🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Đại Cồ Việt vừa lập quốc chưa được bao lâu, các viện, chức quan chủ yếu được chiếu theo phương Bắc. Thái Y Viện thuộc Thái Thường Tự(3) đã là thể chế từ thời nhà Hán. Sang đến nhà Tống như hiện tại thì mới phân cấp thêm Thái Y Ty. Thái Y Ty giữ việc dạy dỗ đám y sinh, cũng coi như là nơi bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nếu nói như vậy thì dù Trung Hoa là một quốc gia phong kiến có thể chế chặt chẽ, suốt hơn một ngàn năm Thái Y Viện cũng chỉ là một cơ quan trực thuộc. Đâu chừng sang tới thời nhà Nguyên ở bên đấy, và thời Hậu Lê ở nước ta thì Thái Y Viện mới tách ra làm một cơ quan độc lập.

Hiện tại đương lúc chiến sự, Lê Long Đĩnh lại đích thân cầm quân chinh chiến liên miên, về căn bản đám người Thái Y Viện nếu cứ ở Hoa Lư thì cũng chẳng có tác dụng gì. Chính vì lẽ đó số Thái y đi theo tới Phù Lan không ít, trong đó có cả các y sinh. Học trò của Thái y ty có hai loại: một là con nhà quyền quý, học ở đây coi như bước đệm để bước chân vào Thái y viện sau này; hai là học trò nghèo có năng lực, vừa muốn chữa bệnh cứu người lại mong đổi kiếp cơ hàn. Có một điều ai ai cũng rõ, y sinh tới chiến trường hung hiểm mà bán mạng chỉ có một loại duy nhất: học trò nghèo! Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Nếu còn không nhân lúc lửa binh mà lập công thì đợi thái bình thịnh trị chẳng biết đến bao giờ mới công thành danh toại.

Còn tôi, tôi thuộc loại thứ ba.

"Sếp" tôi lo tất!

Nhờ ơn mưa móc của vị Đô chỉ huy sứ kia mà tôi - một kẻ khố rách áo ôm nghiễm nhiên trở thành học trò Thái Y Ty. Chẳng những vậy Giáo thụ(4) của tôi là Trần Uy. Trần Uy ban đầu giữ chức Thừa đứng đầu Thái Y Ty, là người rèn giũa toàn bộ y sinh cho cả Thái Thường Tự. Trải hai đời vua, vốn đã lui về ở ẩn nay lại ra cứu người giúp đời. Trong doanh trại không ai không kính nể. Kẻ thân thiết thì gọi "Giáo thụ", người xa lạ gặp vẫn phải cúi đầu chào một tiếng "Thừa".

Lịch Vũ đã đánh tiếng từ trước, hôm sau y biên một lá thư sai tôi cầm sang chào Giáo thụ. Trần Uy là người hiền lành ít nói, cũng chỉ hỏi qua loa vài câu, dặn dò đôi việc rồi cho tôi về.

Nửa đêm canh hai tôi đang ngủ say vắt lưỡi thì nghe tiếng chân người rầm rập bên ngoài. Vốn còn định mặc kệ cứ thế ngủ tiếp, nghĩ thế nào lại nhớ tới đêm ở chuồng ngựa Phù Lan nên tôi hốt hoảng mở choàng mắt, chạy nhanh ra phía bên ngoài. Trên thao trường ngàn quân lính mặc áo giáp mây(5),đầu đội mũ đâu mâu, người cầm nỏ kẻ cầm câu liêm, mũi trường, đinh ba đứng chật hàng kín lối. Tôi hít sâu vào một hơi, nép sau góc lều mà trông lại.

Phía bên trên Long Đĩnh một thân giáp sắt, tay cầm thương, hông giắt thêm một cây kiếm. Ánh sáng từ đuốc hắt lại phản chiếu lên bộ giáp y mặc một màu bàng bạc, tựa như hào quang trùm lên tất thảy. Tôi dụi đôi mắt kèm nhèm của mình mấy bận, gắng tìm kiếm chủ nhân. Lịch Vũ đứng phía sau Long Đĩnh, mắt y chạm ánh mắt tôi, Lịch Vũ chỉ gật đầu nhẹ. Tôi hiểu ý, hoá ra tối nay họ sẽ công thành Phong Châu.

