🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Tối rằm tháng Chín, Dư Phi đến Thiện Đăng Đĩnh.
Là chủ thuyền Thiện Đăng Đĩnh mời cô đến.
Là "mời".
Chủ thuyền đích thân gọi điện thoại cho Dư Phi, ngỏ ý hi vọng có thể cùng cô nói chuyện một bữa.
Dư Phi vẫn kính trọng chủ thuyền như trước đây, đương nhiên sẽ không để ông phải chờ lâu. Lúc chủ thuyền hỏi cô tiện gặp mặt ở đâu, cô liền chủ động nói là ở Thiện Đăng Đĩnh.
Tối đó cô có tiết, lúc đến Thiện Đăng Đĩnh, đã là chín rưỡi.
Chủ thuyền tán gẫu đôi câu với cô, qua loa hỏi gần đây cô sống thế nào.
Kỳ thực tình hình gần đây của Dư Phi, người trong Thiện Đăng Đĩnh đều biết cả. Trong giới lớn như vậy, vở kịch "Đỉnh thịnh Xuân Thu" này đang luyện tập ra sao, nhất cử nhất động đều được quan tâm sít sao. Dư Phi thân ngụ trong đó tuy mù tịt không hay biết, nhưng những người trong nghề khác cũng đặt cô vào tầm mắt, tỉ mỉ xem chừng.
Chủ thuyền uyển chuyển nói ra mục đích của lần gặp mặt này...
Ông hi vọng Dư Phi có thể quay lại Thiện Đăng Đĩnh hát hí khúc.
Dư Phi kinh ngạc, hỏi chủ thuyền đã xảy ra chuyện gì. Chủ thuyền ấp a ấp úng, kể là Nghê Lân đột nhiên bị hỏng giọng, y không thể không tạm dừng diễn hí. Nghê Lân là trụ cột của Thiện Đăng Đĩnh, y không thể diễn, chuyện này chẳng khác gì một đả kích mang tính hủy diệt đối với Thiện Đăng Đĩnh vốn đã đang khó khăn trùng trùng. Hiện giờ tuy còn đám Sư Mi Khanh, Lan Đình chống đỡ, nhưng nếu cô có thể quay lại diễn, tình huống của Thiện Đăng Đĩnh sẽ khá hơn rất nhiều.
Dư Phi lo lắng hỏi: "Giọng sư thúc thế nào rồi ạ?"
Chủ thuyền nghe cô vẫn gọi hai tiếng "sư thúc", thở dài một hơi, đáp: "Tạm thời phải tĩnh dưỡng hai tháng mới có thể tốt lên một chút."
Dư Phi gật đầu. Cô hơi lưỡng lự, nói: "Tôi đã thề là trong ba năm không được hóa trang lên sân khấu."
Chủ thuyền thở dài: "Vào thời điểm đặc biệt phải có cách làm đặc biệt. Tuy cô đã không còn ở Thiện Đăng Đĩnh nữa, nhưng dù sao Thiện Đăng Đĩnh cũng đã nuôi cô những mười sáu năm, hiện giờ Thiện Đăng Đĩnh gặp nạn..." Chủ thuyền nói không nên lời, khép hai tay cúi đầu xuống. Hơn hai năm không gặp, tóc ông đã bạc đi rất nhiều, trên mặt hằn sâu vết tích năm tháng, sớm đã không còn dáng vẻ trẻ trung khỏe mạnh, ngang ngượng cứng rắn như báo trước đây nữa.
Hai năm qua chủ thuyền vì Thiện Đăng Đĩnh mà chạy ngược chạy xuôi, nỗ lực thế nào, Dư Phi đều đã nghe Lan Đình kể lại.
Nhưng Dư Phi biết, một số quy củ của Lê viên là không thể phá.
Muốn học hát hí khúc, phải học cách làm người trước tiên. Đã hạ lời thề, sao có thể nói phá là phá. Lời thề này cô đã giữ được hai năm tám tháng, thầy hướng dẫn tôn trọng cô, ở trường chưa từng bắt cô lên đài biểu diễn; đến cả người trong "Đỉnh thịnh Xuân Thu" cũng biết cô có lời thề này, không để cô phải mặc trang phục lên đài bao giờ.
Huống chi hiện giờ cô đã bái lão tiên sinh Vu phái làm thầy, dù có trở về Thiện Đăng Đĩnh hát hí khúc cũng không thể lấy thân phận truyền nhân của Thiện Đăng Đĩnh ra trận.
Dư Phi hít một hơi thật sâu, nói: "Chủ thuyền, cho tôi một tháng, để tôi suy nghĩ kỹ xem có cách nào không."
Chủ thuyền cũng không thể làm gì khác. Ông biết Dư Phi dù có quay lại hát, cũng không nói lên đài là lên đài ngay được, chọn vở diễn, luyện diễn, tập dượt, đấu loại, đều không phải chuyện chỉ vài ngày là xong. Ông mặt mày ủ dột, gật đầu, "Vậy tôi chờ tin của cô."
Tối đó, vì Nghê Lân ngừng diễn nên Thiện Đăng Đĩnh không mở cửa. Lầu hí kịch vắng ngắt, không có lấy một bóng người, cũng không thắp đèn.
Dư Phi cầm ngọn đèn bão ông già giúp việc đưa cho, bước vào.
Hơi thở đã lâu không gặp.
Là thứ mùi man mát tỏa ra từ gỗ đá, thấm đẫm từ tháng này qua năm khác. Dư Phi nhắm mắt lại, cảm giác được Thiện Đăng Đĩnh đang hít thở. Nó giống như một con thú khổng lồ già nua nằm sấp trên Phật Hải, bộ lông bết bát, gục trên thuyền đá, từ trong lỗ mũi khó khăn thở ra chút hơi thở dứt quãng.
Đêm nay đêm rằm, ánh trăng trong vắt từ cửa sổ rót xuống, dù không mở đèn nhưng trong lầu hí kịch vẫn có thể lờ mờ nhìn rõ.
Cô đi tới vị trí ghế dân ngay hàng đầu, ngay ngắn ngồi xuống.
Sân khấu cao cao tại thượng, khiến người ta bất giác dậy lên cảm giác tôn kính.
Hai câu đối trên đài vẫn không thay đổi, vẫn là:
Thế sự vốn chìm nổi, trông người lên đài làm rối, chẳng có gì ngoài giết chó phong hầu, mổ dê lập úy;
Núi sông cùng cổ xúy, mặc ngươi phong vân biến ảo, cũng chỉ là hạng phú quý thô thiển, bịp bợm a dua.
Giọng điệu mang theo khí khái như đã nhìn thấu hết ấm lạnh thế gian, hờ hững lạnh nhạt thờ ơ, như từ trên cao nhìn xuống mà khinh miệt.
Dư Phi ngồi trên ghế nhìn một lúc, đứng dậy, men theo thềm đá được người ta giẫm lên nhiều đến mức nhẵn bóng mà đi lên sân khấu.
Cô không sinh ra tại đây, nhưng lại ở nơi này là lâu nhất. Trọn mười sáu năm, mỗi ngày đều đối mặt với tòa lầu hí này.
Thế giới mà cô nhìn thấy cũng là tòa lầu hí này, cô từ chính tòa lầu hí này mà bước ra đời, nhận thức thế giới.
Cô vẫn luôn cảm thấy, lầu hí của kinh kịch, từ trước đã vậy, vốn nên như vậy, lẽ ra phải là vậy.
Cô cũng luôn cảm thấy, nơi cô nhìn ra thế giới, từ trước đã vậy, vốn nên như vậy, lẽ ra phải là vậy.
Đứng trên sân khấu, cô nhìn thẳng, thấy rõ hàng ghế quan ẩn hiện trên tầng hai ở phía đối diện.
Cúi đầu, ghế dân ở ngay dưới chân. Gót chân cô, vừa vặn ngang bằng với đỉnh đầu người xem ngồi ghế dân.
