưới gả.

Vì cưới thiếp, hơn nữa cha mẹ ruột lẫn phía nhà vợ vẫn còn, Trịnh Kỳ chỉ bày vài bàn tiệc, mời bạn bè chí cốt uống rượu chung vui mà thôi. Ngoài sảnh có thằng sai vặt suốt ngày gọi vang ‘Quà của Nhị hoàng tử, một đôi ngọc phù dung’ ‘Quà của Tam hoàng tử, trăm bức tranh Quan đạo’ ‘Quà Bình vương thế tử, ba đỉnh ngọc Phật thủ’, những dịp thế này, rõ ràng là để tặng quà. Thật ra cũng hiếm có dịp, Quý phi cũng tặng quà, là cây trâm khắc chữ, có tên gọi rất hay rằng ‘Vĩnh viễn say’, từng là món đồ quý được Tiên Hoàng hậu thưởng cho. Mọi người suy đoán chốc sau, miệng cười tủm tỉm không nói một lời.

Gã sai vặt ở phòng nhỏ còn bận rộn hơn, Thiếp phải ở bên mé, nhưng đang có khách quý, đành mở cửa lớn. Trước kêu kêu gọi gọi, mãi đến tận sẩm tối, mọi người ngồi vào tiệc, thì mới đỡ hơn một chút, vừa lười biếng ngủ gật, thì có người gõ cửa.

“Ai đó?” Gã sai vặt ngáp, xoa xoa gáy, mới đó mà đã cứng đờ rồi.

“Ta… ta là Hề Sơn quân.” Thiếu niên ngoài cửa nhe răng cười.

“Công tử đến từ đâu đấy, sao không để hạ nhân gọi cửa, tới cửa nhà ta vì chuyện gì?” Gã đầy tớ nuốt nước miếng, lùi ra sau một bước, dụi mắt.

Bạn nói xem thế nào? Nam tử trước mắt mặc áo dài thêu tơ vàng toàn thân, trông lộng lẫy cao quý, nhưng đó là kiểu áo xưa cũ của kinh thành mấy mươi năm trước, không còn ai thích nữa, trên áo hẵng loang lổ vết bụi bặm và mạng nhện, chẳng giống không được giặt sạch mà lại như đã để lâu rồi không mặc. Vóc người y rất cao, nhưng lại gầy như cây mắc quần áo, làn da cực trắng, nhưng là màu trắng của tro bụi, vành mắt thâm đen, đôi guốc gỗ dưới chân được mài đến cỏ cũng đứt đoạn, không bọc ngón chân lại, e là đến thằng ăn mày cũng chả thèm mang, thế nhưng y lại mang một cách rất thản nhiên.

“Ngu dốt. Nếu xưng là Hề Sơn quân, tất nhiên là đến từ Hề Sơn. Thật ra cũng có dẫn vài đứa hầu, nhưng dọc đường say nắng ngất đi, đang nghỉ tạm, bản quân đành phải tự mình gõ cửa. Về phần sao tới nhà, nghe nói tiểu tử Trịnh Kỳ đón dâu, ta đến góp vui, sẵn tiện tìm người.” Hề Sơn quân mắng người rất oai, sau đó thản nhiên đưa một đồ vật ra.

“Ôi đây là cái gì, sao lại chích tay!” Trời tối, gã đầy tớ chạm vào món đồ toàn là gai, còn cử động, sợ hãi nhảy dựng lên.

Hề Sơn quân thấy gã đầy tớ như thế, đang một bộ khoan thai hư ảo, bỗng phá cười ha hả, “Hề Sơn thừa nhím, mang tặng bớt một con chúc mừng.”

“Ngươi!” Có câu Giữ cửa Tể tướng quan thất phẩm, đây là giữ cửa nhà Quốc trượng thì dầu gì cũng tầm lục phẩm, có thể coi Hoàng đế tương lai là đặc sản bán chạy nhà họ, thế mà có người lại dám vô lễ như thế, “Thằng tiểu tử vô lễ này giỏi lắm, dám đùa giỡn ở phủ Quốc công thế à, coi chừng đầu một nơi thân một nẻo!”

Hề Sơn quân cười lăn, mãi sau thong thả nói: “Vội cái gì, con nhím đó là cho thằng bé Trịnh Kỳ, còn cái này cho ngươi chơi này.”

Y tùy tiện lục trong tay áo rồi ném ra một thứ nọ, gã đầy tớ không dám nhận nữa, sau thì thấy có viên dạ minh châu to bằng nắm tay lăn trên đất, tỏa ra ánh sáng dìu dịu.

“Khách quý tới cửa, Hề Sơn quân đến, một con nhím!” Gã tôi tớ lượm được viên minh châu, mặt mày hớn hở reo ầm lên.

Từng câu từng chữ vang lên đến tai Trịnh Kỳ, phun ra ngụm rượu, “Ngươi nói thứ gì cơ?”

“Nghe nói là… con nhím ạ.” Quản gia thở dài, thật rắc rối.

“Mang… trình con nhím lên.” Trịnh Kỳ tự thấy câu mình nói hơi kì quái, lại bảo, “Lục soát người tặng nhím, nếu có gì đáng nghi, tống cổ; còn không, hãy mời vào.”

Trịnh Kỳ nay đang ở trong tân phòng, tiểu thiếp đang mặc một bộ áo trắng, ở sau tấm màn, thân ảnh thấp thoáng.

“Sao nàng không mặc hỉ bào?” Hắn khe khẽ cất tiếng hỏi, cứ như sợ rằng nếu mình lớn giọng quát thì sẽ hù dọa người con gái kia.

“Công tử không biết ư, này là quy củ nhà ta, tố y là vui, bạch y là mừng, bây giờ ta mặc váy trắng thế này, ý rằng đang thầm mừng vui trong lòng.” Tiểu thiếp thong thả đáp lời.

“Ta nghe Nguyễn thị nói nàng tới phủ ta để báo ân, sao lại thế?” Đôi mắt Trịnh Kỳ nhìn chòng chọc vào cái váy trắng, ngón cái tay trái bấm chặt, khiến cái nhẫn ngọc trên ngón cái này cũng mơ hồ ẩn hiện chút nhuệ khí.

“Phu nhân là phụ nữ, ta không bao giờ nói dối phụ nữ cả.” Thiếp nói, “Chỉ là, Công tử thật sự không nhớ gì ư?”

Lòng Trịnh Kỳ khẽ run lên, nhìn thấy cái gáy trắng nõn nà của người trong màn, bất chợt nhớ tới một thân cánh trắng lông xanh, du dương trầm bổng, vừa nghĩ, lại như vừa bất ngờ gặp thoáng qua khuôn trăng thướt tha khi đang lạc lối. Trong lòng hắn cảm thấy xao động lắm, nhưng cũng thầm khoái chí, muốn đưa tay kéo màn thì nghe quản gia ở ngoài bẩm báo: “Công tử, Hề Sơn quân không có gì khả nghi, chỉ là trông cực kì giàu sang phú quý, e là công tử nhà nào đó lấy tên giả muốn đùa với ngài. Y nói ngoại trừ tới tặng quà thì còn một chuyện khác, đó là tới tìm vị hôn thê đã thất lạc nhiều năm.”

Trịnh Kỳ nhìn thứ trông như con nhím kia, thế nhưng thật ra không phải là nhím thật, không động đậy, màu đen bóng mỡ, thử đập thì cứng, không bể ra, thử ngửi thì thấy mùi hương thoang thoảng, một món đồ tốt, thế thôi.

Thiếp chăm chú nhìn vật kia một lát, nói: “Công tử cứ lấy dao cắt thử, ấy sẽ biết ngay.”

Trịnh Kỳ y lời, lấy con dao hay mang theo bên người cắt ra một miếng, mùi thơm lạ lùng xông lên khắp phòng, khiến người ta bất ngờ không biết mình đang ở đâu, hiện là năm tháng nào. Mãi lâu sau, hắn mới như vừa tỉnh giấc sau cơn mơ, nói: “Lẽ nào là, là… là Vọng Tuế Mộc?”

Thiếp ở xa nhìn miếng gỗ thơm được khắc thành hình con nhím, trong mắt cũng có ý cười, “Vốn từng nghe Vọng Tuế Mộc sinh trưởng nơi đầy chướng khí, xung quanh là nước, trong thân cây có con xà quy (*) canh giữ, chỉ cần ngửi mùi là có thể tăng thêm mười năm tuổi thọ, hương thơm có thể trấn yêu trừ họa, làm thuốc sẽ giúp trăm năm không già, một mẩu vụn cũng đáng ngàn vàng, chỉ vào tay kẻ có duyên.”

(*) Xà quy – một linh vật kết hợp của rắn và rùa, là linh vật rất cổ của Trung Hoa. Trong truyền thuyết về tổ của người Trung Quốc, Phục Hi là Tổ phụ, Nữ Oa là Tổ mẫu, thì Phục Hi có hình rùa, Nữ Oa có hình rắn. Xà Quy còn có tên khác là Huyền Vũ (nằm một trong bốn tứ linh Thanh Long, Chu Tước, Huyền Vũ, Bạch Hổ)

Trịnh Kỳ nghe thế thì mừng lắm, hít một hơi thật sâu rồi quát: “Người đâu, mời Hề Sơn quân vào! Đến Vinh An đường, mời vào ghế trên, bày tiệc!”

Hắn xoay người đi ngay, vừa bước khỏi cửa thì dịu dàng nói: “Không cần chờ ta, cứ nghỉ tạm trước đi.”

Thiếp rũ mắt, cầm bức thư, ngón tay nàng nõn nà mà lòng bàn tay trơn láng, da mặt sạch sẽ không tí phấn son, thế mà trên trán lại cứ in dấu hoa điền đỏ sẫm, mang cảm giác quỷ dị không nói nên lời.

Nàng không tên không họ, chẳng có vân tay.

Hề Sơn quân đưa mắt nhìn đồ ăn được bày ở chỗ ngồi, sơn hào hải vị, tốn bao công sức, vậy mà cứ như đang nhìn không khí. Trịnh Kỳ cười nhẹ hỏi: “Thứ này không hợp khẩu vị của Quân? Mang xuống, làm lại.”

