Tôi vẫn nhớ rằng khoảng những năm 1996 ở xã tôi, người ta không chú ý đến ngày 20 tháng 10. Ngày quan trọng đối với bọn học sinh chúng tôi trong học kỳ I chính là ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo 20-11, các bạn nghe có thể lạ nhưng ngày này được Quốc tế đặt ra đã lâu, khoảng năm 1958. Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1982 thì Hội đồng bộ trưởng mới quyết định chọn 20-11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Thời điểm tôi học lớp 7 thì ngày lễ này rất được chú trọng ở địa phương, bởi vậy có một chương trình văn nghệ “Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam” được tổ chức ở sân vận động của xã. Lớp tôi cũng tham gia một vài tiết mục và đặc biệt là con bé tóc dài lớp phó học tập sẽ biểu diễn một phần đơn ca, một phần song ca và cả tốp ca nữa. Nó hát thì hay và mẹ thì cũng là cô giáo trong trường nên tôi đoán là người ta cũng ưu tiên, cũng dễ hiểu, tôi cũng không thắc mắc gì về điều này nhiều, thậm chí tôi rất chờ đợi để tặng hoa cho nó nhưng mãi đến hơn 20 giờ vẫn chưa đến lượt nó biểu diễn, tôi thấy sốt ruột. Mấy đứa cùng làng đi với tôi thì đã bắt đầu ra về, mấy đứa bạn cùng lớp cũng về hết, còn thằng Hiếu thậm chí chả thèm đi xem, R9 hay H. Chắc Gạo cũng không quan tâm mấy, nói thật nếu không có con bé lớp phó hát thì chắc tôi cũng về luôn, dù sao đêm khuya đi về một mình tôi cũng thấy hãi. Trời khuya gió lạnh, đi qua bãi tha ma cũng thật sự là thử thách với một đứa 12 tuổi như tôi. Tuy rằng tôi có “bảo kê” nhưng không có nghĩa là không sợ, hiểu biết của tôi về cái thế giới bên kia cứ tạm gọi bằng 0 cho nhanh, và điều quan trọng tôi là một đứa nhát gan, bản chất vẫn là nhát gan, kiểu như bạn có bố là ông trùm nhưng bản thân bạn vẫn bị bạn bè bắt nạt và không thể lúc nào cũng gọi bố ra cứu được, mà chị Ma cũng dặn tôi không nên lạm dụng và ỷ lại vào việc người khác giúp đỡ mình. Sau cùng thì tôi vẫn quyết tâm ở lại, nhất định phải tặng được hoa cho con bé lớp phó rồi về và tự động viên bản thân mình rằng sẽ ổn thôi. Nhưng người ta bảo rồi, dây vào gái là rất đen! Mãi tới gần 21 giờ mới tới tiết mục tôi chờ đợi, tôi chả quan tâm nó hát cái gì, hát hay hoặc dở không quan trọng, tôi chờ nó hát xong để tặng hoa thôi, dù sao tôi ở lại đây không phải là để thưởng thức ca nhạc, nếu thưởng thức ca nhạc về bật đài lên nghe còn phiêu gấp vạn lần, trên đài thì cứ gần ngày lễ nào thì hát suốt chủ đề về ngày lễ đó mà. Ngay khi tiết mục cuối cùng của lớp 7B xong thì tôi luồn vào phía sau cánh gà tặng hoa, tôi thấy bé lớp phó cười tươi và cảm ơn tôi, dĩ nhiên là tôi thích mê tơi rồi, chờ cả tối rồi cơ mà. Trên