"Không có cái chết nào là tuyệt đối. Rồi ta sẽ lại quay trở lại trong một kiếp khác, một hình hài khác, thuận theo nhân duyên nghiệp báo mà chuyển sinh. Nghiệp dẫn ta đi trong sáu đường sinh tử luân hồi."
"Nghiệp?" - Tôi nhíu mày - "Ý thầy là chất lượng của cái đi qua cửa Tử sẽ ảnh hưởng đến địa vị của cái thoát ra từ cửa Sinh kia ạ?" - Tôi chớp mắt hỏi.
Sư thầy gật đầu.
Tôi cong môi cự cãi:
"Thưa thầy, thế nếu con không muốn thoát ra khỏi cửa tử, càng không muốn đi đến cửa sinh, con muốn cuộc sống của con chấm dứt tại ngay thời điểm kết thúc thì sao ạ?"
Người không trả lời tôi ngay, chống gậy đến ngồi xuống một phiến đã phẳng dưới tán bồ đề. Tôi đi sau thầy rồi ngồi xuống, xếp bằng chăm chú nghe. Sư thầy chậm rãi nói:
"Vòng luân hồi không có điểm khởi đầu càng không có điểm kết thúc. Vòng luân hồi chính là nơi lang thang của linh hồn tìm kiếm sự giải thoát. Khi con tự giác ngộ được, tự giải phóng khỏi hiện hữu, con hoà với vĩnh cửu như một hạt mưa rơi xuống đại dương, ấy là khi con bước ra khỏi vòng luân hồi của mình."(1)
Tôi cúi thấp đầu, ngẫm lời thầy dạy một lúc lâu. Bất giác tôi nhớ tới ngày mình muốn tự sát, nghĩ đến việc tôi rơi về Đại Cồ Việt này. Phải chăng theo một cách nào đấy, đây cũng là sự sắp xếp an bài của số phận, là một vòng luân hồi dành cho tôi? Vậy nếu tôi không thể thoát ra được, nếu tôi vẫn mắc kẹt lại ở đây với những nghiệp báo luân hồi, vậy thì những gì tôi trải qua nếu thực sự có kiếp sau sẽ bị ảnh hưởng bởi kiếp này?
Trong thoáng chốc khi những ý niệm về luân hồi, về cái chết hiện hữu, tôi nhớ tới Linh An. Tôi chắp tay cung kính hỏi thầy:
"Thưa thầy, nếu muốn thoát khỏi vòng luân hồi thì phải giúp linh hồn tìm kiếm được sự giải thoát. Vậy những linh hồn đau khổ tìm sự giải thoát ở đâu trong cuộc sống bế tắc này?"
"Chung quy mọi khổ đau trong cuộc đời đều bắt nguồn từ ham muốn. Tâm ta chẳng thể bình yên ngơi nghỉ, ta thèm khát những gì ta không có để rồi khi ta vừa đạt được nó, ta sẽ lại ham muốn một thứ khác nữa. Cứ như vậy ta nhấn mình chìm dần sâu hơn trong những khổ đau của đời."
Cây bồ đề toả bóng phủ kín cả một góc sân, nắng xuân lọt qua kẽ lá, rải xuống khoảng sân thơm mùi thơm tinh sạch của đất trời. Tôi ngồi lặng im ngẫm nghĩ. Với tôi đây không phải là một buổi "truyền giáo" hay "truyền đạo", tôi tưởng như chỉ là một cuộc trò chuyện đầy tính triết học hoặc nếu không, sẽ là một buổi đàm đạo về đời, về những ý niệm của sự sống, về cái chết và luân hồi vậy.
"Anh ở đây à, tôi đi tìm anh mãi." - Giọng nói quen thuộc của Tường khiến tôi giật nảy mình.
Tôi ngẩng mặt lên Tường đã đứng trước mặt tôi tự bao giờ, tôi cười trừ:
"Tôi đang thỉnh giảng với sư thầy nên không để ý."
Tường tròn mắt nhìn tôi, tôi quay lại thì nhận ra phiến đá đã trống không, sư thầy rời đi từ lúc nào chẳng rõ. Tường khoát tay:
"Mau đi thôi, Giáo thụ đang chờ."
Tôi đứng phắt dậy, phủi qua quần áo tay chân cho sạch sẽ, đoạn nối gót Tường đi về phía sân trước chùa.
Tôi thấy Trần Uy đang đứng trò chuyện với một vị sư, nhác trông dáng vẻ uy nghiêm, khí chất ngời ngời kia đã biết không giống những sư sãi khác, trong lòng tôi bỗng chộn rộn lo lắng liền khúm núm đi lại gần bái chào. Trần Uy thấy tôi tới liền đẩy tôi đứng lên phía trước một bước, giới thiệu:
"Đây là Đam học trò của tôi, còn là thư đồng trong phủ Chỉ huy sứ."
Vị thiền sư kia gật đầu cười. Tôi nhe răng nhăn nhở, lắp bắp:
"Con... con chào thầy."
"Đam, đây là Thiền sư Vạn Hạnh." - Trần Uy tiếp lời.
Nghe đến bốn chữ "Thiền sư Vạn Hạnh" tay chân tôi bỗng dưng trở nên bủn rủn. Sư Vạn Hạnh chẳng phải là một trong những người đóng góp không nhỏ vào việc thay thế quyền lực từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý, giúp Lý Công Uẩn lên ngôi mà không tốn một binh một tốt nào ư?
Tay ướt rịn mồ hôi, tôi cúi đầu thật thấp không dám ngẩng lên. Cùng là hai vị sư gặp gỡ trong chốc lát nhưng vị sư thầy trong vườn kia và sư Vạn Hạnh mang đến ấn tượng khác nhau hoàn toàn.
Sư Vạn Hạnh mỉm cười:
"Thầy từng tá túc tại nhà Chỉ huy sứ nhưng chưa có duyên hạnh ngộ, đã nghe Lịch Vũ kể nhiều về con."
Tôi "Dạ" một tiếng khe khẽ rồi cười trừ. Nhẽ ra trong hoàn cảnh bình thường tôi sẽ tò mò xem Lịch Vũ kể gì về mình nhưng ở đây thì không. Nếu có gì đáng để tôi bận tâm, tôi chỉ muốn biết rốt cục Lê Long Đĩnh có kết thúc như thế nào, Sạ sẽ ra sao khi triều Tiền Lê sụp đổ và lẽ dĩ nhiên, trong cơn nhiễu loạn đấy phận con sâu cái kiến như tôi sẽ tiếp tục cuộc sống ở Đại Cồ Việt này như thế nào?
______
Chú thích:
(1) Một số chi tiết và các ý niệm về đạo Phật trong chương này tác giả có tham khảo từ sách "Lược sử tôn giáo" - Tác giả Richard Holloway.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]