Toái ngọc đầu châu Tác giả: Bắc Nam Edit: Dú Chương 13: Giỏ tre múc nước cũng bằng không Cái tên Đinh Hán Bạch này chẳng tốt quá một đêm, đêm trước thì tri kỷ lau mặt bưng cơm cho người ta, hôm sau tỉnh dậy bèn đập cửa hỏi han. Hết cách rồi, lòng hiếu kỳ của hắn đã phơi ra đó mấy ngày nay, thể nào cũng phải làm cho ra lẽ mới được. Kỷ Thận Ngữ bị quấy giấc ngủ bởi tiếng đập cửa, bèn vùi đầu xuống gối, sau đó tên thổ phỉ ngoài cửa đá phăng cửa ra, xông tới, ngồi bộp xuống giường, lay cậu qua lớp chăn. "Dậy mau." Bàn tay Đinh Hán Bạch dồn sức hơn nữa, nhấn eo Kỷ Thận Ngữ một cái thế mà còn có tiếng xương ken két, "Mấy ngày nay cậu ru rú trong phòng làm gì đấy? Không nói rõ thì tuần này đừng nghĩ đến chuyện tắm rửa nữa." Kỷ Thận Ngữ trở tay che eo, nghe thấy chữ "Tắm rửa" bèn cãi lại ngay: "Thế em đi hồ Thanh Hoa, em đi xông hơi." Cậu trở người ngồi dậy, rút vẻ lim dim đi, chỉ còn lại sự tỉnh táo sau khi đã ngủ đủ giấc. Đinh Hán Bạch ngồi cách cậu có nửa cánh tay, nghiêng người ngửi ngửi, nhíu mày trợn mắt: "Người cậu bốc mùi rồi kìa! Chua loét, anh mắc ói ghê!" Giọng điệu và biểu cảm của người nọ trông quá thật, như thể sắp mở miệng ra ói thật, tức thì mặt Kỷ Thận Ngữ đỏ bừng, lúng túng và khó xử, vân vê quần áo dưới chăn rồi ngập ngừng đáp: "Em không đổ mồ hôi mà, giờ em đi tắm ngay đây." Đinh Hán Bạch lật mặt nhanh như lật bánh tráng, đưa tay ngăn lại: "Đã bảo là không cho tắm rồi, giờ khai ra mấy ngày nay cậu đã lén lút làm gì cái đã." (*Thực ra gốc ở câu này là 丁汉白来一套川剧变脸 – Xuyên kịch biến diện là một loại hình biểu diễn nghệ thuật có nguồn gốc từ Tứ Xuyên. Biến diện hay còn gọi là chuyển mặt nạ. Các diễn viên sẽ chuyển từ một mặt nạ này sang một mặt nạ khác và để lộ ra khuôn mặt mới ngay trong chớp mắt trước toàn thể khán giả. Trong đó có người có khả năng đổi 20 mặt nạ trong vòng 6-7 phút.) Lại vòng về vụ này, Kỷ Thận Ngữ cũng chẳng rõ mình có bốc mùi hay không, nhưng Đinh Hán Bạch cứ giục, cậu bèn khom người lủi dưới cánh tay đối phương, chân trần giẫm lên sàn nhà: "Em đóng cửa thì thích làm gì chẳng được, sư phụ cũng không quản, anh càng không quản được đâu..." Đinh Hán Bạch vừa nghe đã nổi đóa ngay: "Bớt lấy Đinh Duyên Thọ ra để khè người ta đi, vô ích thôi! Đây là viện của anh, cậu làm gì cũng phải chịu sự quản lý của anh hết." Hắn đứng dậy, ép đối phương phải lùi về phía sau, "Chơi trò thần bí đúng không? Từ hôm nay không được ra tiền viện ăn cơm nữa, cứ đóng cửa ăn trong phòng luôn đi!" Kỷ Thận Ngữ loáng thoáng cảm thấy Đinh Hán Bạch ăn mềm không ăn cứng, thế nhưng cậu cóc thèm