Chương trước
Chương sau
Nếu như sông Tần Hoài là cảnh sắc êm ả dịu dàng thì bến Đào Diệp chính là chiếc giường thêu cẩm tú trong cảnh sắc dịu dàng ấy. “Bến đò Đào Diệp nước mênh mang, trên bờ lầu gác dưới thuyền ngang. Kẻ đến người đi tranh nhau tới, thuyền hoa ca hát khúc an nhàn.” (Hán Việt: Đào diệp độ đầu thủy du du, ngạn hạ du thuyền ngạn thượng lâu; quy khách hành nhân tranh độ cấp, ca thuyền họa phảng mãn trung lưu.)
Nơi đây tiếng sênh ca (1) từ những tửu lâu, kỹ quán vọng lại quanh quẩn khắp bên tai khiến cho người đi ngẩn ngơ nhung nhớ. Trên mặt nước du thuyền lui tới như thoi đưa, đèn đóm sáng choang. Trong thuyền hoa (thuyền vẽ hình, trang trí dùng để đưa du khách ngoạn cảnh) có giai nhân Giang Nam, có nhạc công thượng đẳng, khiến cho du khách ai nấy đều mê mẩn quên hết trời trăng tháng ngày.
Tuy trời đã tối, trên bến đò những người bán rong vẫn cất cao tiếng rao mời rượu nhạt, đồ chín và các món ăn vặt. Nơi đây có thể gọi là một trung tâm giải trí thương nghiệp thành thị.
Từ đầu những năm Hồng Vũ, từ khi Chu Nguyên Chương hạ lệnh xây dựng mười sáu lầu quán mang những cái tên Đạm Yên, Kinh Tùng, Trọng Trạch, Lai Tân… và phổ biến việc nuôi dưỡng quan kỹ (2) cho đến nay, Kim Lăng luôn nồng mùi son phấn trăng hoa: luyến đồng (3) cợt nhả khách làng chơi, kỹ nữ tài giỏi tranh nhau đua tài khoe sắc. Những quan lại cùng thân sĩ, danh sĩ "chơi gái không quên lo việc nước, lo nước không quên kiếm gái chơi" cũng chạy theo xu thế này.
Trên lầu Đạm Yên, Nam Kinh cấp sự trung Đới Tiễn chau mày hỏi khẽ:
- Vương đại nhân! Dương Lăng chịu đến sao?
Vương Quỳnh cười nhạt, đưa mắt nhìn mọi người chung quanh rồi bảo:
- Hôm nay có các đại quan của Nam Kinh Lục Bộ, các vị đồng liêu ở Ngự Sử đài, Bố chánh ty và Thủ bị doanh liên danh* mời y đến dự tiệc, nếu y còn làm bộ làm tịch không tới thì đó không phải là Dương Lăng nữa rồi. (*cùng ký tên)
Từ khi bị giáng khỏi kinh sư, tóc lão đã bạc thêm mấy phần, nếp nhăn trên mặt cũng nhiều hơn nhưng thần sắc lại trầm ổn và kiên quyết hơn trước. Khi "đạo đức lễ giáo" mà lão xưa nay vẫn luôn cho là có thể giải quyết mọi vấn đề lại không thể đẩy tên gian nịnh vào chỗ chết, thậm chí còn không nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quan viên triều đình thì lão mới biết giờ đây lễ nhạc suy đồi, đã không thể chỉ vẻn vẹn dựa vào di huấn của thánh nhân là có thể "trị quốc bình thiên hạ" được nữa.
Người lão phái đi nghe ngóng tin tức trong kinh đã trở về. Lão đã biết Dương Lăng kết giao với huân thần (bề tôi có công) lẫn công khanh và những bậc quyền quý trong kinh, giúp bọn họ chuyển lậu hàng hoá; nghe nói hắn còn vận chuyển một số lượng lớn vật phẩm tinh xảo của dị quốc về kinh dâng cống cho Hoàng thượng. Kẻ này nếu không phải là phường gian nịnh thì cớ chi phải lao tâm khổ tứ như vậy?
Kẻ này vừa mới thành lập Nội xưởng liền bắt đầu kết giao với quyền thần, vơ vét tiền tài; nhìn thủ đoạn ở Giang Nam và trước mặt Hoàng thượng của y là biết y là kẻ dã tâm bừng bừng. Kẻ làm đại sự thì không câu nệ tiểu tiết, vì đại nghĩa tiếc chi chút nghĩa khí nhỏ nhặt? Vì tập thể tiếc gì bản thân? Nếu lúc này mà không trừ khử y, đợi y mọc đủ lông đủ cánh thì đại thế đã mất rồi.
Mượn sức Đông xưởng chỉ là việc bất đắc dĩ. Nhưng nếu muốn không để chúng mượn thế vùng lên thì bá quan trong triều phải nhận lĩnh vai trò chủ đạo trong quá trình trừ gian. Nhưng lúc này bá quan văn võ lại không thể đồng tâm hiệp lực, rất đông quan viên thậm chí ngay cả Lý đại học sỹ vẫn bàng quan đứng ngoài nhìn, mà kế sách của mình đã như tên lắp nỏ, không thể không bắn. Từ khi nghe người trở về báo tình hình trong kinh, lão đã quyết định phải gặp Dương Lăng một lần. Lúc này không thể không đặt thêm một quả cân cuối cùng lên trên bàn cân được nữa.
