Một chiều chủ nhật yên ả, vừa bước ra khỏi nhà tắm, tôi đã nghe thấy tiếng chuông điện thoại của mình vang lên inh ỏi ở dưới lầu.
Tôi vừa bắt máy, người ở đầu dây bên kia đã không khách sáo, cáu kỉnh hỏi:
"Sao gọi hoài không được vậy?"
Tôi vừa lau tóc, vừa lười biếng trả lời:
"Tắm."
Người con trai có thể nói chuyện thô lỗ với tôi như vậy chỉ có một người duy nhất – Quân Phương.
Giọng dịu đi vài phần, Phương chầm chậm nói vào điện thoại:
"Tao đang ở dưới nhà, xuống mở cửa đi."
"Mẹ tao không có dưới đó hả?"
Tôi buộc miệng hỏi.
"Nhà mày, mẹ của mày, hỏi tao?"
Phương khó hiểu hỏi lại tôi, giọng điệu còn thoáng mang theo ý cười.
"Thế... đợi xíu, tao xuống liền."
Nói xong, tôi cúp máy rồi chạy xuống tầng trệt, mở cửa cho Phương. Vì có thói quen không mặc nội y khi ở nhà nên tôi chỉ mở hé cửa, thò đầu ra ngoài, tò mò hỏi nó:
"Kiếm tao làm gì?"
Vừa ló đầu ra nhìn, tôi đã ngay lập tức nhìn thấy cậu trai đô con cùng khuôn mặt phờ phạc phảng phất một chút buồn bã chờ sẵn. Bộ quần áo đen sì sì trên người càng khiến cho cậu ta trông thật thê lương.
Phương dựng xe ngay trước cửa nhà tôi, đứng tựa vào ở yên sau, hướng tôi cười, hỏi:
"Đi ăn không?"
Nụ cười làm lộ ra hàm răng trắng sáng nhưng đôi mắt lại chứa đựng nhiều nỗi niềm.
Tôi không kiềm được liền hỏi dò:
"Sao tự nhiên lại rủ đi ăn? Có chuyện gì hả?"
"Phải có chuyện mới được rủ mày đi ăn à? Làm giá thế!"
"Không... chỉ là... Đợi tí, để tao gọi hỏi xin mẹ đã."
Vừa dứt lời, tôi liền nhẹ nhàng khép cửa, vừa đi lên phòng, vừa gọi điện cho mẹ.
Anh Đăng - con của dì hai tôi năm nay lên thành phố học đại học, trên đường từ chỗ làm về nhà chẳng may gặp tai nạn giao thông, phải nhập viện gấp. Anh ấy là người mà mẹ tôi thương nhất trong đám cháu, ở thành phố này, mẹ tôi cũng là người thân mà anh có thể dựa dẫm. Khi vừa nghe tin, mẹ tôi đã tức tốc chạy xe đến bệnh viện Q xem tình hình, đến việc nói cho tôi biết cũng quên mất.
Vì chuyện này xảy ra khá đột ngột, mẹ chưa kịp làm cơm chiều nên tôi vừa mở lời xin đi ăn cùng Quân Phương, mẹ liền lập tức đồng ý. Như thường lệ, mẹ tôi ở đầu dây bên kia dặn dò vài câu, bảo tôi đi đường chú ý an toàn, nhìn trước ngó sau rồi cúp máy ngay khi một giọng đàn ông vang lên, có lẽ là bác sĩ.
Tôi vội vàng lên lầu thay quần áo, khóa cửa rồi ra ngoài cùng Phương. Ngồi đằng sau, tôi gọi điện cho ba, nói sơ về tình hình của anh Đăng và dặn ba ăn cơm ở ngoài. Một năm đổ lại đây, ba tôi mỗi khi đi làm về và cả chủ nhật nếu không đi uống bia, thì cũng vác "đồ nghề" ra bờ sông để câu cá, đi đến hơn 8, 9 giờ tối mới về nhà.
****
Tôi và Phương có rất nhiều điểm chung, điều đã giúp chúng tôi có thể trở thành những người bạn thân thiết như bây giờ. Trong số đó là sự đồng cảm giữa những đứa trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc.