Cô sững sờ nhìn một lúc, chạy xuống sân khấu lên giữa hàng ghế quan ở tầng hai phía đối diện, ngồi xuống.
Vị trí ghế quan của Thiện Đăng Đĩnh không bán vé. Cô biết, đến cả rạp hát lớn như Mai Lan Phương cũng như vậy.
Suốt mười sáu năm, cô chưa từng ngồi trên ghế quan, cũng chưa từng có ý định ngồi ghế quan, bởi đó không phải là vị trí của cô. Dù đến Đại Ẩn Hí Lâu xem diễn, cô cũng vẫn ngồi ghế dân.
Lần này ngồi xuống đây, cô mới biết thế giới không còn giống trước nữa.
Trên sân khấu, sửu mạt sinh đán, gió sét gõ nhịp, mắt cô nhìn thẳng, đối diện với tầm mắt của người diễn. Mặt tươi như hoa, giận mắng vui cười đều thu hết vào mắt.
Xem từ đây mới thật sự là xem diễn.
Nếu chỉ ngồi mãi ở ghế dân, quen nhìn lên, sẽ cho rằng vở diễn trời sinh đã như vậy, vốn nên như vậy, lẽ ra phải là vậy.
Lại chưa từng ngờ được, đó đều là quy định mà người khác đặt ra.
Cô hát hí khúc cũng là như thế.
Trước đây trong mắt cô chỉ có Nghê Lân, chỉ một lòng đuổi theo bước chân của Nghê Lân. Thậm chí Nghê Lân thích mặc trường sam xanh nhạt, cô cũng học theo mặc trường sam xanh nhạt. Cô cho rằng cô không mặc giống những cô gái khác tức là phản nghịch, nhưng xét cho cùng thực chất cũng chỉ là a dua.
Trước đây ngài Lâu từng nói với cô, cô phải trở thành "Đông Hoàng". Miệng cô không đáp lại, nhưng trong đáy mắt chỉ còn đọng lại Mạnh Tiểu Đông, quyết lòng bước lên con đường "Đông Hoàng".
Cho tới giờ cô vẫn luôn ngồi trên ghế dân, đầu luôn kề dưới mắt cá chân người khác. Dù trời sinh phản nghịch, song xưa nay đều chưa từng hoài nghi; có náo loạn, cũng chỉ là con ruồi không đầu.
Cô chưa từng nghĩ đến, cả đời này, cô không cần phải nhìn lên.
Cô là chính cô.
Cô là Dư Phi.
Cô chính là Dư Phi, hai chữ Dư Phi này, không cần phải lấy "Đông Hoàng" làm định nghĩa.
Sư phụ Vu phái dạy cô vở "Đỉnh thinh Xuân Thu", từng chiêu từng thức đâu ra đấy, cô khắc khổ học tập. Nhưng, kiểu hát của sư phụ, thật sự hoàn toàn hợp với cô sao?
Kiểu hát của Vu phái luôn đè thấp hơi thở, giọng hát khi ra khỏi miệng vô cùng trầm hùng dày rộng, cô hát "Không thành kế" ở "Đại hội Không Hai", chính là đã gồng hết sức bắt chước kiểu hát này. Người thường nghe không ra, nhưng trong lòng cô rất rõ, giọng cô vẫn rất mỏng.
Kiểu hát này là do tổ sư lập phái của Vu phái nghĩ ra. Bậc thầy kinh kịch ấy, thuở thiếu thời gặp phải "vỡ giọng", từ đó về sau vẫn không thể khôi phục lại được. Nhưng chính ở hoàn cảnh khó khăn khi giọng nói không trong rõ đó mà ông khổ luyện được kiểu giọng "Mây che trăng", lúc đầu nghe còn khô khan, nhưng càng hát lại càng thuần khiết, càng để lại ấn tượng sâu sắc.
Mà ưu thế riêng biệt của cô, vừa vặn lại chính là ở chỗ giọng nói thanh sạch cứng cáp một cách tinh tế, tròn cung tròn điệu, hát cao khang (*) có lợi thế hơn diễn viên nam rất nhiều.
(*) Nguyên văn là 高腔, một trong bốn làn điệu lớn của hí khúc Trung Hoa, có nguồn gốc từ Dực Dương, Giang Tây, đặc điểm là phong cách biểu diễn mộc mạc, lời nhạc thông tục, sử dụng giọng hát cao vút lanh lảnh, một người lĩnh xướng cùng nhiều người khác hòa âm, chỉ dùng chiêng trống gõ nhịp, không đệm thêm đàn dây.
Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, trăng sáng tròn đầy treo giữa không trung vời vợi, sắc nước Phật Hải mênh mang. Lồng ngực cô khí tức cuồn cuộn, xông thẳng lên cuống họng, hé miệng, nhả ra một câu hát trong "Văn Chiêu Quan", âm sắc mạnh mẽ cực độ...
"Một vầng...trăng sáng...soi...ngoài song..."
***
Sau khi trở về, Dư Phi lần lượt thăm hỏi thầy hướng dẫn, sư phụ Vu phái và Nam Hoài Sinh, cùng họ tham thảo cách cứu giúp và bảo tồn di sản văn hóa của Thiện Đăng Đĩnh.
Giữa tháng Mười một, Dư Phi nhận được một cuộc điện thoại của ngài Lâu. Sắp đến đại thọ tám mươi của mẹ ngài Lâu, y muốn mời cô đến diễn một màn kịch tặng mẹ. Ngài Lâu vô cùng khách khí, nói là cô cũng không nhất thiết phải đi, nhưng lại đặc biệt nhấn mạnh rằng, mẹ y rất thích nghe "Đế nữ hoa", bình thường cũng hay nghe y nhắc đến tên cô nên rất muốn nghe cô hát một lần.
Dư Phi nghĩ, thầy hướng dẫn chịu nhận cô, cô có thể có cơ hội chạm tới "Đỉnh thịnh Xuân Thu", chỉ sợ ít nhiều đều là nhờ ngài Lâu giúp đỡ, cô phải trực tiếp gặp mặt hỏi cho rõ, ngỏ lời cảm ơn y. Ngoài ra, quan trọng hơn là, cô cũng hi vọng ngài Lâu có thể như ước định trước đây, vươn tay viện trợ cho Thiện Đăng Đĩnh.
Cô bèn nhận lời. Ngài Lâu bảo thư kí sắp xếp vé đi và nơi ở cho cô, ngài Lâu còn muốn kêu thư kí chuẩn bị trang phục dạ hội cho cô, bị cô khéo léo từ chối.
Mẹ ngài Lâu ở thành phố Z, ngay cạnh thành phố Y, đều là hai thành phố trong cùng một tỉnh.
Cô phải trang điểm, tới hơi muộn. Bữa tiệc sinh nhật này được tổ chức ở một phòng tiệc lớn kiểu Trung Quốc, bày trí xa hoa, thậm chí còn có cả một dàn nhạc giao hưởng chơi nhạc sống tại chỗ.
Dư Phi nhìn ra được, bữa tiệc trên danh nghĩa là tiệc sinh nhật này, trên thực tế là một buổi tiệc rượu xã giao. Người tham gia tiệc muôn hình muôn vẻ, náo nhiệt vô cùng.
Ngài Lâu ngồi cùng mẹ ở vị trí tốt nhất, ngay trước sân khấu. Cô muốn qua đó, phải đi qua rất nhiều bàn tiệc.
Trong huyên náo yến tiệc linh đình, đầu người nhốn nháo, cô bất ngờ trông thấy Bạch Phỉ Lệ.
Ở "Đại hội Không Hai" lần trước, Bạch Phỉ Lệ tổng kết xong thì xuống đài. Anh không có ý định gặp riêng cô, đợi đến khi cô quay lại hậu trường rồi thì anh đã viết xong cảm nghĩ sau khi tham dự chương trình, cùng Quan Cửu rời đi.