Mục tiêu đã xác định, Long Đĩnh vừa đến Phong Châu đã lập tức công thành, thậm chí không dành thời gian để nghỉ ngơi hay sắp xếp. Hành động gấp gáp như vậy chỉ e ngay từ đầu đã lên sách lược cùng với Lịch Vũ. Kẻ khác dù muốn trở tay e là cũng không kịp.

Long Đĩnh thúc hài vào hông ngựa, chầm chậm đi lên phía trước. Y nhìn toàn quân, đôi mắt đen sáng nhưng ánh lên sự lạnh lẽo và vô tình đến gai người. Long Đĩnh hô to lời hiệu triệu binh sĩ rồi cuối cùng giương cao cây thương trong tay, thét một tiếng "Giết!". Liền đó cả trại như vỡ ra trong hào khí rừng rực. Một kỳ binh(6) hô vang trời, cầm cờ xông lên. Cả ngàn quân cứ thế rầm rập tiến về thành Phong Châu.

***

Tôi quay trở về lều của mình sửa soạn thật gọn gàng rồi đi tới chỗ quân y sẵn sàng phụ giúp. Tôi hiểu rất rõ mỗi lần xuất quân có thể là lần cuối cùng tôi nhìn thấy những binh lính, tướng sĩ hoặc ngay cả Lịch Vũ. Là một người con đất Việt thì đương nhiên, tôi phải có trách nhiệm với tổ quốc của mình!

Giữa giờ Dần,

Tôi vén rèm ra trông.

Những ánh đuốc lập lờ vượt rừng mà đi mang theo binh lính bị thương trở về từ nơi tiền tuyến. Sự im ắng trong doanh trại bị phá vỡ bởi những tiếng rên rỉ, tiếng la thất thanh. Cáng nọ nối tiếp cáng kia, máu thấm đặc quánh trên nền đất.

Bên trong lều Trần Uy dùng rượu trắng rửa sạch tay. Tôi đứng bên cạnh chăm chú quan sát rồi làm theo, một giây cũng không dám lơ là. Lều lớn của quân doanh được trưng dụng làm nơi trị thương, dễ phải gấp mười, hai mươi lần các lều thường. Xung quanh lại thêm mấy chục y sinh, quân y tất bật chạy đôn chạy đáo. Tôi là y sinh mới đến, chân tay lóng ngóng vụng về. Chưa kể trước nay tôi chủ yếu chỉ gặp người ốm chứ không phải người bị thương nên khó tránh sợ hãi. Nhưng tôi hiểu đây không phải lúc. Ngày mai, ngày kia, cuối tháng này... chọn một ngày khác có thời gian lúc ấy tôi hãy sợ cũng chưa muộn!

Người đầu tiên bị thương được chuyển vào. Trần Uy chỉ định đặt anh ta lên vị trí trong cùng. Binh lính có một vết thương sâu ở cẳng tay, máu đỏ tươi phun ra thành tia. Chỉ nhìn thôi cũng biết vết thương này có tổn thương động mạch. Nếu không sơ cứu kịp thời và đúng phương pháp chỉ e sẽ đe doạ đến tính mạng. Trần Uy kiểm tra vết thương cẩn thận, nói đoạn bảo tôi:

"Gấp chi tối đa. Gấp cẳng tay vào cánh tay. Gãy xương thì không được dùng cách này."

Tôi vô cùng nghiêm túc nghe theo, gật đầu liên tục như con lật đật ra chiều đã nắm được. Trang sách đầu tiên của "giáo trình tưởng tượng" tự động ghi chú và bổ sung thêm: "Gấp cẳng tay vào cánh tay với tổn thương động mạch ở cẳng tay, bàn tay. Khi gấp chi mạnh, động mạch cũng bị gấp và đè ép bởi các khối cơ bao quanh làm ngưng chảy máu."

Ở thời điểm hiện tại vẫn chưa xuất hiện giải phẫu học. Dù vậy kiến thức lẫn kinh nghiệm của người dạn dày như Trần Uy quả là không thể đùa được. Trong lúc tôi vẫn đang cố ghi nhớ, Trần Uy lấy một dây vải xoắn chặt vào đầu trên cánh tay sát nếp gấp khuỷu, cắt đứt hoàn toàn sự lưu thông máu từ trên xuống và ngược lại. Tới đây Trần Uy quay sang bảo tôi:

"Không được để quá hai khắc, chi thể sẽ bị hoại tử."