Khi còn nhỏ, tôi mỗi ngày đều luôn có thể cảm nhận được tình yêu của ba mẹ dành cho nhau và cho mình. Nhưng, càng lớn, tôi lại chẳng thể tìm thấy tình yêu của hai người. Họ vẫn yêu tôi như vậy nhưng dường như họ đã chẳng còn yêu nhau nữa.
Mẹ tôi là kiểu người nóng tính và hay cằn nhằn, ba tôi lại là người khá dễ chịu và ít nói. Trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng nào mà chẳng có lúc xảy ra cãi vã và ba mẹ tôi cũng vậy. Phần lớn các cuộc cãi vã của ba mẹ tôi đều bắt nguồn từ mẹ. Mọi lần như thế, mẹ tôi sẽ luôn ở thế chủ động, to tiếng mắng ba tôi và ba tôi sẽ luôn chọn cách yên lặng hoặc yếu ớt phản kháng bằng dăm ba câu rồi thôi. Cãi nhau buổi sáng, buổi chiều bọn họ lại làm hòa, vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Nhưng, đó là những chuyện của nhiều năm trước, còn bây giờ tình hình trong nhà tôi lại khác. Từ khoảng nửa năm trước, ba mẹ tôi thường xuyên cãi nhau và sau những trận cãi vã, họ bắt đầu chiến tranh lạnh. Ba mẹ luân phiên tiêm vào đầu tôi những thứ xấu xa của đối phương, trút hết những phẫn nộ, phiền muộn của họ đối với người kia vào đứa con gái duy nhất.
Khi đó, tôi từng có cảm giác mình giống như một chiếc thùng rác, xuất hiện trên đời này chỉ để người khác xả những thứ tiêu cực vào bên trong, chứa đựng nó và không để bất cứ thì gì tràn ra ngoài.
Nhưng, thùng rác bỏ vào mãi mà không được đổ đi rồi sẽ đến lúc đầy tràn, nghe mãi, chịu đựng mãi cũng đến lúc chẳng thể chịu nổi nữa. Đêm giao thừa năm tôi học lớp 8, cả nhà ba người có dịp quây quần ở bếp xem Táo Quân, chuẩn bị đồ cúng và vài thứ cần thiết cho ba ngày đầu năm. Bình yên chẳng bao lâu, ba mẹ tôi lại bắt đầu cãi nhau vì chuyện gì đó mà tôi chẳng nhớ rõ. Sau rất nhiều ngày chịu đựng, khi ba mẹ cãi nhau đến đỉnh điểm cũng là lúc tôi "bùng nổ". Chẳng biết lấy đâu ra dũng khí, tôi đột nhiên hét lớn:
"Đêm Giao Thừa mà ba mẹ cũng cãi nhau được hả? Nếu không ở được nữa thì ly hôn đi!"
Dứt lời, tôi đứng dậy, chạy một mạch về phòng, ôm gối khóc đến khi bất chợt nhìn thấy pháo hoa năm mới được bắn lên từ phía trung tâm thành phố ở ngoài khung cửa sổ.
Có thể nói, năm học vừa rồi là giai đoạn khó khăn nhất mà tôi đã trải qua trong suốt thời niên thiếu của mình. Có lúc, gần như mỗi đêm, tôi đều khóc đến ướt đẫm cả gối, rồi thiếp đi khi cơ thể và linh hồn đều mỏi mệt.
Tôi không có thói quen chia sẻ chuyện nhà mình cho bất cứ ai, vì tôi nghĩ ai cũng đang mang nỗi phiền muộn của riêng mình nên không thể lại mang đến phiền phức thêm cho họ, kể cả đó có là những người thân thiết. Tất cả những tổn thương và sự bất lực của tôi khi ấy chẳng lúc nào được giải tỏa, chầm chậm tích tụ, giống như một quả bom đếm ngược, có thể "nổ" bất cứ lúc nào.
Tôi rất dễ mất cân bằng trong cuộc sống. Một khi gặp trục trặc ở một trong ba mảng tôi chú trọng nhất: gia đình, học tập và bạn bè, tôi sẽ kéo tất thảy cùng "rơi xuống vực thẳm". Khi tôi có vấn đề với gia đình của mình, các mối quan hệ bạn bè xung quanh tôi cũng nhanh chóng gặp trục trặc và việc học cũng vậy. Tôi cáu gắt và tức giận vô cớ, học theo đám học sinh hư làm ra những chuyện không được phép, ngỗ nghịch và khó bảo, bỏ bê việc học và ti tỉ thứ ngu ngốc khác.