Cô không ngờ rằng lại thấy anh ở chỗ này. Song cô nhớ tới lần trước lúc đi ăn cơm với ngài Lâu bắt gặp Bạch Phỉ Lệ, anh đã mở miệng gọi thẳng tên ngài Lâu. Ở "Đại hội Không Hai", anh còn hỏi cô "Nghệ thuật có cần cung dưỡng hay không?", hiển nhiên, anh có quen biết với ngài Lâu, hơn nữa ngày ấy cô đi ăn cùng ngài Lâu, anh còn ngồi cách đó rất gần.
Cô lại nhớ tới khoảng thời gian gặp lại Bạch Phỉ Lệ ở Bắc Kinh, Bạch Phỉ Lệ bị ba dẫn theo tham gia một hội nghị thượng đỉnh, ngài Lâu khi đó cũng tới Bắc Kinh. Nhà họ Bạch và ngài Lâu trên thương trường chỉ sợ là có qua lại với nhau.
Cô vừa chậm rãi đi về phía trước, vừa chăm chú nhìn Bạch Phỉ Lệ từ xa.
Anh mặc một bộ trang phục doanh nhân đẹp đẽ vừa người, nhìn rất ra dáng một quý công tử nhanh nhẹn. Nhưng cách anh cầm ly, nói chuyện cùng những người khác, mời rượu rót rượu, uống rượu tránh rượu thì lại vô cùng lão luyện ung dung. Lúc anh trò chuyện với người khác luôn mang theo một nụ cười thuần thục, nhưng lúc đứng một mình thì hai hàng lông mày lại nhíu chặt, nặng nề tư lự.
Ánh mắt Dư Phi có chút không dời khỏi anh được, ngài Lâu trông thấy cô trước, nhiệt tình đi qua dẫn cô vào chỗ ngồi. Y giới thiệu Dư Phi với mẹ mình, lại bảo con gái tiếp đãi Dư Phi ăn cơm.
Tiệc rượu được quá nửa, thủ tục chúc thọ xong xuôi, Dư Phi tìm được cơ hội mời rượu ngài Lâu, uống xong, cô vốn đang định mở miệng hỏi ngài Lâu chút chuyện, ngài Lâu lại dẫn cô tới một bàn khác, nói là muốn giới thiệu cô gặp mặt vài người.
"Đều là những người có tiếng trong giới kinh kịch cả." Ngài Lâu nói, "Chuyện lần trước nhận lời em giúp đỡ Thiện Đăng Đĩnh, tôi đã kéo cả bọn họ tới cùng nhau ra sức. Em qua kính rượu họ, biểu hiện một chút."
Dư Phi theo lời đi qua mời rượu, những người đó đối với cô cũng rất nhiệt tình, thấy ngài Lâu dẫn cô qua, lập tức nhao nhao nâng ly đứng lên, mặt mày hồ hởi.
Nhưng lúc Dư Phi nói muốn kính rượu chung, những người này lại không ưng thuận.
"Đại mỹ nữ à, muốn kính rượu thì phải kính từng người một, nào ai lại kính chung bao giờ?" Họ nói tiếng phổ thông, nghe ra đều là người phương Bắc, bảo sao nghe kinh kịch.
Dư Phi biết mình là loại say rượu loạn trí, lại chỉ có một thân một mình ở thành phố Z, vậy nên lưỡng lự không dám uống. Nhìn sang ngài Lâu cầu cứu, ngài Lâu lại cười ha hả một tiếng: "Những người này béo bở lắm đó, em uống với họ vài ly, nạo mấy lớp về đi."
Cô có ý muốn từ chối, những người đó lại không tha: "Thế này đi, cô uống với một người trong số chúng tôi uống một ly, người đó sẽ quyên năm mươi vạn cho Thiện Đăng Đĩnh, được không?"
Dư Phi thấy thực sự không thể thoát thân, đành cắn răng nói: "Năm mươi vạn quá ít, một trăm vạn thì tôi uống."
Cô cứ tưởng hét một cái giá cao như vậy sẽ có người chùn bước, ai ngờ những người này trái lại lại càng thêm hưng phấn, lớn tiếng hô: "Được!"
Dư Phi đâm lao phải theo lao. Cô bụng bảo dạ, uống được bao nhiêu thì uống bấy nhiêu vậy, chưa chắc đã phải uống hết với cả đám. Ly rượu kia cũng không lớn, chỉ chừng đầu ngón tay, cô uống một ly rồi mới biết độ rượu không thấp, vào miệng tuy không cay nhưng uống xong lại như có một dòng nước nóng rót vào người.
Uống được ba ly, cô biết mình sắp đến giới hạn tới nơi rồi. Hôm nay vượt qua giới hạn này, sau đó sẽ xảy ra chuyện gì, cô không thể lường được.
Cô nói không uống nữa không uống nữa, muốn rời đi, không ngờ những người đó lại kéo tay không chịu thả cho cô đi!
"Ấy ấy ấy, sao có thể nhất bên trọng nhất bên khinh thế được?" Một người trên mặt ửng đỏ, vỗ vỗ túi quần mình nói, "Tiền trên người anh đây đang hò hét muốn dâng cho tiểu mỹ nhân đấy, em sao có thể nói không uống là không uống vậy chứ?"
"Đúng vậy, dựa vào đâu mà chỉ uống với ba người kia mà không uống với bọn anh? Có phải là đang khinh thường bọn anh không vậy, người đẹp?"
Những người này tung hứng một hồi, nhao nhao hỗn loạn, không biết là ai rót đầy rượu vào cái ly trong tay cô, rồi lại nắm lấy tay cô kiên quyết ấn ly rượu tới môi cô.
Dư Phi giãy giụa muốn lùi ra, phía sau lại bị người khác chặn lại. Lúc này cô mới bắt đầu cảm thấy khủng hoảng, mắt thấy rượu đã chạm môi, cô không dám mở miệng ra nói, mím chặt môi không chịu uống.
Đương lúc đang nghĩ có nên phản kháng tự vệ hay không, một bàn tay trắng nõn thon dài chợt vươn tới từ phía sau cô, lặng lẽ nhưng kiên định rút ly rượu ra khỏi tay cô.
Cô cảm thấy lực đạo áp trên người buông xuống. Những người đó đều yên tĩnh lại.
Cô nghe thấy tiếng Bạch Phỉ Lệ ở sau lưng cô nhàn nhạt nói: "Tôi uống cùng các người, gấp đôi."
Những người đó nhìn nhau, do dự một chút, một trong số họ nói: "Sao có thể chứ, ai mà chẳng biết Bạch công tử cậu ngàn chén không say? Chút rượu này nhằm nhò gì với cậu?"
"Không được không được, Dư đại mỹ nữ, rượu này nhất định phải uống. Đám chúng tôi, huynh đệ đồng tâm, phải quyên bao nhiêu sẽ ra tay bấy nhiêu, không thiếu một đồng!"
"Đúng!" Những người khác hô lên ứng lời.
Dư Phi chưa từng ứng phó với tình huống thế này, nhất thời không biết nên trở mặt với đám người này hay là khom lưng hầu theo. Lúc này, chỉ thấy Bạch Phỉ Lệ bước lên, đi ra phía trước cô. Anh tỏ ra đã hơi say, hơi rượu bốc lên, kéo lỏng cổ áo vốn cài kín.
Anh hơi nghiêng người về phía trước, hai tay chợt nặng nề vỗ mạnh lên bàn rượu, tất cả ly rượu đều bị chấn động bay lên.
Anh ngẩng đầu, giọng nói vẫn thanh sạch trong trẻo như thường ngày, đôi mắt đẹp hiện lên chút ửng đỏ dữ tợn trước nay chưa từng thấy.
