🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Vừa vào cung chưa được bao lâu mà đã được diện kiến hai bà vợ lớn của Trần Thuyên rồi? Vận may của tôi đúng là không tệ.
Thánh Bà phu nhân, Huy Tư Hoàng phi và cậu nhóc hoàng tử Trần Mạnh vẫn đang bị Trần Quốc Chẩn ngăn lại ở ngoài điện Đại Minh, nhưng chắc là không được bao lâu nữa.
Tôi sợ tới nhảy dựng, vội vươn tay búi lại tóc, đội mũ Toàn Hoa lên như cũ, nhanh chóng lùi sang một bên cúi đầu thật thấp.
Chỉ nghe tiếng Trần Thuyên thở dài: "Không cần thiết đâu, cả Thánh Bà và Mạnh đều biết mặt nàng, tránh sao nổi?"
"Thế..." Tôi nuốt nước bọt, cổ họng khô khốc.
Trần Thuyên hơi nghiêng đầu, hướng mắt về Cao Nghiệp: "Trẫm đã dậy rồi nhưng không muốn gặp ai cả. Ngươi ra ngoài truyền lời, dặn phu nhân dẫn hoàng tử tới dùng bữa cùng trẫm sau buổi triều sáng mai."
Vị trung quan già hiểu ý Trần Thuyên, cung kính vái một cái rồi chầm chậm lui ra ngoài. Tiếng nói chuyện thưa dần rồi dừng hẳn, cuối cùng chỉ còn sự yên ắng.
"Quan gia vẫn còn ốm mà, sao đã vội lên triều thế ạ?" Trong lòng tôi xót xa, nhỏ giọng hỏi Trần Thuyên.
Anh mỉm cười, ngón tay khẽ gạt sợi tóc mai đang vương trên gò má tôi, đáp: "Ta đã nghỉ ngơi quá lâu rồi. Mà... sáng sớm đã đến thăm ta thế này, nàng đã ăn gì chưa?"
"Em ăn ở phủ rồi ạ." Tôi nhìn Trần Thuyên không chớp mắt, nhỏ giọng đáp.
Thượng hoàng Trần Khâm lên núi xuất gia, tránh xa bụi đời. Trần Mạnh - hoàng tử duy nhất thì còn nhỏ dại, chưa đủ khả năng trợ giúp phụ hoàng trị quốc. Trần Thuyên... đang phải một mình gồng gánh Đại Việt, trách nhiệm nặng nề biết bao.
Tôi đỡ Trần Thuyên ngồi dậy, kéo gối ra phía sau để anh tựa lưng cho thoải mái. Khăn sạch được đặt sẵn trên tráp đối diện, tôi giúp anh lau bớt mồ hôi trên trán, lại rót thêm một cốc nước ấm rồi đưa tới tay Trần Thuyên.
Anh nhấp một ngụm nhỏ, lông mi khẽ chớp: "Mấy việc này... ta gọi cung nữ vào cũng được..."
Một thoáng bất mãn len lỏi, tôi chỉ mím môi, khẽ cúi đầu đáp: "Vâng ạ."
Nhưng Trần Thuyên không cho truyền bất cứ ai tiến vào.
Do đang bị bệnh, và cũng có thể lo lắng cho chuyện triều chính bị trễ nải mất mấy hôm nên sắc mặt Trần Thuyên không được tươi tắn cho lắm. Tôi kéo ghế lại gần hơn, lôi bảy bảy bốn mươi chín câu chuyện vụn vặt ở phủ họ Đoàn ra từ trong trí nhớ, hy vọng có thể giúp tinh thần Trần Thuyên phấn chấn hơn phần nào.
Tóc Trần Thuyên vẫn được búi chặt trên đỉnh đầu, tới một sợi tóc thừa rơi xuống cũng không có. Trong điện có đốt than sưởi ấm nên dù anh chỉ khoác trên người duy nhất một chiếc áo giao lĩnh màu trắng thì cũng không lo lắng về việc bị nhiễm lạnh. Tôi có thể trông rõ lồng ngực anh phập phồng lên xuống dưới lớp áo mỏng manh, bỗng chốc không biết nên nói tiếp điều gì.
"Quen biết bao lâu nay... mà đây mới là lần đầu tiên em được tới thăm chàng ốm." Khẽ cụp mắt, tôi lí nhí nói với Trần Thuyên.
Không biết đã có bao nhiêu lần anh bị bệnh phải nằm yên trong điện Đại Minh, còn tôi ở ngoài lại giận dỗi trách móc anh không đến gặp mình nhỉ?
"Nàng có mang theo vật trẫm từng tặng không?" Trần Thuyên lên tiếng, hỏi một câu không liên quan cho lắm.
Tôi ngẩn người, vội dâng con dao găm vẫn dắt ở bên hông lên bằng hai tay.
Anh nhận lấy, bật cười: "Giỏi lắm, dám mang vũ khí vào gặp hoàng đế. Nàng muốn hành thích trẫm hả?"
Tự dưng lại đùa một câu nhạt nhẽo, tôi trừng mắt lườm Trần Thuyên.
Nét cười chưa phai, anh chậm rãi tháo vỏ, ngón trỏ lướt trên lưỡi dao rồi dừng lại ở vị trí gần chuôi, dịu dàng chạm nhẹ hai cái.
"Là tên của em đúng không ạ?"
Thấy miệng anh khẽ hé như đang chuẩn bị nói gì đó, tôi lại cướp lời: "Em... đã được Chiêu Văn vương giải thích ý nghĩa của thứ này cho rồi ạ."
