Dưới ánh nắng nhè nhẹ của ngày cuối thu, tám cô gái bọn tôi mặc bộ trang phục trắng tinh khôi, vai khoác chiếc sash đỏ in tên trường bằng mực vàng. Lớp trang điểm mỏng nhẹ vừa làm tăng thêm vẻ xinh xắn của các cô gái, vừa giữ trọn được nét thanh thuần của lứa tuổi.
Mỗi đợt khách vào, chúng tôi lại nở một nụ cười tươi, cúi người và lễ phép chào theo đúng cái cách mà bọn tôi được tập huấn suốt một tuần qua.
Khoảnh khắc các vị giáo viên cũ đã nghỉ hưu của trường chậm rãi đi vào, mỉm cười hiền hậu và gật đầu đáp lại lời chào của bọn tôi, thậm chí còn không ngớt lời khen ngợi, trong lòng tôi chợt dâng lên một thứ cảm xúc khó tả. Là một chút ngại ngùng pha lẫn với sự tự hào và vui sướng. Tôi chợt hiểu ra vì sao Nhật Khanh và các cô gái khác lại có thể vui như vậy khi được chọn vào vị trí này. Hình như bị bắt đi làm việc không công cho trường cũng không tệ như tôi nghĩ.
***
Nhóm mấy cô gái bọn tôi còn có một cái tên tự đặt nghe rất kiêu: "Tám tiên nữ cổng chào". Bảy cô bạn kia quả thật rất xinh, sự tự tin của bọn họ cũng xem như có căn cứ để dựa vào, nhưng tôi thì khác. Tôi khá tự ti với ngoại hình của mình, không xem là quá khó coi nhưng cũng chẳng phải xinh đẹp, nhan sắc chỉ dừng lại ở ba chữ "rất bình thường". Vì vậy nên mỗi khi hô cái tên này cùng mọi người, tôi chẳng có nổi cái khí thế ngời ngời như bọn họ.
Nhưng, bảy người bọn họ lại đánh giá tôi rất khác với những gì tôi nghĩ. Sau khi biết tôi tự ti về ngoại hình của mình, mấy cô bạn ấy vây lấy tôi, ra sức an ủi, cố nâng sự tự tin của tôi lên bằng ti tỉ cách.
Tôi bảo tôi không xinh, họ nói tôi đáng yêu; Tôi bảo mắt tôi "bên nổ bên xịt", họ lại bảo đó là điểm đặc biệt, là thứ khiến người khác vừa nhìn đã nhớ ngay; Tôi chê bai chiếc mũi tẹt của mình, họ khen đôi mắt đẹp của tôi; Tôi tự ti vì mấy vết thâm mụn trên mặt mình, họ nói như vậy mới giống thiếu nữ đang lớn, còn khen đôi má bánh bao của tôi.
Tôi chẳng rõ họ có nghĩ thế thật không hay chỉ vì muốn an ủi tôi nên mới nói vậy nhưng dù là gì đi chăng nữa, tôi cũng rất biết ơn họ vì đã nói với tôi những lời ấy.
Chân thành cảm ơn những cô gái vừa xinh đẹp vừa tốt bụng khi ấy đã nhẫn nại, cố gắng giúp tôi yêu bản thân mình hơn một chút!
***
Mặc dù công việc ghi trên giấy gửi về cho các lớp chỉ gồm việc đứng ở cổng để chào đón khách và đeo huy hiệu cho họ nhưng công việc thật sự của bọn tôi lại nhiều hơn thế. Sau khi xong việc ở cổng, mấy đứa bọn tôi lại vội vội vàng vàng theo sự sắp xếp của thầy Hưng đến phòng đạo cụ phía sau sân khấu để tiếp tục công việc của mình.
Ngoài nhiệm vụ đeo huy hiệu cho khách tham dự, chúng tôi còn được chỉ định thêm việc mang quà và hoa lên sân khấu cho Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu trao cho các vị giáo viên ưu tú và tri ân những người đã cống hiến cho trường.
Trường tôi không phải là một trường lớn hay quá nổi tiếng, cơ sở vật chất khá tệ, thư viện cũng bé xíu. Cho nên, đương nhiên sẽ chẳng xây riêng một căn phòng chỉ dùng để đạo cụ sân khấu. "Phòng đạo cụ" thật ra chỉ là một phòng học cho học sinh lớp 7 nằm ở phía sau sân khấu được tận dụng. Mớ đồ chuẩn bị cho buổi lễ nằm lộn xộn, ngổn ngang trong căn phòng nhỏ chiếm phần lớn diện tích.