Liền đó Trần Uy luôn tay ấn động mạch phía trên vết thương rồi lót vải cách vị trí phía trên ba đến năm phân, đặt dây vải và xoắn dần. Ánh mắt của người không hề dao động, môi hơi mím lại rồi mở ra:

"Quan sát mạch máu phía dưới vết thương. Mạch ngừng đập, máu ngừng chảy là được."

Đến khâu cuối cùng băng ép vết thương, Giáo thụ lùi lại để nhường chỗ cho tôi. Việc này không có gì quá khó khăn, chỉ cần khéo léo và cẩn thận một chút là được. Trần Uy quan sát tôi làm rồi gật đầu tỏ ý hài lòng. Việc băng ép vừa xong thì người bị thương tiếp theo cũng vừa vặn được chuyển đến.

Người này bị gãy xương đùi, bàn chân đổ hẳn ra phía bên ngoài. Từ vết thương lòi ra đầu xương gãy lẫn váng mỡ bê bết trong đống máu tươi. Tôi tiến lại gần, nhìn rõ một chút thì nhận ra chính là kỳ binh cầm cờ chạy đầu tiên. Không rõ vì quá đau đớn hay vì mất máu, mặt kỳ binh kia tái nhợt. Anh ta cắn chặt răng, thái dương hằn lên mạch máu giần giật. Dù vậy nhưng cũng không thể ngăn được tiếng rên rỉ bật ra từ kẽ răng. Không có thuốc tê, không có thuốc gây mê, đau đớn như vậy còn khó chịu hơn cả cái chết. Trần Uy bên cạnh thấy tôi đứng như trời trồng, xẵng giọng:

"Nếu kinh sợ hãy mau rời khỏi đây!"

Tôi lấy lại tinh thần, ra sức lắc đầu:

"Học trò không sợ!"

Tôi sợ chứ, rất sợ là đằng khác nhưng điều làm tôi sợ hơn chính là vì bản thân mình mà để mọi chuyện lỡ dở, vì tôi mà có người chậm trễ việc chữa chạy trong khoảnh khắc sinh tử. Lúc này bên cạnh Trần Uy xuất hiện thêm một người mặc đồ của y sinh. Anh ta dặn tôi phải giữ thật chặt người bị thương, trong lúc đó Trần Uy sẽ bắt đầu cố định xương đùi bị gãy kia bằng nẹp.

Nẹp đầu tiên phía trong từ nếp bẹn đến quá gót. Binh lính bị thương gào lên một tiếng, giãy giụa không ngừng. Sức lực của tôi không đủ nên lính chuyển thương giường bên cạnh chạy sang phụ giúp.

Nẹp thứ hai phía ngoài, từ hố nách đến quá gót chân. Binh lính vì quá đau mà dần dần lịm đi.

Nẹp cuối cùng từ góc dưới xương bả vai đến quá gót chân rồi cố định bằng năm nút băng: bàn chân, gối, giữa đùi, hông, ngực. Kỳ binh kia đã ngất hẳn.

Vết thương đã được sơ cứu xong song hơi thở của kỳ binh chỉ còn thoi thóp. Tôi biết rằng nếu vượt qua mức độ đau đớn của con người có thể chịu đựng thì người bị thương có thể hôn mê, thập chí tử vong. Dù hơi thở rất yếu nhưng xem ra cũng còn may mắn lắm. Quân y chỉ có thể tận tâm chữa trị, những việc còn lại đành phó mặc cho trời.

Cứ thế cáng nọ nối tiếp cáng kia, binh lính chuyển thương vào ra không nghỉ. Có những lúc đầu tôi như bị vỡ ra bởi tiếng kêu la thảm thiết, tiếng gọi trợ giúp, tiếng sai bảo của Trần Uy. Đôi mắt vốn dĩ tinh tường nhìn lâu vào máu khiến xung quanh tôi đất trời đảo điên, nhìn đâu cũng chỉ thấy những mảng xanh lá đến nhưng nhức con ngươi(7).

