Tin dữ cứ tới liên miên. Ba hôm sau, Diệp hớt hải tới báo: chồng cô, Thìn bỗng dưng mất tích, nhờ cả nhà phụ cô kiếm. Nhưng ai nấy đang sống trong cảnh chẳng khác dầu sôi lửa bỏng, nội chuyện kiếm Cẩm thôi đã khiến cả nhà thấy mỗi ngày đều quá ngắn. Thế nên mọi người chỉ nghe rồi để đó. Diệp khóc lóc rồi về. Ngay hai hôm sau, Diệp lại tới. Lần này thì cô chưa vô nhà đã khóc, còn chửi nặng, trù rủa người khác. Hỏi ra mới biết, cô chửi Thìn với Cẩm
Từ sau trận đòn trong nhà lao, Thìn về mà nơm nớp, sợ Đạt tới “dần” thêm cho trận nữa. Đạt thực sự nổi điên thì tới Bửu còn khó sống nói gì tới Thìn, không bỏ mạng cũng sứt mẻ tay chân. Càng nghĩ càng thấy sợ. Thìn liền bàn với Diệp bán nhà, bán tiệm đi dọn di chỗ khác. Thương chồng, lại rành tánh Đạt, Diệp nghe theo. Cô còn bán luôn chục mẫu ruộng hồi môn để gộp chung với Thìn làm vốn. Nào ngờ, cầm tiền xong thì Thìn đi mất. Ban đầu còn tưởng Thìn gặp chuyện không hay nên Diệp mới nhờ Đạt và nà Ngự kiếm phụ. Cả hai không giúp, cô kiếm một mình. Vô tình gặp người làm cũ của tiệm vải. Lúc này nó mới kể, mấy lần thấy Thìn với Cẩm có chuyện mờ ám với nhau và quả quyết hai người đã cùng nhau bỏ trốn.
Nghe xong dì tám mới nhớ lại, trước một ngày phát hiện Cẩm không còn ở nhà, dì thấy có dáng ai đó giống Thìn lấp ló sau bụi giấm gần nhà. Ban đầu còn tưởng mình mắt mũi lòe nhòe nên nhìn lầm, nay thì đã rõ.
Thay vì an ủi, bà Ngự lại trách Diệp nhiều hơn. Trách cô xúi bà đem Cẩm về nhà, trách cô không nói sớm, trách cô bao che cho Thìn.
- Làm sao con có thể ngờ…
Nói rồi Diệp khóc hu hu.
Qua mấy ngày tưởng đã bình tâm, nay cảm xúc của bà Ngự lại thêm một lần xáo trộn, bà cũng khóc. Giống như khóc đua cùng Diệp, khóc để coi ai khổ hơn ai. Gian nhà lớn vang động y như có người vừa mới mất. Thực ra cũng mất thiệt, mất tiền, mất chồng, mất cháu, mất niềm tin… Khiến ai nấy cũng não nề.
Dì tám thở dài cúi xuống đút cơm cho Khanh. Liên bước ra ngoài, dõi mắt về chốn xa xa. Ánh tà dương hắt lên đám bông sao trên hàng rào một màu ủ đột. Liên không có lí do gì để khóc nhưng ruột gan cô còn héo hắt hơn những kẻ đang khóc trong nhà.
Hầu như hôm nào Đạt cũng về rất khuya, có bữa tới tờ mờ sáng. Nằm chưa bao lâu, anh lại tiếp tục ra khỏi nhà. Liên muốn bắt chuyện, muốn tìm lời an ủi nhưng lại sợ làm anh mệt và buồn thêm nữa.
Đột nhiên, Liên quay vô trong nói lớn.
- Vậy… biết đâu… đứa nhỏ trong bụng Cẩm không phải là con anh Đạt…
Mọi người cùng nhìn ra. Im ắng chưa được bao lâu thì bà Ngự với Diệp tiếp tục khóc, tiếp tục gây gổ, đổ thừa tội lỗi cho nhau. Sự thắc mắc của Liên chẳng ai quá bận tâm suy nghĩ trong tình cảnh thế này. Riêng Liên như níu được chút ánh sáng mong manh giữa đại ngàn đêm tối. Phải chi Đạt có thể lớn tiếng chửi bới như hai người kia thì hay biết mấy.