Ngự sử Nam Kinh là Tưởng Khâm hừ một tiếng, giọng không vui:
- Đạo bất đồng bất tương vi mưu (4). Tuy Dương Lăng quyền cao chức trọng, nắm quyền tuần sát Giang Nam, song chúng ta không cần thiết phải để ý tới hắn. Nếu không phải là nể mặt Vương lão đại nhân thì Tưởng mỗ quyết sẽ không đến.
Bạc Ngạn Huy cùng là Ngự sử với Tưởng Khâm, nghe vậy thì giật nhẹ tay áo lão, khẽ trách:
- Luận chính nghĩa, chẳng lẽ ông so được với Vương thượng thư? Luận thù riêng, chẳng những Vương đại nhân vì Dương Lăng nên bị giáng khỏi kinh sư, mà con của đại nhân còn bởi Dương Lăng mà bỏ mạng, không lẽ lại không căm hận Dương Lăng như chúng ta? Ngày nay nội thị làm loạn, có thể thuyết phục được Hoàng thượng cũng chỉ có Dương Lăng. Vương thượng thư dẹp bỏ ân oán cá nhân, thiết rượu khoản đãi y còn không phải là vì giang sơn xã tắc, bá tánh lê dân ư? Ông xem đó, lòng dạ ông không bằng phần vạn của thượng thư đại nhân mà còn ở đây nói xằng nói bậy.
Tưởng Khâm bực bội hừ một tiếng, thấy mọi người trên bàn tiệc đều không nói gì thì lại khẽ đáp:
- Nói là nói vậy, nhưng Tưởng mỗ nghe nói đám nội thị được xưng là Bát Hổ và Dương Lăng vốn là bè lũ, thậm chí việc mê hoặc thánh thượng cũng là ý của Dương Lăng, việc này trong kinh ai nấy đều sớm đã biết. Vương đại nhân muốn thuyết phục Dương Lăng trừ gian, há chẳng phải là bảo hổ lột da ư?
Bạc Nhan Huy thở dài một hơi, đáp:
- Thật ra... Tôi cũng không ôm hy vọng gì, mọi chuyện cứ thuận theo số trời vậy.
- Khâm sai Dương đại nhân đến!
Dương Lăng leo vội lên lầu, liếc nhanh thì thấy ngoài quan thủ bị Nam Kinh là Quan đại nhân ra, những người còn lại y đều không nhận ra, song nhìn vào quan phục của những vị quan ngồi đầy trên bàn tiệc thì rõ ràng đều mang dáng dấp "quan chức cấp cao của chính phủ", bèn vội mỉm cười ôm quyền nói:
- Các vị đại nhân đợi đã lâu, Dương mỗ tới trễ, xin thứ lỗi, thứ lỗi!
Y đích thực đã đến hơi trễ. Ngay khi nhận được thiếp Vương Quỳnh mời y đến dự tiệc, quả thực Dương Lăng đã lưỡng lự một lúc lâu. Vương Quỳnh vì y mà bị giáng chức, vì y mà mất con, có thể nói bất luận là công hay tư hai người đều có thù sâu như biển; lão mời mình đến dự tiệc là muốn diễn tuồng gì đây?
Liễu Bưu đã quen với những thủ đoạn mưu sát, hãm hại và vu khống nên ý kiến đầu tiên của gã là y vạn lần không thể đi. Vương Quỳnh rõ ràng đã bày Hồng Môn yến (5),chắc lão già đó kiên quyết đồng quy vu tận, nói không chừng sẽ cho thủ hạ ẩn nấp để lóc thịt xưởng đốc đại nhân đây.
Ngô Kiệt xin xem thiếp mời, thấy mặt sau ghi chi chít tên một đám quan viên, thì cũng đoán không ra dụng ý của Vương Quỳnh. Ở trước mặt đông đảo quan viên như vậy mà hành thích khâm sai ư? Cho dù Vương Quỳnh không sợ chết, nhưng mưu sát khâm sai là tội lớn tru di cửu tộc, lão ta dám sao? Trừ phi lão ta muốn tạo phản.
Tương tự, Thành Khởi Vận cũng không rõ trong bình hồ lô của Vương Quỳnh có chứa thứ thuốc gì. Nhưng hôm nay những người liên danh mời Dương Lăng một cách gấp gáp thế này là toàn bộ quan lớn của cả Kim Lăng, nếu như y không đi thì chẳng khác nào đắc tội với hết thảy quan viên thành Kim Lăng cả. Sự phát triển của Dương Lăng trong tương lai sẽ lấy phương nam làm nền móng, mà những người này ngoại trừ Lục Bộ không gánh vác trách nhiệm gì lớn còn những quan viên khác đều nắm thực quyền ở Nam trực lệ, y sao có thể không đi?
