Ngón tay Dương Uyển đã sờ đến chốt cửa sổ, nghe thấy Đặng Anh gọi lại hậm hực rút về.
Cô quay đầu lại hỏi Đặng Anh: “Chuyện gì?”
Đặng Anh ngẩng đầu liếc rèm che cửa sổ, chỉ nói: “Qua đây trước đã.”
Dương Uyển đứng dậy đi trở lại chỗ Đặng Anh, nhưng vẫn không nhịn được ngó ra ngoài: “Đang đánh ai à?”
“Ừ.” Đặng Anh giở một quyển sách ra, cùng thu lại tầm mắt mình: “Đừng ra ngoài, chờ họ kết thúc đã.”
Dương Uyển gật đầu, không lỗ mãng lên tiếng nữa, ôm đầu gối ngồi xuống cạnh Đặng Anh, tập trung lắng nghe.
Chiều xuân, lông chim xanh biếc rung rinh dưới ánh nắng vàng, mọi cái bóng trong sân đều biết tự giác trước trong xanh ngày nắng, khẽ khàng náu đi.
Ngoại trừ tiếng trượng bên ngoài, âm thanh bốn phía đều lặng bặt, thậm chí còn không nghe thấy tiếng kêu thảm của người thụ hình.
Nhưng Dương Uyển và Đặng Anh đều biết rõ, đó là bởi người thụ hình bị bịt miệng. Người chấp hình không cần tiếng của họ để báo hiệu cho người khác.
Thế nên, đây không phải trừng phạt đối với nô tì, đây là trượng hình xử tử.
Hai người đều không nói gì thêm, trầm mặc cùng đợi thảm kịch bên ngoài kết thúc.
Tiếng trượng chứa đựng sát ý mồn một, không mảy may cho người thụ hình bất kì cơ hội sống sót nào, chuẩn xác đúng chỗ, gọn gàng nhanh chóng, sau mười mấy trượng đã nghe thấy tiếng xương sống gãy lìa.
Dương Uyển không kìm được hít mạnh một hơi, quơ tay bóp chặt cổ tay Đặng Anh.
Tay áo xuân thùng thình, ban nãy phải dạy học viết chữ nên chàng xắn ống tay áo lên ba tấc, nửa cánh tay trần đặt trên bàn, Dương Uyển vừa nắm vào đã lập tức phá tan nam nữ đại phòng.
Đặng Anh cúi đầu nhìn bàn tay trắng nõn kia. Da tựa men sứ, nổi bật dưới chiếc xuyến ngọc bích.
Giống như tất cả tiểu thư khuê các trong kinh thành, cô vốn để móng tay dài khoảng nửa tấc, nhưng vì cào cấu trong lúc rơi xuống sườn núi nên đã gãy mòn gần như toàn bộ, mọc ra bây giờ đều là móng mới, tạm thời không sơn móng tay, chất mềm, màu sắc cũng nhàn nhạt.
Đặng Anh thường tránh né cơ thể con gái trẻ trung đẹp đẽ che đậy dưới lớp tơ lụa ấy theo thói quen. Y như chàng tránh né cơ thể chính mình.
Nhưng chàng không dám tránh né sự “đụng chạm” đến từ Dương Uyển, sợ bị cô hiểu lầm là mình ghét bỏ không thích tiếp xúc với cô.
Thế nên chàng chỉ có thể thử dùng lực, lặng lẽ thu cánh tay về trước người, định rút cổ tay ra khỏi bàn tay cô.
Dương Uyển không buông tay, trang sách ma sát với cánh tay trên bàn, trượt về phía chàng theo lực thu của chàng, Đặng Anh lập tức không dám cử động nữa, đành phải đặt ngang cánh tay cứng đờ trên bàn, mặc cô càng nắm càng siết.
Không bao lâu sau, tiếng trượng ngừng lại.
Tiếp đó là âm thanh kéo đi, áo vải mỏng manh chà qua bụi cỏ, hai, ba cái bóng đen mờ lướt qua rèm sa, bước chân rất mau, chẳng mấy chốc đã đi xa.
Từ đầu đến cuối, quá trình này đều không phát ra tiếng người nào, chỉ có âm thanh da thịt vang dội và tiếng bước chân gấp gáp mà ung dung.
Thế nhưng, mùi máu ngập ngụa không gian.
