Chương trước
Chương sau
Tiểu thái giám đáp:

- Tướng gia không chịu gặp hắn, hắn lại ăn vạ không đi, hiện giờ chắc còn đang giằng co ngoài cửa đông.

Lý Chiêu Đức mừng rỡ nói:

- Ngươi mau đi xem hắn còn ở đó hay không, nếu còn, lập tức dẫn hắn vào cung, mỗ muốn dẫn hắn đi diện kiến thiên tử!

Tiểu thái giám không biết vì sao vị tướng gia này đột nhiên thay đổi chủ ý, nhưng nếu đã phân phó thì chỉ còn cách tuân lệnh, liền chạy tới cửa đông. Qua một lát, gã dẫn một thanh niên mặc áo bào cổ tròn, đầu đội mũ mềm đi tới. Người kia đội một con rùa lớn trên đầu, do hai thị vệ giải tới, tiểu thái giám đi theo phía sau, thái đội trông rất buồn cười.

Lý Chiêu Đức đã sớm không kiên nhẫn được nữa, vừa thấy gã chạy tới, không chờ thi lễ tạ ơn, liền vội vàng nói:

- Đi đi đi, nhanh một chút, bản quan dẫn ngươi đi diện kiến thiên tử!

Vì chờ người này, Lý Chiêu Đức chậm trễ một thời gian, kết quả chậm hơn Vương Khánh Chi một bước. Khi gã tới điện Võ Thành, Vương Khánh Chi đã tới trước mặt Võ Tắc Thiên rồi.

Võ Tắc Thiên nhìn Vương Khánh Chi hơi căng thẳng, thản nhiên hỏi:

- Trẫm lập con trai ruột của mình làm Hoàng tự, khanh lại tụ chúng thần thỉnh cầu, muốn trẫm phế Thái tử, lập Ngụy vương, nguyên nhân vì sao?

Vương Khánh Chi nuốt nướng miếng, khống chế tâm tình căng thẳng, hạ thấp người nói:

- Bệ hạ, cổ ngữ có nói "Thần bất sáp phi loại, dân bất tự phi tộc" (đại ý thần linh không huyết thống cũng không phải tổ tiên, dân không tế tự không phải tộc),tế tổ kính tông, đầu tiên phải xác nhận huyết thống, nếu không chắc chắn tổ tiên thần linh sẽ không hưởng dụng nghi thức tế lễ, dân chúng thiên hạ sẽ không thừa nhận tổ tiên bổn tộc của mình. Đương kim thiên tử họ Võ, lại lấy Lý thị làm con nối dõi, chẳng phải vớ vẩn sao?

Võ Tắc Thiên hừ lạnh một tiếng nói:

- Thái tử hiện giờ đã đổi sang họ Võ!

Vương Khánh Chi đáp:

- Bệ hạ, Thái tử hiện giờ đổi sang họ Võ cũng không tránh được sự thật hắn vốn họ Lý. Từ xưa đến nay, giang sơn đều là truyền đời con cháu đế vương, nào có lý truyền cho người khác họ? Thái tử vốn họ Lý, khi đổi họ Võ đã sớm thành niên, ngày sau một khi đăng cơ, chẳng lẽ không thể khôi phục Lý Đường? Khi đó, giang sơn của bệ hạ sẽ đi về nơi nào?

- Điều này…

Võ Tắc Thiên nghe tới đó, không khỏi chần chừ. Đúng lúc này, Tiểu Hải nội thị hạ thấp người bẩm báo:

- Khởi bẩm đại gia, Phượng các Thị lang, cùng Phượng các Loan đài Bình Chương sự Lý Chiêu Đức cầu kiến!

Võ Tắc Thiên khẽ nhếch mày, nói:

- Lý Tướng đã đến rồi sao, mời hắn vào đi!

Qua một lát, Lý Chiêu Đức liền đi vào đại điện, phía sau gã còn có một người, người này thân mặc nho bào cổ tròn, tuổi chừng ba mươi, hào hoa phong nhã, tuấn tú lịch sự, tuy nhiên trên đầu cõng một con rùa thật lớn, chẳng ra thể thống gì.