Dù Đạt không thừa nhận, dù anh không rơi nước mắt nhưng Liên thấu hiểu tâm tư của kẻ làm cha. Sau cái lần chứng kiến Đạt động tay chân với Cẩm và thấy cảnh Cẩm đau đớn trong cái quần bê bết máu, Khanh không dám lại gần Đạt nữa. Mỗi lần bị con xa lánh, Đạt lại cúi nhìn đôi bàn tay mình mà cắn môi thật chặt. Tim Liên không ai nhéo mà đau.
- Dù nó không phải con đi nữa thì cũng vì anh mà nó mất. Nếu không như vậy, biết đâu… Cẩm đã không ăn cắp khế ước theo Thìn. Cẩm muốn trả thù anh, chính anh làm liên lụy má.
Chuyện của Cẩm với Thìn thì chỉ có hai người họ biết, Liên cũng không thể nghĩ thêm được gì để an ủi chồng. Cô ôm anh, áp mặt vào lưng. Tấm lưng đang nặng như chì bởi bao điều trăn trở.
- Cũng tại em một phần.
- Em không có lỗi gì hết. Cũng không tại má hay Diệp. Tại anh. Tại anh tham lam. Tại anh yếu lòng. Tại anh hãnh tiến, thích so đo. Tại anh tự cao kiêu ngạo, coi thường người khác.
Đạt nhận hết lỗi về mình. Tay anh đấm xuống bàn răn rắc. Giàn thiên lý cũng bất chợt rung lên. Những chiếc lá úa cùng những bông tàn lác đác rơi rụng, vương vãi trên mặt đất.
Liên sợ hãi tột cùng. Thậm chí lần trước ép cô uống thuốc phá thai, anh cũng không hoang mang tới vậy. Liên ôm chặt anh hơn. Cầu xin anh đừng buông xuôi cuộc sống, cầu xin anh nghĩ tới cô, tới con gái, tới mẹ già và những người còn lại.
Thực ra, đây chỉ là những phút giây bộc phát khi mọi chuyện dồn dập đến. Đạt vẫn đủ tỉnh táo để ý thức, anh chính là trụ cột của gia đình. Anh hứa chắc nịch.
- Yên tâm. Ngày mai sẽ khác.
Nói là làm. Đạt tuyên bố thay đổi để tiếp nhận cuộc sống mới. Sau khi bán xe, anh bắt đầu tìm việc. Không làm chủ thì làm công. Với học thức và hiểu biết của mình, không khó để Đạt có một công việc lương cao và nhàn nhã. Bằng đôi tay của mình, anh có thể nuôi tốt gia đình.
Nghe tin Đạt xin làm thơ ký ở hãng, Liên đã nấu một bữa ngon để ăn mừng, một hy vọng mới đang bắt đầu gõ cửa. Đôi mắt cô ngời lên phấn khởi khi thấy Đạt cười nói trở lại. Ấy vậy mà chẳng bao lâu, Liên cảm giác nụ cười trên môi Đạt không giống lúc đầu, nó dần gượng gạo khiến người nhìn thấy ủ dột nhiều hơn. Đạt vẫn đi sớm về trễ, có bữa vì quá mệt mà anh không màng tắm rửa và ăn uống.
Mọi người hỏi han thì anh nói do nhà quá xa chỗ làm. Lúc trước đi xe hơi nên có thể ra chợ Mỹ trong vòng nửa tiếng. Còn xe ngựa thì chậm hơn, bơi xuồng thì phải theo con nước, không thuận tiện cho việc đi làm. Anh thưa với bà Ngự, cho anh dọn ra ngoài đó
Bà Ngự buồn nhưng không phản đối. Nhà đã như vầy, bà phải chịu chớ biết làm sao. Liên liền về phòng thu dọn quần áo. Cô muốn gói ghém sao cho thiệt gọn đặng tiện bề đem đi nhưng bận này không phải chỉ một vài bữa mà là hằng năm hàng tháng, đem ít thì sợ không đủ đồ. Đắn đo một lát, cô quyết định đem cho mình với con ít đồ một chút, dồn chỗ đựng đồ cho Đạt, anh phải ra ngoài làm việc, chắc chắn sẽ cần nhiều hơn cô.
Thu xếp vừa xong thì Đạt lên tới. Anh nhìn một lượt rồi cầm giỏ đồ của má con cô quăng trở vô tủ.
- Sao vậy anh?
- Anh ra đó một mình thôi. Em ở nhà đi. Độ cuối tuần thì anh về thăm một lần mà.
- Không dắt em theo thì ai cơm nước, giặt giũ cho anh?
Đạt treo áo, cầm khăn lau mặt.
