Lần này Lục Ninh Hải lên đảo, mang theo tin tử của Phó Duy Tín. Mỗi chuyến viếng thăm của ông dường như đều có mối liên hệ lạ lùng với những con chết. Thực ra, trong vòng vài giây đầu nghe thấy cái tên “Phó Duy Tín”, Phó Kính Thù thậm chí còn chưa nghĩ ra người này là ai. Mặt Lục Ninh Hải bắt đầu xị ra, Phó Kính Thù chợt à lên, Phó Duy Tín là con trai ruột của bà Trịnh, người em cùng cha khác mẹ của ông Phó Duy Nhẫn. Như vậy xét về vai vế, cậu phải gọi người ta một tiếng “chú”. Tiếc là ông chú này cậu còn chưa được thấy mặt đã phải nghe tin tử. Thời trẻ bà Trịnh hiếm muộn, không có con vẫn luôn là nỗi đau âm ỉ trong lòng bà cho đến khi trung tuổi, may mắn sinh được một cặp song sinh trai gái, bà coi đây là đặc ân lớn nhất mà ông trời ban tặng. Hai đứa con của bà nhỏ hơn Phó Duy Nhẫn mười tuổi, đều là con ông Phó Truyền Thanh, nhưng môi trường lớn lên của ba đứa trẻ hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là cậu trai trong cặp song sinh, được bà Trịnh coi như cục vàng cục bạc, từ nhỏ ẵm bế trong tay, chỉ hận không mang tất cả mọi thứ tốt nhất trên đời dành hết cho con. Nghe nói người con trai Phó Duy Tín này không khiến bà Trịnh thất vọng, sinh ra đã như viên ngọc báu, lớn lên trông càng đẹp trai phong độ, dáng người cao lớn, thông minh lanh lợi, so với Phó Duy Nhẫn mặt mũi trắng bệch lúc nào cũng âu sầu mà nói, người anh em Phó Duy Tín ngược lại khỏe khoắn lanh lợi như mặt trời. Khi còn sống, ông Phó Truyền Thanh luôn áy náy về đứa con riêng Phó Duy Nhẫn, nhưng người ông thương yêu hơn dĩ nhiên là cậu con trai lớn lên bên mình, tính cách nhiều phần giống mình. Điều này khiến bà Trịnh rất vui mừng, càng giải tỏa được phần nào mối hận với đứa con riêng của chồng. Lúc lâm chung ông Phó Truyền Thanh hy vọng vợ đón Phó Duy Nhẫn về Malaysia, đồng thời, sau khi cả ông lẫn bà Trịnh khuất núi, tất cả sản nghiệp của nhà họ Phó đều giao cho Phó Duy Tín tiếp quản, đây là điều hai vợ chồng đã ngầm ước định. Phó Duy Tín sinh tại Malaysia, mười mấy tuổi đã sang Châu Âu du học, tính cách lẫn sở thích đều tương đối Tây hóa. Ông không mấy bận tâm đến việc kế thừa gia nghiệp tổ tông. Cha mất, thì trong nhà lại có một bà mẹ sáng suốt mạnh mẽ đứng lên, ông có thể ung dung tự tại làm điều mình thích. Cuộc sống của ông xoay quanh việc hưởng thụ: là gái đẹp, là tất cả những thứ kích thích thần kinh con người ta nhất. Bà Trịnh cũng thường kín đáo phê bình cuộc sống chơi bời hưởng thụ của con trai, bà mong con kiềm bớt bản tính hoang tàn, chịu khó tiếp xúc với công việc của gia tộc, tránh sau này khi tiếp quản chân tay lại lóng ngóng. Phó Duy Tín lại cảm thấy, ông anh cùng cha khác mẹ Phó Duy Nhẫn và người chị sinh đôi Phó Duy Mẫn phù hợp với những việc đó hơn. Phó Duy Tín tâm tính tự do phóng túng như con ngựa bất kham, nhưng lại khá nặng tình nặng nghĩa, yêu thương quấn quýt người chị song sinh đã đành, mà đến ông anh Phó Duy Nhẫn lúc nào cũng u ám không vui chẳng được mẹ yêu quý, ông cũng đối xử không tệ. Khi Phó Duy Nhẫn lâm bệnh, ông