Một chõ bánh hấp, cô nàng còn cố tình làm bốn màu, xanh trắng hồng vàng, trông cực kì sặc sỡ.
“ Món thứ hai: Thái Nguyên cản tứ đại đương gia. ”
Một đĩa rau xào, bày theo hình bát quái.
“ Món thứ ba: Tất gia trang liều mạng phá Bát Quái thần chưởng. ”
Món thứ ba cô nàng bày lên bàn, là một nồi thịt ngựa:
“ Món thứ tư: Nhạn môn quan ác đấu Gia Luật Sở Tài… ”
Lúc này, chén rượu bồ đào đặt trước mặt Tạng Cẩu không ngừng xao động lăn tăn. Mà tâm cảnh của cậu chàng, cũng như mặt rượu kia, xuất hiện sóng gợn không ngớt. Cho dù có dùng vô ngã, cũng chẳng thể ngăn nổi.
Hồ Phiêu Hương kín đáo đưa tay lên, quệt dòng lệ, lại đặt đĩa thức ăn thứ tư xuống bàn.
“ Món thứ năm: chùa Thiếu Lâm phá trận người đồng. ”
Cô nàng nói đến đây, bỗng nấc một cái, đoạn cười:
“ Cẩu chớ có ngăn cản, cũng đừng nói gì cả. Hôm nay là ngày rất đặc biệt, Hương phải nói kỹ càng cặn kẽ cả tám món mới thôi. ”
Lúc này, nắm tay Tạng Cẩu đặt trên bàn đã thả lỏng ra. Cậu chàng vẫn không nói gì, cũng không có phản ứng gì thái quá, chỉ im lặng nhỏ nước mắt vào chén rượu.
Hồ Phiêu Hương hít sâu một hơi, lại cười khổ, nói:
“ Món thứ sáu: Tam Môn Hiệp cứu Tần Trảm, đánh Gia Luật Vân. ”
Trên đĩa là một con gà, trong bụng nhồi trứng luộc, trước mỏ lại đặt một quả trứng bị bửa làm đôi, lấy ý là cha hại con…
“ Món thứ bảy: Tây An trúng kế Lí Thông. ”
Hồ Phiêu Hương đặt một túi thơm lên bàn, hương hoa thoang thoảng khiến lòng người như say đi. Tạng Cẩu nuốt khan một cái, định nói gì đó, song lại thôi.
Sau cùng, cô nàng đặt một bát canh lên bàn, đoạn tuốt đao Lĩnh Nam chém phăng cái chôn bát.
“ Cuối cùng: Mộ Thiên Vương sâu như đầm không đáy, nguy hiểm trùng trùng. ”
Bày biện xong xuôi, Hồ Phiêu Hương mới chậm rãi ngồi xuống đối diện với Tạng Cẩu, nói:
“ Xong rồi, Hương mất công chuẩn bị thế này, Cẩu không ăn bằng hết thì không được đâu. ”
“ Chẳng ích gì đâu. Chớ nói bên ngoài có trọng binh vây tầng tầng lớp lớp, cho dù Cẩu phá được vòng vây, thì bác Trừng biết phải làm sao? Về nước? Đâu còn đường nào mà đi nữa? Hà huống, tai mắt Chu Đệ trải khắp thiên hạ, tin tức linh thông nhanh hơn cả vó ngựa. Chỉ cần lão ta có lòng theo dõi, chúng ta chạy lên trời lão cũng biết.
Chạy không thoát, tức là chỉ có chết. Nếu thế thì kiếm báu về tay người Tàu rồi còn đâu? Chuyện này hệ trọng, liên quan tới sinh tử tồn vong của Đại Việt, tự chủ tự cường của người Nam. Cẩu không thể vì xúc động nhất thời mà khiến dân ta lần nữa lầm than cả ngàn năm được. ”
Cô nàng ngừng một chốc, rồi tiếp:
“ Chúng ta đã hứa với bác Khanh, giá nào cũng phải mang kiếm thần Thuận Thiên và chìa khóa Loa thành về, tìm cho kì được sách báu Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Đại Vương. Theo như truyền thuyết, thành Cổ Loa có chín vòng tường đất, nhưng nay lại chỉ còn ba. Vậy thì bí mật của chiếc chìa khóa Loa thành hẳn có liên quan tới sáu vòng thành đã biến mất kia. Cẩu mang kiếm về nước, có thể bắt đầu từ manh mối đó. ”
Thấy Tạng Cẩu vẫn không nói không rằng, Hồ Phiêu Hương mới thở phào, tỏ ý an lòng. Cô nàng lại lấy trong áo ra một túi gấm, đưa cho cậu chàng, dặn rằng:
“ Cẩu về nước, đến biên ải thì mở túi gấm, sẽ biết phải làm gì. Còn có, hãy mang theo đao Lĩnh Nam. Đây là thánh vật của thánh tổ Nguyễn Minh Không để lại cho võ lâm đất Nam, không thể chôn cùng Hương ở xứ người được. ”
Bấy giờ, Tạng Cẩu mới ngẩng đầu, mắt đỏ ngầu nhìn cô nàng, hỏi:
“ Vậy… sau này Hương có dự tính gì? ”
Chỉ thấy Phiêu Hương cúi thấp đầu, không đáp không rằng. Cậu chàng bèn cắn răng, đoạn xé áo cắt đầu ngón tay, viết một bức huyết thư giao cho cô nàng.