"Đã vậy, tối nay người nào còn bắt cô ấy uống thêm một ly, chính là gây khó dễ với Bạch Phỉ Lệ tôi."
Khoảnh khắc đó, phòng tiệc đang bừng bừng huyên náo, bỗng chốc xuất hiện một cảm giác yên lặng khác thường, chỉ còn lại tiếng nhạc nền êm ái hài hòa của dàn giao hưởng.
Ánh mắt mọi người đều bắn về phía bàn này.
Ngài Lâu khẽ nâng ly, cười nói với mọi người: "Không có gì đâu, mọi người uống tiếp đi!"
Phòng tiệc lại khôi phục lại vẻ huyên náo.
Khóe miệng của một người trong đám người kia gợi lên vẻ trào phúng, nói: "Cậu Bạch, cậu và Dư đại mỹ nữ đây có quan hệ gì vậy?"
Bạch Phỉ Lệ lãnh đạm nói: "Không có quan hệ."
"Không có quan hệ? Tức là cậu Bạch là đang gặp chuyện bất bình nên bước ra làm anh hùng cứu mỹ nhân?" Người nọ càng không nể nang gì, "Bạch Phỉ Lệ, chính cậu bây giờ cũng đang là bồ tát bùn sang sông, còn rảnh tay mà giúp người khác cơ à?"
Dư Phi nghe vậy mà cả kinh, bồ tát bùn sang sông, tự thân khó bảo toàn? Bạch Phỉ Lệ sao lại thành bồ tát bùn thế này?
Cô nhìn về phía Bạch Phỉ Lệ, Bạch Phỉ Lệ vẫn đang hằm hằm nhìn đám người kia, khuôn mặt thanh tú nhường vậy mà lại không thể nhìn thẳng.
Trái tim cô run lên.
Ngài Lâu nhìn hai người họ, cười cười, xóa tan bầu không khí giương cung bạt kiếm: "Bạch Phỉ Lệ, đừng coi là thật. Họ cũng chỉ đùa với Dư Phi đôi chút thôi, sao có thể thật sự bắt ép cô ấy chứ? Dư Phi là trò yêu của lão tiên sinh Nam Hoài Minh, xảy ra chuyện, tôi biết phải ăn nói thế nào với Nam lão tiên sinh?"
Bạch Phỉ Lệ lạnh lùng đảo mắt qua tất cả những người trên bàn, cầm khăn lau sạch tay, từ từ đứng thẳng dậy.
Ngài Lâu dùng tư thái trưởng bối vỗ vỗ lưng Bạch Phỉ Lệ, nói: "Nào, tới chỗ bàn tôi ngồi chút đi, tôi đưa cậu tới làm quen với mẹ tôi. Dư Phi, em cũng qua đây đi."
Y quay đầu lại cười với đám người bàn kia, nói: "Mấy người các anh, nói lời giữ lời, đã nhận lời quyên tiền cho người ta rồi, mai phải chuyển khoản ngay đi đấy."
Trên đường đi, ngài Lâu thấy Dư Phi ủ rũ không vui, bèn nói: "Dư Phi, nếu em đã vào "Đỉnh thịnh Xuân Thu" rồi thì thân phận trong giới sẽ không thể sánh với trước đây nữa. Những tình huống xã giao thế này, về sau còn phải gặp nhiều. Hôm nay tôi cho em trải nghiệm một phen, cũng là muốn tốt cho em. Bây giờ còn có tôi hộ tống, sau này chưa chắc đã có đâu."
Dư Phi nhìn ngài Lâu, khóe mắt lại liếc qua Bạch Phỉ Lệ đang hờ hững nhìn về hướng khác.
Dư Phi im lặng không hé răng. Cô nhớ cuối năm kia gặp ngài Lâu ở Văn Thù Viện, lúc ăn cơm ngài Lâu đã hỏi cô: "Dư Phi có thể uống được nhiêu?", lúc đó cô đã nói cho y biết, tửu lượng của cô không tốt lắm, uống nhiều sẽ gục.
Ngài Lâu là một người đặc biệt có lòng, những chuyện nhỏ nhặt rất lâu trước kia, y đều có thể nhớ rất rõ.
Y lại không biết cô không thể uống rượu ư? Y không biết cô uống nhiều sẽ xảy ra chuyện sao?
Nhưng lời y vừa mới nói, lại hết sức đường hoàng.
Trước khi tới thành phố Z gặp ngài Lâu, cô đã tìm chủ thuyền Thiện Đăng Đĩnh nói qua chuyện này. Đây là lần đầu tiên cô nhận được lời mời diễn bên ngoài thế này, nguyên nhân nhận lời lại có liên quan tới Thiện Đăng Đĩnh, cô không nói rõ với sư phụ Vu phái và Nam Hoài Minh, chỉ thỉnh giáo chủ thuyền xem cần phải chú ý những gì.
Chủ thuyền nói với cô, Lâu Thích Đường là một người có quan hệ với chính phủ, bảo cô ngoan ngoãn một chút, đừng đắc tội với y. Ngoài ra, chuyện trên bàn rượu, chỉ sợ không tránh được. Cô nếu không uống được thì giả bộ làm nũng, đám đàn ông kia rất thích trêu chọc con gái, chấm mút chút ngon ngọt ngoài miệng, nhưng chỉ cần có ngài Lâu ở đó, họ sẽ không dám giọng khách át giọng chủ.
Lúc chủ thuyền nói những lời này, thỉnh thoảng lại thở dài một hơi, vừa có ý cảm kích cô, lại vừa có ý lo lắng cho cô.
Dư Phi đột nhiên ý thức được, dù trong quá khức chủ thuyền từng thầm muốn cô làm nền lá xanh, nhưng cũng bảo vệ cô một cách vô hình.
Trong ký ức của cô cũng không thiếu những chuyện thế này, nhưng đều là Nghê Lân tự mình ra ngoài xã giao, đa số đều là say khướt trở về, tự khóa mình trong phòng, không cho bất kỳ ai vào.
Từ năm Quang Tự thứ ba mươi mốt, cũng chính là năm 1905 thành lập Thiện Đăng Đĩnh, cho đến năm 2008 khánh thành rạp hát Mai Lan Phương, trước sau một trăm năm, từ ghế quan đến ghế dân, có gì thay đổi sao?
Một trăm năm trôi qua, đất nước này thay đổi nghiêng trời lệch đất, từ cận đại đến hiện đại, thời đại đã biến hóa đến vật đổi sao dời.
Vậy nhưng vẫn luôn có chút gì đó không đổi, cũng không thể thay đổi.
Lúc chủ thuyền nói với cô thân phận thật của ngài Lâu, cô đã hiểu vì sao ngài Lâu lại mưu cầu cô.
Đối với ngài Lâu mà nói, cô sẽ là một công cụ tuyệt hảo móc nối với xã hội thượng lưu, vậy nên y một mực bồi dưỡng cô.
Cô biết đó là sự thật, cũng là hiện thực, cô đã bước lên đó thì không thể không biết nó tàn khốc đến đâu. Nhưng vì ơn dưỡng dục che chở cô mười sáu năm của Thiện Đăng Đĩnh, cô có thể nhịn được chút chuyện này.
Nhưng ban nãy, bắt đầu từ ly thứ tư, cô đã không thể không mơ hồ hoài nghi ngài Lâu còn có mưu cầu gì khác nữa với cô.
Nếu không phải Bạch Phỉ Lệ ra mặt, cô không biết mình hiện giờ sẽ ra làm sao. Cô không dám tưởng tượng.
Trong mắt ngài Lâu vẫn là sóng êm bể lặng, không nhìn ra được điều gì. Dư Phi thu lại ánh mắt, giấu suy tư xuống đáy lòng.
