Chương trước
Chương sau
Không riêng gì tập đoàn Thiên Không mà ngay cả những công ty chế tác trò chơi khác trong nước khi trông thấy “Flappy Bird” không ngừng gây bão trên thị trường quốc tế cũng bắt đầu đem trò chơi ra mổ xẻ nghiên cứu cặn kẽ. Từ những ông lớn trong ngành như Hoasgame, GVN cho đến những công ty tầm trung như SmileIndie, BFG Company, TLC hay thậm chí là những xưởng chế tác trò chơi nhỏ bé ít người biết tới đều tỏ ra vô cùng tích cực.
Không quản bản thân đang nhàn rỗi hay bận rộn với những dự án của riêng mình, những công ty này nhanh chóng tập hợp đội ngũ nhân viên của mình để bắt tay vào công việc mới với một mục tiêu giống hệt nhau: phục chế lại thành công của sản phẩm đến từ Ninja Studio.
Đúng vậy, là thành công. Hiện tại trong mắt những kẻ đồng hành, “Flappy Bird” của Ninja Studio không còn là một trò cười nữa, mà là một con “chim” đẻ trứng vàng. Liên tục là từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trên các trang web tìm kiếm trong nhiều tuần liền, rồi mới đây là thành tích lọt vào top 20 những trò chơi miễn phí được tải xuống nhiều nhất trong tháng trên FreeStore khiến cho ai nấy đều không thể tiếp tục khoanh tay làm ngơ. 
Chẳng mấy chốc, thị trường trò chơi điện tử trong nước chợt rộ lên phong trào chế tác trò chơi ăn theo “Flappy Bird” của Ninja Studio. Bởi vì trò chơi này quá dễ dàng để có thể nắm bắt cách thức chế tác, thế nên không có gì khó hiểu khi chỉ sau một khoảng thời gian ngắn các công ty hoạt động trong mảng trò chơi di động đã có cho riêng mình kế hoạch để làm nên một sản phẩm bắt chước ưng ý.
Xét cho cùng, tất cả những gì mà những công ty này cần phải làm chỉ là thay đổi bối cảnh trò chơi sao cho phù hợp cũng như chỉnh sửa thêm thắt một vài chi tiết nhằm tạo ra sự khác biệt so với trò chơi gốc mà thôi, về phần lối chơi hạch tâm thì chỉ việc bê nguyên mọi thứ từ trò chơi gốc vào là xong. Mà bối cảnh thì quá dễ để thay đổi rồi, không giống như “Slither” hay “Fruit Ninja” những thứ có thể bay lượn được trên không trung tựa như con chim xấu xí ngu ngốc thật sự là nhiều lắm. Từ vật vô tri như máy bay, khinh khí cầu cho đến côn trùng ong bướm hay thậm chí là những thứ vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của các nhà chế tác trò chơi đều có thể được mang ra để sử dụng.
Cho đến việc thêm thắt chi tiết mới lạ để tạo ra sự khác biệt cũng không làm khó được những bộ óc tinh quái của những công ty này. Từ hệ thống thành tích đồ sộ, cửa hàng vật phẩm đa dạng cho đến thứ đang gây sốt trong cộng đồng là trào lưu so tài nhiều người chơi cùng lúc đều được mang ra để cân nhắc nhồi nhét vào bên trong sản phẩm. Cứ như vậy, cả một nền công nghiệp chế tác trò chơi bắt đầu trở nên rộn ràng với những phiên bản khác nhau của chú chim xấu xí ngốc nghếch “Flappy Bird”.
Có rất ít công ty trò chơi chịu đứng ngoài cuộc vui đầu mùa hè năm nay này, trong đó hầu hết là bởi vì họ đang bận rộn với dự án của riêng mình nên không thể phân tâm. Còn tại sao lại phải dùng chữ hầu hết là bởi vì cuộc đời này không có gì là tuyệt đối, luôn sẽ có những ngoại lệ xuất hiện.