Hề Sơn khoát tay, rót li rượu đầy, hương nồng đậm khiến đầu mày khẽ nhíu: “Không cần, ta chỉ thích thứ trong li này, không để ý đến cơm nước cho lắm, nhiêu đó cũng đủ để miễn cưỡng chấp nhận rồi.”

Trịnh Kỳ cảm thấy người này sao kiêu căng quá, trong bụng chán ghét nhưng vẫn mỉm cười vuốt cằm nói: “Quân đúng là bậc phi thường, không giống kẻ phàm tục. Hôm nay người tặng cho một món quý giá như vậy, hãy cùng đệ uống ba trăm li thật đã nhé?”

Hề Sơn mím môi, hai gò má hơi nổi lên, vành mắt đen xì có mấy phần giận dỗi. Y lắc đầu, thong thả nói: “Hôm nay không được. Ta tới tìm vợ, tìm không ra mà còn say thì ra thể thống chi. Có điều nếu chỉ hai trăm chén thì chẳng sao, sẽ không nhỡ việc.”

Trịnh Kỳ ngạc nhiên khi thấy kẻ này không tinh trò đời, nhưng vẫn không lộ ra mặt, rót rượu hỏi: “Huỳnh tìm vợ mà tìm đến nhà của ta, nghĩ cũng thấy được mặt mũi. Nhưng mà chuyện này thì có quan hệ chi tới nhà ta?”

Hề Sơn uống cạn một hơi, gật đầu nói: “Nàng ấy hiện nàng ở trong nhà ngươi đấy.”

Trịnh Kỳ lại hỏi: “Tôn phu nhân trông thế nào? Trong nhà ta ngoại trừ tỳ nữ thì chẳng có cô gái trẻ tuổi nào.”

Hề Sơn tỏ ra hơi ngượng ngùng một tẹo, cùng với bộ mặt trắng nhợt như quỷ kia, khiến cho kẻ ở bên cạnh muốn nổi da gà khắp người. Y hồi tưởng, hai tay huơ huơ để mô tả, cuối cùng dừng lại ở ngang thắt lưng, mỉm cười nói: “Hồi nàng còn bé, ta có duyên gặp một lần, chỉ cao tầm này, nhưng lại có vẻ xinh đẹp cao quý hiếm có ở chốn trần gian.”

Trịnh Kỳ thấy hơi lúng túng, “Từ đó tới nay đã bao lâu? Nói vậy chắc chị nhà đã thay đổi nhiều rồi.”

Hề Sơn thở dài cảm khái: “Bây giờ, lại cao ngang tầm với ta đấy!”

Hề Sơn là một thiếu niên cao dong dỏng, Trịnh Kỳ nghe y nói thế thì càng kì quái, đáp cho có lệ: “Nhà ta không có cô gái nào cao gầy như vậy, e là Quân tìm nhầm rồi.”

Quản gia ở cạnh, chen vào một câu: “Sao lại không có? Chẳng phải Tiểu phu nhân cũng cao tầm thiếu gia đây à?”

Trịnh Kỳ không để ý, vô tình để rơi li rượu xuống đất, nháy mắt lại nở nụ cười, “Ngu thiếp của ta thì càng không phải. Nhà vốn nghèo khó, ta lấy tiền mua nàng từ mẹ ruột, sao lại có thể là vị hôn thể của người sang cả thế này?”

Hề Sơn quân nhăn mặt, bĩu môi: “Hay là ngươi giấu vị hôn thê của ta không chịu giao trả chứ gì!”

Trịnh Kỳ không vui, phất tay áo nói: “Lòng dạ tiểu nhân, ta chân tình báo Quân, vậy mà bị huynh làm nhục thế, Trương Quý Nhi, tiễn khách!”

Quản gia tới kéo người đi, nào ngờ Hề Sơn ôm chặt cái chân bàn gỗ lim, chớp mắt lại lăn lộn gào khóc um trời, “Làm gì có đạo lý như thế, ngươi giấu vợ người khác, còn không cho người ta nói ra, rặt một phường khốn nạn, lũ không có liêm sỉ! Cầm quà của ta mà muốn ăn cháo đá bát, thứ lòng lang dạ sói tham lam vô độ!”

Khuôn mặt trắng trẻo của Trịnh Kỳ cứng ngắc, cười lạnh nói: “Trương Quý Nhi, mang trả món đồ kia cho Hề Sơn quân, đưa cả người lẫn vật ra ngoài!”

Hề Sơn đấm xuống đất khóc lóc: “Ngươi cứ tưởng là ta không biết ngươi đã cắt một miếng rồi còn gì? Vừa ngửi Vọng Tuế Mộc một lần là có thể sống lâu thêm mười năm, ngươi trả ông đây mười năm tuổi thọ thì ông mới đi!”

Trịnh Kỳ đập bàn, lạnh lùng nói: “Không có ai từng uy hiếp ai ta mà còn sống trên đời!”

Hề Sơn trợn tròng mắt đen sì, xì một tiếng, “Ông mà sợ ngươi thì chuyển nhà, ăn sống cả cái Hề Sơn! Người uy hiếp ông đây vẫn chưa đầu thai nhé!”

Khuôn mặt anh tuấn nhã nhặn của Trịnh Kỳ tức đến mức nổi gân xanh, các hoàng tử khách quý chưa rời khỏi đây được lâu, hiện không tiện gây tai nạn chết người. Suy nghĩ rất lâu, hắn đành cắn răng nói: “Rốt cuộc phải làm sao thì ngươi mới chịu rời đi?”

Hề Sơn kéo tay áo chỉ vàng chùi nước mũi, lập tức cười toét ra nói: “Đưa tiểu phu nhân ra đây đi, để ta xem đó có phải là người vợ số khổ của ta hay không.”

Trịnh Kỳ nhức đầu, phất tay một cách không kiên nhẫn, ý bảo quản gia đi mời thiếp đến.

Hề Sơn về chỗ ngồi, mặt dày mày dạn thong dong uống rượu. Sau khi nghe tiếng bước chân đang tới gần, y mới đặt ly xuống.

“Là ngươi tìm ta?” Thiếp nhìn thấy một người nhợt nhạt ăn mặc kì quái thì bình thản cất tiếng hỏi.

Những nha hoàn, gã hầu phục vụ trong bữa tiệc như ngừng thở. Đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy một cô gái với khuôn mặt lạnh như băng thế, có phần sợ sệt, có chút si mê – nhìn lần đầu thì chưa cảm thấy gì, đến lần thứ hai thì nhìn lâu hơn, thậm chí không dám hít thở.

Hề Sơn đi tới gần nàng, đi mấy vòng thuận chiều kim đồng hồ, lại đi thêm vài vòng ngược chiều kim, bộ dạng cà thọt nhắm chừng chiều cao của thiếp thất xong thì trên mặt mới nở một nụ cười. Cuối cùng y đứng đối diện với Thiếp, ngẩng đầu, nhìn thẳng vào hai mắt nàng một hồi lâu. Trịnh Kỳ không vui, hòng muốn ngăn cản, Thiếp nháy mắt đã nhận ra, lập tức rũ mi mắt. Khuôn mặt của Hề Sơn đã tái nay càng tái hơn, giơ tay áo thêu tơ vàng chùi mắt, khiến bụi bặm bám trên áo dài cũng dây lên mặt, thế nhưng y vẫn không chịu dời tầm mắt, cuối cùng hai mắt mang quầng thâm cũng có vài phần dịu dàng miễn cưỡng. Y đưa mắt nhìn cái ấn trên trán của Thiếp, khóe môi vểnh cao ban đầu từ từ hạ xuống, không biết đang nghĩ gì mà tay trái chống xuống góc bàn, tay phải kéo tay áo của Thiếp, quay đầu qua hướng khác, thở một hơi dài, từng giọt nước mắt lăn xuống, tất cả đều lặng thinh.

Thiếp thấy hơi kì quái, cúi đầu mặc y khóc, nàng trầm mặc nền nã, không làm gì kì lạ.

Trịnh Kỳ siết nắm tay, đầu suy nghĩ trăm mối, nếu họ thật sự là vợ chồng chưa cưới thì…


Nhất thời, trong phòng khách lớn như vậy mà lại cực kì yên tĩnh, ngoại trừ tiếng nghẹn ngào của Hề Sơn, chỉ ngửi thấy một mùi hương nhàn nhạt chẳng biết từ đâu truyền tới.


“Ngươi khóc đủ chưa?” Một hồi lâu sau, đôi mắt đen nhánh của Thiếp lãnh đạm nhìn góc tay áo đã ướt đẫm, rút về, sau đó đưa một cái khăn tay mà thị nữ trình lên.


Hề Sơn sụt sịt xì mũi, nhận lấy lau mặt. Trịnh Kỳ lạnh lùng: “Vì sao ngươi khóc?”


Hề Sơn nhìn con ngươi đen nhánh của Thiếp, trong có sự tĩnh mịch, như đang hít một hơi thở cuối cùng trên trần trước khi chết. Y không nỡ nhìn tiếp, chà mặt mình một lúc nữa, chỉ nghe thấy tiếng nghèn nghẹt: “Nàng ấy không phải vị hôn thê của bản quân.”


Trịnh Kỳ nghi ngờ, đưa mắt nhìn hai người một vòng rồi mới nói: “Chỉ thế thôi?”


“Xí, một tiểu mỹ nhân như hoa như ngọc thế này mà còn không đủ để người ta đau lòng hay sao?” Hề Sơn vẫn còn đau lòng nhưng đã bị quản gia sai người vứt ra ngoài.


Đêm đó, Trịnh Kỳ sai người theo sát phía sau hòng giết cho hả giận. Tử sĩ đi theo, chớp mắt, không ngờ chẳng thấy tung tích thiếu niên kia đâu. Muốn tìm đến Hề Sơn, nhưng không ai biết đó là chỗ nào. Nghi ngờ y là mật thám nước láng giềng, thế nhưng cũng không có manh mối nào. Còn viên minh châu mà thằng hầu nhận được lại hóa thành tảng đá, gã không dám để lộ, chỉ biết thầm ảo não trong bụng. Đêm đó, sét đánh ầm ầm.