Dư Phi và Bạch Phỉ Lệ cùng ngồi xuống bàn chủ nhà. Ngài Lâu giới thiện Bạch Phỉ Lệ với cụ nhà mình: "Cậu bé này chính là người con kể với mẹ trước đó, con trai cả của Bạch Cư Uyên, Bạch Phỉ Lệ."
Bà cụ nâng kính lão lên tỉ mỉ quan sát Bạch Phỉ Lệ: "Ui da, mụi đài co chẩy lah (đã lớn thế này rồi),sanh kẹ hẩu leng chẩy bo (đẹp trai quá),chung leng chẩy quo a pá (dáng dấp còn được hơn ba nó nữa),bất quo tâu hầy chỉ a ma to đi (giống má hơn đó nhỉ)."
Lúc nhắc tới mẹ anh, Dư Phi thấy thân thể Bạch Phỉ Lệ bất giác run lên một cái.
Trước đó Dư Phi đã nghe ông bà ngoại anh nói, mẹ Bạch Phỉ Lệ qua đời năm anh lên bảy. Sự ra đi của mẹ tạo thành chút tổn thương tinh thần cho anh, anh đặc biệt sợ nghe nhắc tới hay nhìn thấy mẹ mình, vậy nên trong nhà ngoại không có bất kỳ tấm ảnh nào của mẹ anh."
May mà bà cụ cũng không nhắc đến mẹ anh nữa.
Trò chuyện thêm đôi câu, bà cụ nói muốn nghe Dư Phi hát hí khúc.
Dư Phi giờ chỉ muốn mau mau hát cho xong việc, liền hỏi bà cụ muốn nghe bài gì, bà cụ ở Lĩnh Nam đã lâu, chỉ nghe việt kịch, quả nhiên chọn khúc "Hương yểu".
Dư Phi nói "được ạ", lập tức đứng dậy định lên đài hát, ngài Lâu gọi cô lại, hỏi: ""Hương yểu" là nam nữ hát đối, một mình em hát thôi à?"
Dư Phi đáp: "Giọng nam giọng nữ em đều hát được ạ."
Ngài Lâu mỉm cười: "Chẳng có tinh thần gì cả. Để tôi tìm cho em một người hợp tác."
Dư Phi đang ngờ vực không biết y muốn tìm ai thì thấy y nói với Bạch Phỉ Lệ: "Nghe mẹ kế cậu nói, khi còn bé cậu từng học việt kịch. Hay là cậu cùng Dư Phi hát cho chúng tôi nghe một bài đi?"
Dư Phi ngẩn ra, Bạch Phỉ Lệ nói: "Quên cách hát lâu rồi."
Ngài Lâu cười đến buông thả: "Sao quên được chứ, tôi nghe nói bản lĩnh này là thâm căn cố đế, giống như khi cậu khi còn bé biết lẫy vậy, mười mấy năm không luyện, đến khi lớn lên vẫn biết trở mình thế nào."
Dư Phi nhìn ra được vẻ chán ghét hiện rõ trên nét mặt Bạch Phỉ Lệ. Tình huống này, cô vốn là diễn viên, ra mặt diễn một bài cũng chẳng làm sao, nhưng Bạch Phỉ Lệ thì không phải, thế này chẳng khác gì yến tiệc Mãnh Trì, Tần vương bức Triệu vương đệm gảy đàn sắt lấy làm vui, là một sự sỉ nhục.
Dư Phi bèn nói: "Bài "Hương yểu" này, kể về chuyện hai vợ chồng cùng nhau tự tử, hát trên tiệc mừng thọ của cụ nhà thế này, có phải là có chút không may mắn không? Để em đổi bài khác đi."
Ngài Lâu khoát tay nói: "Nhà họ Lâu chúng tôi không kiêng kỵ nhiều như vậy. Em không biết đấy thôi, cụ nhà tôi khi còn trẻ, thích nhất là Nhậm Kiếm Huy, thích nghe nhất cũng chính là "Hương yểu" của Nhậm Bạch (*). Nếu em tới đây rồi mà lại không hát "Hương yểu" thì còn có ý nghĩa chúc thọ cụ nhà tôi gì nữa?"
(*) Nhậm Kiếm Huy (1913 – 1989),vốn tên là Nhậm Lệ Sơ, còn có tên khác là Nhậm Uyển Nghi, là một nữ diễn viên trứ danh giới việt kịch, nổi tiếng với các vai văn võ sinh (vai nam văn võ song toàn). Nhậm Bạch là chỉ Nhậm Kiếm Huy và Bạch Tuyết Tiên, diễn viên hát đối với Nhậm Kiếm Huy trong Đế nữ hoa.
Dư Phi còn muốn thuyết phục y, y đã mở lời với Bạch Phỉ Lệ: "Dạo này cậu tới tìm tôi nhiều như vậy, tôi vẫn chưa quyết định. Hôm nay cậu hát cho cụ nhà tôi nghe một bài, cụ nhà tôi nghe thấy vui, chúng ta cái gì cũng dễ nói, cùng ngồi xuống bàn cho xong chuyện này, được không?" Trên mặt y là nụ cười đầy gió xuân, mặt hướng về phía Bạch Phỉ Lệ mà nói, năm ngón tay trái từng ngón từng ngón gõ nhẹ lên mặt bàn, ra vẻ đã có dự tính.
Bạch Phỉ Lệ chần chừ.
Dư Phi cau mày nhìn anh, nắm tay ướt mồ hôi. Cô đối với chuyện mua bán dốt đặc cán mai, nhưng từ lời nói vừa rồi của ngài Lâu, cô cũng có thể nghe ra được rằng Bạch Phỉ Lệ tới buổi dạ tiệc hôm nay, là muốn cầu cạnh ngài Lâu.
Ngài Lâu muốn làm một vụ trao đổi với anh.
Trong phòng tiệc rõ ràng rất ồn ào huyên náo, nhưng Dư Phi lại cảm thấy yên lặng dị thường, bên tai chỉ nghe thấy tiếng năm ngón tay của ngài Lâu gõ từng cái lên mặt bàn.
Ngài Lâu gõ tới lần thứ mười, Bạch Phỉ Lệ ngước lên. Anh không nhìn Dư Phi, sượt thẳng qua người cô, đi lên sân khấu,
Dư Phi vội vàng bước lên đuổi theo. Cô gọi anh: "Bạch Phỉ Lệ, hát như lần trước hát cùng nhau, được không?"
Bạch Phỉ Lệ không phản ứng gì với cô.
Ngài Lâu hướng lên đài ra dấu một cái, ý bảo dàn nhạc lui xuống, nhường sân khấu cho ban nhạc việt kịch chuyên nghiệp đi lên.
Dư Phi và ban nhạc trao đổi ngắn gọn với nhau rồi đi qua đứng trước hai cây mic đứng đặt giữa đài. Bạch Phỉ Lệ đã đứng sẵn ở đó, hai mắt nhìn về phía trước, không chút biểu cảm, không nhìn cô, cũng không nói chuyện với cô.
Cả căn phòng an tĩnh lại. Đây là khúc hát chúc thọ cho bà cụ, sẽ không ai để mất lễ nghĩa mà ồn ào lắm mồm trong trường hợp này.
Dư Phi ra dấu "bắt đầu" với ban nhạc, dùng giọng nữ việt kịch nói lối:
"Rừng thẳm ngoài cung...có...đôi cây kỳ diệu."
Nhưng không đợi Bạch Phỉ Lệ mở miệng, ngài Lâu đã hô lên một tiếng: "Dừng lại!"
Dư Phi không hiểu ra sao, nhìn ngài Lâu.
Ngài Lâu cầm mic, nói: "Ngược rồi."
Dư Phi hỏi: "Ngược gì ạ?"
Ngài Lâu nói: "Em là khôn sinh, vốn hát vai lão sinh mà lên, tất nhiên là phải hát vai phò mã."
Dư Phi hơi đắn đo, nói: "Em hát được cả mà."