"Sự nổi loạn" của tôi diễn ra khá ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn trong vòng một tuần đã nhanh chóng bị dập tắt vì một trận đòn "thừa sống thiếu chết" của mẹ. Nhưng "lời cầu cứu" trong mấy ngày đó của tôi thật sự đã có một chút tác dụng, ba mẹ tôi từ hôm ấy không còn rỉ rả bên tai tôi những lời nói xấu đối phương nữa.
Đến khoảng mùa hè năm nay, bọn họ đột nhiên ít cãi nhau hẳn. Đối với chuyện này, tôi lại chẳng vui tí nào vì mặc dù tôi không thích ba mẹ tôi cãi nhau nhưng so với việc mỗi ngày đối diện với thái độ lạnh nhạt của ba mẹ dành cho nhau thì thà rằng bọn họ cứ ầm ĩ cả ngày vẫn tốt hơn nhiều.
Đến bây giờ, họ vẫn duy trì tình trạng lạnh nhạt với nhau như vậy, thậm chí còn ngày càng tệ hơn. Có đến tận mấy hôm liền, nhà tôi còn chẳng ăn cơm cùng nhau.
***
Phương cũng có gia đình không hề hạnh phúc, thậm chí tình trạng gia đình của cậu ấy còn tệ hơn tôi. Cũng giống như tôi, Phương chưa bao giờ kể cho bạn bè nghe về chuyện nhà mình. Tất cả những chuyện tôi biết đều xuất phát từ miệng của người khác hoặc tự tôi chứng kiến. Ba mẹ Phương cũng thường hay cãi nhau nhưng nỗi bất hạnh của Phương còn lớn hơn như thế vì ba cậu ấy là một kẻ vũ phu.
Năm lớp 6, tôi có học chung với một cô bạn tên Khánh My, ngoài là bạn học, cô ấy còn là hàng xóm cạnh nhà Quân Phương. Mối quan hệ giữa tôi và Khánh My khi ấy khá thân thiết, còn giữa tôi với Quân Phương lại cực kì tệ, vì tôi cảm thấy cậu ta đích thị là một kẻ bắt nạt. Vốn là một cô bé khá nhút nhát và sợ người, lại vừa chuyển sang một môi trường mới nên tôi cả ngày cứ bám dính lấy Ngọc, đến cả việc kết bạn mới cũng đều do Ngọc kéo tôi theo cùng. Từ đầu năm, tôi và nó vẫn luôn ngồi cạnh nhau nhưng đến học kì hai, cô chủ nhiệm lại đổi chỗ hai bọn tôi với lý do: những bạn học giỏi phải kèm cho các bạn học dở để cả lớp cùng tiến lên.
Tôi ngồi ở tổ 4, cùng một cậu bạn học không tốt nhưng tính tình khá hiền lành và dễ chịu. Ngọc bị chuyển sang bàn đầu tổ 1. Quân Phương chuyển đến ngồi ngay sau lưng tôi, bên cạnh Khánh My.
Từ đầu năm học, nhìn những trò nghịch ngợm quá quắc và bộ dạng "đầu gấu" của Quân Phương, tôi dần nảy sinh ác cảm với cậu ấy. Vậy nên, tôi luôn né tránh tiếp xúc với Phương. Mỗi lần quay xuống, tôi chỉ nói chuyện với Khánh My, Quân Phương có hỏi gì, tôi cũng chỉ đáp qua loa cho có. Có lẽ vì nhận ra được điều đó, Phương thường hay bắt nạt tôi, nhẹ thì giật tóc, chọc móng tay vào lưng, nặng thì giấu đồ, giấu ghế. Mỗi lần như thế, Khánh My lại giúp tôi kiếm về, trách mắng Quân Phương vài câu. Tôi sợ Ngọc lo nên thường giấu nhẹm đi mọi chuyện bằng những lời nói dối, rằng chúng tôi đang trêu nhau, rằng tôi và cậu ta là những người bạn thân thiết.