Lúc thi thể bị kéo qua cửa sổ, Dương Uyển lập tức ngửi thấy mùi máu tanh, trong dạ dày thình lình như dời sông lấp bể.
Cô muốn ói.
Kỳ lạ là, không phải cô sợ người chết bị kéo đi bên ngoài mà chỉ là thuần túy buồn nôn.
“Sao thế?”
“Không có gì, chỉ là… rất… rất muốn nôn.”
Cô che miệng quay lưng đi, hai vai co rụt, gắng nhịn cơn buồn nôn kia xuống.
“Có phải đây… không phải lần đầu tiên đúng không?”
Còn chưa dứt lời, một trận nôn nao đã dâng lên, dịch dạ dày gần như xộc lên họng, đột ngột kích thích mắt cô. Cô vội ngồi xổm xuống nín thở, nhẫn nhịn đến độ về sau, toàn thân như co thành một cụm, rét lạnh cả người, run như cầy sấy.
Đặng Anh nhìn Dương Uyển ngồi dưới đất, nhất thời hoảng hốt. Chàng cúi đầu nhìn bàn tay mình, chượt cảm thấy ý muốn chạm vào cô lúc này của mình thật trơ tráo ti tiện. Chàng vội nắm tay rụt vào tay áo, xoay người rót một chén nước, vén áo ngồi xuống, đưa chén nước đến trước mặt cô: “Uống ít nước đi.”
Dương Uyển nhận lấy chén, ngửa đầu ngậm một hớp, ấn ngực thử nuốt xuống, rốt cuộc cũng dần dịu cơn.
Cô lại lấy nước súc miệng, ngẩng đầu vén lọn tóc bị hơi thở phun rối ra sau tai, nhấc tay áo lau khô nước mắt bị kích thích rỉ ra, thở hổn hển nói: “Suýt… suýt nữa chết mất thôi.”
Đặng Anh nhận lấy cái chén cô đã uống hết đặt lên bàn sách, dằn gợn sóng trong lòng mình xuống, “Xin lỗi, không biết cô sẽ khó chịu như thế, ta…”
“Không sao đâu.”
Dương Uyển không biết câu “Xin lỗi” này của chàng là xin lỗi vì điều gì, cũng không biết phải giải thích thế nào với chàng về phản ứng của mình. Dù sao, ở xã hội hiện đại văn minh, hiện trường “xử tử” một người nhất thiết phải được ẩn khỏi đại chúng. Cô có khái niệm về mặt luật pháp đối với tử hình, nhưng không có khái niệm cụ thể đối với thi thể mới và mùi máu tanh trên thân người chết.
Cô nghĩ ngợi, day huyệt thái dương căng tức: “Ta không sao, chỉ là mới nãy ngửi thấy mùi kia nên không nhịn được.”
Nói xong lại khít mũi, nắm thành ghế đứng dậy, cúi đầu chỉnh sửa váy áo mình, lúng túng hỏi: “Dạo này sao Ti lễ giám phải xử tử nhiều người vậy?”
Nhân lúc cô không chú ý, Đặng Anh khép tay áo, che làn da cổ tay, hỏi lại cô: “Khương thượng nghi nói thế nào với các cô?”
Dương Uyển vừa sửa áo vừa lắc đầu: “Nữ quan ở Thượng nghi cục giữ lễ nhất, đại nhân không nhắc đến chuyện như vậy đâu.” Đoạn, trở lại bàn ngồi xuống, lấy sổ ghi chép của mình ra, giở một trang mới đè phẳng, nhúng mực nâng bút, ngẩng đầu nói tiếp: “Có điều, ta cũng có suy đoán, có phải là vì án tham ô của Lưu ly xưởng không?”
Vốn dĩ, Đặng Anh không muốn nhắc đến chuyện này, nhưng trông thấy Dương Uyển cầm bút, chàng lại không đành lòng qua quít với cô. Kể từ khi quen biết Dương Uyển, cô vẫn luôn soạn bản ghi chép này, Đặng Anh không đọc được chữ trong đó nhưng khá thích dáng vẻ cô viết lách. Thong dong nhưng chăm chú, chẳng hề mang thần sắc tự xót tự oán của nữ tử nội đình.
“Chính vì chuyện này nên đánh chết người, vừa rồi cô sợ hãi như vậy, vì sao còn phải hỏi?”