Hồ Phiêu Hương thấy đó là thư thôi vợ, không khỏi giật mình một cái, đoạn nước mắt lại lăn dài không kiềm chế được nữa. Hai người ôm sát nhau, thổn thức từng tiếng, biết rõ trong lòng lần này Tạng Cẩu dứt áo ra đi thì tương phùng sẽ xa như lên trời vậy.
Tạng Cẩu biết bản tính Phiêu Hương vốn ương bướng lại cứng cỏi, sợ cô nàng sẽ ở vậy mà lỡ mất thanh xuân, thế nên mới viết thư thôi vợ.
Lúc này, cách phủ viện của Hồ Nguyên Trừng không xa, trong một ngôi lầu nhỏ ở thượng uyển, Chu Đệ đang ngồi thưởng trà một mình. Sau lưng y, một tên Xưởng Vệ đang quỳ một gối chờ được miễn lễ. Có lẽ y vừa bẩm báo gi đó với Vĩnh Lạc.
Chu Đệ nâng chén, cạn một nửa, đoạn nói:
“ Được rồi, quả nhân đã biết. Nhà ngươi làm tốt lắm. ”
Xưởng vệ nọ như kẻ được ân xá, vội vàng xin cáo lui.
Chỉ còn một mình trong khu vườn, Vĩnh Lạc đế chầm chậm nhắm mắt, thưởng hương trà thấm vào gan ruột. Nói đoạn bẵng đi một cái, sau lưng lão đã xuất hiện một tên thái giám già.
Cỏ không lay, cây không động, chẳng có lấy một âm thanh hay dấu hiệu gì. Lão thái giám già cứ như thể bỗng nhiên hiện ra từ không khí vậy.
Lão cất tiếng nói ồm ồm, lành lạnh:
“ Bệ hạ, tiểu tử kia tài võ không tệ, thiên hạ này e chỉ có mấy người khống chế nổi nó. Nay thả nó về nước, khác nào thả hổ về rừng? ”
Vĩnh Lạc đế không đáp, chỉ cười:
“ Lí khanh gia, khanh có phải đang thắc mắc tại sao trẫm lại dễ dãi với bọn An Nam như vậy? ”
Y ngừng một chốc, thấy tay thái giám vẫn im lặng, lại nói:
“ Lí đại nhân đây đường đường là quan cao nhất phẩm, xưa nay trẫm dùng khanh cũng vì khanh tài trí hơn người, thế mà lần này lại không đoán ra à? ”
Người nọ ngẩng đầu, té ra chính là cái lão Lí công công từng bị Gia Luật Sở Tài “ giết chết ”, tráo người của mình vào cung. Nay y chẳng những còn sống sờ sờ, tính tình còn khác hẳn, thật đúng là quái lạ.