Tại sao đã bỏ tiền chuẩn bị một buổi lễ như vậy lại không đặt người ta gói hoa đem tới luôn nhỉ?
Nhìn mấy cô giáo trẻ cùng mấy cô tạp vụ chăm chỉ gói hoa trong căn phòng chật hẹp, tôi không khỏi có những thắc mắc linh tinh về cách làm việc của trường.
***
Thầy Hưng đưa cho mỗi người bọn tôi một cái giỏ đựng cơ số huy hiệu kỉ niệm. Tôi nhận lấy, quan sát một lượt cái giỏ trên tay mình. Nó là một chiếc giỏ mây picnic, bên trên phủ một lớp khăn trắng muốt, chỗ giao nhau giữa quai cầm và phần giỏ buộc hai chiếc ruy băng màu trắng ngà. Phong cách trường xây dựng cho đám con gái bọn tôi lần này tương đối đẹp, vừa trong trắng, thanh thuần, vừa năng động, hiện đại, toát lên hương vị của thiếu nữ thời đại mới.
Đứng bên ngoài hành lang đằng sau sân khấu, đợi thầy Hưng và cô Mai – giáo viên chịu trách nhiệm chính của bọn tôi dặn dò lại vài điều cần lưu ý, chúng tôi mỗi người cầm theo một chiếc giỏ mây đi ra bên ngoài.
Tôi theo thói quen lùi lại phía sau, đợi mọi người lấy hết rồi mới đến lấy cái cuối cùng. Tính này của tôi được hình thành từ nhỏ, khi tôi có một khoảng thời gian rất dài đi sinh hoạt ở một ngôi chùa gần nhà. Mỗi chủ nhật đến, tôi đều đến đó học và chơi cùng các bạn và anh chị trong Gia đình Phật tử.
Tôi đi sau các bạn ra bên ngoài hàng ghế khách mời và Ban Giám hiệu ở bên trái sân khấu, bốn bạn còn lại sang hàng ghế giáo viên ở bên phải.
***
Trong lúc bọn tôi đang loay hoay với công việc của mình ở khu vực bên dưới, buổi lễ chính thức bắt đầu.
Một giọng đàn ông trầm ấm vang lên mở đầu chương trình, giọng cô gái dịu dàng và mềm mại ngay lập tức tiếp lời. Giọng của hai người phối hợp nhịp nhàng như một bản nhạc du dương chầm chậm dẫn dắt người nghe từng bước tiến vào buổi lễ trang trọng.
Năm nay, lớp tôi cực kì vinh dự khi có cả ba người cùng góp sức cho buổi lễ của trường. Thứ nhất là tôi, người đang đi qua đi lại để gài huy hiệu cho khách mời.
Người thứ hai là Tường Vi, người đã xuất sắc giành được chiến thắng trong cuộc thi MC cho học sinh được tổ chức trong khối lớp 8 – 9 vào hai tuần trước.
Thân hình của Tường Vi rất đẹp, mọi thứ được mặc lên người cô ấy dường như đều trở nên cao cấp và hút mắt. Một chiếc áo dài màu hồng nhạt, tà áo in vài nhành hoa ngọc lan trắng muốt trông rõ "sến" phối cùng chiếc vòng cổ và đôi bông tai ngọc trai tưởng như không phù hợp với một cô thiếu nữ mới lớn. Nhưng, khi Tường Vi diện chúng lên người trông cô ấy cứ hệt như một cô tiểu thư quyền quý của những thập niên trước, cao sang và kín đáo.
Dưới nắng sáng dịu nhẹ của mùa thu, gió mang theo chút hương vị của lá cây lởn vởn trong không khí đem lại cảm giác thanh mát hiếm có. Cô gái xinh đẹp với mái tóc đen buông dài phía sau lưng, tà áo nhẹ bay bay theo từng cử động từ tốn. Nhẹ nhàng và thanh khiết, tựa như một nữ thần giáng trần.
Hôm nay, tóc cô ấy thơm mùi gì nhỉ? Liệu có phải là hoa nhài, giống như ở lần đầu gặp gỡ đó.
Khung cảnh nữ thần nhà tôi với tà áo bay bay sẽ thật diễm lệ và không chút tì vết nếu bên cạnh cô ấy không có người đó. Người thứ ba ở lớp bọn tôi được vinh dự cống hiến sức mình cho trường chính là thầy chủ nhiệm, người kiệm lời nhưng lại bị bắt làm MC.
