Chương trước
Chương sau
Sau một buổi sáng đi chơi gặp gỡ ôn lại kỷ niệm thời cấp 3 với đám thằng Minh, Quyền không trở về nhà mà đi tới trường cấp 2 khi trước nó học.

Hôm nay là thứ 7, học sinh vẫn đang học nên Quyền không vào trường được, nó chỉ lang thang đi bên xung quanh phía bên ngoài trường. Quyền thơ thẩn đi từng bước một, đầu óc nó đang trong tình trạng kỳ lạ, không chủ động suy nghĩ điều gì nhưng nhiều cảnh tượng quá khứ lại liên tục xuất hiện bất ngờ như những con đom đóm mùa hè từ trong các bụi cây bay ra choáng ngợp cả bầu trời như ký ức tuổi thơ ở quê của nó.

Quyền chợt nhớ lại về những chuyện đã từng diễn ra trước kia với vẻ bồi hồi, có ngọt ngào nhưng cũng mang vị đắng đan xen.

Quyền có một tuổi thơ tuyệt vời như trong bộ sách giáo khoa ngày trước. Bắn bi, đánh khăng, đánh trận giả,... là những trò mà tuổi thơ không internet của Quyền được chơi hết thảy. Tuổi thơ của Quyền tràn ngập tiếng cười cùng chúng bạn. Ngày ấy dù hay bị bố mẹ cho ăn đòn vì mải chơi và nghịch bẩn, nhưng có đồng bọn cũng chịu trận cùng, dù đau mông nhưng Quyền vẫn vui vẻ hạnh phúc. Khi ấy Quyền còn là con một, là con đầu lòng nên mọi sự yêu thương, quan tâm của bố mẹ đều dành cho nó. Dù rằng ngày đó nhà Quyền vẫn còn nghèo, vẫn phải ở trọ và phương pháp dạy con của bố mẹ nó có nghiêm khắc, nhưng thằng bé vẫn là người được hưởng mọi điều tốt đẹp nhất. Gia đình Quyền khi ấy vẫn vô cùng đầm ấm, tựa như ngọn lửa ấm áp rực cháy trong đêm.

Nhưng rồi cái không khí ấy cũng chẳng duy trì được lâu khi Quyền lên lớp 3 thì bố mẹ nó sinh đứa em thứ. Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Mẹ Quyền là giáo viên cấp 2, còn bố thì làm công chức Nhà nước. Nếu như trước đây ở quê với mức lương mà bố mẹ nó được trả hàng tháng, cộng thêm với việc vay mượn họ hàng, vay ngân hàng thì cũng cố xây được một căn nhà nhỏ rồi cũng nhau cố gắng trả nợ. Nhưng bố mẹ Quyền thấy như vậy rất bế tắc, hai anh em của Quyền cũng sẽ khó có tương lai với tiềm lực gia đình như vậy nên khi Quyền học hết lớp 5, nhà nó đã chuyển từ quê lên Hà Nội với hy vọng sẽ kiếm được công việc lương cao hơn, có khả năng phát triển ở thủ đô.

Vào buổi sáng sớm mùa hè năm ấy, Quyền nước mắt ngắn nước mắt dài chia tay đám bạn từ thuở tập đi để lên nơi phố thị đèn đường không bao giờ tắt. Mấy đứa nhỏ chạy tới tiễn nhà Quyền đi, chúng nó mang cả những thức quà quê để Quyền mang lên xe ăn cho đỡ buồn, để Quyền không quên đi quê hương và đám bạn ở đó. Quyền khóc mãi từ lúc dọn món đồ cuối cùng lên xe, lúc chia tay làng xóm bạn bè nó càng khóc tợn, rồi khóc rưng rức trên cả chuyến đi. Chiếc xe khách mang Quyền đi xa khỏi nơi gắn bó với nó từ bé, để lại làn khói bụi mù phía sau cùng bao kỷ niệm giờ đây chỉ còn trong hồi ức. Đến tận khi đến nơi trọ mới, nằm ngủ cạnh bố mẹ và em gái trên chiếc giường trong căn phòng trọ 15m2, dù đã cố kìm nén vẫn nghe tiếng thằng bé khóc thút thít nấc lên từng hồi nghẹn lại nơi cổ họng trong chiếc chăn mỏng mà nó trốn trong đó.