Ngài Lâu nói: "Cụ nhà tôi thích nhất Nhậm Kiếm Huy, vậy nên tôi mới mời em tới hát "Hương yểu", nếu em không hát vai phò mã thì còn ý nghĩa gì nữa?"
Ngài Lâu không nói với Bạch Phỉ Lệ chữ nào.
Nhưng trên sân khấu lúc này, ngoài Dư Phi thì chỉ có Bạch Phỉ Lệ, ngoài Bạch Phỉ Lệ thì cũng chỉ có Dư Phi. Ngài Lâu tuy không chữ nào đề cập tới Bạch Phỉ Lệ, nhưng cũng chẳng khác nào mỗi chữ đều nhắm vào anh, thậm chí có thể nói, Bạch Phỉ Lệ mới là mục tiêu thực sự của y!
Dư Phi đến lúc này mới ý thức được lòng người hung hiểm.
Cũng chỉ vì Bạch Phỉ Lệ giải vây cho cô nên ngài Lâu muốn giày vò Bạch Phỉ Lệ như vậy sao?
Cô vốn tưởng bắt Bạch Phỉ Lệ lên hát "Hương yểu" đã là sỉ nhục bắt Triệu vương tấu đàn rồi, không ngờ sỉ nhục thực sự còn ở phía sau.
Y muốn Bạch Phỉ Lệ hát vai nữ trước mặt mọi người.
Từng chút, từng chút một, lòng dạ Dư Phi dần lạnh xuống.
Nếu Bạch Phỉ Lệ là Triệu vương, vậy cô không phải chính là Lận Tương Như máu phun năm bước sao?
Trước ánh nhìn chằm chằm của tất cả mọi người, cô tắt mic, xoay người rời đi.
Cổ tay chợt bị nắm chặt, cô bị Bạch phỉ Lệ nặng nề kéo trở lại trước mic.
Trong mắt cô ngập đầy kinh ngạc, đấu lại với mắt Bạch Phỉ Lệ.
Một đôi mắt long lanh xuân thủy, lại như căm như hận, khóe mắt đỏ tươi, lại hàm chứa rễ tình đâm sâu.
Anh vừa như cười vừa như chế nhạo, lại vừa như thật như đùa, nói:
"Hát thì hát, tôi sợ chắc?"
Tôi sợ chắc. Tôi chưa từng sợ.
Lại một lần nữa, anh nặng nề gõ vào tim cô.
Bạch Phỉ Lệ không nói thêm gì nữa, hát thì hát.
Anh hỏi ban nhạc lấy một bộ trang phục hí kịch. Ngài Lâu sớm có ý định để Dư Phi hóa trang rồi lên hát, nhưng sau khi Dư Phi nói với y cô có lời thề không được hóa trang lên sân khấu, ngài Lâu bèn cho qua.
Dư Phi nhìn Bạch Phỉ Lệ phủ bộ áo bào đỏ thắm lên người, hạ giọng hỏi: "Sao lại phải mặc?"
Bạch Phỉ Lệ cúi đầu vén tay áo thủy tụ dài thượt, để lộ ra đôi bàn tay, nói: "Chuyện cả đời chỉ làm một lần, đương nhiên là phải làm cho tử tế."
Trang phục anh mặc trước đó quá hiện đại, phủ thêm bộ áo bào hí phục đỏ thắm này vào rồi, quả nhiên nhìn thuận mắt hơn rất nhiều.
Ngày thường mặt mũi anh vốn mềm mại tú lệ, xinh đẹp trong trẻo như con gái, bởi khí chất nhãn thần vẫn mang vẻ nam tính nên mới không khiến người ta cảm thấy anh nữ tính.
Nhưng lúc này khoác bộ trang phục đỏ thẫm, anh như biến thành một người khác.
Cảm giác này hoàn toàn khác với việc Nghê Lân hóa trang đóng vai đán. Càn đán của Nghê Lân là dựa vào lớp hóa trang dày đặc tinh xảo để diễn, nhưng khi y rời khỏi hí đài, dù vẫn mang trên mình hóa trang của vai đán, song cô vẫn có thể nhìn ra được, y là Nghê Lân, là sư thúc của cô.
Bạch Phỉ Lệ lúc này không hóa trang, thậm chí lúc lên sân khấu "Đại hội Không Hai", anh cũng không hóa trang lệch hẳn kiểu nữ tính, càng không ra vẻ điệu bộ gì. Nhưng anh lại có thể đem đến một cảm giác, anh hiện đang hóa thân vào vai Trường Bình công chúa.
Thiên nhiên diệu mục, chính đại tiên dung.
Dư Phi bỗng chốc hiểu ra ý định của Bạch Phỉ Lệ, không nhiều lời, cũng cầm bộ hồng bào của phò mã khoác lên người, lại lấy dây buộc cao mái tóc dài lên. Ánh mắt cô thay đổi, bỏ phức tạp lấy tinh giản, giữa hai hàng lông mày hiện ra vẻ non nước như hoạ.
Bạch Phỉ Lệ khẽ ngẩng đầu, không dùng sức. Đèn đuốc trong phòng tiệc tối lại, ánh đèn tụ lại trên người hai người. Bạch Phỉ Lệ giương mắt, ánh mắt chậm rãi lướt một vòng bên trên, nhẹ nhàng nói lối:
"Rừng thẳm ngoài cung...có...đôi cây kỳ diệu."
Dư Phi biết anh có thể dùng giọng nữ, nhưng khi giọng nói này phát ra, tựa tiếng chim phượng ca hót, nghe tận tai rốt cuộc vẫn khác so với nghe online, khiến cô cũng như khán giả đều phải choáng ngợp.
Giọng anh vốn thanh sạch như tiếng gõ đá, nếu như lần trước hát vai phò mã Chu Thế Hiển, anh đè thấp giọng thành kiểu trầm thấp dày rộng, ít nhiều có chút phải gắng hết sức, thì lúc này đây, triệt để thả phóng, nghe càng thêm tự nhiên.
Dư Phi hát giọng nam, lại càng tự nhiên hơn, tùy ý mà hát, lão luyện thành thạo. Câu "Châu ngọc chói lòa hoa thất sắc" bay ra, trầm bổng du dương, thâm sâu trầm hùng.
Người ngồi dưới sao có thể ngờ được hai người này sắm vai mà hát, giả phượng giả hoàng, âm dương điên đảo, thế mà lại tự nhiên nhường này? Sao có thể ngờ được Phò mã Chu Thế Hiển này lại có vẻ phong lưu tuấn tú mà nam diễn viên thông thường không có, mà công chúa Trường Bình lại ngoài thân thanh khiết trong xương quyến rũ mà các nữ diễn viên bình thường không có được như thế?
"Càn đán khôn sinh", vốn là một kiểu sắm vai đặc biệt của hí khúc Trung Hoa, mang vẻ đẹp đặc biệt của phương Đông. "Tứ đại danh đán" Mai, Trình, Thượng, Tuân của kinh kịch, có vai đán nào mà không phải là càn đán? Việt kịch và những gánh hát toàn nữ của việt kịch, có vai sinh nào mà không phải là khôn sinh? Chỉ là vì tai kiếp mười năm (*),nữ không thể diễn nam, nam không thể diễn nữ mà đến nay, càn đán khôn sinh mới hiếm gặp trên vũ đài.
(*) Ý chỉ Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976 do Mao Trạch Đông khởi xướng, gây ra rất nhiều tổn hại nặng nề cho Trung Quốc.
Nhưng vẻ đẹp của nghệ thuật sẽ không bao giờ biến mất.
Vẻ đẹp này, khi đến một trình độ nhất định, mọi người sẽ đặng chim quên ná, quên đi bản thân diễn viên.