từng tới thăm viếng nhiều lần, còn mấy phen khuyên mẹ nên đối tốt với con trai của anh mình đang sống trong nước. Việc này thực sự đã chạm vào một nỗi đau khác của bà Trịnh. Phó Duy Nhẫn èo uột đáng chán, nhưng vẫn có đứa con nối dõi, Phó Duy Tín thì tuổi không còn trẻ, lại chẳng hề có ý định lấy vợ sinh con, một người đàn bà truyền thống như bà Trịnh không khỏi sốt ruột bất an. Mặc dù con gái đã lấy chồng sinh được con trai, nhưng chỉ có con của Phó Duy Tín mới là cháu nội của bà, là người kế thừa danh chính ngôn thuận của Phòng Ba nhà họ Phó. Thật không may, điều bà Trịnh lo sợ nhất đã trở thành sự thật. Hai tháng trước, Phó Duy Tín cùng bạn bè chơi thuyền buồm tại Nam Mỹ gặp phải tai nạn, khi vớt được lên đã không còn cứu kịp nữa. Lúc đó ông vừa tròn ba mươi sáu tuổi, bạn gái hàng tá, nhưng không có lấy một đứa con. Cái chết của Phó Duy Tín là một đòn chí mạng với bà Trịnh lúc này tuổi đã xế chiều. Nỗi đau thương khôn xiết khiến bà ngã bệnh không thể gượng dậy, căn bệnh tim chuyển biến xấu. Con gái con rể và nhà ngoại đều sợ bà không qua khỏi, người đại diện Phòng Nhì bay tới Kuala Lumpur thăm hỏi, luật sư cùng đội ngũ cán bộ cấp cao thuộc các xí nghiệp vây quanh đầu giường, mọi người nháo nhác chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Không ngờ cuối cùng bà Trịnh lại qua cơn nguy kịch, cách đây không lâu bà đã có thể xuống giường hoạt động nhẹ. Cùng lúc đó, luật sư đại diện trong nước, tức ông Lục Ninh Hải, theo chỉ thị của bà Trịnh lại lần nữa tìm đến nhà tổ trên đảo Qua Âm. Nghe Lục Ninh Hải truyền đạt xong, Phó Kính Thù bỗng chốc lặng thinh, chiếc kéo đang tỉa tót chậu cây cảnh trong tay cậu không ngừng phát ra tiếng ken két. Lục Ninh Hải đang đợi một câu trả lời, ông cảm thấy, câu trả lời này rất rõ ràng. “Một cái họ có quan trọng đến thế không?” Phó Kính Thù ngẩng đầu nhìn vị luật sư hỏi. Lục Ninh Hải nhìn thẳng vào mắt người thiếu niên đứng kế bên, phát hiện ra bản thân mình hoàn toàn không đọc ra tâm tư của cậu ta. Nói chuyện với người thông minh là một việc vừa nhàn hạ vừa mệt mỏi. Nhàn ở chỗ bớt được rất nhiều những lối nói quanh co hay mâu thuẫn vô vị phiền phức, mệt ở chỗ khi đã xé cái vẻ khách sáo ra rồi, những điểm trọng yếu trở nên lồ lộ khiến người ta khó tránh khỏi lúng túng. Lục Ninh Hải nói: “Quan trọng với ai mới được.” Ít nhất giờ đây hai người họ đều hiểu, họ “Phó” và huyết thống chính tông nhà họ Phó đối với bà Trịnh quan trọng hơn cả. Khi Phó Duy Tín còn sống, bà chẳng coi Phó Duy Nhẫn ra gì, càng có thể vờ như không biết đến sự tồn tại của đứa trẻ đang sống lay lắt ở nhà tổ. Bởi vì con ruột bà còn trẻ, sau này chắc chắn sẽ sinh cho bà một đàn cháu. Ngày “rửa tay gác kiếm”, bà sẽ mang cơ nghiệp bao năm khổ sở duy trì giao vào tay con cháu mình, tổ nghiệp sẽ đời đời truyền qua tay những hậu nhân của đứa con ruột do chính bà và chồng mình sinh ra. Vậy nhưng cái chết của Phó Duy Tín đã phá hỏng tất cả. Người đàn bà tuổi xế chiều ấy bước tới lằn ranh sống chết lại quay đầu trở về, chấp nhận