Ngay khi Tường Vi và thầy Nam bước lên sân khấu, bên dưới vang lên đủ loại âm thanh vô cùng náo nhiệt. Đám học sinh bắt đầu trầm trồ, vỗ tay và hò reo, mấy vị khách mời bên chỗ tôi cũng không khỏi xuýt xoa, khen ngợi. Dân tình dậy sóng không phải chỉ vì nhan sắc của hai MC mà còn vì năm nay có một số đột phá khá lớn so với năm ngoái nên mới gây ra phản ứng lớn như vậy. Lần đầu tổ hợp một giáo viên, một học sinh cùng dẫn dắt buổi lễ, cũng là lần đầu thầy Nam – người khá nổi tiếng ở trong trường vì thái độ lạnh lùng và kì quái lại tham gia vào phong trào văn nghệ của trường, còn ở vai trò MC.
Tuy bình thường, tôi không để ý lắm đến vẻ ngoài của thầy Nam nhưng hôm nay phải công nhận rằng thầy ấy quả thật rất đẹp trai, phong độ.
Đám bạn tôi luôn bảo gu thẩm mỹ của tôi khác người, đặc biệt là mảng đánh giá nhan sắc con trai. Ai cũng nói thầy chủ nhiệm của tôi là "vương tử băng giá vạn người mê" nhưng tôi lại chẳng nghĩ vậy. Đường nét trên khuôn mặt của thầy ấy đẹp thật nhưng cũng chẳng đến mức như bọn họ ca tụng, chỉ trên mức ưa nhìn một chút. Mọi người nói dáng người thầy ấy đẹp, tôi lại cảm thấy thầy hơi gầy và trông không được vững chãi như thầy Hưng.
Hôm nay, nhìn thầy Nam đứng trên sân khấu với bộ dạng như thế kia, tôi muốn dập đầu tạ tội với mấy cô bạn của mình vì đã tỏ ra nghi ngờ của họ.
Có lẽ vì lúc trước tôi có nhiều chuyện khúc mắc với thầy nên mới không nhìn rõ, tuy bây giờ vẫn không ưa thầy ấy nhưng phải công nhận rằng khi thầy ấy mặc âu phục trông thật sự rất đẹp. Bộ suit đen chỉnh tề, lịch thiệp phối cùng với cà vạt hồng cùng màu tà áo của Nữ Thần.
Mái tóc 6/4 rũ tự nhiên thường ngày nay đã được vuốt ngược ra phía sau. Sóng mũi thẳng tắp khiến góc nghiêng của thầy ấy cũng không tệ. Đôi mắt dài hơi xếch nhìn thẳng xuống khán đài không chút gợn sóng như thể phía dưới là một chốn hoang vu không người. Thầy ấy lúc nào cũng vậy, trong đôi mắt đó hệt như có một mặt hồ tĩnh lặng, tĩnh đến mức khiến người ta cảm thấy xa cách, lặng đến mức khiến người ta cảm thấy lạnh lẽo.
*****
Đến phần hát bài hát truyền thống trường, thứ mà chẳng có bao nhiêu học sinh trường tôi nhớ và hát được trọn vẹn. Bài hát của trường tôi rất khó hát, có tận hai lời khác nhau, mỗi năm chỉ hát đúng một lần vào hôm kỉ niệm Thành lập trường, bật cả nhạc có lời cho bọn tôi hát theo nên ngoài khối lớp 6 mới vào trường được tập hát và giáo viên ra, có rất ít học sinh thuộc. Tôi, Nhật Khanh và các cô gái còn lại cũng không là ngoại lệ, bọn tôi chỉ đứng giả vờ nhép theo, đôi lúc lại nhìn nhau cười trộm.
Nhạc lớn, tôi lại đứng ngoài cùng, gần loa nên cảm thấy hơi đau tai, quên cả việc phải khống chế biểu cảm của mình, vừa hát vừa nhăn nhó.
Nhạc kết thúc nhưng đầu tôi vẫn ong ong vì bị ảnh hưởng bởi tiếng nhạc lớn ban nãy.
"Cậu làm sao vậy?"
"Mệt hả?"
"Ta là tiên nữ cổng chào, sẽ làm phép cho muộn phiền của em tan biến hết."
Một giọng dễ thương ở bên cạnh cứ léo nhéo mãi.
