Chúng tôi ngồi cạnh nhau, phía đối diện là Trân đang mang sắc mặt bàng hoàng đến u uất.
Em chầm chậm thở hắt ra:
- Chuyện là như vậy đó, Trân à!
Đó quả là một câu chuyện dài, rất dài mà chính tôi suốt tuần qua cũng nhất thời chưa thể nào tiếp thu hết được. Huống hồ gì là Trân chỉ mới nghe từ em kể ra trong vài chục phút vừa rồi.
Bầu không khí trở nên nặng nề, đậm đặc như ly cà phê đen uống dở trên bàn. Tôi nhấp một ngụm nữa rồi mới nói:
- Anh có thể đảm bảo đây là sự thật!
Trân không để tâm đến lời tôi nói, run run đáp:
- Suốt mấy năm không một tin tức, rồi giờ chị bảo em là do này do nọ… rồi bất đắc dĩ thế này thế kia. Em biết thế nào được? Chị, chuyện vậy em làm sao mà nghe được?
Tôi bối rối toàn phần, nhìn sang em cũng đang nhất thời im lặng, nhưng những ngón tay lại đang nhịp nhịp trên mặt bàn.
Không nghe được câu trả lời mình muốn nghe, Trân gằn giọng:
- Em… cả một thời lẽo đẽo theo chị, gì cũng nghe chị, gì cũng học từ chị, thậm chí lấy chị làm hình mẫu cho bản thân em muốn trở thành sau này. Còn chị thì… chị có nghĩ gì tới em không?
Như đã biết trước, em bình tĩnh đến lạnh lùng mà đáp:
- Chị thế nào với em thì em cũng tự biết rồi, đừng hỏi như vậy!
Trân một phen chấn động, tròn mắt thảng thốt:
- Còn những điều chị nói hồi đó thì sao?
Con bé rất nhanh đưa mắt sang phía tôi lúc này cũng đang thắc mắc hồi đó là những điều gì, rồi lên giọng lặp lại câu hỏi, như thách thức:
- Những lời ngày xưa chị nói với em ấy? Chị!
Em khẽ nhíu mày, thở dài đáp với ngữ khí cương quyết:
- Chị chưa từng nói những lời như vậy với em, Trân à!
Như bị đập tan đi cứu cánh cuối cùng, đôi mắt bé Trân đỏ hoe, ầng ậng nước mắt, run rẩy nói:
- Kể cả… cho dù bây giờ, ừ chị nói gì cũng được. Nhưng kể cả như vậy, chị… cũng không có tư cách ngồi ở bên đó…!
Em nhướn đôi hàng mi ra chiều khó hiểu:
- Bên nào cơ?
- Bên nào…? - Tôi cũng thắc mắc.
Và Trân bất thần chỉ thẳng vào mặt tôi, nói như hét:
- BÊN ANH!
Tôi nghe tim mình như bị dộng một phát thật lực, em ở cạnh bên cũng thẫn thờ bối rối. Và cả hai đứa nhất thời đều không biết phải nói gì, chỉ ngồi lặng im nghe tiếng cô em gái của mình đang nức nở từng hồi.
Một vài người trong quán nghe động bèn nhìn sang, rồi như cũng lờ mờ đoán được chuyện gì đang xảy ra mà thì thào đôi ba câu rồi lại quay đi.
Quán café không quá đông, âm thanh người qua kẻ lại lúc to lúc nhỏ liên tục không dứt lại tựa như chẳng ảnh hưởng gì đến bầu không khí của bàn ba người trong góc, vẫn đang tịch mịch đến lạ thường.
Tôi nhìn Trân gục mặt vào đôi bàn tay, vai run lên thổn thức. Tôi nhìn em, nửa phần lạnh băng nửa phần buồn bã.
Tôi nhìn vào tâm can, tự hỏi tôi đã làm gì thế này? Cuộc gặp này là đúng hay sai?
Tôi đã làm gì không phải?
Hay số phận đã run rủi cho chuyện này nối tiếp chuyện kia, định mệnh tựu trung dồn ép con người đến bức bách tột cùng.
Rồi tôi đưa mắt nhìn ra cửa kính, bên ngoài mưa lất phất rơi, bầu trời một màu âm u xám thẫm. Cái thành phố tấp nập xô bồ này chưa bao giờ mang đến cho tôi một cảm giác thuộc về, loại cảm giác yên tâm thư thái.