Đỉnh điểm là khi Phương và đám bạn xấu của cậu ta lục cặp lấy nhật kí của tôi, đứng đọc ở trước lớp vào giờ tan học. Tôi tức đến bật khóc, chạy vội lên bục, cố giật lại cuốn sổ từ tay bọn họ. Vì ở nhà có chuyện, Ngọc sớm đã được bố đến trường đón về vào giờ ra chơi. Đầu tiết, Khánh My cũng đã đi họp gì đó ở dưới phòng Hội Trường vì cô ấy là lớp trưởng. Tôi khi ấy chỉ có một thân một mình, chẳng có ai để dựa dẫm.
Bọn họ một người đứng ở trên bục giảng, một người đứng ở cuối lớp, một người đứng ở cạnh cửa ra vào cầm cuốn nhật kí của tôi ném qua ném lại. Mỗi lần như vậy, bọn họ lại lần lượt đọc hết những điều tôi viết ở bên trong.
"Hôm nay là sinh nhật mình, bố mẹ cãi nhau một trận to, chú Thanh còn phải đứng ra giảng hòa. Mình buồn lắm! Bánh kem cũng chẳng ngon, nó không ngọt mà có vị mặn."
Phương vừa dứt lời, tôi cũng kịp chạy đến trước mặt cậu ta, nhanh tay giật lại cuốn sổ, để lại một ánh nhìn đầy phẫn nộ rồi chạy đi mất. Vừa chạy đến cửa, tôi nhìn thấy Khánh My với ánh mắt đầy phức tạp nhìn tôi, rồi lại nhìn Quân Phương.
Từ lần đó, tôi bỏ hẳn thói quen viết nhật ký của mình.
Từ hôm ấy, tôi hoàn toàn lờ đi sự tồn tại của Phương. Phương cố gắng làm hòa với tôi bằng cách đối xử với tôi rất nhẹ nhàng, giúp đỡ tôi mấy chuyện vặt vãnh, mỗi ngày đều đặn hạ ghế xuống vào đầu giờ và nâng ghế lên vào cuối giờ cho tôi. Vì là một người thù dai, trước mấy trò đó của cậu ta, tôi hoàn toàn không bị lay động, tiếp tục lơ Phương.
Rồi bỗng một chiều tháng 5 nọ, vừa kết thúc giờ học, Khánh My đột nhiên chặn tôi ở cửa lớp, bảo muốn nói chuyện riêng với tôi và bị cô ấy kéo đi trong sự mơ hồ. Bọn tôi ngồi xuống một cái bồn cây gần nhà vệ sinh nữ ở dãy đối diện dãy học của tôi. Cô bạn đã nói rất nhiều chuyện với tôi, về chuyện cô ấy sắp phải chuyển trường, về chuyện của cô ấy và Quân Phương và cả những "góc khuất" không phải ai cũng biết đằng sau cậu trai có dáng vẻ "đầu gấu" ấy.
Bố Phương là một kẻ nghiện rượu, mẹ Phương lại là một người phụ nữ hiền lành và cam chịu. Từ nhỏ, Phương và mẹ đã chịu rất nhiều nỗi đau từ những cơn chửi rủa và đánh đập của bố cậu ấy mỗi khi say. Tuy không có nổi một lời oán thán hay phản kháng gì đối với chồng nhưng mẹ Phương lại rất thương con, bà thường lấy thân mình để che chở cho con thơ khỏi những đòn roi của bố. Lớn lên trong môi trường như vậy, Phương buộc phải trở nên mạnh mẽ, thậm chí là bạo lực để có thể bảo vệ mình và người mẹ khốn khổ.
Phương dùng vẻ ngoài xù xì, gai góc để bao bọc lấy trái tim dịu dàng của mình. Cậu ấy không biết cách đối xử dịu dàng với người khác vì cuộc đời đối với cậu cũng chẳng mấy dịu dàng. Đối với những người có hứng thú, Phương đều dùng cách trêu chọc để thu hút sự chú ý của người ta, cho dù đó có là những hành động quá quắc.
Trước khi rời đi, Khánh My muốn gửi gắm Quân Phương lại cho tôi, nhờ tôi "để mắt" đến cậu ấy như cái cách mà cô bạn đã làm suốt khoảng thời gian qua để bù đắp cho những tổn thương mà Phương đã nhận từ chính gia đình của mình.