Không hiểu vì lý do gì mà tôi bỗng cảm thấy sợ hãi, không dám để Trần Thuyên lên tiếng. Anh khẽ mỉm cười, từ từ tra dao vào vỏ rồi ngẩng lên, đặt lại nó vào tay tôi. Ánh mắt anh tựa như hồ nước sâu hun hút chẳng nhìn thấy đáy, xoáy chặt vào tôi phía trước.
"Niệm Tâm... hãy kiên nhẫn, chờ ta thêm một thời gian nữa... được không?"
Một cảm giác kỳ quặc chạy dọc sống lưng, len lỏi trong lớp áo trung quan khiến cả thân mình tôi rét run.
Tôi... không biết nên đáp lại Trần Thuyên như thế nào cả.
"Bẩm Quan gia, đã tới giờ rồi." Một lời của Cao Nghiệp từ phía ngoài vọng vào giúp tôi thoát khỏi tình cảnh gượng gạo.
Trần Thuyên chưa hề rời mắt khỏi tôi. Trong tích tắc, tôi như trông thấy một thứ ánh sáng lạ lùng vụt qua khi anh chớp mi.
Tôi lật đật đứng dậy, định lùi sang một bên để nhường chỗ cho Cao Nghiệp thì ông ta nói: "Tiểu thư cứ ngồi đi ạ."
Bên cạnh, Trần Thuyên không tỏ thái độ gì đặc biệt. Tôi giữ tư thế nửa đứng nửa ngồi được một lúc thì thấy mỏi, đành phải ngồi xuống.
Trần Thuyên yên lặng ăn cháo, chỉ mất tầm nửa khắc đồng hồ đã giải quyết xong xuôi. Theo lệnh của Cao Nghiệp, một cô cung nữ tiến vào, bưng theo một bát thuốc khói nghi ngút.
Cô cung nữ kia như người máy, cả quá trình không ngẩng đầu lên lấy một lần, đặt khay xuống bàn nhỏ, nhanh chóng dọn dẹp những vật dụng đã được dùng qua rồi lui ra ngoài.
Cao Nghiệp nói: "Dạ bẩm, Thái y Bân đã dẫn học trò lên chùa Am Tượng luyện thuốc, dặn rằng Quan gia chỉ cần uống thuốc hết ngày hôm nay là có thể ngưng." (1)
Thì ra Phạm Bân đã đi công tác rồi, thảo nào mấy hôm trước cái Tị lại truyền lời Đỗ Chi mời tôi sang chơi.
Trần Thuyên gật đầu, tỏ vẻ đã nhận thông tin.
"Bát thuốc kia..." Cao Nghiệp hơi ngập ngừng.
"Trung quan cứ để tôi." Tôi mỉm cười, nhận lấy nhiệm vụ
Ông ta khẽ gật, làm động tác cảm ơn tôi: "Vậy trăm sự nhờ tiểu thư. Già xin phép lui trước."
Tôi nhìn theo bóng lưng Cao Nghiệp rời khỏi tẩm điện, từ từ chuyển tầm mắt về phía chiếc bát men xanh ngọc ngả vàng đang đặt trên khay. Bỗng tôi nhớ về cái ngày mình vượt thời gian gặp được Thượng hoàng Trần Khâm ở hành cung Tức Mặc, từng có mong muốn ngửa tay xin vài món đồ mang về thời hiện đại. Chớp mắt một cái, đã hơn mười lăm năm trôi qua đối với bọn họ rồi.
"Cao Nghiệp là người đứng đầu đám trung quan của cung Quan Triều, ngoài ra cũng là thầy dẫn dắt trực tiếp của Phước Lộc." Trần Thuyên nhàn nhạt nói, cung cấp thông tin cho tôi. Anh nhắc đến rồi tôi mới nhớ ra thằng bé trắng trẻo mập mạp, có lẽ vì nó trẻ trung nhanh nhẹn nên mới hay được theo hoàng đế xuất cung.
"Nhưng mà từ lúc đến tới giờ em không nhìn thấy Phước Lộc ở đâu thì phải."
"Ừ, nó phạm lỗi nên bị phạt trượng, có lẽ giờ đang phải nghỉ ngơi dưỡng thương rồi." Anh hơi cau mày, thái độ không hài lòng.
Tôi giật mình hỏi: "Ôi chao, sao thế ạ?"
Trần Thuyên đáp: "Hôm qua... trong lúc ta ngủ còn Cao Nghiệp không có ở cung Quan Triều, nó tự ý dẫn Hoàng phi vào trong tẩm điện."
Hoàng phi... Huy Tư Hoàng phi?
Vậy là không có sự cho phép của hoàng đế thì bất cứ ai cũng không được tiến vào khu vực tẩm điện. Chậc, khi nãy Thánh Bà và Huy Tư đều không chịu đi, có lẽ cũng bởi đã có tiền lệ. Mà nếu nói thư thế thì... việc hôm nay Trần Quốc Chẩn đưa tôi tới đây là được Trần Thuyên ngầm cho phép rồi?
"Ngày trước Cao Nghiệp là nội quan bên cạnh Thượng hoàng, về sau được chuyển tới hầu hạ tại ta. Ông ấy đã đi theo ta từ thuở niên thiếu, bởi vậy lời nói của Cao Nghiệp rất có trọng lượng. Sự việc hôm nay... kể cả không phải truyền lời của ta thì ngay cả Thánh Bà cũng không dám đôi co thêm với ông ấy." Anh vừa nói vừa hướng mắt về phía bát thuốc, tôi vội đứng dậy bưng lại gần.