Trong trường hợp này, ngoại lệ đó là một công ty trò chơi có đầy đủ điều kiện để tham gia phong trào, nhưng vì trong quá khứ bọn họ đã từng cam đoan sẽ không bao giờ lấn sân sang hệ máy di động chừng nào còn tồn tại nên đành phải làm khán giả theo dõi cảnh tượng người trong ngành nhốn nháo nhộn nhịp.
Đại bản doanh Navigame.
“Ông tổng hài lòng về trò chơi “Giang hồ truyền kỳ” lắm. Ngày hôm qua xem báo cáo tài chính phòng kế toán gửi lên mà ông tổng cứ cười suốt, thỉnh thoảng còn pha trò mấy câu làm anh em ngồi dưới cười nghiêng ngả cả lũ.”
“Thế thì vui quá anh nhỉ, em chưa tưởng tượng ra được cái cảnh sếp lớn cười trông nó thế nào đâu.” Tại khu nghỉ ngơi, giờ phút này trưởng dự án “Giang hồ truyền kỳ” Nghĩa đang ngồi tán chuyện với người đàn ông trung niên tên Phát. Kể từ khi trò chơi nhập vai trực tuyến tâm huyết của anh đi vào vận hành Nghĩa cũng như các anh em trong tổ chế tác đang vô cùng rảnh rỗi, không có gì để làm thế là anh cứ ngồi trà nước cả buổi với những người thân cận trong công ty.
“Các em chuẩn bị sẵn tinh thần đi, kiểu gì cuối tháng này hoặc đầu tháng sau đội ngũ thiết kế trò chơi cũng sẽ được thưởng nóng một quả đậm đấy.” Không để ý tới lời phụ hoạ của Nghĩa Phát tiếp tục ném ra một tin tức nặng ký.
“Có thưởng hả anh? Nguồn tin tức có chắc chắn không vậy?”
“Chắc, chính ông tổng nói như thế lại còn không chắc được sao?”
“Chà, mới ra Tết được hai ba tháng đã lại có thưởng thì tuyệt quá.” Nghĩa trầm trồ một lúc rồi quay ra hỏi thăm: “Doanh thu trò chơi đem về cho công ty nhiều đến mức đấy cơ à anh Phát?”
“Số tiền người chơi đổ vào kể từ khi cửa hàng vật phẩm xuất hiện trong trò chơi đến nay đủ để chi trả toàn bộ chi phí vận hành của cả công ty năm ngoái rồi, em cứ nói xem như thế là nhiều hay ít.”
“Ái chà, không ngờ người chơi lại chịu khó móc hầu bao đến vậy. Em cứ nghĩ là trò chơi này có doanh thu bù được chi phí đã là giỏi lắm rồi.”
“Em cứ khiêm tốn quá mà làm gì. Từ cái hồi quyết định Open Beta sớm là anh đã thấy trò chơi này sẽ kiếm lớn rồi.” Phát ngừng một lúc rồi nói tiếp: “À này, anh có nói qua về chuyện Dương Khoa trước mặt ông tổng. Ông ấy có vẻ hài lòng, song cũng phê bình kín đáo mọi người rằng tại sao không chiêu mộ cậu ta về đây làm việc. Đối với Navigame thì một nhân tài như thế bao nhiêu cũng thiếu, nhất là trong bối cảnh GETA đang bành trướng trở lại bây giờ nữa.”
“Mời về thì không được đâu anh ạ, cậu Dương Khoa này có sự nghiệp riêng của mình rồi.”
“Vậy mời cậu ta tiếp tục làm cố vấn cho Navigame thì sao?”
“Tiếp tục làm cố vấn?” Nghĩa đắn đo một lúc rồi trả lời: “Cái này thì phải hỏi ý kiến cậu ta xem như thế nào đã. Cơ mà em thấy hiện tại chúng ta không cần thiết phải nhờ đến sự giúp đỡ của cậu ta, bởi vì “Giang hồ truyền kỳ” vẫn đang được vận hành và chèo lái đúng hướng. Thêm nữa là những ý tưởng bọn em có được từ hồi cuối năm ngoái vẫn chưa được sử dụng hết đâu.”
