Chương trước
Chương sau
Nhân viên thuộc ekip chương trình “Ba trăm sáu mươi nghề” liên lạc với Cố Trầm vào một chiều thứ sáu. Để bày tỏ sự coi trọng của họ với Cố Trầm, người liên hệ với cậu là tổng đạo diễn cùng với nhà sản xuất chương trình. Nội dung liên hệ chủ yếu là giới thiệu với Cố Trầm nội dung ghi hình của chương trình cùng với một số vị khách quý tham gia cùng.

“Thành viên cố định của chương trình chúng tôi có tổng cộng là năm người, đều là những minh tinh biết danh biết mặt. Có anh Lục Phượng Minh đạt được giải nam diễn viên xuất sắc nhất của Kim Ô vào năm ngoái, có cậu Mục Thiên Minh đóng vai nam chính trong bộ phim tiên hiệp ăn khách nhất mùa hè năm nay - “Kiếm Thanh Thiên”. Có nữ ngôi sao trẻ đang lên Dương Vận Dồn và nam MC trực thuộc đài truyền hình của chúng tôi hiện nay, Diêu Thanh Phong. Và cuối cùng, là một người được xem như cây đa cây đề trong giới phim ảnh, thầy Vương, Vương Hướng.”
“Khách mời số đầu tiên của chúng tôi gồm sinh viên ưu tú thuộc trường đại học trọng điểm của quốc gia. Đại học A là Tổng giám đốc Cố đây, sinh viên của Đại học B tên Ninh Viễn, giỏi về Toán học và Vật lý, từng đạt giải quốc tế, hiện đang thực tập tại Liên Hiệp Quốc. Sinh viên của Đại học B từng đại diện quốc gia tham gia cuộc thi hùng biện quốc tế, và còn giành được giải Nhất nữa. Sinh viên Đại học D là một thiên tài khoa IT, phần mềm mà cậu ấy soạn ra đã từng bán cho công ty W của nước M với giá một triệu đô la Mỹ. Sinh viên trường F là một nhà văn, sách của cô ấy từng đạt giải thưởng Văn học “Trích Tinh”.

Tổng đạo diễn nói đến đây thì dừng lại một chút rồi mới nở một nụ cười tỏ ý tán thưởng: “Tất cả những khách mời tham gia ghi hình số này đều là thần đồng quốc gia, các thành viên cố định cũng đều là các văn nghệ sĩ có tính biểu tượng trong giới phim ảnh. Ekip chúng tôi khá là có dã tâm, mong rằng qua các siêu sao và nhân tài thuộc đa dạng các lĩnh vực này có thể tạo ra những mô tuýp mới cóng, tạo ra một chương trình kinh điển có cả chất lượng lẫn độ sốt dẻo. Khi chúng ta tìm được những nghệ nhân già dặn của những ngón nghề dân gian đã bị mai một kia, thì cùng lúc ấy có thể giúp những văn hóa mang tính thời đại sắp bị thất truyền ấy có thể tiếp tục được kế thừa.”
Cố Trầm im lặng, lắng nghe diễn tả của Tổng đạo diễn. Cậu có thể cảm nhận được dã tâm của tổng đạo diễn và nhà sản xuất với chương trình này. Nhưng cậu nhớ về đời trước, điều đáng tiếc là rốt cuộc chương trình này không chìm cũng chẳng nổi. Dù có nghệ sĩ đang được săn đón lẫn diễn viên thực lực tham gia câu khách, nhưng vì đoàn ekip chương trình quá chú trọng vào sự phong phú và chiều sâu của nội dung chương trình, thế là sau khi phát sóng toàn bộ chương trình thì kết quả là “uyên thâm quá, người xem từ chối hiểu”. Tiếng tăm rất tốt, nhưng tỷ suất người xem lại ảm đạm. Cuối cùng thì vì kinh phí bị thiếu hụt, nên cũng chẳng quay cho đủ mười hai số, kết thúc cực kỳ qua loa.

