Phó Kính Thù hỏi Phương Đăng hiểu không, Phương Đăng thật ra không hiểu. Nó chỉ là con gái một lão nát rượu, là kẻ sống được ngày nào hay ngày đó, cái gọi là danh gia vọng tộc trước giờ chẳng liên quan gì đến nó cả. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, có lẽ chuyện này chẳng có gì khó hiểu. Trên đời có những thứ trong mắt mọi người không đáng một xu, nhưng với ai đó lại là tất cả. Đến đêm thì mưa tạnh. Sáng sớm ngày hôm sau, ông mặt trời vội vã thị uy với nhân gian bằng những tia nắng cuối thu. Rêu phong trên tường Phó gia viện được nước mưa gột rửa, trở nên xanh ngắt. Phương Đăng đi qua, đã không còn ai đứng chờ ở đó nữa. Hôm đó nó đến trường rồi về nhà mà chẳng gặp Phó Kính Thù lần nào. Đêm xuống, cũng không thấy có tia sáng ló ra từ khe hở tấm rèm lông ngỗng màu đỏ tươi. Cậu đã đi đâu? Từ khi chuyển tới đây, chưa bao giờ Phương Đăng thấy cậu rời đảo qua đêm. tt từng nói, trong đất liền cậu không còn người thân nào khác. “Em ngó thử vào lớp rồi, chỗ ngồi của anh Bảy trống không.” Lại một ngày nữa trôi qua, A Chiếu vừa cắn miếng cá rán, vừa nói. Mặt mũi nó sạch sẽ hơn trước nhiều. Phương Đăng bảo nó rằng, muốn ăn đồ chị nấu, ít nhất phải lau sạch nước mũi đã. “Chị ơi, anh Bảy liệu có nghĩ quẩn…” “Phủi phui cái mồm!” A Chiếu không dám hé răng, sợ chọc giận Phương Đăng. Chén xong con cá rán, nó tiếc rẻ mút mút đầu ngón tay, chợt như nghĩ ra điều gì, liền nói: “Biết đâu vốn không có ai là anh Bảy cả… Chẹp, biết đâu là một hòn đá biến ra. Mọi người đều nói trong Phó gia viện có con hồ ly đá thành tinh… Nên người ta muốn ẩn là ẩn, muốn hiện là hiện, tùy ý.” “Nói linh tinh nữa là ăn đòn đấy.” A Chiếu lẩy bẩy chịu một cái cốc rất đau, bưng đầu chạy mất. Phó gia viện đóng cửa then cài trong ánh hoàng hôn. Từ lỗ khóa ngó vào, chỉ thấy một quang cảnh đình viện thâm u tĩnh mịch, cỏ dại nhọn hoắt mọc ra bên đài phun nước kiểu Âu ở giữa khu vườn đã héo úa. Mấy ngày không được quét dọn, bậc tam cấp của hành lang phía trước phủ đầy là rụng, ngọn giả sơn sụt quá nửa cùng lầu tây phía sau trông càng hoang liêu. Cả khu vườn chẳng thấy dù chỉ một chút hơi thở sự sống, chẳng trách A Chiếu tin mấy câ chuyện ma mãnh kia là thật. Phương Đăng leo vào trong một cách thành thạo. Già Thôi vắng nhà, nó thoải mái đi xuyên qua vườn sau và căn phòng dành cho người dưới ở sân thượng, thẳng tiến vào cửa chính khu nhà nhỏ phía đông. Được coi là tòa kiến trúc gần như hoàn hảo nhất của khu dinh thự nhưng dưới con mắt của Phương Đăng, lầu đông của nhà họ Phó chỉ là một cái nhà trung chẳng ra trung, tây chẳng ra tây. Bên hông tòa nhà có đình tạ và hồ nước bán nguyệt sắc hương cổ kính, nhưng cửa chính lại xây thành hành lang bề thế cùng bậc thang bắc ngang hai bên theo kiểu Âu. Hơn trăm năm trước có lẽ đây là thiết kế rất thịnh hành, cũng là dấu ấn lịch sử đặc sắc của đảo Qua Âm. “Phó Thất, anh ở trong phải không?” Phương Đăng gõ mạnh vào cánh cửa gỗ chạm hoa nặng nề, “Ê! Anh có sao không? Nếu còn sống dù gì cũng đáp một tiếng chứ…” Phương