Lý Chiêu Đức thấy Võ Tắc Thiên liền khom người thi lễ:

- Thần Lý Chiêu Đức bái kiến bệ hạ!

Văn sĩ đội rùa trên đầu phía sau cũng vội vàng bái lạy.

- Lý Tướng miễn lễ, thưởng ghế ngồi!

Võ Tắc Thiên dứt lời, tò mò người đội rùa lớn trên đầu, hỏi:

- Lý Tướng tới gặp trẫm có chuyện gì, người này là ai vậy? Đang làm gì?

Người nọ nghe thấy Võ Tắc Thiên hỏi gã, vội vàng cúi người, cố gắng bày ra khuôn mặt tươi cười. Con rùa trên đầu gã nhô đầu ra, trừng đôi mắt như hạt đậu xanh nhìn hai bên một chút, bỗng nhiên nhìn thấy Võ Tắc Thiên, dường như bị kinh hãi, rụt đầu lại, ngay cả bốn cái móng vuốt cũng rụt vào. Lúc này trông y như một người đội mai rùa trên đầu. Thượng Quan Uyển Nhi, Dương Phàm cùng với đám thái giám cung nữ trong điện ở bên đều hơi buồn cười.

Lý Chiêu Đức thong dong đáp:

- Người này có điềm lành hiến cho bệ hạ, lúc này thần dẫn hắn tới kiến giá, trong lúc vội vàng, cũng chưa kịp hỏi tên họ của hắn.

Nói xong, gã lạnh lùng liếc người nọ một cái, nói:

- Bệ hạ hỏi ngươi đó, tự ngươi nói đi!

Người nọ vội vàng đáp:

- Dạ dạ dạ, thần là Chu Khiếu Du tú tài Tương Châu, bái kiến bệ hạ!

Võ Tắc Thiên nói:

- Ngươi là tú tài Tương Châu? Vì sao lại vào kinh thành kiến giá?

Chu Khiếu Du vội vàng giải thích, ban đầu bởi vì căng thẳng, còn hơi lắp bắp, sau khi nói xong mặt mày lại hớn hở.

Chu Khiếu Du này là tú tài Tương Châu. Tú tài này cũng không giống như tú tài đời sau. Tú tài Đường sơ yêu cầu rất cao, cấp bậc còn trên tiến sĩ, một năm có hơn ba mươi người thi đậu tiến sĩ, hơn mười năm cũng không ai thi được tú tài, còn hiếm có hơn Trạng Nguyên.

Sau khi Chu Khiếu Du thi được tú tài, công danh của y cơ bản dừng ở nơi này, bởi vì khoa cử thời Đường cũng không dễ thi. Khi đó khoa thi toàn bộ thiên hạ mỗi lần trúng tuyển tối đa chỉ hơn ba mươi người. Phần lớn danh ngạch này đều bị người quyền quý chia cắt không còn. Cho dù học giả đại tài của dân gian cũng khó trúng tuyển được, càng không cần nói tới Chu Khiếu Du tài học bình thường.

Vì thế, Chu Khiếu Du tìm cách đi lối tắt, liền nghĩ tới biện pháp hiến điều lành này, mong chờ dựa vào hiến điều lành đạt được ưu ái của Hoàng đế, từ đó xuất sĩ làm quan, kết quả y liền biến thành một Rùa Thần.

Theo cách nói của Chu Khiếu Du, con rùa thần này là một con rùa cạn y ngẫu nhiên phát hiện được trong núi. Ban đầu y cũng không cảm thấy con rùa này có chỗ nào kỳ dị, sau này ngoài ý muốn lại phát hiện trên lớp bụng rùa mọc ra mấy chữ lớn "Thiên tử vạn vạn niên", lúc này mới lấy làm kỳ, cho nên vào kinh hiến thần vật này cho Hoàng đế.

Võ Tắc Thiên vui vẻ nói:

- Chu khanh mau đưa rùa thần dâng lên, để trẫm xem một cái!