sợ hắn, nghe xong chẳng dịu giọng đi mà còn gân cổ lên cãi bướng: "Không đi thì thôi, ngồi ăn cơm cạnh anh chả có hứng ăn gì sất, em cũng mắc ói!" Đinh Hán Bạch đá cửa rời đi, cửa bị đá lắc lư, cảm thấy sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ sập xuống. Kỷ Thận Ngữ bị cơn gió lùa vào thổi tỉnh, mới nhận ra hai bọn cậu trẻ con và buồn cười quá, song giận thì đã giận rồi, thể nào cuối tuần này đối phương sẽ không thèm đoái hoài gì đến cậu nữa. Không đoái hoài cũng tốt, yên tĩnh. Kỷ Thận Ngữ vẫn dọn phòng, còn ngâm nga một khúc hát Dương Châu mà Kỷ Phương Hứa thích nghe lúc sinh thời, tắm táp thay quần áo xong, cả người lẫn phòng bỗng bừng sáng hẳn. Hai ngày nay ẩm thấp, bình sứ xanh phải phơi khô đến tận thứ hai, cậu bèn ôm bài tập nghỉ hè đến Ngọc Tiêu Ký trông quầy. Con trai không dễ chọc thì cậu sẽ làm ông bố vui vẻ. Đợi đến thứ hai, trời trong lành mà mặt Đinh Hán Bạch vẫn chưa mấy sáng sủa, thốt một câu buổi tối có buổi hội họp bèn đi làm luôn. Kỷ Thận Ngữ đủng đỉnh chọn quần áo, mặc bộ đồ xa xỉ nhất, đeo cặp sách đựng bình sứ canh rồi thẳng tiến đến chợ đồ cổ Đồi Mồi. Cậu bước vào cổng, ung dung đi dạo khắp hai vòng, mua lon nước ngọt rồi tìm một góc trống sáng sủa, bắt đầu bày rạp. Tức thì có một thanh niên trẻ đến hỏi: "Cái bình này như nào vậy?" Kỷ Thận Ngữ uống lon nước ngọt, liếc mắt khinh khỉnh như thể cầm cúp Kim Kê và Bách Hoa vậy: "Chẳng như nào cả, đừng chắn sáng nữa." Ở cái giới này, chưa chắc sẽ nghe ra người trong nghề nhưng chắc chắn kẻ ngoại đạo sẽ bại lộ ngay. Cậu đuổi hết người đến hóng chuyện, lót báo cũ ngồi xếp bằng, đợi người mua chân chính. Không bao lâu sau, một bà cụ đi ngang qua, tóc bạc được chải gọn gàng lẫn trong vòng tai trân châu, dừng lại nói: "Ôi, ta phải đeo kính viễn để ngắm cái này." Xung quanh có người đánh mắt sang, thì ra bà cụ này là khách quen, thích sưu tầm trang sức cổ. Kỷ Thận Ngữ không đoán được thực lực của bà cụ, bèn tròn mắt đánh giá, cố tình ra vẻ không thèm coi ai ra gì. Bà cụ hỏi: "Nhóc à, cháu bán đồ mà không giới thiệu gì hả?" Kỷ Thận Ngữ nói: "Nhà cháu có rất nhiều đồ cổ, cái này lấy bừa từ trong tủ đồ ra, bán để đổi tiền tiêu vặt." Trông mặt bà cụ đôn hậu: "Trong nhà có nhiều đổ cổ như thế, cháu lại ăn mặc chỉn chu, thế mà còn thiếu tiền tiêu vặt ư?" "Cháu trượt cuối kỳ, bố cháu không cho tiền tiêu." Kỷ Thận Ngữ cúi đầu, gõ lon nước ngọt lên bình sứ xanh, "Cơ mà người thạo nghề sẽ biết bình này của cháu là hàng tốt, cháu không bán tháo đâu, nếu không, bị bố biết sẽ ăn đòn." Đang nói thì có thêm một người đàn ông bước