sự thật rằng con trai đã vĩnh viễn ra đi, đồng thời, bà còn phải đối mặt với tình huống Phòng Ba không có người nối dõi. Phó Duy Tín không để lại đứa con nào, con gái con rể của bà Trịnh bỗng chốc nóng lòng nóng ruột. Nhưng con gái dù thân, cháu ngoại dù sao vẫn là người nhà người ta. Bà chết đi, Phòng Ba nhà họ Phó coi như chẳng còn tồn tại, tất cả mọi thứ đều chuyển sang tên con rể. Tâm huyết và vinh quang cả đời hai vợ chồng dốc sức làm ra trong thoáng chốc biến thành tro bụi. Dĩ nhiên, bà Trịnh vẫn còn sự lựa chọn khác. Nhà ngoại có danh vọng nhưng đã tàn lụi có người sôi sục dã tâm, Phòng Nhì ở đài loan cũng đang rục rịch ngóc dậy, tỏ ý mời bà Trịnh chọn trong vô số các cháu bên đó ra một người làm con nuôi Phó Duy Tín, dù sao cũng vẫn là người nhà họ Phó. Mỗi lúc một mình, bà Trịnh cảm thấy trong lòng vô cùng đau xót. Bà cả đời háo thắng, duy nhất có hai việc buồn phiền, thứ nhất là người chồng bà nhất mực yêu thương lại có con với người hầu, một chuyện khác là hậu nhân quá ít ỏi. Nếu bà có thêm một đứa con trai, nếu Phó Duy Tín vẫn còn sống, nếu nó chỉ cần để lại một giọt máu thôi, thì bà đâu phải đến bước đường này. Bà Trịnh tuổi tác đã cao, đặc biệt trận ốm nặng vừa qua khiến bà ngộ ra rằng, con người có mạnh mẽ đến mấy rồi cũng có ngày lực bất tòng tâm, bà buộc phải tính toán mọi chuyện sau khi mình ra đi. Bà nhớ khi bà hôn mê, dường như bản thân đã đi tới vùng ranh giới mịt mùng của sự sống và cái chết, ở đó bà gặp lại người chồng Phó Truyền Thanh tạ thế đã lâu. Vẻ nói vẻ cười, dáng điệu bên ngoài của ông vẫn y như thời còn trẻ. Người đàn ông trẻ tuổi ấy đã khiến cô tiểu thư họ Trịnh chẳng hề do dự phó thác cả đời mình, từ ấy gắn bó nương tựa lẫn nhau, bà lao tâm khổ tứ bỏ bao tâm huyết giúp ông duy trì nền móng Phòng Ba nhà họ Phó. Sau khi tỉnh lại, kỳ thực trong lòng bà đã có câu trả lời. Bà sẽ cho con gái con rể phần mà chúng xứng đáng được nhận, để chúng không phải lo lắng gì về cuộc sống sau này. Người nhà ngoại mấy chục năm nay cũng đã nhận từ chỗ bà không ít. “Ý tốt” của Phòng Nhì bà xin nhận nhưng không thể đồng ý, bởi người anh Phòng Nhì của chồng bà vốn là con nuôi, vẻn vẹn có cái danh họ Phó mà thôi. Chỉ duy nhất đứa con trai ở nhà tổ kia, dù bà chẳng hề muốn thấy mặt cha con nó, dù hận đó là vết nhơ trong cuộc hôn nhân thắm thiết giữa mình và chồng, nhưng đến nước này bà buộc phải thừa nhận, nó mới là huyết thống chính tông Phòng Ba nhà họ Phó, cũng là giọt máu duy nhất mà người chồng thân yêu của bà để lại trên đời. Chuyện bà Trịnh đã quyết tuyệt không phải chuyện đùa. Lúc đứa trẻ đó vẫn chưa thành niên, cha mẹ đều mất, được đón về bên này nó thể nào cũng cảm kích rơi nước mắt. Chỉ cần bà ân cần chỉ bảo hằng ngày, chắc chắn nó sẽ trở thành một hạt giống tốt. Huống hồ bà nghe Lục Ninh Hải nhắc qua, rằng đứa bé này tính cách khác hẳn cha mình, thông minh trầm tĩnh, biết cách tiến lùi, đây chính là điều mà bà và nhà họ Phó hiện tại đang cần. Không biết chừng trong cõi u minh, trời xanh đã sớm an bài mọi