“Anh biết, nhưng mà Navigame hiện tại đâu phải chỉ có mỗi trò chơi “Giang hồ truyền kỳ” của em là cần có cố vấn giúp đỡ?”
“Ý anh là...”
“Trò “Điểm chết” bên đội của Trung đang bị mắc cạn mấy tuần nay rồi. Không có một ý tưởng nào mới về chế độ chơi cả, mà cứ theo cái đà này thì khả năng cao là dự án sẽ đổ bể. Anh vừa từ bên đó về thấy đứa nào cũng đang lo sốt vó lên đấy.”
“Chậc, cũng tại Trung nó ngoan cố quá anh ạ. Em đã nói với nó rồi, thời buổi này làm trò chơi bắn súng thì chỉ làm chơi chơi thôi, đầu tư tiền của công sức nhiều quá kiểu gì cũng lỗ. Không nói đến một đống trò bắn súng khác đang thịnh hành trên thị trường, riêng cái tượng đài “Chống khủng bố” đứng sừng sững mấy chục năm nay thôi là ai cũng thấy ngại khi đối đầu rồi. Cạnh tranh làm sao được mà cứ bảo hết lòng vì đam mê đi sau đó vận may sẽ đến?”
“Thôi thì bây giờ cũng đành tìm cách tháo gỡ thôi chứ biết làm thế nào. Còn nước còn tát, giúp nhau được đến đâu thì giúp thôi chứ chẳng nhẽ đồng nghiệp chết đuối mình lại mặc kệ à? Em thấy thế có đúng không?”
“... Thôi được, anh có lời như vậy là em hiểu rồi. Để em tìm một dịp nào đó liên lạc với cậu Dương Khoa xem có ý tưởng gì hay ho không. Thế nhưng hiện tại thì không được, bây giờ em nghĩ cậu ta sẽ không rảnh để ý giúp đỡ chúng ta đâu. Anh Phát cũng biết đấy, cái trò “chim xệ cánh” do xưởng chế tác trò chơi của cậu ta sản xuất đang phát hỏa ở khắp mọi nơi mà.”
“”Chim xệ cánh”? Là trò nào mà nghe buồn cười thế?”
“”Flappy Bird”, cái trò điều khiển một con chim chui qua bụi tre ấy anh. Con chim ấy to đùng mà cánh thì ngắn cũn nên bọn em gọi vui là “chim xệ cánh”.”
“À, anh biết trò chơi đó rồi. Ở bên phòng của Trung anh cũng thấy có mấy anh em tụ tập lại thi đua xem ai giành được điểm cao nhất trong giờ nghỉ. Vậy ra đó cũng là tác phẩm của cậu ta?”
“Theo trả lời phỏng vấn trên báo chí thì Dương Khoa không trực tiếp làm ra trò chơi anh ạ. Cậu ta chỉ đưa ra ý tưởng để những người nhân viên cấp dưới tự tay làm thôi.” 
“Tựa như cố vấn cho “Giang hồ truyền kỳ” phải không em?”
“Cũng gần giống như vậy.”
“Chà chà, dù vậy thì cậu Dương Khoa này vẫn cứ là thiên tài. Trẻ tuổi như vậy mà đã góp công làm nên một đống trò chơi ăn khách.” Thán phục vài câu Phát thở dài lắc đầu: “Giờ thì anh phẩn nào hiểu ra ý tứ của ông tổng rồi, giá mà cậu ta làm cho công ty chúng ta thì tốt biết mấy.”
“Giữ được mối quan hệ cố vấn đã là tốt lắm rồi anh ạ, chúng ta cũng không nên quá tham lam.” Nghĩa tìm lời an ủi Phát.
“Em nói cũng có lý.... Thôi, hôm nay rảnh rỗi nên chắc anh tranh thủ chạy về nhà sớm đây. Em để ý giúp anh chuyện cố vấn cho đội của Trung nhé, cố gắng có câu trả lời càng nhanh càng tốt để anh còn nghĩ cách khác giúp đỡ nó.” 
“Anh yên tâm, em sẽ lưu ý chuyện này.” Nghĩa nhìn đồng hồ rồi nở nụ cười: “Thế thì chắc là em cũng chuồn thôi, dạo này mọi thứ đâu vào đấy rồi nhàn hạ lắm anh ạ.”
