🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Trong đầu, Nguyễn Đông Thanh lúc này lại nghĩ:

“Giá có cách nào có thể nhìn thấy con mèo trong hộp chuyển đổi liên tục giữa hai trạng thái thì tốt!”

Ý niệm vừa xuất hiện, Phật đạo đã lập tức cảm ứng. Thành hộp bỗng trở nên trong suốt, bên trong hộp, một con mèo liên tục biến đổi: lúc thì đi lại chạy nhảy, lúc thì nằm phơi xác không hề hô hấp...

Mọi người còn chưa hết ngạc nhiên về dị tượng quái lạ này, thì đã lại nghe Bích Mặc tiên sinh hỏi:

“Hiện tại, có hai lựa chọn, mở cái hộp ra, hoặc giữ nó đóng. Vậy theo các vị, nếu mở hộp ra, chúng ta sẽ thấy con mèo còn sống hay đã chết?”

Lần này, thay vì chờ mọi người trả lời, Nguyễn Đông Thanh hình dung trong đầu kết quả hắn muốn. Như trước, Phật đạo lập tức phản ứng:

Cái hộp ảo ảnh được mở ra, nhưng trong khoảnh khắc nó mở ra, tất cả mọi người có mặt cảm thấy toàn thân lâng lâng, chao đảo. Tiếp đó, cái hộp “phân thân” ra làm ba.

Không! Nói cho đúng thì toàn bộ những người đang có mặt theo dõi buổi luận đạo bị cuốn chung vào ảo cảnh, và nhân ba cùng với cái hộp. Mà tất cả mọi người đều không xác định được mình là chân thân hay chỉ là một ảo ảnh do Phật đạo tạo ra.

Trong ba phân thân, một cái hộp còn đóng nguyên, và mọi người đang tiếp tục theo dõi con mèo chuyển biến giữa hai trạng thái. Một cái hộp khác đã mở ra, và con mèo nằm im, hoàn toàn không còn động đậy nữa. Còn trong cái hộp cuối cùng, con mèo vẫn sống khỏe mạnh…

Kim Thiền Tử không hổ là thiên kiêu của Phật môn, ngộ tính rất cao, chỉ nhìn tới đây thôi bỗng thốt lên:

“Phật từng nói: Nhất hoa nhất thế giới, nhất thảo nhất thiên đường, nhất diệp nhất như lai, nhất sa nhất cực lạc, nhất phương nhất Niết bàn, nhất tiếu nhất trần duyên, nhất niệm nhất thanh tịnh.”



Nguyễn Đông Thanh cũng thoáng giật mình, song dị tượng này của hắn còn cần nốt một phần cuối cùng mới xong. Hắn bèn tập trung suy nghĩ. Tức thì, ảo ảnh chợt đổi, người xem được kéo ra khỏi ảo cảnh, còn ba cái ảo ảnh thì thu nhỏ dần đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ trên bản đồ Đại Việt, lại thu nhỏ tiếp, trở thành ảo ảnh về toàn cảnh lục quốc và các cấm địa của yêu tộc. Ba hình ảnh vẫn chưa ngừng ở đó, mà tiếp tục thu nhỏ đến khi trở thành ba hình cầu tròn mới tạm ngừng lại.

Nếu là khi mới tới đây, có lẽ Nguyễn Đông Thanh cũng sợ không dám nói ra Huyền Hoàng giới là hình cầu. Dẫu sao, hắn cũng không muốn có số phận giống như Galileo, bị treo cổ chỉ vì dám nói ra sự thật mà không ai công nhận hay có thể chứng minh lúc đó. Thế nhưng, sau khi ở nơi này được hai năm, gã phát hiện tuy xã hội Huyền Hoàng giới vẫn là xã hội phong kiến, song không hiểu vì lý do gì đã biết việc thế giới nơi họ sống không phẳng, mà có hình cầu.

