Chương trước
Chương sau
Thế nhưng câu nói “trong phúc có họa” của cổ nhân quả không sai. Gia quyến của dân phu tử nạn phản ứng khác thường, họ không hề nhẫn nhục chịu đựng mà kiên quyết cáo trạng lên bề trên khiến y chật vật chống đỡ. Thời may y đã là trưởng quan tư pháp của toàn lộ, liền cho người vây đánh điêu dân trên đường lên kinh dâng cáo trạng, vì vậy ngọn lửa này mới không lan đến thành Biện Kinh.

Ai ngờ sau đó còn phát sinh chuyện lớn hơn… Công trình sông Nhị Cổ vừa hoàn thiện hơn nửa năm lại bị lũ mùa thu phá vỡ đê! Kế đến lại có điêu dân đi đường biển vượt qua tầng tầng các trạm kiểm soát, thuận lợi đến kinh cáo trạng. Hai vụ án đồng thời bùng phát phút chốc xóa sạch hào quang của Triệu Tông Thực, khiến người trực tiếp chấp hành như y phải đứng mũi chịu sào.

Từ lúc triều đình hạ chỉ tra rõ vụ án này, Vương Khắc Tồn trằn trọc ngày đêm, may thay Ngự sử đến tra án là môn hạ của Hàn tướng công nên không khiến y khó coi… Đương nhiên Vương Khắc Tồn cũng tốn hơn mười ngàn lượng bạc mới dỗ no cái bụng của tên Ngự sử. Ngay lúc Vương Hiến đài còn chưa kịp hoàn hồn thì kẻ mới đến nhậm chức tri châu Tề Châu lại khiến y kinh hãi!

Không ngờ đó lại là Trần Hi Lượng – cha của tên oan gia Trần Khác.

Năm ấy Vương Khắc Tồn bị tống ra khỏi kinh thành là vì đắc tội với Trần Khác, ân oán giữa hai người bắt đầu ở trường thi từ kì thi hội vào năm Gia Hựu thứ hai. Khi ấy y là quan kiểm xét, còn Trần Khác là khảo sinh bị vu hại lớn tiếng kêu oan, kết quả hắn bị y hung hăng đánh mười gậy. Nếu là thư sinh yếu đuối bình thường, mười gậy này không đến mức lấy mạng thì cũng đủ để nằm liệt giường một, hai tháng rồi!

Ngờ đâu Trần Khác từ nhỏ đã quen chịu đựng, hứng mười gậy mà vẫn không hề hấn gì, về sau bắt được binh sĩ đã mưu hại mình nên hắn thuận lợi hoàn tất việc thi cử. Vương Khắc Tồn tưởng rằng Trần Khác không hận mình, nào ngờ tên nhóc đó lại tra ra y đã nhận của đút lót của Triệu Tông Huy trước khi thi hội. Tuy chuyện này không có chứng cớ, song cũng không tránh khỏi việc Ngự sử tra xét đến cùng, rốt cuộc hại y bị giáng chức điều đi.

Kỳ thực khi thi hội Vương Khắc Tồn chỉ nhận tiền rồi hành sự thay người khác, mãi đến khi bị Trần Khác tống ra khỏi kinh thành thì y mới hoàn toàn hướng về Triệu Tông Thực. Những năm gần đây y đã trở thành nòng cốt đáng tin cậy của Tông Thực, hiển nhiên sẽ giữ cảnh giác cao độ với Trần Khác – nhân vật trọng yếu của phe Triệu Tông Tích.

Có khi kẻ thù còn hiểu rõ ngươi hơn bằng hữu. Vương Khắc Tồn điều tra tỉ mỉ gia tộc của Trần Khác, biết phụ thân của hắn là nhân vật cực khó dây dưa, thật đúng là muốn lấy mạng y mà! Khâm sai đến tra án một lúc rồi đi nên còn có thể che giấu, nhưng lão họ Trần đó đến làm tri châu, ngày tháng lâu dài, có bí mật nào mà lão không thể phát hiện ra được?

Chỉ có thể áp dụng chiêu binh đến tướng chặn mà thôi. Đợi đến ngày lão đến làm tri châu, Vương đại nhân sẽ bắt đầu bày trận đón địch!

Ai ngờ đợi mãi mà không thấy lão đến Thanh Châu báo danh, Vương Khắc Tồn quả thực không chịu nổi nữa, bèn lấy lý do công cán đích thân chạy đến Tề Châu tìm lão, kết quả chỉ là công cốc. Y hỏi Thông phán ở phủ thượng mới biết sau khi đến nhậm chức, Trần Hi Lượng đã thẩm tra phạm nhân liên can trong thời gian cực ngắn, kế đó liền cải trang vi hành xuống các huyện!