Tôi nhớ những ngày nắng cũ xưa ở nơi phố biển quê nhà, những ngày giữa chúng tôi vẫn còn là những tiếng cười rộn rã giòn tan. Có hạnh phúc thì có sẻ chia, có khó khăn là cùng nhau gánh vác. Và lúc nào cạnh hai đứa cũng là bé Trân rạng rỡ đến mát lành, ngây thơ hoạt bát vạn phần dễ thương.
Tự hỏi sự vụ ra nông nỗi thế này, là bắt đầu từ đâu.
Miên man lục tìm trong dòng kí ức giữa tiếng mưa tí tách bên ngoài, tôi nhận ra rằng,
À thì, tất cả xem như là bắt đầu từ khoảng thời gian hơn hai năm về trước. Bắt đầu từ những ngày Tiểu Mai bị bệnh phải nằm ở nhà tôi.
Đúng rồi, là lúc nàng sốt cao đến đau đầu xiết buốt…
oOo Những tuần đầu học kì I của năm 12 cuối cấp thì không riêng gì các bậc phụ huynh, thầy cô mà một số học sinh cũng đã cảm giác được không khí khẩn trương phải chuẩn bị cho kỳ thi đại học sẽ diễn ra vào mùa hè sắp tới. Tuy nhiên đó là tôi nói một số chứ không phải toàn bộ, bởi đời học sinh ai chẳng lâm vào tình thế mất bò mới lo làm chuồng, nước tới chân cuống cuồng mới nhảy. Chính vì vậy buổi sáng hôm nay, đứng trên bục giảng lúc này ngoài thầy Phương dạy Địa ra còn có vài ông nhõi được “vinh hạnh” đứng ngang hàng với thầy.
Gọi vinh dự là để mỉa mai, kì thực là mấy ông thần bị phạt đứng đến hết tiết vì tội ngủ gật trong giờ học. Mấy ông thần đó là thằng Khiềng, Dũng xoắn, Khang mập và tôi.
Thằng Khiềng thì khỏi nói rồi, nó mang danh trùm ngủ của 12A1, chả biết buổi tối nó làm cái quái gì mà sáng nào cũng vác bộ mặt ngái ngủ đến trường. Trống đánh vào tiết, đứng lên chào thầy cô xong thì khác với bạn bè trong lớp ngồi xuống học bài, thằng trùm ngủ này gục hẳn luôn xuống bàn mà ngủ ngon lành.
Dũng xoắn luôn mồm bào chữa với thầy Phương rằng đêm qua em thức khuya làm bài đến gần sáng thì mới chợp mắt được tí nên giờ bị ngủ gật. Và khi thầy kiểm tra cuốn bài tập Địa trống trơn của nó thì thằng này mới thúc thủ chịu tội.
Khang mập bình thường rất ít ngủ gật trong lớp, nếu có chẳng qua cũng là do quá mải mê đọc truyện chưởng Kim Dung trên máy tính nên sáng hôm sau mắt mới thâm quầng, gật gù vạ vật. Còn lần này cũng chả hiểu tại sao khi mà dù đã thôi đọc truyện từ hè năm trước nhưng sáng nay, nó vẫn ngủ gật. Tuy nhiên ánh mắt thì lại len lén nhìn xuống phía Ái Khanh rồi lại cúi đầu xấu hổ, trông khả nghi như ẩn khuất gian tình.
Tôi thì chẳng buồn bào chữa lấy một lời, hay đúng hơn là chẳng còn sức để nói. Chỉ ngoan ngoãn lên bảng chịu phạt đến hết tiết mà mắt nhắm mắt mở, cố gồng người kiềm chế cơn buồn ngủ đang chực chờ trỗi dậy.
Bạn đọc chắc cũng hiểu vì sao sáng nay tôi lại ngủ gật rồi đấy. Đúng vậy, vì một lẽ rằng Tiểu Mai đang sốt cao và tịnh dưỡng ở nhà tôi. Vì thế cả đêm qua tôi cứ trằn trọc thao thức lật mình qua lại không sao ngủ được, có năm canh chày trắng mắt cả năm canh.
Buồn ngủ là thế nhưng khi trống đánh vừa hết tiết Địa cũng là tiết cuối cùng thì tôi như choàng tỉnh mộng, phi vội về chỗ ngồi nhét toàn bộ sách vở vô cặp rồi chạy ào ra cửa lớp mặc cho Luân khùng í ới gọi ở phía sau:
- Ê mày ê ê, Trúc Mai đỡ hơn chưa? Ê ê ê!
