Ngón tay lật trang sách ố vàng của Diêm Hạc dừng lại, rũ mắt trong làn bụi bay đầy trời, vẻ mặt ảm đạm.
Tiểu quỷ trong trí nhớ từng nghiêm mặt nói với anh dân chúng trong thành đều gọi mình là Thanh Thiên tiểu lão gia.
Diêm Hạc lờ mờ hiểu ra những ghi chép này có ý nghĩa gì.
Thời Càn Đế chính là triều đại mà tiểu quỷ sống.
Tiểu quỷ thích đồ ngọt giống Thanh Thiên tiểu lão gia trong sách, không ăn được cay.
A Sinh, A Sinh.
Chính là ma da cùng lớn lên với tiểu quỷ.
Diêm Hạc trầm mặc hồi lâu, cuối cùng lật thêm một trang sách trong tay.
Ngày mười hai tháng Tư, mùa xuân năm Càn Đế.
Thanh Thiên tiểu lão gia phá mấy vụ án lớn làm kinh động đến đương kim Thánh thượng.
Thánh thượng ban thưởng bảng hiệu đặc biệt để khen ngợi.
Nha môn ai cũng mừng rỡ, hàng xóm láng giềng nhắc đến Thanh Thiên tiểu lão gia đều khen ngợi hết lời.
Hôm đó Thanh Thiên tiểu lão gia ngồi kiệu, có người bán cá nhiệt tình nhét một con cá vào kiệu rồi quỳ xuống đất tạ ơn Thanh Thiên tiểu lão gia cứu mạng mình.
Cỗ kiệu vững vàng dừng lại đầu đường, dân chúng bên ngoài đều nhao nhao dừng bước, trầm trồ khen Thanh Thiên tiểu lão gia gặp chuyện gì cũng điềm tĩnh, khí độ bất phàm.
Chỉ có Thanh Thiên tiểu lão gia bị cá sống dọa cho nhảy loạn khắp kiệu, cuối cùng cá sống nằm trên ghế, Thanh Thiên tiểu lão gia ngồi xổm dưới sàn, mắt to trừng mắt nhỏ với cá sống.
Con cá kia cùng Thanh Thiên tiểu lão gia về nhà.
Thanh Thiên tiểu lão gia không nỡ ăn mà nuôi trong lu đá.
Từ đó bà con bắt chước làm theo, mỗi lần Thanh Thiên tiểu lão gia xuất hành thì trong kiệu chất đầy đồ ăn dân chúng nhét vào.
Gà sống vịt sống chạy khắp kiệu, rau quả còn dính bùn đất nhiều đến nỗi nhét không lọt.
Nhưng chẳng ai tặng cá sống nữa.
Mọi người đều biết Thanh Thiên tiểu lão gia đem cá sống người kia tặng về nuôi trong lu đá nên cho rằng tiểu lão gia không thích ăn cá.
Thanh Thiên tiểu lão gia bảo người hầu trả lại đồ cho từng người dân.
Sau đó Thanh Thiên tiểu lão gia không ngồi kiệu ra ngoài nữa.
Nhưng thỉnh thoảng Thanh Thiên tiểu lão gia và người hầu đi trên đường, có mấy người tưởng y là tiểu công tử tuấn tú nhà ai, trên đường có đến ba bốn người đòi làm mối cho y.
Nhưng ta cảm thấy Thanh Thiên tiểu lão gia sẽ không lấy vợ sinh con ở đây.
Nơi này thâm sơn cùng cốc, khó lòng thăng tiến, chính vì tri huyện cũ không chịu nổi nghèo khó nên mới cấu kết với hương thân.
Rồng vàng sao ở trong ao được.
Người như Thanh Thiên tiểu lão gia đâu thể bị giam hãm ở nơi thâm sơn cùng cốc này.
Ngày hai mươi sáu tháng Sáu, mùa hè năm Càn Đế.
Thời tiết ngày càng nóng bức.
Mẹ ta bảo mấy ngày nay số lần người hầu của tri huyện mới đến mua bánh quế ngày càng ít đi.
Từ khi ta nói cho mẹ ta biết khách đến mua bánh quế mỗi ngày là người hầu của tri huyện mới, mẹ ta hay lén rắc thêm đường vào bánh quế.
Mấy gói bánh quế của tri huyện mới luôn ngọt hơn người khác.
Ta nói với mẹ là mình cũng chưa từng được ăn bánh quế rắc nhiều đường mật như vậy.
Mẹ ta nói ta sao có thể so với Thanh Thiên tiểu lão gia được.
Thanh Thiên tiểu lão gia tay chân lèo khèo, tuổi còn trẻ, ngày ngày vất vả vì huyện mình, ăn đường mật nhiều một chút mới khỏe được.