Đăng hò hét vài phút đồng hồ, bàn tay đập cửa đỏ tấy lên, cánh cửa chẳng biết làm từ loại gỗ gì đứng im bất động. Nó lùi lại vài bước gọi với lên khung cửa sổ quen thuộc vẫn không có ai đáp lời. Cửa sổ phòng Phó Thất nhìn xa có vẻ bình thường, từ khoảng cách gần mới thấy nó cách mặt đất đến năm mét, xung quanh không có chỗ nào bấu víu, dù nhanh nhẹn nó cũng không thể tay không mà leo lên được. Phương Đăng chán nản gạt đám lá khô dưới chân, ngồi bệt xuống bậc thềm làm bằng đá đại lý lành lạnh. Cậu ta đi đâu được? Trừ phi đúng như lời A Chiếu, tòa nhà hoang này vốn là hang ổ của bọn hồ ly tinh, Phó Kính Thù là yêu quái trú ngụ trong đó, vì muốn mê hoặc Phương Đăng mà xuất đầu lộ diện. Nếu không sao mặt trời vẫn mọc rồi lặn, trên đảo mọi thứ chẳng có gì đổi thay mà không ai để ý trong dinh thự hoang phế này có một người bỗng dưng biến mất, chỉ có nó là canh cánh lo âu? Hồ ly trong truyện “liêu trai” thường hâm mộ đám thư sinh trẻ trung tài tử, còn nó, có gì để hấp dẫn? Đúng lúc đang vò đầu nghĩ ngợi viển vông, một âm thanh kẽo kẹt cổ quái bỗng vang lên sau lưng nó. Phương Đăng quay lại, cánh cửa gỗ kín bưng vừa hé ra một khe hở, Phó Kính Thù đứng bên trong, mặt mày trắng bệch. “Trời ơi, anh ở trong sao để tôi gọi mãi? Hai ngày nay anh làm gì thế? Tôi tưởng anh chết thối trong đấy mà chẳng ai biết nữa cơ.” Trước một loạt câu hỏi như pháo rang, Phó Kính Thù chỉ đáp: “Chết thì chết, thối rữa mục nạt cũng chẳng sao.” Giọng nói không lớn, nhưng trong không khí có chút giận hờn. Phương Đăng an tâm hẳn, lần đầu tiên thấy bộ dạng cậu ta như thế, nó chợt thấy buồn cười. Con bé chẳng nói chẳng rằng lách mình qua khe cửa, vừa tò mò nhìn quanh, vừa nói: “Nếu được sống trong căn nhà to thế này, tôi chẳng muốn chết đâu.” Phó Kính Thù hơi bối rối nhìn cánh cửa khép lại sau lưng Phương Đăng, quay người xuyên qua đại sảnh về phía hành lang, Phương Đăng bèn láu cá đi theo. Không biết do màn buông chiếu rủ khắp bốn bề hay do tâm lý, Phương Đăng vừa bước vào trong đã cảm thấy nơi này thật u ám, xung quanh rất sạch sẽ, vậy mà trong không khí dày đặc một mùi vị khó tả, đan xen giữa mùi mục ruỗng của gỗ, mùi nhang đèn thoang thoảng lẫn hơi thở bụi bặm như phai ra từ dòng chảy thời gian xưa cũ. Mùi vị này con bé đã ngửi thấy ở đâu đó, nhưng nhất thời không nhớ ra được. Phương Đăng theo Phó Kính Thù lên gác, mắt dần quen với sự âm u trong nhà. Nó ngoảnh lại nhìn đại sảnh ở tầng một, quả như tưởng tượng, những ô cửa sổ cao lồng ngồng hình mái vòm phủ màn chung chấm đất, loại màn nhung này tương tự loại mành cửa sổ trên gác, vách tường lẫn sàn nhà làm bằng gỗ màu sắc thâm trầm, giữa sảnh trống trải khác thường, hai bên trái phải có cửa, không rõ thông đến đâu. Có lẽ năm xưa đại sảnh được trang hoàng vô cùng nguy nga lộng lẫy, nhưng giờ đây trống trải thênh thang, chỉ sót lại một cây đèn treo nạm đá thạch anh lẫn bóng đèn đều mất sạch sành sanh, mấu nối giữa giá đèn và trần nhà khe khẽ đu đưa như cây liễu trước gió, Phương Đăng chỉ lo chúng mà rớt xuống