Nhưng mà tổng đạo diễn và nhà sản xuất của chương trình này đã rút kinh nghiệm triệt để từ đây. Vài năm sau, họ lại tiếp tục tạo nên một chương trình thực tế ngoài trời tương tự tên “Truy tìm quốc bảo”, bất ngờ thay lại trở nên nổi tiếng cực độ.
Mà dù thế nào đi nữa, thì Cố Trầm thực sự rất tôn trọng những người có tâm có tầm chú tâm vào nội dung chương trình, hết lòng với chương trình như thế này. Thế nên, khi cậu nghe những gì tổng đạo diễn và nhà sản xuất thảo luận với mình về nội dung ghi hình, Cố Trầm cũng có lòng chỉ ra những nhược điểm hiện thời của chương trình: “Đạo diễn Trần muốn tạo ra nội dung sâu sắc là điều rất tốt. Nhưng đây là thời đại công nghệ thông tin, lúc ekip chương trình khai triển nội dung cũng nên xem xét qua khía cạnh giải trí nhiều hơn. Dù sao thì chương trình này của chúng ta cũng là một chương trình giải trí, chứ không phải là phim phóng sự. Nội dung cốt yếu cũng nên dễ hiểu hơn. Một tiết mục nghệ thuật xuất sắc về chiều sâu, cũng không được dân chúng ưa thích bằng một chương trình mộc mạc, cây nhà lá vườn.”
Đạo diễn Trần và nhà sản xuất nghe thấy Cố Trầm nói như thế thì không nén nổi sửng sốt mà trố mắt nhìn nhau, ra chiều suy ngẫm.

Khả năng lẫn thủ đoạn của Cố Trầm trong vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ đã luôn được người trong nghề công nhận. Đạo diễn Trần và nhà sản xuất nghe thấy Cố Trầm nói thế thì lập tức nhận ra được cậu đã nhìn thấy rõ bất cập trong chương trình của họ. Đạo diễn Trần lập tức hỏi: “Không biết Tổng giám đốc Cố có cao kiến gì không?”

Nhà sản xuất cũng cười, bảo: “Không giấu gì cậu, việc chúng tôi mời Tổng giám đốc Cố tham gia chương trình kỳ này, ngoại trừ vì lý lịch của Tổng giám đốc Cố đủ tiêu chuẩn để trở thành khách mời của chúng tôi, thì nguyên nhân chủ yếu là muốn hợp tác với Tổng giám đốc Cố, nhằm giúp chương trình của chúng tôi có thể nổi bật vượt trội.”
Việc Cố Trầm có khả năng thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như tạo đề tài xã hội là chuyện không thể nghi ngờ. Hơn nữa, mỗi lần Cố Trầm giúp đỡ nhà nước hay doanh nghiệp thực hiện dự án nào đó đều đưa đến làn sóng bàn luận rất mạnh mẽ. Đây là một điểm đáng quý. Tổng đạo diễn của “Ba trăm sáu mươi nghề” cũng là một người thích tiếng tăm, ông ta hy vọng chương trình của mình có thể vừa chiếu đã nổi tiếng ngay tắp lự, nhưng cũng không muốn dùng những chiêu thức thấp kém, hèn hạ để nổi lên. Vì vậy, việc thảo luận với Cố Trầm về cách thức tuyên truyền sau khi đóng máy, và bao gồm cả nhịp điệu lẫn nội dung ghi hình là một việc cực kỳ cần thiết.

Cố Trầm cũng không tự mình quay bất kỳ chương trình gì nên cũng không có kiến thức chuyên ngành mấy về vấn đề này. Có điều Cố Trầm cũng từng có xem vài tập của chương trình giải trí thành công rực rỡ ở đời trước của đạo diễn Trần. Nhịp độ lẫn miếng hài rất là hay, cũng có các để tài để có thể quảng cáo.
Cố Trầm miêu tả sơ lược về tác phẩm ở đời trước của đạo diễn Trần một chút rồi nói tiếp: “Chủ yếu là giữ được nhịp độ và nội dung để câu kéo nhiều người xem. Chỉ khen hay chỉ chê cũng không hay, phải có sự tranh luận qua lại, mới đưa ra được những quan điểm để người xem có thể thảo luận.”

Vấn đề này, người nào làm những việc liên quan đến biên tập điện ảnh hay truyền hình đều biết rõ. Nhưng mà để có thể vừa ăn khách, được khen ngợi mà còn có độ thảo luận nhất định là một việc quá khó khăn.

Cố Trầm cũng không còn cách nào tốt hơn nữa cả. Chuyên ngành nào có chuyên gia đó, những gì cậu nên nói cũng đã nói hết, còn việc làm được hay không thì phải phụ thuộc vào ekip chương trình.