Tháng ba cuối xuân, hoa đào nở rộ, hương thơm ngạt ngào, người quê giã tương, làm thành bánh hoa đào đỏ thẫm để giỗ tổ, phần còn lại giữ trong nhà làm son cho vợ con. Trong nhà Trịnh Kỳ phong ấp được biếu tặng không ít thứ, toàn là son phấn hàng thượng đẳng, mẹ ruột, vợ con, thậm chí ngay cả trên người nô tì cũng mang theo mùi hương này, khiến cho Trịnh Kỳ rất chán ghét, cứ tránh trong phòng Thiếp vẽ tranh.


Lại nói, cô dâu vào nhà này đã nửa tháng, Trịnh Kỳ chỉ đến có một tối. Buổi tối Thiếp tắt nến hầu hạ, nhắm mắt mặc kệ mọi động tác của Trịnh Kỳ. Da thịt ấm áp mướt mát, người nghênh đón chờ đợi, ngoại trừ tấm thân xử nữ hơi căng chặt, ngoài việc lúc bị đau cũng chả mở mắt hay phát ra bất kì tiếng kêu nào thì cũng chẳng khác gì những nữ tử tầm thường khác. Nhất thời Trịnh Kỳ cảm thấy tẻ ngắt, chưa đợi hửng sáng đã mặc áo rời đi.


Ban ngày sáng trời, Thiếp ngồi trong mái đình xa xa đọc sách, Trịnh Kỳ và bạn bè từ xa nhìn đến, cảm thấy sao phong nhã quá, vẻ diễm lệ cùng nỗi quạnh quẽ khiến người ta cảm thấy không kiềm được yêu thương. Đêm đến Trịnh Kỳ lại tới, vẫn chịu cảm giác nhạt nhẽo tẻ ngắt, thất vọng mà về. Cứ cưỡng ép như vậy mấy lần, Nguyễn thị cười nói: “Xưa nay Lang quân luôn thích tranh sen, nay lại cưới một nàng tiên sen về, còn đặc biệt để báo ân thương tiếc. Uổng là chỉ có thể đứng xa mà về, không thể khinh nhờn, làm khó ân nhân quá.” Trịnh Kỳ cau mày, cảm thấy tức mình, nhưng không đạp chân tới vườn của Thiếp nữa.


Hàng xóm sát vách của phủ Quốc công là phủ đệ của An vương trong kinh. Vì An vương kết đảng, bị tru di tam tộc, trong nhà trống hoắc, suy sụp điêu tàn. Trong ngõ hay truyền miệng bảo rằng vào buổi tối, cứ đến giờ tý là trong phủ An vương vang tiếng bước chân, còn có tiếng thì thầm, sợ chắc do oan quỷ quấy phá nên không có ai dám lai vãng, cứ thế mà thành một ngôi nhà ma. Thi thoảng có vài đạo sĩ tới nhưng cũng chẳng làm được gì, thế là mặc kệ. Vì vậy nên phủ Quốc công niêm phong luôn một tiểu viện nhỏ gần phủ An vương, sau này trở thành nơi chốn của Thiếp. Thiếp nhập phủ từ năm Tề Minh thứ mười, tiếng động ngày càng ầm ĩ hơn, ông chủ không tới đây, buổi tối nhà bên hình như có quỷ, khi màn đêm buông xuống, không ai dám bén mảng. Thiếp vẫn chong đèn đọc sách trong vườn hằng đêm, ung dung thong thả.


Tối nọ, Thiếp lật vài trang sách, bỗng nghe tiếng gạch vang, đưa mắt lên, đó là một thiếu niên với khuôn mặt tái nhợt và áo quần phát sáng, y ghé vào đầu tường, phồng má nhìn nàng, đôi mắt sáng quắc.


Thiếp chẳng màng để tâm, cúi đầu đọc sách, luận về văn chương, chỉ đọc một lần, vậy mà thuộc hết. Chỉ khoảng nửa chum trà, đã đọc xong quyển sách, thiếu niên ngoài đầu tường nhìn nàng cười tỉm tỉm, Thiếp vẫn chẳng hề hay, từ trước ra sau, lặng yên thinh thít. Đến khi đóng sách, thiếp khẽ giương mi, thiếu niên đầu tường đã nhắm mắt thiếp đi, hương say thơm nồng.


Lúc này ngoài cửa thông báo Lang quân ghé tới, Thiếp chỉ hờ hững nhặt một cành hạnh ở dưới đất lên, đứng ở chân tường, nhẹ nhàng gõ vào, thiếu niên áo hoa liền ngã xuống trong phủ bên cạnh, vang một cái rầm, miệng kêu ôi chao, vừa đi vừa chửi, cứ như đứa trẻ.


Trịnh Kỳ vừa bước vào vườn, đã nghe thấy tiếng động kì lạ ở sát vách, lưng hắn cứng còng, đưa tay kéo quần áo của Thiếp, lại thấy đầu ngón tay kia lạnh như băng mà mang theo hương thơm, con mắt khẽ run lên. Thiếp nhìn hắn thản nhiên, trong mắt mang ý áp bách, hồi lâu sau, Trịnh Kỳ đành thả lỏng tay, mặt không mà đổi nói: “Theo ta vào thư phòng, chớ ở chốn này lâu.”


Thiếp nói: “Sách Khổng Mạnh chưa từng nói về ma quỷ bao giờ, công tử đang sợ điều chi?”


Khuôn mặt Trịnh Kỳ càng cứng đờ, nhìn nàng thật lâu, phất tay áo rời đi.


Ngày hôm sau, lúc Thiếp đang đọc sách, thiếu niên áo hoa lại tới, búi một cục tóc tròn, bọc bằng cái khăn vuông, mặc áo gai gọn gàng, ngả người trên đầu tường, mắt y cứ sáng quắc, vẻ khấp khởi mong chờ.


“Đồ ta mặc hôm nay đẹp không?” Hề Sơn quân cười hỏi, “Ta tự may đó, trên đường thấy ai cũng mặc như vậy.”


Thiếp không trả lời, điềm nhiên gấp quyển sách lại, ngẩng đầu nhìn y hồi lâu mới nói: “Ngươi vốn không dễ coi, mặc thế nào cũng chẳng đẹp.”


Hề Sơn quân làu bàu, trèo từ đầu bờ tường xuống, vừa chạy tới vừa giận dỗi nói: “A Trứ, đằng ấy lại chê ta nữa kìa.” Đứa trẻ được gọi là A Trứ hình như còn nhỏ, nói kháy mấy câu, dẫn y đi đâu đó rồi không còn nghe thấy tiếng động gì nữa.


Thiếp nhìn bờ tường, hôm nay nàng vẫn chưa chải tóc, đôi mắt bình tĩnh nhìn bụi hoa dại màu vàng quanh bờ tường bị thiếu niên dẫm phải, lúc gió đêm thổi tới, cái ấn màu đỏ trên trán cũng giống như ánh mắt của thiếu niên, sáng quắc.


Bình vương thế tử hồi kinh hầu vua, ở trong biệt viện rảnh rỗi, mời Trịnh Kỳ tới uống rượu, trong bữa tiệc đó còn mời các cô nương ở ‘Khiêu Kim lâu’, trong đó một người tên Phụng Nương, cực kì xinh đẹp, dáng múa tuyệt trần, mới vừa trải qua đêm đầu (*) được mấy ngày, thế là được các vương tôn công tử bầu làm hoa khôi. Thế tử Bình vương lệnh cho Phụng Nương hầu Trịnh Kỳ. Ả giỏi hầu hạ, giúp Trịnh Kỳ được thỏa mãn đôi phần. Bình vương thế tử nói đùa với Phụng Nương: “Bình thường nàng đâu có thích lũ thô lỗ như chúng ta, thế nên hôm nay tặng một Thám hoa lang cho nàng, tha hồ mà văn nhã nhé, chắc là giường gối cũng thơm hơn mấy phần đấy.”


(*) Nguyên gốc là ‘Sơ lũng’, chỉ việc trải qua đêm đầu của kĩ nữ.


Năm nay Trịnh Kỳ hai mươi, phải đậu Thám hoa mới được làm Hàm lâm (*),cười dịu dàng với Phụng Nương khiến ả đỏ ửng cả mặt.


(*) Một chức quan chuyên phát chiếu chỉ/ mật lệnh của Hoàng đế.


Cơn say chếch choáng, Trịnh Kỳ mơ màng, Bình vương thế tử sai người về phủ Quốc công báo một tiếng, giữ hắn ở sương phòng, cho Phụng Nương hầu hạ.


Trong men rượu, Trịnh Kỳ sờ soạng Phụng Nương, có phần nóng nảy, kéo quần xé áo, giữ lại trên chiếu, hôn hít một hồi, vuốt ve đôi chỗ, mỉm cười hỏi ả: “Thám hoa lang thì sao, có khiến nàng thích hơn không?”


Phụng Nương hôn lên hầu kết Trịnh Kỳ, sờ lên vết bớt trước ngực hắn, cười nói: “Lang quân trước nay thô bạo, nhưng hôm nay lại rất ư dịu dàng.”


Ngón tay Trịnh Kỳ cứng ngắc, nhìn ả một lát, lại sờ lên da thịt, cảm thấy đẫy đà ấm áp, nhưng lại không có hương thơm. Phụng Nương bắt đầu rên rỉ, hai tay Trịnh Kỳ cứ vuốt ve lên trên, đến phần cổ thì lại dùng lực, bóp cổ khiến ả không thở được. Nhìn ánh mắt hoảng sợ của Phụng Nương, Trịnh Kỳ lạnh lùng nói: “Ngươi đã gặp ta bao giờ?”