là mình vỡ đầu. Căn nhà này xem ra nguy cơ trùng trùng, may mắn là cầu thang khá chắc chắn, hai người cùng bước trên đó mà không nghe thấy chút xíu âm thanh hay cảm giác lung lay nào. Phương Đăng khẽ vuốt cái nắm tay chạm hoa màu tối thẫm, bóng nhoáng, lại lấy chân giậm giậm thử mấy cái. “Phó Thất, cầu thang nhà anh làm từ thứ gì?” “Có lẽ là gỗ lim.” Phương Học Nông thường hay đi giúp nhà người ta lo việc ma chay, do đó Phương Đăng từng nghe cha nhắc gỗ lim. Nghe nói loại quan tài đắt nhất là loại được đóng từ gỗ lim vàng. Nghĩ đến đây, nó bất giác hiểu ra tại sao bản thân cứ cảm thấy đã từng ngửi ở đâu mùi vị này rồi, đó chính là mùi của các lễ tang, của các phần mộ cổ xưa, mùi của cái chết. Nghĩ xong, Phương Đăng bình sinh tự hào trời không sợ đất không sợ cũng phát run, chẳng đặng đừng nắm lấy tau Phó Kính Thù. Ngón tay cậu ta cóng lạnh mà ẩm ướt kỳ lạ. Phó Kính Thù bị hành động bất ngờ của Phương Đăng làm giật nảy mình, ngẩn ra một lúc mới từ từ rút tay ra. “Em làm gì thế ?” Phương Đăng vội tóm lấy lan can không đi nữa, căn nhà già nua kỳ dị này khiến con bé rùng cả mình, nó không thể hiểu nổi sao Phó Thất lại dám ở đây suốt bấy nhiêu năm trời. “Anh khai thật đi, anh có phải lão yêu tinh ẩn nấp trong căn nhà ma quái này không đấy ?” Phương Đăng lấm lét nhìn cậu từ đầu xuống chân. Phó Kính Thù bật cười, “Lại chả, có tin tôi móc tim em ra không.” Cậu ta vừa cười, không khí u uất trong nhà bỗng chốc bị xua tan. Phương Đăng cười hì hì trả lời: “Lão yêu tinh kia, muốn móc tim ta để làm gì, định luộc hay rán ăn ?” “Yêu tinh không có tim, nên mới moi của người khác mà lắp vào ngực mình.” “Ai bảo anh thế ?” “Chuyện vu vơ ấy mà.” “Tôi thích rồi đấy, anh kể tiếp đi. : “Sau này sẽ kể.” “Sau này là bao giờ ?” Phương Đăng quyết không nhường bước, lúc này Phó Kính Thù đã đặt chân lên tầng hai, dựa người vào phần đầu của tay vịn hành lang, hơi thở có chút rối loạn. “Là lúc thích hợp!” Cậu nói. Lúc này Phương Đăng mới phát hiện giọng cậu ta thật mệt mỏi, sắc mặt cũng không mấy hồng hào. Gương mặt vốn mảnh khảnh hình như lại hóp thêm một chút. “Anh ốm à ?” Nó ân hận mình quá vô tâm, chẳng trách mấy ngày liền cậu không ra ngoài, vậy mà nó còn ở đó tưởng tượng ra mấy thứ thần bí kỳ quặc. Phó Kính Thù đứng nghỉ một lát rồi dẫn Phương Đăng bước vào. “Cảm xoàng ấy mà.” Phó Kính Thù nói như thể chẳng có gì to tát, Phương Đăng lại không nghĩ vậy. “Dầm mưa không cảm mới lạ, anh uống thuốc chưa ?” “Ừm.” “Không đi khám bác sĩ à ?” Phó Kính Thù hơi bất lực. “Sao em nhiều lời thế? Nếu tôi là yêu tinh thật, cảm một tí thì nhằm nhò gì. Vào đi, nhưng đừng đứng gần tôi quá, lây đấy.” Phó Thất dẫn Phương Đăng bước vào một phòng khách, tự mình đến nằm trên chiếc ghế tựa ở góc phòng. “Em cứ tự nhiên. Già Thôi không có nhà, tôi chẳng đun nước làm gì nên không rót trà mời em được.” Phương Đăng vốn chẳng muốn uống trà làm gì, ngược lại có hứng thú đến xem cái lò sưởi bên cạnh chiếc ghế tựa Phó Kính Thù đang nằm hơn. Trước đây nó chỉ nhìn thấy thứ này