Hiển nhiên Chu tứ lang đã tới khúc sông này không ít lần, vô cùng quen thuộc với nơi đây.
Có một đoạn cầu gỗ nối liền hai bên bờ, chỉ là cầu gỗ rất hẹp, chỉ có thể chịu được ba người đi qua cùng lúc, mà hai bên còn không có gì chắn, nhìn giống như một thân cây chém thành hai khúc sau đó bắc ngang qua sông vậy, cực kỳ đơn sơ.
Chu tứ lang rải lưới đánh cá ra, kéo sang bên bờ bên kia, bảo Chu ngũ lang và Đại Đầu cùng sang bên này giữ lưới đánh cá, còn Chu lục lang và Đại Nha thì giữ chặt đầu lưới bên kia.
Đoạn sông này vừa sâu vừa hẹp, không gian không chỉ đủ cho bọn họ giăng lưới, mà còn thừa rất nhiều.
Bạch đại lang và Bạch nhị lang cũng ra tay hỗ trợ, Chu tứ lang thì chống eo chỉ huy, để mọi người kéo lưới đến nơi hắn cho rằng sẽ có cá. Sau đó hắn cầm gậy đập vào rong rêu, làm lũ cá dưới sông kinh sợ bơi ra, rồi đuổi chúng nó về hướng lưới đánh cá.
Mất gần nửa ngày, bọn họ mới kéo lưới đánh cá lên, màn đánh cá dưới sự chỉ huy của Chu tứ lang đến đây là khép lại. Lúc này, lưới còn chưa hoàn toàn thu lại, mọi người đã thấy cá to nhảy loạn xạ trong lưới.
Một đám trẻ con nhốn nháo sấn lên trước xem, gậy của Chu tứ lang không chút khách khí đập vào mặt nước trước mặt họ, quát to: "Nhìn cái gì mà nhìn, đứng lùi ra sau, không sợ ngã xuống nước à."
Hắn nói với Chu ngũ lang và Đại Đầu đang dùng sức giữ chặt lưới đánh cá: "Cứ giữ yên như vậy, đừng có nhúc nhích."
Nói xong thì chạy đến bên cầu gỗ, lấy ra một thùng gỗ và một cái lưới khác, trực tiếp nhảy xuống nước vớt cá.
Nước vẫn sâu như thế, nhưng chỉ tới trước ngực Chu tứ lang, không ngập quá đầu hắn.
Mãn Bảo và Bạch đại lang quay đầu nhìn lại theo bản năng, lúc này mới phát hiện bọn họ đã lệch khỏi quỹ đạo giăng lưới đầu tiên từ bao giờ.
Hiển nhiên nước chỗ này không còn sâu như thế, mà Chu tứ lang đã sớm thăm dò rõ ràng.
Hắn cho thùng gỗ xuống dưới nước, trực tiếp đẩy qua đó, sau đó cầm lưới bắt mấy con cá đang nhảy loạn bên trong.
Bắt được bảy tám con, hắn vội vàng lấy cái nắp thùng gỗ bên cạnh đậy lên thùng, sau đó đẩy thùng gỗ về bờ.
Để mấy đứa Nhị Đầu trên bờ kéo thùng gỗ lên trên.
Mãn Bảo cũng ra giúp kéo thùng gỗ lên, lại cho hắn một cái thùng gỗ khác.
Qua lại hai ba lượt như thế, bắt hết sạch cá to bên trong lưới, Chu tứ lang mới bơi qua bờ bên kia, cầm lấy lưới đánh cá từ tay Chu ngũ lang, sau đó lại bơi về bờ bên này.
Hắn bảo Chu lục lang buông lỏng lưới đánh cá, Bạch đại lang suy nghĩ, bảo hắn kéo lưới đánh cá thành một đường thẳng với bờ sông, lại thả càng nhiều lưới xuống.
Chu tứ lang bơi về càng dễ dàng hơn.