Từ hôm đầu làm quen, Nhật Khanh cứ bám riết lấy tôi mỗi khi bọn tôi xuống sân tập huấn. Tôi khá thích sự hoạt bát của cô ấy, có điều đôi lúc lại cảm thấy hơi phiền phức nhưng trong phiền phức lại cảm thấy khá đáng yêu nên tôi nhanh chóng thân thiết với cô ấy. Tôi khá ít nói với những người tôi cảm thấy chưa đủ tin tưởng để có thể bộc lộ bản thân, Nhật Khanh lại nói cực kì nhiều, bọn tôi tưởng không hợp nhưng ngờ đâu lại hợp không tưởng.
Nhắc đến Ngọc mới nhớ, bọn tôi đã rất lâu không nói chuyện với nhau, ngày nào tôi cũng nhớ nó như nhớ người yêu nhưng cuối cùng lại không mở lời làm hòa được. Hôm nay, nó cũng không đi dự lễ.
Tôi cười nhẹ nhàng, nói dối:
"Không có gì, chỉ hơi mỏi chân thôi."
"Được rồi, tớ sẽ giúp cho cậu được vào trong ngồi. Cậu nhắm mắt lại đi, tớ đếm từ một đến ba sẽ có phép màu xuất hiện."
Cô ấy ra vẻ thần bí nói.
Tôi ngoan ngoãn nhắm hai mắt bởi vì nếu không, cô ấy sẽ cứ như vậy, nhây đến cùng với tôi.
"Một... hai... ba."
"Các em vào trong giúp các cô đi."
Thầy Hưng ở đằng sau nói nhỏ với đám chúng tôi.
"Phép màu hiệu nghiệm."
Nhật Khanh cười tít mắt nói nhỏ vào tai tôi.
***
Cả đám bọn tôi khẽ khàng rời khỏi chỗ ngồi, đi theo thầy Hưng vào phía sau sân khấu, tụ tập ở trước phòng đạo cụ.
Bên ngoài, thầy Hiệu trưởng mới đang nói về lịch sử thành lập và phát triển của trường, thứ mà năm nào bọn tôi cũng được nghe. Ngay cả khi Hiệu trưởng của trường đã chẳng còn là vị cũ, bài diễn văn ấy vẫn y hệt như vậy.
Bọn tôi mỗi người một tay giúp các cô hoàn thành nốt số bó hoa còn lại để kịp tặng cho khách mời vào phần "Tri ân" bắt đầu ngay sau bài diễn văn của thầy Hiệu trưởng mới.
Tôi lỡ tay làm gãy mất mấy cành hoa, bó hoa của Nhật Khanh thì xiên xiên vẹo vẹo nên cả hai bọn tôi ngay lập tức bị loại khỏi đội hình gói hoa và chuyển sang bộ phận cắt, tỉa cành hoa và lá của cô giáo nào đấy mà tôi chẳng biết tên ở bên cạnh.
Hằng năm, vào dịp 20/11 và hội Xuân, trường tôi đều tổ chức rất nhiều cuộc thi ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho học sinh và giáo viên. Bên cạnh những trận thi đấu thể thao, còn là những cuộc thi văn nghệ, vẽ tranh, thư pháp, cắm hoa,... Tôi từng xem qua những tác phẩm dự thi cắm hoa của giáo viên trường tôi, trông khá cầu kì và đẹp mặt. Có lẽ vì vậy nên để tiết kiệm chi phí cho trường, "bên trên" mới cử một số cô giáo trẻ và mấy cô nhân viên của trường ở đây để bó hoa.
Bảy bó hoa phức tạp dành cho lãnh đạo, bốn mươi bó hoa đơn giản cho các cựu giáo viên đã về hưu của trường, giáo viên dạy giỏi hoặc đạt danh hiệu giáo viên ưu tú của các khối và bảy mươi bó hoa đơn giản chỉ với một cành hướng dương và vài mẫu lá được gói lại cẩn thận dành tặng cho tất cả các giáo viên và nhân viên
Đọng lại trên những cành hoa, nhành lá là tình cảm của mọi người dành cho những con người đã dùng nửa đời người đưa con thuyền ngược xuôi trên dòng sông trí thức.
Thật ra những bó hoa này vốn phải được hoàn thành từ trước khi buổi lễ bắt đầu nhưng do bên cung cấp hoa tươi gặp vấn đề, đưa hoa đến chậm trễ nên mãi đến tận lúc này, khi buổi lễ đã qua một nửa, mọi người mới hoàn thành xong công việc của mình. Chính vì việc này mà một số cô giáo còn chẳng thể ra ngoài dự lễ.