trong các tranh minh họa, không ngờ nhà cậu ta lại cso một cái. Bên trên lò sưởi chạm khắc nhiều hình vẽ phức tạp khiến nó phải trầm trồ không ngớt miệng, có điều bên trong lò chẳng có tí tro nào, chắc đã bỏ không rất lâu rồi, giờ chỉ làm món đồ trang trí mà thôi. Phòng khách trên tầng hai tuy diện tích không bằng sảnh chính, nhưng trông ra dáng nơi có người ở, đẹp đẽ gọn gàng hơn những chỗ khác. Sàn nhà gỗ ghép có vài chỗ mọt ruỗng, nhưng nhìn chung bằng phẳng vuông vắn, bốn bề ánh nắng chan hòa. Ngoại trừ chiếc ghế tựa Phó Kính Thù đang nằm, bên cạnh lò sưởi còn có hai chiếc sô-pha cọc cạch, bên còn lại là một bàn thờ dài, đượm vẻ trầm lắng âm u. Trên bàn thờ ngay ngắn một loạt ảnh được đóng khung cẩn thận, lớp kính thủy tinh trên ảnh được lau chùi vô cùng sạch sẽ. “Chỗ anh ở cứ như trong tranh ấy, chẳng trách ai cũng bảo nhà họ Phó ngày xưa nhiều tiền lắm của.” Phó Kính Thù dõi theo ánh mắt của Phương Đăng, cũng ngắm nghía bốn bề một lượt, không kìm được tự trào: “Đây đã là gì, dù ở trong tranh cũng chỉ là bức tranh chép cảnh điêu tàn.” Cậu trỏ vào từng góc trong phòng mà nói, “Ở đó trước đây có một cái bàn tròn gỗ lim đường kính hai mét, khá đáng giá. Khi ông nội tôi còn trẻ từng cử người mang nó đến triển lãm tại hội chợ Á Châu, nghe nói đã đoạt giải. Chiếc bàn và tấm da hổ treo trước lò sưởi là những vật ông nội thích nhất, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều được quyết định bên hai thứ ấy. Khi dời tới Malaysia, họ đi quá vội, vẫn tưởng sẽ có ngày quay lại nên không mang cái bàn đi, bây giờ chẳng biết nó biến đi đâu mất. Cạnh bàn thờ mà em thấy bây giờ đáng lẽ còn có một cái kệ bày đồ cổ, hai thứ đều được chạm từ gỗ tử đàn thượng hạng, mười năm trước Viện bảo tàng Qua Âm “mời” chúng tôi quyên góp. Cái bàn bida ngoài ban công năm ngoái bị đổ, già Thôi tiếc của, lấy miếng gỗ kê lên để phơi thức ăn. Giàn treo hoa đầu cầu thang lần trước bị Phó Kính Thuần mang đi rồi. Nếu cái bàn thờ không có mặt tổ tiên ở đấy, sợ cũng chẳng giữ được. Căn phòng này, những thứ đáng tiền, những người có thể đi, đều đi hết, còn lại chỉ có…” Cậu cười cười, không nói thêm gì nữa. Phương Đăng tưởng tượng khi tất cả mọi thứ Phó Thất vừa kể hãy còn tồn tại… khung cảnh xung quanh bỗng chốc xoay vần, nó như trở lại thời thịnh vượng, sôi động nhất của nhà họ Phó. Mấy nhân vật được mô tả trong sách lịch sử đi qua đi lại cười nói bên bàn bida, những đồ dùng xa hoa làm theo bộ, giữa chiếc bàn tròn rộng hai mét bằng gỗ lim và kệ bày đồ cổ bằng gỗ tử đàn vẫn còn đầy rẫy các đồ trang trí vô cùng tinh xảo, tráng lệ mà nó không biết tên, tiếng piano thấp thoáng như có như không trong không gian…Nó bước lại gần bàn thờ, ngẩng lên nhìn từng bức họa đã ố vàng. Chính là họ đây sao? Những người từng là chủ nhân căn biệt thự nguy nga này, những người đã từng sống ở đây, những hương hồn người nhà họ Phó, Phó Thất khát khao được những con người này thừa nhận đây sao? “Đây là ai?” con bé chỉ vào bức tranh họa một bà lão nhỏ thó vận đồ cổ trang