“Thứ bảy tuần sau sẽ bắt đầu quay tập đầu tiên. Cậu có thể sắp xếp được thời gian của mình hay không?”
Trước khi ghi hình một chương trình giải trí thì điều đầu tiên là phải phù hợp với lịch trình của tất cả các nghệ sĩ lẫn siêu sao. Dù Cố Trầm là khách mời, nhưng cậu hoàn toàn khác với những cô cậu sinh viên khách mời khác, vì cậu đã tự mình khởi nghiệp, còn thường xuyên giúp đỡ những doanh nghiệp khác phát triển hoặc thay đổi. Cho nên đạo diễn Trần nhất định phải xác nhận thời gian ghi hình với Cố Trầm trước nhằm tránh xảy ra sơ sót.

Thật ra thì việc sắp xếp thời gian ghi hình vào cuối tuần cũng là vì cân nhắc đến lịch trình riêng của Cố Trầm.

“Thế cũng được.” Cố Trầm đáp.

“Tốt quá. Thời gian ghi hình tổng cộng là hai ngày một đêm, địa điểm quay ở tỉnh An Huy, nội dung chủ đề sẽ là: “Mọi nghề đều rẻ bạc, duy chỉ thư sĩ là cao quý”. Ekip chương trình sẽ đưa tất cả mọi người đến Tuyên Bảo Các nổi tiếng nhất tỉnh An Huy, mọi người chủ yếu sẽ học cách chế tạo giấy và bút lông theo lối cổ truyền. Đến khi đó thì tất cả các thành viên tham gia sẽ đi theo các thợ cả của khu sản xuất học cách làm ra giấy và bút lông…”
Đạo diễn Trần giới thiệu khái quát một vài thứ và nội dung quay: “Cậu xem thử mình nên chuẩn bị những gì, nếu như có mong muốn gì muốn ekip chúng tôi hỗ trợ thì cứ nói với chúng tôi.”

Quyền lợi này chỉ có Cố Trầm và các thành viên cố định mới có, còn những khách mời khác thì không.

Nhưng thực ra Cố Trầm cũng chẳng có gì để chuẩn bị cả. Trái lại cậu khá hứng thú với nội dung ghi hình mà đạo diễn Trần đã nói: “Đây là ý nghĩa khi mọi người khởi quay chương trình “Ba trăm sáu mươi nghề” này sao? Trong ba trăm sáu mươi nghề sinh ra được một Trạng Nguyên. Từ xưa đến nay, nghề nghiệp có thể đổi thời đổi vận nhất chính là thi khoa cử. Sĩ, nông, công, thương, “sĩ” là nghề tôn quý nhất. Thế nhưng những giấy nghiên bút mực mà sĩ tử sử dụng, cũng là từ những người thợ thủ công mà ra. Một quốc gia muốn phát triển bền vững thì mọi ngành nghề đều cần phải hỗ trợ cho nhau. Cho nên phải để cho tất cả người tham gia tự mình tạo ra giấy và bút mực, đồng thời trình chiếu cho khán giả những ngành nghề dân dã sắp bị thất truyền này.”
Đạo diễn Trần gật đầu: “Đúng là vậy. Chúng tôi quay chương trình thực tế này, không thể chú trọng về tính giải trí quá nhiều, vẫn cần phải có ý nghĩa sâu sắc trong đó.”

Cố Trầm gật đầu: “Rất hay. Thực sự rất sâu sắc.”

“Cậu thích thì tốt rồi.” Đạo diễn Trần nói đến đấy thì đỏ mặt, có hơi ngượng: “Với lại, có chuyện này… Trước khi chương trình chính thức bắt đầu, chúng tôi sẽ ghi hình một buổi trò chuyện với các thành viên tham dự. Những vấn đề mà Tổng giám đốc Cố trải qua gần đây đang được công chúng hết sức quan tâm, nên tôi muốn hỏi là, nếu như ekip chương trình chúng tôi phỏng vấn cậu, thì cậu có thấy ổn khi chia sẻ những vấn đề này hay không?”

Lúc Đạo diễn Trần đề nghị chuyện này với Cố Trầm thì cũng áy náy lắm. Vừa nãy ông ta còn bày tỏ rằng bọn họ sẽ tạo ra một chương trình đàng hoàng và có chiều sâu. Vừa mới nói thế xong, vậy mà ông ta còn bắt đầu bảo với Cố Trầm có thể dùng những đề tài xung quanh cậu để tăng sức hút và lôi kéo người xem không… Trông có vẻ như đang tự vả miệng mình vậy.
Thực ra Cố Trầm có thể hiểu được những suy tính của ekip. Cậu cũng thấy bàn luận về những chuyện đó trong chương trình chẳng có gì là xấu cả. Bởi vì sao? Bên ekip muốn có đề tài câu kéo người xem, Cố Trầm cũng muốn thu hút nhiều sự quan tâm hơn, cả hai bên ai cũng đều vì quảng bá sản phẩm của mình. Đâu có gì là xấu xa?