Vì mấy lời khen của Khánh My, tôi vậy mà lại có thể dễ dàng nhận lời trở thành bạn của tên "đầu gấu" mà tôi ghét cay ghét đắng ấy, sau đó còn thành "bảo mẫu" bất đắc dĩ của cậu ấy suốt những năm qua. Ai bảo cô ấy khen tôi lương thiện chứ!
Hơn ba năm ở bên cạnh Quân Phương, tôi thật sự rất biết ơn vì năm đó Khánh My đã tin tưởng tôi, giúp tôi gỡ bỏ khúc mắc với Phương và trở thành những người bạn thân thiết như thể người nhà giống như bây giờ.
Hơn ba năm chơi chung với nhau, tôi không ít lần chứng kiến cảnh bạo hành gia đình ở nhà Phương. Những vết bầm tím trên người và mặt, những vết roi vẫn còn rỉ máu thấm ra cả chiếc áo học sinh.
Từ khi chứng kiến tận mắt cảnh bố Phương cầm chai rượu toan đập vào đầu nó, tôi càng thương nó nhiều hơn. Tôi bất giác chú ý đến cảm xúc và tâm trạng mỗi ngày của Phương, chỉ để có thể ngăn chặn kịp thời bất cứ hành động dại dột nào của nó trước khi quá muộn.
Nhưng càng quan tâm nó, tôi càng hiểu ra nhiều điều. Nội tâm của Phương thật sự rất mạnh mẽ, tôi chưa từng thấy nó yếu đuối hay tuyệt vọng bao giờ, ít nhất là trước mặt tôi.
Phương cũng biết về chuyện gia đình tôi, tuy không sâu nhưng cũng đủ nhận ra rằng tình trạng của tôi và cậu ấy khá tương đồng, đều là những đứa trẻ bị tổn thương bởi gia đình của chính mình. Vậy nên, chúng tôi đã lập ra một lời hứa: khi buồn chuyện gia đình nhưng không nói được với ai, chúng tôi có thể tâm sự với đối phương, xem như có một chỗ để "xả" hết nỗi buồn phiền trong lòng.
Tuy nhiên, cho đến cuối cùng, tôi đã không thật sự nói hết mọi muộn phiền từ gia đình mình với Phương và tôi biết, cậu ấy cũng vậy.
Trong nhóm, chỉ có hai đứa tôi biết về tình trạng gia đình của nhau và chúng tôi quyết định không nói cho hai người còn lại, vì chuyện này vốn chẳng phải là chuyện tốt đẹp gì để rêu rao khắp nơi và hai người họ cũng chẳng ở trong hoàn cảnh giống chúng tôi, nói ra cũng chỉ khiến họ bận tâm. Và hơn hết, tôi không muốn nhìn thấy ánh mắt thương hại hay bất cứ một hành động quan tâm khác thường nào của mọi người dành cho tôi.
Có những chuyện thật sự rất khó có thể nói ra, chỉ có thể chôn giấu ở một góc nhỏ trong lòng, lặng lẽ che đậy bằng những nụ cười vui vẻ và mấy câu nói rỗng tuếch: "Không sao", "Ổn mà",...
****
Ngồi sau xe Phương, ngắm nhìn đường phố đông đúc người qua kẻ lại, tôi vu vơ hỏi:
"Sao tự nhiên lại rủ tao đi ăn thế? Có chuyện gì hả? Thất tình rồi? Hay thi đấu thua người ta?"
Nhiều lần để ý, tôi biết được thói quen này của Phương nên nửa đùa, nửa thật mở lời hỏi cậu ấy. Phương khá giống tôi, là một người có tâm tư tương đối khép kín, mỗi lần không vui sẽ chọn cách rời khỏi, tìm đến nơi mình cảm thấy thoải mái để thả lỏng bản thân.
"Có chuyện gì đâu, ăn cơm nhà chán quá nên muốn ra ngoài đổi khẩu vị thôi."
Ngữ điệu trong câu nói vừa rồi của Phương cho tôi biết cậu ta đang nói dối nhưng tôi lại không ngay lập tức vạch trần, chỉ chầm chậm chuyển chủ đề:
"Mà mày định ăn gì vậy?"
"Chưa biết nữa. Thế mày muốn ăn gì?"
Phương đem "vấn đề nan giải" này quăng lại cho tôi.
Tôi ung dung đáp bằng câu nói mặc định của các cô gái: "Ăn gì cũng được?"