Trần Thuyên uống một ngụm nhỏ, môi hơi mím lại, xem chừng thuốc rất đắng.
Tôi muốn di dời sự chú ý của anh liền tỏ ra quan tâm: "Chắc chẳn Cao Nghiệp và chàng có mối quan hệ rất thân thiết."
"Ừ." Trần Thuyên gật đầu, hồi tưởng lại chuyện cũ. "Ông ấy từng cứu ta và Huyền Trân, ta luôn ghi nhớ điều này."
Không đợi tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh nhanh chóng kể lại chuyện cũ: "Có một lần Huyền Trân tới Đông cung thăm ta, nghịch ngợm trèo lên cây rồi mắc kẹt trên đó. Con bé khóc mãi, dù ai muốn lên cứu cũng không chịu, cuối cùng ta phải đích thân trèo lên để đỡ xuống. Ai ngờ..."
Ai ngờ Trần Thuyên không bế nổi đứa em gái mới chỉ bốn, năm tuổi, cả hai trượt chân rơi từ trên cành cao xuống. Cũng may phía dưới Cao Nghiệp dang tay đón, thành công trở thành cái đệm cho hai anh em.
"Khi ấy Cao Nghiệp cũng không còn trẻ trung gì, xương cốt bị ảnh hưởng, đến tận bây giờ vẫn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời." Anh chép miệng đầy thương cảm.
Tôi cười: "Xem ra tính cách nghịch ngợm của công chúa đã hình thành từ khi còn nhỏ."
"Phải. Khi ta lên ngôi hoàng đế, Huyền Trân vẫn còn đang học cầm bút, nắn nót từng nét chữ. Tuy ta và con bé không cùng một mẹ sinh ra nhưng vị trí của ta và Quốc Chẩn trong lòng Huyền Trân vẫn luôn ngang bằng... Huyền Trân là em gái út, từ khi sinh ra đã được cả hoàng cung nuông chiều... Chỉ cần con bé không vừa lòng cái gì thì nhất định sẽ chạy tới tìm anh trai thái tử để mách chuyện..." Chậm rãi nói từng câu từng chữ, Trần Thuyên thở dài rồi một hơi uống hết bát thuốc đắng.
Anh em họ Trần quả thực rất yêu thương nhau, điều này đã được chứng minh qua sử sách.
Trần Thuyên dùng khăn sạch lau miệng, uống thêm một ít nước ấm rồi ngả lưng tựa vào thành giường, yên lặng nhìn tôi. Hồi lâu sau anh mới lên tiếng: "Nàng nói xem..."
"... khi Huyền Trân biết mình sẽ bị gả tới Chiêm Thành... liệu con bé có hận ta không?"
Tôi ngẩn người, hoá ra đây chính là chuyện khiến Trần Thuyên bận lòng bấy lâu nay. Nhất thời tôi chỉ biết nghẹn họng. Vấn đề ở đây không phải là "nên gả hay không" mà hoàng đế đã ra quyết định, chỉ là hơi đau đầu về phương diện tình thân.
Chẳng trách nãy giờ Trần Thuyên chỉ gọi em gái bằng phong hiệu chứ không phải cái tên Diễm Tiên như cách anh gọi Trần Quốc Chẩn. Huyền Trân không thể cứ mãi là đứa em gái nhỏ hay khóc hay cười, đòi hỏi được anh chị yêu thương, cô buộc phải thực hiện trách nhiệm của công chúa Đại Việt.
Thứ cảm giác nghèn nghẹn nơi cổ họng cuối cùng cũng tiêu tan, hai tay tôi phủ lấy bàn tay Trần Thuyên, nhẹ nhàng nói: "Tất cả đều vì lợi ích của quốc gia, công chúa sẽ hiểu cho tấm lòng của Quan gia thôi ạ."
Hai mày Trần Thuyên nhướn lên tỏ rõ sự ngạc nhiên, trong lòng tôi theo đó mà giật thót một cái. Từ từ, hậu thế trăm năm sau ai ai cũng rõ chuyện Chiêm Thành lấy châu Ô châu Lý làm sính lễ rước công chúa Huyền Trân... nhưng hiện tại thì sao?
Cũng may khi nãy tôi nói chuyện kiểu mập mờ, không để lộ ra rằng cái gì mình cũng biết rõ. Công chúa hòa thân tất nhiên là vì mối bang giao giữa hai nước, đều là "ích nước lợi nhà".
Trần Thuyên thản nhiên nói: "Ta cứ nghĩ Quốc Chẩn đưa nàng vào để xin xỏ cho Huyền Trân chứ?"
Tôi há hốc miệng: "Sao chàng biết?"
"Đơn giản thôi." Anh phì cười. "Cậu ta sẽ không làm điều thừa thãi đâu. Nàng tưởng Quốc Chẩn thật sự quan tâm tới chuyện tình cảm của người khác à?"
Đáp lại Trần Thuyên, tôi chỉ cười gượng gạo.
"Hôn sự của Huyền Trân đã được quyết định từ bốn năm trước, Quốc Chẩn phí công rồi." Anh đưa tay lên xoa xoa ngực, khó nhọc nói.
Bốn năm trước... là năm Hưng Long thứ chín, khi Thượng hoàng Trần Khâm vân du khắp nơi, tiện thể qua thăm Chiêm Thành.
Trần Quốc Chẩn cũng chỉ là muốn bảo vệ em gái của mình mà thôi.
Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc thì thuốc bắt đầu có tác dụng, Trần Thuyên mơ màng chợp mắt. Một tay tôi vẫn nắm chặt tay anh, tay kia vỗ về lên mặt chăn dày, chỉ cần hơi ngưng lại là mi tâm Trần Thuyên sẽ nhíu chặt, tỏ vẻ khó chịu.
Mất chừng một khắc đồng hồ, xác định Trần Thuyên đã ngủ sâu thì tôi mới dám khẽ khàng rút tay, rón rén rời khỏi tẩm điện.
Tôi cùng Quốc Chẩn theo đường cũ mà đi, chưa ra tới cửa thứ nhất đã nghe thấy giọng một người phụ nữ cất lên: "Huệ Vũ vương tới thăm Quan gia sao?"
Tim tôi như muốn nhảy lên cổ họng, thế quái nào tránh được trong tẩm điện mà ra ngoài lại vẫn đụng độ Thánh Bà với Huy Tư vậy hả?
Mà khoan... hỏi thế kia thì không thể là hai bà vợ lớn của Trần Thuyên được, hẳn là một vị phi tần khác!
Lại nghe Trần Quốc Chẩn đáp: "Đúng thế, giờ ta xuất cung đây."
Hay lắm, còn không thèm chào hỏi gì mà chỉ tỏ rõ ý của mình: Mau mau tránh ra cho ta đi.
"Ấy, kia là trung quan của cung Quan Triều phải không? Mặt mũi lạ quá, ta chưa gặp bao giờ thì phải..." Vẫn là giọng của người phụ nữ khi nãy, kèm theo vài câu phụ hoạ của ai đó. Hẳn là một phi tần khác, bởi đám cung nữ sẽ không dám hô to gọi nhỏ ở trước mặt một vị đại vương như Huệ Vũ Quốc Chẩn.
Trần Quốc Chẩn có thể giận dữ cãi nhau tay đôi với tôi cũng vì tôi chỉ là một đứa dân đen hèn kém, hiện tại trước mặt cậu ta là hai nàng vợ nhỏ của anh trai, lực sát thương lớn hơn nhiều.
"À..." Rốt cuộc Trần Quốc Chẩn vẫn như gà mắc tóc, không biết nên đáp lời cô phi tần kia như thế nào.
Chậc chậc, liệu tôi có bị xé xác ra ở đây không nhỉ?
"Làm gì mà tụ tập ở đây thế này?" Thêm một người phụ nữ xuất hiện, tình cảnh quả thực gay cấn. Chẳng lẽ hôm nay tôi sẽ được diện kiến toàn bộ hậu cung của Trần Thuyên?
Ôi chao, chuyện xui rủi đâu ai muốn người ơi!
Cả đám, bao gồm Trần Quốc Chẩn và hai cô phi tần kia thi nhau lên tiếng chào: "Phu nhân an khang", "bái kiến phu nhân",... các kiểu. Trong lòng tôi thầm ồ lên một tiếng, cả cấm thành chỉ có duy nhất một vị phu nhân là Thánh Bà mà thôi.
"Huệ phi, thay vì dành thời gian săm soi mặt mũi từng tên nô tài ở cung Quan Triều thì cô nên tới giúp Thục phi chăm sóc Huệ Chân đi." Không chút nể nang, câu thứ hai của Thánh Bà đập thẳng vào mặt phi tần được gọi là Huệ Phi.
Nếu tôi đoán không lầm thì đây là Văn Tĩnh Huệ phi Phạm Sơ Nguyệt, chị gái của Vân Phi, em dâu tôi. Tôi chưa từng nghe về Thục phi, nhưng theo lời Thánh Bà nói thì khả năng cao cô này là mẫu phi của công chúa Huệ Chân.
"Còn Sung nghi, ta nhớ hạn cấm túc của cô là ngày mai mà nhỉ?"
"Bẩm... bẩm phu nhân, em lo cho sức khỏe của Quan gia quá nên là..." Đây là người phụ hoạ cho Huệ phi khi nãy, ra cô ta ở bậc Sung nghi, thuộc cửu tần.
"Phu nhân thứ tội, chúng em..." Huệ phi run run lên tiếng chen ngang. Chắc hẳn hai cô này đứng cùng một chiến tuyến.
Thánh Bà không để yên cho Huệ phi nói hết câu, chỉ lạnh lùng bảo: "Thôi, lui hết cả đi."
Giữ nguyên tư thế cúi thấp đầu nên không nhìn ngó được dung mạo hai cô vợ nhỏ của Trần Thuyên, tôi chỉ biết thất vọng, nghe tiếng bước chân xa dần.
"Huệ Vũ vương, có thể để ta nói chuyện với tiểu thư Niệm Tâm một lát được không?" Giọng Thánh Bà mềm mỏng trở lại, giống hệt nhiều năm về trước - khi tôi gặp cô ta lần đầu tiên ở Tức Mặc.
Chỉ thấy thân mình Trần Quốc Chẩn đang đứng chắn trước tôi khẽ run lên, mãi sau mới cất bước, tránh sang một góc tạo không gian riêng cho tôi và Thánh Bà.
"Tiểu thư có thể ngẩng đầu lên rồi." Thánh Bà nhẹ nhàng nói.
"Bái kiến phu nhân." Tôi không vội đứng thẳng người, trước tiên cứ phải hành lễ cái đã. Nhưng mà... sao cô ta lại biết là tôi nhỉ?