Cuối cùng bọn họ thỏa thuận lập tức cho phiên tử chạy gấp đến Đạm Yên dò xét kỹ trong ngoài một lượt, xác định hoàn toàn không có mai phục gì. Lúc đó họ mới dám phái mười người thông minh tháo vát, võ nghệ siêu phàm lén giấu dao nhọn, cải trang làm kiệu phu và tùy tùng theo y đến dự tiệc.
Kinh sư Lục Bộ lấy bộ Lại làm đầu. Nam Kinh Lục Bộ đều là những chức quan nhàn hạ, nên phải dựa theo lai lịch và danh vọng mà sắp chỗ ngồi. Dương Lăng là khâm sai, Vương Quỳnh thì đức cao vọng trọng, đương nhiên hai người bọn họ cùng ngồi vào vị trí chủ tọa của bàn trên.
Dương Lăng miễn cưỡng ngồi cùng một bàn với Vương Quỳnh. May mà các quan viên khác cũng biết ân oán cá nhân giữa hai người nên tiệc rượu vừa được dọn ra, bọn họ bèn lôi kéo Dương Lăng cùng tham gia nói chuyện phiếm.
Những đại nhân già này bụng đều đầy thi thư, nói chuyện gió trăng cũng không thô tục như người bình thường. Tuy rằng Vương thượng thư rất coi trọng lễ giáo, nhưng là chú trọng đến triều cương và nhân luân. Còn chơi gái là chuyện phong lưu ân ái, không tổn hại gì đến đạo đức cá nhân, bản thân lão Vương còn có năm thê thiếp, nhỏ nhất mới chỉ hai mươi hai, cho nên bọn họ đương nhiên không kiêng kị gì. Do đó bầu không khí dè dặt cẩn trọng ban đầu tự nhiên nhanh chóng biến mất.
Dương Lăng không biết dụng ý của Vương Quỳnh nên trong tiệc không dám uống nhiều. Uống đã ngà ngà, Dương Lăng mới nói với mấy vị đại nhân cùng mâm:
- Lần này Dương mỗ xuôi nam là để xử lý chút việc nhỏ của ty Thuế Giám, vốn không dám làm phiền các vị lão đại nhân. Hôm qua tại hạ cùng Phùng công công trấn thủ Nam Kinh đã thỏa thuận xong quyết định điều động nhân sự, đang định mấy ngày tới đây sẽ lặng lẽ trở về kinh thành, song không ngờ lại làm nhọc công các vị đang bộn bề trăm công nghìn việc đến uống rượu. Dương mỗ xin kính tiếp mọi người một chén.
Tuy rằng phần lớn các quan viên đều khinh thường y nhưng quan trường là vậy, nói chuyện với bạn thân hảo hữu ở sau lưng thì vẻ mặt đầy căm phẫn nhưng lúc giáp mặt thì lại tươi rói như hoa. Ai trèo lên đến vị trí cao như vậy cũng không dễ, dám vì đại nghĩa mà đắc tội với tâm phúc của Hoàng đế thật sự có được mấy người? Vừa thấy Dương Lăng nâng chén, mọi người liền vội nâng chén đáp cùng.
Vương Quỳnh nhấp nhẹ một ngụm, hờ hững cười nói:
- Đại nhân lần này xuôi nam có thể nói là công đức viên mãn à nha! Đã khuất phục được ba vị thái giám trấn thủ Giang Nam, ty Thuế Giám cũng đã là đồ trong túi của đại nhân rồi, trong triều đã có thể tự mình giở quyền cước.
Còn trong quân đội, vốn đại nhân đã rất có uy danh. Lại thêm lần này ở Hải Ninh chống giặc Oa, quân chính quy không địch lại giặc Oa hung hãn mà Dương đại nhân chỉ dựa vào gần trăm vệ binh đã chống lại ngàn quân, như thể bọn chúng dâng tặng hậu lễ cho đại nhân vậy. Trong chớp mắt thanh danh đại nhân vang dội, có thể nói là danh tướng của Đại Minh rồi.
Theo lão phu thấy, tương lai đại nhân tay nắm binh mã thiên hạ giữ cõi chống giặc, đảm đương triều chính, hàng phục bốn rợ (6) cũng không phải là việc khó, tiền đồ không thể lường nổi đâu à.
Dương Lăng cười gượng gạo, rồi bình tĩnh đáp:
- Đại nhân khen nhầm rồi, diệt trừ mấy viên thái giám trấn thủ phạm pháp cũng không tính là thành tích gì. Vả lại tinh nhuệ của Đại Minh ta chính là mười hai đoàn doanh kinh sư, nha sai của Nội xưởng vốn xuất thân từ Thần Cơ doanh nên đương nhiên việc đối phó một đám giặc Oa trên biển là việc không khó rồi.
Vừa nói y vừa trộm liếc Vương Quỳnh một cái thật sâu: "Vương Quỳnh đang khen mình à? Bề ngoài thì giống như khen mình văn võ song toàn, nhưng nói mình vừa đương văn lại đương võ, còn hàng phục bốn rợ, sao câu nào câu nấy đều như đâm chọc thế nhỉ?"