Hắn đặt giả thuyết, có thể từng có tu luyện giả đã bay ra ngoài vũ trụ nhìn lại rồi chăng, song cũng chẳng cách nào đi tìm hiểu vấn đề này, mà hỏi ra thì cũng chả ai trả lời được cho gã vì sao họ biết, chỉ bảo là được dạy từ bé thôi. Kỳ thực lý luận này của Nguyễn Đồng Thanh có thể cũng không sai, biết đâu cũng có người từng làm vậy thật, nhưng nguyên do chủ yếu thì lại là do lịch sử của Huyền Hoàng giới không thiếu người xuyên không từ Trái Đất sang. Lại nói, từ rất lâu trước đây, tiền thân của Trang Bức Thần Giáo cũng không thảm hại như hiện tại, mà từng có một quá khứ huy hoàng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến Huyền Hoàng giới, chả qua đến giờ thì chả mấy ai còn biết đoạn lịch sử này mà thôi. Cho nên, chút thường thức này người Huyền Hoàng giới có cũng không phải chuyện gì kỳ lạ.

Quay lại hiện tại, toàn trường còn đang xôn xao không hiểu tự nhiên Bích Mặc tiên sinh lại cho họ nhìn ảo ảnh của ba bản sao của Huyền Hoàng giới làm gì, thì ba cái Huyền Hoàng giới thu nhỏ ấy đã tiếp tục tự nhân bản lên. Từ ba thành chín, từ chín thành hai bảy, tiếp lên thành tám mốt, mà vẫn không ngừng nhân lên. Mãi đến khi Nguyễn Đông Thanh chuyển suy nghĩ, ảo cảnh mới vụt biến mất, để lại tất cả một mặt ngơ ngác…

Phía Phật môn là tỉnh hồn lại nhanh nhất. Dù sao, trong giáo lý của Tổ Phật cũng từng nói đến khái niệm tương tự. Chỉ là, lời của đức Phật cao thâm mạt trắc, chúng đệ tử Phật môn ngộ tính lại cao thấp khác nhau. Thành thử, ai hiểu được bao nhiêu còn tùy ở duyên số. Thế nên, việc Bích Mặc tiên sinh có thể lý giải khái niệm này một cách đơn giản, dễ hiểu, lại dùng một dị tượng ba bước khiến toàn bộ người có mặt tại đây có cảm ngộ như hiện tại thôi đã đủ khiến Phật gia cảm thấy bị đe dọa sâu sắc rồi. Dù gì, một mớ triết lý suông không ai hiểu, so sánh với những điều ai cũng có thể tiếp thu, cái nào dễ đi vào lòng người, đoạt lấy nhân tâm hơn, ai cũng có thể nhìn ra.

Mà những người khác dần dà cũng hoàn hồn, sắc mặt ai nấy đều khiếp sợ không thôi. Những điều Bích Mặc tiên sinh vừa cho họ xem, mở mang tầm mắt thì mở mang tầm mắt thật đấy, song cũng làm không ít kẻ hữu tâm nhớ tới một lời đồn: Bích Mặc tiên sinh nhìn thấu nhân quả trường hà, nên mọi hành động của y nhìn thì như vô tình, nhưng ắt đều có chủ đích.

Lời đồn này cho tới nay vẫn người tin kẻ không. Mà cho dù tin, thì đa số cũng chỉ là bán tín bán nghi hoặc cho là nói quá. Dù sao thì nhân quả trường hà là một thứ quá trừu tượng, chưa có ai từng thấy tận mắt. Song, dị tượng mà họ vừa thấy, cộng thêm với lời dẫn dắt lúc trước của Nguyễn Đông Thanh khiến người ta không muốn cũng phải liên tưởng tới chuyện này. Không ít kẻ đã bắt đầu nghĩ, Bích Mặc tiên sinh đây là mượn Phật đạo để công bố cho người ta biết gã có thể nhìn thấu tất cả lựa chọn của kẻ khác và hệ lụy mang tính hệ thống.

Còn về lý do tại sao tiên sinh lại chọn lúc này để làm vậy? Hẳn là để buông lời cảnh cáo cho toàn bộ các thế lực trong tối, đừng vì cái lợi trước mắt mà chọc đến y. Dẫu sao, chuyện các đệ tử của Nguyễn Đông Thanh dạo thời gian này đi ra tiền tuyến bị nhắm vào, ám sát cũng không phải là chuyện quá bí mật. Người bình thường có thể không biết, nhưng người của các thế lực lớn đều đã nghe ngóng được.