Y bèn nói:
“ Đại quan đầu triều hay thái giám thì chẳng qua cũng chỉ là một thân phận. Bệ hạ thích ban thì thần được hưởng, thích thu lại thần cũng chẳng oán trách chi được. Nhưng thần nhớ rõ ràng hồi trước bệ hạ nói chuyện với Vương Sài Hồ, có nói kiếm Thuận Thiên là thật hay giả chẳng quan trọng, miễn là đám An Nam tin ấy là biểu tượng cho đế quyền là được. Tại sao nay lại đổi ý? ”
Vĩnh Lạc cười, đáp:
“ Nói đúng lắm. Thanh kiếm đó tuy đúng là báu vật có một không hai, nhưng thực chất là kiếm giả mà thôi. Thời Tần Triệu xưa, dân An Nam dùng chữ Khoa Đẩu, nay đã thất truyền chẳng còn ai đọc được. Trên kiếm thần há lại có chuyện có hai chữ “ Thuận Thiên ” như thế? ”
Lí công công bèn hỏi:
“ Vậy… bệ hạ cố tình thả tiểu tử kia ra, chẳng qua là đổ dầu vào lửa? ”
Chu Đệ cười gằn, nói:
“ Trẫm há lại không biết thằng nhóc này sẽ tráo trở, về nước đánh quân thiên triều ta? Ta muốn dùng Lê Trừng, đương nhiên sẽ không giết y. Cũng không thể tung quân giam lỏng chúng cả đời cho được. Nếu kiếm đã giả, chi bằng ta tương kế tựu kế? ”
Vĩnh Lạc đế đứng phắt dậy, phủi tay áo bào, ngẩng đầu lên không nói.
Lí công công bèn tiếp:
“ Thần đã hiểu. Thần sẽ cho người cố ý nói lộ ra cho tai mắt bọn An Nam biết, tiểu tử này cầm kiếm giả về giết sơn tặc Lam Sơn, sau đó mạo nhận làm thiên tử nước Nam, thần phục thiên triều ta vĩnh viễn. Nó đã từng có thời theo hai vị vương gia, lại có nghĩa huynh đệ với Liễu tướng quân. Tri nhân tri diện bất tri tâm. thế hẳn là đủ khiến đám giang hồ thảo mãng tin sái cổ. ”
Chu Đệ gật gù, cười:
“ Làm tốt lắm. ”
Lão thái giám Lí nọ lại quỳ gối, nói:
“ Tên thế thân của thần bị quân Mông Cổ giết hại, trà trộn vào triều ta, hẳn cũng là sắp xếp của bệ hạ. Tuy chỉ là con tốt thí, đã hết tác dụng, song cũng coi như chết vì xã tắc. Nay thần đã về triều, khẩn xin hoàng thượng thăng quan cho anh của y một bậc, coi như là an ủi. ”
“ Chút chuyện nhỏ này ngươi cứ tiền trảm hậu tấu là được. ”
Chu Đệ cười nhạt.
Chẳng là lúc bắt đầu khởi công Đại Vận Hà, lão đã cử thái giám thân tín là Lí công công rời cung. Để che mắt thiên hạ, đã tìm một thế thân cho y – là cậu em trong một đôi anh em song sinh, vốn là tử sĩ được nuôi dạy từ nhỏ, rất mực trung thành. Tráo người xong, Vĩnh Lạc cũng không trọng dụng gì tên thế thân nọ. Thành ra người này chức vị tuy cao, có thể biết vài chuyện cơ mật, song lại không quá thân cận với Vĩnh Lạc. Cả hậu cung đồn ầm lên chuyện lão ta thất sủng.
Vĩnh Lạc thấy thế, biết là tên thế thân nọ là mục tiêu béo bở cho bọn Gia Luật Sở Tài và Tửu Thôn đồng tử, bèn cho Xưởng vệ theo dõi thế thân của Lí công công nhất cử nhất động. Quả nhiên gian tế của Mông Cổ đã lấy thân phận của y, trà trộn vào cung.
Như thế, Chu Đệ chuyển từ bị động sang chủ động, Gia Luật Sở Tài và Tửu Thôn đồng tử tưởng là đã cài được tai mắt vào bên cạnh y, kì thực chỉ được biết những gì y muốn chúng biết. Đến khi thời cơ chín muồi, lại lợi dụng tên gian tế này, dẫn dụ Tửu Thôn đồng tử đến ám sát lão, mượn cớ thanh trừ quan lại cựu triều còn chống đối.
Vĩnh Lạc những tưởng võ công y ẩn giấu là đủ để trấn áp thích khách, nào ngờ Tửu Thôn đồng tử quá ư hung mãnh. May sao, lúc ấy Tạng Cẩu lại đến, giúp y kéo dài thời gian.
Sau khi cậu em chết, Vĩnh Lạc tiếp tục để người anh vào sắm vai Lí công công. Cái người hôm trước dẫn Tạng Cẩu vào cung là y, còn hôm nay Lí công công thật mới trở về. Trong hoàng cung thời xưa, chết một hai tên thái giám, dăm người cung nữ cũng khó mà có người biết được. Nhưng Vĩnh Lạc không muốn thế thân của Lí công công chết, đơn giản là giữ sẵn đường khôi phục thân phận cho tay thân tín của mình.