Vương Khắc Tồn vội vàng phái thủ hạ đi tìm lão, không ngờ hành tung của Trần Hi Lượng rất bí mật, qua nửa tháng mới thấy bóng dáng của lão. Thủ hạ lấy thủ lệnh Hiến đài ra yêu cầu lão lập tức về thành Tề Châu, song Trần Hi Lượng lại cự tuyệt. Lý do rất đơn giản, tri châu không chịu sự quản lý của Đề điểm hình ngục ti (cơ cấu tư pháp cấp “lộ” thời Tống)!

- Một đám rác rưởi!
Vương Khắc Tồn hậm hực trách mắng tên thủ hạ kia:
- Lão nói không về thì mặc kệ lão luôn à? Không biết trói gô lão lôi về sao? Ta nuôi đám người các ngươi để làm cái quái gì vậy!

- Đại nhân đã nói lão đường đường là người đứng đầu một châu.
Tên thủ hạ uất ức phân trần:
- Đại nhân không chỉ rõ, chúng tôi nào dám đụng đến lão?

- Sao các ngươi không gạt lão, nói có thánh chỉ đến, lão dám không về sao?
Vương Khắc Tồn biết rõ mình đuối lý, nhưng vẫn mạnh miệng, nghiêm giọng mắng:
- Đúng là đồ ngu xuẩn!

- Phải rồi, sao lúc đó thuộc hạ không nghĩ tới?
Hai mắt tên thủ hạ bừng sáng:
- Thuộc hạ sẽ lập tức đi nói với lão.

- Giờ muộn rồi!
Vương Khắc Tồn tức muốn câm luôn, vừa định nổi cơn thì nghe có tiếng gõ cửa. Y nhướn mày, trầm giọng hỏi:
- Chuyện gì?

- Lão gia, có người từ kinh đến.
Cửa mở ra, quản gia Vương Phúc của y đứng bên ngoài, thấy không có ai liền trực tiếp bẩm báo:
- Thập lục ca đến rồi.

- Hả?
Vương Khắc Tồn kinh ngạc, nói với tên thủ hạ:
- Ta quay về phủ, ngươi thủ sẵn ở đây chờ mệnh lệnh của ta.

- Vâng.
Tên thủ hạ như được đại xá, lập tức đáp ứng.

Vương Khắc Tồn có nhà ở Tề Châu, nó được xây dựng khi y còn làm tri châu. Cuống cuồng về đến nhà, y liền thấy Triệu Tông Hán đang nhàn nhã ngắm hoa ở khách đường.

- Không biết tiểu Vương gia giá đáo, thật thất lễ.
Vương Khắc Tồn vội thi lễ, cung kính nói:
- Thứ tội, thứ tội.

- Đừng nói những lời sáo rỗng đó.
Triệu Tông Hán lắc đầu, cười nói:
- Ngày tháng của lão Vương thật nhàn hạ, chậu Thập bát học sĩ (*) này phải đến mấy trăm lượng bạc?

(*) Thập bát học sĩ: tương truyền đó là một giống trà, mỗi gốc nở mười tám đóa hoa, mỗi đóa đều có hình thái, màu sắc khác nhau, là cực phẩm.

- Tiểu Vương gia thật có mắt nhìn.
Vương Khắc Tồn cười nói:
- Nếu thích thì ngài có thể mang về nhà chưng, xem như là chút tâm ý của hạ quan.

- Bỏ đi, quân tử không đoạt vật yêu thích của người khác.
Triệu Tông Hán lắc đầu nói:
- Với lại ta cũng không phải đến vì Thập bát học sĩ, ta đến vì cha của Trần học sĩ!

- Hạ quan vô dụng.
Dù gì cũng là tâm phúc, Vương Khắc Tồn thản nhiên nói:
- Khiến tiểu Vương gia phải đích thân đến đây.

- Đừng nói nhảm nữa, bàn chính sự đi.
Triệu Tông Hán ngồi xuống, nhấp một ngụm trà nói:
- Trần Hi Lượng tra đến đâu rồi?

- Tiểu Vương gia, thật sự rất nguy hiểm, lão đã tra ra việc có liên can đến chúng ta rồi.
Vương Khắc Tồn cười khổ nói:
- Lão chơi trò cải trang vi hành, khó khăn lắm tôi mới tìm thấy lão, muốn ép lão về, nhưng lão căn bản không để ý đến tôi!