Phụng Nương sợ hãi xin tha: “Nếu nói tới chỉ sợ Lang quân sinh nghi, thế nhưng thiếp cũng không ngờ lại có chuyện li kì như thế. Cách đây mấy ngày, thiếp đang ngủ say, mở mắt ra thì thấy mình đang ngồi trên một con khổng tước trắng, xung quanh có vô vàn vì sao có thể chạm tay tới. Khổng tước nói muốn tìm cho ta một lang quân như ý, chỉ là không cho ta mở mắt, lại càng không được phép mở miệng. Quả nhiên sau đó ta được chịu ân của Lang quân, trong lòng vừa mừng vừa lo, sờ ngực Lang quân, thấy có vết bớt, sau này có mấy lần nhìn thấy Lang quân, nhưng không dám nói lời nào, mãi tới nửa tháng trước, vẫn không thấy con chim khổng tước kia quay lại.”


Phụng Nương thút thít: “Thiếp gần như vô cùng tuyệt vọng, không ngờ hôm nay lại được gặp Lang quân, ấy mới biết thì ra chim tiên không lừa ta.”


Trịnh Kỳ lạnh cả người, thở hổn hển, tức tối mặc quần áo vào, đẩy cửa bước đi.


Thiếp đang ngủ say, chân mày khẽ nhíu, như đang mơ thấy điều chi, đột nhiên ôm đầu kêu đau, xương ngón tay nổi lên, trán rịn mồ hôi dày. Đôi ngươi đen thẫm của Trịnh Kỳ nhìn nàng rất lâu, chỉ cầm tay nàng, thấy xương cốt lạnh lẽo, như tạc từ đá ra, chưa từng trải qua mùi vị tiêu hồn.


Hắn còn trẻ khôn ngoan, chưa từng bị ai lừa, nay bị kẻ ngoại tộc dối gạt. Nếu nàng quả thật là con khổng tước trắng năm đó…


Trịnh Kỳ nhìn Thiếp vừa oán hận vừa tiếc thương. Một hồi lâu, Thiếp mở to hai mắt, nhìn Trịnh Kỳ một cách thản nhiên.


“Nàng hận ta à?” Trịnh Kỳ nhìn nàng chằm chằm, nhẹ giọng hỏi.


“Vì sao?” Thiếp hỏi.


“Vì ngày đó ta đã bóp chết nàng, ném vào hồ hoa sen.” Hồ hoa sen nằm ở ngự hoa viên trên đường đi tới Đông cung. Trịnh Kỳ muốn được tiếng nhân nghĩa, vung tay cứu Tước vương, sau lo Đế có khúc mắc, bèn quyết tâm tàn nhẫn, bóp chết Tước vương trong tay, lợi dụng màn sương chưa tan, đèn ngọc chưa thắp, vứt vào hồ hoa sen. Sau giả vờ lấy cớ, tìm Tước vương mất tích, vì thế mà lạc đường, gặp một vời nhan sắc, bấy giờ hồi tưởng lại, nếu trùng hợp như vậy, hẳn từ Tước vương thành.


Thiếp rũ mắt nhẹ thưa: “Bây giờ ta là người, chứ không phải quỷ hồn.”


“Hôm sau ta nhờ nô tì đi vớt xác nàng, mãi vẫn không mò được, liền đoán nàng chưa chết. Nay thấy nàng còn sống, quả trời thương Trịnh Kỳ.”


Thiếp vẫn rũ mắt thưa, “Quả nhiên được ông trời ưu ái, ngay cả Đông cung gây trở ngại cũng không làm gì được người mang thiên mệnh như ngươi.”


Trịnh Kỳ cầm hai tay nàng, tha thiết mà nói, “Từ nay về sau có ta rồi, Tước nhi cứ cùng ta chung hưởng phú quý. Cho dù nàng báo ân hay báo thù cũng hề chi, chỉ cần nàng không xa rời, dẫu tính kế lừa gạt ta đi nữa, cũng tùy nàng mà thôi.”


Thiếp hờ hững mà rằng: “Phụng Nương và ngươi có duyên từ trước, mà ta và Quân thì không giống vậy, sợ chung giường sẽ hại mạng Quân, nên mới đặc biệt sắp xếp. Đợi Quốc công mừng thọ sáu mươi, dùng cát vận tẩy đi mùi lạ trên người ta, sao Quân lại không nhẫn nại thêm mấy ngày?


Sinh nhật Trịnh quốc công vào ngày mười tháng năm. Quả là chẳng còn mấy ngày nữa.


Trịnh Kỳ cười dịu dàng: “Chưa từng thấy mùi lạ, nhưng đúng là trên người nàng có hương thơm, thật ra ta còn mong luôn được ngửi thấy.”


Thiếp rút tay về, lạnh nhạt nói: “Đã nhiều ngày rồi, Lang quân tùy ý.”


Nói xong, buông rèm, ngăn Trịnh Kỳ ở bên ngoài.


Từ nhỏ Trịnh Kỳ đã mang khuôn mặt ẩn nhẫn khoan dung, nhưng trong bụng lại là kẻ rất sắc bén. Trước nay hắn chưa bao giờ phơi bày chuyện riêng của mình dưới mặt trời, tựa như cảm thấy dù làm chuyện gì trong bóng tối cũng sẽ không ảnh hưởng tới bộ dạng của mình ngoài ban ngày đâu, thế nên cực kì quý trọng thanh danh mà mình đã vất vả xây dựng bấy lâu. Mấy chuyện hắn làm gần đây không phải nhỏ, Chủ thượng Quý phi có vẻ hơi không vui, hắn ngẫm nghĩ, thế là lỏng tay, không đích thân tra tấn Thái phó, chỉ cho ngục tốt hạ vài loại độc không màu không mùi, trộn trong đồ ăn để triệu chứng của Thái phó như bệnh nặng lâu năm, ngược lại cũng không làm ô uế sự thanh cao của hắn. Ai dè lúc lão thất phu đó hấp hối sắp chết thì phun một ngụm máu lên ống tay áo Kỳ, siết thật chặt, phá ra cười: “Hôm trước mơ thấy Khổng Tử, hỏi ta khi nào ngươi chết. Lão phu hoảng sợ quá, đáp rằng Thái tử là người mang Thiên mệnh, ấy mà còn chết sớm, ta nào biết hắn sẽ thế nào? Khổng Phu Tử lại nói, vậy cũng phải thôi, Thái tử không đê tiện như Quân, chẳng vô sỉ như Quân, không bằng Quân nhiều như vậy, Thái tử chết sớm rồi, chắc Quân sẽ sống lâu trăm tuổi, được tận mắt thấy mình không con cái tiễn đưa.”


Trịnh Kỳ lạnh mặt gạt hai tay của Thái phó, đưa ngón trỏ kiểm tra, thấy lão đã tắt thở, chưa chịu khổ sở nào. Trịnh Kỳ thầm thấy không thoải mái, gọi cai ngục dắt mấy mấy con chó dữ tới, tận mắt chứng kiến chúng cắn nát thi thể, bấy giờ mới cười lạnh lùng, coi như xong.


Hắn lại bận rộn chuẩn bị thọ yến cho phụ thân Trịnh quốc công, đầu bếp mới tới chuẩn bị mấy phần thực đơn để lựa chọn, Trịnh Kỳ lấy bút lông khoanh vào mấy món, bỗng nhìn một món ăn – cẩm tú triều phượng đồ. Hắn ngẫm trước đây chưa từng thấy, hơi tò mò, đầu bếp nịnh nọt thưa: “Đây là món là ở quê chỉ dùng khi mở tiệc để đãi khách quý, các loại trái cây đủ màu sắc như anh đào, quả vải tạo hình thành chim phượng, sau đó dùng các phần thịt khác màu của chim tước nướng chín, giã nát, thêm nước sốt, thành đuôi chim phượng là xong.”


Mắt Trịnh Kỳ tối sầm, lại nhớ điều gì đó, dặn đầu bếp lấy thịt chim tước đã băm nát bọc rau theo mùa, làm thành thịt viên, sai mang cho già trẻ trong nhà mỗi người một phần, dặn người làm ghi lại phản ứng của mọi người.


Sau đó báo Tiểu phu nhân ăn xong nôn hết, Trịnh Kỳ hẵng chưa yên lòng, lại nghe báo Phu nhân ăn xong cũng ói.


Trịnh Kỳ ân cần đi thăm, đại phu bảo rằng Phu nhân đã có thai. Trịnh Kỳ vui mừng khôn xiết, sung sướng hả hê mấy ngày liền, ăn nhậu với thế tử Bình Vương vài bữa, Phụng Nương kia cũng có mặt, nhìn hắn bằng bộ dạng ngoan ngoãn đáng thương, thôi thấy cũng tội nghiệp, sai người cho chuộc về, làm nô tì bên Thiếp.


Phụng Nương giỏi múa kiếm, từ nhỏ đã có duyên học chung với vũ cơ Công Tôn nương tử một thời gian, học được chiêu ‘Lưu tuyết hồi’ là giống nhất. Váy trắng bay bay, tay nâng kiếm báu, tuyết trắng tuôn rơi, gió thổi rét buốt, tóc đen theo gió, tay áo cùng bay, bật nhảy lên khiến người giật mình chẳng biết hồng nhạn từ đâu đấy.


Phụng Nương thường xuyên múa kiếm với Thiếp, mang vẻ nhún nhường và lo sợ. Còn Thiếp lại thong thả điềm nghiên, ngồi trên chiếu, dưới bóng hoa, lẳng lặng quan sát, thi thoảng lại chỉ ra vài chỗ sai sót trong kĩ thuật múa của Phụng Nương. Chúng hạ nhân nhìn như say như mê, coi thường lời của Thiếp lắm, chẳng qua chỉ là một cô gái xuất thân nghèo khó bần hàn, làm sao mà hiểu sự cao minh của các cô nương được dạy dỗ trong ‘Thiêu Kim lâu’? Sau này sẽ đều là thiếp cả, ai hơn ai mà không được? Cũng đều là đồ chơi thôi.


Trịnh Kỳ cũng không thích người bên cạnh mình mang những thứ sắc bén như thế, dù thích kĩ thuật múa tuyệt vời của Phụng Nương, nhưng mỗi lần múa xong thì phải cất kiếm niêm phong trong kho. Ngày sinh nhật của Quốc công tới gần, Trịnh Kỳ bảo Phụng Nương thay đổi, thay kiếm bằng lụa, biểu diễn trong hội.