Vừa rồi Vương Khánh Chi nói năng hùng hồn tới một nửa đã bị Lý Chiêu Đức tiến vào cắt đứt, ban đầu y vẫn đứng ở một bên, ra bộ hiên ngang, có vẻ đội trời đạp đất, kết quả con rùa trên đầu Chu Khiếu Du cướp sự nổi bật của y, toàn bộ mọi người trong cung điện đều nhìn con rùa kia, căn bản không ai để ý tới y, ngẩng đầu ưỡn ngực như vậy cũng quá mệt mỏi, y liền lén thả lỏng bờ vai, thân hình suy sụp, đứng một góc quan sát.

Chu Khiếu Du lấy rùa từ trên đầu xuống. Tiểu Hải và một nội thị khác đi tới hai tay nhận lấy rùa, mang lên ngự án của Võ Tắc Thiên, lật con rùa kia lên. Con rùa kia bụng hướng lên trời, giật mình vươn đầu và bốn chân, nhìn thấy trước mặt có người, lại rụt đầu trở về.

Võ Tắc Thiên chăm chú nhìn, thấy trên lưng con rùa kia quả nhiên có năm chữ "Thiên tử vạn vạn niên" đỏ tươi, không khỏi tấm tắc kêu kỳ lạ, lớn tiếng nói:

- Ồ, không nghĩ tới trên đời lại thực sự có thần vật như vậy. Thiên tử vạn vạn niên, ha ha, điềm lành, quả nhiên là điềm lành. Lý Tướng, ngươi mau tới xem, trên bụng con rùa này quả nhiên có chữ viết!

Lý Chiêu Đức căn bản không tin tưởng thần vật kia, lúc gã nhận được lời bạt hiến điềm lành của Chu Khiếu Du này liền biết chắc chắn là đồ giả, lúc này nghe lời Võ Tắc Thiên nói, không khỏi cười lạnh một tiếng nói:

- Thánh thượng, thần vật như vậy, Thánh thượng muốn bao nhiêu, thần có thể tạo ra cho Thánh thượng bấy nhiêu!

Võ Tắc Thiên ngẩn ra, nói:

- Lời này của Lý Tướng có ý gì?

Lý Chiêu Đức đứng dậy, bước tới trước ngự án, đảo qua hai bên, nhìn thấy Dương Phàm đứng bên cạnh, liền nói:

- Vị tướng quân này, làm phiền giúp một tay.

Dương Phàm nhìn Võ Tắc Thiên, thấy bà ta gật đầu, liền đi tới trước mặt Lý Chiêu Đức, chắp tay hỏi:

- Không biết Tướng gia có gì phân phó?

Lý Chiêu Đức vén tay áo lên, đè con rùa đen kia, nói với Dương Phàm:

- Mời tướng quân rút đao cọ vào văn tự trên bụng rùa này!

Chu Khiếu Du nghe lời Lý Chiêu Đức nói, sắc mặt lập tức thay đổi.

Dương Phàm vừa nghe liền hiểu được ý tứ của Lý Chiêu Đức, nếu nói trên con rùa này ngẫu nhiên có hoa văn giống văn tự nào đó, hắn cảm thấy cũng không phải không có khả năng, nhưng năm chữ lớn tinh tế trên bụng rùa, hắn lại không tin tưởng, lập tức rút bội đao, dùng mũi đao cọ vào bụng rùa.

Dương Phàm vẫn lo lắng chữ viết đó sẽ không thể cạo được. Ai ngờ mũi đao vừa lướt qua, màu đỏ đã bị mất đi một ít. Lý Chiêu Đức cầm con rùa đen lên, nói với Võ Tắc Thiên:

- Bệ hạ, chữ này nếu do tự nhiên tạo thành, sao có thể dùng đao cạo đi được. Rõ ràng là tiểu dân xảo quyệt nghĩ kế này lừa gạt Thánh thượng.

Võ Tắc Thiên tỏ ra xấu hổ, khoát tay nói:

- Đem con rùa này xuống đi, người cũng đuổi ra khỏi cung.