Chờ đến khi đến bờ sông, Chu tứ lang liền giao lại lưới đánh cá cho đám người Chu ngũ lang đã qua cầu sang bên đây, còn mình thì tự trèo lên bờ.
Lúc này mọi người mới đồng tâm hiệp lực kéo lưới đánh cá lên trên bờ.
Cá, nước, rong rêu và đủ thứ linh tinh mắc ở trong làm lưới đánh cá vô cùng nặng, mọi người phải dùng hết sức bú sữa mới có thể kéo được lưới đánh cá lên.
Lúc này trong lưới đánh cá chỉ còn những con cá nhỏ hơn lòng bàn tay, tối qua Chu tứ lang đã cố ý sửa lại mắt lưới đánh cá.
Mắt lưới chỉ to bằng một ngón tay cái, bởi vậy bây giờ trong lưới có rất nhiều cá nhỏ, đang nhảy loạn xạ ở bên trong.
Mãn Bảo và đám trẻ con kêu òa òa, vô cùng kích động.
Chu tứ lang ngồi trên mặt cỏ không muốn nhúc nhích.
Ngâm người ở dưới sông không dễ chịu gì, đặc biệt là còn phải kéo lưới.
Chu ngũ lang đã dẫn bọn trẻ ra nhặt cá, cho hết cá to vào hai thùng gỗ, hai thùng còn lại thì đựng cá nhỏ.
Có một số con thật sự quá nhỏ, mà vẫn còn sống, bọn họ bèn tiện tay ném xuống sông.
Đây là lần đầu tiên Bạch đại lang làm việc như này, chân tay vụng về giúp đỡ, tiến độ còn không nhanh bằng đệ đệ cậu.
Còn tốc độ của Mãn Bảo lại khá nhanh, tuy rằng bé cũng ít khi làm mấy việc này, nhưng mà bé đã được thấy nhiều.
Mãn Bảo vèo vèo nhặt cá vào thùng gỗ, làm cho Bạch đại lang không khỏi quay sang nhìn bé, "Ta biết muội, muội là tiểu nương tử nhà họ Chu, là đệ tử của Trang tiến sinh đúng không?"
Mãn Bảo gật đầu, cũng quay sang nhìn Bạch đại lang, "Muội cũng biết huynh, tiên sinh nói huynh học rất giỏi."
Vì Bạch lão gia muốn mời tiên sinh cho Bạch đại lang, mới mời Trang tiên sinh tới thôn Thất Lí dạy học, chỉ là sau đó Bạch đại lang mới học với ông một năm đã được Trang tiên sinh tiến cử lên huyện học, sau đó lại từ huyện học lên phủ học.
Cậu là đệ tự ưu tú nhất mà Trang tiên sinh từng dạy.
Đương nhiên, Mãn Bảo cảm thấy đây là ở dưới tình huống bé và Bạch Thiện Bảo chưa lớn.
Nếu tính kỹ lên, thì hai người có thể xem như là sư huynh muội, hơn nữa Bạch đại lang không chỉ một lần nghe phụ thân khen đối phương, bởi vậy cậu rất thân thiện hỏi: "Lần này lúc ta về nhà thì tiên sinh cũng đã về nhà, không đến bái kiến tiên sinh được, sức khỏe của ông ấy vẫn tốt chứ?"
Mãn Bảo gật đầu, "Tốt lắm, một bữa có thể ăn hai bát ạ."
Hai người tán gẫu mấy câu linh tinh, mọi người đã thu hết cá.
Chu tứ lang cảm thấy thỏa mãn sờ ống quần ướt đẫm của mình, dứt khoát xắn hết lên.
Hắn vung tay lên, hào khí bừng bừng nói: "Đi thôi, chúng ta về nhà."
Bạch nhị lang nhìn sông mà thèm, "Trời vẫn còn sớm mà, chúng ta đánh lưới thêm lần nữa được không?"
