Thoạt tiên, Dịch A Lam không khó để giữ im lặng. Lịch trình hàng ngày của y là được đưa từ phòng giam đến phòng thẩm vấn, và sau một phiên điều trần dài, y bị áp giải trở lại phòng giam. Tuy rằng ba bữa một ngày không phong phú như nhà ăn, nhưng ít ra vẫn có thể dằn bụng. Chẳng qua sau khi từ chối hợp tác được thời gian, Dịch A Lam dần nhận thấy bên trên gây sức ép. Tỉ dụ như bữa ăn không còn đúng giờ, đôi khi đói đến mức say sẩm mặt mày mới có người đưa cơm; đôi khi y cảm thấy vừa ăn không bao lâu, bữa tiếp theo lại đến – đại khái là muốn Dịch A Lam mất nhận thức về thời gian. Rồi sau đó, mỗi khi bắt đầu ngủ, lỗ thoát âm trên phòng giam sẽ đột nhiên phát ra loạt tiếng động khủng khiếp, khiến giấc ngủ của y bị rối loạn hoàn toàn.
Chỉ trong vài ngày, Dịch A Lam đã gầy rộc đi trông thấy, tinh thần cũng uể oải hơn. Y không biết lúc này là mấy giờ, là sáng trưa hay chiều tối, lúc nào cũng ngủ không đủ giấc.
Dịch A Lam rốt cục đã hiểu vì sao Nghiêm Phi bảo mình giữ im lặng, thay vì viện cớ khác để che đậy. Trong hoàn cảnh thế này, Dịch A Lam hoàn toàn không thể nói dối. Dẫu lời nói dối hoàn hảo đến đâu, nó vẫn sẽ chỉ ra những sai sót trong suy nghĩ dần mê man của y, và từ từ gục ngã trước những cuộc thẩm vấn lặp đi lặp lại.
Hôm nay, Trần Nhữ Minh ngồi đối diện với Dịch A Lam qua bàn thẩm vấn. Không cần phải đối mặt với những điều tương tự, không cần phải lắng nghe trăm câu một điệu như những ngày trước, sự thay đổi nho nhỏ này khiến Dịch A Lam mừng vui đến lạ. Loại cảm xúc mua vui trong cay đắng ấy nghiễm nhiên méo mó, "Không đúng", Dịch A Lam nhắc nhở bản thân phải tỉnh táo.
Trần Nhữ Minh quan sát Dịch A Lam từng li từng tí.
Dịch A Lam gần như bị ánh mắt của hắn thiêu đốt từng tấc da thịt.
"Cậu nghĩ tại sao tôi muốn Châu Yến An học kiến thức máy tính?" Trần Nhữ Minh hỏi.
Dịch A Lam im lặng, Trần Nhữ Minh bèn thay y trả lời: "Cậu cho rằng tôi đang đề phòng cậu sao? Tưởng tôi không yên tâm về cậu sao? Hả?"
Trần Nhữ Minh cao giọng, nỗi thất vọng sâu sắc được che giấu dưới vẻ ngoài sừng sộ của hắn: "Con mẹ cậu, tôi đang dùng lòng tin của cấp trên đối với Châu Yến An để lót đường cho cậu đó! Cấp trên mà tôi nói, đặc biệt là Tổng tham mưu trưởng của Quân đội, ngài hết sức tin tưởng Châu Yến An. Đúng, đó là do Châu Yến An đã trả giá bằng nhiều lần vào sinh ra tử trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Còn cậu – một công dân tốt tuân thủ pháp luật, chúng tôi vốn không nên đòi hỏi quá nhiều từ cậu. Nhưng hàng tá bí mật quốc gia được giao vào tay cậu, vì thế chúng tôi buộc phải đặt ra yêu cầu cao hơn. Họ hy vọng, tôi có thể đưa ra một số bằng-chứng-hữu-hình chứ chẳng phải vài dòng cảm nhận chủ quan, để chứng minh rằng cậu đáng được tin tưởng. Vậy nên tôi cho Châu Yến An học kiến thức máy tính, xem như là nhân chứng cho cậu vào ngày 32. Tôi mong rằng khi họ còn tin tưởng Châu Yến An, họ cũng sẽ tin cậu nhiều hơn một chút, nhất là khi cậu thực hiện nhiệm vụ ngay dưới mí mắt cậu ta. Tôi không muốn mỗi khi có bất kỳ động tĩnh gì, họ đều nghĩ tới cậu đầu tiên. Tôi không muốn họ xem cậu là lỗ hổng duy nhất trong quy trình làm việc, nhất là khi cậu đã làm một việc quá điên rồ, dám tìm đường ra bằng vụ nổ tên lửa. Nhưng tôi không ngờ..." Trần Nhữ Minh dựa phịch vào lưng ghế. "Nhưng tôi không ngờ, Châu Yến An vừa học một ít nội dung đã phát hiện những việc cậu làm. Nó làm tôi hoài nghi, liệu có phải cậu vẫn luôn âm thầm truyền tin ra ngoài không? Liệu có khi nào chúng tôi đã nhìn lầm cậu?"