Lý Chiêu Đức nói:

- Bệ hạ, người này khi quân quá mức, phải nghiêm trị, sao chỉ có thể bị đuổi ra khỏi cung được? Bệ hạ giao cho phó quan, trừng phạt thật nặng.

Chu Khiếu Du vừa nghe đến đó, sợ tới mức mặt cắt không còn giọt máu, vội quỳ thụp xuống trên mặt đất, dập đầu lia lịa như bằm tỏi cầu xin tha thứ.

Võ Tắc Thiên lúng túng nói:

- Thiên tử vạn vạn niên, ha ha, thần vật này tuy là giả, nhưng chung quy cũng không có hại gì, đừng lo lắng quá mức, thôi đi, đuổi gã ra ngoài cung là được.

Chu Khiếu Du nghe thấy thế, sợ Lý Chiêu Đức lại đòi trừng trị, vội khấu đầu nói:

- Tạ ơn long ân.

Rồi sấp ngửa chạy đi.

Lý Chiêu Đức cũng không có ý định đuổi theo, đương nhiên mặc kệ y, chỉ nói:

- Bệ hạ nhân từ, không muốn trừng trị điêu dân, vậy cũng được. Nhưng đối với đám người này không thể không đề phòng. Một câu Thiên tử vạn vạn niên cũng không phải là thật lòng chúc phúc cho bệ hạ, mà là đánh vào hư vinh bên ngoài, mưu lợi cho bản thân.

Y lanh lùng liếc nhìn Vương Khánh Chi nói đầy ẩn ý:

- Người như thế, chuyện như thế, trong triều chưa chắc đã không có, bệ hạ nên xem xét kỹ.

Gã nói tới đây, chậm rãi trở về chỗ ngồi, liếc mắt nhìnVương Khánh Chi lần nữa, giống như nhìn thấy y thì mới nhớ ra, thuận miệng nói:

- Vị này hình như là Hoằng Văn học sĩ Vương Khánh Chi? Hôm nay vào cung gây tai họa sao?

Trống ngực Vương Khánh Chi đánh thót một cái, lại đem chuyện lập Võ Thừa Tự làm Thái tử nói thêm một lần nữa. Không đợi y nói xong, Lý Chiêu Đức đã bật cười ha hả, Võ Tắc Thiên ngạc nhiên hỏi:

- Lý tướng vì sao lại cười?

Lý Chiêu Đức chắp tay nói:

- Bệ hạ, thần nghe Vương học sĩ nói lời hoang đường, cho nên bật cười.

Võ Tắc Thiên hỏi lại:

- Hả? Lời của Vương Khánh Chi có gì không ổn?

Lý Chiêu Đức nói:

- Bệ hạ thân là thiên tử, không truyền cơ nghiệp muôn đời lại cho con mà lại truyền cho cháu họ? Thần chưa từng nghe nói có cháu họ nào sau khi thành thiên tử mà đón cô vào Thái miếu cả. Cháu họ đối với cô, chẳng lẽ còn thân thiết hơn mẫu tử thân sinh sao?

Vương Khánh Chi vẫn cố đấm ăn xôi nói tiếp:

- Lý tướng sao có thể nói như vậy được? Cổ nhân có câu: thần linh không huyết thống cũng không phải tổ tiên, dân không tế tự không phải tộc. Đương kim thiên tử họ Võ, thì Thái tử không thể là người của Lý thị.

Lý Chiêu Đức thờ ơ liếc nhìn y một cái, rồi nói với Võ Tắc Thiên:

- Chỉ có con ruột cháu đích tôn cúng bái thì tổ tiên mới được hưởng. Bệ hạ lập con, thì sau khi thiên thu vạn tuế, sẽ được vào Thái miếu, mãi mãi kế thừa. Nếu lập cháu họ, sau khi thiên thu vạn tuế, ai sẽ tới lễ bái vì bệ hạ?

Võ Tắc Thiên nghe xong thì im lặng. Cục diện như vậy, cũng chỉ có Hoàng đế là nữ nhân như bà ta mới gặp phải. Từ xưa đến nay, chưa có đế vương nào gặp phải tình cảnh khó xử như vậy. Cho nên bà ta cũng không có thông lệ nào để làm theo.