Vương Quỳnh cười ha hả:
- Dương đại nhân quá khiêm nhường rồi. Thân là cận thần của thiên tử, lại có tài cán như vậy, thì có gì mà khó? Tuy nhiên...,
Ánh mắt lão chợt ngưng lại, thần sắc trở nên lạnh lùng, nghiêm nghị:
- Thiên tử tuổi nhỏ, gần đây trong triều có một đám bề tôi gièm pha mê hoặc Hoàng thượng, khiến Hoàng thượng lơ là công việc triều chính, xao nhãng việc học. Bá quan trong triều ai nấy đều lo âu, lê dân thiên hạ cũng hoang mang thấp thỏm. Dương đại nhân rất được Hoàng thượng tin yêu, không biết sau khi về kinh, đại nhân sẽ định liệu việc này như thế nào?
Lão vừa hỏi câu này, bốn bề lập tức im phăng phắc, rất nhiều người vểnh tai lên chờ nghe câu trả lời của Dương Lăng. Dương Lăng thấy ánh mắt Vương Quỳnh sáng quắc, trong lòng không khỏi ngơ ngác. Chẳng lẽ hôm nay Vương Quỳnh vứt bỏ thù xưa, hy vọng mình có thể khuyên bảo Hoàng thượng sao?
Dương Lăng thoáng suy nghĩ rồi đáp:
- Thân là bề tôi, Dương mỗ tự có trách nhiệm khuyên nhủ Hoàng thượng. Hồi kinh rồi, Dương Lăng đương nhiên sẽ dùng lý lẽ nói cho Hoàng thượng hiểu, xin Hoàng thượng quan tâm đến việc triều chính hơn.
Vương Quỳnh cười lạnh:
- Lục khoa, Thập tam đạo (7),thậm chí là ba vị đại học sĩ Nội các không biết đã dâng bao nhiêu bản sớ mà có khuyên được Hoàng thượng hồi tâm đâu? Chỉ là mấy tên nội thị nhỏ nhặt không đáng kể, đại nhân đang nắm quyền bính trong tay, chẳng lẽ không thể diệt trừ gian nịnh, thanh lọc bề tôi nhơ bẩn bên cạnh thánh thượng sao?
Nghe xong lời thẳng thắn như vậy, Dương Lăng không khỏi giật mình thất kinh. Nhưng suy đi nghĩ lại, nếu trong tấu chương đám ngôn quan và đại thần nội các còn dám trực ngôn yêu cầu Hoàng thượng giết Bá Hổ, thậm chí còn đang âm thầm bày kế tiền trảm hậu tấu nhằm giết chết tên "quyền thần" là mình đây, thì trên bàn tiệc này, Vương Quỳnh dám công khai xúi giục mình diệt trừ Bát Hổ cũng không có gì là lạ.
Nếu y theo kế Vương Quỳnh, ấy chính không bàn mà hợp với trung sách của Thành Khởi Vận, chẳng qua cấp tiến hơn một chút mà thôi. Có điều... y nhớ rất rõ, trong lịch sử đám người Lưu Cẩn rất có tiếng tăm, mình có thể giết được bọn họ không? Hơn nữa bá quan văn võ sẽ vì việc này mà từ bỏ ý niệm tiêu diệt mình sao?
Chỉ với mớ kiến thức và lý luận tiên tiến vượt thời đại của mình thì đừng hòng mơ mộng đả thông được tư tưởng những kẻ cầm quyền ở thời đại này. Từ xưa đến nay đã bao giờ thiếu những kẻ ngoài lòng thì vờ vịt thương tiếc nhau, trên triều thì lại là đối thủ sống mái đâu? Nếu thật sự mình giết Bát Hổ rồi, Hoàng đế tất sẽ sinh ác cảm với mình, thế lực thù địch trong cung thì không chút bị tổn hại, mà ngoài cung thì những kẻ nắm đại quyền sẽ vẫn là trở lực, khi đó bốn bề thọ địch, muốn tự bảo vệ mình cũng khó.
Dương Lăng cười khổ một tiếng, không biết trả lời thế nào, đành nói:
- Đại nhân! Hoàng thượng tuổi nhỏ, ham chơi vốn dĩ tính trời, tại hạ cho rằng chỉ cần hướng dẫn đúng đắn, để Hoàng thượng giảm thiểu vui chơi cũng được rồi. Huống hồ quốc có quốc pháp, Dương mỗ sao có thể xông vào trong cung diệt trừ Bát Hổ chứ? Tạo phản ư?
Vương Quỳnh cười lạnh:
- Thế thì có khó gì? Một phạm nhân bị cùm xích vào ghế không thể cựa quậy mà còn có thể vì mưu đồ hành thích quan viên mà bị giết, chết rất quang minh chính đại, không oan không uổng, thế mà đại nhân lại không có biện pháp xử chết mấy tên nội thị đó sao?