đường đạp xe về tôi cứ thắc mắc tại sao lên sân khấu lại phải trang điểm làm gì, nhìn con bé bạn cùng lớp mà mình thích mặt nó toàn phấn là phấn tôi cứ thấy dị ứng kiểu gì, trẻ con mà trang điểm đậm qua thể đáng luôn, mặt trắng môi đỏ ý như trên phim Tàu tôi xem hồi hè vừa rồi vậy, nếu nó sau này mà là người yêu tôi thì tôi sẽ bảo nó đừng tốn công trang điểm như thế làm gì, chả đẹp một chút nào. Chả biết có phải vì suốt thời cấp II con bé lớp phó ấy trang điểm để đi hát liên miên hay không mà khi vào cấp III thì da mặt nó bị nổi mẩn đỏ chi chít, cứ phải đeo khẩu trang suốt và ngại tiếp xúc, khi đó thi thoảng gặp nhau ở cổng trường nhưng nó cứ bơ tôi đi, tôi thì tự ái nên thôi, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy tiếc công ủng hộ nó trong suốt những năm cấp II, cuộc sống đôi khi có những hiểu lầm mà khi nhận ra thì cũng chỉ xem như kỷ niệm vui, hoặc như các cụ nói, thì tôi với nó không có duyên phận, chỉ có thể là bạn, cứ xem như vậy đi. Tôi miên man suy nghĩ, từng cơn gió khuya thổi vào mặt, đường Quốc lộ một bên là con mương còn một bên là cánh đồng lúa ngút ngàn, bắt đầu đến đoạn cầu Khoai, cây cầu bằng gỗ bắc tạm qua mương trông xiêu vẹo đáng thương, thì tôi tự nhiên thấy gió thổi lạnh hơn, lúc chiều tối đi thì chỉ mặc mỗi một cái áo len mỏng bên ngoài, tôi cúi mình xuống để cảm thấy bớt lạnh một chút nhưng chả hiểu sao bất giác tôi nhìn sang phía bên phải, nơi có mộ phần của ông nội tôi, là bãi ma tha của làng, là địa điểm tụ họp của người đã khuất thì tôi thấy một vài vệt lân tinh sáng bay lên từ những ngôi mộ mới. Tự nhiên tôi mình như thấy lạnh hơn, tôi từng đọc về cái này rồi, thấy bảo chỉ là phốt pho gì đó thôi nhưng lúc này cảm giác lạnh buốt khiến tôi không còn đủ lý trí để phân tích theo khoa học, và bên cạnh đó, tôi nhìn thấy thấp thoáng vài cái bóng hư hư thực thực đang nhìn về phía con đường. - Thôi chết cha rồi! Tôi than thầm trong đầu và gò lưng ra sức đạp xe về phía trước, đạp hết sức bình sinh có thể, tôi tin rằng nếu lúc này có vận động viên đua xe đạp cũng không thể thắng được tôi, tôi đạp nước rút như bay, cảm nhận phía sau mình như có những cơn gió lạnh đang ùa theo, thậm chí nghe văng vẳng đâu đó còn có những tiếng cười đầy ma quái vọng đến, lông tơ khắp người tôi dựng đứng. Tôi đạp xe về đến cầu Đình thì có ánh đèn, loáng thoáng vẫn còn người tụ tập ở sân đình nên tôi đi chậm lại để thở, dừng xe cạnh bức tường ở sân đình tôi thở như chưa bao giờ được thở. - Giờ này mày mới về à? Giọng thằng R9, hóa ra nó đang ngồi trong đám hơn chục người đang túm tụm bên cái hàng bán nước chè, có mấy ông cụ đang chơi cờ. - Ừ! Tôi đáp trong tiếng thở. - Làm đéo gì mà thở kinh thế? - Hù hù hù....