Vì có thêm một đứa con chỉ mới 2 tuổi, tiền sữa, tiền thuốc men, tiền nhà,... Đủ thứ trên đời. Đứa con lớn lại mới vào cấp 2 cần rất nhiều khoản chi tiêu. Nên để nuôi được nhà có bốn miệng ăn, lại vừa mới lên thành phố lạ nước lạ cái nên hầu như bố mẹ Quyền chỉ có thể tập trung chăm sóc cho đứa em nhỏ mà không còn quan tâm nó như ngày trước nữa. Theo như lời người lớn hay trêu Quyền thì thằng bé chính thức "ra rìa". Tuy còn bé, nhưng nhìn bố mẹ sáng đi tối về, bận bịu tối mặt tối mày, chỉ kịp chăm em nên Quyền hiểu chuyện rất sớm. Nó không đòi hỏi điều gì và cũng không tâm sự với bố mẹ để tránh bố mẹ thêm phiền não. Ngày đầu đi học ở trường, bố đưa Quyền đến cổng trường cho nó khỏi tủi thân rồi cũng vội phóng xe đi cho kịp giờ làm. Quyền lầm lũi bước vào cánh cổng trường đang mở chào đón học sinh, cũng như mở ra một trang mới trong cuộc sống của nó.

Quyền đi học cấp 2 ở một môi trường hoàn toàn mới lạ, khác xa với những gì nó đã từng trải qua ở miền quê tuổi nhỏ.

Ở đây các bạn ăn mặc nhìn đẹp quá, toàn đồ mới, xịn. Áo trắng tinh tươm như phát sáng, khác hoàn toàn với màu áo vàng vàng cũ cũ mà nó đang vận trên người. Quần với váy đồng phục của các bạn cũng đẹp, thẳng thớm mới toanh chứ không như cái quần bạc màu, phần đầu gối còn vá lại mấy lỗ rách của nó. Đồ của Quyền hầu như là xài lại của hồi cấp 1 chứ chưa được mua mới, may mà người Quyền bé nên mặc vẫn vừa. Quyền nhìn thấy xung quanh như vậy thì tủi thân lắm, nhưng nghĩ đến bố mẹ vất vả, nhà thỉnh thoảng còn bữa đói bữa no nên nó vẫn tạm hài lòng với những gì mình đang có.

Nhưng người ta nói nghèo thì thường đi liền với khổ, và câu nói này ứng nghiệm lên người Quyền đúng không sai một ly.

Ngày đầu tiên đi học, Quyền cũng hồ hởi bắt chuyện với các bạn mới trong lớp như cách mà nó vẫn làm thân với đám bạn ở quê. Quyền chạy lại vỗ vai, chủ động bắt tay bá cổ với cậu bạn cùng bàn, khuôn mặt thằng bé cười tươi tít mắt chìa tay ra với đứa đó. Nhưng đáp lại vẻ mặt chờ mong của Quyền chỉ có ánh mắt gườm gườm xa cách cùng cái bĩu môi khinh thường:

- Eo nhìn thằng này bẩn thế? Tránh xa tao ra.

Nụ cười của Quyền đơ cứng, và mặt nó tái xanh như phải gió độc.

Mấy đứa cùng lớp thấy thế thì cũng quay sang nhìn về chỗ của Quyền, rồi chúng nó cười phá lên:

- Ê thằng nhà quê nào đây? Nhìn buồn cười quá chúng mày ơi. Ê Chung, mày ngồi cùng bàn với nó à? Đã thế!

Chung nghe vậy thì mặt mày xám xịt, nó chạy lên bàn giáo viên nói to:

- Cô ơi con muốn đổi chỗ, con không thích ngồi với thằng kia đâu.

- Nào. Bạn có làm gì con đâu mà con không chịu ngồi cùng bạn thế. Bạn bè phải hòa đồng giúp đỡ nhau chứ con.

- Con không chịu đâu. Cô phải đổi chỗ cho con cơ.