Bún riêu, bún bò, bánh canh, bánh xèo, mì Quảng, cơm sườn,... tất tần tật đủ loại món ăn đều được Phương lần lượt nhắc đến nhưng tôi lại chẳng ưng món nào. Qua một lúc, nó bắt đầu mất kiên nhẫn, cáu kỉnh hỏi lại:
"Thế rốt cuộc mày muốn ăn cái gì?"
Tôi thuận miệng đáp: "Ăn gì cũng..."
"Gì cũng được nữa là tao thả mày xuống đây cho đi bộ nha."
Vì thật sự nghe thấy tiếng thắng xe khe khẽ, tôi không trêu nó nữa, nghĩ ngợi một lát, rồi reo lên:
"Đi ăn bún đậu mắm tôm đi!"
Lúc trước, tôi không ăn được mắm tôm nên món bún đậu vẫn luôn bị tôi cho vào "danh sách đen", mặc cho tôi chưa từng thử nó bao giờ. Hai tháng trước, gần trường tôi mới mở một quán bún đậu, trang trí bên trong khá bắt mắt và đồ ăn được mọi người đánh giá là rất ngon. Ngọc vốn luôn mê món này nên lập tức rủ rê bọn tôi cùng đi ăn nhân ngày nó chia tay cậu bạn trai quen năm ngày của mình. Khi tôi nhờ phục vụ mang lên giúp mình một chén nước mắm thay vì mắm tôm như mọi người, tôi bị bọn bạn trêu một lúc. Khi chấm bún và đồ ăn vào nước mắm được mang lên, xong lại thử chấm vào chén mắm tôm được Ngọc pha chế cả buổi ấy, tôi chợt hiểu tại sao bún đậu phải ăn cùng mắm tôm. Tôi nhận ra rằng tôi không phải không ăn được mắm tôm, chỉ là không thích mắm tôm chưa được pha. Từ hôm ấy, tôi bắt đầu mê món này, thỉnh thoảng lại rủ Ngọc đi ăn. Mỗi lần nhắc đến lại thấy thèm!
Phương đèo tôi đến khu gần trường, chầm chậm đạp xe trên con đường sáng rực bảng đèn quảng cáo của các cửa tiệm và inh ỏi tiếng còi xe máy. Chúng tôi dựng xe trước cửa tiệm bún đậu, lặng lẽ nhìn tờ giấy thông báo tạm nghỉ bán vì đưa vợ đi đẻ được dán bằng băng keo bên trên cánh cửa cuốn của tiệm, không khỏi thở dài.
Cuối cùng, chúng tôi đành trở về với xe hủ tiếu bán trước cổng trường. Xe hủ tiếu này được đặt ở lề đường ngay trước trường tôi, chỉ mở vào chiều tối, khi học sinh đều đã về hết. Mặc dù là quán lề đường nhưng hai bác chủ quán rất chú trọng vệ sinh và an toàn thực phẩm, nước lèo của quán lại cực kì ngon nên rất được lòng khách. Tôi nghe nói quán ăn lề đường này còn "lớn tuổi" hơn cả bọn tôi, đã ở đây hơn 27 năm, là ký ức của bao lớp học sinh và giáo viên ở trường.
Tôi theo thói quen gọi hủ tiếu hoành thánh bò viên, còn Phương gọi một tô hủ tiếu khô. Hôm nay, Phương lại đột nhiên trở nên ít nói hơn hẳn. Cả khoảng thời gian chờ đồ ăn được bưng lên, tôi với cậu ấy chỉ nói được vài ba câu. Cho dù tôi có nhiều lần trộm mất mấy miếng thịt mỏng như phiến lá trong tô của Phương, nó cũng chỉ mỉm cười cho qua. Nếu là ngày thường, nó nhất định sẽ trộm lại bò viên của tôi để trả đũa.
Tôi vừa gắp miếng thịt cho vào miệng, vừa lén nhìn sắc mặt của Phương. Cậu ấy vẫn chỉ yên lặng ăn tô hủ tiếu khô trống trơn của mình. Thấy Phương như vậy, tôi lo lắng đến tay chân luống cuống, đẩy tô của mình đến sát tô của cậu ấy, gắp hết thịt, bò viên và cả mấy miếng hoành thánh còn sót lại sang cho nó, vội vã nói:
"Ăn đi, cho mày hết đó."