Dương Lăng đứng bật dậy, mặt tím tái, trong lòng thầm nghĩ: "Chẳng lẽ việc mình giết Vương Cảnh Long đã bị lão phát hiện manh mối rồi sao? Không đúng, hiểu con không ai bằng cha, đứa con trong lòng lão vẫn là một thư sinh văn nhã, cho dù không nắm được chứng cứ trong tay, lão cũng vẫn cứ cho rằng mình đã sắp đặt giết chết con của lão."
Khó khăn lắm Dương Lăng mới mở miệng được:
- Vương đại nhân nói vậy là có ý gì? Cái chết của lệnh công tử đã sớm có kết luận của bộ Hình. Nếu không phải vì đại nhân và lệnh công tử tận lực bức bách thì sao đến nông nỗi này?
Mọi quan viên biết hôm nay Vương Quỳnh muốn thuyết phục Dương Lăng hồi kinh trừ gian, tuy cảm thấy suy nghĩ của lão hơi ngây thơ, nhưng thực cũng hy vọng lão có thể thành công. Nào ngờ vừa nhắc đến cái chết con mình, Vương Quỳnh lại liền không giữ được bình tĩnh như vậy.
Thượng thư bộ Công ngồi bên vừa đứng dậy định khuyên giải vài câu, Vương Quỳnh đã chậm rãi đứng lên, cười gằng nói:
- Lão phu vốn vẫn không tin, nay xem ra lời đồn trong kinh rằng Bát Hổ bị ngươi xúi giục quả nhiên không giả. Đương nhiên là ngươi không nỡ diệt trừ tai mắt của mình rồi!
Tuổi nhỏ ham chơi? Thiên tử là vua của một nước, sao có thể giống những kẻ tầm thường khác chứ? Ngươi dụ dỗ Hoàng thượng ham mê những bàng môn kỹ xảo, rõ là có dị tâm, nhằm mưu quyền loạn chính. Bề tôi gian nịnh như ngươi, chỉ cần ngày nào lão phu còn một hơi thở, thề sẽ khuyên bảo bá quan đồng loạt trừ khử tên gian nịnh nhà ngươi và đám Bát Hổ đó!
Nói đoạn Vương Quỳnh vung tay lên, một cái bạt tai rõ to giáng mạnh vào mặt Dương Lăng. Bạt tai này rất mạnh, mũ mão của Dương Lăng bị đánh văng đi, bàn tiệc lập tức trở nên hỗn loạn.
Khuyên giải, can ngăn, hả hê, nhất thời mọi thứ trở nên náo loạn. Đám phiên tử nãy giờ vẫn canh giữ chặt chẽ dưới lầu nghe tiếng huyên náo ở trên lật đật xông lên mới tách hai bên ra được. Đám Ngự sử Tưởng Khâm vội vã cáo lỗi rồi kéo Vương Quỳnh ra về.
Đám người Đới Tiễn và Tưởng Khâm đi theo kiệu quan Vương Quỳnh thẳng đến trước phủ của lão. Vương Quỳnh bước xuống kiệu, cơn giận trong người dường như vẫn chưa nguôi, trông thấy mấy vị hảo hữu đang lo lắng nhìn mình, lão không khỏi cười lớn trấn an:
- Các vị lão hữu không cần phải lo, cho dù Dương Lăng có tài giỏi thế nào đi nữa thì y có thể làm được gì lão phu chứ? Y dám giết lão phu sao?
Đới Tiễn cười gượng:
- Lão đại nhân nói rất đúng, nhớ năm xưa đại học sĩ Lý Đông Dương cầm roi ngựa vụt quất Thọ Ninh Hầu Trương Hạc Linh là hoàng thân đang rất được ân sủng ở ngay đầu phố kinh sư. Chỉ có điều... Ôi! Chúng tôi sớm biết khuyên bảo Dương Lăng hướng thiện chẳng khác nào bảo hổ lột da, làm nhọc đại nhân kết thêm thù mới với y. Với quyền lực của tên gian nịnh này, nếu y ôm hận trả thù, đại nhân thật sẽ khó lòng mà đề phòng đấy.
Vương Quỳnh cười ha hả:
- Lão phu tuổi đã quá thất tuần, tiền đồ và tính mạng đều đã ở cuối bờ, cớ chi phải tiếc đắc tội với một tên gian thần lộng quyền? Sợ nó làm gì! Nào nào nào, chúng ta vào phủ cùng nhau uống trà làm thơ!
Vương Quỳnh vừa kéo Đới Tiễn, Tưởng Khâm, vừa cười ha hả với Bạc Ngạn Huy, cất bước đi về phía cổng phủ. Bốn chiếc đèn đỏ chói treo dưới cạnh cổng chiếu sáng choang. Vừa mới ngước đầu, chợt Tưởng Khâm thấy có một vệt màu đen vụt lướt qua khoé mắt, mang theo tiếng gió rít sởn người; Vương Quỳnh đi bên cạnh lão đã đứng sững lại.