đến, đeo kính xách cặp đựng công văn, khá là nhã nhặn. Gã ngồi xổm xuống, cầm cổ bình lên nhìn, sờ hoa văn trên mặt sứ, khẩy vết bẩn dọc hoa văn, hỏi mà như không hỏi: "Chất bẩn này đặt trong tủ đồ cũng tích tụ ra được." Kỷ Thận Ngữ tỉnh bơ: "Bố tôi nói từ khi mua thì cái bình này đã thế rồi, không có vết bẩn mới là giả ấy." Có người thích cách nói này, người đàn ông trở bình để xem tỉ mỉ hơn, Kỷ Thận Ngữ cụp mắt ra vẻ thờ ơ, nhưng thật ra rất căng thẳng. Đống sứ vỡ đó toàn là hiện vật trục vớt dưới biển, vết bẩn bên ngoài cũng đúng là vôi hóa thật, bởi vậy nhìn từ chất liệu thì bình sứ này không có vấn đề gì, điều thử thách chính là tay nghề của cậu. "Anh muốn mua không?" Cậu hỏi, "Không mua thì đừng khảy với sờ nữa." Gã đàn ông không quan tâm, cứ nhìn ngắm mãi lâu: "Màu men bình sứ xanh này của cậu không được đều, khá ố vàng." Một khi đã soi mói tức là muốn ép giá, muốn ép giá tức là muốn mua. Kỷ Thận Ngữ liếc nơi ố vàng, nghĩ thầm, chẳng lẽ không ố vàng được ư? Mảnh vỡ màu men không hợp nên chỉ đành dùng thứ khác giông giống đắp vào. Cậu bèn đáp: "Nếu không ố vàng thì anh phải cân nhắc đến chuyện thật hay giả, bởi ố vàng là do nó đã chìm dưới biển quá lâu." Gã đàn ông chẳng hề bất ngờ, bèn đáp lời nói cho quần chúng nghe: "Đúng, đây là cái bình được trục vớt dưới biển lên, có vẻ là bình thời nhà Thanh." Bà cụ lập tức hỏi: "Vậy tốn bao nhiêu tiền?" Gã đàn ông mỉm cười: "Tuy được bảo tồn nguyên vẹn, nhưng hình dạng bình thường, bên ngoài lại không có tì vết nào, không đắt nổi." Kỷ Thận Ngữ nghe vậy cũng mỉm cười. Cậu chỉ muốn đổi lấy tiền mua quà cho Đinh Hán Bạch mà thôi, thời gian gấp rút cũng chẳng thể làm ra thứ gì phức tạp hơn, người này nói đúng. "Anh mua không?" Cậu giơ ba ngón tay lên, "Giá này." Ba vạn, gã đàn ông nhìn thẳng vào cậu, nói: "Một vạn ba." Kỷ Thận Ngữ xoay mặt đi: "Xem xong thì đặt xuống, đừng chắn sáng nữa." Gã đàn ông sửng sốt trước thái độ này của cậu, bà cụ thì buồn cười: "Thằng bé này lạnh lùng vậy đó, không phải buôn bán làm ăn đâu mà chỉ đổi tiền tiêu vặt thôi." Gã đàn ông lặp lại: "Một vạn ba mà không bán thật à? Nếu thay bằng người khác có khi đến cả một vạn cũng không trả ấy chứ." Kỷ Thận Ngữ phẩy tay, bày vẻ mất kiên nhẫn lên mặt. Gã đàn ông đứng dậy đi mất, bà cụ và đám người hóng hớt cũng đi luôn. Đôi mắt cậu dõi theo người đàn ông nọ, thấy đối phương như đi tản bộ, thi thoảng dừng lại, song không hề cúi người xuống. Lòng cậu đã nắm chắc, việc quầy vắng người chỉ là tạm thời mà thôi. Nắng giữa trưa là độc nhất, máy điều hòa của Cục Di sản văn hóa vẫn