- Giặt đồ là chuyện nhỏ thôi, còn cơm nước cứ ra tiệm là được. Anh là đàn ông, cũng tiện nhiều thứ.
Nói có vậy rồi Đạt lên giường nằm. Mai phải sống xa nhà mà hình như, anh không tỏ vẻ bịn rịn hay lưu luyến như mọi khi thì phải.
Thấy Liên buồn buồn, Đạt an ủi.
- Đợi khi nào anh ổn định rồi sẽ đón má con em ra. Với lại…
Cả hai cùng nhìn xuống ban công. Tiếng khóc cứ vọng lên đều đều từ giàn thiên lý. Đêm nào cũng vậy, Diệp khóc rồi la chửi một mình. Cô quá sốc cho tình đời đen bạc. Người ta có chồng, Diệp cũng có chồng. Chồng tốt không thiếu mà dẫu có tệ tới mấy cũng không bạc như Thìn.
- … Em ở nhà đặng phụ má lo cho con Diệp. Tội nghiệp con nhỏ.
- Hay mình đưa cô Diệp nhà thương cho đốc tờ chạy chữa.
Đạt xua tay. Đã là tâm bịnh thì thuốc thang nào trị khỏi. Chỉ có thời gian thôi. Hơn nữa, Diệp chưa hẳn mất trí. Chẳng qua, Diệp không còn cách nào giải tỏa đó thôi.
Đúng như lời Đạt nói, qua ba tháng thì Diệp trở lại bình thường. Vết thương lòng dẫu còn cũng chỉ âm thầm day dứt trong tim. Liên yên tâm để ra lo cho Đạt. Đàn ông mà ở một mình thì nhiều thứ sẽ không thể chu toàn, nhứt là sức khỏe. Đi chưa bao lâu mà anh ốm và đn hơn rất nhiều, còn hốc hác nữa.
Lẽ ra, bữa nay là ngày anh về. Từ sớm Liên đã nhóm bếp đổ vài khuôn bánh khọt coi như tẩm bổ Vậy mà tới tận chiều, bánh đã nguội lạnh vẫn không thấy anh đâu. Lo là lo ở chỗ đó. Đây không phải lần đầu anh trễ hẹn. Miệng thì hứa năm ngày, mười bữa về thăm nhưng lần nào cũng nửa tháng trở lên mới thấy mặt. Biết anh trăm công ngàn việc nên Liên không phiền, biểu anh cho địa chỉ để cô đem đồ ăn tới mà anh lại không cho. Đậy dĩa bánh khọt lại, Liên bỏ ra ngoài đi dạo.
Bửu vói Khanh đang chơi phía ngoài. Từ lúc Đạt về, đây là lần đầu Bửu tới nhà chơi. Thấy nhau, cả hai cùng ngượng ngùng. Con Khanh đang hớn hở trên tay Bửu cứ cười không ngớt, còn í ới líu lo. Liên không nỡ tước đi niềm vui của con trẻ nên đứng lại chuyện trò. Đợi lúc Bửu về, Liên mới ngập ngừng nhờ anh thăm dò dùm chỗ ở của Đạt.
Bửu hơi ngạc nhiên. Anh hỏi thêm cho Đạt làm để tiện tìm kiếm nhưng Liên cũng không biết. Hỏi gì Liên cũng biết, từ công việc tới tiền lương, chỗ ở. Liên càng lo hơn. Bửu phải trấn an.
- Được rồi. Không sao đâu. Để anh hỏi dùm em.
Ngay hôm sau, Bửu đã gởi cho Liên địa chỉ, còn chỉ dẫn tỉ mỉ đường đi. Liên lập tức dọn đồ để tới với Đạt. Đi từ trưa, tới xế thì tới. Nhà nằm ở vùng ven, về phía Đông của chợ Mỹ. Từ trung tâm đi một đoạn không quá xa nhưng nó đã không còn chút gì của phố chợ. Nhà cửa thưa thớt, đều là nhà lá dựng giữa mảnh đất rộng. Nhìn căn nhà lụp xụp, vách lá đã cũ và mục nát, Liên hơi chần chừng. Lương thơ kí thì Liên không rõ, nhưng áng chừng nó cũng hông thể thua lương của mấy thấy thông, trên dưới cũng ba chục đồng một tháng. Với số tiền đó, Đạt hoàn toàn có thể mướn một căn khang trang ngoài chợ. Nếu Bửu không cho lầm thì có thể Liên đã đi lầm.