Quyền đứng lặng người một mình ở cái bàn giữa lớp, mặt nó méo xệch đi, hai hốc mắt nó nóng bừng, đau rát. Nó thấy mũi mình nghẹn lại, hít thở khó khăn. Và rồi thằng bé len lén chạy ra ngoài, đi đến sau lớp học ngồi gục xuống bó gối ôm chân khóc.

"Sao lại thế? Mình đã làm gì sai? Sao các bạn không chơi với mình giống bạn mình ở quê thế?". Trong suy nghĩ non nớt của đứa bé, Quyền chỉ có thể hoang mang khóc vì không hiểu chuyện gì xảy ra.

Một lúc sau, Quyền chùi sạch nước mắt rồi đi vào thì thấy cô đang phân lại chỗ ngồi cho lớp, nhưng đến lượt Quyền thì không ai chịu ngồi chung vì nhìn quần áo Quyền cũ kỹ, chắc là kiểu nghèo khổ ở bẩn.

Sau một lúc mãi không tìm được ai chịu ngồi cùng Quyền vì có những đứa thà ngồi một bàn bốn năm người chật chội chứ không chịu ngồi chung với nó. Thế là cuối cùng một mình Quyền ngồi một góc trong lớp, ngoài rìa là hai bạn khác cố tránh xa nó hết mức có thể.

Từ đây mở ra một thời kỳ đen tối trong lịch sử cuộc đời của một đứa trẻ chỉ mới 11 tuổi.

Quyền biến thành trò tiêu khiển, là tâm điểm trêu ghẹo và bắt nạt của lớp.

Người Quyền nhỏ con, đen nhẻm và gầy gò, mặc bộ đồng phục trên người như cái bao bố rộng thùng thình. Mặt Quyền ngơ ngác và luôn mang một vẻ lầm lũi như con chuột chũi bé nhỏ bị bỏ vào một góc hang. Càng nhìn càng thấy ngu ngơ ngốc nghếch, mang đủ đặc điểm điển hình của mấy đứa hay bị bọn bắt nạt nhắm vào.

Bất kỳ thứ gì thằng bé mặc trên người khi đi học đều bị săm soi giá cả, mẫu mã, chất lượng. Những đồ dùng học tập của nó cũng bị trêu là đồ nhái, đồ dởm, đồ dùng lại vì nhìn không được mới và đôi chỗ có vết nứt, vết xước. Sách mà thằng bé dùng để học cũng là sách được anh chị trong nhà truyền lại, đã qua tay nhiều thế hệ và có thêm ghi chú nên không được mới cứng thơm mùi giấy như của các bạn khác mà mang mùi bụi của thời gian.

Quyền không được coi là cùng đẳng cấp với những đứa khác. Biệt danh "đồ nhà quê", "thứ con nhà nghèo" của Quyền cũng ra đời kể từ đó.

Có lẽ như việc chọc ngoáy Quyền là chưa đủ, có những đứa còn chơi trò giấu sách giấu giày dép của thằng bé đi, hay vẽ bậy ra sách của thằng bé với lý do "Sách mày đằng nào cũng cũ rồi thì tao có vẽ thêm lên tí cũng chẳng sao đâu nhỉ? Tao đang trang trí cho nó mà. Mày còn phải cảm ơn tao đấy.". Quyền giằng lại thì cuốn sách bị rách đi vài trang bay tá lả xuống sàn lớp. Quyền tức lắm nhưng không làm gì được, giọt nước mắt thằng bé lăn dài trên má. Nó bất lực, chỉ có thể kìm nén tiếng khóc rồi ngồi xuống nhặt lại những trang sách xếp gọn lại vào cuốn sách theo thứ tự ban đầu trong tiếng cười đùa của bạn cùng lớp:

- Eo ơi! Con trai con đứa mà hở tí là khóc nhè. Lêu lêu đồ khóc nhè.

Tiếng cười của những đứa trẻ ngây ngô không biết gì đó làm Quyền ám ảnh đến tận trong giấc ngủ. Quyền chợt nhận ra, không còn bạn nào muốn chơi với nó vui vẻ vô tư như những người bạn thời thơ ấu nữa. Mỗi buổi đêm, bố mẹ thấy Quyền ôm chặt cặp sách vào trong lòng thì lại cảm thấy vui vì nghĩ rằng con trai mình chăm chỉ học hành không phụ lòng cha mẹ.