chưa ngừng chạy, điện thoại đổ chuông, phó cục trưởng gửi tài liệu sang, Đinh Hán Bạch vào văn phòng chủ nhiệm cầm một chuyến, lại vòng ra chuyến nữa, khi về thì ngồi tại chỗ hóng mát. Sau khi khô mồ hôi rồi hắn mới hỏi: "Tổ trưởng ơi, chủ nhiệm nghỉ ạ?" Trương Dần không đi làm, đích thân ra sân bay đón chuyên gia về, sắp đặt cho chuyên gia xong vẫn chưa về, bèn nghỉ việc một cách chính đáng. Về phần bây giờ thì đang nhàn nhã dạo quanh chợ đồ cổ Đồi Mồi. Trong chợ này, 99% là đồ rởm, nhưng ai nấy đều muốn kiểm lậu(*) hết, Trương Dần đi dạo một vòng rồi vòng về, lại đứng thẳng trước mặt Kỷ Thận Ngữ. Hiện vật vớt dưới biển, gã vừa mang về cả một lố từ Phúc Kiến đấy thôi, những hiện vật trưng bày ở viện bảo tàng toàn do gã chọn lựa cả. (*Kiểm lậu: Tiếng lóng trong giới đồ cổ, chỉ hành động dùng giá tiền rất rẻ để mua được đổ cổ đáng giá và người bán thường không biết rõ giá trị của món đồ đó; người mua có thể bán đi với giá trị thực sự, qua đó một bước trở nên giàu có.) Điều đó chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ là gã không hề nhìn lầm được. Gã rất chắc chắn, rằng đáy bình, cổ bình và miệng bình toàn từ một khuôn mà ra, giống y như thứ mà gã đã từng trông thấy. Thêm cả mùi đi kèm thì gã càng khẳng định, bởi gã không thể nào quên đi được thứ mùi tanh của biển đó. Kỷ Thận Ngữ liếm que kem, ngửa đầu không lên tiếng. Thường thì người nghèo gặp khó khăn cần dùng tiền gấp là dễ ép giá nhất. Kỷ Thận Ngữ thì ngược lại, quần áo chỉn chu, trên túi sách treo mặt dây chuyền bằng đá Hổ Phách lâu đời, uống lon nước ngọt xong còn ăn kem, giả làm thằng con phá của trộm đồ cổ để đổi tiền tiêu vặt, tiền ít thì lười phản ứng. "Ba vạn không hạ giá, thì chắc chắn bình này sẽ chẳng bán được khỏi tay nhóc cho xem." Rốt cuộc Trương Dần cũng mở miệng, "Nhóc nghĩ lại xem lời tôi nói có đúng không?" Kỷ Thận Ngữ đáp: "Vậy một vạn ba đi." Nói xong, thấy vẻ mừng rỡ của Trương Dần, lại nói, "Anh giai à, tôi không kém thông minh vậy đâu, anh đừng có mơ." Hai người bắt đầu cò cưa, lùi một bước bèn bớt thành một vạn tám ngàn tệ. Một vạn ba nọ của Trương Dần đúng là vô lý, nhưng thấy Kỷ Thận Ngữ còn nhỏ tuổi nên gạt thế thôi, ba vạn đó của Kỷ Thận Ngữ cũng là rao giá quá cao, lường trước để lại không gian chém giá. Hai người không ngừng cãi cọ, dẫn người khác đến hóng. Trương Dần sợ bị cuỗm tay trên nên cuối cùng xác định là hai vạn ba nghìn. Kỷ Thận Ngữ chỉ cần tiền mặt, đeo cặp đi lấy tiền với Trương Dần. Bên cạnh chợ đồ cổ có một ngân hàng, vì để tiện cho mọi người giao dịch. Giao nhận trong ngân hàng rất