Là "sự bình yên trước cơn bão" sao? Tôi không muốn cậu ấy có bất cứ bất trắc nào, tôi phải cho cậu ấy thấy được dù cho có gì đi chăng nữa, cậu ấy vẫn còn có tôi.
Tôi lo lắng nhìn Phương, vô thức múc một muỗng nước lèo đỏ thẫm toàn ớt của mình đưa lên miệng.
Khụ... khụ... khụ
Một tràng ho liên tục kéo đến vì sặc ớt, đôi mắt ngấn lệ, bàn tay ôm lấy cổ họng nóng rát, tôi nhìn Phương vội vã chạy đi kiếm nước cho mình.
Chật vật một lúc, tôi mới có thể nhịn cơn ho xuống. Tôi cầm đũa và muỗng lên, định ăn tiếp nhưng Phương đã nhanh tay đổi tô của nó sang cho tôi, rồi nghiêm mặt nói:
"Ăn cái này đi, đỡ cay hơn này. Lát lại sặc nữa thì bảo sao xui."
Dừng lại một chút, cậu ta lại đẩy chén nước lèo của mình sang cho tôi, nói tiếp:
"Này tao chưa động vào đâu, đổ vào ăn đi."
Nói rồi, Phương ăn nốt tô hủ tiếu đỏ rực màu ớt của tôi. Mỗi gắp hủ tiếu, mỗi muỗng nước cho vào miệng, cậu ấy đều không kiềm được mà hít hà. Ăn được một lúc, mặt Phương đã đổ đầy mồ hôi, đỏ gay lên. Có vài lần, tôi bảo Phương cứ để tôi ăn tô ấy nhưng cậu ta lại gay gắt bác bỏ ý kiến của tôi, cố gắng ăn cho bằng hết.
Nhìn bộ dạng khốn đốn chỉ vì tô hủ tiếu cay sè của cậu bạn thân, tôi vừa cười, vừa trêu:
"Đã không biết ăn cay mà còn cố, có ngày thành quá cố nha ba."
Phương nhìn tôi với ánh mắt đầy ai oán.
Tôi đáp trả nó bằng một cái phì cười, rồi gật gù, nhìn nó, khen ngợi:
"Nhưng nói đi cũng phải nói lại, lúc đổi tô cho tao, trông mày cũng khá ngầu đó."
Phương chợt nhìn thẳng vào mắt tôi, vẻ mặt cực kì nghiêm túc, nhỏ giọng hỏi:
"Thế mày có rung động không?"
Tôi vẫn giữ nụ cười trên môi, tiếp tục trêu ghẹo nó:
"Nếu là người khác, không phải là mày, thì... chắc có đó."
Nghe thấy câu trả lời này của tôi, Phương phì cười, hỏi lại:
"Là sao vậy chị?"
Tôi thôi không cười nữa, nghiêm túc trả lời Phương:
"Là bởi vì tao biết rõ mày đối xử tốt với tao như vậy là do chúng ta là bạn thân, thương nhau như người nhà. Còn với người con trai khác, tao sẽ cho là người ta có ý với tao nên mới làm thế."
Tôi và cậu ấy biết nhau hơn ba năm, cùng nhau trải qua rất nhiều chuyện, bọn tôi sớm đã xem nhau như người thân, yêu thương nhau vô điều kiện. Tôi cũng đã từng rung động, từng có những ý nghĩ khác về mối quan hệ của tôi và Phương, nhưng tất cả đều dừng lại đúng lúc để không phá hủy tình bạn đẹp của chúng tôi. Tôi biết tôi không phải là gu của Phương, cậu ấy cũng chỉ xem tôi là bạn thân mà đối xử tốt với tôi. Nhưng, sự dịu dàng mà cậu ấy dành cho mình khiến tôi không khỏi mơ mộng, vì dù sao... tôi cũng là con gái mà.
Tôi đã mất một khoảng thời gian dài để dập tắt "ngọn lửa" tình cảm này trước khi nó phá hủy mọi thứ. Vì vậy, với tôi bây giờ, cậu ấy chỉ là một trong những người bạn thân nhất của tôi và không còn gì khác.
Phương nhìn tôi với ánh mắt kì lạ và yên lặng không nói thêm gì khác, tôi cũng chẳng rõ cậu ấy đang nghĩ gì.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]