Trong khi người thì ngơ ngác vì ảo ảnh về đa vũ trụ, kẻ thì âm thầm tính toán gửi tin về cho thế lực sau lưng mình, thì Phật môn cũng đã có động thái. Dù gì, đây vẫn đang là giữa buổi luận đạo. Cho dù dị tượng của Nguyễn Đông Thanh có đáng sợ đi chăng nữa, có thâm thúy khó vượt đi chăng nữa, nhà Phật cũng không thể cứ thế mà chịu thua được.

Kim Thiền Tử tiến lên phía trước một bước, chắp hai tay trước ngực, lầm rầm niệm kinh. Tức thì, gió cuốn, mây trôi, một vật to lớn đồ sộ dần dần thành hình, bay lơ lửng trên đầu tất cả mọi người, che lấp cả ánh mặt trời. Tất cả nhìn kỹ, mới thấy đây là một ngọn núi khổng lồ.

Chỉ thấy núi này có năm đỉnh, trên thân mọc um sùm những thân cây óng ánh như vàng ngọc, lại có muông thú sum vầy, chim chóc ca hót. Trông vô cùng kỳ diệu!

Ở trong đám khán giả, có người học rộng biết nhiều, lúc này hô lên:



“Tu Di sơn?!”

Không sai, ảo ảnh mà Kim Thiền Tử triệu hoán ra chính là thánh địa trong truyền thuyết của Phật giáo, núi Tu Di.

Ban nãy Nguyễn Đông Thanh đã diễn hóa ra đa vũ trụ. Thế cho nên nếu Phật môn không muốn bại trận này, bắt buộc cũng phải hiển hóa được ra dị tượng tầm cỡ tương xứng. Tu Di sơn theo quan niệm của nhà Phật được coi là trung tâm của vũ trụ, khởi nguồn của đa vũ trụ, không thể nghi ngờ chính là lựa chọn tốt nhất.

Chả thế mà Phật từng nói: “Như trong chỗ mà một mặt trời, mặt trăng vận hành khắp bốn thiên hạ, tỏa ánh sáng chiếu; có một ngàn thế giới như vậy. Trong ngàn thế giới có một ngàn mặt trời, mặt trăng; có một ngàn núi chúa Tu-di; có bốn ngàn thiên hạ, bốn ngàn đại thiên hạ, bốn ngàn biển, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn rồng, bốn ngàn rồng lớn, bốn ngàn chim cánh vàng, bốn ngàn chim cánh vàng lớn, bốn ngàn đường ác, bốn ngàn đường ác lớn, bốn ngàn vị vua, bốn ngàn vị vua lớn, bảy ngàn cây lớn, tám ngàn địa ngục lớn, mười ngàn núi lớn, ngàn Diêm-la vương, ngàn Tứ thiên vương, ngàn trời Đao-lợi, ngàn trời Diệm Diệm-ma, ngàn trời Đâu-suất, ngàn trời Hóa tự tại, ngàn trời Tha hóa tự tại, ngàn trời Phạm ; đó là tiểu thiên thế giới. Như một tiểu thiên thế giới, ngàn tiểu thiên thế giới như thế là một trung thiên thế giới. Như một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới như vậy là một tam thiên đại thiên thế giới. Phạm vi thế giới thành hoại như thế là nơi chúng sanh cư trú, gọi là một cõi Phật”.

Phật còn tả về núi Tu Di như sau:

“Cõi đất này dày mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, biên giới vô hạn. Đất nương trên nước. Nước sâu ba ngàn ba mươi do-tuần, biên giới vô hạn. Nước ở trên gió; gió dày sáu ngàn bốn mươi do-tuần, biên giới vô hạn. Nước của biển lớn ấy sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, biên giới vô hạn. Núi chúa Tu-di, phần chìm xuống biển là tám vạn bốn ngàn do-tuần; phần trên mặt nước cao tám vạn bốn ngàn do-tuần; chân núi sát đất, phần lớn là phần đất cứng chắc. Núi ấy thẳng đứng, không có lồi lõm, sanh các loại cây; cây tỏa ra các mùi hương, thơm khắp núi rừng, là nơi mà phần nhiều các Hiền thánh, các trời đại thần diệu. Móng chân núi toàn là cát vàng ròng. Bốn phía núi có bốn mô đất rắn doi ra, cao bảy trăm do-tuần, nhiều màu đan xen, được tạo thành bởi bảy báu. Bốn mô đất thoai thoải, uốn cong sát mặt biển.”