Đang phân vân thì một chị đàn bà từ trong bước ra, trên tay chị còn cầm cây chổi lông gà.
- Cô muốn kiếm ai?
Chị đàn bà lớn hơn Liên vài tuổi, đầy đặn hơn. Cái cách đứng nghiêng người chống nạnh, thoạt nhìn thấy có phần hùng hổ. Liên mạnh dạn tiến tới, dè dặt hỏi.
- Thưa, chị cho hỏi, đây có phải nhà của anh Đạt không hả chị?
- Ờm. Mà ở đây nhiều Đạt lắm đa. Cô muốn kiếm Đạt nào? Nói cho thiệt rành rõ rồi qua chỉ cho.
Liên nói rõ tên tuổi rồi tả kĩ hình dáng. Nghe xong, chị đàn bà mừng rỡ cầm tay Liên một cách thân tình.
- Mèn ơi. Ra là thím ba. Vậy đúng rồi đó thím, nhà này đúng là nhà của chú ba nè.
Rồi chị giới thiệu về mình, chị tên Thêm, chồng thứ út nên người ta hay gọi là chị út. Nhà chị ở bên kia, cách khoảng đất rộng với con mương nhỏ. Vì Đạt một thân một mình đi sớm về trễ nên nhờ chị qua quét tước dọn dẹp, cơm nước dùm anh, thắp dèn mỗi tối.
Liên đi theo chị vô nhà. Căn nhà đơn sơ, trống trải hơn cả nhà Đông thuở trước. phía cửa sổ kê một ván nhỏ, phía sau là tủ áo, kế bên là chiếc bàn xếp cùng một cái ghế đẩu. Bên kia là cửa buồng thông ra chái bếp. Liên xắn tay nấu cơm sau khi Thêm về. Đàn ông sống một mình có khác, quần áo vắt tứ tung, mền chiếu không thèm xếp. Gác bếp không có gì ngoài cái niêu với giề cơm cháy khét. Lục lọi miết mới kiếm được chút muối trên gióng. Trong khạp chỉ còn hai hơn chén gạo để nấu cơm. Cũng may, lúc đi, Liên có đêm theo chút cá thịt nấu kho sẵn từ bên nhà.
Dọn dẹp, nấu nướng xong xuôi, trời cũng nhá nhem. Liên thắp đèn ngồi chờ. Muỗi bay vo ve, Liên không chịu nổi, đành chạy vô buồng buông mùng. Ngồi trong mùng mà vẫn ngứa, muỗi trong mùng không ít. Lấy đèn soi mới thấy, mùng bị rách khá nhiều vì cũ kĩ. Không hiểu hằng đêm, Đạt làm sao để ngủ. Liên phải lọ mọ lấy kim chỉ ra khâu, chỗ nào thùng lớn thì lấy vải đắp lên mạng lại. Cái mùng trở nên lành lặn nhưng nhìn bần cùng không chịu nổi. Thôi thì cứ xài đỡ, khi nào về nhà, Liên sẽ đem mùng từ nhà qua.
Lúc khuya Đạt mới về. Mâm cơm bữa nay khá thịnh soạn, cơm trắng, cá kho tiêu, còn có món thịt ram anh thích. Hương vị rất chi quen thuộc khiến Đạt nhớ nhà da diết. Anh bần thần một lát rồi quyết định ăn mau để còn đi ngủ. Cuộc sống thực tế rất phũ phàng, một khi người ta phải quay cuồng với cơm áo gạo tiền, một khi phải tính toan từng bữa thì làm gì có chỗ cho giây phút mộng mơ đến nhớ nhung cũng vội vã ôm vào giấc ngủ. Nếu Liên không đánh động thì chắc anh cũng không thèm để ý tới sự có mặt của cô.
- Em tới hồi nào? Mà… sao em biết anh ở đây?
Sau khoảnh khắc ngạc nhiên xen lẫn vui mừng, Đạt nhìn quanh quẩn với vẻ e dè ngượng nghịu. Căn nhà quả thực khiến anh tủi hổ. Vách lá lưa thưa tới nỗi ánh trăng chiếu vào loang lỗ như những chấm vôi trắng rơi vãi trên giường chi chít trên mặt chiếu. Mỗi trận gió thốc qua là hàng cột kèo xiêu vẹo, vách lá quét vô nhau rào rạo. Mạng nhện giăng mắc khắp nơi, bồ hóng treo lủng lẳng đung đưa. Đó chính lá lí do Đạt không muốn bất cứ ai lui tới. Anh không muốn ai thấy anh tá túc trong căn nhà lá tồi tàn. Càng không muốn cô phải chui rúc cùng anh ở cái nơi mà chính anh còn cảm thấy bần cùng hạ tiện. Anh biểu cô về. Nhưng cô không chịu. Cô nằm xuống, tay nắm thành để “giành chỗ” cho bằng được. Nhìn cũng giống đang ăn vạ.