Đã gần 20 phút trôi qua, thầy Hiệu trưởng mới vẫn đang nói ở trên sân khấu, còn có vẻ rất hăng say và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Tám người bọn tôi và hai MC vốn dĩ được bố trí ngồi cùng nhau. Chỗ ngồi của bọn tôi nằm bên trái sân khấu, được ngăn cách với khu vực ghế ngồi giáo viên bằng một khoảng trống nhỏ để đi và dãy bàn cao quá nửa người tôi được phủ một lớp khăn mỏng màu trắng. Dãy ghế của bọn tôi lùi hẳn vào trong, tựa sát vào chỗ căn tin đã đóng cửa kín mít, bên cạnh là hành lang trước phòng chứa đạo cụ.
Vừa xong việc, chúng tôi lập tức ôm hoa ra ngoài, đặt lên dãy bàn trải khăn trắng. Bọn tôi và một số thầy cô phụ trách phải đi đi lại lại mấy lần mới mang hết số hoa kia ra ngoài mà không làm hư chúng và làm bẩn bộ đồ trắng của bọn tôi.
****
Thầy Hiệu trưởng cũ của chúng tôi là một người khá tình cảm. Ông đã dạy ở trường này từ những năm đầu tiên nó được thành lập, làm giáo viên dạy Văn 20 năm, làm Hiệu trưởng gần 10 năm.
Trước khi rời khỏi ngôi trường mà mình gắn bó gần nửa cuộc đời, người đàn ông gầy gò, ăn mặc giản dị với chiếc áo đã sờn cũ và chiếc quần phai màu ấy đã tự tay mình viết thư cho giáo viên và công nhân viên đang làm việc ở trường, cũng như cựu giáo viên tham dự buổi lễ ngày hôm nay. Mỗi bó hoa đều mang giá trị rất lớn bởi lá thư với vài con chữ nghiêng nghiêng chất chứa tấm lòng của người thầy tôn kính.
Mỗi năm học trôi qua, tôi yêu quý vị Hiệu trưởng này của mình hơn. Thầy ấy vui vẻ và gần gũi với tất cả giáo viên, học sinh và cả những người làm công cho trường. Có lần, mấy đứa con trai lớp tôi lớn mật rủ thầy chơi đá cầu cùng vào giờ giải lao cuối tiết thể dục. Thầy ấy vui vẻ nhận lời, còn rất hào hứng và năng nổ. Tuy đã khá lớn tuổi nhưng thầy lại chơi rất tốt.
Tôi cũng thường bắt gặp thầy ấy chơi cùng với các lớp khác, giúp các cô giáo dắt xe, hay là cầm chổi quét hành lang trước phòng Hiệu trưởng. Một người Hiệu trưởng tốt như vậy từ hôm nay lại chẳng còn nhìn thấy ở trường nữa, thật có hơi không nỡ.
****
Tay tôi vì ngâm nước nhặt mấy nhành hoa nên bị ướt và teo lại, nhăn nhúm, ẩm ẩm. Vì vừa làm xong đã phải vội vã đem hoa đi nên đến giờ tôi vẫn chưa lâu được tay. Tôi quên mất bản thân đang mặc váy trắng và còn chẳng phải đồ của tôi, theo thói quen, thuận tay định lau vào váy. Khi hai tay chỉ cách chiếc váy khoảng vài cm thì từ phía sau đưa tới một tờ khăn giấy trắng tinh. Tôi chợt nhận ra mình suýt "gây họa", vui vẻ nhận lấy tờ khăn giấy, thuận miệng cảm ơn:
"Cảm ơn nhé! Yêu cậu nhất lu..."
Người ngồi sau lưng tôi khi nãy là Tường Vi nên tôi đã đinh ninh là cậu ấy đưa đến nên cười rõ tươi. Nhưng khi quay lại, nhìn thấy người đưa giấy cho mình vừa rồi lại chính là thầy Nam, tôi bị doạ cho lập tức im miệng, nụ cười cũng héo dần rồi tắt hẳn. Mặt thầy ấy vẫn điềm tĩnh như thế nhưng đôi mày có hơi nhướn lên so với bình thường thì phải.
Tôi vội vàng dùng bộ dạng nghiêm túc sửa lại lời ban nãy:
"Em cảm ơn thầy ạ."
"Ừ."
Thầy ấy bình thản đáp rồi chuyển ánh mắt từ chỗ tôi xuống mớ giấy ở trên đùi.
Tôi xoay người, dùng tờ giấy lau sơ hai bàn tay, vứt sự cố ban nãy ra khỏi đầu.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]