“Núi chúa Tu-di có đường cấp bằng bảy báu; đường cấp ở dưới núi rộng sáu mươi do-tuần; sát hai bên đường có bảy lớp tường báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây; tường vàng thì cửa bạc, tường bạc thì cửa vàng; tường thủy tinh thì cửa lưu ly, tường lưu ly thì cửa thủy tinh; tường xích châu thì cửa mã não; tường mã não thì cửa xích châu; tường xa cừ thì cửa các báu. Còn lan can thì cây ngang vàng thì cây dọc bạc, cây ngang bạc thì cây dọc vàng; cây ngang thủy tinh thì cây dọc lưu ly, cây ngang lưu ly thì cây dọc thủy tinh; cây ngang xích châu thì cây dọc mã não, cây ngang mã não thì cây dọc xích châu; cây ngang xa cừ thì cây dọc các báu. Trên lan can ấy, có lưới báu. Ở dưới lưới vàng ấy có treo linh bạc. Dưới lưới bạc, treo linh vàng. Dưới lưới lưu ly treo linh thủy tinh. Dưới lưới thủy tinh treo linh lưu ly. Dưới lưới xích châu treo linh mã não. Dưới lưới mã não treo linh xích châu. Dưới lưới xa cừ treo linh các báu. Còn cây vàng thì rễ vàng, nhánh vàng, lá, hoa, quả bạc. Còn cây bạc thì rễ bạc, cành bạc, lá hoa quả vàng. Còn cây thủy tinh thì rễ, nhánh thủy tinh; hoa, lá, lưu ly. Còn cây lưu ly thì rễ, nhánh lưu ly; hoa, lá thủy tinh. Còn cây xích châu thì rễ, nhánh xích châu; hoa, lá mã não. Còn cây mã não thì rễ nhánh mã não; hoa, lá xích châu. Còn cây xa cừ thì rễ, nhánh xa cừ; hoa lá các báu.”

“Trên đỉnh núi Tu-di có cung trời Tam thập tam, có bảy vòng thành, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng lại như thế.”

Về việc một do-tuần trong lời của đức Phật đổi ra đơn vị đo lường hiện đại là bao nhiêu, có rất nhiều tranh cãi, có người bảo là cỡ 7,2 km, có kẻ lại bảo phải cỡ 11-14 km mới đúng. Nhìn chung, do ngọn núi truyền thuyết này không xác định được có tồn tại hay không, cho nên cũng chẳng ai nói được chính xác nó cao bao nhiêu. Mà ảo ảnh Kim Thiền Tử triệu hoán ra khả năng cũng chỉ là phỏng theo tưởng tượng cùng ngộ tính của y mà thôi, chứ không phải hàng thật giá thật.

Nghe cái tên Tu Di sơn, Nguyễn Đông Thanh cũng có chút phản ứng. Tuy còn chưa kịp đọc nhiều kinh Phật trước khi ốm đau, nhưng cái địa danh này thì hắn lại đã gặp nhiều khi đọc tiểu thuyết mạng. Dẫu sao, núi Tu Di cũng đã vượt ra khỏi ranh giới của Phật pháp, trở thành một biểu tượng đại chúng ít nhiều biết tới. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta tuy không biết nhiều về ngọn núi này, nhưng cũng đã nghe qua quan niệm Tu Di sơn là trung tâm của vũ trụ.

Mà bởi vì Nguyễn Đông Thanh nghĩ tới “trung tâm vũ trụ”, Phật đạo đã sớm có cảm ứng, một dị tượng thứ hai bỗng thành hình trên không trung...
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.