Chương trước
Chương sau
Ôn Thịnh là người duy nhất lạc ra hẳn một nơi khác, đành lủi thủi mua một bình Hồ Đài tửu mà trèo lên một mái nhà cách đấy không xa, thưởng rượu ngắm trăng. Hồ Đài khi mới uống mát lành như dòng suối mùa xuân, xuống đến cổ họng lại bỏng rát như lửa thiêng cao nguyên do mùi quế  cay nồng, để rồi kết thúc với hương vị dịu êm thoang thoảng của hương lúa đầu vụ. 

Cổ nhân nói Hồ Đài giống hương vị của mối tình đầu, có cay có ngọt có đắng nhưng vẫn là vỗ về dịu êm. Hồ Đài nên được uống vào đêm rằm, khi không khí trong lành tịch mịch nhất để cảm nhận được từng sắc rượu chuyển khác, tri kỷ kề bên nâng chén nồng san sẻ tình sắc. Tuy nhiên Ôn Thịnh mới chỉ đáp ứng được một nửa yêu cầu về cảnh, còn về người e rằng còn xa. Hồ Đài đối với hắn mà nói cũng chỉ là một cách nuốt hết đắng cay nhọc nhằn vào trong bụng chứ không hề thi vị tình tứ như cách nhân gian định hình nó.

Trước nay, hắn đều một thân một mình ngược thủy hành châu, một tay gây dựng được khách điếm như ngày hôm nay tuyệt nhiên không phải dễ dàng. Vốn xuất thân là một đại thiếu gia từ một thị tộc có danh tiếng với nghề nuôi ngựa, hoặc ít nhất đó là những gì các trưởng lão dùng để che mắt thiên hạ. Làm một ngón nghề như vậy cũng chỉ là cá cớ để che mắt thiên hạ rằng thị tộc hắn luyện Loạn Thần Liên Tiếu. Loại chú này tuy thuộc về âm luật nhưng không sử dụng nhạc cụ gì mà lại dùng chính giọng nói của người luyện, hay chính xác hơn là tiếng cười. Nếu nói nước mắt là linh hồn của cảm xúc thì tiếng cười lại là dáng hình nguyên sơ nhất của mọi hỉ nộ ái ố trên đời.

Lão tổ của hắn đã thu được những hạt tinh túy trong hàng vạn tiếng cười trong thiên hạ gộp thành năm thần sắc của tiếng cười trong nhân gian: An, Tĩnh, Huyền, Sầu, Loạn nén lại thành một loại thần khí truyền từ nguyên thần của đời này qua đời khác một cách ngẫu nhiên, cho nên dù hắn là trưởng tử, lại không nắm trong mình loại huyền cơ diệu khí ấy. Người trong thị tộc hắn chỉ gọi thứ ấy đơn giản hai tiếng Thần Tiếu, một tiếng cười mà uy vũ thiên hạ, dịch chuyển càn khôn. Rất tiếc, hắn chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến.

Vì cái kim trong bọc cũng sẽ có ngày lòi ra, một Đại Thế Gia biết đến sự thật về những gì ông nội hắn đang che giấu, quyết tâm phải đoạt được Thần Tiếu cho bằng được. Đáng tiếc, Thần Tiếu chọn nhân chứ không phải điều ngược lại, viên ngọc ấy chỉ nhận người đủ hai tiêu chí sau: một là thuần khiết bậc nhất thế gian và hai phải mang dòng máu Ôn Thị. Sau khi biết được sự thật ấy, tông chủ thế gia nọ đã tức giận, hạ đao đồ sát cả gia tộc hắn. Y phục lụa Ôn gia rực đỏ mã não cuối cùng lại bị nhấn chìm trong một sắc đỏ khác, đỏ của lửa kẻ thù.