Bạch Phỉ Lệ hát: "Hoa rơi ngập trời khuất bóng nguyệt. Mượn một chén đầy kính phượng đài" Giọng hát đột nhiên cất lên, dường như hết thảy xung quanh đều nặng trịch ô trọc, duy chỉ có tiếng hát này là thoát ly bụi bặm, vang vọng nội lực, xé rách tầng không. Chữ "hoa" phát ra, bịn rịn quyến luyến, âm rung nhè nhẹ, cuối cùng ý tỏ khó dằn, trăng thanh khó gặp, ráng chiều dễ tan.
Dư Phi si mê ngắm nhìn Bạch Phỉ Lệ.
Đây hoàn toàn là một Bạch Phỉ Lệ mà cô chưa từng quen biết. Cô biết anh hai năm rưỡi, khoảng thời gian thân mật nhất là nửa năm, nhưng cô càng ngày càng nhận ra, cô hoàn toàn không hiểu gì về anh.
Trước đây anh rất kiềm chế, thận trọng, ngượng ngùng với cô, lễ độ khuôn phép, tiến thoái chừng mực, cùng lắm chỉ khi ở trên giường, trong bóng đêm, anh mới nhiệt tình làm càn với cô.
Nhưng giờ cô mới phát hiện ra, trong nội tâm của anh là cả một vương quốc, một chốn bồng lai, một ân điển kỳ dị.
Thế giới ấy từng như một đóa hồng thẹn thùng hé nở với cô, cô lại làm như không thấy.
Thế giới đó của anh rất mỏng manh, như cái tên của anh vậy, phỉ thúy linh lung trong suốt, mỏng manh mà mỹ lệ.
Anh lại hát: "Chỉ mong thắp hoa chúc cùng nhau tóc bạc, ai nguyện lòng hoa chúc nhuốm máu tanh?" hai tay khẽ hất thủy tụ, từng cái, từng cái, cúi đầu thở dài: "Ôi... Ta lỡ lầm khiến chàng phải chôn thân theo trong nghiệt cảnh."
Phía dưới có người rơm rớm nước mắt.
Lòng Dư Phi cũng buồn bã theo. Vật đổi sao dời, hôm nay cô và Bạch Phỉ Lệ lại một nữa hát "Hương yểu", một lần kia ở nhà hàng Vinh Hoa sớm đã không thể sánh nổi.
Cô khi ấy thiếu thốn hi vọng, nhưng lúc thấy anh lại dấy lên một niềm vui nho nhỏ, lòng dạ thuần khiết, lúc hát vai công chúa còn có chút thăm dò, nhuốm chút ngọt ngào, khe khẽ thẹn thùng, nỗi bi phẫn nước mất nhà tan chân chính, nỗi yêu hận ngấm ngầm khắc cốt ghi tâm, sinh tử quyết tuyệt không hối hận, hoàn toàn không hát ra được một phần vạn.
Nhớ về lần đó, lại nghĩ tới giờ này, tình cảnh này, tình triều cuộn trào mãnh liệt, rốt cuộc cũng phá tan được tầng mê chướng khiến cô nhìn không rõ đoán không ra kia.
Nghĩ đến phò mã Chu Thế Hiển, tiến không thể chống được giặc ngoài như Viên Sùng Hoán, lui không thể phụ tá ấu quân như Sử Khả Pháp, trung không thể giết chết mười tộc như Phương Hiếu Nhũ, nghịch không thể cúi đầu bái thanh đình như Hồng Thừa Trù. Lòng chứa ngàn sợi tình, tay không chút quân lực.
Bất đắc dĩ của đời người, cùng lắm cũng chỉ đến thế mà thôi.
Nhưng chống lại số mệnh, có phải chết cũng không hối hận.
Dư Phi cười khổ, vẻ mặt tươi tắn, cất giọng sáng sủa hát: "Lấy rèm liễu làm trướng phù dung..." Tay phải cầm lấy ngọn nến bên chân lên, tay trái nhẹ nhàng cách quần áo nắm lấy cổ tay Bạch Phỉ Lệ, cầm ngọn nến soi lên mặt anh, trong lòng nhu tình như nước, nơi tay chạm vào có chút cứng lạnh, lại khiến lòng cô rộn ràng. Cô hát: "Phò mã Minh triều ngắm tân nương, nửa đêm khêu đèn, có lòng trộm ngó dung trang."
Anh rút tay ra, tránh khỏi ánh mắt nhìn thẳng của cô, dáng vẻ thuận theo mà ngại ngùng, khóe môi nhoẻn cười: "Cùng trời cuối đất, tình này vĩnh cửu, sánh đôi phượng hoàng, nguyện cùng vị hôn phu bái lạy, nâng khay nhấc chén..."
Trong lòng Dư Phi nhuốm chút vui vẻ, cổ họng lại hơi nghẹn ngào, xướng: "Giao chén kim bôi, từ từ nếm nuốt, quả nho thấm lệ hòa tỳ sương."
Đế nữ hoa, mãi bên người lang quân dấu yêu.
Bài "Hương yểu" này, Dư Phi đã hát trọn hai mươi năm. Hát đến hôm nay, cô mới có cảm giác mình hiểu mà hát.
Trước kia cô chỉ biết hát "Hương", đâu hiểu được ý nghĩa thực sự của "Yểu"? Hương yểu hương yểu, chẳng có gì ngoài đập nát món đồ đẹp đẽ nhất cho người khác xem, nghiền nát đóa hoa diễm lệ mong manh trộn vào nước bùn (*).
(*) Trong "Hương yểu", "hương" là hương thơm, "yểu" là yểu mệnh.
Khúc "Hương yểu" này, không giống như lần họ hát ở nhà hàng Vinh Hoa, tiếng hoan hô sóng sau đè sóng trước. Kể từ lúc Bạch Phỉ Lệ cất lời, toàn bộ phòng tiệc vẫn luôn lặng ngắt như tờ, mãi đến khi khúc ca hoàn thành, trong phòng vẫn yên lặng mất một khắc, sau đó mới không ngừng vang lên tiếng vỗ tay liên miên.
Trước khi Bạch Phỉ Lệ hát, bên dưới còn có tiếng cười trộm. Nhưng sau khi anh hát xong, lại không ai mở miệng cười nhạo. Dư Phi nhớ tới một câu nói khi còn bé từng nghe sư phụ nói: Con hát làm sao để không ti tiện? Chính là phải hát đến độ khiến người ta nể phục, hát đến đột khiến người ta vui mừng sầu bi, tất cả đều bị dẫn dắt bởi giọng hát của con, vậy là được.
Bạch Phỉ Lệ hát không phải là thật sự tốt, nhưng lại chứa một chữ tình.
Cởi bỏ hí phục, Bạch Phỉ Lệ lập tức xuống đài. Anh từ cửa hông phòng tiệc đi ra ngoài, Dư Phi cũng cầm túi xách, đuổi theo.
Anh đi rất nhanh, đi thẳng xuống đường lớn nườm nượp xe cộ, Dư Phi chỉ đành đuổi theo anh.
Anh như thể đã say, đi tới cạnh một cột đèn đường, một tay chống lên cột đèn, một tay ấn ấn thái dương, trong bóng tối, miệng mím lại thành một đường thẳng, chừng như đầu đau đến độ muốn nứt.
Dư Phi vội đi qua, anh thấy cô, nghiêng đầu ngẩng lên, nói: "Cô đi đi." Anh nói rất vất vả, như đang nỗ lực giữ cho mình tỉnh táo.
Dư Phi vốn có chuyện muốn nói với anh, lại bị câu này của anh làm cho nghẹn họng. Cô không nói nửa lời, rẽ ngang, băng qua đường đi sang phía đối diện. Khách sạn của cô ở cách phía đối diện không xa.
Cô đi hơn mười mét, nhịn không được nhìn lại về đối diện. Không nhìn thì thôi, vừa nhìn đã phát hoảng, Bạch Phỉ Lệ đang đâm đầu đi vào trong bụi cây xanh mướt ven đường.