- Sau lưng người ta có Tề vương chống đỡ, hiển nhiên sẽ không coi ngươi ra gì…
Triệu Tông Hán cười lạnh lùng, nói với Vương Khắc Tồn:
- Ngươi nói nên làm thế nào đây?

- Hạ quan xin nghe theo tiểu Vương gia.

Vương Khắc Tồn biết Triệu Tông Hán đến đây, chắc chắn đã có kế hoạch, y hỏi lão chẳng qua chỉ là dẫn đề.

- Còn làm sao nữa? Ta chết ngươi sống thôi.
Triệu Tông Hán rầu rĩ nói:
- Lão muốn mạng của chúng ta, chúng ta chỉ còn cách giết lão!

- Giết thế nào?
Vương Khắc Tồn nuốt nước bọt, run giọng hỏi.

- Đao chém kiếm bổ, chiên nướng xào chưng, cách nào cũng được!
Triệu Tông Hán đay nghiến để lộ hàm răng trắng tinh.

- Hạ quan muốn hỏi lấy cớ gì để giết lão?
Vương Khắc Tồn nhỏ giọng:
- Nói thế nào lão cũng là mệnh quan triều đình, Đề hình ti không thể xử trí.

- Không cần mượn cớ gì hết.
Triệu Tông Hán lạnh lùng nói:
- Chẳng phải lão thích cải trang vi hành đến nơi sơn dã sao? Từ xưa Sơn Đông nổi tiếng là đất của đám cướp đường, lão đến những nơi đó nhiều thì sẽ gặp trộm cướp thôi. Thổ phỉ giết cẩu quan, lẽ nào còn cần lý do!

- Không cần…
Vương Khắc Tồn lắc đầu nói.

- Vậy còn do dự gì nữa?
Triệu Tông Hán trầm trọng:
- Ta dẫn theo hơn một trăm thủ hạ giỏi đến, ngươi phái người dẫn đường đi!

- Vẫn phải nghĩ một cách làm thỏa đáng.
Vương Khắc Tồn cẩn thận nói:
- Các huyện của Tề Châu có rặng núi bao quanh, không cẩn thận để lão chạy vào trong núi, dù có một ngàn người cũng không bắt được!

- Ngươi cứ nghĩ cách.
Triệu Tông Hán gật đầu:
- Đây chính là nước cờ cuối cùng, làm không tốt thì ngươi tự thắt cổ đi.

- …
Vương Khắc Tồn giật thót tim, một lúc sau mới gật đầu.

Trấn Ban Loan của huyện Bình Âm cách châu thành một trăm bốn mươi dặm là một tòa trấn lớn có lịch sử mấy trăm năm. Tuy đây không phải là nơi đường xá thông suốt, song lại chi chít những hiệu buôn, hàng hóa tấp nập, dân chúng các vùng lân cận đều đến đây buôn bán.

Vào giữa trưa có một khách thương trung niên cưỡi lừa đi vào trấn từ phía nam, đồng hành còn có một người trẻ tuổi cao lớn hừng hực hào khí, đó chính là Trần Tháo Trần Lục Lang!

Trần Tháo tựa vào bao đồ căng phồng sau lưng, một tay dắt lừa, một tay giữ cây côn. Trông thấy cờ hiệu tửu lầu phấp phới, y mừng rỡ reo lên:
- Hôm nay có thể no nê một bữa rồi!

- Đừng ở lại trong trấn.
Người trung niên dĩ nhiên là Trần Hi Lượng, lão lắc đầu nói:
- Mua lương khô rồi thì nhanh chóng rời đi!

- Cha, cha là người ăn no không hiểu kẻ chết đói, cưỡi ngựa không hiểu nỗi mệt nhọc của người đi bộ.
Trần Tháo lầm bầm:
- Lần này theo cha đến nơi sơn dã cả ngày, toàn ăn lương khô, miệng con cũng muốn khô theo luôn!

Trần Hi Lượng đau lòng, áy náy nói:
- Vậy tìm chỗ trọ đi.

- Không cần đâu.
Trần Tháo nói:
- Phụ thân không muốn thu hút sự chú ý của người trong trấn, con sao có thể không hiểu chuyện? Tùy tiện ăn một chút rồi đi liền.

- Khổ thân con ta.
Trần Hi Lượng vui vẻ cười nói:
- Kiên trì thêm mấy ngày nữa, sau đó chúng ta liền về Tề Châu.

- Dạ.
Hai cha con bàn xong liền đi vào trấn, đúng lúc đó chợt nghe thấy tiếng chiêng kêu “keng keng keng”, mọi người đều nháo nhào nhìn về hướng phát ra tiếng vang.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.