đi qua bãi tha ma làng mình thấy mấy thứ không nên thấy thôi... - Lại ma cỏ chứ gì, linh tinh. Lúc chiều tao bảo ở nhà đéo nghe. - Ở nhà thì cũng có việc gì, thi thoảng cũng nên đi chơi, thôi tao về đây không bà tao chờ. Lúc này tôi mới nhận ra người mình ướt đẫm, hai chân vẫn còn run run, gặp ma bao lần rồi chứ có phải lần đầu đâu nhưng cái cảm giác rợn tóc gáy ấy chả lần nào giống lần nào, khi nãy đạp như điên trong đầu tôi đã thầm nghĩ đến việc gọi tất cả những thứ mình có thể gọi như chị Ma, rồi đọc khẩu quyết rồi về mua bao nhiêu cái bánh đúc cũng được hết. Thong thả đạp xe trên con đường làng có ánh điện, rẽ vào ngõ nhà tôi thì lại tối om, một bên là tường gạch một bên là vài bụi tre, đoạn này thì tôi gì, mấy tháng trước tôi núp lùm ở trên mái bếp nhà bà Thế để ném nước cơ mà. Nhưng tối nay số tôi đen! Vừa đạp xe được vào ngõ chừng 15m thì tôi thấy một cây tre tự nhiên trĩu xuống, ở đoạn giữa thân tre đúng là có người, chính xác hơn là một bóng đen, trời tối quá nhìn không rõ, tôi chớp mắt một cái thì lại thấy cây tre bật lên, tôi hơi ngơ ngác vì cái ngõ nhà mình ở mấy năm có bao giờ thấy gì đâu, sao hôm nay lại thế này. Chân tôi vẫn đạp xe từ từ, đầu thì ngẩng lên nhìn còn miệng thì há hốc ra tròn xoe, rõ ràng trên cái ngọn tre kia, trên cái nền trời kia là một bóng đen rung rinh. Cây tre đó lại một lần nữa bị vít xuống gần sát đất, lúc này tôi đã đi qua nhưng vẫn quay lại nhìn, một chút ánh sáng ít ỏi từ ngoài đường làng chỉ giúp tôi thấy một cái khăn mỏ quạ và một phần khuôn mặt nhăn nheo, đôi mắt như tối om đang nhìn tôi. Trong một tối mà mấy lần tóc tôi dựng ngược, cảm giác sợ hãi lại vây lấy tôi, tôi đạp mạnh pê-đan và rẽ trái rồi rẽ phải như một tay đua thực thụ nhưng đi một đoạn gần tới cái ao nhà tôi, nơi bố tôi đã từng cứu chị Th. nhiều năm về trước, thì tôi quyết định dừng lại. Làm sao lại có thể như thế được, cái ngõ nhà mình cơ mà, ở đây gần nhà mình rồi. Khi cảm giác sợ hãi tan đi thì tôi bình tâm hơn để suy nghĩ, tôi quyết định dựng xe vào bức tường rồi đi bộ quay lại, tôi muốn biết xem con ma tôi vừa nhìn thấy là ai, tại sao bây giờ mới xuất hiện, cảm giác về gần thánh địa của mình giúp tôi tự tin gấp bội. Tôi đứng gần bụi tre khi nãy nhìn ngó một hồi, chả nhìn thấy gì nữa, tôi cảm thấy hơi bực mình, thêm một chút tự xấu hổ với bản thân vì khi nãy đã bỏ chạy. Tôi đứng dạng chân, hai tay chống nạnh. - Này bà ma gì đó ơi, cháu không làm gì bà đừng có mà trêu cháu không mai cháu đốt bụi tre! Tiếng gió thổi vi vu làm bụi tre kêu kẽo kẹt, chả có cây tre nào bị vít xuống nữa. - Đứa nào đòi đốt