chuyện. “Bà Trịnh bảo tôi chuyển lời với cậu, mấy năm nay bà luôn rất quan tâm tình hình trưởng thành của cậu. Những kinh nghiệm sống thu được ở đây, hãy coi là một trải nghiệm của bản thân mình.” Lục Ninh Hải nói với Phó Kính Thù. “Vâng?” bàn tay đang mải miết cắt tỉa của Phó Kính Thù dừng lại giây lát. Lục Ninh Hải cười khổ, nói mấy câu dối lòng với một đứa trẻ sớm lĩnh ngộ vốn là một hành vi rất buồn cười, nhưng vì chức trách của mình, ông không thể không làm. “Cám ơn ông, luật sư Lục.” “Đừng khách sáo.” Lục Ninh Hải trầm ngâm giây lát, mới quay sang nói với cậu thanh niên đang tỏ ra chăm chú và bận rộn kia rằng, “Tôi hiểu… vì việc này quan trọng, tôi sẽ đợi đến khi cậu ra quyết định.” Phó Kính Thù im lặng không đáp, một cành hoa mọc cao vồng lên đứt lìa khỏi cây kéo của cậu. Thật đáng tiếc, ai bảo lá trên cành ấy sum suê quá làm chi. “Đừng giày vò hoa của anh nữa.” Phó Kính Thù quay đầu lại, thấy Phương Đăng đang ngồi trên bờ tường nhìn cậu mà cười. Lục Ninh Hải đã rời khỏi được một lúc. “Xem ra em không bao giờ bỏ được sở thích leo tường.” Phó Kính Thù nói. Phương Đăng đung đưa đôi chân, giọng điệu thản nhiên, “Thì đã sao, sau này chẳng biết có còn được leo hay không.” Nó nhảy xuống, bước vài bước đến dàn hoa, giành lấy cái kéo trong tay Phó Kính Thù, khua tay múa chân một hồi, mới tỏ vẻ dửng dưng nói: “Anh nên đi đi.” “Em muốn tôi đi à?” Phó Kính Thù dĩ nhiên không tin đây là lời thật lòng của Phương Đăng. Hai đứa đều không thể quên, chính tại khu vườn nhỏ này, cậu đã thề không rời khỏi, hồ ly đá và cơn gió ngày ấy có thể làm chứng. “Bây giờ đã khác xưa rồi.” Phương Đăng cười hi hi đáp, “Ngày trước anh không đi được, bây giờ có bà lão nóng lòng đợi anh đến… Hơn nữa, anh không đi, tôi cũng sẽ đi.” “Cái gì ?” “Ông luật sư họ Lục muốn nhận tôi làm con nuôi, đón về thành phố sống cùng. Phó Thất, anh bảo bọn mình có phải trúng số độc đắc cùng lúc không ?” “Lục Ninh Hải ?” Phó Kính Thù khẽ cau mày, những gì Phương Đăng vừa nói khiến cậu thực sự bất ngờ. Phương Đăng huých huých khuỷu tay vào người Phó Thất, “Sao thế, không tin à ? Tôi đi một chuyến sao mà không được ? ‘con gái của luật sư’, nghe hay hơn hẳn ‘Con gái của lão nát rượu’ hay ‘Con gái của kẻ bắt cóc’.” Phó Kính Thù tỏ ý hoài nghi : “Em đồng ý rồi à ?” “Sao lại không nhỉ ?” Phương Đăng đáp, “Làm người phải biết vươn lên chứ ?” Nó bắt chước điệu bộ quen thuộc của cậu ta, nghiêng đầu cười. Phó Kính Thù bỗng cảm thấy buồn bã. “Em không phải không biết là…” “Tôi biết !” Phương Đăng mau mắn trả lời, “Chính vì biết nên tôi mới nói anh nên đi.” Những lo lắng của Phó Kính Thù chỉ Phương Đăng là rõ nhất. Nỗi oán giận biết bao năm bị lãng quên hoàn toàn, vết xe đổ của cha còn đó, thân thế không mấy rõ ràng… đều là nguyên nhân khiến cậu ta do dự. “Anh cam chịu cả đời thế này ư ? Bị vứt ở nơi hoang tàn này, phó thác sống chết cho trời, bị cả nhà Phó Chí Thời coi thường, nó bảo chúng ta là chuột cùng một tổ. Anh biết chuột cống thế nào không ? Chẳng bao giờ được thấy ánh mặt trời, bị