Tưởng Khâm ngoái đầu nhìn lại, lão thấy hai mắt Vương Quỳnh mở trừng trừng nhìn thẳng về phía trước, cơ mặt thoáng co rút, cặp mắt già nua đùng đục bị ánh đèn hắt vào, trong mắt lão như có hai ngọn lửa đang bùng cháy. Giữa cổ họng lão... giữa cổ họng lão đã bị một mũi tên đen sì, nhọn hoắc cắm vào.
Tưởng Khâm hơi kinh ngạc, rồi lập tức cùng Đới Tiễn đồng thanh la lớn:
- Vương đại nhân!... Vương đại nhân? Bắt thích khách, mau bắt thích khách!
Thị vệ hay tin chạy lập tức bạt đao xông về phía góc tường. Trong ngõ trống trơn, nơi đó chẳng có đến nửa bóng người.
***
Đám người Quan thủ bị trông thấy yến tiệc hôm nay đã trở nên nông nỗi này, ai nấy cũng cảm thấy mất sạch thể diện, trừ những kẻ quen biết hoặc muốn dựa dẫm vào Dương Lăng, phần lớn đều ngượng ngập cáo từ ra về.
Tuy rằng Dương Lăng tuổi trẻ bốc đồng, nhưng Vương Cảnh Long quả thật bị y bày kế giết chết. Trông thấy Vương Quỳnh râu tóc bạc phơ, tuổi quá thất tuần, mặc dù bị lão tát đến chảy máu môi nhưng y lại không hề có ý nghĩ muốn trả thù; tuy vậy y cũng không còn mặt mũi nào mà ở lại nơi này nữa. Thấy Quan thủ bị và mấy quan viên bu lại khuyên giải, Dương Lăng bèn gượng cười đối đáp bọn họ vài câu rồi vội vã xuống lầu đánh kiệu về phủ.
Ngô Kiệt, Thành Khởi Vận và Liễu Bưu vẫn đang chờ trong sảnh đợi tin tức của y, trông thấy đại nhân vác một bên má sưng vù trở về thì sợ giật nảy cả mình. Cao Văn Tâm đang chờ trong hậu sảnh nghe tin cũng vội chạy ra. Thời này không có đá cục chườm lạnh để mau tan vết sưng bầm, Cao Văn Tâm bèn dùng khăn nóng đắp lên mặt, nhẹ nhàng hóa giải vết bầm. Trông thấy nàng đau lòng như vậy, nếu bên cạnh không có đám người Ngô Kiệt đang đứng chờ e rằng Vương Quỳnh đã bị y chửi mắng té tát rồi.
Đường đường tổng đốc Nội xưởng mà bị người ta tát ngay trước mặt đám đông, chỉ sợ ngày mai chuyện này sẽ lan truyền khắp Giang Nam, biến thành trò cười cho cả thiên hạ. Chuyện mất hết mặt mũi như vậy, sao hai nhân vật chóp bu của Nội xưởng là Ngô Kiệt và Liễu Bưu không phẫn nộ cho được?
Dương Lăng kể lại chuyện vừa xảy ra xong, thấy bọn họ giận đến tím mặt, y đang định an ủi vài câu thì lại thấy Thành Khởi Vận đang khom lưng nhìn mình, trong mắt thoáng vẻ khôi hài, vừa thấy y chuyển ánh mắt sang, nàng mới thoạt dời mắt đi. Nhưng bờ môi cong cong vênh vểnh chưa kịp thu về vẫn đã để lộ ý định ban đầu của nàng.
Dương Lăng thấy vậy không khỏi trừng mắt nhìn nàng. Thành Khởi Vận hé miệng cười nói:
- Chỉ mong cái tát này có thể khiến cho đại nhân tỉnh ngộ. Nếu như ai cũng có thể dùng đạo lý để giải thích cho thông suốt thành kiến của con người, thì trên đời này đã bớt được biết bao chuyện thị phi rồi. Tự cổ chí kim, những bề tôi danh tiếng muốn có thành tựu cao ai mà không hết lòng đàn áp đối thủ của mình? Lẽ nào bọn họ không muốn được mọi người tin tưởng phục tùng, vạn dân yêu mến ủng hộ rồi mới đi thực hiện sách lược của bọn họ à? Không phải là họ không mong muốn như vậy, mà thật sự không thể thực hiện được thôi.
Còn nếu muốn dùng lý phục người, lấy đức phục người thì cứ ngoan ngoãn ở nhà mà đọc sách đi. Không xắn tay vào làm thì có nói mấy trăm năm cũng vẫn có người không hiểu như thường. Thay vì như vậy, khi nắm quyền lực trong tay thì cứ ra sức thực thi, chỉ cần đại nhân thật sự làm việc có hiệu quả, lúc đó người không tin phục cũng sẽ dần tin tưởng và nghe theo, kẻ vẫn không phục cũng sẽ không thể không thuận theo xu thế, vậy là đủ rồi.
Giờ đây cùng lắm chỉ là một cái tát, có diệu thủ của Cao cô nương, một hai ngày rồi cũng sẽ hết. Nếu đó là một đao kề cổ thì đại nhân sẽ làm thế nào? Ba kế sách của ty chức, vẫn mong đại nhân suy nghĩ kỹ.