Thấy tôi không giấu được vẻ kinh ngạc, Thánh Bà nheo mắt nói: "Huệ Vũ vương tới thăm Quan gia nhưng lại chặn ở bên ngoài, hẳn là trong tẩm điện có ai đó không muốn bị người khác bắt gặp. Huy Tư vốn chân chất, tin rằng Quan gia đang nghỉ ngơi nên đã dẫn hoàng tử về trước, còn ta... Ta nghĩ... trong lúc Quan gia mệt mỏi, hẳn sẽ cần một người ở bên... Vì vậy ta mới cố ý nán lại, hy vọng sẽ gặp được cô."
"Được phu nhân quan tâm là phúc phận của Niệm Tâm rồi ạ." Tôi nhàn nhạt nói.
Thánh Bà tỏ ra ngạc nhiên trước cách nói chuyện của tôi, cô ta bật cười: "Ta nào có quan tâm tới tiểu thư. Quan gia buồn phiền đã lâu, ta cũng chỉ mong ngài được thoải mái mà thôi."
Nói như thể tôi là thứ để giải trí ấy nhỉ. Nhưng đúng là không thể phủ nhận, Thánh Bà và Triêu Lộ có vài nét khá tương đồng, đặc biệt là khi cả hai cùng nhếch mép cười.
"Niệm Tâm, cô đừng hiểu lầm." Còn đang bận đánh giá Thánh Bà trong lòng thì cô ta đã lên tiếng, lần này biểu cảm vô cùng chân thật. "Ta không biết vì lý do gì mà Quan gia vẫn trì hoãn việc đón cô vào cung, dù sao chuyện này ta cũng không thể can thiệp. Nhưng mà nếu có lần sau... cứ nhắc Huệ Vũ vương tới tìm ta trước."
Nhất thời, tôi không tài nào nhận ra được Thánh Bà đang có ý mỉa mai mình hay thật sự có lòng muốn giúp đỡ.
"Phải rồi, lần tới cô đừng quên ghé cung Phúc Thái của ta thăm Mạnh nhé. Hoàng tử nhắc tới cô nhiều lắm." Thánh Bà thả lại một câu cuối cùng, cũng chẳng chờ tôi trả lời rồi thướt tha đi mất.
Sau đó, quãng đường rời khỏi cấm cung hoàn toàn yên ổn, không có bất cứ ai nhảy ra ngáng chân.
Trần Quốc Chẩn vốn không quan tâm tới cuộc hội thoại giữa tôi và Thánh Bà phu nhân, nhận được cái lắc đầu của tôi liền thất vọng, sai trạo nhi khiêng kiệu rời khỏi phủ họ Đoàn.
Chậc, biết làm sao được. Chuyện của Huyền Trân... tôi hoàn toàn không có khả năng giúp cậu ta chứng đừng nói là thay đổi được lịch sử.
...
Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi tiếp theo, kinh thành Thăng Long xảy ra vô số sự kiện.
Đáng kể nhất phải nói đến sự xuất hiện của vương thất Chiêm Thành cùng hơn trăm bộ hạ, một mặt diện kiến hoàng đế Đại Việt thăm hỏi sức khoẻ, đồng thời dâng hiến vàng bạc gấm vóc, hương liệu quý hiếm thay lời cầu hôn công chúa Huyền Trân.
Nghe đâu trước đó, khi nhận được tin báo từ phía Chiêm Thành thì triều đình đã loạn cả lên. Không tính Trần Thuyên là lãnh đạo tối cao thì đám quan lại được chia thành ba phe như sau:
- Phe trung lập, không tỏ ý kiến: Một vài vương thân quý tộc, ví dụ như Chiêu Văn vương. Đã hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc Trần Mạnh nên chỉ sau Tết Nguyên Đán không lâu là hai vợ chồng ông lập tức trở về thái ấp, còn dặn dò tôi có chuyện gì thì cứ đến gặp Quân Trì, anh ta vẫn ở lại kinh thành để trông coi Chương Đức viên.
- Phe tán thành gả công chúa Huyền Trân: Văn Túc vương Trần Đạo Tái (con trai của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải) và Hành khiển Trần Khắc Chung.
- Phe phản đối ác liệt: Tất cả những người còn lại.
Điều kỳ lạ ở đây là đến cuối cùng Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn lại gia nhập phái im hơi lặng tiếng, trong khi đó Thái An vương Trần Thừa Ân - vốn có mối quan hệ không mấy gần gũi với anh em Huệ Vũ - lại là người ra mặt kêu gào đòi quyền lợi cho công chúa Huyền Trân.
Nhắc đến lại thấy hơi tức cười. Sau lần giúp tôi vào cung nhưng không đạt được ý nguyện, không rõ vì sao Trần Quốc Chẩn lại biết được tôi vốn chẳng hề có ý định nói giúp Huyền Trân nên lại một lần nữa trèo tường vào phòng tôi mắng mỏ một trận, từ đó vô tình chạm mặt một hai lần thì đều chỉ lườm nguýt rồi quay mông đi thẳng.
Tuy nhiên, dù phong ba bão táp đến đâu cũng không ngăn nổi "phán quyết" của hoàng đế. Hôn sự của Huyền Trân và quốc vương Chế Mân của Chiêm Thành đã được ấn định tổ chức vào tháng sáu năm sau.
Phản ứng của dân chúng về chuyện này khá đa dạng. Người mừng rỡ khen ngợi công chúa hy sinh hạnh phúc cả đời vì nước hoà bình quốc gia, kẻ lại lén lút mắng chửi triều đình nhu nhược, đến một cô công chúa cũng không thể bảo vệ.