hỏi. Phó Kính Thù đáp: “Đó là bà mẹ ông cụ cố nhà tôi, bà Hoàng thị.” “Vậy đây chắc là ông cố của anh?” Phương Đăng dịch sang một bước, đứng trước bức tranh tiếp theo. Người trong tranh đầu đội mũ quả dưa, vận áo dài thời trang Dân quốc, trước ngực đeo đồng hồ quả quýt của Tây Dương. Phó Kính Thù gật đầu. “Chính ông là người tạo dựng sản nghiệp họ Phó?” Phương Đăng chăm chú nhìn ông lão mặt mũi xấu ma chê quỷ hờn, nghe nói đến nay trường đại học tốt nhất thành phố vẫn còn một bức tượng của ông. Trừ quyên tiền hỗ trợ giáo dục, bến tàu đầu tiên cùng hơn một nửa đường đi trên đảo đều do ông mở hầu bao xây dựng. “Không sai. Ông cố Phó Học Hình thời nhỏ gia cảnh bần hàn, thường gọi là A Vượng, gia đình nhiều đời sinh sống trên đảo, nhờ nghề bán hoành thánh kiếm ăn qua ngày. Không biết vì sao đắc tội với một tên hương thân, không dám bán hoành thánh nữa, vét sạch gia tài, vỏn vẹn mười lăm đồng bạc rời quê đến Nam Dương. Năm đó ông mới mười tám tuổi, đầu tiên ngồi thuyền đến Ấn Độ, sau đó loanh quanh thế nào lại đến Malaysia. Mới đầu ông bán hoành thánh, một mình một quang gánh đi khắp đầu đường xó chợ. Nhờ nhiệt tình chu đáo, hoành thánh ông làm mùi vị thơm ngon, việc buôn bán càng lúc càng đắt khách, mọi người gọi là “Hoành Thánh Vượng”. Có một sự tích rằng, ngày ấy ông cố để mắt đến một cô gái, vốn khách quen của gánh hoành thánh, nàng là con gái một tiểu thương. Ông chủ kia dĩ nhiên xem thường thằng bán hoành thánh rong, một mực từ chối ý định cầu hôn. Ông cố tôi buồn bực bỏ hết tiền dành dụm ra mở rộng kinh doanh, về sau mở được cửa hàng…” “Về sau ông có lấy được cô gái con ong chủ kia không?” Phương Đăng rốt cuộc cũng là một cô gái, chỉ quan tâm đến tình tiết yêu đương này thôi. Phó Kính Thù quả nhiên lại cười con bé, “Chuyện này tôi không biết. Nhưng chắc không phải, bà cố cũng là người bản địa trên đảo.: “Thế à…” Phương Đăng hơi thất vọng, chuyện thật chẳng đời nào lâm ly bằng tiểu thuyết hay hý khúc, “Thế cửa hàng của ông cố có phải càng lúc càng làm ăn phát đạt?” “Cửa hàng mở xong, ông cố chuyển sang tham gia thương mại quốc tế, ông sáng lập Công ty cổ phần Phú Niên, chính là tiền thân tổ nghiệp nhà họ Phó. Thời thế chiến lần thứ nhất, Phú Niên mở rộng phạm vi kinh doanh gạo, gỗ và nông phẩm. Sau khi mua một cánh đồng cao su rộng lớn tại Ấn Độ, ông cố được xưng tụng là một trong bốn ông vua cao su đương thời ở Nam Dương, là nhân vật hàng đầu trong số các doanh nhân người Hoa kinh doanh tại Nam Dương lúc đó.” “Sau nữa ông ấy áo gấm về làng?” “Nói vậy cũng được. Năm 1919, ông cố tôi về đảo Qua Âm mua đất xây nhà…” “Chính là nơi này ư?” “Đây chỉ là một trong số đó, nhưng các kiến trúc và vườn tược em nhìn thấy bây giờ được xây lại sau vụ hỏa hoạn, ban đầu mọi thứ mang dáng vẻ khác. Cụ cố tôi là một người bảo thủ, vô cùng truyền thống, người trong nhà trên dưới đều phải sợ. Nhưng ông thích làm việc thiện, nhiệt tình vì lợi ích chung, lại biết nhìn xa trông rộng. Chính nhờ thế mà nền tảng nhà họ Phó ngày một vững chắc, thời