“Muốn sống trong cung một cách có hiểu biết hơn chút.”
Đầu bút cô chỉ về phía cửa: “Huynh nhìn họ xem, không hiểu không biết chẳng phải đã chết rồi ư?”
Rồi lại giơ bút về, chặn tóc mai rủ từ trên xuống sang bên tai: “Vả lại, ta chỉ hỏi huynh thôi, không sao.”
Đặng Anh nghe cô nói vậy, không khỏi cười: “Cô tin ta thế cơ à?”
“Đương nhiên là tin huynh rồi, trên đời không ai tin huynh hơn ta đâu.”
Đặng Anh hơi ngẩn người.
Lúc suy sút hay rơi vào ô danh bản thân không thể hiểu được, người ta thường sợ hãi có người bất chấp tất cả tín nhiệm mình, điều đó thể hiện sự sa đọa của chàng cũng sẽ trở thành sự sa đọa của cô.
Giống như những học trò của Đồng Gia Thư Viện đang phải chịu đủ hành hạ trong chiếu ngục lúc này.
Đặng Anh cảm thấy, kiếp này, mình không xứng với sự dâng hiến ấy.
Sau khi bị hạ ngục, chàng mất một khoảng thời gian rất dài để thuyết phục bản thân, không thể đi ban ngày thì đi trong đêm lạnh, có điều chàng cam nguyện một mình độc hành chứ không muốn xách theo bất kì một chiếc đèn bão nào châm lửa chỉ vì chàng.
“Huynh không muốn nói thì để ta nói trước vậy, nghe giúp ta xem có đúng không nhé.”
Đoạn, cô lật sổ của mình ra trước vài trang, một tay chống cằm, một tay xoay ngược cán bút, chỉ vào phần quan trọng trong sổ, nói: “Vương Thuận Thường của Lưu ly xưởng này… là con nuôi của Chưởng ấn Ti lễ giám Hà Di Hiền. Lần này, khoản thiếu hụt Công bộ tra ra tuy đã lên đến hơn trăm vặn lượng, nhưng thâm hụt như thế đối với cả một nội đình thì lại chỉ như muối bỏ bể.”
Cô xoay một vòng ở một chỗ nào đó, nhưng không nói thẳng ra con số khảo chứng cụ thể của thế hệ sau, ngẩng đầu hỏi Đặng Anh: “Huynh và Trương tiên sinh chủ trì xây cát hoàng thành nhiều năm như vậy, trong lòng huynh có con số thực tế cụ thể về thu chi của công trình không?”
Thoạt tiên, Đặng Anh trầm mặc, sau đó khẽ gật đầu.
“Bao nhiêu?”
Đặng Anh không trả lời.
Dương Uyển cũng chẳng gạn hỏi, cúi đầu dời bút khỏi con số kia: “Được, tạm thời huynh không cần đáp, nói chung thì là một con số nói ra sẽ chết cả đống người.”
Vừa nói vừa giở tiếp một trang: “Hiện giờ Nội các rất muốn giao Vương Thuận Thường cho Tam ti, nhưng ý của Ti lễ giám thì muốn coi hắn như một nô tì, xử lí trong cung. Nguyên nhân là một khi Vương Thuận Thường vào đại lao Hình bộ, của nả của mấy vị Ti lễ giám cũng sẽ run lên theo. Xây dựng hoàng thành trước sau mất bốn mươi năm, dòng tiền ra vào đâu chỉ có ngàn vạn, vào thời Trinh Ninh, may mặc, lửa than, gạo thịt, nước uống trong ngoài hai mươi tư cục đều tiêu phí rất lớn, thuế khóa dân chúng nộp để nuôi hoàng thất tông tộc thì không có gì đáng trách, nhưng nuôi hoạn quan thì…”
“Dương Uyển.”
Đặng Anh bỗng cất tiếng ngắt lời cô.
Dương Uyển ngẩng đầu lên: “Sao vậy?”
“Đừng động vào chuyện này, không liên quan gì đến cô cả.”
Dương Uyển gác lại bút trên tay: “Ta biết, nhưng liên quan đến huynh mà.”
Nói đến đây, cô không tiếp tục nữa, im lặng nhìn ghi chép của mình.
“Dương Uyển.”
Chàng lại gọi tên cô.
“Ơi?”
“Sao cô nhìn ra được tầng này?”