Sang đầu giờ Thìn lính bị thương chuyển về đã vãn. Bấy giờ tôi mới lảo đảo đi ra phía bên ngoài, ngồi phịch xuống tựa vào gốc cây lấy sức. Cả một đêm thức trắng, bộ đồ đen trên người loang lổ những vệt máu khô cong, bết chặt vào trên ống tay và cả vùng trước ngực. Một binh lính đi ngang qua tiện tay ném cho tôi ống tre đựng nước, tôi chẳng buồn hỏi mà chỉ ngửa cổ tu ừng ực. Vừa lúc này đằng xa có tiếng trống truyền tới, kế đó khắp trại vang dồn tiếng thanh la, tiếng chiêng, tiếng trống đáp lại. Tôi hoảng hốt nghển cổ trông ra, trong lòng chỉ có một nỗi sợ duy nhất là nơi đây bị tập kích. Trái hẳn với tôi, binh lính bên cạnh hồ hởi nhảy cẫng lên, reo hò:

"Tốt quá! Quân ta thắng rồi! Thành Phong Châu bị hạ rồi!"

***

Hạ được thành Phong Châu là một sự kiện đáng để ăn mừng, không chỉ với riêng Long Đĩnh mà còn với cả con dân Đại Cồ Việt nói chung. Sau khi vua Lê Đại Hành băng thệ, các hoàng tử tranh ngôi, loạn thân vương suốt tám tháng ròng. Tình hình yên ổn, Long Đĩnh vừa nắm được hoàng vị thì lập tức Ngự Bắc Vương, Trung Quốc Vương, Ngự Man Vương thi nhau làm phản, Đại Cồ Việt lại chìm trong khói lửa binh đao. Nay phản tặc đại bại, trước mắt xem như nội chiến đã bị dẹp yên(8).

Ngay trong ngày hôm đó toàn bộ binh lính di chuyển vào thành. Ròng rã chinh chiến suốt mấy tháng lại phải đánh liền hai trận, Long Đĩnh lệnh cho binh lính thả trại, ở lại Phong Châu mười ngày vừa là để ổn định tình hình mà cũng là để cho mọi người có thời gian nghỉ ngơi sau đó mới quay trở về kinh thành.

Việc của quân y cùng đám y sinh chúng tôi cũng chỉ bận rộn cỡ dăm bảy ngày nữa là đâu vào đấy. Đối với binh lính bị thương trong trận chiến sẽ được cấp cho tín phiếu, ở lại Phong Châu để điều trị. Nếu có người thân quen trong doanh trại cũng được lưu lại một, hai người để tiện bề chăm sóc, giúp đỡ cho đến khi người bệnh khỏi hẳn sẽ đưa về dinh. Phàm binh lính hi sinh trong trận chiến đều được Lịch Vũ hạ lệnh mai táng cẩn thận, lại phát đồ ăn theo quy chế để làm lễ tế. Hễ ai trái lệnh lập tức bị xử theo tội cố khí(9)(10). Từ trên xuống dưới toàn doanh trại răm rắp nghe theo.

Đợi đến khi chừng đấy việc quan trọng xong xuôi thì vị chúa thượng ở trên cuối cùng cũng tỏ một chút thành ý. Y cho mở tiệc khao quân, ấn định tổ chức tiệc vào hai ngày nữa. Chỉ vừa nghe tin tức được hội họp chè chén tôi bỗng thấy yêu đời hẳn, cả ngày trưng ra điệu bộ tiểu nhân đắc chí. Không vui sao được, vất vả từ lúc xuyên không đến giờ vẫn còn sống mà thưởng thức đồ ăn ngon cũng coi như khổ tận cam lai rồi!

Tiệc khao quân sẽ mổ mười trâu, trăm con gà, đồ trăm đấu gạo, thưởng hai trăm vò rượu nếp, một trăm vò rượu nếp cẩm, mười vò rượu hoa cau. Tôi lờ mờ nhận ra có điều gì đó kỳ lạ ở đây. Từ trên xuống dưới doanh trại số người phải tính bằng đơn vị nghìn nhưng sao lại chỉ có mười vò rượu hoa cau thế kia? Khỏi phải nói cũng biết rượu hoa cau kia nhất định là hàng hiếm, mà hiếm thì khả năng ngon sẽ rất cao. Mỗi người uống một giọt thì cũng đến hơn nửa binh lính chỉ được liếm mỗi cái vò. Sao lại có thể keo kiệt đến mức này nhỉ? Tôi thầm sỉ vả Long Đĩnh trong lòng, nhân tiện xác định được mục tiêu của mình.

Điều 1: Nhất định phải thử rượu hoa cau!

***

Ánh tịch dương đằng Tây vừa tắt, bóng tối trùm xuống thành Phong Châu cũng là lúc lửa trại được đốt lên. