Giai nhân tóc xõa ngang lưng, một vạt hoàng hôn đổ nghiêng trên vai áo màu tử cúc (1). Nắng như ngủ quên trên nét mi dài trầm tư, nhuộm hồng cả gò má, đến khay nước trên bàn cũng sóng sánh ánh chiều. Một thoáng tay áo phất lên, chín giọt màu rơi tí tách xuống mặt nước rồi chầm chậm loang ra thành chín cánh hoa đỏ rực. Chiếc khay nhỏ đầy nắng, nắng lan theo những vệt cong uyển chuyển dưới ngọn bút tre... từng nét, từng nét, cho đến khi một đóa mẫu đơn diễm lệ bừng nở giữa làn nước.
Hai tiểu cung nữ nhanh nhẹn tiến lại, vuốt phẳng một vuông lụa trắng muốt rồi cẩn thận căng lên trên khay. Khi sắc đỏ kiêu sa thẫm dần trên mặt lụa, chúng ta còn nhìn rõ lớp lớp cánh hoa bồng bềnh như đang tắm trong gió sớm. Hết thảy mọi người đều kinh ngạc không thốt nên lời.
- Thủy ấn họa (2) bắt nguồn từ nước Xích Hạc, tính đến nay đã có lịch sử hơn năm mươi năm. Tranh thủy ấn vốn chưa phổ biến ở Bách Phượng, dùng để chúc thọ Lão Phật Gia có lẽ không bị xem là quá tầm thường.
Bạch Diệu Hoa vừa giải thích, vừa thong thả treo mảnh lụa vừa vẽ lên chiếc giá gỗ bên cửa sổ. Đóa mẫu đơn rộ sắc trong nắng chiều, khiến một kẻ ù ù cạc cạc về hội họa như ta cũng phải ngắm đến mê mẩn.
Phong Thể Minh chạy ngay lại gần, đôi mắt xinh đẹp như dán vào tác phẩm của Bạch Diệu Hoa. Nàng buột miệng trầm trồ:
- Chỉ vẩy vẩy vài giọt màu lên nước, sau đó đặt một tấm vải lên... thế mà lại hóa thành bức họa đẹp như vậy. Bạch tiểu nghi giỏi quá!
Phong Thể Minh nói xong còn hào hứng vỗ vỗ vai Bạch Diệu Hoa mấy cái, khiến ta suýt phì cười.
Bạch Diệu Hoa khiêm nhường đáp:
- Cũng không có gì ghê gớm. Chỉ là thuở nhỏ thiếp được một vị danh sư người Xích Hạc đích thân chỉ dạy, ngày thường cũng rảnh rỗi nên luyện tập qua loa cho đỡ buồn. Không ngờ chút tài vặt này lại giúp ích được cho mọi người.
Tuy nàng nói vậy nhưng ta biết rõ, thủy ấn họa đâu phải cứ luyện tập chăm chỉ là được. Vẽ tranh trên giấy, trên lụa, trên gốm đã khó, vẽ trên nước lại càng không đơn giản. Từng nét bút gần như phải chuẩn xác tuyệt đối, chỉ cần lệch đi vài li là hình vẽ sẽ méo mó loang lổ, phải thay nước vẽ lại từ đầu. Thế nhưng, cái hồn của thủy ấn họa không chỉ nằm ở sự kì công tỉ mỉ mà còn phụ thuộc vào óc sáng tạo của họa sư. Nếu không phải kẻ có năng khiếu thiên bẩm thì cùng lắm chỉ tô đi tô lại vài cánh chim, bông hoa, đám mây... theo khuôn mẫu sẵn có, chẳng thể tạo nên tuyệt phẩm Bản thân ta chỉ tình cờ biết đến thủy ấn họa qua lời kể của Tạ Thu Dung khi trước. Ở đất Bách Phượng, ngoài Tạ Thu Dung ra chắc cũng chỉ có vài lão họa sư thuần thục với dòng tranh này. Ai có thể ngờ một phi tần mờ nhạt lại chấp bút vẽ nên một bức thủy ấn họa sống động nhường ấy?
Ta lặng nhìn đóa mẫu đơn kia một hồi, lại nhìn sang Bạch Diệu Hoa mà lòng chợt xót xa. Hoàng đế yêu thích thư họa đến mức nào, hậu cung có ai là không biết đâu? Dựa vào dung mạo cùng gia thế của Bạch Diệu Hoa, nếu nàng dùng thủy ấn họa tranh sủng, chiếm một chỗ trong hàng tứ phi không phải là chuyện quá khó khăn. Kể cả hoàng hậu cũng khinh thường Bạch Diệu Hoa vô dụng không biết tranh đấu, có ai ngờ chính nàng mới khinh thường chuyện hậu cung đấu đá nhơ bẩn, một lòng chỉ muốn tìm sự bình yên.
Tài hoa bậc này, nếu không vì giữ thể diện cho ta, có lẽ cả đời Bạch Diệu Hoa cũng chẳng bộc lộ ra ngoài.
- Việc biểu diễn trong thọ yến sắp tới, xem ra phải nhờ muội thay Cẩm Tước cung đảm đương rồi.
Ta nở nụ cười với Bạch Diệu Hoa rồi nhìn sang phía Tô Nhược. Thấy nàng ta ghen tức đến á khẩu, ta bèn thong thả nói tiếp:
- Từ ngày mai, muội hãy chuyên tâm luyện tập. Tỷ sẽ thông báo với người trong cung không được đến làm phiền muội.
Bạch Diệu Hoa gật đầu, khẽ đáp:
- Tỷ tỷ yên tâm.
Phong Thể Minh cũng hết lòng ủng hộ:
- Chúc thọ Lão Phật Gia, tất phải dùng đến đồ tốt nhất. Chỗ Thể Minh còn hai cuộn lụa trắng. Lát nữa Thể Minh sẽ mang sang cho Bạch tiểu nghi luyện tập.
Tài nghệ của Bạch Diệu Hoa kết hợp với tơ lụa thượng hạng của Phong tộc. Cẩm Tước cung chúng ta xem ra không còn lép vế nữa rồi.
Mục đích của Triệu Lam Kiều rốt cuộc là gì, ta không đoán được. Nhưng thọ yến lần này chưa chắc đã là chuyện xấu. Để Bạch Diệu Hoa có cơ hội biểu diễn tài năng, biết đâu hoàng đế sẽ vì mến tài mà thăng cho nàng vài bậc. Cầm nghệ và thư pháp tuy tinh tế nhưng không quá mới lạ, so ra thì thủy ấn họa vẫn nổi bật hơn nhiều. Nếu được như ý, chẳng những là chuyện tốt đối với Bạch Diệu Hoa mà cả Cẩm Tước cung cũng lời ngàn lượng hoàng kim.
Đại sự trước mắt đã thu xếp xong, tâm tình ta tốt hẳn lên. Buổi tối hôm ấy, ta quyết định ngủ sớm một chút. Tô Nhược đã được thăng lên hàng ngũ phẩm, có nghĩa là từ ngày mai nàng ta sẽ phải đi Triêu Lan cung thỉnh an. Đám phi tần kia đang chướng mắt Tô Nhược mà nàng ta vốn cũng chẳng biết điều, không biết đến sẽ xảy ra chuyện xấu mặt gì. Thôi thì ta cứ ngủ sớm chuẩn bị tinh thần là hơn.
Lo xa như thế, vậy mà vẫn không được yên thân. Ta vừa ngả lưng được chốc lát đã nghe tiếng người đẩy cửa bước vào. Tiếng chân này ta nghe đã quen tai. Cứ nghĩ đến lúc hắn đang ngủ ngáy khò khò ở nơi nào đó, còn Ngọc Nga của ta phải thức giấc giữ đèn cháy suốt đêm, trong lòng ta lại bực bội. Vậy nên, mặc kệ hắn rón rén đi vào, rón rén cởi áo, lại rón rén nằm ghé lên giường, ta vẫn cứ quay mặt vào tường vờ ngủ.
Ta có tật thích nằm ở giữa giường, lệch về phía ngoài, khiến cho phần giường còn lại chẳng dư ra là bao. Hoàng đế sợ đánh thức ta nên nằm im thin thít, đến thở cũng không dám thở mạnh. Cục phiền toái mang tên Tô Nhược kia là do hoàng đế trao tận tay ta, ta không đẩy đi đâu được, lòng vẫn luôn ấm ức. Nhất thời, trong đầu ta nảy ra suy nghĩ sẽ cho hoàng đế nằm cheo leo suốt đêm cho hả giận. Chủ nhân của thiên hạ rộng lớn này lại chỉ có một mẩu giường để ngủ, không biết dáng vẻ sẽ như thế nào?
Ta định cứ thế mà ngủ, nhưng lòng hiếu kì chợt dâng trào, chỉ muốn quay lại ngó nghiêng dáng nằm khổ sở của hắn một lần. Chừng nửa canh giờ trôi qua, nghe nhịp thở đều đều của hoàng đế, ta đoán hắn đã ngủ rồi nên mới nhẹ nhàng trở mình. Hoàng đế nằm nghiêng sát phía sau ta, cả chỗ để tay cũng không có, phải khoanh sát trước ngực. Có lẽ chỉ cần hắn động đậy một chút là sẽ rớt xuống đất ngay. Ta chớp chớp mắt. Có nên vờ ngủ mớ rồi đẩy hắn ngã lăn queo không nhỉ? Nhưng âm mưu chưa thành thì hoàng đế bỗng mở mắt, nhìn ta nhếch môi cười:
- Quả nhiên nàng chưa ngủ.
Ta giật bắn mình, vội vàng xoay lưng lại nhưng hoàng đế đã nhanh tay ôm chặt lấy ta.
- Thiếp ngủ rồi, hoàng thượng nằm mơ thôi.
Ta nhắm chặt mắt.
- Nàng định để trẫm nằm thế này đến sáng thật à? Nhẫn tâm quá!
Hoàng đế cười ha hả. Dường như hắn đã đoán được ý định ám toán thiên tử của ta, bèn ôm ta lăn hẳn vào trong.
Ta bĩu môi, làm bộ hờn dỗi đáp:
- Thiếp đâu biết tối nay hoàng thượng có ngủ quên ở chốn bồng lai tiên cảnh nào không? Nghe tiếng chân hoàng thượng, thiếp còn tưởng mình nằm mơ ấy chứ.
Hoàng đế cau mày, chẳng biết hắn định nói gì rồi lại chỉ thở dài, hai cánh tay đang bao bọc lấy ta càng siết chặt hơn. Mãi lâu sau mới nghe thấy giọng nói của hắn khe khẽ vang lên bên tai ta:
- Bánh Bao giận ta rồi à?
Ta nghiêng đầu, tránh đi hơi thở nhột nhạt bên cổ:
- Đương nhiên là giận...
Hoàng đế cúi đầu, khẽ khàng đặt một nụ hôn lên cổ ta:
- Đừng giận nữa. Đêm qua ta ngủ thẳng đến sáng, không có làm chuyện không nên làm...
Thật không ngờ cũng có lúc ta được nghe hoàng đế nài nỉ mình như thế. Vẻ mặt ăn năn của hắn đáng thương đến mức ta không vờ vĩnh nổi nữa, đành mím môi cười:
- Thiếp không giận A Tiếu...
- Thật không? – Hoàng Đế thở phào nhẹ nhõm, nhưng như chợt nhớ ra điều gì, lập tức hỏi lại - Ban nãy rõ ràng nàng vừa nói giận cơ mà? Nếu giận thì nhất định phải nói ra, không được để trong lòng.
Ta tựa trán lên ngực hắn, bình thản đáp:
- Đúng là thiếp rất giận, nhưng là giận Tô Nhược. Sức khỏe của người không tốt, lại vừa trải qua trọng bệnh, cả hậu cung ai lại không biết? Nàng ta muốn tranh sủng thế nào chẳng được? Sao dám dùng loại hương mê mạnh như vậy? Nếu lỡ ảnh hưởng đến long thể thì nàng ta có bao nhiêu cái mạng cũng không đền đủ tội. Nàng ta ngu xuẩn thì thôi, nhưng lại cả gan làm ra chuyện nguy hiểm đến A Tiếu của thiếp, thiếp sao có thể không nổi giận?
May cho Tô Nhược, thân thể hoàng đế điều dưỡng lâu nay đã khá lên nhiều, hương mê kia không đến nỗi nguy hại tới hắn. Giả sử như trước kia, khi hắn còn bị độc chất khống chế, hít phải loại mê dược mạnh như vậy e rằng không chống chọi nổi. Nghĩ đến đây, ta lại giận đến lạnh người.
Hoàng đế im lặng nghe ta nói xong, nhẹ nhàng vỗ về lưng ta:
- Thì ra là vậy... Đừng giận nữa... Đều tại ta sơ hở, không nghĩ Tô thị lại liều lĩnh đến mức này. Về sau sẽ không để nàng ta có cơ hội làm càn nữa.
Ta phì cười, nhéo ngực hắn một cái:
- Cái gì mà làm càn? Tô sung hoa là phi tần của hoàng thượng cơ mà? Hoàng thượng người sao có thể bỏ bê nàng chứ?!
Hoàng đế biết ta cố ý trêu hắn, bèn chụp lấy tay ta không cho phá phách nữa, giọng lộ vẻ chán chường:
- Đừng nhắc đến nàng ta nữa. Mỗi lần nghe Lý Thọ thông báo Tô thị cầu kiến, ta chỉ muốn bỏ chạy thôi.
Nhắc tới Tô Nhược, trong đầu ta liền hiện lên hình ảnh nàng ta xuân tình phơi phới, nhảy nhót quay cuồng ban chiều, lòng chợt thắc mắc không biết hoàng đế mà nhìn thấy cảnh đó thì sẽ có biểu cảm gì.
Chỉ nghĩ đến thôi ta đã không nhịn được cười.
Hoàng đế thấy ta cười, liền tức giận luồn tay vào trong áo cù lét ta không thương tiếc:
- Còn dám cười nữa à?
Người ta bẩm sinh dễ bị nhột, cho nên sợ nhất là cù lét. Ban nãy hoàng đế đã đẩy ta vào sát góc giường, giãy dụa thế nào cũng không trốn đi đâu được. Ta cười đến hụt cả hơi, đành phải đầu hàng:
- Thôi được rồi... Thiếp không dám cười nữa...
Hoàng đế trị được ta thì lấy làm hài lòng lắm. Hắn vênh mặt nói:
- Như vậy mới phải.
Bàn tay hắn trượt khỏi hông ta, lặng lẽ dừng lại nơi vùng bụng bằng phẳng. Bóng tối mờ mờ bao phủ không gian, làm ta không nhìn rõ được vẻ mặt của hoàng đế, chẳng biết hắn đang nghĩ gì.
Không để ta phải đoán già đoán non, hoàng đế đã nói tiếp:
- Nàng nói xem, con của chúng ta sau này sẽ giống nàng hay giống ta?
Ta đâu nghĩ hắn lại nhắc tới chuyện này, buột miệng đáp:
- Thiếp nghe nói con gái giống phụ thân, con trai giống mẫu thân...
Đoạn, ta bỗng ngộ ra vì sao mẫu thân ta tài sắc vẹn toàn mà ta lại tầm thường vô dụng như thế. Rõ ràng là tại phụ hoàng.
Nghĩ vậy, ta lập tức chữa lại ngay:
- Nhưng con chúng ta vẫn nên giống phụ thân hết thì hơn. Nhất là con gái, lỡ như giống thiếp lại không gả đi được thì khổ.
Hoàng đế chưa nghe hết câu đã cười chảy cả nước mắt. Hắn cụng trán vào trán ta một cái, vờ mắng:
- Giống nàng thì có gì không tốt? Dù gì nàng cũng gả được cho mối tốt đấy thôi.