Lúc nói lời này, vẻ mặt mẹ ta hết sức đắc ý.
Dù sao cả huyện chỉ có mình bà lén tặng đường mật cho Thanh Thiên tiểu lão gia thôi.
Nhưng giờ số lần người hầu Thanh Thiên tiểu lão gia đến mua bánh quế ngày càng ít đi, mẹ ta bắt đầu lo lắng.
Mới đầu bà tưởng tay nghề mình kém đi nên Thanh Thiên tiểu lão gia không thích ăn bánh quế bà làm nữa, nhưng ta nếm thử thì thấy tay nghề mẹ ta vẫn giỏi như xưa.
Thế là mẹ ta bảo ta để ý xem có phải Thanh Thiên tiểu lão gia bị bệnh nên chán ăn không.
Ta quan sát kỹ mấy lần, phát hiện Thanh Thiên tiểu lão gia không bị bệnh, nhưng dạo này thời tiết nóng bức nên khẩu vị kém đi, người cũng gầy nhom.
Y vẫn bận bịu như trước kia nhưng ăn cực ít, ngay cả bánh quế thường ngày thích ăn cũng chỉ ăn mấy miếng rồi gác đũa.
Người hầu của y cực kỳ lo lắng, đi khắp nơi tìm hầm băng nhưng cuối cùng vẫn chẳng thu hoạch được gì.
Nơi thâm sơn cùng cốc này làm gì có hầm băng chứ.
Ta về kể lại chuyện này với mẹ ta, bà ngồi im lặng thật lâu.
Ta và mẹ ta đều biết nơi này không thích hợp với Thanh Thiên tiểu lão gia.
Ngày mười chín tháng Bảy, mùa hè năm Càn Đế.
Có tin đồn Thanh Thiên tiểu lão gia sắp được điều về kinh thành.
Tin đồn này khiến dư luận bàn tán xôn xao, chỉ có Thanh Thiên tiểu lão gia là không biết gì.
Mẹ ta viết công thức làm bánh quế rồi đặt ở ngăn dưới cùng của hộp đựng hồi môn.
Bà bảo ta nếu Thanh Thiên tiểu lão gia đi thật thì sẽ đưa công thức làm bánh quế này cho người hầu kia.
Thanh Thiên tiểu lão gia thích ăn bánh quế bà làm nhất.
Bà sợ Thanh Thiên tiểu lão gia đi kinh thành không được ăn bánh quế bà làm sẽ thèm.
Khi mẹ ta nói lời này, ta chỉ im lặng ngồi cạnh.
Ta không nói với mẹ các tiệm điểm tâm ở kinh thành phong phú đa dạng, cũng không nói bánh quế ở kinh thành chắc chắn sẽ ngon hơn bánh quế ở đây nhiều.
Còn ngon cỡ nào thì ta không biết, mẹ ta cũng không biết.
Dân chúng trong huyện cũng không biết.
Kinh thành.
Nơi đó cách chúng ta quá xa.
Xa đến mức không tưởng tượng nổi.
Ngày mười hai tháng Chín, mùa thu năm Càn Đế.
Mộ đại nhân không đi.
Hình như y đã biết gì đó nên không mặc áo gấm Vân Yên như trước nữa mà đổi sang áo vải bình dân.
Rõ ràng ta nghe người hầu nói với y không chỉ một lần rằng loại vải kia cực kỳ thô ráp, giục y thay áo gấm Vân Yên trong rương.
Ta không biết áo gấm Vân Yên là gì.
Ta chỉ biết loại vải kia vào mùa hè tỏa sáng lấp lánh, có vẻ rất láng mịn.
Mộ đại nhân không thay mà chỉ khom người phủi đất rồi hớn hở nói với người hầu sau lưng: "A Sinh, tưới nước đi. Mấy ngày nữa có thể nhổ bụi hành này rồi."
Giờ y trồng trọt đã rất thành thạo.
Ngày hai mươi bảy tháng Chín, mùa thu năm Càn Đế.
Năm nay mùa màng bội thu.
Mộ đại nhân rất vui.
Y đội mũ rơm xuống ruộng xem lúa.
Lúc về y bảo người hầu đến tiệm của mẹ ta mua bánh quế.
Mẹ ta cũng rất vui.
Ta thấy Mộ đại nhân viết một lá thư gửi về nhà.
Tóm lại là gia đình Mộ đại nhân cũng rất vui.
Tháng mười hai, mùa đông năm Càn Đế.
Năm nay tuyết lớn khác thường.
Mộ đại nhân cùng đón giao thừa với chúng ta.
Trẻ con đốt pháo hoa ngoài đường trong gió lạnh.