Quyền thông minh, lại học giỏi từ bé. Nó vốn là một đứa ham học, nhưng từ việc bị trêu chọc và bắt nạt trên lớp làm nó sợ hãi và tự ti không dám lên trường. Nó không dám mách bố mẹ vì nó biết có mách cũng chẳng giải quyết được, lại làm bố mẹ phiền não. Mỗi lần muốn nói suy nghĩ đó ra, nó lại thấy hình ảnh bố mẹ cặm cụi đi sớm về khuya thì lại thôi. Bố mẹ nó vất vả đi làm nuôi hai anh em, chẳng lẽ có chuyện bé tí như này mà mình không chịu được hay sao? Nghĩ thế nên dù ghét việc đi học trên lớp, nhưng Quyền không vắng một buổi nào, vẫn chăm chỉ học tập, cố gắng để ngoài tai mọi sự trêu chọc. Quyền nghĩ chỉ cần nó làm lơ, không động chạm gì đến bọn kia nữa thì chúng nó cũng sẽ tha cho thằng bé thôi. Chỉ cần nhịn xuống là được.

Nhưng Quyền không biết có một đạo lý trên đời là càng nhịn thì càng bị chèn ép. Như việc những năm 1940, 1945, nước ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Quyền cũng ở trong tình cảnh như thế.

Việc Quyền biến thành trò tiêu khiển, là nơi xả cơn tức, sự không vui của mấy đứa bắt nạt nó chưa bao giờ dừng mà ngày càng có dấu hiệu tăng lên và càng lúc càng quá đáng.

Trong một buổi tập thể dục của lớp 6 là tập cầu lông, lớp Quyền là lớp 6A6, học chung buổi với 6A3.

Hôm ấy Quyền tập cầu lông chung với một đứa trong lớp. Thằng này tập nhưng liên tục đánh cầu lông chệch hướng, đánh ra ngoài sân để bắt Quyền đi nhặt. Gần đó là một đám tụm lại chơi đá cầu với nhau, mấy đứa trong nhóm đó hay đá lệch cầu về phía Quyền đang đứng rồi gọi thằng bé nhặt. Quyền chỉ nhặt cho lần 1, lần 2. Nhưng sau đó thằng bé không nhặt nữa, nó bỏ ra chỗ khác gần lớp 6A3 để ngồi hòng tránh đụng chạm với đám cùng lớp.

Quyền đang ngồi co chân trên bồn hoa thì có một cái bóng xuất hiện che đi ánh nắng chói chang đang chiếu xuống người nó. Bên cạnh là một con bé dáng cao cao, tóc ngang vai, một bên tai đeo khuyên vòng bạc sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời đi tới. Cô bé vừa tập cầu lông xong và tiến lại chỗ nó ngồi nghỉ ngơi. Con bé mở nắp chai nước khoáng, ngửa cổ lên trời uống một hơi. Mồ hôi nó nhễ nhại nhưng lại sáng bừng sức sống.

Quyền giật mình khi con bé thong thả thả người xuống bên cạnh nó. Trong vô thức, Quyền co người lại rồi xích ra cách xa con bé. Đứa con gái nhìn thấy hành động khó hiểu của Quyền, nó lại xích lại gần Quyền, mỉm cười hỏi chuyện:

- Tớ có làm gì cậu đâu mà rúm hết cả người vào thế? Lại đây ngồi nói chuyện đi.

Quyền ngẩng đầu nhìn con bé, đôi mắt Quyền mở to, cái miệng nhỏ mở ra như biểu đạt điều gì lạ lắm.

Cô bé không để ý tới biểu cảm của Quyền, nó thoải mái ngồi duỗi chân căng cơ rồi thuận miệng hỏi:

- Nhìn cậu lạ lắm. Lớp 6A6 hả?

- À... ừ.

- Con trai con đứa gì mà lắp bắp thế? Cậu tên gì?

- Ờm... Quyền.

- Cái gì Quyền mới được?

- Dạ. Phan Mạnh Quyền.