điểm thực lực hùng hậu nhất, ông hợp sức với người khác mở công ty ủy thác tại Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Trùng Khánh và Quảng Châu, mua cổ phần ngân hàng Hoa Kiều Malaysia, có thể nói ông tự xây dựng nên đế quốc tài chính của mình. : “A, tôi phát hiện mặt anh hơi giống ông cố nhé, chỗ này…” Phương Đăng khua tay chỉ vào cái cằm, “Chỗ này đầy đặn, giống cực kỳ.” “Sao tôi không nhìn ra nhỉ ?” Phó Kính Thù cười nói, “Nhưng đúng là trong ba đứa con trai, ông nội Phó Truyền Thanh của tôi giống cụ cố nhất.” Phương Đăng bắt đầu nhẩm đếm các bức họa, “Đây là con trưởng của ông cố nhà anh phải không, tên là Phó Truyền gì ấy nhỉ, quên mất rồi.” “Phó Truyền Bản.” “Nói cho cùng là người của Phương Học Nông, sản sinh ra loại con cháu như df, tôi chẳng thích ông ấy đâu.” Phó Kính Thù thụp sâu hơn vào chiếc ghế dựa, tiếng cười dần nhỏ đến mức chẳng nghe thấy gì nữa, “Em đừng có chạy qua chạy lại nữa, nhìn mà chóng cả mặt.” Hình như nói nhiều nên cậu hơi mệt, giọng càng lúc càng trầm đi. Phương Đăng đành nghe lời tiến lại gần, ngồi xuống, tựa lưng vào lò sưởi, ngắm các bức tranh từ xa. “Người mặt tròn tròn kia là ông Phó Truyền Cách của pn phải không, là con thừa tự thỏa nào trông không giống các anh chị em khác… Thế, người mặc tây phục tiếp theo chắc chắn là ông nội Phó Truyền Thanh của anh rồi.” “Ừm.” Giọng cậu ta nghe như hụt hơi. Chẳng giống cậu ấy chút nào, lòng Phương Đăng dấy lên một cảm giác kỳ lạ. “Ê, anh sắp ngủ đấy à ?” “Không đâu.” Phó Kính Thù nói tiếp, “Năm ông nội mười bảy tuổi, cụ cố muốn thử thách con trai, bèn giao một tiệm gạo nho nhỏ cho ông quản lý. Lúc ấy chiến loạn, ông nội dẫn theo mấy người tùy tùng, áp tải hàng nghìn gánh gạo, vượt qua mưa bom lửa đạn lẫn bọn thảo khấu, trên đường qua Điền Tây gặp hạn hán mất mùa, đáng lẽ chuyến hàn đó sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ, nhưng tận mắt chứng kiến thảm cảnh của người dân bản địa, ông nội đứng ra quyên toàn bộ hơn nghìn gánh gạo cho nạn dân, tự mình vác roi về gặp cha nhận tội. Cụ cố lúc ấy cười vang nói: “Ta có một đứa con ngoan, nhà họ Phó có hy vọng rồi.” Những chuyện này đều do già Thôi chính miệng kể tôi nghe, năm ấy già Thôi là một trong những tùy tùng theo ông nội chinh nam phạt bắc. Thật khó mà tưởng tượng ông lão họ Thôi như ngọn nến sắp tắt đã từng là một người đàn ông tráng kiện bôn ba nam bắc, Phương Đăng nghĩ. “Sản nghiệp nhà họ Phó do cụ cố gây dựng nên, nhưng ông nội tôi là người duy trì, khuếch trương nó. Ông nội am tường văn hóa trung – tây, cả đời vâng theo di huấn của tổ tông: ‘Chớ quên tổ nghiệp.’ Năm đó Phó gia viện bị một trận cháy lớn thiêu rụi, có rất nhiều người trong nhà, bao gồm cả bà Trịnh đều khuyên ông nội rời khỏi đảo qa chật hẹp, dọn đến Thượng Hải, chuyển tới thành phố làm ăn cũng sẽ thuận tiện hơn nhiều, nhưng ông nội không chịu, ông nói gốc rễ của mình ở đảo qa, vì thế mà ông bỏ ra lượng tiền gấp đôi số tiền xây biệt thự của cụ cố, bằng mọi giá trùng kiến Phó gia viện. Nếu không phải thời thế không cho phép, biết không còn cơ hội quay về, ông nội sẽ không bỉ lại nhà tổ đến định cư ở Malaysia. Cha nói với tôi rằng, trước phút lâm chung, ông nội vẫn hối tiếc phải chết nơi đất khách quê người. Ông để lại hai di nguyện, một là cho cha tôi nhận tổ quy tông, điều còn lại là mong con cháu nhà họ Phó sau này tu bổ lại Phó gia viện.” “Thế sao căn nhà vẫn cứ điêu tàn thế này ?” Phương Đăng cảm thấy khó hiểu. Phó Kính Thù nhỏ giọng nói: “Tu bổ ư? Nói thì dễ…” “Xem ra bà Trịnh kia chẳng chịu làm theo di nguyện của ông nội anh.” “Em thấy gánh hoành thánh nhỏ xíu trên bàn thờ không ?” Phó Kính Thù muốn rời sự chú ý của Phương Đăng thật là quá dễ. Quả nhiên, nghe cậu ta nói vậy, Phương Đăng lập tức bật dậy lại gần xem, đúng là trên bàn thờ có một mô hình gánh hoành thánh rong bằng đồng đúc. Mô hình này cao khoảng một tấc, thủ công tinh xảo, sinh động y như thật. “Gánh hoành thánh này là do ông nội thuê người đúc nên, đặt ở đó để nhắc người đời sau nhớ rằng họ Phó xuất thân thấp kém, không được quên công ơn khai sáng của tổ tông.” Phương Đăng muốn chạm thử vào món đồ thú vị ấy, bèn thò tay ra, lại không may làm đổ bức tranh vốn dĩ đang dựng trái mặt trên bàn. Khác với các bức tranh bán thân được treo hết sức đúng lễ nghĩ phép tắc khác, bức ảnh nhỏ này chỉ lớn bằng lòng bàn tay, họa công tỉ mỉ, trong tranh là một thiếu nữ ngồi trên thảm cỏ nở nụ cười xinh đẹp. Cô bận bộ đồ màu trắng tự nhiên, đơm cúc vòng cung, bím tóc đen nhánh rủ trước ngực, đôi mắt long lanh biết cười. Phương Đăng vốn tinh tường, mau chóng nhận ra bức tượng đá thiếu nữ đang tựa lưng vào chính là con hồ ly nằm giữa đám cỏ hoang ở vườn sau hiện nay. Nền bức tranh còn có một mái đình hóng mát xinh xắn, chẳng phải chính là cái đình sụt mái mà Phó Kính Thù thường đứng vẽ tranh hay sao, chỉ khác năm xưa mọi thứ còn lành lặn đẹp đẽ, góc vườn cỏ thơm mơn mởn, thiếu nữ đẹp như tranh. “Đây là…” “Cô ấy chính là Tiểu Xuân, cũng là người sinh ra cha tôi.” Phó Kính Thù đợi Phương Đăng hỏi xong đã đáp liền. Phương Đăng cầm bức tranh lật lên lật xuống xem xét, “Vẽ đẹp thật, là ông nội anh vẽ ư ?” “Phải, ông và bà Tiểu Xuân lớn lên bên nhau, ngoài ông ra còn là ai được nữa? Nếu bà Trịnh còn ở đây bức tranh này tuyệt đối không thể bày trên bàn thờ một cách đường hoàng như vậy. Mấy năm nay, già Thôi đoán chừng bọn họ sẽ không bao giờ quay lại, nghĩ đến Tiểu Xuân cô nương và ông nội tôi đều qua đời đã lâu, liền len lén mang tranh ra bày ở đây. Dù sao người trong tranh cũng là chị ruột của ông, bà chỉ là cô hầu, nhưng đã sinh cháu cho họ Phó, không được vào từ đường thì ở gần ông nội chút nào hay chút ấy. Tiếc thay huyết mạch của bà đời này sang đời khác, trong mắt người ta chỉ là loại con hoang hạ cấp.” Giọng của cậu nhỏ đến độ suýt chút nữa nghe không ra, nhưng sự lạc lõng trong đó không giấu đi được. So với cảm xúc tự hào tha thiết khi kể sự tích cha ông thật là một trời một vực. “Đừng nói thế…” Phương Đăng vội vã ngắt lời, “anh là người họ Phó, cùng chảy một dòng