bụi tre đấy hử? Giọng của ông Toàn, chủ nhân của bụi tre, tôi nghe thấy thế thì ba chân bốn cẳng chạy một mạch, lấy xe đạp về luôn, ông ấy mà biết tôi nửa đêm nửa hôm đòi đốt bụi tre thì kiểu gì mai cũng nói với bà Gìa. Bà Gìa vẫn chong đèn chờ tôi, khi tôi cho xe vào nhà thì bà ngồi dậy hỏi. - Sao mày về khuya thế? - Văn nghệ lớp cháu diễn sau nên muộn bà ạ, sao bà không ngủ đi, cháu về cháu gọi. - Nằm nghe đài mãi chưa ngủ được, mà sao mày mồ hôi mồ kê nhễ nhại thế kia? - Cháu đạp xe về cho nhanh ấy mà. À, bà ơi, ở đầu ngõ nhà mình bà có bao giờ nghe nói có ma chưa? - Ma thì tao chưa thấy, nhưng hồi trước cái bác Nương gánh đậu đi chợ sớm thấy bảo chỗ bụi tre nhà ông Toàn hay bị trêu. Sao tự nhiên mày hỏi? - Thằng H. nó hỏi cháu, cháu không biết nên hỏi bà. - Tao cũng chỉ nghe bác ấy kể là hay bị một cây tre sà xuống chắn đường, chỉ có thế thôi... - Dạ! Con ma ấy chắc hẳn là một bà cụ rồi, chỉ có các bà già lớn tuổi mới chít khăn mỏ quạ như vậy thôi, ở làng này giờ những người dưới 50 chả thấy ai còn chít khăn mỏ quạ kiểu đó. Tôi thầm khẳng định như vậy rồi leo lên giường đi ngủ. ..... 62. Mấy hôm sau ngày 20-11, tự nhiên bà Gìa bị ốm, bà cứ sốt liên tục mấy ngày, tôi thậm chí có một hôm đã xin nghỉ học ở nhà vì không yên tâm nhưng nói thật là ở nhà cũng chỉ biết đi loanh quanh, không biết phải làm gì. Việc duy nhất tôi có thể làm là đun nước đổ vào cái phích màu đỏ của Rạng Đông rồi từ đó đổ ra cái chậu, pha thêm ít nước lạnh để cho vừa ấm rồi lấy khăn mặt chườm cho bà. Mỗi khi tôi ốm bà đều làm như vậy nên tôi cũng học theo, nhưng tôi chưa bao giờ ốm lâu đến thế, bà nóng người và sốt đã kéo dài sang đến ngày thứ ba, khi bà chợp mắt cứ mê man rồi có những tiếng rên nhẹ. Mấy thứ thuốc uống hạ sốt của bà Mì ở trạm y tế thôn bán cho không khiến bà Gìa khỏi bệnh, tôi vừa thấy lo vừa thấy sợ, tôi sợ bà Già sẽ bệnh rồi chết, rồi tôi sẽ phải ở một mình, mấy đêm trôi qua tôi ngủ không ngon, nằm cạnh bà cứ một chốc tôi lại thức dậy đặt tay lên mũi xem bà còn thở không. Tôi cũng có thắp hương cầu khấn chị Ma, mong chị ấy phù hộ cho bà Gìa mau khỏe lại vì tôi sợ bà sẽ chết, cái viễn cảnh người thân của mình sẽ chết rất kinh khủng, tôi cảm thấy trong lòng mình trống rỗng giống như cả nghìn năm chưa được ăn cái gì vào bụng. Đến sáng sớm ngày thứ ba, tôi quyết định sẽ đi gọi điện cho bố, bà Già chắc chắn không bị ốm bình thường được. - Mẹ ơi, con sợ bà sẽ chết!