Bà ta họ Võ, chỉ có thể lập người của họ Võ thì mới tiếp tục kế thừa triều đại của bà ta được. Nhưng bà ta là nữ nhân, con trai ruột của bà ta không thể mang họ Võ. Nhưng con cháu không phải trực hệ, sau khi bà ta chết lấy thân phận gì để được hướng Thái miếu? Chỉ có con cháu thờ cúng, người đã chết mới có khả năng được hưởng dụng hương hoa. Nếu giang sơn không truyền cho con cháu do mình sinh ra, sau trăm tuổi, chẳng phải là bà ta sẽ trở thành quỷ đói sao?

Vương Khánh Chi thấy Hoàng đế bị lung lạc bởi mấy lời của Lý Chiêu Đức, liền quỳ sụp trên mặt đất, kêu lên:

- Bệ hạ, thần toàn tâm toàn ý suy nghĩ vì bệ hạ. Lý Chiêu Đức chắc chắn còn luyến tiếc Lý Đường, rắp tâm hại người, dùng tà thuyết mê hoặc người khác. Bệ hạ không thể tin hắn. Bệ hạ là người đứng đầu Võ Chu, sao có thể để người họ Lý kế thừa hoàng vị?

Võ Tắc Thiên im lặng rất lâu sau mới nặng nề nói:

- Việc này chưa có căn cứ gì để làm theo, ngươi không cần nói nữa, lui ra đi.

Vương Khánh Chi đã đến bước đường cùng rồi. Y đã buông lời mắng mỏ Tể tướng đương triều. Nếu không thể thuyết phục Hoàng đế, Võ Thừa Tự chắc chắn sẽ bất mãn, đến lúc đó y còn đường sống ư? Bây giờ y chỉ còn duy nhất một con đường đi.

Vương Khánh Chi dập đầu đến mức máu tươi đầm đìa, dùng cái chết để khẩn cầu, kiên quyết không chịu lui. Võ Tắc Thiên thấy thế, không khỏi thở dài, cầm bút viết mấy chữ, lại ấn Ngọc tỷ xuống, nói với y:

- Lòng trung thành của khanh, trẫm biết. Có ấn chỉ này, từ nay về sau, muốn gặp trẫm có thể tùy ý ra vào không cần cố kỵ. Đi đi thôi.

Vương Khánh Chi thấy Võ Tắc Thiên mở miệng đã sợ đến chết khiếp. May thay, bà ta lại ban cho y một cái ấn chỉ. Có ấn chỉ này, cũng có cái mà giải thích với Võ Thừa Tự. Y vội dập đầu tạ ơn, mang theo cái trán đầy máu lui ra ngoài.

Hôm nay, Lý Chiêu Đức cũng vì Vương Khánh Chi mà tới. Thấy y đi rồi, cũng liền cáo từ, quay trở lại Trung Thư Biện.

Chờ hai người bọn họ rời khỏi, Võ Tắc Thiên sầm mặt xuống, oán hận vỗ vào ngự án:

- Một đám này, không để cho trẫm được yên tĩnh.

Trên điện, đám cung nữ thái giám thi nhau quỳ rạp xuống, cùng kêu lên nói:

- Đại gia bớt giận!

Võ Tắc Thiên cả giận nói:

- Đứng lên hết đi, các ngươi có thể thay trẫm giải được phiền não à?

Võ Tắc Thiên phất tay áo một cái, đảo mắt nhìn thấy Dương Phàm, thái độ mới hòa hoãn một ít, hỏi:

- Dương ái khanh, ít ngày nữa sẽ thành thân đúng không?

Dương Phàm nhẫn nại đáp:

- Vâng! Nhận được sự quan tâm của bệ hạ, ba ngày sau, là … ngày cưới của thần.

- Ừ! Tốt! Tiểu Man đã ở bên trẫm vài năm rồi. Đứa nhỏ này là một cô nương tốt. Hai người các ngươi có thể thành vợ chồng, trẫm rất hài lòng, ha hả, . . .