Con bé đang bóp chân thì đột ngột ngừng động tác, nó quay sang bên nhìn Quyền, khuôn mặt con bé đỏ hồng vì nắng, cặp mắt sáng lên long lanh như viên ngọc của biển:

- Tên cậu hay thế! Hay thật ấy! Nghe tên thôi là thấy quyết đoán mạnh mẽ rồi. Tớ tên Gia Tuệ. Trương Gia Tuệ lớp 6A3.

Rồi con bé đưa tay ra nắm lấy tay Quyền:

- Hân hạnh gặp mặt.

Quyền giật mình vì thái độ vui tươi bất thường của con nhóc lạ mặt. Đôi mắt mở to ngây ngốc, cái miệng nhỏ mím lại hoang mang cực độ.

Tuệ vươn tay đến cầm lấy tay còn lại của Quyền đặt lên tay nó rồi nói tiếp:

- Người ta giơ tay ra thì cậu phải bắt tay lại như này này.

Rồi nó lắc lắc hai tay thằng bé dữ dội như chơi nhảy dây.

Quyền choáng váng vì con bé, rồi nó cúi đầu nói nhỏ:

- Các bạn cùng lớp không thích chơi với tớ.

- Sao lại thế? Nhìn cậu đáng yêu mà! Nhỏ nhỏ xinh xinh cute hết nấc. Giống con chó con nhà tớ ấy.

Tuệ vừa dứt lời thì một quả cầu đá bay tới rơi ngay trước mặt hai đứa nhóc, rồi một quả cầu lông cũng bay tới tiếp đập thẳng vào đầu Quyền.

"Cóc..."

- Ê thằng nhà quê! - thằng Chung vẫy vẫy cây vợt, gọi với Quyền - nhặt hai quả cầu cho tao.

Tuệ quay đầu nhìn về phía tiếng nói, xác định xem cái đứa ăn nói khó nghe vậy mặt mũi như nào.

"Ô, hóa ra là thằng vừa lùn vừa béo lại còn vô duyên." - Tuệ thầm nghĩ.

Quyền gõ gõ tay Tuệ, thì thầm:

- Kệ chúng nó đi. Chúng nó nói chán lại thôi ấy mà.

Tuệ nhìn Quyền vài giây, rồi như chợt nhận ra điều gì đó, nó với tay đến lấy hai quả cầu trên mặt đất, đoạn hướng về phía 6A6 cất tiếng hỏi:

- Tụi mày cần hai quả cầu này hả?

Thằng Chung tính quát Quyền, nhưng nhìn thấy Tuệ đang đứng cầm hai quả cầu, nó không nói những gì định nói nữa mà chỉ bảo:

- Đúng rồi. Bảo thằng nhà nghèo mang qua đây.

Tuệ tung hứng quả cầu trên tay, rồi bất ngờ nó ném thẳng cả hai quả lên tít trên cành cây phượng to đùng bên cạnh dưới ánh mắt ngỡ ngàng của đám 6A6 và vẻ mặt biến hóa đủ kiểu của thằng Quyền đang ngồi bên dưới nhìn lên:

- Đấy. Tự trèo lên mà lấy. Tao thấy chúng mày có què cụt gì đâu mà bắt một thằng nhóc nhỏ xíu phục vụ chúng mày.

Rồi không để đứa nào kịp nói theo, Tuệ tiếp lời:

- Rặt một lũ mất dạy. Cẩn thận ra đường người ta đổ nước sôi vào mồm cho chừa cái thói láo toét đi đấy.

Tuệ không thèm để mắt về phía bên đấy nữa, con bé lại bình tĩnh ngồi xuống quay sang bảo Quyền cười tươi, hai hàm răng trắng sáng như được bọc sứ lộ ra:

- Cậu cứ cứng lên là bọn nó sợ ngay. Nó bảo gì cứ làm ngược lại cho nó bớt hạnh họe lại.

Rồi trước vẻ mặt bàng hoàng của Quyền, Tuệ cầm lấy vợt đánh cầu lông đi về phía lớp nó, hai tay vẫy vẫy với thằng bé rồi chạy biến đi không quay đầu lại.

Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.