Buổi tối Thiếp không đọc sách, ngồi dưới tàng cây chờ lặng lẽ chờ Hề Sơn Quân.


Phụng Nương đã ngủ sớm, trong mơ màng thấy một chiếc đèn lồng màu vàng sẫm ở ngoài cửa sổ, ả khoác áo, đứng cách cánh cửa hỏi: “Hôm nay đã là ngày thứ năm, sao người không mời đại phu, lại chịu đựng khổ sở thế này?”


Thiếp đã mất ngủ suốt năm đêm ròng, ngày nào cũng đau đầu như búa bổ. Nàng chống tay trên trán, tay áo còn lại phập phồng chấp chới. Phụng Nương không nói nữa, lại thầm than mình vẫn ngây thơ lắm, đành xin cáo lui. Lại nghe Thiếp hỏi: “Phụng Nương, ngươi nói xem, Cô (*) còn đường sống chăng?”


(*) Cô ở đây là tiếng tự xưng của vương hầu thời phong kiến, cũng giống như Trẫm.


Phụng Nương thoáng run, mũi hơi nghẹn ngào, “Ngài là Tước Vương, Tước vẫn chưa chết, sao Vương lại vong?”


Thiếp nở nụ cười nhạt, “Giả vờ yên ổn cũng là bản tính của nữ tử đấy à?”


Gió đêm thổi tung áo bào của Thiếp, cành hoa trên đỉnh đầu khẽ lay xào xạc, xao động hồi lâu, một nụ hoa rơi xuống, đáp lên tảng đá nọ. Nàng nhặt nụ hoa lên, nheo mắt mà nói: “Hiểu rằng vạn vật trên đời đều có lúc già trẻ sớm tối, nào ai biết ta có mạnh hơn ai?”


Bỗng nhiên có một cái đầu ló ra trên cây, vành mắt đen lắc lắc: “Là thê tử của ta, đương nhiên mạnh hơn thế gian này gấp trăm ngàn lần.”


Thiếp ngẩng đầu lên, cặp mắt không đẹp đẽ gì cho cam đang nhìn nàng, ánh mắt sáng ngời, như phường trộm vặt.


Nàng ngồi trên chiếu, y lại lay lay làm hoa lá rơi lả tả, rơi xuống hết váy tơ màu trắng và suối tóc màu đen của Thiếp, lại còn mang theo làn hương nhàn nhạt. Hoa này có tên là ‘Kim triều’,vốn là loài yêu thích của Quốc mẫu Tần thị quá cố.


Hình như Thiếp đã sớm đoán y sẽ tới đây, lại hỏi: “Hằng đêm ngươi tìm đến, như oán quỷ quấn thân, khiến kẻ phiền người não. Nếu đã tự tin thế, có gì để làm tin?”


Hề Sơn mỉm cười, lấy một cái thẻ tre được bọc gấm đỏ trong cái áo gấm, thảy xuống, “Có hôn thư của thái thái thái thái gia gia của ngươi làm tin.”


Sau đó Hề Sơn gãi đầu, giơ bốn ngón tay, nheo hàng lông mày đen rậm tiếp: “Một cái ‘thái’ là bảy mươi năm, có bốn cái ‘thái’ rồi… đủ chưa?”


Thiếp cầm thư, nét bút bên trên đã có phần mục rữa, ghi mười hai chữ ‘Kiều công nữ, ba trăm tuổi, ngày thái bình, gả Phù Tô’. Mực vàng (*) cuối thư dùng Ngự ấn của Thái tổ Đại Chiêu, đóng sâu vào trong thư, tựa như chưa từng phai nhạt.


(*) Nguyên gốc – Kim nê, được làm từ bột vàng trộn thủy ngân, để làm sáp phong ấn/ đóng dấu.


Đầu của Thiếp bỗng nhói đau, khớp ngón tay trắng bệch. Tay cầm hôn thư buông rũ, hồng ấn trên trán thẫm như giọt máu, chiếu lên ấn vàng trên hôn thư, trông đỏ rực dữ tợn.


Hề Sơn nhìn nàng chằm chằm hồi lâu, mới cười bảo: “Có vẻ đau lắm nhỉ.”


Thiếp đình trệ hồi lâu, gần như không thở nổi, mãi sau mới ngẩng đầu, tới gần mắt Hề Sơn, con ngươi đen sẫm ánh sáng nhàn nhạt, thì ra trong lồng ngực vẫn còn một hơi ấm, lạnh lùng hỏi y: “Lúc này không nên thành hôn, xin hỏi Sơn Quân, còn cần lễ gì, mới xem là hứa hẹn?”


Hề Sơn quân vẫn quặp chân trên cây, vai nhỏ nhưng thân dài, đung đưa người, trông hơi cô độc thê lương. Y nhẹ nhàng ôm gáy thiếp, mãi lâu sau mới nhẹ nhàng cười nói: “Để cái dấu tay thôi. Nếu ngươi chết rồi, ta biết tìm ai?”


Mùng mười tháng năm, là một ngày tốt. Ngày này tốt vì nó rõ ràng chẳng có gì tốt, người trong triều lại vui mừng hân hoan như tết đến. Ngày hôm đó, chính là sinh nhật của Trịnh Quốc công, phụ thân của Trịnh Quý phi. Mà Trịnh Quốc công là một người ‘lạ’ lắm kìa, sinh được một đứa con trai có khuôn mặt đẹp như nữ là lạ lắm rồi, mà ‘lạ’ hơn nữa là sinh ra một hiền thần có quyền khuynh triều dã – Trịnh Kỳ.


Ngày đó, Kim triều ra hoa, từng cụm hoa to điểm xuyến trên đầu cành, nom xinh xẻo lắm, màu tựa ráng chiều. Truyền thuyết nói rằng lúc Chiêu vương vẫn còn là hoàng tử có đi cầu hôn Tiên hậu Tần thị, Tần lão tướng quân từng gây khó dễ nói: “Nếu hoa Kim triều trong vườn đều nở hết, ta sẽ gả con gái cho. Ngài ra đời vào ngày đông, nhưng thần nghe nói tất cả hoa cỏ trong cung đều nở rộ, ngay cả kim đàm đã chết khô mấy năm cũng nở bung suốt tám ngày. Lại nghĩ tiểu nữ chỉ là người bình thường, lúc ra đời không có cảnh tượng dị kì, chỉ có một cái cây vô danh nở hoa thôi, làm gì có tài đức nào phụ trợ người mang thiên mệnh.”


Ngày cầu thân hôm đó là sơ lập xuân, hoa quý hoa báu lại không chịu ra, chỉ có mỗi cái cây mọc hoang trong vườn phủ Tướng quân tự ý nở, hoa đầu cành chi chít, không chút hương thơm, cứ như đánh vào bản mặt quý báu của Hoàng tử. Nhưng Hoàng tử cứ không chịu đi, uống ba ấm trà, vẫn ngồi nguyên trong vườn nhìn hoa dại phá cảnh xuân, giống cây vô danh bên cạnh điêu tàn lụi sụp.


Lão Tướng quân định ra lệnh tiễn khách, một đứa nha hoàn còn nhỏ ôm cán cây cào dài cúi đầu chạy tới, không để ý Hoàng tử đang ngồi dưới tàng cây, khập khiễng cào hoa, cứ như đang đuổi người. Tướng quân trong bụng thầm hả hê, nhưng ngoài mặt lại lớn tiếng quát: “Không thấy khách quý à? Dám vô lễ nhường đấy!”


Tam Hoàng tử năm đó mỉm cười, nói không sao cả, nhẹ nhàng đứng dậy. Ai ngờ nha hoàn kia lại nhẹ giọng thưa: “Ban nãy tiểu thư vừa mắng nô tì, nói hoa kim Triều đã nở hết rồi, sao không lấy để chế son phấn mới cho người điểm trang!”


Lão Tướng quân hừ lạnh: “Chỉ có hoa dại nở, nở lúc nào?”


Nha hoàn mới đường hoàng trả lời: “Mời lão gia cứ xem, cây này tên khác là ‘Tạc tích’, hoa này được gọi là ‘Kim triều’. (*)


(*) Tạc Tích = Hôm qua. Kim triều = Sáng nay.


Mặt lão Tướng quân tức giận đỏ au, nghiến răng hỏi con tỳ: “Đổi tên từ lúc nào?”


Nha hoàn vốc mớ hoa dại dưới chân, hơi ngẩng đầu cười hỏi: “Tạc tích (hôm qua) hay là Kim triều (hôm nay),ngài hỏi cái nào ạ?”


Lão Tướng quân nhìn bộ dạng con tỳ, bỗng trợn mắt há mồm, “Sao ngươi, ngươi, ngươi ở đây… Cút về cho ta… Cút về hầu hạ… tiểu thư! Tạc tích (hôm qua) hay Kim triều (hôm nay) cũng đều không cho vọng tưởng!”


Tiểu tỳ nữ có khuôn mặt nhỏ nhắn trắng trẻo, hơi có lông tơ, ngây thơ hỏi lão: “Thế nô tỳ thay khách quý hỏi một câu, nếu hoa này kết quả, ta gọi là ‘Minh nhật’ (ngày mai) thì có được không ạ?”


Lão Tướng quân giận đến mức suýt nữa là bật ngửa, chỉ vào trán con tỳ, phun nước miếng lên mặt nó, “Ngày mai (Minh nhật) cũng không được!”


Tiểu tỳ nữ lấy tay áo lau nước miếng trên mặt, dè dặt hỏi, “Vậy… vậy ‘Hậu nhật’ (ngày sau) thì sao ạ?”


Tam Hoàng tử phì cười, hắn bị mọi người giật dây đến hỏi cưới con gái út của Đại tướng quân, vốn chỉ vì một cuộc cá cược. Đệ đệ Mục vương của hắn nói, nếu hắn có thể lấy được con cái Tướng quân, Mục vương sẽ cưới cô con cái xấu xí của nhà Thái Thường ở phố Đông nội thành.