Võ Tắc Thiên nói xong, trên mặt dần dần có chút tươi cười:

- Còn có ba ngày nữa sẽ đến hôn lễ. Việc lớn như vậy mà ngươi còn ở trong cung trực à? Du Nghi đúng là hơi quá đáng rồi. Như vậy đi, mấy ngày nay ngươi không cần vào cung, an tâm trở về chuẩn bị hôn sự, chuẩn bị làm chú rể cho thật tốt đi.

Dương Phàm không dám nhìn Uyển Nhi dù chỉ là một cái liếc mắt, chỉ có thể hướng Võ Tắc Thiên khấu đầu nói:

- Vâng! Thần tạ ơn bệ hạ.

Võ Tắc Thiên quay sang Thượng Quan Uyển Nhi nói:

- Uyển Nhi, cả đời này, trẫm chỉ chỉ hôn có một lần này, ngươi nên xử lý cho khéo, không nên keo kiệt, làm mất thể diện của trẫm.

Uyển Nhi trong lòng buồn bã, hơi cúi đầu xuống, thấp giọng nói:

- Bệ hạ đã giao phó, Uyển Nhi không dám sơ suất, vẫn cẩn thận chuẩn bị chu đáo mọi việc. Đến lúc đó, Uyển Nhi nhất định tự mình an bài, đem Tiểu Man hạnh phúc ngời ngợi bước vào phủ Dương Lang tướng, nhất định không làm mất thể diện Thiên gia. Mong bệ hạ bớt đi phiền muộn.

Võ Tắc Thiên cười nói:

- Như vậy cũng tốt! Mấy ngày qua, chuyện khiến trẫm phiền lòng quá nhiều, khó có được việc vui như thế. Trẫm rất vui. Ha ha…

Dương Phàm nhân cơ hội này mới trộm nhìn Uyển nhi một cái. Hai người đều sợ bị phát hiện, không hẹn mà cùng cúi đầu xuống, bên tai chỉ nghe thấy tiếng cười vui vẻ của "Nguyệt lão" kia…

Tòa nhà của Dương Phàm không tính là quá nhỏ, nhưng chỉ có hai người hầu, còn có vẻ khá hoang vắng, nhưng hôm nay Dương gia cũng đặc biệt náo nhiệt. Từ sáng sớm đã đầy ắp người, quả thực có cảm giác người chật kín. Sở Cuồng Ca và Mã Kiều tới sớm nhất, Tô Phường Chính dẫn theo bà con của Tu Văn nhất bang cũng đều tới.

Sư phụ người Hồ của Xích Bạc, Mạnh sư phụ của Giao Đông Lai, Úy Trì Lão nhân râu rậm cong lên như móc câu, cả đám đều xung phong nhận chuẩn bị bàn tiệc cho hắn. Đương nhiên Dương Phàm đáp ứng luôn miệng, lập tức kêu đầu bếp kiêm thu mua Lâm Tích Văn nhà mình dẫn bọn họ tới nhà bếp.

Những người này tới bếp rồi lập tức xắn ống tay áo, mới tổn chút công phu, bên ngoài Dương phủ đã có tới hơn mười chiếc xe bò đi tới, mấy chiếc xe đầu là đủ thứ nguyên liệu nấu ăn xanh xanh đỏ đỏ, đằng sau là vài người đàn ông bụng phệ mập mạp. Mấy người đàn ông đó vừa tới Dương gia, không chút khách khí đã đuổi hết Mạnh sư phụ, Úy Trì lão nhân và một vài đầu bếp chuyên bán đồ ăn vặt ngoài phố ra ngoài.

Hóa ra những người này là Ngự trù từ trong cung được Đoàn Nhi phái tới. Các cao thủ nấu nướng trong cung đó sao để ý tới đầu bếp dân gian. Vừa biết được thân phận đối phương, đám Mạnh sư phụ ngược lại không giận, túm tạp dề lên, ôm thùng bột trắng ầm ầm ra ngoài, đi thẳng tới đầu hẻm.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.