Thành thử, mới dùng người anh trong đôi song sinh.
Chuyện cũ chỉ có thế…
Nay, lại là chuyện mới.
Sự thực y để Tạng Cẩu về nước là muốn lợi dụng cậu chàng như cây gậy khuấy biển, làm nước Nam rối tinh rối mù, đấu đá lẫn nhau. Các lộ nghĩa binh vốn như đám bèo, nay càng thêm năm bè bảy mảng, nghi kị đối phương, khó mà quy về một mối, thờ chung một chủ.
Hà huống, kiếm Thuận Thiên về nước, nào có ai quan tâm là kiếm thật hay giả? Chỉ cần nó đại diện cho ngôi cửu ngũ chí tôn, tự khắc sẽ kiến các lộ nghĩa binh nước Nam tranh giành đấu đá đến sứt trán mẻ đầu. Qua vài năm, đợi quân Minh khôi phục, sẽ dùng thế lũ cuốn đất sạt, quét phăng hết các lộ nghĩa quân.
Chim nhiều thóc ít, mật ngọt chết ruồi…
Mặt khác, còn là để tách hai người Tạng Cẩu Phiêu Hương ra, không cho cùng tiến cùng lui như trước.
Lão đoán rằng lần này trở về, ắt hai người sẽ đi tìm Binh Thư Yếu Lược. Sách báu đã được cất giấu bấy lâu nay cũng không có tăm tích, nước Minh cướp được Đại Việt rồi mà vẫn chưa thấy anh hùng hào kiệt nào lấy ra dùng. Điều đó chứng tỏ muốn tìm được sách báu, có lẽ không đến nỗi khó khăn nghìn trùng như tìm kiếm Thuận Thiên, nhưng cũng tuyệt chẳng phải chuyện dễ dàng gì.
Giam lỏng Hồ Phiêu Hương, cũng như lấy đi khối óc của Tạng Cẩu vậy. Lại thêm chuyện li gián, võ lâm nước Nam nghi kị đuổi giết, e rằng cả đời cậu chàng cũng khó lòng tìm ra nổi sách Binh Thư Yếu Lược
Ấy cũng là một lí do tại sao lão thả Tạng Cẩu về nước.
[ Nó bị người nước Nam đuổi giết một hồi, tuyệt vọng sinh oán hận, sẽ dốc sức vì thiên triều cũng không chừng. ]
Chu Đệ nghĩ thầm, trong lúc thưởng thức hương trà còn lảng vảng mãi nơi cuống họng.
Rốt cuộc…
Sáng sớm một hôm nọ, Tạng Cẩu vai đeo gánh hành lí, trong ngực áo có túi gấm của Hồ Phiêu Hương. Nơi yên cương buộc thanh kiếm Thuận Thiên và đao Lĩnh Nam chung một chỗ.
Trước mặt là dòng Tần Hoài mênh mang, bóng thuyền đã loáng thoáng nơi đầu sóng. Cậu chàng bất giác ngoái đầu về phía phủ đệ của Hồ Nguyên Trừng một cái, nháy mắt biết bao ký ức ùa về.
Trong phủ đệ, Hồ Phiêu Hương chẳng thấy tăm hơi, chỉ có Nguyễn Phi Khanh và Lê Trừng chắp tay cùng sá về phương Nam, vừa để chia sầu, vừa chúc Tạng Cẩu bình an hoàn thành sứ mệnh. Bấy giờ, Nguyễn Phi Khanh lại quay sang:
“ Thế chú đã có dự định gì chưa? ”
Lê Trừng bèn đáp:
“ Chẳng giấu gì anh. Em thấy người bắc coi thường nước Nam ta, âu cũng vì dân họ nghĩ mình là hạng man di không có văn hiến thổ phong riêng. Lại hiếm có sách vở gì lưu truyền trong dân gian cho người ta biết về các nhân tài dị sĩ trong nước. Nay em muốn chép một sách, bằng Hán văn cho người Tàu đọc mà biết rằng nước Nam cũng là văn hiến chi bang chứ chẳng thua gì ai. ”
Nguyễn Phi Khanh vỗ vai, cười mà không nói không rằng.
Nói đoạn, Tạng Cẩu tế ngựa, chọn đường phóng ra ngoài thành. Đám binh sĩ thủ thành có buông lời trêu chọc đùa cợt, song cậu chàng chẳng tâm trạng đâu mà để ý tới chúng, thành ra được một lúc thì bọn này chán. Kiểm tra giấy thông hành xong, chúng cũng thả cho Tạng Cẩu đi.