Lão Tướng quân nổi tiếng ngang ngược không sợ quyền quý. Lão có chiến công hiển hách, bình định bốn nước, dựa vào đôi tay, cậy một cây giáo, ngoại trừ trung thành cống hiến với chủ tử, trước nay chưa từng kết giao với quyền quý, cũng từng cuồng ngôn mà rằng: “Nếu trước cửa Tần thị có trải mười dặm thảm đỏ, đó ắt là khi lão đây được phong thưởng.” (*) Đã thế thì còn ai dám tùy tiện hỏi cưới con gái nhà lão nữa chứ? Bây giờ Thánh thượng không thể phong, đành mắt nhắm mắt mở cho các con đánh cược.


(*) Ý bảo khi có trải thảm đỏ thì chỉ có thể là được phong thưởng thôi, không phải cưới xin gả con gái cho nhà nào hết.


Tam Hoàng tử đưa mắt nhìn tiểu tỳ nữ, mỉm cười đưa tình, tiểu tỳ nữ như gặp phải đại địch, nói với hắn: “Ngài cười như vậy, để cô gái bên cạnh nhìn thấy, rất là không tốt.”


Tam Hoàng tử lại cười, đang muốn chắp tay cáo từ, về cung nhận thua thì Lão Tướng quân lại xụ mặt, nghiến răng nghiến lợi nói: “Nhà ta không có đồ cưới, nếu điện hạ không chê, cứ mang cái Kim triều mặt dày này vào cung đi!” Nói xong, phẩy tay áo bỏ đi.


Hôm Tam hoàng tử đón dâu, trước phủ Tướng quân là giang sơn vạn khoảnh, đồ cưới mười dặm, trong điện Bình Cát chỉ trồng trăm gốc Kim triều.


Ngày nay, trong dân gian nhà nào cũng có một hai gốc Kim triều, không phải vì chuyện cánh hoa của nó thần bí thế nào, chẳng qua vì hễ nó cắm đất là mọc rễ, đưa tay là chạm tới.


Chiêu hậu qua đời, Kim triều trong thành không nở nữa. Trăm gốc Kim triều trong Cung Thái tử bấy giờ – tức điện của Tam Hoàng tử ngày xưa, cũng bị một trận hỏa hoạn thiêu chết. Tháng năm năm nay là cách hai năm từ ngày đó, lần đầu tiên Kim triều nở lại. Hai bên phố, hoa nở rực rỡ, nhiều cánh hoa nhỏ màu nhạt, chỉ khi nở cùng nhau mới thấy đẹp, thế mới hiểu tại sao trước đây không thu mắt nhìn.


Phụng Nương dùng lụa để tập múa hằng ngày, hình như không thuận tay, trước ngày sinh nhật của Quốc công thì bị bệnh, múa may tệ lắm. Trịnh Kỳ trước nay là người cầu toàn, trong lòng như có vướng mắc, cực kì không vui. Nguyễn thị nhắc nhở, Thiếp và Phụng Nương như hình với bóng, có lẽ cũng làm được. Trịnh Kỳ nhớ tới một điệu múa của khổng tước trắng thuở thiếu thời, bèn đi hỏi Thiếp. Thiếp nhìn dải lụa trắng Trịnh Kỳ mang tới, mềm mại nhẹ nhàng, nàng khẽ gật đầu, coi như đồng ý.


Đêm qua có mưa, nay vừa mở mắt, cành Kim triều đã len qua song cửa ghé tới bàn sách, khẽ khàng mang theo hơi lạnh ban mai. Thiếp đã cất kĩ thư, nhìn cành hoa mà có chút đăm chiêu, Trịnh Kỳ lại bẻ mất, ném ra ngoài cửa sổ, cười lạnh nói: “Thứ tầm thường như thế, cũng xứng mọc trong phủ ta sao! Ta cũng không ngờ, lại có cá lọt lưới.”


Mấy gốc Kim triều trong phủ Quốc công, năm trước đã bị đào lên nhổ bỏ, bây giờ chỉ còn mỗi cây này.


Giọng nói của Thiếp như băng rơi trên suối: “Hoa kim triều (hôm nay) chết, công lao công tử. Ngày mai vọng mạng, lại là thiên mệnh?”


Trịnh Kỳ cười vang, “Nếu hắn không chết, thiên mệnh bất diệt, ta sao qua thiên mệnh!”


Thiếp cũng cười, chỉ là ý cười nhạt nhẹo, như sương trắng trong sớm đông, thổi một hơi là tiêu tán.


Ngày hôm sau, chính là mùng mười tháng năm. Thiếp vẫn một thân bạch y, tay áo có hoa văn mây xanh, búi ngọc quan gia nam trang, xinh đẹp tuyệt trần thanh tý cao quý, ép bức hồn phách bao người.


Trịnh Kỳ nhìn bộ dạng nàng, nhíu mày nói: “Hôm nay nàng sẽ múa, sao giả dạng nam trang? Phụ thân chưa gặp nàng bao giờ, sao không điểm trang ngọc bội, để ấn tượng tốt cho người?”


Con ngươi Thiếp tối đen, chỉ cười mà đáp rằng: “Người đời trọng sắc, công tử không ngoại lệ. Nhan sắc ta vốn đủ, nam nữ khác biệt chi.”


Trịnh Kỳ chưa thấy Thiếp cười như vậy bao giờ, chỉ cảm thấy đầu váng mắt hoa, mơ hồ đã gặp qua ở đâu rồi. Hắn lại nhớ Quốc công phụ thân không phải là người nghiêm túc ràng buộc, nhẹ giọng bảo: “Nói thế không sai, thôi cứ vậy đi.”


Sinh nhật Quốc công, vị khách đầu tiên là Bình vương thế tử. Coi như tình nghĩa giữa hắn và Trịnh Kỳ cũng sâu đậm, Thế tử cười nói: “Đừng chê ta chuyên đi ăn chực, chỉ là nghe nói hôm nay quý phủ có mời ca cơ diễn kịch nổi danh nhất thành, ngươi cũng biết ta thích náo nhiệt nhất, thế nên mới đến sớm giành chỗ đây này.”


Trịnh Kỳ vỗ vai hắn, cười bảo: “Đã chuẩn bị chỗ ngồi cho Thế tử từ trước, sao Kỳ dám thờ ơ với khách quý?”


Bình vương thế tử đi theo hắn vào chỗ ngồi, có một sân khấu được dựng trong nhà thủy tạ, xung quanh sân khấu mang một màu xanh bích trong veo, cảnh đẹp cực kì, chỉ là cách khách và chủ hơi xa, lúc ca cơ hát sẽ nghe loáng thoáng thôi. Trịnh Kỳ là kẻ đa nghi, bài trí như vậy, đúng là vì yêu mạng mình, sợ đào kép hành thích.


Có không ít người trong triều đã tới, ngoại trừ em trai ruột thịt của đương kim chủ thượng – Mục vương, trọng thần nào trong triều cũng đều xuất hiện. Đợi khi con hát lên đài, tiệc rượu vừa bắt đầu thì nghe ngoài cửa kinh hoảng hét to: “Thanh Dương Trưởng công chúa đến.”


Nhất thời, lặng ngắt như tờ. Mọi người đều thấy đau đầu. Hễ nhắc tới vị trưởng công chúa này, thật là không biết làm sao cho phải. Ngược lại, chẳng phải vì nàng kiêu căng, cũng chẳng do tùy hứng hay nóng nảy chi cả, đơn giản nàng là được Hoàng hậu nuôi dạy, được hưởng sự cưng chiều của Đế vương, chỉ hai điều này thôi đã khiến cả đống người không được tự nhiên rồi.


Trịnh Kỳ nhíu mày, đúng là hôm nay Hoàng thân có ban thưởng, nhưng các Hoàng tử không muốn bị mang tiếng cấu kết với ngoại thích trước mặt chủ thượng, ngay cả Tam hoàng tử cũng không lộ mặt, thế mà vị công chúa chưa xuất giá lại lặng lẽ tới đây. Trước nay hắn và Thanh Dương không hề tiếp xúc, e rằng lần đây người tới không ý tốt.


Nhưng chúng thần chỉ đành có thể quỳ lạy nghênh giá, giương mắt không thấy cung nữ nội thị, chẳng hạ kiệu vén rèm. Còn đang nghi hoặc thì có một thiếu niên mặc huyền y chậm rãi bước tới, mang theo cây kiếm, mũi gươm sáng chói, chưa nhuốm máu người.


Huyền y ở Đại Chiêu, chỉ dành cho Thái tử.


Chúng thần run rẩy, có người đã sợ tới mướt mồ hôi. Thiếu niên đi tới, mũi kiếm chỉ vào cổ họng Trịnh Kỳ, cả giận: “Ngẩng đầu lên!”


Trịnh Kỳ chậm rãi ngẩng đầu, khóe môi còn vương nụ cười dịu dàng, “Không biết Trưởng công chúa có chỉ bảo điều chi?”


Rõ ràng thiếu niên mặc huyền y gầy ốm kia chỉ là một cô gái dè chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Mi tóc đen nhánh, mắt mang nỗi hận ngùn ngụt như hỏa, tưởng chừng muốn đốt chảy tất cả những kẻ đang quỳ kia.


Thanh Dương cười lạnh nói: “Ngươi không sợ à? Trịnh đại nhân.”


Ca cơ trong nhà thủy tạ đang cất giọng du dương trầm bổng, khoảng cách quá xa, hình như bọn họ không biết đang xảy ra chuyện gì, Trịnh Kỳ cũng chưa hạ lệnh cho bọn họ dừng lại.


“Một ngày nắng đẹp nhường kia, có tiểu nương tử một mình bước đi. Trên cầu lắm kẻ giành xem, nhà ai nươngtử lớn gan thế này?”


Lời hát truyền tới vang vang, Trịnh Kỳ mỉm cười, “Thần sợ cái gì? Thần có gì mà phải sợ?”


Kiếm trong tay Thanh Dương, đâm rách da thịt trên cổ Trịnh Kỳ. Nàng nắm chặt chuôi kiếm, lạnh lùng hỏi hắn: “Đêm khuya nằm mơ, có khi nào thấy hoàng huynh vào mộng lấy mệnh đại nhân?”