Cứ ngỡ một đời luồn cúi hạ mình sẽ yên ổn, cuối cùng vẫn chuốc phải họa diệt môn. Cứ ngỡ hắn cùng biểu muội có thể trốn thoát, cuối cùng thiên ý lại là ác ý. Biểu muội hắn bị bắt lại, hắn thì chạy bán sống bán chết trong rừng trúc giữa đêm đông rét căm căm, sức nhỏ yếu ớt cố thoát khỏi sự truy sát gắt gao của những kẻ lực lưỡng tựa hộ pháp. May rằng hôm ấy tuyết dày vón thành tảng, cậu bé trốn được dưới lớp tuyết sâu trắng xóa, tựa như biến mất vào màn không. Ngoài lớp tuyết là những kẻ khát máu, trong lớp tuyết là cái lạnh tựa như hàng vạn bọc kim châm chích vào người, cứ từ từ từng chút một hút lấy sinh lực của đứa trẻ yếu ớt. Cậu bé nhỏ run rẩy như một chú chim non ngã tổ, co quắp dưới màn tuyết lạnh cũng không dám tự mình đứng dậy bởi thà chết trong cái lạnh này còn hơn phải đầu lìa khỏi cổ giống như phụ mẫu cậu đã trả qua. Trong cái lạnh tột cùng, cậu chỉ còn thấy một vầng sáng mờ ảo không biết là tuyết hay là hư ảnh, vầng sáng bao lấy người cậu, thều thào: "Con hãy bảo vệ biểu muội con, bằng bất cứ giá nào."

"Con...không biết con làm được không." - Cậu bé đã sợ lắm.

Rồi, bắt đầu muốn òa khóc, nhưng cơ mặt đã cứng như đá tảng, không thể chuyển động được nữa, nước mắt chảy ra cũng hóa thành những hạt băng tuyết.

Cậu chỉ nghe loáng thoáng hai tiếng:

"Cười lên Ôn Thịnh. Cười như lúc cha con dẫn con đi xem kịch rối nước, con thấy con rối trượt chân ngã nhào..." Văng vẳng xa xa là những tiếng cười khanh khách của một đứa trẻ khiến một lão tiều phu gần đấy tò mò tiến lại. Khi lão tới nơi cũng là lúc tiếng cười ấy ngừng hẳn.

Sau ngày hôm ấy, Ôn Thịnh như chết đi sống lại. Khi tỉnh dậy cậu bé ấy bị sốt cao, cuối cùng để lại di chứng là căn bệnh xoang quái ác. Bây giờ chỉ cần trời se se lạnh sương mờ đổ là Ôn Thịnh rất khó thở, luôn phải có an dược túc trực bên cạnh.

Sau đó ông lão tiều phu đã tốt bụng cưu mang hắn cho hắn đi theo học việc. Nhưng thân đã già, kiếm ăn chỉ được hôm nọ hôm kia, Ôn Thịnh rất sáng dạ nên đã một mình lăn lộn buôn bán ở chợ này sạp nọ, cũng học được không ít mánh khóe trên thương trường. Hắn đã phải cầu lạy biết bao nhiêu hạng người để có được vị trí như ngày hôm nay.

Có lẽ những ngày tháng sống trong nhung lụa cũng dần tàn phai vào trong những mảng ký ức chắp vá rụng rời. Hắn chỉ nhớ nhất cảm giác khoác trên mình tấm lụa đỏ au thêu cánh hạc tinh xảo vào ngày Tết, được nhị thẩm dẫn hắn và Tiểu Miêu đi chơi những ngày đầu xuân. Nếu chán thì có thể dùng đại vệ làm ngựa để cưỡi. Nhưng theo sau những kỉ niệm ấy chính là cảnh hắn vừa bị người ta đá dúi dụi, vừa bị xua đuổi như một con thú hoang bẩn thỉu.

Huỵch

Huỵch

Huỵch

Rồi hắn chẳng nhớ bao lần mình bị đạp văng vào bức tường đó nữa.

Nhưng rồi hắn chỉ nghĩ, không chết đói là được.

Năm hắn 17 tuổi, Nã Giới xuất hiện một con ác thú tác oai tác quái, hiệu triệu thần dân từ bắc chí nam gia nhập quân đội do Nguyễn Tông Chủ làm chủ tướng góp sức tiêu diệt ác thú. Hắn thì chẳng ham danh vọng được làm anh hùng cao sang gì, chỉ nghe nói Nguyễn thị rất hào sảng, sẵn sàng trả công bằng vàng dòng, nên hắn cũng như bao nhiêu lứa trai làng khác "xả thân vì nghĩa". Đáng ra vì bệnh tình của mình, hắn không thể nào gia nhập quân ngũ được. Nhưng hắn lén lút trà trộn vào hàng binh, số lượng quá đông nên cũng chẳng ai để tâm tới hắn là ai.

Vào đến trại lính hắn mới biết hóa ra không ít thế gia công tử nghĩ rằng thế sự dễ như bỡn, mượn cớ đi lính kiếm chác chút danh vọng mang về. Hắn cũng tranh thủ cương nhu nịnh hót mềm dẻo vài câu để lấy lòng bọn họ, một số tên có hơi khó ưa nhưng nhìn chung cũng không quá khó khăn đối với hắn bởi đây là doanh trại, bọn chúng chẳng tài nào càn quấy thái quá được.

Thời gian ấy hắn làm quen được với một vị thiếu chủ họ Giang, tính tình khẳng khái hào sảng, coi hắn như bằng hữu chia ngọt sẻ bùi, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, vị thiếu chủ ấy hơn hắn khoảng 6 - 7 tuổi nên sự chín chắn và chỉn chu hoàn toàn khác biệt, chưa kể đến hoàn cảnh khiến hắn tầm thường đến lạ so với Giang công tử. Hồi ấy hắn cũng đã vài lần nhìn thấy Hư Vô tiểu thư diện kim bào tam long chinh chiến cùng thân phụ và sư huynh, bởi vậy cũng vài phần ngưỡng mộ người thiếu nữ một tay chém chết cả vạn nghiệt yêu, thần khí kim sa ngọc tỏa anh vũ kiệt xuất, tuy nhiên nét của tiểu thư này có phần hơi nam tính, kể cả so với nam nhân bình thường.

Đáng tiếc, sau vài ngày thấy số người chết đông như ngả rạ, mấy vị đó bắt đầu rúm ró sợ sệt. Ôn Thịnh vốn chẳng còn gì để mất, thử ăn may đi thay ca hộ mấy người bọn họ. Cuối cùng nhờ mánh khoé vặt vãnh của mình mà lại trốn được vào điểm mù của con ác thú và cứu được một vị chủ tướng thoát chết trong gang tấc. Sau đó hắn được khen ngợi hết lời và cũng được mấy vị công tử kia nể trọng vài phần.

Trận chiến kết thúc, hắn bê trên tay một núi vàng về vùng Thành Nam - lúc này chỉ vừa mới nổi về mặt giao thương, coi như kiếm cơ hội làm ăn. Các mối quan hệ cũ từ trại lính bắt đầu có tác dụng. Trong mắt những vị công tử bột kia hắn không còn là một kẻ vô danh tiểu tốt nữa mà trở thành bộ dạng có tiền đồ trong mắt chủ tướng nhà Nguyễn Thị.

Ôn Thịnh có một lợi thế là cách hắn nói chuyện đặc biệt dễ nghe và đi vào lòng người nên không khó cho hắn để tạo dựng được những mối quan hệ bền vững, một mạng lưới thông tin rộng lớn trải khắp Nã Giới này. Chỉ tiếc là nội bộ của Ngũ Đại Thế Gia hắn vẫn chưa tài nào chạm tới. Sau này, Sương Phi vừa được thành lập, nội bộ vẫn tồn tại những mắt xích yếu, hắn thuận lợi mềm dẻo luồn qua mà lấy được một lượng thông tin mỏng, cũng không đáng giá gì mấy, nhưng có thì vẫn hơn.

Mỗi lần tự vấn bản thân, hắn nhận ra:

Suốt hơn hai mươi năm, thứ vỗ về hắn chỉ có cô đơn. Thần dược giúp hắn có thể thở đều, ăn cơm ngon và ngủ qua giấc cũng là nỗi cô đơn này.

Nhưng gần đây hắn có nghi hoặc khác, vị Ôn Quýnh cô nương ấy có khi nào lại là biểu muội thất lạc của hắn. Nhưng có lý gì lão sói già ấy lại để mầm mống Ôn Thị sống sót an phận đến ngày hôm nay. Nên hắn cần xác nhận thêm một lần nữa.

Sáng hôm sau mặt trời đã quá trưa cả Ôn Quýnh và Vương Bác đều chưa tỉnh dậy bởi hai người họ trở về muộn nhất, khi đã quá nửa đêm, cũng là lúc tiệc hội kết thúc. Hội "lão niên" gồm Hư Vô, Hoàng Kỳ và Ôn Thịnh thì đã sớm trở về từ lâu để an dưỡng từ sớm. Riêng Ôn Thịnh tuy tìm được đường về nhưng lại trong trạng thái mặt đỏ hồng, mơ mơ tỉnh tỉnh đi đứng loạng choạng phải nhờ người dìu về đến tận phòng, thi thoảng lại la hét một câu vô nghĩa gì đấy. Sáng nay nhìn hắn có vẻ thất thểu hơn bình thường, mặt trắng, hai mắt thâm xì, cười méo mó chào khách, đến mức độ phải để cho tiểu nhị đứng chào khách thay còn hắn thì ngồi thất thểu ở một góc bàn, xì xụp bát canh gà nóng để hồi sức. Đầu hắn đau như búa bổ, đúng là:

Hoa gian nhất hồ tửu,

Độc chước vô tương thân.*

*花間一壺酒

獨酌無相親

Mượn tứ thơ Nguyệt hạ độc chước kỳ (月下獨酌其一) của Lý Bạch, nói về việc thưởng rượu ngắm hoa một mình khi say là vui hoan, dứt khỏi cơn say là cô quạnh nhọc nhằn.

Ôn Thịnh khó nhọc thưởng từng thìa canh dù thơm phức ngọt lành nhưng đối với hắn bây giờ chỉ có mùi thịt lợ lợ ngai ngái, hắn nghe xung quanh vo ve như hàng vạn con ong đang bay lượn trêu ngươi hắn. Thì đột nhiên hắn phải chịu một tiếng đập bàn "uỳnh uỵch" long trời lở đất, khiến thế giới quan của hắn vốn còn đang hỗn loạn nay càng chao nghiêng, cơn đau đầu lại càng dâng cao. Hắn chỉ phẩy tay: "Tại hạ hôm nay nghỉ phép, mọi thắc mắc phiền khách quan nói chuyện với quản gia ở phía quầy."

"Hầy, Ôn huynh, sao lại lê lết mệt nhọc thế này" - Giọng nói cô nương lanh lảnh vang lên, xé tan những tiếng vù vù bao quanh tai hắn.

"Ôn Quýnh muội muội đó à, hôm qua ta lỡ tay quá chén, à thật ra là quá vài vò Hồ Đài tửu nên giờ vẫn hơi đau đầu."

"Ôi giời ạ. Sao huynh..."

"Ta biết rồi...lần sau ta không uống quá chén nữa."

"Sao huynh đi uống rượu mà không rủ muội???????????? Muội luôn muốn thử Hồ Đài mà không có cơ hội, chủ tử của muội thì chắc chắn không cho muội uống khi đang đi làm chuyện công rồi. Ây da"

"Ui xời tưởng gì. Tối nay ta sai người đi mua cho muội hẳn một chum để mang về Sương Phi bản doanh."

"Cái gì? Huynh biết Sương Phi ở đâu?" - Lúc này Ôn Quýnh mới có chút giật mình.

"Có gì khó khăn đâu. Ta chỉ cần hỏi bạn của bạn của dì của thím của bác của ông ngoại bên đằng nội nhà bên ngoại của một vị bán cá ngoài chợ ta quen rằng tại sao con trai người ta mấy hôm nay lại không đi phụ bán cá nữa là tìm ra được."

"Hả?" - Ôn Quýnh nghe qua không hiểu cho lắm

"Ta đùa muội thôi. Nhìn chung thông tin của Sương Phi đối với ta cũng không quá khó không quá dễ. Nhưng muội làm gì phải căng thẳng vậy, mỗi tháng các muội lại chuyển đại bản doanh một lần mà. Và ta lại bắt đầu hành trình lượm nhặt thông tin tiếp thôi. Chắc khoảng mất một hai tuần, nhưng cũng đủ mà nhỉ."

"Huynh, dám nói về Sương Phi với giọng đùa cợt ấy ư?" - Ôn Quýnh rút kiếm kề sát cổ người anh kết nghĩa được ba ngày có lẻ của cô.

"Thân từng là nữ đại vệ của Mạnh thị mà lại phải về đây làm chân sai vặt cho Nguyễn thị, không phải thế quá dưới tầm của muội sao tiểu Miêu."

"Tiểu Miêu là ai? Huynh say đến nhận nhầm người rồi à?"

"Muội thích màu đỏ huyết dụ, thích hoa quỳnh đỏ rực đêm hạ, khi buồn chán muội sẽ họa đồ các loại nội thất đồ vật trong phòng hoặc do muội tự thích tưởng tượng ra. Cây bút muội luôn gài trên tóc đã có từ rất lâu, lâu đến mức muội cũng chẳng nhớ được, thân bút bằng ngọc mã não đỏ điêu khắc vân hạc, mắt hạt đính ngọc lục bảo, chuôi bút mạ bạch kim lấp lánh tựa thác bạc và có một chữ Ôn rất nhỏ nếu như không để ý chắc chắn không thể phát hiện ra"

"Ta đã bao giờ nói cho huynh mấy thứ này đâu...kẻ nào đã bán đứng ta ư? Huynh nói, là kẻ nào?" - Ôn Quýnh không còn giữ được bình tĩnh, kề sát kiếm vào họng kẻ trước mặt. Trong đầu hỗn loạn, nếu từng thông tin chân tơ kẽ tóc của cô còn bị hắn tìm ra thì chẳng phải Sương Phi đã bị mục rữa từ bên trong sao, mà nhất còn là phần Sương Phi cô nắm trong tay.

"Trước đây khi nghe Mạnh thị có một nữ hiệp họ Ôn ta đã bán tín bán nghi. Muội lại mai danh ẩn tích một thời gian, cuối cùng lại xuất hiện gần Thành Nam này, quả đúng là ý trời..."

Lúc này, khách quan thấy dao kiếm liền thất kinh mà ra chạy ra khỏi phòng trà. Một tên tiểu nhị phải chạy đến bẩm báo cho Hư Vô sự tình gấp.

Hư Vô cau mày chạy ngay đến, trước nay Ôn Quýnh dù tính tình có hơi hào sảng nhưng cũng không đến mức tự tiện lộng quyền như thế này. Hư Vô cùng Hoàng Kỳ vừa hớt ha hớt hải đặt chân đến nơi thì nghe được một tin sét đánh ngang tai:

"Muội là biểu muội thất lạc của ta!"

Thanh kiếm nãy giờ còn kề sát bên yết hầu của hắn rơi lẻng kẻng xuống mặt đất lạnh như lớp băng, lạnh bởi sự trùng xuống của bầu không khí. Vương Bác vừa đi từ bếp lên thấy bầu không khí căng thẳng này chỉ đành mon men theo vách tường mà "thoát ra".

"Huynh nói cái gì cơ?"

"Mặt dây chuyền của muội là hình trăng khuyết đúng không? Nhưng khi ghép với mặt trời của ta sẽ trở thành một thể hoàn chỉnh" - Hắn đưa mặt đá hắc thạch ra, Ôn Quýnh run run cầm lấy, nhìn lại vào mặt dây chuyền của mình, hai tay run run đặt hai nửa vào với nhau, vừa như in.

"Tên của muội cũng không phải là Ôn Quýnh, chắc chắn tên tông chủ khốn khiếp đó muốn đặt cho muội một cái tên vừa khổ vừa bần để muội mãi mãi nghĩ mình chỉ là một kẻ hầu người hạ cho Mạnh thị khốn khiếp. Muội tên Ôn Quýnh..."

"Ơ có khác gì?"

"À ừ nhỉ." - Chắc co cơn say của hắn vẫn chưa dứt, cũng hẳn là như vậy nên hắn mới hành động một cách thiếu lý trí như vậy - "Hmmm...nhưng tên ở nhà của muội là A Miêu. Mẫu thân của muội là (chưa nghĩ ra tên, cần hội bàn với editor). Thuở nhỏ muội đã rất mạnh so với những đứa trẻ đồng trang lứa, thường bê mấy viên đá rất lớn từ suối Cẩm Lệ để "ném" chọc ta. Món ăn ưa thích của muội là một món trứng bác, có khi muội đòi ăn món đó cả một tuần trời khiến cả nhà ai nhìn thấy trứng cũng sợ ..."

Nhưng mấy lời hắn nói sau đó chỉ nhòe đi trong thanh âm của sự thẫn thờ. Đầu Ôn Quýnh đau như búa bổ, những ký ức như hàng vạn tấm kính vỡ ra rồi liền lại, biến hóa chao đảo nhưng mỗi lần thêm một mảnh kính liền lại thì Ôn Quýnh nhận thêm một vết cắt cứa dọc da thịt.

Những mảnh vỡ kí ức trôi nổi

Những cột nhà đỏ rực khắc hoa quỳnh

Những thảm thảo nguyên trải rộng bất tận

Người phụ nữ thường thường nói với cô hãy cười lên trong mỗi mơ

Rừng tre xanh giờ đã lập lòe chớp đỏ

Áo lông sói bay phất phới nhuộm máu tươi

Bây giờ đều hiện lên rõ nét và liên kết lại với nhau thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Người cưu mang cô từ nhỏ chính là người đã gϊếŧ cha mẹ cô.

Như một thứ được ghép lại thì tất cả những thứ xung quanh cô đã bị đập tan thành hàng vạn tia nước mưa vẫn bao quanh Lịch Nhãn ròng rã suốt mấy ngày nay.

Từ khía xa Hư Vô nhìn Hoàng Kỳ rồi nói: "Chúng ta nên đi ra chỗ khác thì hơn."

Hoàng Kỳ gật đầu nhẹ đồng ý.

Mấy ngày sau Hư Vô khám xét hiện trường thêm một lần nữa để an tâm hơn. Vài ngày cũng không thấy có gì mới mẻ nên quyết định cùng Hoàng Kỳ trở về Bắc Hà Thành. Xác nạn nhân cũng không định được danh tính nên đành mang về Thụy Khuê Thiên Hướng phủ để thẩm định lần cuối trước khi tổ chức tang lễ.

Trước khi chỉ về Hư Vô chỉ kịp định an Ôn Quýnh một câu: "Có những thứ qua rồi, ngươi đừng quá bận tâm. Quan trọng là hiện tại ngươi không có vướng bận gì, ta biết ngươi là một cô nương rất mạnh mẽ, sẽ được qua được."

Về đến nơi, Hư Vô nói Hoàng Kỳ cứ nghỉ lại một hôm lấy sức rồi hẵng lên đường đi tiếp. Dặn dò tiểu đệ xong cô lao thẳng đến An Tĩnh phòng, nơi nghiên cứu thần pháp, bùa phép của Thụy Khuê Thiên Hướng phủ, ngự tại tòa tháp cao nhất phủ.

Bên trong lúc này có ba vị trưởng lão đang ngồi viết kinh dịch, một nữ nhân ngồi chính giữa, hai vị nam nhân ngồi hai bên, dựa vào họa tiết cũng như lượng chỉ vàng trên áo chắc chắn là người có chức tước.

"Hư Vô bái kiến tam đại lịch thần."

"Tiểu Khánh đã về rồi đấy ư, mẫu thân con vừa đến đây xong, con đã gặp bà ấy chưa." - vị ngồi giữa điện tươi cười chào đón Hư Vô.

"Dạ con vẫn chưa kịp gặp mẫu thân, nhưng có việc cần ba vị giúp đỡ."

"Có phải việc khiến con phải truyền gấp Tẩy Thanh Thủy không?" - Vị nam nhân mũ đội hơi lệch ngự phía bên trái cất giọng hỏi. So với cái đầu nhỏ của ông ta thì chiếc mũ gắn đầy ngọc trai trang sức khia có vẻ hơi quá sức

"Cũng có thể nói là vậy ạ. Chuyến đi vừa rồi con phải giải quyết một án mạng, nhưng trên nạn nhân xuất hiện những vết bùa chú rất khó hiểu. Mong ba vị xem qua giúp con."

Nói đoạn Hư Vô đặt túi thơm xuống đất, niệm chú một hồi, miệng túi tự động mở, phát quang huyền ảo rồi biết mất, để lại trên sàn đá xác một nữ nhi khuôn mặt tím tái nhưng vẫn rất thanh tú.

Ba vị kia rời bàn tọa, chắp tay sau lưng rồi đều bước chân tiến đến đi vòng quanh xem xét.

"Ngoài ra con còn thấy hung thủ dùng thứ này. Giống một dạng bột vẽ chu sa."

Vừa nhìn thấy chiếc bình nhỏ, cả ba đã đồng thanh thốt lên:

"Hắc Xích Sa! Con lấy thứ này ở đâu ra? Mau ném đi cho ta!" - vị nữ chủ hất tay Hư Vô đi một cái, bình ngọc văng đi lăn long lóc.

"Như thế này thì...nữ nhân này..." - Lão bá ngự phía bên phải chính điện tuổi đã ngũ tuần, rút từ trong tóc ra một đôi đũa bằng vàng, chắm hai cái lên trán nữ nhân còn đang nằm im lìm, bỗng không khí chuyển động, toàn thân xuất hiện những vệt sáng ngoằn ngoèo cuối cùng tắt dần chỉ đọng lại những vết mực vằn vện khắp cơ thể.

Hư Vô khẽ cau mày, như thế này khác nào hạ nhục người ta?

"Đã lâu rồi ta không thấy thứ ác chú này."

"Từ 700 năm trước...nhưng lại cũng không giống lắm. Hắn làm gì còn sống cơ chứ?"

"Đúng vậy." - Nữ lịch thần gật đầu

"Nhưng thủ pháp này thường chỉ dùng với nam nhân, sao nay lại là nữ nhân." - Vị lịch thần khác lên tiếng - "Lẽ nào là cải biên?"

Hư Vô nghe một hồi chẳng hiểu đầu đuôi là gì mới lên tiếng: "Các vị tiền bối đang nói về cái gì thế ạ? Thỉnh các vị chỉ giáo."

"Tiểu Khánh, nếu những gì chúng ta sắp nói sau đây mà trở thành sự thật thì e rằng an nguy toàn bộ Nã giới đang gặp nguy hiểm."

Hai tuần sau

Hư Vô nhận được một lá thư từ Thành Nam Đoàn Thị mời đến dự yến tiệc mừng đại tiểu thư thất lạc lâu năm xuất hiện, vốn cũng có ý định mang tro cô nương kia tới sông Hồng Đầy làm lễ cầu siêu nên Hư Vô cũng nhận lời đi chuyến này, ngoài ra để xem Ôn Quýnh giờ ra sao. Có điều gì đó khiến cô không yên tâm.

Nguyễn Võ nhặt nhạnh phân loại từng món đồ cần mang theo mình, nói với Hư Vô:

"Ta ở mãi trong phủ chắc bị chán đến chết mất. Mà tiểu thư nói Ôn Quýnh là nữ nhân thất lạc của Ôn thị ư, chẳng phải thị tộc ấy đã gặp nạn diệt vong từ nhiều năm trước sao? Đúng là thiên hạ biết hóa không lường. Lắm vị tiểu thư thất lạc được tìm thấy nhỉ."

"Cũng kỳ lạ." - Hư Vô bình luận

Đoàn Thị dù sao cũng chỉ là một thị tộc nhỏ so với Nguyễn Thị cho nên khi biết Hư Vô hạ cố đến yến tiệc tỏ ra vui mừng khôn xiết, nghênh đón từ ngoài thành, Đoàn Phủ nằm ở sâu trong trung tâm, phải đi qua nhiều lớp thành lũy chắc chắn mới có thể thâm nhập được.

Cả phủ được trang trí bằng ô và đèn lồng ngũ sắc rất lộng lẫy, có lẽ còn hơn cả hỷ sự. Yến tiệc bắt đầu vào giờ Tuất. Hư Vô và Nguyễn Võ được đặc cách ngồi ở bàn ngự rất cao bên cạnh Đoàn lão gia. Khi bước vào phủ có vô tình gặp Ôn Thịnh, sắc mặt hắn có vẻ hơi tái đi không được tốt như ngày thường.

Khi nhân vật chính, đại tiểu thư xuất hiện, tiếng đàn ca hoan nổi lên vui như hội. Thiếu nữ ấy vận một bộ y phục lụa trắng thêu bạch trà hoa nữ, đầu cài trâm bạc trạm trổ họa tiết đồng bộ với y phục, khuôn mặt nhỏ nhắn, cổ cao trắng ngần, nét mặt rạng ngời tựa đóa hoa được thêu trên vạt áo, cả hội trường phải trầm trồ thán phục reo heo, vỗ tay liên hồi.

Riêng chỉ có một vị tiểu thư ngồi trên cao cau mày, nắm chặt ly trà trong tay tựa như muốn bóp nát cả ly đồng. Tự thì thầm: "Ôn Quýnh, ngươi làm cái trò gì vậy?"

Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.