“Huynh nói như vậy, có phải cũng đã nghĩ đến chính mình đúng không?”
Đặng Anh kinh ngạc.
Lời Dương Uyển đã sắp chạm đến yếu điểm.
Lúc cha chàng Đặng Di ở trong Nội các, để lấy lòng, đồng thời giấu giếm Trinh Ninh đế, đã dung túng cho Ti lễ giám ngóc dậy, buộc Hộ bộ trắng trợn nghiêng về chi tiêu cho tông tộc hoàng thất về mặt tài chính, công trình xây dựng hoàng thành vốn đã chẳng kham nổi gánh nặng, hoàng đế còn không ngừng ban thưởng vương phủ khắp nơi.
Năm ngoái, vương phi Giang thị của Thành vương, em trai ruột của Trinh Ninh đế, sinh con, sau khi tâu lên nội đình, Trinh Ninh đế đã ban cho nhà mẹ đẻ của Giang thị ở Nam Kinh một ngàn lượng hoàng kim. Phải biết rằng năm ấy, biên cảnh Tây Bắc còn đang đánh giặc, tuần diêm sứ xuôi nam tìm quân phí không chịu nổi sức ép to lớn đã suýt tự vẫn trên thuyền về kinh phục mệnh.
Nội đình lại chẳng hề chú ý đến hình thức thắt chặt phương diện tài chính, vẫn như cũ không ngừng mở rộng nhân số thái giám và cung nữ, vương phủ tôn thất khắp nơi tham lam không đủ tơ lụa, vải bông, lương thịt.
Mà những thứ này, chỉ cần truy khoản đến nội đình thì có nghĩa là quy vào danh nghĩa của hoàng đế, Tam ti Lục bộ không ai dám tra, thái giám Ti lễ giám chẳng ai là không đứng giữa kiếm lời. Còn rốt cuộc bọn hoạn quan ấy đã thâm hụt bao nhiêu thì dù cho đời sau khảo chứng thì cũng chỉ được đại khái, trong những năm Trinh Ninh lại càng là một “con số trên trời” người ngoài nhìn không thấy.
Đó chính là vương triều Đại Minh dưới sự khống chế của Đặng Di.
Nguy ngập như chồng trứng sắp đổ, lúc sụp đổ thì chỉ trong khoảnh khắc, Đặng Anh tuy không ở trong triều nhưng lại ở trong công trình xây cất hoàng thành, hơn mười năm qua, nhìn rất nhiều cũng nhớ rất nhiều.
Hồi chàng còn trẻ, có một số việc thậm chí chàng còn từng đặt bút, tình cờ có lần Trương Xuân Triển xem ghi chép của chàng, còn vì chuyện này mà gọi chàng vào thư phòng của mình, khiển trách một trận nặng nề.
Sau đó, ông liên tục khuyên nhủ Đặng Anh: “Thời chưa tới, đừng ngông cuồng làm việc không thể.”
Đặng Anh cũng không còn trông thấy cuốn vở ghi cá nhân của mình lúc thiếu thời nữa.
Đến năm Trương Xuân Triển cáo lão về quê, lúc tự mình thu dọn phòng ngủ cho ông, Đặng Anh cũng không thể tìm ra.
“Đặng Anh.”
Dương Uyển huơ huơ tay trước mắt chàng.
Đặng Anh hồi thần, lại thấy cô đã khép cuốn sổ nhỏ kia lại, gập eo nhoài người trước mặt chàng.
“Đừng nghĩ nhiều như vậy, có nghe không?”
“Cô biết ta đang nghĩ gì à?”
“Biết. Nếu huynh cảm thấy không mạo phạm đến huynh thì ta có thể nói cho nghe.”
Đặng Anh cười: “Bất kể cô nói gì với ta cũng đều không mạo phạm.”
“Thật à?”
“Thật.”
Chàng thành khẩn gật đầu.
Dương Uyển cũng cười: “Huynh cũng tốt với ta quá rồi đó.”
Nói rồi, cô thẳng lưng dậy, nhìn vào mắt Đặng Anh: “Ừm… Huynh đang nghĩ, nếu Tam ti Nội các tìm đến huynh thông qua con đường Lưu ly xưởng này, huynh có nên đứng chung chỗ với thầy và các đồng môn năm xưa của mình hay không.”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]