Tôi khóc trong điện thoại, nấc nghẹn từng cơn, giống như nói ra được câu ấy đã giải tỏa được nỗi lòng của mình, đêm vừa rồi, tôi đã đấu tranh bản thân dữ dội, chỉ có cách đưa bà ra Hà Nội thì bà sẽ khỏi, ở Hà Nội người ta có bệnh viện lớn và có nhiều thuốc, có nhiều bác sĩ nữa. Nhưng nếu để mọi người đưa bà đi tôi sẽ phải ở nhà một mình, tôi không muốn như thế, sau cùng, cái ý nghĩ bà Gìa sẽ chết chiến thắng sự ích kỷ trong tôi. Bố tôi về đến nhà chỉ chưa đầy hai tiếng sau cuộc điện thoại của tôi, bố về cùng với một người thanh niên trẻ trông rất cao, đẹp trai, sau được biết anh ấy tên là Tùng, sinh viên mới tốt nghiệp Khoa Công nghệ hóa Thực phẩm của Trường Đại học Bách Khoa, anh đi làm cùng với bố tôi tới mấy năm sau này. Bố tôi nhanh chóng đưa bà Gìa đi Hà Nội sau khi chạy một vòng nhờ cậy mấy người hàng xóm rồi họ hàng thân thuộc trong làng trông nom tôi giúp một thời gian, còn anh Tùng thì động viên tôi bảo rằng bà tôi chỉ bị ốm thôi, rồi sẽ khỏi nhanh. Tôi cứ đứng ở đầu giường khóc, quả thật khi có người lớn về tôi thấy yên tâm hơn hẳn, tôi trở thành một đứa trẻ con đúng nghĩa, lúc bà lên xe đi thì mắt tôi đã sưng húp. - Bà ơi, bà mau về với cháu nhé! Tôi nói trong nước mắt, cầm lấy tay bà, cái anh Tùng ngồi phía sau xe để ôm bà Gìa nhìn tôi xoa đầu tôi an ủi, còn bà Gìa chỉ gật gật đầu, mắt vẫn nhắm nghiền. Tôi quay trở vào nhà ngồi một mình thẫn thờ, tôi chả biết mình đã ngồi trong bao lâu. Đến gần buổi trưa tôi đói bụng nên quyết định đi nấu cơm, mặc dù tôi đã ngồi nhìn bà nấu nhiều lần nhưng khi tôi tự tay làm quả thật là không dễ, rơm cứ cháy mà lửa không tụ vào một chỗ, cứ một chốc tôi lại mở nắp ra ngó xem đã chín chưa, thành ra bụi tro cũng vì thế mà bay vào trong nồi, tôi cũng để hai quả trứng gà vào trong đó. Cho đến bây giờ, trứng gà, xôi, bánh mì, rau muống... những thứ sẵn có ở quê vẫn là món ăn tủ của tôi. Đang lúi húi đánh vật với nồi cơm thì tôi nghe tiếng ai đó gọi ngoài sân, tiếng con gái. - N. ơi! Tôi chạy ra, một tay vẫn cầm cái que tre già dùng để cời bếp, tôi ngây người vì ngạc nhiên. - Ô, lớp phó! Con bé lớp phó học tập lớp tôi, nó đang đứng trước sân cùng cái xe đạp, tôi thấy nó thì đứng chết trân, nó nhìn tôi thì cười như nắc nẻ. - Chúc sang đây có việc gì? Nó cứ đứng đó nhìn tôi cười một hồi rồi xách một túi cam trên ghi-đông xe đạp ra đi đến phía tôi. - Khóc đấy à? - Đời nào khóc, do khói bếp. - Tớ nghe các bạn bảo bà của N. bị ốm, N. nghỉ học hai ngày nên cô chủ nhiệm nói tớ đến xem thế nào. - Tớ có sao đâu, bố tớ về đưa bà tớ đi Hà Nội sáng nay rồi, có việc gì thì hỏi chị Hiền tớ là được rồi sang đây làm gì cho xa. - Thì Hiền cũng nói với cô, nãy về cùng Hiền nên tớ mới biết nhà đấy chứ! Tôi đứng đấy chả biết nói gì, lại gãi đầu. - Thế Chúc vào nhà uống nước đã... - Đang nấu cơm à ? Tôi gật đầu. - Có biết nấu cơm ăn không đấy? - Tớ nhìn bà tớ nấu