Mộ đại nhân uống chút rượu.
Y mặc áo khoác lông chồn, cười híp mắt nhìn lũ trẻ nô đùa trên đường, người qua đường cứ mãi quay đầu nhìn vị Thám Hoa lang này.
Dân chúng trong huyện đều lo Mộ đại nhân bị điều đi.
Bọn họ nói sau này huyện An Phong sẽ không bao giờ có người nào như Thanh Thiên tiểu lão gia nữa.
Ngày mười hai tháng Hai, mùa xuân năm Càn Đế.
Mộ đại nhân đến huyện đã được một năm.
Trong thôn hầu như không có tranh chấp, cũng chẳng còn tình trạng chèn ép bắt nạt.
Mẹ ta vẫn hay lén rắc thêm đường mật vào bánh quế của Mộ đại nhân.
Mộ đại nhân cũng ngày càng thích ăn bánh quế mẹ ta làm.
Ngày mười tám tháng Hai, mùa xuân năm Càn Đế.
Năm nay mưa xuân đến muộn.
Hoa màu không thể nảy mầm.
Ngày hai mươi mốt tháng Tư, mùa xuân năm Càn Đế.
Huyện An Phong gặp hạn lớn.
Hiện giờ hoa màu đều chết héo.
Mộ đại nhân gầy rộc hẳn đi.
Ngày mười một tháng Năm, mùa hè năm Càn Đế.
Cái giếng mà Mộ đại nhân và chúng ta đào đã cạn nước.
Những dòng ghi chép trên trang giấy ố vàng dần thưa đi, tựa như người viết đã bắt đầu kiệt sức, mỗi lần chỉ có thể ghi vội mấy điều quan trọng.
"Cộc cộc ——"
Cửa sắt mở rộng bị Bạch Vô Thường gõ hai lần, y cầm xích sắt cười tủm tỉm với Diêm Hạc đang cúi đầu đọc sổ ghi chép: "Đến giờ ngươi phải về rồi."
Diêm Hạc trầm mặc hồi lâu rồi ngẩng đầu hỏi bằng giọng khàn khàn: "Đồ của quỷ sứ ở đây có thể mang đi được không?"
Bạch Vô Thường ngẩn người, lập tức lắc đầu nói: "Không được. Không mang đi được đâu. Sao thế? Đám mây gì đó không làm được à?"
Diêm Hạc không nói gì mà chỉ nhìn bụi bặm lơ lửng trong không khí, một lát sau mới khàn khàn nói: "Làm được. Nhưng ngày mai còn phải khảo sát lần nữa."
Bạch Vô Thường phất tay áo: "Được thôi. Đêm mai vào giờ này ngươi cứ đến chỗ tối nay tìm chúng ta là được."
Y quay đầu bảo Hắc Vô Thường đang khoanh tay: "Lão Hắc, dẫn người đi."
Hắc Vô Thường ngẩng đầu lạnh lùng đi tới, cùng y dẫn hồn Diêm Hạc ra khỏi âm phủ.
Lúc này đã rạng sáng.
Màn đêm sâu thẳm lóe lên một tia sáng, gà trống ngửa cổ gáy to, tiếng gáy lanh lảnh vang vọng.
Hồn phách trở về.
Trong phòng ngủ tối om, người đàn ông ngủ say mở mắt ra, bất động nhìn lên trần nhà.
Chẳng bao lâu sau, anh bật dậy rồi ngồi lặng trong bóng tối.
Những dòng ghi chép trên trang sách ố vàng cứ quanh quẩn trong đầu như một sợi xích vô hình.
Hai mươi mốt tháng Tư.
Huyện An Phong gặp hạn lớn.
Sau hạn lớn ắt có lũ lụt.
Ngón tay Diêm Hạc khẽ run, ngồi lặng trong bóng tối đến khi chân trời hửng sáng mới đứng dậy đi tới phòng làm việc.
Trong phòng làm việc, Diêm Hạc yên lặng ngồi dựa vào ghế, bất động nhìn trang tìm kiếm trên màn hình máy tính sáng rực.
Tháng Tư năm Càn Đế thứ tám gặp hạn lớn, tháng Sáu gặp lũ lụt.
Lần đầu tiên Diêm Hạc có ý định quên đi.
Quên đi.
Đừng đọc lại nữa.
Thà cứ xem như Mộ Bạch qua đời vì lũ lụt trên đường vào kinh thi.
Vẫn tốt hơn đêm nay đọc quyển nhật ký kia, tận mắt thấy người khác miêu tả cái chết của tiểu quỷ.
Nhưng đến nửa đêm, Diêm Hạc vẫn xuất hiện ở ngõ hẻm.