Dương Lăng cười khổ một tiếng, thầm nghĩ: "Mình là ai? Trong triều không có căn cơ, ngoại thần thì coi mình như dị loại, nội đình hục hặc với nhau, bên trên còn có Hoàng đế, mình có thể mặc sức làm càn sao? Muốn kiến tạo đặc khu mà dùng thực tiễn để nói chuyện à? Căn bản không có cái thuyết địa lí chính trị (8) đấy đâu. Muốn dùng thượng sách của cô, trừ khi tôi nắm hết quyền lực trong tay, thanh tẩy lại toàn bộ thế lực triều đình. Làm như vậy sẽ gây ra biến động lớn tới cỡ nào?"
Dương Lăng còn chưa trả lời, ngoài cửa một tên "mũ đỏ" lại hối hả chạy vào bẩm:
- Xưởng đốc đại nhân, có Quan đại nhân thủ bị Kim Lăng cầu kiến!
Nghe báo, Dương Lăng ngẩn cả người. Quan Kiến Công mới vừa rồi còn dự tiệc cùng mình nay sao đột nhiên lại chạy đến làm gì?
Dương Lăng đưa mắt ra hiệu cho Ngô Kiệt và Thành Khởi Vận, hai người hiểu ý lánh ra sau bức bình phong. Chỉ sau khoảnh khắc, phiên tử đã đưa Quan thủ bị vội vã chạy vào. Khi nãy trên bàn tiệc vị tướng quân này còn bận thường phục bằng tơ lụa, thế mà loáng cái lại đã khôi giáp chỉnh tề.
Dương Lăng thấy vậy, biết đã xảy ra chuyện lớn liền vội nghênh đón:
- Quan đại nhân, đại nhân là...?
Quan thủ bị lật đật hành lễ, rồi báo:
- Ty chức đang dẫn doanh thủ bị, Ngũ thành binh mã ty và Tuần kiểm ty lục soát toàn thành. Tiện đi qua quý phủ cho nên tự thân đến thông báo một tiếng, rất mong đại nhân ước thúc thủ hạ, hôm nay chớ nên ra đường.
Dương Lăng cả kinh hỏi:
- Lục soát toàn thành? Đã xảy ra chuyện gì?
Quan thủ bị nhìn y thật sâu, đoạn khẽ giọng:
- Vương đại nhân, Lễ Bộ thượng thư Vương Quỳnh, khi nãy trong lúc hồi phủ đã gặp phải thích khách.
- Cái gì?
Dương Lăng ngỡ ngàng, mãi một lúc sau mới hỏi:
- Vương thượng thư... Ông ta hiện ra sao rồi?
Quan thủ bị cụp mắt khẽ thở dài một hơi, đáp:
- Một mũi tên xuyên họng! Vương đại nhân... ông ấy đã chết rồi.
Quan thủ bị còn căn dặn thêm vài điều gì đó nhưng Dương Lăng đã hoàn toàn không nghe thấy gì nữa. Song cái liếc mắt đầy thâm ý của lão trước lúc rời khỏi lại giống như một mũi kim đâm vào tim y. Vương Quỳnh đã chết, mà lại là ngay sau khi vị khâm sai đại nhân có thù cũ hận mới này đến Kim Lăng, mới vừa phát sinh xung đột với lão xong thì lão chết!
Ngô Kiệt và Thành Khởi Vận đã bước ra khỏi bình phong, đứng hai bên nhìn y. Ngây người một hồi lâu, Dương Lăng mới lạnh lùng bảo:
- Trịnh bách hộ đâu, gọi hắn đến gặp ta!
Trịnh bách hộ bước vào đại sảnh, mù mờ hỏi:
- Đại nhân, đại nhân có gì căn dặn?
Dương Lăng lao qua túm áo gã, tím mặt gặng hỏi:
- Chính ngươi phái người giết Vương Quỳnh phải không?
Trịnh bách hộ hộ tống y đến lầu Đạm Yên. Nếu Vương Quỳnh đã chết, có đến tám chín phần là đám binh sĩ này thấy y chịu nhục, muốn trút giận cho y mà đã ám sát Vương Quỳnh. Đúng là quá vô pháp vô thiên rồi.
Trịnh bách hộ hoảng đến giật thót mình, run sợ kêu:
- Vương Quỳnh chết rồi? Sao lại thế được? Không phải vừa rồi ông ta còn... còn... Đại nhân, ty chức luôn theo cạnh đại nhân, không có mệnh lệnh của đại nhân làm sao ty chức dám ám sát đại thần trong triều? Tổng cộng mười người chúng tôi cùng theo đại nhân trở về, không thiếu một người. Chắc chắn Vương Quỳnh không phải do người của chúng ta giết!
Dương Lăng buông tay ra, ngơ ngơ ngẩn ngẩn:
- Là ai? Là ai muốn giết Vương Quỳnh?
Thành Khởi Vận chưa từng thấy vẻ mặt này của y. Tuy biết y vốn nóng tính nhưng bình thường nàng còn dám đùa cợt một tí với y, còn lúc này thấy y giận dữ đến thế nàng cũng cảm thấy rét trong lòng. Chần chờ một chốc, rồi nàng mới khẽ nhắc nhở:
- Đại nhân! Ai muốn giết Vương Quỳnh thì tự có nha môn Kim Lăng điều tra, chuyện này không liên quan đến chúng ta. Vương Quỳnh đã chết, tin tức sẽ mau chóng đưa về kinh sư, chúng ta phải làm thế nào? Lúc này đại nhân không thể không nhanh chóng quyết định được đâu!
Dương Lăng chấn động trong lòng. Không sai, một khi Vương Quỳnh chết đi, hết thảy quan viên vẫn đang đứng ngoài quan sát đều sẽ cùng chung kẻ thù địch là y. Lúc này cho dù mình có tài của Tô Tần (9) ba hoa xích thố đến như thế nào, cho dù nói cho Giang Hà* chảy ngược cũng sẽ không có mấy ai chịu tin. Bây giờ tất cả mọi đường lui đều đã bị chặn kín, trừ một ngọn núi đao đó ra, mình đã không còn con đường nào khác để đi.
(*Trường Giang và Hoàng Hà, chỉ sông lớn)
Chống lại Đông xưởng và Cẩm Y Vệ thì thế nào? Chống lại toàn bộ văn võ triều đình thì đã sao? Bây giờ mình còn đường lui ư? Mình phải ứng chiến! Không thể không chiến!
Thần sắc Dương Lăng dần dần trở nên bình tĩnh. Y quay đầu lại, đôi mắt dưới ánh sáng của ngọn nến trông như hai đóm ma trơi âm u. Y cất giọng lạnh lẽo sai bảo:
- Trịnh bách hộ! Căn dặn thuộc hạ: đêm nay toàn bộ huynh đệ không được phép rời khỏi cổng phủ một bước, chuẩn bị thật tốt để ly khai bất cứ lúc nào.
Ngô lão, Thành nhị đáng đầu, Liễu thiên hộ! Theo ta vào thư phòng!
Chú thích:
(1) các sênh ngày xưa được làm bằng quả bầu, khoét 13 lỗ, trong có máng đồng, thổi thành tiếng. Sênh ca là loại nhạc cụ này.
(2) kỹ nữ phục vụ quan chức.
(3) đĩ đực
(4) Câu này có xuất xứ trong Luận Ngữ, chương Vệ linh Công, nguyên văn như sau: "Tử viết: Đạo bất đồng bất tương vi mưu" (子曰:‘道不同,不相为谋’),ý nói người không cùng chí hướng, tư tưởng và nghề nghiệp thì không thể cùng đàm đạo hay mưu nghiệp được.
(5) xem chú thích về "Hạng Trang múa kiếm, ý tại Bái Công" ở chương trước.
(6) Thói “đại bá” của người Hoa: nguyên văn "Tứ di", biếm chỉ "nam Man tây Nhung đông Di và bắc Địch", bốn nước cạnh Trung Quốc; sau chỉ chung các nước lân bang.
(7) Lục khoa chỉ sáu khoa Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Thập Tam đạo thuộc Giám Sát viện.
(8) Thuyết Địa lí Chính trị là học thuyết chính trị xuyên tạc các tư liệu của khoa học địa lí để luận chứng cho chính sách đối ngoại của chủ nghĩa đế quốc nhằm bành trướng và thống trị thế giới. Ở thế kỉ 17, có tư tưởng cho rằng đời sống xã hội được quyết định bởi môi trường địa lí [Môngtexkiơ (C. de Montesquieu),Tuyêcgô (A. R. J. Turgot)]. Tư tưởng ấy phần nào có tác dụng tiến bộ vì chống lại quan niệm tôn giáo cho rằng Thượng đế quyết định tất cả. Nhưng từ giữa thế kỉ 19, thuyết địa lí đã thoái hoá thành TĐLCT. Những đại biểu chính của thuyết này trong thế kỉ 20 là Haoxhôfơ (K. Haushofer) ở Đức, Mackinđơ (H. J. Mackinder) ở Anh, Xpychmen (Spykman) ở Hoa Kì. Kết hợp với chủ nghĩa chủng tộc, TĐLCT làm cơ sở tư tưởng cho chủ nghĩa phát xít đòi "không gian sinh tồn cho dân tộc Đức" ở Châu Âu, đòi thiết lập "khu vực thịnh vượng chung" lấy đế quốc Nhật làm trung tâm ở Châu Á.
(9) Tô Tần cùng với Trương Nghi là hai nhà thuyết khách nổi tiếng thời Chiến Quốc, tương truyền cả hai đều là học trò của Quỷ Cốc tử, là đông môn của Tôn Tẫn, Bàng Quyên.
Tô Tần đưa ra thuyết hợp tung để chống Tần, còn Trương Nghi đưa ra thuyết liên hoành để phá thế hợp tung, đặt cơ sở cho nhà Tần thống nhất Trung quốc.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.