người người ghét bỏ, phải ăn rác rưởi người ta vứt ra, nghe thấy động là chạy trối chết. Phó Thất, chúng ta phải thay đổi chứ ? Lần này anh đi, sẽ là cơ hội tốt nhất thay đổi vận mệnh, vận mệnh cả hai chúng ta.” “Thật ư ?” Phó Kính Thù nhắm mắt lại. Những gì Phương Đăng nói chẳng lẽ cậu không hiểu, nhưng phía trước có quá nhiều thứ không thể đoán định, tại sao ngay vào lúc đã chấp nhận số mệnh an bài, cơ hội lại đột ngột đến khiến cậu trở tay không kịp như thế ? “Anh sống tốt, tôi mới sống tốt.” Phương Đăng vỗ về chậu hoa hải đường Thùy Ti, giờ đây bị tỉa chẳng ra hình thù gì. Nó ngắt xuống một chiếc lá héo khô, “anh từng nói, một chậu cây sinh trưởng không tốt, là do nó có bệnh, có cắt tỉa thế nào cũng vô dựng, căn bệnh vốn dĩ bắt nguồn từ bên trong.” Tối đến, A Chiếu sốt sình sịch kéo Phương Đăng ra một góc. “Chị, em nghe nói Thất Ca sắp đi cái chỗ gì gì… tóm lại là đi nước ngoài phải không ?” “Thông tin của thằng em nhanh nhạy đấy.” Phương Đăng thủng thẳng ăn tiếp bữa tối. “Sao lại thế được !” Trông A Chiếu như sắp khóc đến nơi, “Chị khuyên anh ý đừng đi có được không.” Phương Đăng liếc A Chiếu một cái. Nó đã cao hơn, hai sợi nước mũi không còn lòng thòng trước mặt, nhưng cái vẻ ngây thơ vô tội vẫn nguyên văn. Mới mười ba tuổi, nó cứ cho là mình lớn lắm, bây giờ đánh nhau còn ác liệt hơn Phương Đăng. Người tuy có gầy, nhưng gan lì cóc tía, hễ mà đánh ai, không đánh đến khi người ta bò lăn bò toài ra chịu thua thì không thôi. Hiện nay mấy đứa cầm đầu cô nhi viện hoặc các khu vực lân cận đều phải nể sợ nó. Phương Đăng chẳng rõ bài học ngày xưa mình dạy thằng bé rốt cuộc là đúng hay sai. Bé chuồn chuồn ngày nào giờ đây không còn bị ai bắt nạt, cả ngày cứ nghĩ cách bảo vệ Phương Đăng. Đứa trẻ này khắc cốt ghi tâm một điều, trogn thế giới của nó, có nó, có chị, có Thất ca. Đó như cái chạc sắt ba chân không thể đánh đổ, cả ba đều có mặt, nó mới có gia đình. Phương Đăng sợ A Chiếu rồ lên đến ngăn Phó Kính Thù, bỗng dưng sẽ trở thành bịch bông cho Phó Thất trút giận, liền nói thẳng : “Đi thì đi, chị cho người ta đi.” “Sao lại thế ?” A Chiếu chẳng hiểu ra sao. “Sao sao cái gì ?” Phương Đăng giả vờ ngây ngô. “Chị, chị ngốc lắm. Chị và Thất ca bây giờ như thế, anh ý đi có khi không quay về nữa thì sao ?” A Chiếu nói xong, thấy Phương Đăng vẫn lặng thinh và cơm, liền giật giật ve áo bà chị, Phương Đăng ẩy ra, ngoảnh mặt đi ra chỗ khác. Con bé tìm đến một góc không có ai, và từng miếng cơm thật to vào miệng. Cứ như thế, sẽ ngăn được nỗi buồn ập đến trong từng hơi thở. Đến A Chiếu còn hiểu, người kia mà đi, chẳng biết bao giờ mới quay trở lại. Ở trên đảo, cậu ta là Tiểu Thất của nó, nó vẫn có thể ôm bí mật của mình, thi thoảng để cho bản thân được hy vọng hão huyền một tí. Một khi rời đi, cậu sẽ là Phó Kính Thù, đường đường chính chính là người nhà họ Phó. Nó sẽ chỉ còn là kẻ thân thích chẳng mấy sáng giá sau lưng cậu, là cô chị họ đê hèn, và giữa chúng từ đây… chẳng thể nào được nữa.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]