Đánh giá một hồi có thể thấy rằng: Sính lễ hai châu Ô - Lý chắc chắn chưa được công khai nên ai nấy đều nghĩ rằng việc gả công chúa Huyền Trân cho Chiêm Thành chỉ đơn giản là để thắt chặt tình hữu nghị của hai nước.
Phương diện chính trị này vô cùng căng thẳng, tôi phải bốc phét với em trai Nhữ Hài rằng đã nghe được kha khá từ phía Trần Thuyên rồi thì cậu ta mới chịu kể những thông tin trên cho tôi nghe.
Sau chừng nửa tháng, đoàn sứ thần cầu hôn của Chiêm Thành cuối cùng cũng rời đi.
Một ngày nọ, Đông Ly tiết lộ với tôi rằng ở bờ sông phía Tây kinh thành đã phát hiện sáu xác chết. Mấy cái xác này có thời gian tử vong khác nhau nhưng kết quả khám nghiệm thì tương tự: Đều bị tra tấn đến chết. Phía đại an phủ sứ giữ kín chuyện này, chỉ âm thầm điều tra, hình như vì sợ sẽ khiến lòng người hoang mang.
Đến khi quan binh tìm được xác chết thứ bảy, Đông Ly đem thêm một tin tức mới kính coong về, trầm ngâm nói: "Tất cả người chết đều là gia nô, người trong phủ quan, người theo địa chủ. Đại an phủ không tìm được manh mối gì từ mấy nhà này, e là sẽ phải dừng điều tra."
Tôi chỉ biết thở dài thương cảm. Ở thời đại này, tính mạng của những người có thân phận thấp kém nào khác gì cỏ rác đâu.
Ngoài ra, phía đại an phủ vẫn lập được công lao khi càn quét kinh thành, dẹp được hai sòng bạc lớn nhỏ. Đương nhiên, có sự tham gia của nhiều người nên cái mà họ chơi không chỉ có trò ba que mà Trần Quốc Chẩn từng hỏi tôi ngày trước, nghe đâu cũng khá đa dạng.
Hoàng triều Trần nghiêm cấm đánh bạc nên hình phạt dành cho những phạm nhân thật sự rất thê thảm. Kẻ cầm đầu sòng bạc bị voi giày chết, toàn gia quyến đi đày tại Tảo xã. Tất cả những người tham gia đánh bạc phải nộp phạt vào quốc khố, bị thích chữ lên mặt rồi lĩnh thêm tám mươi trượng cảnh cáo. Gọi là "cảnh cáo" nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng không phải ai cũng chịu nổi tám mươi trượng, phân nửa số phạm nhân chưa nhận đủ hình phạt đã "lên đường" rồi.
Vụ việc này dần dần lắng xuống, mọi thứ trở về yên ổn.
Vào một ngày trời nắng hiếm hoi, tôi dẫn Đông Ly theo chân Dư Nương lượn lờ phố xá với mục đích chính là mua vải may áo mới cho bé gái trong bụng Vân Phi. Mất cả buổi mà chỉ chọn được mấy khúc vải, Dư Nương một mình ôm về phủ còn tôi và Đông Ly ham vui nên tiếp tục la cà ở ngoài.
Nhác thấy một đám trẻ con tụ tập cười đùa, tôi nhận thấy mình rất cần năng lượng tích cực liền dắt tay Đông Ly đến gần. Chúng tôi nép một bên, nghe chúng nó cãi nhau ỏm tỏi, về sau bị một người đàn ông trẻ nhắc nhở mới chịu dừng lại. Do đứng ở phía sau nên tôi không thấy được dung mạo của người ấy, đoán chừng đây là thầy giáo của tụi nhỏ.
"Được rồi." Người đàn ông vừa nói vừa chỉ tay vào cái túi đang đặt dưới chân. "Trò nào giải được câu đố cuối cùng thì sẽ được thưởng tất cả số bánh đậu xanh này."
Khỏi phải nói, đám trẻ hú hét tưng bừng.
Người đàn ông trẻ ra đề: "Trong bọc đang đựng chín chiếc bánh, các trò cũng có chín người. Vậy theo các trò, ta phải chia thế nào để ai cũng được một chiếc bánh mà vẫn còn một chiếc ở trong bọc?"
Dứt lời, mấy đứa nhóc chìm vào im lặng, ngoan ngoãn suy ngẫm. Người đàn ông kia có vẻ rất vui, chân gõ nhịp xuống đất mấy cái.
"Khiếp, khó thế. Thà mua mười cái bánh cho rồi." Đông Ly bĩu môi cằn nhằn.
Tôi bật cười: "Thế còn gọi gì là đố nữa!"
Như Đông Ly nói cũng là một cách, theo hướng của người có tiền. Còn với một kẻ thủ ác, hắn đương nhiên sẽ nghĩ tới việc giết bớt một người để giải quyết bài toán.
Chậc, dạo này toàn nghe mấy tin tức giật gân nên đầu óc tôi không được bình thường lắm thì phải.
Trong lúc đám nhóc kia vẫn đang vò đầu bứt tai nghĩ ngợi, một cô bé con đứng dậy, lững thững đi về phía tôi và Đông Ly. Tôi nhìn nó cười, nó cũng nhe răng đáp lại, phong thái khá tự tin.
"Bé nghĩ ra đáp án rồi sao? Giỏi quá!" Tôi cất lời khen ngợi con bé.
Chẳng ngờ nó lại lắc đầu: "Dạ không ạ, con chưa bao giờ trả lời được câu hỏi của thầy." Ngưng một chút, con bé nói tiếp. "Đằng nào cũng không được quà nên... con cứ kệ thôi."