- Chồng đâu vợ đó. Má cũng cho phép rồi nên anh có nói gì thì em cũng không về. Nhất quyết không về.
- Còn bé Khanh? Em phải ở nhà để lo cho con.
- Vài bữa em đón con qua cũng được.
- Qua rồi chỗ đâu mà ngủ.
- Ngủ dưới đất.
Bị cãi lại tanh tách, Đạt hết cớ để đuổi cô rồi. Anh lẳng lặng nằm xuống phía bên kia. Giương nhỏ, xoay trở nhẹ nhàng cũng kêu cút kít như tô đậm thêm ua ám bần hàn làm người ta khó chịu. Liên nhích người sát vô anh. Cô hạ giọng.
- Em biết anh không muốn má con em chịu khổ. Nếu đã nói là chấp nhận thì cùng nhau chấp nhận.
Cơn gió cuối năm xuyên qua hàng lá lưa thưa, căn buồng nhuốm lạnh. Đạt trở người ôm Liên chuyển ra phía ngoài để tránh gió. Liên được nư, rúc đầu vào ngực chồng khóc hu hu.
- Em cũng thấy rồi đó. Nhà cửa tệ như vậy…
- Rồi hổng lẽ vì cái nhà mà phải sống xa nhau. Có ai phi lý như anh không?
- Thực ra, anh định khi nào kiếm được chỗ khác hơn thì sẽ rước má con em ra.
- Dù gì cũng ra rồi. Không cần anh mất công rước nữa.
Chỉ qua lại thêm vài câu là mọi chuyện ổn thỏa. Liên bắt đầu làm quen với nơi ở mới. Buổi sáng cô đi chợ rồi về nấu nướng, sau đó quét tước, dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho chồng. Nhà nhỏ, công chuyện quanh đi quẩn lại cũng chỉ bấy nhiêu nên thời gian rảnh khá nhiều. Mấy chị hàng xóm tuy đã dần quen nhưng đa phần nói chuyện không hợp tánh ý, còn hay rủ Liên đánh bài, bị từ chối nên họ không thường xuyên qua lại. Thành ra, Liên chỉ ru rú ở nhà.
Cúc tới thăm vào buổi sáng trời trong. Nắng cuối năm dìu dịu chớ không gay gắt. Ban đầu Liên ngại nhưng chính cô đã khuyên Đạt thẳng thắn nhìn vô sự thực nên cô mỉm cười chào đón Cúc bằng vẻ mặt thiệt tươi. Lau vội tay lên túi áo, Liên đon đả kéo Cúc lên nhà trước. Cúc gạt ngang.
- Chị em với nhau mà trà nước gì cho cực.
Rồi Cúc nhìn quanh, ánh mắt xuất hiện chút khinh bỉ. Cô tự mình lẩm bẩm.
- Cỡ này thì chòi chớ nhà cửa gì!
Dù nghe rõ từng lời nhưng Liên giả đò làm lơ. Cô tiếp tục xắn tay lặt cho xong đám rau đắng vừa hái phía sau nhà. Cúc với tay lật dĩa lên coi, chỉ có một con cá khô nằm gọn lỏn bên dưới. Cúc thở dài ngao ngán.
- Cái xe bán cũng cả ngàn chớ đâu có ít, sao ông Đạt để chị phải chịu cảnh khổ sở như vầy?
Số tiền đó, Đạt đưa hết cho bà Ngự giữ phòng thân, để khi biết ai là người giữ khế ước miếng đất hương hỏa thì chuộc lại cũng như cho bà dưỡng già không cực khổ nên Đạt hoàn toàn không đụng tới. Toàn bộ tiền sinh hoạt đều là tiền anh đi làm kiếm được. Anh còn tranh thủ gởi thêm một ít để mua thuốc cho Diệp.