nhiều rồi, cũng dễ ấy mà. - Đâu tớ xem thử?! Lớp phó học tập lớp tôi cứ thế đi phăm phăm vào bếp, nó mở nắp nồi cơm ra rồi lại cười nữa, con bé này cười có cái răng khểnh rất duyên, thấy nó cười thế tôi ngại quá. - N. nấu cháo hay nấu cơm đây? - Nấu cơm mà. - Nấu cơm như này thì bao giờ mà được ăn? Đúng mấy đứa con trai chỉ có giỏi nghịch, nấu cơm mà cũng không biết thì làm được cái trò trống gì sau này nữa. Con bé Chúc ấy nó lấy mấy cái lá lót quai cầm rồi bê nồi cơm ra khỏi cái kiềng ba chân, đem ra ngoài, nó đổ vào cái xô bà Gìa hay đựng thức ăn cho gà. Tôi chả biết làm gì, cứ nghe theo sự sai bảo của nó, nó quen làm lớp phó ra lệnh rồi, còn tôi thì lúc này như thằng ba ngơ. - Đây nhá, tớ chỉ cho, đổ nước vào gạo thì lấy ngón tay mà đo, từ mặt gạo lên mặt nước khoảng một đốt ngón tay là được biết chưa? Tôi gật gật, cố ghi nhớ kỹ trong đầu. - Đun bằng rơm thế này đừng có nhét cả đống vào như thế, phải gom lại thành một đoạn dài rồi mới cho vào bếp, dùng cái que này gẩy một tí thì lửa nó mới nỏ được, mới nhanh chín nghe chưa? Tôi lại gật, tôi nghĩ mình là người gật đầu giỏi trước phụ nữ và con gái. - Mà cũng đừng có mở cái nắp nồi cơm ra tro bếp nó bay vào thì ăn kiểu gì, phải nghe tiếng chứ. - Nghe kiểu gì? - Đưa cái que đây, từ nãy đến giờ sao cứ cầm cái que trên tay làm gì? Định đánh tớ đấy à? - Không! Không, đời nào lại thế. Cái Chúc dùng cái que tôi đưa, một đầu chạm vào cái nồi cơm trên bếp, một đầu dùng tai áp lên.
- Dùng cái quen này có thể nghe được âm thanh trong nồi cơm xem nước đã sôi chưa, nước sôi một tí rồi nhỏ lửa đi nghe chưa? Tôi lại gật. - Thông minh thế mà sao mấy cái này không biết? Tớ thấy N. dùng quá nhiều trí thông minh vào mấy cái trò nghịch ngợm rồi đấy! - Đâu có đâu... - Thôi làm ơn đi rửa cái mặt giúp tớ cái, mặt mũi nhọ như thằng hề thế kia mà không biết à? Thì ra từ ban đầu nó nhìn tôi cười là vì như vậy. Sau cùng cơm cũng đã có, trứng thì cái Chúc nó làm trứng hấp giúp tôi, xem như xong một bữa cơm, tôi chả biết làm gì cứ đứng chờ nó sai vặt. Xong xuôi thì nó ra về. - Tớ cảm ơn nhé! - Không cần cảm ơn, ngày mai nhớ mà đi học. Tôi đứng ở cổng nhìn theo con bé lớp phó, với cái tóc dài và cái áo kẻ caro màu đỏ khuất sau những khúc rẽ trong ngõ, tôi thấy rất biết ơn nó vì đã xuất hiện đúng lúc tôi gặp khó khăn, cuộc đời tôi thành bại toàn do phụ nữ cả. Đợt 2018, khi tôi đang công tác dài ngày ở Hà Nội, công việc bận túi bụi, đang lúc ăn bún riêu một mình gần Ngã tư sở thì nó gọi điện hỏi tôi đã ăn uống gì chưa, tôi kể là đang ăn bún riêu, cảm ơn nó vì đã quan tâm. - Tao cũng chưa ăn gì, tự nhiên tao cũng thèm bún riêu mà lại lười đi, hay