an toàn, đưa bình sứ xanh cho đối phương, Kỷ Thận Ngữ bèn đeo cặp rời đi. Khi đi qua một ngõ đường thì nghe thấy tiếng hò hét, ngay sau đó có một người chạy ra, chạy vồn vã sượt qua cánh tay cậu. Giữa tường chợ đồ cổ và ngân hàng có một ngõ tắt, bên trong bày đầy quầy hàng, những nhà bán lẻ bán hàng trong ngõ, một ông cụ cầm chiếc bao cũ ngã bên chân tường, mặt dính máu, cuộn người khàn giọng, gào khóc. Cướp bóc giữa ban ngày ban mặt! Tiền cứu mạng mất rồi! Khắp ngõ nhỏ nháo nhác cả lên, Kỷ Thận Ngữ đứng ngay đầu ngõ, bèn quẳng cặp sách xuống bắt đầu chạy, đuổi theo tên cướp kia. Tên cướp bị cậu đuổi theo đến là luống cuống, nên lên cầu vượt thì không đi, cứ chạy thẳng ra phía đường. Kỷ Thận Ngữ tận mắt thấy hai cảnh sát giao thông đẩy ngã tên cướp, bao đồ rơi xuống đất phát ra tiếng vỡ vụn, lòng cậu cũng tan nát theo. Cậu lấy được bao đồ về, nhưng bình trụ vuông tai voi xanh biếc đã vỡ tan thành mảnh nhỏ, mang về thì thấy ông cụ đang ngồi trên bậc thềm ngoài ngân hàng. "Ông ơi..." Cậu bước qua, không biết nói thế nào nữa, "Tên đó ngã." Mở bao đồ ra, ông cụ lắc đầu trước mảnh vỡ, máu loang lổ trên mặt, ôm bụng hơi run rẩy. Kỷ Thận Ngữ vội đỡ ông dậy rồi hỏi: "Lúc gã cướp đồ đã làm ông bị thương ạ? Ông có cần đi bệnh viện không?" Lúc này có một người đi ra từ ngân hàng, tức thì đi đến trước mặt họ: "Đồ đâu?" Đây là có người ưng muốn mua, ngay khi đối phương đi lấy tiền thì lại gặp cướp. Kỷ Thận Ngữ bĩu môi với bao đồ, lòng cũng nhói theo. Tuy cậu không có hỏa nhãn kim tinh, song cậu biết làm giả sẽ có sơ hở gì, chiếc bình trụ vuông đó không có bất cứ tì vết nào, ít ra cũng phải bảy, tám vạn. Đối phương nổi giận: "Đã bảo đợi tôi đi rút tiền rồi cơ mà, sao lại thành ra như vậy? Ông đền đi!" Ông cụ buồn bã: "Tôi không đền nổi..." "... Đệch cụ nhà ông!" Đối phương chửi ầm lên, kẻ si mê đồ cổ, trong mắt chỉ có đồ vật, mỡ dâng đến miệng lại để rớt, chỉ ước gì lục thân không nhận, không thèm nói lý. Kỷ Thận Ngữ lau máu mũi cho ông cụ. Cậu không rành chửi người, bèn không khỏi nhớ đến Đinh Hán Bạch. Đợi đến khi người nọ chửi xong rồi đi, cậu mới đỡ ông cụ ra đường gọi xe, đã làm người tốt thì làm đến cùng, bèn đi bệnh viện một chuyến luôn. Kiểm tra xong, trừ vết thương ngoài đi, thì hóa ra ông cụ còn mắc bệnh ung thư nữa. Kỷ Thận Ngữ đã hiểu "Tiền cứu mạng" là gì, khi nộp tiền nhập viện thì không hề chần chừ, cộng thêm cả những chi phí cần trả là hai vạn ba bay hơn nửa. Cậu ngồi trông nơi giường bệnh, vắt khăn lau mặt cho ông cụ, lau mặt xong thì đến lau tay, phát hiện ra tay phải của ông cụ có