“Sướng nhất các em rồi đấy! (cười)”
...
- ---------
Phòng làm việc Ninja Studio, một tuần sau khi kế hoạch quảng bá “Flappy Bird” lần thứ hai được triển khai.
“Phía trên của tập này là báo cáo tăng trưởng doanh thu của “Flappy Bird” trong một tuần vừa qua, phía dưới là mấy bài tin tức PR trả nợ nốt của mấy tờ báo còn sót lại. Còn tập này là một số bài báo nước ngoài cái Thủy vừa mới tổng hợp.” Trong phòng của mình, Liễu cầm lấy hai tập giấy được đánh dấu cẩn thận bàn giao lại cho Dương Khoa.
“Chà, đống này dày nha.” Có chút nóng lòng Dương Khoa bê chồng giấy lại gần góc làm việc của Đức ngồi xuống đọc ngay: “Vậy là cuối cùng cũng có những tờ báo quốc tế phối hợp với chúng ta rồi hả chị Liễu?”
“Ừ, hơn nữa còn là họ chủ động đưa tin đấy. Mặc dù nội dung vẫn là phê phán trò chơi của chúng ta song không đáng ngại, nhân dịp họ tìm đến chị để lấy thông tin chị đã móc nối được với bọn họ rồi. Tin tưởng rằng sau này vào những lúc cần thiết thì khâu liên hệ với bọn họ để đặt vấn đề quảng bá sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.”
“Tuyệt vời.” Ngắm nghía qua mấy bài báo toàn bằng tiếng Anh, Dương Khoa gật gù khen ngợi tác giả sử dụng phông chữ rất đẹp rồi ném chúng sang một bên vì nhức đầu với đống nội dung khó hiểu. Kế đó, hắn nhanh chóng chuyển dời sự chú ý của mình sang những tờ báo trong nước:
““Chú chim xấu xí “Flappy Bird” không ngừng chinh phục những cột mốc mới”, “Chuyên gia dự đoán: Trào lưu so tài bằng “Flappy Bird” sẽ là tâm điểm của cả tháng 5”, “Vì đâu mà một trò chơi tệ hại như “Flappy Bird” vẫn có thể chinh phục cộng đồng”.... Ơ, bài báo này dìm hàng trò chơi của chúng ta chứ có khen ngợi đâu hả chị Liễu?”
“À bài đó là chị kẹp thêm vào cho em đọc đấy, nhìn xem cái tên tờ báo có thấy quen thuộc không Khoa?”
“TKgame? A tờ này nằm trong danh sách những tờ công kích chúng ta đợt trước!”
“Và đến bây giờ thì chị có thể khẳng định với em rằng tờ báo này là chủ mưu trong vụ việc đó.” Liễu khẳng định rảnh rọt từng chữ một, đôi mắt sắc như dao chợt nhìn thẳng vào Dương Khoa.
“Sao chị biết hay thế?”
“Tờ báo này là tờ cuối cùng đăng bài xin lỗi vì đã đổ oan cho chúng ta vụ của anh Đức đây, gần hết 72 giờ theo như công hàm luật sư nhà em mới có động thái đáp lại, hơn nữa lời xin lỗi cũng thiếu thành ý nhất. Cho đến thời điểm hiện tại, khi mà các tờ báo khác trong danh sách không còn đụng chạm gì đến “Flappy Bird” nữa thì duy chỉ có tờ báo này vẫn tiếp tục dây dưa với chúng ta.”
“Mấu chốt là... tờ báo này thuộc quyền quản lý của tập đoàn Thiên Không. Chị nói đến đây Khoa đã hiểu ý chị chưa?”
“... Em hiểu ý chị rồi. Với những xung đột trong quá khứ thì chúng là kẻ đáng ngờ nhất.“ Nghe thấy cái tên Thiên Không Dương Khoa chợt nhíu mày, tập giấy trong tay bị hắn lặng lẽ thả xuống bên cạnh tập báo chí nước ngoài.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.