Đạp xe với tốc độ bàn thờ, tôi phóng một mạch từ trường về nhà chỉ vỏn vẹn trong ba phút đồng hồ rồi để luôn xe đạp ngoài cổng mà bước chạy bước nhảy lên cầu thang, nôn nóng xộc thẳng vào phòng Tiểu Mai đang nằm.
Để rồi đập vào trước mắt là cảnh mẹ tôi đang lau mình cho Tiểu Mai, và thằng tôi đứng đực ra như ông phỗng.
- ĐI RA, CÁI THẰNG NÀY! - Mẹ tôi quát to như sấm nổ.
- Dạ dạ…!
Tôi tá hỏa tam tinh cuống cuồng lùi ngược trở ra khỏi phòng cũng nhanh như lúc xông vào, không ngớt rủa thầm cái số sao mà xúi quẩy thế không biết.
Lát sau mẹ tôi ôm chậu khăn nước bước ra, bà lừ mắt:
- Phòng có con gái, mày không biết nhìn trước nhìn sau rồi mới đi vô à, ý tứ để đâu thế hở con?
- Con có dám nhìn gì đâu mà…! - Tôi lúng búng chữa thẹn.
Mẹ nhìn hết một lượt từ đầu xuống chân tôi rồi nói tiếp:
- Vô thăm đi, chút thôi rồi ra ngoài cho bé Mai nghỉ ngơi. Xong thì tắm rửa thay đồ ăn cơm!
- Dạ… ủa mà Mai ăn gì chưa mẹ? - Tôi thắc mắc.
- Tí mẹ mang cháo lên!
- A thôi mẹ để con cho. Mà sáng giờ Mai có đỡ hơn chưa mẹ?
- Chưa biết được, sốt đâu phải ngày một ngày hai mà khỏi được. Bác Viêm nói phải nghỉ ngơi cả tuần, uống thuốc đều đặn thì mới khỏe lại. Thôi mày vào đi, tí xuống đem cháo lên!
Tôi dạ ran một tiếng rồi bước vào phòng, sè sẹ ngồi xuống. Tiểu Mai đang tựa lưng vào đầu giường, nàng cố mỉm cười:
- Anh về rồi ha…!
- Ừ… em sao rồi, đỡ hơn chưa? Nãy… anh không cố ý đâu! - Tôi ngượng ngập nói.
Nàng chầm chậm lắc đầu, thở hắt ra:
- Không sao, em hiểu mà!
Được tha bổng, tôi nhẹ nhõm cả người chuyển sang trọng tâm, đặt tay lên trán Tiểu Mai:
- Ui… còn nóng quá nè!
- Dạ…!
- Em ráng nghỉ ngơi nha, uống thuốc với ăn cháo vô, cho… mau hết bệnh!
- Có mẹ với anh lo mà, còn bé Trân nữa, em sẽ mau khỏi thôi!
Nhìn nàng gượng nói trong mỏi mệt mà tôi thấy thương không kể xiết, đâm ra không dám hỏi thêm câu nào nữa dù muốn nói rất nhiều. Thành thử ra hai đứa lại chỉ nắm tay nhìn nhau, khoảng lặng quen thuộc lại nổi lên.
Được một lúc thì Tiểu Mai chợt hỏi:
- Hôm nay đi học, có gì… vui không anh?
Tôi nghe nàng hỏi mà giật nảy người, không thể nào để nàng biết sáng nay tôi bị phạt ngủ gật được, sẽ tổ khiến nàng tự trách bản thân nên vội lắc đầu chối bay biến:
- Không có gì, cũng bình thường à em!
Chẳng rõ nàng có nhận ra vẻ bất thường trong câu đáp của tôi hay không mà chỉ nắm chặt tay hơn, rồi khẽ nói:
- Em thương anh quá, anh…!
- Hử… sao tự nhiên lại nói thế? - Tôi ngạc nhiên. - Em đang bị bệnh mà, anh thương em mới phải!
- Vì em mà anh phải chép bài giùm em, cực lắm ha anh?
Đến đây thì tôi cũng điếng hồn thêm phát nữa vì cả sáng nay tôi toàn ngủ gật có học hành gì đâu, hết ụp mặt xuống bàn rồi lại lên bảng đứng hết tiết. Bài vở của mình tôi còn không chép thì nói gì đến bài vở Tiểu Mai chứ.