máu với Phó Học Trình và Phó truyền Thanh. Nói không chừng một ngày nào đó, con cháu anh cũng sẽ kể về cuộc đời anh bằng giọng tự hào như vậy.” Phó Kính Thù chẳng lẽ không nhận ra ý an ủi trong câu nói của Phương Đăng. Cậu ta chỉ đành cười, đang cười thì ho một trận dữ dội như muốn long cả phổi. “Anh sao thế ?” Phương Đăng nghe trong tiếng ho có gì đó là lạ, lo lắng đến gần quan sát, “Có cần tôi đun cho anh chút nước không ?” “Không cần, tôi không sao.” Nói không sao, nhưng giọng Phó Kính Thù rõ ràng chẳng còn chút sức lực, cho dù có cố mấy cũng lực bất tòng tâm. Phương Đăng nhớ lại, từ khi nó bước vào nhà, trông cậu ta đã không được khỏe cho lắm. Nghe cậu ấy nói chỉ là cảm vặt, nó liền không bận tâm, vậy mà huyên thuyên một hồi, người cậu cư tụt dần vào ghế tựa, thanh âm thì càng lúc càng nhỏ… Phương Đăng kéo mạnh cánh tay định ngáng cản của Phó Thất, sờ thử vào trán cậu ta. “Chết thôi, sao lại nóng thế này? Anh sốt như vậy sao không nói? Tôi thật ngu như heo.” Nó hấp tấp định đi rót nước, giặt khăn mặt, nhưng ở nơi lạ nước lạ cái này, con bé nhất thời lúng túng, cứ như kiến leo cành đa lòng vòng hai lượt quay về chỗ cũ. “Thôi đừng đi đi lại lại nữa, ngồi xuống, ngồi xuống đây.” Phó Thất yếu ớt chỉ sang bênh cạnh, nói. Phương Đăng tìm thấy một cái ấm nước, sẵn đang cuống lên, liền mắng: “Ngồi cái gì mà ngồi? Ngồi xem anh chết thế nào chắc?” “Tôi mà chết lấy ai kể chuyện ngày xưa cho em nghe.” cậu ta cười tươi, càng ho đến quay cuồng trời đất. “Mấy chuyện trời ơi đất hỡi nhà anh liên quan quái gì đến tôi mà bắt tôi nghe!” Phó Kính Thù im lặng một hồi, lại lầm rầm: “Tôi muốn nói mà, trước giờ chẳng ai chịu nghe tôi nói.” Vậy mà cậu đã luôn tỏ ra mình là kẻ sống theo châm ngôn “im lặng là vàng”. “Nói nói nói, anh không sợ nói cạn lời cả nửa đời sau ư ?” Nói xong con bé mới nhận thấy câu này thật xui xẻo, liền tự vả miệng một cái, “Tức chết đi được, khăn mặt gì mà khô rang thế này ?” “Mười bảy tuổi cụ cố lần đầu đến Nam Dương, ông nội xông pha Điền Tây, còn tôi, chỉ ru rú ở nơi quái quỷ này, chẳng làm được gì hết.” “Giữ được cái mạng đi rồi hẵng tính đến chuyện làm việc khác.” “Phương Đăng, Phương Đăng… Nếu tôi nói, có ngày tôi sẽ xây dựng lại căn nhà này, em tin không ?” Hai mắt cậu nhắm chặt, những lời lúc này gần như là mê sảng. “Không được rồi, phải đưa anh đi khám ngay.” Phương Đăng muốn đỡ Phó Thất dậy, nhưng người cậu ta vừa nóng hầm hập vừa nặng trịch, thần trí mê man đi mất rồi. “Em tin không ?” Đến tận lúc này cậu ta vẫn lẩm nhẩm câu hỏi ấy. Đôi mắt Phương Đăng hoe đỏ, lớn tiếng đáp: “Tin! Dĩ nhiên là tôi tin chứ!” Cậu nên biết rằng, dù cậu nói muốn xây vườn Viên Minh, nó cũng sẽ tin. Trước cậu, nó luôn là con ngốc thế đấy. Vẻ như câu trả lời này khiến Phó Kính Thù được an ủi sâu sắc, cuối cùng Phương Đăng cũng dìu được cậu ta ngồi dậy, nhưng người cậu ta mềm nhũn như bị rút hết xương, lả vào người nó. “…Vừa nãy tôi tin. Nhưng bây giờ tôi bắt đầu hết tin rồi.”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]