Cái thứ tư duy quỷ quái này... không khác gì Nguyễn Từ Niệm Tâm ở hiện đại cả! Ngoài việc biết rõ khả năng của bản thân tôi thì rất ghét việc phải ganh đua tranh giành, thà rằng vui chơi thoải mái còn hơn.
Bụng dạ cồn cào khó chịu khi nghĩ đến chuyện cũ, tôi liền khều nó lại gần rồi nói thầm mấy câu. Hai mắt con bé sáng lên, gật mạnh đầu: "Con cảm ơn cô nhiều ạ!"
Theo ý tôi, nó nhặt chín viên sỏi lên đại diện cho chín chiếc bánh trong câu đố. Trước sự ngạc nhiên của thầy giáo và bạn bè, con bé chia mỗi viên cho một đứa bạn, giữ lại một viên cho mình.
Nó giơ bàn tay lên, nói: "Đây là cái bọc lớn." Rồi nắm viên sỏi trong tay, nhếch mép cười ranh mãnh: "Ai cũng có phần, và trong bọc vẫn còn một chiếc bánh."
Đáp án vô cùng đơn giản, con bé giành chiến thắng, ôm túi bánh đậu xanh cười vang.
"Thầy ơi, nó ăn gian đấy!" Một thằng nhóc cao hơn con bé kia cả cái đầu lao đến, dùng dằng túm áo người đàn ông trẻ, tức tối chỉ tay về phía tôi.
Đông Ly nhún vai, thì thầm bảo: "Cô cả tự làm tự chịu nhé."
Con bé này...
Người đàn ông đứng dậy, từ tốn quay người lại. Thấy tôi, y chỉ tỏ ra ngạc nhiên một chút rồi vỗ đầu thằng nhóc kia, bảo: "Có sao đâu."
Nó gào lên đầy bất mãn: "Sao thầy thiên vị nó thế!"
Bé con được tôi trợ giúp lúc nãy liền chạy đến giải vây: "Thôi được rồi, tao chia cho chúng mày ăn cùng là được chứ gì? Để lại một cái tao mang về cho mẹ!"
Lại một hồi chí choé ầm ĩ.
Đỗ Nguyên Huân chậm rãi đi đến gần chào hỏi, tôi gật đầu với y rồi cười bảo: "Hoá ra đây mới là công việc chính của anh."
Y nhún vai: "Cha mẹ ta còn thấy tiếc cho cái tên Nguyên Huân này nữa cơ." (2)
Đám trẻ con vẫn chưa giải quyết xong vụ bánh trái, thậm chí đã bắt đầu túm đầu giật tóc nhau. Đỗ Nguyên Huân đưa tay lên day day mi tâm, nói: "Hôm nào cũng phải đánh nhau mới chịu."
"Ranh con, mắt mù à?"
Một tiếng vang chát chúa, cô nhóc khi nãy đã ngã dúi dụi dưới đất, tóc tai toán loạn, chiếc bánh duy nhất còn lại bị dẫm nát.
Cách đó một hai bước chân là một người đàn ông cao lớn, tay vẫn đang giơ trước mặt, hẳn là vừa mới ra tay đánh người. Bên cạnh gã dường như là người vợ, cúi người phủi phủi vạt áo.
Có thể đoán được trong lúc tôi và Đỗ Nguyên Huân trò chuyện thì đứa trẻ kia vô tình va vào người phụ nữ, sau đó bị chồng của ả tát cho một cái.
Tôi nhanh chóng ra quyết định. Dù sao em trai tôi cũng là quan lớn, hơn nữa nếu có gì nghiêm trọng xảy ra thì Đông Ly cũng dễ dàng hạ đo ván gã đàn ông, không việc gì phải sợ cả. Tôi chạy đến đỡ cô nhóc kia dậy, chỉ thấy nước mắt nó đầm đìa, một bên má đỏ tấy cả lên.
"Này, quá đáng vừa thôi!" Tôi quát.
"Lũ đầu đường xó chợ chúng mày, ra oai cái gì hả?" Gã đàn ông kia giơ chân lên định đạp vào người tôi, Đỗ Nguyên Huân nhanh chóng tiến đến, thành công đẩy lùi gã.
Y cản tôi lại ở phía sau, thì thầm: "Đừng làm to chuyện, hai người này ở đằng ngoại của Thái An vương."
Tôi hít một hơi thật sâu, đè nén cơn giận dữ. Trong tình huống thực tế, quyền lực vẫn là tất cả.
Mặc dù tôi và Đỗ Nguyên Huân đều được coi là có "căn cơ" nhưng bên kia là họ hàng tôn thất, nếu mâu thuẫn nhỏ này bị xé ra to thì không biết được ai sẽ phải chịu thiệt.
"Ta là Đỗ Nguyên Huân, con trai của Hành khiển Trần Khắc Chung. Không biết hai vị đây là...?" Đỗ Nguyên Huân tỏ ra vô cùng lễ độ.
Một lời của y khiến mặt gã đàn ông chửi chúng tôi là "lũ đầu đường xó chợ" tái đi vài phần. Vợ gã phẩy tay, khinh bỉ nói: "Thế thì sao? Nói xằng nói xiên mà chúng ta cũng phải tin à?"
Gã kia nhìn chòng chọc vào Đỗ Nguyên Huân đánh giá một hồi, sau cùng thở phì phò đe doạ: "Chúng mày cứ cẩn thận đấy!" Rồi kéo tay vợ mình rời đi.