Cúc không tranh cãi, cô móc khỏi bóp một số tiền. Liên hơi ngại nhưng cũng nhận sau khi Cúc nài nỉ. Phần vì chỗ chị em ruột thịt, phần vì cô đang thiếu hụt. Tiền Đạt đưa quả thực không được như cô nghĩ, chỉ bằng một phần ba, lại không đều đặng, lúc trồi lúc sụt. Đến cá khô mà lắm lúc Liên còn không dám ăn vì muốn chừa phần cho Đạt.
Nghe Liên than, chỗ của Đạt trả lương cho thơ ký quá bèo, Cúc nhếch mép cười khẩy.
- Lấy vợ mà có bữa ăn cũng không lo nổi thì đúng quá dở. Tiền này chị để dành xài, ráng lo cho thân, chờ đừng đổ hết cho ổng. Lúc trước hầm hổ vậy, giờ mới biết, không được cái tích sự gì.
Tiền đã cất vô túi nhưng Liên vẫn lấy ra đặt lại bàn. Cô gạt nước mắt vừa rơm rớm trên mi.
- Dì cầm tiền về đi. Chị không cần nữa.
Cúc chưng hửng.
- Sao vậy? Hồi nãy nhận rồi mà!
- Dì muốn giúp, chị cám ơn. Nhưng dì đừng ỉ vô mấy đồng này mà nhục mạ chồng chị.
Liên cầm chổi ra sân quét lá trước sự ngỡ ngàng của Cúc. Đối với Cúc thì chị ba cô thương cô nhất, nhường cô nhất, lúc trước cô có nói gì, Liên cũng nhỏ nhẹ khuyên lơn hoặc lắc đầu cho qua chuyện, nay lại đáp trả cô chẳng khác người xa lạ.
Vì Cúc chưa chồng nên Cúc không thể hiểu cái câu “xấu chàng hổ ai” mà ông bà hay nói. Thực chất cũng chẳng có xấu đẹp gì ở đây, đơn giản là tấm lòng người vợ thương chồng. Mấy ai chịu được khi chồng bị xúc phạm. Thà Cúc chửi cô, hạ thấp hay sỉ vả cô mà cô thấy dễ chịu hơn nhiều, dễ bỏ qua hơn nhiều. Đạt đâu phải loại ham ăn biếng làm, muốn ngồi không để hưởng, ngày nào anh cũng mệt nhoài, bàn tay công tử thư sinh mềm mịn trở nên to bè chai sạn, dậy sớm thức khuya mệt mỏi hốc hác tới rạc người mà chẳng nghe lấy một tiếng than. Chẳng qua vì thời vận, lên voi xuống chó âu cũng chuyện thường tình. Điều Liên sợ nhất là anh sẽ giống như bao người, quỵ ngã buông xuôi, thậm chí đâm vô cờ bạc rượu chè đổ đốn. Nhưng anh không như vậy, từ chủ anh chấp nhận làm công, bán sức lao động đổi lấy đồng tiền. Mỗi chén cơm đều là công sức. Tiền kiếm được có thể ít, bữa cơm tuy đạm bạc nhưng anh không vô tích sự.
- Chồng chị không phải là người vô tích sự, dì hiểu chưa?
- Ờ thì không vô tích sự. Chị đó, riết rồi giống hệt chồng. Giống gì không giống lại đi giống cái tánh tự ái hão.
Ý Cúc muốn nói tới chuyện lần trước khi cô đem gạo tới nhà biếu đã bị Đạt thẳng thừng từ chối, còn ôm cả bao hất ra sân. Lần đó, Liên cũng chứng kiến. Đạt nóng tánh mà Cúc cũng không phải dạng vừa, lời của cô thì được mấy câu êm ả. Liên nhận ra, Cúc ghét Đạt từ trong máu lận, nên chuyện gì cô cũng quậy cho đục ngầu mới chịu.
- Dì cũng làm công chớ hơn ai mà tưởng bở. Nếu không quen biết liệu dì có làm quản đốc được không, liệu có được tiền lương hậu hĩnh vậy không? Đừng tưởng lương nhiều hơn vài chục đồng bạc thì nghĩ mình giỏi. Thử hỏi hết cho công bình xem, dì có bằng anh Đạt hay không? Dì còn như vậy thì từ rày đừng ghé nhà chị nữa.
Vốn tới với nhã ý giúp đỡ chị em nay lại bị chửi nặng nề, Cúc tức giận đi về. Số tiền bị bỏ lại bàn y nguyên như thế. Liên nhìn nó và đắn đo rất lâu. Nhưng cô vẫn quyết định trả lại nên cô theo Cúc ra tới hãng để trả cho bằng được.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]