Có lẽ chính "tình sâu nghĩa nặng" của Trần Nhữ Minh đã chạm đến sợi dây bí ẩn trong Dịch A Lam về hình ảnh cha mình, khiến y háo hức muốn chứng tỏ bản thân như một đứa trẻ vô tội bị hiểu lầm. Và y buột miệng thốt: "Tôi không có!"
"Vậy cậu làm cái gì?" Trần Nhữ Minh lập tức hỏi.
"Tôi..." Dịch A Lam cứng họng. Y chớp đôi mi nặng trĩu, lý trí không ngừng vùng vẫy trong đầm lầy suy nghĩ, chỉ một câu "Im lặng" của Nghiêm Phi đã soi tỏ màn sương bao quanh.
Nhìn vẻ mặt đong đầy cảm xúc của Dịch A Lam dần trở về ráo hoảnh, Trần Nhữ Minh lấy làm thất vọng: "Cậu vẫn không muốn cho tôi biết sự thật ư?"
Dịch A Lam cúi đầu.
Trần Nhữ Minh thở dài, đẩy ghế rời đi.
Sau Trần Nhữ Minh, Dịch A Lam vẫn chẳng nói câu gì suốt bốn năm ngày tiếp theo.
Trong phòng họp, nhìn bản ghi thẩm vấn Dịch A Lam chẳng khác nào màn diễn tấu một người, bốn tổ trưởng dần dần nhức đầu.
Lư Lương Tuấn tặc lưỡi, "Chuyên viên tư vấn tâm lý Ôn Ngọc Sinh bảo, khả năng chịu đựng nỗi đau tinh thần của Dịch A Lam cực cao, tôi thấy đúng thật. Nếu cứ tiếp tục gây áp lực tinh thần, e rằng chẳng giúp được gì. Có lẽ, chúng ta cần nâng cấp kỹ thuật thẩm vấn?"
Nâng cấp hơn nữa sẽ liên quan đến tổn thương cơ thể và dùng thuốc.
"Tạm thời chưa cần." La Thái Vân phủ quyết. "Chúng ta cũng không có bằng chứng xác thực nào cho thấy Dịch A Lam đã thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, hoặc ít nhất hành vi của cậu ấy chưa gây ra tác động thực sự gì."
Nghiêm Phi nói: "Vậy, chúng ta chẳng còn cách nào với Dịch A Lam cả."
Trần Nhữ Minh hỏi: "Ngay cả tổ phó Nghiêm cũng không hỏi được gì à? Tôi thực sự chẳng biết tại sao Dịch A Lam lại bướng như vậy."
La Thái Vân trầm ngâm nhịp ngón tay lên bàn.
Thẩm vấn bằng cách dùng lời lẽ cực đoan – mỗi lần Nghiêm Phi đều đích thân tham gia, kỹ năng này của phó cục trưởng Cục Tình báo nghiễm nhiên không chê vào đâu được. Nếu đổi thành người khác, rất khó để giữ im lặng mọi lúc. Nghi phạm sẽ vô thức đi vào cái bẫy ngôn ngữ, sau đó bác bỏ theo bản năng, cuối cùng là khai trong trạng thái bối rối – một cách thật tự nhiên, họ có được thông tin mình muốn. Nhưng La Thái Vân, Trần Nhữ Minh và Lư Lương Tuấn chưa từng nghĩ tới, lý do khiến Dịch A Lam vững như Thái Sơn trong từng câu chữ xúc phạm đó chỉ đơn giản vì y đã "ăn rơ" với người thẩm vấn, Nghiêm Phi. Cái gọi là cạm bẫy và giăng lưới đều bịp cả, thậm chí dưới màn diễn tấu sống động như thật của Nghiêm Phi, chúng còn trông có nét buồn cười. Chỉ cần đổi người khác thẩm vấn đầu tiên, dẫu là nhân viên "non" nhất trong Cục Tình báo, Dịch A Lam cũng sẽ không chống cự dễ dàng đến vậy.
La Thái Vân bỗng nói: "Để Châu Yến An thử xem. Nếu Châu Yến An cũng không moi được gì từ Dịch A Lam, vậy tiếp tục giam giữ cậu ấy, đồng thời nói rõ với Dịch A Lam rằng: Nếu vẫn khăng khăng không giải thích về hành vi vi phạm của mình, Dịch A Lam sẽ luôn bị giam tại đây; và tùy thuộc vào diễn biến tình hình quốc tế, chúng ta có thể nâng cấp kỹ thuật thẩm vấn; ngoài ra, nếu chịu nói sự thật và bù đắp tổn thất hoặc những sai lầm trước đây, chúng ta sẽ trả tự do cho Dịch A Lam, không để cậu ấy tham gia chính trị nữa."
Nghiêm Phi nhướng mày: "Châu Yến An à... Vậy thì thật tàn nhẫn với Dịch A Lam."
La Thái Vân nhìn hắn: "Tàn nhẫn khi và chỉ khi tình cảm của Dịch A Lam dành cho Châu Yến An là thật, chứ không phải một cái cớ che đậy."
"Được rồi, Dịch A Lam sẽ còn khiến anh nhức đầu dài dài." La Thái Vân mở một văn kiện ra. "Bây giờ có những thứ khác quan trọng hơn. Ừm, liên quan đến toàn bộ vũ trụ."
Bà đang nói đến báo cáo mới nhất do tổ Hóa-Lý đệ trình. Một số nhà vật lý trong nước và các nhà khoa học từ nhiều quốc gia khác đã tiến hành một cuộc thực nghiệm, kết quả của nó rất chi hấp dẫn.
Thiết bị chính của thực nghiệm được gọi là Thiết bị Casimir, một trong những thiết bị được đề xuất cho việc nghiên cứu thế giới song song và chiều không giao cao hơn (1); mục đích là gián tiếp chứng minh sự tồn tại của các vũ trụ khác bằng cách kiểm tra định luật Newton ở cấp độ vi mô, cũng như thông qua việc tìm kiếm những sai lệch so với lý thuyết của ông. Thiết bị có hai tấm neutron làm từ đồng vị Niken-58 và Niken-64 được đặt song song, theo hiệu ứng Casimir (2),khi hai tấm Niken ở cực gần nhau, chúng sẽ thoáng hút nhau và tùy thuộc vào lực hấp dẫn, lực hút giữa chúng cũng sẽ hơi khác. Để tối đa hóa hiệu ứng Casimir, thiết bị trên có thể sử dụng công nghệ nano (3) để sản xuất các tấm Niken cách nhau khoảng cách nguyên tử, và sử dụng bộ dao động mô-men xoắn vi cơ điện tử (4) tiên tiến nhất nhằm đo dao động nhỏ giữa các tấm. Bất kỳ sự khác biệt nào giữa Niken-58 và Niken-64 đều có thể do lực hấp dẫn, thành thử người ta hy vọng sẽ tìm thấy những sai lệch so với định luật bình phương nghịch đảo (5) của Newton ở khoảng cách nguyên tử. Một khi có thể lượng giá độ lệch này, vậy chứng tỏ tồn tại vũ trụ khác chỉ cách vũ trụ chúng ta đúng một nguyên tử.
(1) Chiều không gian cao hơn: Đại khái giống phim Interstellar ấy, vũ trụ tồn tại nhiều chiều không gian hơn không gian 3 chiều chúng ta đang sống, nếu có thể tiếp cận vào chiều không gian cao cấp hơn, chúng ta có thể tác động vào thực tại, quá khứ thậm chí là tương lai.
(2) Hiệu ứng Casimir: một hiện tượng vật lý dựa trên khái niệm năng lượng chân không trong lý thuyết lượng tử. Cụ thể: sự tồn tại của một lực hấp dẫn nhỏ giữa các tấm kim loại được đặt gần nhau do sự cộng hưởng trong năng lượng chân không trong không gian giữa chúng.
(3) Công nghệ nano: là việc sử dụng vật chất ở quy mô nguyên tử, phân tử và siêu phân tử cho các mục đích công nghiệp.
(4) Bộ dao động mô-men xoắn vi cơ điện tử: Khái niệm "Mô-men xoắn" mình có chú thích trong chương 17, ở đây mình nói về "Vi cơ điện tử" (MEMS) nhé. Hệ thống vi cơ điện tử là một công nghệ liên quan đến sản xuất các thiết bị vi mô, chẳng hạn như cảm biến, cảm biến, bộ truyền động, bánh răng, máy bơm, công tắc, v.v.
(5) Định luật bình phương nghịch đảo: Đây là một "khuôn mẫu", Định luật hấp dẫn của Newton (mọi hạt đều hút mọi hạt khác trong vũ trụ với một lực tỷ lệ thuận với tích khối lượng của chúng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa các tâm của chúng) cũng tuân theo khuôn mẫu đó.
Thiết bị Casimir đã được thai nghén từ rất lâu, song vì hạn chế bởi công nghệ lẫn giá thành nên chưa được sản xuất và hoạt động ở trạng thái hoàn hảo nhất. Mãi đến khi xuất hiện ngày 32, nhiều quốc gia mới cùng nhau phân bổ kinh phí để thực hiện các nghiên cứu liên quan và chỉ sau đó, thiết bị Casimir với tất cả thông số đáp ứng các điều kiện mới được đưa vào sản xuất tầm tháng trước.
Điều kỳ lạ là ngay từ đầu, thiết bị Casimir đã không đo được độ lệch của định luật Newton về chuyển động; phải đến ngày 32 xuất hiện, thiết bị ấy mới tìm được độ lệch trong khoảng rất ngắn với đơn vị thời gian Planck (6). Nhưng chẳng mấy chốc, nó lại trở về bình thường.
(6) Thời gian Planck: là một đơn vị đo lường trong hệ thống đo lường Planck. Về mặt lý thuyết, nó tượng trưng cho một đơn vị thời gian nhỏ nhất mà người ta có thể tưởng tượng được.
Điều này tuồng như đã chứng minh sự tồn tại của các vũ trụ khác; nhưng nếu thực sự tồn tại, chúng lẽ ra phải ổn định trong một thời gian vừa đủ để thiết bị Casimir luôn đo được chứ?
Hiện tượng bất thường này đã khiến các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đau đầu hoang mang; sau khi thảo luận sôi nổi, họ đã quy về các lý thuyết khác, chẳng hạn lý thuyết màng. Cho đến gần đây, họ mới đưa ra lời giải thích tạm thời cho hiện tượng này: Các vũ trụ song song và vũ trụ đa chiều đang tồn tại, nhưng chúng ở quá xa hoặc quá gần với vũ trụ chúng ta – có thể gọi đó là khoảng cách an toàn, vì không thể đo lường bằng thiết bị Casimir hay bất kỳ thiết bị nào khác theo dòng công nghệ hiện tại. Tuy nhiên, "ngày 32" có thể "đo lường" trong thời gian ngắn, vì vũ trụ chúng ta và ngày 32 đều ở trạng thái chuyển động theo chu kỳ – không ngừng đến gần và tiến ra xa vì một nguyên nhân nào đó – giống như hai tấm màng lơ lửng, chốc thì tiến tới, chốc thì ra xa. Cứ mỗi chu kỳ, chúng lại di chuyển đến một khoảng cách có thể đo lường, tức là khi xuất hiện ngày 32.
Ý tưởng này đã nhắc nhở tất thảy các nhà khoa học về một lý thuyết, gọi là Big Splat – một thuyết sáng tạo khác tương ứng với thuyết Big Bang của vũ trụ. Khi lần đầu tiên được đề xuất, người ta cho rằng hai màng ba chiều, song song và giống hệt nhau, đại diện cho trạng thái năng lượng thấp nhất tiếp cận nhau dưới lực hấp dẫn, rồi cuối cùng va chạm. "Động năng khổng lồ được tạo ra bởi các vụ va chạm đã chuyển hóa thành vật chất và bức xạ tạo nên vũ trụ chúng ta", và đó là cách vũ trụ hình thành.
Ngày 32 và vũ trụ chúng ta có thể xem là hai màng ba có cùng bản chất, nhưng chúng không tồn tại dưới trạng thái năng lượng thấp nhất. Trên lý thuyết, hai vũ trụ song song cũng có thể bị lực hấp dẫn tác động mà tiến lại gần nhau, đồng thời chịu một lực khác tương tự như từ trường đồng cực tác động, đẩy nhau và tiến vào trạng thái "đối đầu": hoặc bị đẩy lùi về khoảng cách an toàn, hoặc va chạm vào nhau.
Nếu là cái sau, vậy có nghĩa hai vũ trụ sắp kết thúc.
Nói là "kết thúc" cũng không chính xác, chỉ có thể nói rằng toàn bộ sự sống trên hai vũ trụ sẽ "bốc hơi". Sinh mệnh mong manh không thể sống sót trước động năng khổng lồ do sự va chạm của hai vũ trụ gây ra, nhưng vật chất và bức xạ của nó sẽ trải qua những thay đổi mới trong vụ va chạm, dẫn đến các quy luật vật lý mới. Và rồi, hai vũ trụ song song sẽ hợp nhất thành một vũ trụ hoàn toàn mới, sự sống và trật tự mới sẽ được sinh ra trong vũ trụ đó.
///
Tác giả có điều muốn nói:
Các giải thích về khái niệm Thiết bị Casimir và Big Splat được trích dẫn từ Các thế giới song song (Parallel Worlds) của Michio Kaku. Sau đó vì nhu cầu cốt truyện, tôi đã tổ chức và giải thích nó bằng ngôn ngữ của mình. Không được học thuật cho lắm, mọi người hiểu sương sương ý tôi là được.
...
Mình cũng có điều muốn nói: Chỉ biết cười:) Nói chứ mình chú thích dưới đây những khái niệm liên quan có trong chương này, toàn bộ được trích dẫn từ Các thế giới song song (Parallel Worlds) của Michio Kaku (sách xuất bản tại Việt Nam). Vì quỹ thời gian hạn hẹp, mình chưa thể nghiền ngẫm kỹ nội dung mà sách muốn truyền tải, cũng chưa kịp đọc hết, vậy nên những chú thích bên dưới được chắt lọc một cách chủ quan, mong rằng có thể giải thích phần nào thắc mắc của các bạn.
[1] Vũ trụ là màng ba. "(...) Giả sử vũ trụ là một màng ba trôi nổi trong thế giới năm chiều. Lúc này, các rung động trên bề mặt của màng ba tương ứng với các nguyên tử mà chúng ta thấy xung quanh chúng ta. Như thế, các rung động này không bao giờ rời bỏ màng ba, do đó không thể trôi dạt vào chiều thứ năm. (...) Chúng ta đang trôi nổi trong chiều thứ năm, nhưng chúng ta không thể tiến vào nó, vì cơ thể chúng ta đã bị mắc kẹt trên bề mặt của một màng ba."
[2] Big Slat. "(...) Nhưng cũng có các khả năng khác trong thuyết M. Nếu các vũ trụ có thể ngắt hoặc nảy chồi, sinh ra các vũ trụ mới, thì có lẽ sự đảo ngược cũng có thể xảy ra: các vũ trụ có thể va chạm, toé lửa và sinh ra các vũ trụ mới. Trong một kịch bản như vậy, có lẽ vụ nổ lớn đã xảy ra vì một va chạm của hai vũ trụ-màng song song chứ không phải là sự nảy chồi của một vũ trụ. (...) Họ bắt đầu với hai màng ba bằng phẳng, đồng nhất và song song ở trạng thái năng lượng thấp nhất. Ban đầu, chúng là các vũ trụ trống rỗng và lạnh lẽo, nhưng dần dần hấp dẫn kéo chúng lại với nhau. Cuối cùng, chúng va chạm và động năng khủng khiếp sinh ra từ vụ va chạm chuyển hoá thành vật chất và bức xạ đã tạo ra vũ trụ của chúng ta. Một số người gọi điều này là thuyết Vụ Toé Lớn (Big Slat) chứ không phải thuyết Vụ Nổ Lớn, vì kịch bản liên quan đến sự va chạm của hai màng. Lực va chạm lại đẩy hai vũ trụ ra xa. Khi hai màng này tách khỏi nhau, chúng nguội đi nhanh chóng, tạo nên vũ trụ mà chúng ta thấy ngày nay."
[3] Thiết bị Casimir. "(...) Theo thuyết hấp dẫn của Newton, lực hút giữa hai vật thể bất kỳ giảm theo bình phương của khoảng cách ngăn cách chúng. (...) Cho đến nay, định luật hấp dẫn của Newton đứng vững ở các khoảng cách vũ trụ liên quan đến các quần thiên hà lớn. Nhưng không một ai thử nghiệm đầy đủ định luật hấp dẫn của ông xuống tới các thang chiều dài nhỏ, vì nó cực kỳ khó khăn. (...) Các nhà vật lý tại Đại học Purdue muốn đo đạc xem có các sai lệch nhỏ hay không trong định luật hấp dẫn Newton, không phải ở mức độ mi-li-mét mà ở mức độ nguyên tử. Họ dự tính làm điều này bằng cách sử dụng công nghệ nano để đo sự khác biệt giữa Niken-58 và Niken-64. Hai đồng vị này có các tính chất điện và hoá học đồng nhất, nhưng một đồng vị có nhiều hơn đồng vị kia sáu neutron. Về nguyên tắc, sự khác biệt duy nhất giữa các đồng vị này là trọng lượng của chúng.
Các nhà khoa học này hình dung tạo ra một thiết bị Casimir bao gồm hai bộ các tấm trung hoà về điện làm từ hai đồng vị. Thông thường, khi các tấm này được để gần nhau, không có gì xảy ra vì chúng không có điện tích. Nhưng nếu chúng được đưa lại cực kỳ gần nhau, thì diễn ra hiệu ứng Casimir: hai tấm hút nhau một chút, một hiệu ứng đã được đo đạc trong phòng thí nghiệm. Nhưng vì mỗi bộ các tấm song song được làm từ các đồng vị khác nhau của Niken, nên chúng sẽ bị hút hơi khác nhau một chút, tuỳ thuộc vào lực hấp dẫn của chúng.
Nhằm tối đa hoá hiệu ứng Casimir, các tấm phải được đưa lại cực gần nhau. (Hiệu ứng tỉ lệ thuận với nghịch đảo bậc bốn của khoảng cách ngăn cách chúng. Vì thế, hiệu ứng gia tăng nhanh chóng khi các tấm được đưa lại sát nhau). Các nhà vật lý ở Purdue sẽ sử dụng công nghệ nano để làm cho các tấm cách nhau một khoảng cách bằng các khoảng cách nguyên tử. Họ sẽ sử dụng các thiết bị tạo dao động xoắn vi điện cơ tối tân nhất để đo đạc các dao động nhỏ trong các tấm này. Bất kỳ sự khác biệt giữa các tấm Niken-58 và Niken-64 khi đo có thể được quy cho hấp dẫn. Theo cách này, họ hy vọng đo được các sai lệch so với các định luật Newton về chuyển động xuống tới các khoảng cách nguyên tử. Nếu với các thiết bị tinh xảo này họ tìm thấy một sai lệch so với định luật bình phương nghịch đảo nổi tiếng của Newton, thì nó có thể báo hiệu sự hiện diện của một vũ trụ chiều bậc cao hơn bị tách khỏi vũ trụ của chúng ta một khoảng bằng kích thước của một nguyên tử."
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]