Xã hội bấy giờ là vậy đấy, thà rằng tránh đi được tranh chấp nhất thời chứ không thể hoàn toàn đòi cái gọi là công bằng được.
Tôi nhờ Đông Ly mua gấp đôi số bánh về chia cho đám trẻ con, tuy rằng Đỗ Nguyên Huân đòi trả tiền nhưng tôi không chấp nhận. Chỉ là... tôi muốn dùng mấy cái bánh này để xoa dịu cơn giận của mình.
"Cũng đã qua giờ Ngọ rồi, nếu nàng không bận gì thì để ta mời nàng một bữa nhé?" Đỗ Nguyên Huân xếp gọn mấy cái ghế vào góc tường, quay ra cười với tôi.
Do dự một lúc tôi mới đồng ý. Phủ họ Đoàn đang có một vị "khách không mời" nên tôi chẳng muốn về cho lắm.
Chúng tôi vừa đi vừa chuyện trò, mới biết đám trẻ kia đều là con cái của những người làm nghề buôn bán ở chợ, nói cho cùng thì vẫn bị coi thân phận thấp kém. Đỗ Nguyên Huân không có hứng thú với quan trường nhưng cũng chẳng hề được cha mẹ cho phép công khai làm thầy giáo nên chỉ có thể tụ họp đám trẻ này, dạy chữ miễn phí cho chúng. Y không phân biệt trai gái, chỉ cần muốn học thì đều sẽ thu nhận.
Sau đó, Đỗ Nguyên Huân nhắc tới mối quan hệ với em trai Nhữ Hài của tôi, kể ra cũng là một tình bạn kỳ lạ. Một người tận lực với quốc gia, một kẻ cù bất cù bơ, chí hướng khác nhau nhưng tư duy lại vô cùng hoà hợp, chỉ tội nếu đã nảy ra tranh cãi thì nhất định sẽ đánh nhau. Dù cả hai đều không biết võ công nhưng do Đỗ Nguyên Huân cao to hơn nên lần nào y cũng thắng.
Là người có học thức lại nhanh mồm nhanh miệng, cách Đỗ Nguyên Huân nói chuyện khá cuốn hút, mấy lần còn chọc tôi cười tới xoắn cả ruột gan.
Nói tóm lại, con người anh chàng này vô cùng thú vị, khiến tôi suy tính đến việc làm mối cho em gái nhỏ Đông Ly. Hừm, chỉ có điều... hình như tính cách hai người không hợp nhau cho lắm...
"Tiểu thư Niệm Tâm..." Đỗ Nguyên Huân đột nhiên lên tiếng.
Tôi nghiêng đầu chờ y nói tiếp.
"Nàng có... thấy lạnh không?"
Tôi nhíu mày, trời đang nắng chang chang thế kia mà lạnh lẽo cái gì?
Còn chưa kịp trả lời thì đột nhiên tóc gáy tôi dựng đứng cả lên, đúng là... muốn rét run.
Một sức mạnh vô hình ập đến khiến tôi và Đỗ Nguyên Huân đồng thời dừng bước, cẩn thận xoay người nhìn về phía sau lưng - vốn là vị trí Đông Ly vẫn đang đi theo nãy giờ.
"Quan quan quan quan..." Tôi lắp bắp.
Trần Thuyên chắp tay sau lưng, yên lặng nhìn tôi và Đỗ Nguyên Huân, mặt không cảm xúc.
Tôi chợt cảm thấy chột dạ như vừa làm việc xấu, hai chân chôn tại chỗ, một câu cũng không nói lên lời.
Tên nhãi Đỗ Nguyên Huân kia xem chừng bình thản hơn, tiến thêm một bước rồi cúi đầu, ôm quyền chào hỏi: "Bẩm cậu, thứ lỗi cho Nguyên Huân vì không thể hành lễ theo đúng quy củ."
Theo cách nói chuyện này thì có vẻ y biết thân phận của Trần Thuyên là hoàng đế, lại đủ tinh tế đổi xưng hô vì anh đang mặc tiện phục như dân thường.
Trần Thuyên chăm chú nhìn Đỗ Nguyên Huân, mất hồi lâu mới nhếch mép: "Ngươi là em trai của Trung thư Thị lang Đỗ Trung Đế?"
"Dạ bẩm, đúng là như vậy."
Vì sao không phải là "con trai của Trần Khắc Chung" mà lại là "em trai của Đỗ Trung Đế"? Hai thân phận này có gì khác nhau à?
Đỗ Nguyên Huân tiếp tục nói gì đó khiến cơ mặt Trần Thuyên giãn ra, xem chừng băng giá đã tan được một nửa.
Tôi rất muốn nghe được cuộc trò chuyện của họ nhưng không hiểu vì sao hai bên tai chỉ còn tiếng ù ù, như hàng vạn con côn trùng đang đập cánh.
Lồng ngực bức bối, không khí ứ lại nơi cổ họng, tới nuốt nước bọt cũng khó khăn vạn phần. Trên đỉnh đầu nặng nề đau đớn, người tôi lạnh toát, choáng váng ngả ra phía sau.
Cuối cùng, chỉ còn sót lại tiếng ai đó thảng thốt gọi tên tôi.
Bóng tối đột ngột đổ ập tới, tôi cố gắng nhấc mí mắt lên, dường như... lại thấy tấm rèm màu ghi đã lâu không thấy trong căn phòng mình.

(1) Theo lệ, cứ đến mùa xuân là ngự y nhà Trần sẽ lên núi Yên Tử để luyện thuốc.
(2) Nguyên Huân (元勛): Có nghĩa là "công lao to lớn"
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.