Hắc Bạch Vô Thường đã chờ sẵn đầu ngõ, vừa chờ vừa nói đùa với anh: "Sao hôm nay đến muộn thế? Tiểu quỷ về nghĩa địa ngủ mất rồi còn đâu."
Diêm Hạc đi theo bọn họ, vẻ mặt không rõ cảm xúc.
Cửa sắt nặng nề mở ra, bụi bặm lắc lư trôi nổi trong ánh sáng.
Diêm Hạc đứng trước quyển nhật ký kia, im lặng hồi lâu rồi đưa tay lật ra.
Ngày hai mươi tám tháng Năm, mùa hè năm Càn Đế.
Mộ đại nhân bảo chúng ta cố gắng cầm cự.
Hạn lớn rồi sẽ qua.
Ngày mười một tháng Sáu, mùa hè năm Càn Đế.
Chúng ta đã cầm cự được.
Huyện An Phong nghênh đón mưa to.
Mọi người đều mừng phát điên.
Mộ đại nhân cũng rất mừng.
Nhưng con cá y nuôi trong lu đã không cầm cự nổi.
Ngày mười bốn tháng Sáu, mùa hè năm Càn Đế.
Mưa to ròng rã ba ngày liền.
Chúng ta lén ra bờ sông bắt một con cá giống hệt con cá lần trước bỏ vào lu đá của Mộ đại nhân.
Mộ đại nhân vẫn chưa phát hiện.
Ngày mười sáu tháng Sáu, mùa hè năm Càn Đế.
Trận mưa tầm tã này khiến lòng người hoảng hốt.
Sao mưa lâu thế mà vẫn chưa tạnh nữa chứ.
Mẹ ta kể từ lúc sinh ra bà chưa bao giờ thấy huyện An Phong có trận mưa nào vừa lớn vừa dai như vậy.
Ngày mười tám tháng Sáu, mùa hè năm Càn Đế.
Mộ đại nhân phát hiện con cá trong lu đá.
Thấy cá bơi trong lu, đôi mày nhíu chặt của y rốt cuộc giãn ra, nở nụ cười đầu tiên sau mấy ngày qua.
Y khom lưng đưa tay khuấy nước trong lu, vừa cười vừa khều con cá đang bơi rồi hỏi chúng ta cá này có khó bắt không.
Chúng ta nói không khó đâu, mấy ngày nay nước sông dâng cao, cá dưới sông đều dạt lên bờ nên chẳng cần tốn chút sức lực nào đã bắt được cá.
Trước kia Mộ đại nhân rất hay cười, nhưng nghe chúng ta nói thì đột nhiên dừng tay lại, ngẩng đầu nhìn thẳng vào chúng ta rồi hỏi lại lần nữa.
Y nói: "Nước sông tràn bờ rồi à?"
Chúng ta gật đầu, trông thấy Mộ đại nhân lập tức quay người, nghiêm nghị bảo người hầu chuẩn bị áo tơi.
Y ra đê xem xét tình hình.
Ngày hai mươi tháng Sáu, mùa hè năm Càn Đế.
Huyện An Phong gặp lũ lụt.
Mộ đại nhân cũng không trở về nữa.
Ngày hai mươi mốt tháng Sáu, mùa hè năm Càn Đế.
Gần đê có nông dân cứu được người hầu của Mộ đại nhân.
Sau khi tỉnh lại, y quỳ xuống tạ ơn nông dân cứu mạng rồi lại đến chỗ lụt.
Nông dân ra sức cản y nhưng y quỳ dưới đất nói phải đi tìm thiếu gia nhà mình.
Ngày hai mươi sáu tháng Sáu, mùa hè năm Càn Đế.
Lũ rút đi một nửa.
Thư nhà Mộ đại nhân rốt cuộc cũng đến.
Trong thư gọi Mộ đại nhân là con út.
Họ nói huyện An Phong bị lũ lụt, dặn con út phải chú ý sức khỏe.
Họ nói chờ con út về sẽ kể chuyện ở đại mạc cho con út nghe.
Cuối thư là lời nhắn của mẫu thân Mộ đại nhân.
Bà nói nương chỉ mong con út là tiểu tú tài chứ không phải Thám Hoa lang gì cả.
Năm nay con út nhớ về nhà đón giao thừa với chúng ta nhé, nương và các ca ca tỷ tỷ đều nhớ con lắm.
Ngày sáu tháng Bảy, mùa hè năm Càn Đế.
Đã tìm được giày và chiếc áo mục nát vì ngâm nước của Mộ đại nhân trên bờ đê.
Ngày bảy tháng Bảy, mùa hè năm Càn Đế.
Rốt cuộc Mộ đại nhân không thể ăn bánh quế mẹ ta làm nữa.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]