“Cứ hỏi bình thường là được.” Cố Trầm cười, đáp: “Nếu như có chuyện gì đó mà tôi không muốn nói, thì tôi sẽ nói ngay cho mọi người biết.”

Đạo diễn Trần yên tâm ngay tắp lự.

“Hôm ghi hình, người bên ekip chúng tôi sẽ bắt đầu quay từ khi khách mời còn ở nhà. Tổng giám đốc Cố thấy được không?”

Cố Trầm muốn quảng bá cho trang web Baitan của mình nên khi nghe thấy thế thì nói ngay: “Vậy thì bên ekip đi thẳng đến văn phòng chính của web Baitan chờ tôi đi.”
Chuyện này không thành vấn đề với Đạo diễn Trần.

Vài ngày trôi nhanh như chớp mắt. Đến sáng thứ bảy, Cố Trầm đặc biệt mặc một bộ đồ thể thao rộng rãi, thoải mái, đeo một chiếc ba lô đến tổng công ty web Baitan.

Chung Ly Toại nhìn dáng vẻ chuẩn bị rất thư thả của Cố Trầm thì cười bảo: “Thật ra thì em mặc vest trông sẽ đẹp trai hơn.”

Vóc người Cố Trầm cao ráo, vai rộng, eo thon, chân lại dài nên khi mặc vest thì sẽ không toát ra vẻ gầy như cây sậy, nhưng cũng không quá cường tráng. Cao ráo, phong độ, trông rất ưa nhìn.

Tiếc là số lần Cố Trầm mặc vest quá hiếm.

Cố Trầm lắc đầu: “Phải di chuyển đi nơi khác để ghi hình, còn phải làm việc trên xe, mặc vest thì vướng víu quá.”

Nói rồi, Cố Trầm nhìn sang Chung Ly Toại. Cậu nhạy bén nắm được ẩn ý của anh, vừa cười vừa chọc chọc cằm của Chung Ly Toại: “Nếu anh thích nhìn em mặc vest như thế, thì đợi em về mặc cho anh xem nhé. Đến lúc ấy thì anh muốn giúp em cởi ra cũng được nốt.”
Thoắt cái, gương mặt Chung Ly Toại đã đỏ như gấc chín.

Tài xế tân binh Cố Trầm lái xe rời đi trong tâm trạng vui vẻ. Lúc đến tổng công ty web Baitan, ekip chương trình đã đến trước rồi.

Cố Trầm dẫn ekip quay phim dạo vòng quanh trụ sở giới thiệu sơ lược. Sau đấy lên chiếc xe van mà ekip chương trình cung cấp, đến đài truyền hình tụ họp với những khách mời khác.

Khi Cố Trầm đến nơi, các thành viên cố định và khách mời đều đã đến đông đủ. Đều là những gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình nên Cố Trầm vừa trông thấy đã nhận ra ngay. Bên ngoài tòa nhà đài truyền hình cũng có rất nhiều người hâm mộ giơ lightstick là banner của các thành viên. Nhưng điều khiến Cố Trầm bất ngờ ngoài ý muốn là trong nhóm người hâm mộ kia, cậu thấy được vào sinh viên nữ trường Đại học A và cả Thương Nhuế. Sau khi nhóm sinh viên nữ kia trông thấy Cố Trầm thì kích động vẫy banner trong tay, còn hô hào khẩu hiệu ủng hộ.
Cố Trầm: “...”

Cố Trầm dở khóc dở cười: “Sao mọi người lại đến đây?”

“Đến đây ủng hộ cậu đó!” Thương Nhuế và các cô sinh viên nọ còn nói cho Cố Trầm nghe với vẻ hùng hồn: “Tụi này là thành viên fanclub của cậu, tất nhiên phải trở thành hậu phương của cậu rồi.”

Một khách mời trong nhóm thấy thế thì lập tức vỗ đầu mình: “Chán thế. Biết vậy tôi cũng hối lộ mấy bạn nữ trong trường, kêu họ giúp tôi, thành hậu phương cho tôi rồi.”

Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.