Ca cơ kia lại hát: “Trăng sáng soi chiếu tịch tang, có cành liễu rũ trong chiều vàng ươm. Đi đường người cúi ngắm hoa, giày thêu ba tấc nhuộm tro bụi dày. Nữ nhi xưa nay dại khờ, khôn ngoan khoan dung cũng chờ ngày qua. Tìm tìm kiếm kiếm gian truân, ấy rồi cũng chỉ một bài thán ca. Gái ngoan trung nghĩa phải toàn, sống thời nghe cha khi chết theo chồng. Còn nhi lang sống trong nắng chói, nghĩ tới ắt đàn khúc ngợi khen. Khúc đàn vang lên hằng năm ấy, có khoan dung cho nàng qua ngày!”


Trịnh Kỳ nắm chặt thân kiếm, ngả ra sau một chút rồi hất Thanh Dương ra, sửng sốt nói: “Vi thần sợ hãi, đã quá phận, đã nhỡ đả thương lá ngọc cành vàng.”


Thanh Dương là một thiếu nữ yếu ớt, bị hắn hất té xuống đất, chống tay rách da. Mắt nàng đẫm nước, chống kiếm đứng dậy cười lạnh: “Có gì mà ngươi không dám? Mọi người đều nhận ra hoàng huynh vẫn còn hơi thở, chỉ ngất đi, nhưng ngươi lại sàm ngôn với phụ hoàng, dám chôn sống hoàng huynh trong lăng tẩm mẫu hậu, khiến cho mẫu hậu linh thiêng trên trời, phải tận mắt nhìn con mình chết thảm, lòng dạ thật độc ác! Ngươi cũng có cha mẹ, cũng biết tới sinh thần mẹ cha, mong cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, thì phải biết với cha mẹ chuyện gì cũng vô nghĩa, chỉ mong con cái mình trọn đời bình an. Trước khi chết đại tướng quân đã trả lại toàn bộ binh quyền, mẫu hậu lặng lẽ nép mình, hoàng huynh càng không màng danh lợi, không gặp ngoại thần, chẳng thể thoái lui, nhưng các ngươi vẫn ép sát từng bước, độc chết mẫu hậu, hại chết hoàng huynh, lòng muông dạ thú đến nhường nào. Chỉ hận ông trời, sao không chém chết lũ cầm thú rắn rết các ngươi?”


Mặt mày quần thần túa đầy mồ hôi, nghe thấy những lời nguyền rủa như vậy, sợ đến mức tiêu tán hồn phách.


Trịnh Kỳ nheo mắt, gằn lên từng chữ: “Từ xưa đến nay, quân muốn thần tử, thần không thể từ. Chẳng phải Công chúa quả thật không hiểu sao? Ta là thần tử, sao có thể quyết định quân mệnh?”


Thanh Dương ngơ ngẩn đứng thần người, búi tóc rũ xuống, có phần tán loạn. Ca cơ vẫn hát ý a: “Trong ngày cảnh đẹp tốt trời, mênh mông hồng thủy khi nào trào dâng. Nàng tiểu nương tử lên cầu, hòng xem trên thuyền ai thời đợi trông. Phận đàn bà trăm cay ngàn đắng, sống vì ai mà chết cũng vì ai. Sống một đời, sống sao cho tận, khí đoạn hồn tiêu mới tỏ tường. Dẫu bạc bẽo chẳng qua nghĩa vỡ chồng, nhạt nhẽo mấy cũng chi bằng ruột thịt!”


Nàng thẫn thờ nhìn lên sân khấu, cứ nhìn vậy, nước mắt khẽ lăn dài, như nước triều đột ngột trào dâng, lúc ngón tay chạm lên gò má thì đã không kịp đề phòng, nghẹn ngào rồi òa khóc nức nở.


Chúng thần nhìn bộ dạng như muốn phát điên của tiểu công chúa, kẻ nào cũng mang vẻ mặt lạnh lùng trào phúng. Khi gió thổi, cánh hoa Kim triều như bức màn phong, cánh hoa dày đặc mà thanh nhã, từ xa kéo tới, chắn ngay tầm mắt giữa Thanh Dương và Trịnh Kỳ.


Khi Trịnh Kỳ vẫn còn không để tâm thì một lần nữa, kiếm quang đã đâm tới trước cổ hắn. Hai mắt Thanh Dương nhìn hắn chằm chằm, kích động mà nói: “Nếu đã như thế, ta cũng muốn khiến Trịnh đại phu chết, ngươi có chịu chết?”


Tóc Trịnh Kỳ không rối một cọng, cười lạnh: “Thần trước nay chỉ nghe một Quân, đó chính là Thiên tử. Nếu ngày sau công chúa được gả cho một tên ăn mày, sống như phường nô tì kỹ nữ, chẳng lẽ cũng muốn thần phải quỳ lạy ba hồi hay sao?”


Thanh Dương nuốt nước mắt, nghẹn ngào cười nói: “Ngươi không cần dọa ta! Ngươi đào xới căn cơ huynh mẫu, ta ngày ngày chịu dày vò, hôm nay tới đây, cũng tự biết không còn đường sống. Chỉ có giết ngươi, trả được thù này thì mới không hổ là con gái mẫu thân, em gái của hoàng huynh.”


Chúng thần giương mắt, nhìn Trịnh Kỳ, vừa có vẻ cầu khẩn, lại có phần âm ngoan ác độc.


Trịnh Kỳ ngửa đầu cười to, mặt đầy sát khí, “Kỳ từ nhỏ chỉ nguyện làm quân tử, cớ sao Quân hung hăng gây sự này, thật khiến Kỳ khó xử.”


Những ca cơ kia đã hát xong, nối đuôi nhau bước ra, trong đó có người búi tóc cao, mặt tái xanh, vành mắt thâm đen nổi rõ. Nàng ta lẫn mình trong đám đông, từ xa nhìn Thanh Dương, khẽ thở dài một hơi.


Con ngươi Thanh Dương tối sầm, tay cầm kiếm dùng sức, thế nhưng lại bị một vật gì cách đó không xa bắn trúng mu bàn tay, nháy mắt mất hết lực. Thứ rơi xuống đất ‘leng keng’ cùng cây kiếm kia là một cây quạt vẽ cảnh non nước. Màu nhuộm đỏ thẫm, có phần lòe loẹt.


Bình vương thế tử đứng dậy, mỉm cười đưa tay nói: “Công chúa muội muội lại bướng bỉnh rồi, cùng thần vào bàn ăn tiệc nhé, được không? Ngày mai thần phải về đất phong rồi, chẳng biết khi nào mới được gặp biểu muội đây. Huynh muội chúng ta, phải thân thiết với nhau một chút.”


Thanh Dương sửng sốt, khóe mắt Bình vương thế tử như đang cười, lấp lánh ánh nước, tràn đầy tiếc thương. Hắn đến gần Thanh Dương, cầm tay nàng, dịu dàng nói: “Hôm nay muội muội có phúc được xem hát đấy, nghe nói Trịnh đại nhân có ái thiếp giỏi ca múa, muội đừng ngại cùng xem một chút.”


Sau đó, hắn đưa ngón tay thon dài gạt nước mắt của Thanh Dương, chặc lưỡi nói: “Đáng thương chưa này, muội làm bừa quá, ai không biết còn tưởng phủ Quốc công bắt nạt Trưởng công chúa kia kìa.”


Không để ý tới ánh mắt của mọi người, hắn kéo tay Thanh Dương về lại chỗ ngồi, khiến mọi người không hiểu nổi chuyện gì. Chỉ có ánh mắt Trịnh Kỳ khẽ chớp, trao đổi bằng mắt với phụ thân Trịnh quốc công, dẫn dắt mọi người, quay lại bữa tiệc, như thể chưa từng xảy ra chuyện gì.


Sau đó không lâu, tiếng trống nặng nề như mưa rơi, bỗng có một bức bình phong trắng xuất hiện trên nhà thủy tạ. Có bóng người dong dỏng thong thả bước từ xa tới, như mây như sương. Hình như hắn đang ôm một cây cổ cầm, ngồi trên chiếu, tiếng trống dần biến mất.


Một người con gái mặt trắng áo đen bước ra ngoài bình phong, không búi tóc như phụ nhân, dung nhan như nhuận ngọc. Nàng cầm trường kiếm trong tay, phi người như hoa đầu cành, tựa châu ngọc rơi. Phần nước da ở cổ trắng ngần, cây trâm gỗ cắm trong suối tóc đen tung bay, chỉ còn tiếng gió văng vẳng. Kiếm hoa xoay vài vòng, như cá nhập long môn, thủy sinh cuồn cuộn.


Trịnh Kỳ hơi không vui, hắn đã nghiêm cấm không cho dùng kiếm khi múa, nay Phụng Nương mang kiếm tới, đúng là không biết chừng mực.

Có tiếng xé vải sau bình phong, tiếng đàn tựa chuông ngân trong núi, thong thả vang lên. Ban đầu trầm thấp như trống da thú, đè xuống chỗ thấp nhất, mà cao thì như tước hót, du dương véo von, rót vào lòng người.

Trong đám sĩ phu có kẻ hiểu âm luật, Trịnh Kỳ cũng là một kẻ kiệt xuất, nghe thấy điều kì lạ trong tiếng nhạc, đột nhiên biến sắc. Đây rõ ràng không phải âm thanh mà cổ cầm có thể phát ra, nhưng mà người ở sau bình phong lại rất giống đang đàn cổ cầm.


Hắc y nữ tử nghe thấy tiếng chim kêu thì nhảy cao, nàng chống kiếm nhún gối tung váy, thẳng tay đâm vào cây cổ thụ bên cạnh. Đôi mắt thiếu nữ quyến rũ khiêu khích, lúm đồng tiền khóe môi thấp thoáng, mọi người nhìn thấy mà mê mẩn. Còn thanh kiếm trong tay nàng đã đâm sâu vào cây ba tấc, chưa thấy dùng lực nhưng cành đã rời cây, lá bay phấp phới tới mọi người đang ngồi trước nhà thủy tạ. Đám người không kịp đề phòng, bị lá xanh bắn trúng, trông cực kì chật vật. Trịnh Kỳ nghiêng người, kẹp tay chụp được phiến lá đang bay qua trước mặt, nhìn hắc y nữ tử nở nụ cười, thiếu nữ cũng nhoẻn miệng đáp lại, kiếm đưa ngang mặt, nửa che nửa lộ, chỉ một trên đời.