"Không được, chỗ này nhiều nước bùn, ta có thể đi một chuyến là giỏi lắm rồi, cậu còn muốn làm mẻ hai? Hơn nữa cậu ăn được nhiều cá như vậy sao?"
Không nói cá to, chỉ riêng cá nhỏ bọn họ cũng vớt được hai thùng rồi, cho dù có chia đôi, thì nhà họ Bạch cũng không thể ăn hết nhiều như vậy.
Chu tứ lang suy nghĩ giùm đối phương, "Hai thùng cá con đó, phải tốn không ít dầu."
Bạch nhị lang mang tư duy "sao không ăn thịt" *, nói: "Nhà tôi không thiếu dầu."
* Sao không ăn thịt: "Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt? - Đây là câu nói nổi tiếng của Tấn Huệ Đế - Tư Mã Trung. Huệ đế là Hoàng đế thứ hai của triều Tấn, được cho là ngây ngô, ngớ ngẩn. Câu nói trên được phát ngôn khi Hoàng đế nghe tấu trình về nạn đói.
Chu tứ lang thấy sốt ruột hộ Bạch lão gia, cảm thấy Bạch lão gia đã sinh một đứa phá nhà phá của. Bạch tiểu công tử nhà người ta còn nhỏ hơn cậu mà đã biết phải tiết kiệm tiền kìa.
Bạch đại lang ho nhẹ một tiếng, nói:" Nhị lang, bao giờ ăn hết thì đi vớt tiếp là được, không phải nóng lòng làm gì. "
Chu tứ lang bèn dặn dò," Mấy ngươi không thể tự tới đây đâu đấy, ở đây nước sâu nhiều rong, người lớn trong thôn còn không muốn ra đây bắt cá, nếu muốn bắt cá, thì cứ bảo gia đinh đến sông ở đầu thôn bắt là được. "
Bạch nhị lang không vui, hỏi:" Không phải huynh nói ở đó không có cá sao? "
" Không phải không có cá, mà là ít cá. Ta không muốn tốn công đi để bắt được từng đó nên mới ra đây. "
Mọi người vừa nói chuyện vừa nâng đồ về nhà, tới đầu thôn thì hai bên tách ra.
Chu tứ lang nhìn hai thùng cá to, cảm thấy nhà bọn họ không thể chiếm lợi thế được, vì thế nói:" Cho các người một thùng cá to, tối về mổ thử một con, nếu thấy mùi tanh vẫn nồng quá thì cứ cho chúng nó ngâm nước một đêm rồi hẵng mổ. "
Nói xong, hắn bắt mấy con cá to từ thùng gỗ này bỏ sang thùng gỗ kia, bỏ đến khi đầy thùng mới thôi.
Sau đó hắn đưa thùng gỗ đầy cá to cho đám Chu ngũ lang:" Mang về nhà đi. "
Còn mình thì tự xách thùng cá to đã vơi cá kia, rồi xách thêm một thùng đầy cá nhỏ nữa, quay đầu nói với huynh đệ nhà họ Bạch:" Đi thôi, ta đưa hai cậu về nhà. "
Mọi người:.
Chu tứ lang gọi Đại Đầu đi cùng.
Đại Đầu bèn cùng Bạch nhị lang cùng nhau nâng một thùng gỗ đựng đầy cá nhỏ khác, Bạch đại lang vội vàng tiến lên giúp đỡ.
Đến trước cửa nhà họ Bạch, Chu tứ lang giao cả ba thùng gỗ cho người hầu nhà họ, sau đó giơ tay nhéo mông Đại Đầu, Đại Đầu lập tức hô lên với Bạch nhị lang," Ngươi chiên cá xong, thì nhớ phải gọi ta đến lấy đấy. "
Bạch nhị lang vẫn còn đang đắm chìm trong niềm phấn khích, hung hăng gật đầu," Yên tâm đi."
Vì thế Chu tứ lang và Đại Đầu yên tâm, cùng nhau tặng bọn họ một nụ cười toe toét, sau đó xoay người đi về nhà.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]