Cứ ngỡ hắn muốn an ủi ta, thì ra là tự tâng bốc bản thân. Thực không biết xấu hổ mà.
Hoàng đế cười thỏa thích rồi mới trịnh trọng nói:
- Nàng không cần phải lo. Con gái của chúng ta đương nhiên phải gả vào nhà tốt nhất. Lão già Đới Thụy vừa mới được bế đích tôn hồi tháng trước. Ta đã dặn lão tuyệt đối không được tùy tiện hứa hôn với nhà ai. Đới thị đã có đến mấy đời trung thần, công chúa hoàng gia gả vào nhà ấy chắc chắn không sai.
Sau lần dâng tấu can gián không thành, nghe nói Đới Thụy đã từ quan về quê dưỡng già, vậy mà vẫn liên lạc với hoàng đế. Màn kịch hoành tráng như vậy, không rõ là diễn cho ai xem.
Chẳng qua, những chuyện chính sự cũng không liên quan đến ta, ta nghe tai này rồi lại trôi qua tai kia ngay thôi. Chỉ có lời nói nghiêm túc của hoàng đế là khiến ta lay động. Ta không dám đùa nữa, cũng nghiêm túc hỏi lại:
- Thế nếu là con trai thì sao?
Hoàng đế mỉm cười đắc ý, đáp ngay:
- Nếu là con trai thì cưới con gái Nhan thị làm chính thê. Nhan thị là dòng dõi thư hương, thanh danh lừng lẫy. Nữ thi hào Nhan Uyển Quân tiếng tăm hơn trăm năm trước chẳng phải cũng xuất thân từ họ Nhan đấy sao? Con gái Nhan thị giáo dưỡng tốt, không lo làm mất thể diện hoàng gia. Đích tôn Nhan thị vừa mới thành niên, ta đã chỉ hôn cho hắn một nữ nhân đức hạnh, xuất thân trong sạch. Sau này khi nào cần đến thì lệnh cho bọn họ sinh một đứa con gái thanh tú một chút là được.
Con người ta có phải gà vịt đâu? Muốn sinh con là sinh được con ngay ư? Hoàng đế cũng ép người quá đáng rồi.
Ta thở dài trong lòng nhưng nào dám nói ra. Vẻ mặt đắc ý của hắn trông thực dễ ghét, ta nhịn không được lại phải trêu một câu:
- Con gái Nhan thị tốt như thế, sao trong hậu cung không có người nào?
Hoàng đế nhún vai, thản nhiên đáp:
- Khi ta kế vị, người con gái nhỏ tuổi nhất cũng đã bốn mươi.
_____
Chú thích:
(1) Tử cúc: Hoa cúc tím
(2) Thủy ấn họa (marbling arts): Thủy ấn họa xuất hiện ở Đông Á từ khoảng thế kỷ 10 và ở Trung Á – Tây Á từ thế kỷ 15. Đây là phương pháp vẽ tranh trên nước rồi in hình lên giấy hoặc lụa, lợi dụng sự mềm mại của nước để tạo nên các hoa văn đặc sắc, uốn lượn sinh động.
Thủy ấn họa được cho là xuất hiện khá sớm ở Nhật Bản và Trung Quốc, tuy nhiên không có nhiều tài liệu ghi chép về kỹ thuật vẽ thủy ấn ở hai quốc gia này. Còn theo phong cách Trung Á – Tây Á (như ở Thổ Nhĩ Kỳ),người vẽ phải chuẩn bị một khay nước lớn có pha sẵn keo hoàng kỳ, keo qua nhĩ, keo khổ đậu, keo lanh... Các loại keo này có tác dụng làm nước sệt lại và nặng hơn, giữ cho màu nổi trên mặt nước và khó bị trôi đi. Khi vẽ, họa sĩ dùng rơm cao lương hoặc lông ngựa để vẩy màu lên mặt nước, sau đó dùng tay, que tre, bút trâm, cào, lược... để tạo hình hoa văn. Cuối cùng, mảng tranh trên nước được in lên giấy hoặc lụa rồi phơi khô.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]