Bấy giờ, một mình một ngựa trên quan đạo, cô phong thổi áo bào bay phần phật. Loáng thoáng bên tai là tiếng trăm họ chuyện trò, bàn tán rằng Liễu Thăng đã phá được quân hải tặc Bồng Lai ở phía đông. Tạng Cẩu lại nghĩ, biết đến bao giờ người nước Nam mới được như vậy, hào hứng kể cho nhau nghe chuyện đánh đuổi ngoại xâm?
Chẳng biết là bao lâu sau, nhưng nếu tìm được sách Binh Thư Yếu Lược, chắc chắn ngày thái bình sẽ sớm ngày quay lại với núi sông Đại Việt…
Thế là cậu chàng xiết bàn tay quanh chuôi kiếm Thuận Thiên, lòng quyết tâm càng thêm sắt đá. Tạng Cẩu tế ngựa, giục cương, tiếng vó ngựa khua rổn rảng như đang gieo vang trên đường lớn…
Hiệp khách ruổi ngựa về cố quốc, lòng vừa thương tâm lại vừa có hào khí cháy hừng hực, bỗng nhiên ngửa mặt mà ngâm thật to rằng:
“ Mãn giang hà xứ hưởng đông đinh,
Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình.
Nhất chủng Tiêu quan chinh phụ oán,
Tổng tương ly hận nhập thu thanh. ”
( Dịch nghĩa
Từ đâu vẳng đến khắp sông tiếng nện thình thình?
Trong đêm qua làm kinh động lòng khách trú lâu ngày ở đây
(Như) một nỗi ta thán của người chinh phụ có chồng đang ở chốn Tiêu quan
Cả một niềm ly hận như thấm vào tiếng thu
Dịch thơ:
Tiếng nện thình thình khắp sông khơi,
Trăng đêm lữ thứ não dạ người.
Oán lòng chinh phụ sầu quan ải,
Đong đầy ly hận tiếng thu rơi.
Thôn Xá Thu Châm – Nguyễn Trãi, bản dịch của Viên Thông tại thivien.net )
Tựa như chưa đủ nói hết tâm tình trong dạ, cậu chàng lại vận công khởi kình, tiếng ngâm nga vang khắp cả mấy dặm đường đất, vó ngựa chẳng sao át đi nổi:
“ Sinh thế na kham tiện trượng phu,
Ly khâm nhẫn đới lệ ngân khô.
Nhật trầm Kiến Lĩnh minh đầu quán,
Tuyết tễ Trường Châu thự giới đồ.
Thiên địa vị dung tư đạo xả,
Giang sơn khẳng ngoại thử thân cô.
Minh thời thảng hiệu hào phân bổ,
Vạn lý ninh từ ngã bộc phu. ”
( Dịch nghĩa:
Sống trên đời chịu sao được tiếng trượng phu hèn,
Vạt áo chia ly đành mang theo ngấn lệ khô.
Mặt trời lặn trên Kiến Lĩnh, nhá nhem tìm quán trọ,
Tuyết ráo đất Trường Châu, tảng sáng đậy dò đường.
Trời đất chưa nở để đạo này bị xoá bỏ,
Non sông cũng chưa bỏ ra rìa tấm thân cô đơn này.
Ví chăng có gắng gỏi báo đáp được mảy may nào cho đời thịnh,
Đường đi vạn dặm, dù thầy tớ mệt nhoài, đâu dám từ nan.
Dịch thơ:
Tiếng trượng phu hèn khó nuốt trôi
Chia ly vạt áo lệ khô rồi
Chiều buông Kiến Lĩnh tìm nơi trọ
Tuyết dứt Trường Châu sớm bước thôi
Trời đất đạo này chưa vứt bỏ
Non sông thân độc vẫn dùng tôi
Đáp đền gắng gỏi đời thêm thịnh
Vạn dặm ngại đâu mệt rã rời.
Khách Lộ - Nguyễn Phi Khanh, bản dịch của Nguyễn Văn Dũng Vicar, thivien.net)
Phương xa, lại có hai ông già, một lão đạo ăn bận lôi thôi, một ông già mặc áo sờn thắt đai cỏ nhưng sạch sẽ chỉnh tề. Họ nói với nhau mấy lời, nhưng tiếng vó ngựa vang rền, nên không nghe rõ…
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]