Nhưng lại như trước, tôi lắc đầu lia lịa:
- Không… không sao, anh chép bài nhanh mà. Anh… có sở trường tốc kí đó, lại thuận cả hai tay như “song thủ hỗ bác” của Chu Bá Thông, tay trái viết cho anh tay phải viết cho em, nhanh còn hơn mấy đứa trong lớp nữa!
Nghe tôi đấu láo bằng bộ dạng bối rối ra mặt mà Tiểu Mai cũng phải phì cười. Đúng lúc đó mẹ tôi ở dưới nhà gọi vọng lên:
- Nam, xuống bưng cháo!
Sợ nói thêm câu nào thì sẽ lộ câu đó nên tôi nghe tiếng mẹ mà mừng như bắt được vàng, vội đứng dậy:
- Anh xuống bưng cháo lên đút cho em ăn nha!
Tiểu Mai vội níu tay tôi, nàng lắc đầu:
- Anh… em chưa muốn ăn đâu, anh nói với mẹ cả nhà cứ ăn trước đi, rồi anh mang lên cho em ăn sau cũng được!
- Sao lại thế, em phải ăn cho lại sức! - Tôi từ chối.
- Em muốn nghỉ tí… rồi sẽ ăn mà, anh đừng lo! - Nàng mỉm cười trấn an.
Ngập ngừng một lúc rồi tôi cũng phải gật đầu đồng ý vì biết rằng hồi tôi bị bệnh cũng chán ăn ghê lắm, chỉ muốn nằm nghỉ. Mấy lần đó mẹ tôi phải kết hợp năn nỉ, hứa hẹn đến dọa dẫm thì tôi mới chịu nhỏm dậy ngồi ăn mấy muỗng rồi lại đổ lì nằm ra một đống.
- Thế thôi… anh xuống ăn xong rồi lên lại, lúc đó em phải ăn á nha! - Tôi dặn.
- Dạ, anh rửa mặt thay đồ rồi ăn, không cần gấp đâu…!
Thấy nàng đang lâm bệnh cảnh mà vẫn còn lo lắng cho mình tôi đâm ra cảm động không biết để đâu cho hết, đành cúi xuống hôn nhẹ lên vầng trán nóng bừng của nàng mà thay cho thiên ngôn vạn ngữ rồi đóng cửa phòng đi ra ngoài.
Bữa trưa hôm nay ba bận việc không về nên chỉ có mẹ và tôi. Thành thử hai mẹ con cũng ăn nhanh qua quýt để tôi còn mang cháo lên phòng cho Tiểu Mai. Bữa ăn vỏn vẹn chúng tôi chỉ hỏi thăm vài câu qua lại:
- Ủa mẹ, rồi Trúc Mai sốt như này thì có cần tiêm mấy mũi C giống con hồi đó không?
- Mẹ cũng chưa biết, khi nào bác Viêm nói cần thì tiêm thôi. Mà sáng nay mày học hành sao rồi, năm cuối lo đàng hoàng còn thi đại học nhe!
- Dạ con biết ồi, mà sáng giờ mẹ thấy tình hình sao, Trúc Mai có sốt nặng thêm không?
- Sáng giờ thì không, nhưng người ta hay sốt cao buổi tối khuya nên cứ cẩn thận là hơn. Nhưng mày lo ít thôi, có mẹ ở nhà rồi. Lên trường phải học cho đàng hoàng, thầy cô dạy gì thì chép vô đầy đủ đấy!
- Dạ, dạ…!
Tôi cúi đầu dạ ran rồi cặm cụi nhai cơm không dám hỏi thêm nữa. Tình hình Tiểu Mai ở nhà coi như tạm yên tâm phần nào vì đã có mẹ, tôi trước mắt cứ lo ở nhà được lúc nào thì tranh thủ chăm sóc nàng lúc đó vậy. Còn việc học hành là việc cả đời, ui xời để sau cũng được.
Vừa ăn xong là tôi vội bưng tô cháo lên lầu, nhưng khi mở cửa phòng ra thì tôi thấy nàng đã ngủ nên đành quay trở ra để nàng nghỉ ngơi rồi cứ thế ngồi luôn trước cửa đúng nửa tiếng mới lại vô trong đánh thức nàng dậy.