sáu ngón. "Ta họ Lương, Lương Hạc Thừa." Ông cụ nói, "Khi sinh ra đã có bàn tay sáu ngón, không làm cháu sợ chứ?" Kỷ Thận Ngữ lắc đầu: "Ông à, cháu liên lạc với người thân của ông thế nào được ạ?" Ông cụ đáp: "Người neo đơn, cháu không phải quan tâm đến ta đâu." Kỷ Thận Ngữ lặng thinh một lát, bèn móc hết số tiền còn lại ra, tự giữ lại cho mình ba trăm rồi nhét số còn lại xuống dưới gối: "Ông ơi, cháu ở cùng ông đến tối, tiền thì ông cứ giữ lấy mà tiêu." Ông cụ rơi nước mắt: "Sao ta có thể muốn tiền của cháu được, ta còn phải trả tiền phí nằm viện cho cháu nữa mà..." "Sư phụ cháu nói –" Nếu hỏi lại phải giải thích, Kỷ Thận Ngữ bèn sửa lời, "Bố cháu nói, nhiều tiền nhiều bạc dùng hết còn kiếm lại được, nhưng có việc mà không giúp, bỏ lỡ là sẽ hối hận." Ông cụ lại hỏi: "Thằng nhóc cháu đây, sao mang nhiều tiền theo người như vậy?" Đối phương đã quá đáng thương, Kỷ Thận Ngữ không đành lòng lừa gạt bèn kể hết chuyện mình làm bình sứ xanh ra, nhoáng cái đã ở bên đối phương đến tận tối, bên ngoài trời chiều đã ngả. Cậu chào tạm biệt, đeo chiếc cặp trống trơn đi bắt xe, trong đầu chiếu cảnh phim, hết cảnh này chuyển sang cảnh khác, chiếu đến cuối thì chỉ còn hụt hẫng. Cậu xuống xe tại trạm Phủ Trì Vương, sau khi xuống xe bèn gặp Đinh Hán Bạch ở đầu phố. Đinh Hán Bạch hội họp về, người vương mùi rượu thoang thoảng. Rốt cuộc Kỷ Thận Ngữ cũng đã thấy người thân, nếu không tính là người thân thì cũng là người quen. Bận rộn suốt nhiều ngày đến vậy, đến tận giờ ngón tay vẫn còn đau, kết quả chỉ còn mỗi ba trăm tệ. Cái này gọi là gì nhỉ, gọi là giỏ tre múc nước cũng bằng không. Kỷ Thận Ngữ ấm ức dữ dội: "Sư ca ơi..." Đinh Hán Bạch ngớ người, nghĩ thầm ủa chẳng phải hai đứa vừa cãi nhau xong, đang chiến tranh lạnh à? Mình nhớ là chưa làm lành mà ta, hay mình say rồi? Đương lúc ngẩn người đó, Kỷ Thận Ngữ đã chạy lại, ngửa đầu, tròn mắt, như đang đòi hắn an ủi. Bàn tay hắn đặt lên gáy người ta, lần này thì biết chừng mực hơn, khẽ khàng vuốt, chậm rãi hỏi: "Sao thế?" Kỷ Thận Ngữ tự thấy xấu hổ, mặt lộ vẻ lúng túng: "Em không tặng quà cho anh được rồi." Đinh Hán Bạch không dự đoán được nguyên nhân này, bèn nói mà không cho thương lượng: "Thế thì không được, cậu đã cam đoan rồi, giờ tặng luôn đi, bảo cậu tặng gì thì cậu tặng nấy." Kỷ Thận Ngữ luống cuống, đợi đối phương làm khó cậu. Kết quả Đinh Hán Bạch lại bóp mạnh (lên gáy) một phen: "Thôi, cậu cứ cười đại một cái đi." Editor: Các cô thử đoán xem, Lương Hạc Thừa sẽ là ai:"> *Chú thích: 1. Bình sứ xanh:
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]