“Phụng Nương giỏi lắm, không ngờ ả ta lại có thủ đoạn này.” Trịnh Kỳ xoay chiếc nhẫn ngọc trên ngón cái, cười nói với Bình vương thế tử.


“Không phải là nhờ Thám hoa lang dạy dỗ đó sao? Dù kiếm có sắc, với ngươi, cũng không phải nanh hổ, sao có thể hại người?” Trong mắt Bình vương thế tử đầy ý cười, cầm chén rượu bạch ngọc trong, như say như tỉnh, Thanh Dương bên cạnh hắn lại đưa mắt về phía bình phong, chỉ thấy bóng người, như rơi vào mộng.


Tiếng chim hót sau tấm bình phong đang du dương trầm bổng từ từ trở nên chói tay sắc nhọn, sau đó thảm thiết thê lương, như đang bị bóp cổ. Trịnh Kỳ nhớ tới Tước vương bị chết chìm trong tay mình, con ngươi nó rõ ràng vẫn còn niềm tin yêu, nhưng dần dần biến thành lệ quang. Lúc đèn lồng trong tay nội thị sáng lên, hắn buông lỏng tay, nhìn thân trắng lông xanh chìm trong nước, lệ quang của chim cũng được bao phủ trong ao sen, chỉ còn mỗi cảm giác nóng hôi hổi nơi bàn tay. Thái giám thấy vẻ mặt hắn lạ thường, hỏi có chuyện gì thế, hắn như muốn khóc lên. Đáp rằng: “Không thấy Tước nhi nữa, chẳng biết đi đâu rồi.” Khi đó tay ôm ngực, chỉ nỗi đau là thật, những thứ khác đều giả. Mỗi câu chữ đều giả.


Hắn biết người sau tấm bình phong là Tước nhi, hắn biết, nàng vẫn đang hận hắn. Nhưng mà, nỗi hận đó lại khiến trong lỏng có một cảm giác thỏa mãn khác thường. Trước nay chưa từng cái gì nên là của hắn, mà lại không có trong tay. Ngoại tộc thì sao, vật chết thì thế nào? Tuy Trịnh Kỳ không phải hoàng thất, nhưng cũng là người mang thiên mệnh. Muốn gì được đó, cầu người được người.


Tiếng chim kêu từ từ im ắng hẳn, kiếm Phụng Nương vung như tuyết, nhũng nụ hoa trắng từ đâu đáp nhẹ lên mũi kiếm, ả nhìn theo hướng kiếm, từ từ ngẩng đầu lên, Trịnh Kỳ ngồi bên bờ.


Mọi người vỗ bàn khen hay, nào ngờ tiếng đàn lại vang, du dương nhưng cũng mang sát ý, phía sau bình phong có âm thanh lạnh lùng hờ hững cất lên: “Các ngươi, đều muốn sống lâu trăm tuổi, chờ Cô.”


Gã tắm ngựa từng hầu hạ trong cung Thái tử nghe thấy lời ấy, đang ngồi yên bỗng té xuống đất. Xưa nay gác cổng Đông cung rất nghiêm, ngoại trừ Thái tử sư và một đám quan theo hầu, chưa có ngoại thần nào từng gặp qua Thái tử, chứ đừng nói đến được Thái tử nói đôi câu. Kẻ đang ngồi, chỉ mỗi hắn, còn nhận ra.


Trịnh Kỳ nghe thấy tiếng đàn, liền lâm vào trầm tư. Hắn như bước vào thế cục chia rẽ trong triều, sung sướng hả hê, ép đối phương không thể chống đỡ, hùng tâm tráng chí, khó tự kiềm chế. Thế rồi bỗng nghe thấy tiếng xé vải truyền tới từ sau bình phong, chỉ trong nháy mắt, âm thanh từ cổ cầm trong bình phong như phá ngọc chui ra, tựa thanh kiếm vô hình, bay về phía Trịnh Kỳ. Hắn bất ngờ không đề phòng, bị dải lụa trắng siết cổ.


Thì ra, thứ ở sau bình phong vốn không phải phiến đàn, mà lại là dải lụa.


Ở chỗ bình phong rách ra, thấp thoáng thấy khuôn mặt bình thản mang một vết đỏ thẫm. Một nơi khác có bóng người đang cầm dải lụa trắng, dùng lực siết, nhìn Trịnh Kỳ, lạnh nhạt nói: “Không dùng kiếm, thì cho rằng Cô không thể giết ngươi?”


Trịnh Kỳ muốn dùng tay để thoát ra, thế nhưng dải lụa kia càng siết chặt. Hắn đưa tay hất đổ chén rượu, muốn dùng mảnh sành để cắt đứt dải lụa, thế nhưng tay chân cứng đờ, như cá kẹt trong bãi lầy, chỉ biết vùng vẫy giãy chết.


Trong màn sương đấy, đột nhiên Thanh Dương quỳ xuống, nước mắt rơi như mưa, “Thần xin thỉnh an Thái tử.” Mà gã chăm ngựa cho Thái tử thì đang té xuống đất, rúm ró như bùn.


Trịnh Kỳ không dám tin mà đưa mắt nhìn mặt ngọc có điểm đỏ phía sau bình phong, trên dải lụa còn vương lại mùi hương lành lạnh rất đặc trưng của Thiếp. Trong đầu hắn thoáng hiện lên vài hình ảnh, nhưng lại dừng ở ngày đưa tang hôm ấy.


Khi đó, hắn phụng chỉ đến trước quan tài của Thái tử, giả vờ cúng bái, thật ra là dùng ba châm sắt cắm vào đầu Thái tử trong tử huyệt, khi ấy cũng ngửi ngưởi được mùi hương lành lạnh này.


“Ân tình công tử dành cho, Cô khắc sâu trong lòng, ngày ngày chưa từng quên.” Giọng nói của thiếu niên lạnh lùng, hàn khí bức người.


Trịnh quốc công quỳ trên đất, dập đầu liên tục mà rằng: “Thái tử linh thiêng, xin người tha mạng!” Chúng thần như gặp tang cho mẹ, nháo nhào chạy ra ngoài. Thiếu niên ở sau bình phong chỉ cười trầm thấp, “Các khanh vội vàng đi đâu? Sao không cùng tiễn Trịnh đại nhân một đoạn?”


Dứt lời, thu tay về, Trịnh Kỳ ngã ầm xuống đất, đầu chưa chìm hồ, âm vang giòn dã, máu văng khắp nơi, rơi xuống dưới nước, sinh tiếng động lớn.


Mọi người khóc lóc xin tha, thiếu niên sau bình phong đã thu lại dải lụa nhuốm máu, thoang thả đọc một đoạn văn trên tấm bình phong: “Con cu gáy kia, sao chiếm ổ Thước. Phượng bay vòng quanh, không chốn hồi hương. Còn ngày mai ư, mất ngày mai rồi. Đã không thái bình, Phù Tô cũng mất.”


Thiếu niên ném dải lụa trắng, phun ra một hơi khí đục cuối cùng trên đời, miệng lại đầy mùi máu tanh. Chàng bước ra từ sau bình phong, áo trắng tay lam, ngọc quan lạnh buốt.


Chúng thần đang quỳ run lẩy bẩy, chàng lại như đang khinh thường nhìn giang sơn vạn dặm, bình thản cười nói: “Thì ra, thứ các ngươi sợ không phải người, mà là quỷ.”


Lúc gió thổi tới, tà áo bào cũng từ từ nâng lên, chàng nói: “Từ nay trở đi, Cô tên Phù Tô. Nếu có một ngày Phù Tô tới lấy tính mạng chúng khanh, đó mới là quỷ.”


Chàng chỉ dựa vào hơi thở cuối cùng để chịu đựng đến bây giờ, sau đó, miệng phun ra một ngụm máu tươi, con ngươi màu đen từ từ nhắm lại, gió lại nổi. Mọi người bị che mắt trong làn gió kì quái này, đến khi mở mắt ra thì trên nhà thủy tạ đã không còn máu người, chỉ dư lại một bức bình phong loang lổ máu thẫm cùng một cái đầu gỗ quỷ dị bị đục lổ chỗ, bên trên là mười ba sợi tơ nằm lặng lẽ, sắp tan tác theo làn gió.


Bữa tiệc này đã ăn đến mức kinh tâm động phách, Thanh Dương khóc đến ngất đi, Bình vương thế tử ôm nàng, bước ra khỏi phủ Quốc công đầy hỗn loạn này. Phụng Nương đang chờ đã lâu, tay cầm phong thư. Ả quỳ xuống thưa: “Điện hạ, Thái tử có thư, giao thiếp mang tới.”


Bình vương thế tử khoát tay, cười nói: “Không xem cũng được, nhất định là bảo sắp xếp cho ngươi, sẵn tiện phạt Thanh Dương chép [Nữ giới] một trăm lần. Dù hành tung quỷ dị, ta đoán hắn không chết được, chẳng qua không biết đi đâu làm tiền ai thôi.”


Phụng Nương cúi đầu hỏi hắn: “Thiếp giúp Thái tử, chỉ vì ngài từng cứu thiếp một mạng, giúp thiếp tránh được một cái thủy họa, còn Thế tử thì sao?”


Thế tử cười liếc nàng: “Phụ vương ta không phải Mục vương, mà ta cũng chẳng phải Mục vương thế tử. Ngoại trừ trung quân, thì còn gì khác?”


Hắn bế Thanh Dương lên xe ngựa, hơi khẽ dừng chân, quay đầu, nhìn Phụng Nương mặc bộ đồ đen toàn thân, mới híp mắt hỏi: “Lại nói, ngươi chính là một con Khổng tước, toàn thân màu trắng đó sao?”


Phụng Nương mím môi, khẽ nở nụ cười: “Là thiếp.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.