Tiểu Mai ăn rất ít dù cháo loãng dễ nuốt, điều này dễ hiểu vì khi bệnh vào thì con người luôn cảm thấy rất đắng miệng khó ăn. Do đó tôi dỗ dành lắm, nàng cũng nể lời tôi lắm mới ăn được nửa tô. Thôi vậy cũng coi như là có thứ trong bụng, tôi đành để nàng uống thuốc rồi lại nghỉ ngơi. Bởi đơn giản khi bệnh thì cả người nhừ nhuyễn, chỉ muốn ngủ chứ chẳng muốn làm gì.
Tôi rất hiểu điều đó do bản thân mình hồi nhỏ là rất ưa sốt, cũng chính vì vậy nên ngay lúc này đây tôi rất biết được Tiểu Mai đang cảm thấy thế nào, đang mỏi mệt thế nào.
Ngồi cạnh giường đến khi Tiểu Mai thiếp đi thì tôi mới khẽ buông tay nàng rồi nhè nhẹ đóng cửa phòng lại, yên chí đi xuống dưới lầu làm phận sự của tôi.
Phận sự của tôi, tức là chép bài. Chép cho Tiểu Mai và cho cả tôi, cho nên ôi thôi một phen sóng gió.
Đầu đuôi là vì lúc chiều, sau khi mòn mỏi chờ Tuấn rách mang tập vở từ nhà nó đến thì tôi mới ngồi cặm cụi chép. Sáng nay học năm tiết, tức là có năm quyển cần phải được chép lại. Vị chi là chép thành mười bản cho cả tôi lẫn Tiểu Mai. Do đó cứ mỗi một môn thì trên bàn học tôi đặt ba quyển vở, một quyển Tuấn rách bên trên và hai quyển của tôi cùng Tiểu Mai bên dưới.
Lúc ban đầu, tôi nhìn chép xong tập vở của Tiểu Mai rồi mới đến phần mình. Nhưng lát sau không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào lại tài lanh nghĩ ra cái trò chép cùng một lúc cả hai quyển bằng cách chép một dòng vở tôi, một dòng vở Tiểu Mai.
Thành thử ra tôi vừa nhìn vừa viết bên này một dòng, bên kia một dòng. Tốc độ thì không biết có tăng lên hay không mà tôi lại đâm ra chóng mặt vì cứ ngóng bên trái lại dòm bên phải, hai mắt láo liên như thằng trộm gà.
Tôi chép mải mê đến mức ba tôi đứng bên cạnh quan sát lúc nào cũng chẳng hay, mãi cho tới khi ông tằng hắng ho khan vài tiếng thì tôi mới ngó lên:
- Ủa, ba… nhìn gì?
- Nhìn mày chép bài! - Ba tôi lạnh lùng đáp.
- Ồ… vậy con chép tiếp đây! - Tôi ngờ ngợ tình hình có gì đó không ổn, nhưng lại chưa hiểu điều không ổn là ở đâu.
Và vẫn là trứng chẳng thể khôn hơn vịt được, ba tôi liếc sơ có một tí đã biết ngay thằng lỏi con nhà mình đang chép cùng một lúc hai quyển vở. Mà một quyển chép cho Tiểu Mai thì cả nhà tôi đều biết rồi, còn quyển còn lại là của ai?
Quá dễ để đoán đi, của thằng Nam chứ còn ai đâu nữa. Thằng con này của ba tôi đâu có siêng tới mức đi chép dùm cho người khác, nó thì lười biếng chẳng ai bằng rồi. Thế cho nên suy ra sáng nay nó làm cái quái gì đó trên lớp chểnh mảng học hành nên giờ mới lòi chành ra như này đây.
Đấy, đại khái tôi đoán ba tôi nghĩ ngợi thế, chỉ đoán thôi vì ông không thèm nói ra. Ông chỉ thèm… thịt của tôi, thèm xử thằng con học hành bết bát này.
Chuyện sau đó xảy ra tôi không thể kể cho bạn đọc nghe được vì xấu hổ lắm. Chỉ tiết lộ rằng đầu tôi u lên vài cục, thế thôi. Nhưng tôi chẳng hề trách ba động thủ không động khẩu hay oán số phận mình, tôi đổi thương đau lấy làm tự hào ghê lắm.
Chứ còn sao nữa, vì người yêu mà lên núi đao xuống chảo dầu, mấy việc đó tôi không làm cho Tiểu Mai thì còn ai làm nữa chứ. Ba cái đồ yêu này, hah!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]