Dư Phi nghĩ bụng anh say đến mức này rồi, sao còn về nhà được, nếu cô không lo cho anh, lỡ anh đêm nay xảy ra chuyện gì thì phải làm sao bây giờ?
Cô lại chạy qua, kéo Bạch Phỉ Lệ ra khỏi bụi cây xanh.
Hai tay anh chắp lại thành một tư thế kỳ quái, nương theo ánh đèn đường, hé mắt nhìn cô qua kẽ ngón tay.
Dư Phi thầm nghĩ đây không phải là tư thế gặp ma trong truyền thuyết sao? Song cửa hồ ly gì đó ấy. Cái anh Bạch Phỉ Lệ này, say rồi lại ngây thơ đến bất thường thế à.
Cô nhéo hông anh một cái: "Là tôi đây, đồ ngốc." Hồi trước lúc cô gọi anh rời giường ăn cơm, hầu như lần nào cũng thò tay vào trong chăn nhéo anh như vậy.
Anh nửa tin nửa ngờ bỏ tay xuống.
Dư Phi hỏi: "Anh trọ ở đâu?"
Anh nhìn xung quanh, nói: "À...tôi không biết."
Dư Phi nghĩ thôi quên đi, anh đã thành ra thế này rồi, còn hỏi được cái gì nữa? Cô kéo anh đi về phía khách sạn của mình.
Qua đường xong, anh không chịu nhấc bước nữa, lắc đầu nói: "Không về đâu, tôi không về nhà đâu."
"Không bắt anh về nhà đâu." Dư Phi dùng sức lôi anh đi, "Đến khách sạn của tôi đi."
Dư Phi cứ như vậy nửa dỗ nửa gạt đưa Bạch Phỉ Lệ về khách sạn của mình, cả người rã rời toát hết mồ hôi.
Dư Phi đóng cửa, Bạch Phỉ Lệ vẫn đứng trước cửa, dáo dác ngó vào trong, hỏi: "Đây là đâu vậy?"
Dư Phi đáp: "Phòng tôi!"
Anh lại quay qua nhìn cô: "Cô là ai thế?"
Dư Phi mệt chết tới nơi rồi, còn phải ngồi xuống đổi dép cho anh, bực mình rống lên với anh: "Vợ anh!"
Anh như thể một tên công tử nhà giàu đã quen được người khác phục vụ, thay xong một chân lại giơ chân còn lại lên cho Dư Phi đổi. Anh nói: "Tôi chỉ có một vợ thôi."
Dư Phi vừa mới cởi giày và tất cho anh xong, nghe anh nói "Tôi có một vợ" thì tức giận ném giày anh sang một bên, ngẩng đầu quát: "Anh kết hôn rồi?"
Câu này của Dư Phi quát lên khí thế cứ như đóng vai hoa kiểm, Bạch Phỉ Lệ run lên một cái, cúi đầu thầm thì: "Vợ tôi tên là Dư Phi."
Dư Phi dở khóc dở cười, nghĩ bụng tôi là vợ anh hồi nào, không phải trước kia còn bảo tôi biến đi à.
Cô đổi dép xong cho anh, chống hai chân từ từ đứng dậy, đối mặt với anh, nói: "Tôi chính là Dư Phi đây."
Anh nâng mặt cô quan sát cẩn thận cả nửa ngày, Dư Phi bị anh nhìn đến phát sợ, đang muốn chạy, chợt bị anh ôm siết lấy.
Dư Phi không thở nổi: "..."
Vừa định bảo anh thả lỏng ra chút, anh lại nghiêng đầu hôn cô.
"..."
Dư Phi bất ngờ không kịp chuẩn bị gì, bị anh hôn rất sâu, sâu đến độ cô suýt xỉu. Cô định đưa tay đẩy anh ra, mới phát hiện ra tay mềm nhũn không có chút sức lực nào. Đến giờ cô mới biết thân thể mình lại khắc sâu ấn tượng về anh đến độ này, phong kín cẩn thận vậy rồi, thế mà lúc bị anh chạm vào một lần nữa, tất cả phòng tuyến lại vẫn sụp đổ trong nháy mắt, quân lính tan rã.
Cô băng chảy tuyết tan, bùn xuân hóa nước. Cô vận hết lý trí còn sót lại đẩy mạnh anh vào phòng vệ sinh cạnh cửa, nói: "Anh uống nhiều rượu rồi, tắm trước đã..."
Ai ngờ anh vừa quay đầu, thấy bồn tắm bên cạnh, sắc mặt thoắt cái tái xanh, kêu lên một tiếng đè nén trầm thấp, lại sặc mùi sợ hãi:
"Á...!"
Anh lập tức ngã quỵ cạnh bồn tắm, hai tay ấn chặt lấy đầu mình. Trên mặt anh là vẻ đau đớn hoảng sợ tột cùng.
Anh nắm lấy thành bồn tắm, một tay với vào vào bồn tắm trống rỗng quờ quạng...
"Mẹ..."
- -----
Trong chương này có nhắc đến một tích về Triệu vương và Lận Tương Như, đầy đủ sự tích như sau:
"Nước Tần bực nước Triệu không dâng ngọc, năm 282 TCN vua Tần cử binh đánh Triệu, lấy Thạch Thành. Năm sau, Tần lại đánh Triệu, giết hai vạn người. Vua Tần sai sứ giả nói với Triệu Huệ Văn Vương muốn họp nhau ở Dẫn Trì, ngoài Tây Hà[4] để giảng hoà. Vua Triệu lo lắng, định không đi.
Võ tướng Liêm Pha cùng Lạn Tương Như bàn rằng nếu vua Triệu không đi thì tỏ ra nước Triệu yếu và nhát. Vua Triệu bèn quyết định đi, cho Tương Như đi theo.
Hai bên hội họp ở Dẫn Trì. Tần Chiêu Tương vương uống rượu say, nói:
Quả nhân trộm nghĩ Triệu Vương giỏi nhạc, xin gảy đàn sắt cho nghe.
Vua Triệu bèn cầm đàn đàn sắt gảy. Ngự sử nước Tần tiến lên chép:
Ngày... tháng... năm... vua Tần cùng vua Triệu hội họp uống rượu, sai khiến vua Triệu gảy đàn sắt!
Vua quan nước Tần cố ý hạ thấp nước Triệu. Tương Như bèn nghĩ kế trả đũa. Ông tiến lên nói:
Vua Triệu trộm nghe nói vua Tần giỏi về âm nhạc nước Tần, xin bưng cái phẫu[5] đến vua Tần gõ để cùng vui với nhau!
Vua Tần giận không chịu. Nhưng Tương Như cứ tiến lên dâng cái vùa. Nhân quỳ xuống mời vua Tần, vua Tần không chịu gõ. Tương Như cứng cỏi nói:
Ở trong năm bước, thần xin được phép lấy máu ở cổ làm bẩn người đại vương!
Các hộ vệ của vua Tần muốn chém Tương Như. Ông trợn mắt quát khiến tả hữu đều dạt ra. Vua Tần không vui, đành miễn cưỡng gõ vùa một cái vào phẫu. Tương Như quay lại gọi ngự sử nước Triệu viết:
Năm... tháng.... ngày... vua Tần gõ phẫu cho vua Triệu nghe!
Quần thần nước Tần nói:
Xin đem 15 thành nước Triệu để chúc thọ vua Tần.
Lạn Tương Như cũng nói:
Xin lấy Hàm Dương của Tần cho nước Triệu để chúc thọ vua Triệu.
Vua Tần xong tiệc rượu, không tranh hơn được với vua Triệu. Nước Triệu cũng đặt sẵn nhiều quân lính để đợi Tần nên quân Tần không dám cử động.
Khi tan hội về nước, vua Triệu cho rằng Tương Như có công to, phong làm thượng khanh."
[Nguồn: Wikipedia]
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.