mày mua hộ tao? - Mày không xách cái xe ra mà ăn được à? - Tao lười quá! - Mày biết thừa tao bận rồi còn gì, phải ôm cái xe của công ty, tao đang làm tài xế. Tôi gắt lên. - Thế thôi, tao nhịn một bữa cũng được... Nó tắt máy. - Đúng là con dở hơi. Thế nhưng tôi vẫn phải mua thêm một phần bún riêu rồi đánh xe vòng ra đường Láng Hạ. - Chị gái ơi, tao mang bún riêu tới rồi đây, chị gái xuống mau tao còn đi! Nhìn cái kiểu tung tăng của nó bước ra từ cái tòa nhà 101 Láng Hạ là tôi điên máu. - Tao biết kiểu gì trưa nay tao cũng được ăn bún riêu, giá như mày ở Hà Nội có phải tao sướng không?! – Nó thò mặt vào xe nhìn tôi cười rất tươi. - Thôi con lạy mẹ, mẹ cho xin - Thế bao giờ mày lại vào trong kia? - Sự kiện xong thì cũng chả ở được, công ty xếp lịch, tao chỉ được biết vào buổi tối. - Nếu rảnh thì báo, tao sẽ mời mày đi ăn một bữa đàng hoàng! - Biết thế, thôi tao té! - Ok! Vì một nồi cơm khi tôi học lớp 7 mà tôi có thiện cảm với nó mãi đến bây giờ, những người xuất hiện bên cạnh tôi lúc khó khăn luôn là những người tôi yêu quý. Tiền thiếu có thể trả hết nhưng tình cảm thì không bao giờ là đủ. ..... Buổi tối đầu tiên khi bà Già không có nhà, tôi không phải ở một mình vì cậu Út tôi và một người bạn của cậu ở trong làng đã xuống nhà tôi để ngủ cùng với tôi. Cậu Út hơn tôi 5 tuổi, đang là dân quân ở làng, cậu hát rất hay và đẹp trai. Tôi ngồi nghe cậu và bạn của cậu nói chuyện về con gái, tôi nhớ là họ kể về việc đi cưa gái rồi các chuyện linh tinh khác, tôi thì không hứng thú lắm nhưng vẫn nghe. Đêm khi tắt đèn đi ngủ, tôi vẫn giữ thói quen như khi bà Già ở nhà, châm một ngọn đèn dầu rồi vặn nhỏ nhất có thể để đủ áng sáng nhìn thấy nền nhà trong đêm tối. Tôi đang ngủ say thì bỗng nhiên có tiếng động lớn. RẦM! Tôi choàng tỉnh, nhanh chóng ngồi dạy chạy đến bật đèn, ánh điện sáng lên thì hỡi ôi, cậu Út tôi và ông bạn đang nằm ngủ trên giường của bà Gìa đã lăn kềnh xuống, nửa dưới đất, nửa vẫn nằm trên giường vì dát giường bị gãy. - Cậu có sao không ạ? - Không, dát giường mà mày bị mục rồi, hai thằng tao nằm tính ra có một tạ chứ mấy. Thế là ba người lên ngủ ở tấm phản gỗ lim truyền thừa mấy đời của nhà tôi, ngủ ngon đến sáng, nhưng đó cũng là đêm duy nhất cậu Út tôi ngủ cùng tôi vì từ hôm sau cậu không xuống nữa, lý do là phải đi trực dân quân. Nhưng tôi thì biết là không phải, nhiều năm sau này cậu ấy có kể. - Nhà mày kinh bỏ mẹ ra, đêm ấy rõ ràng tao với thằng Thôi cùng nằm mơ thấy bị con con mụ mặc váy đạp mạnh xuống đất nên đêm sau tao rủ mãi nó không đi, tao cũng sợ nên ở nhà. Cậu tôi vừa kể vừa cười, tôi cũng cười.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]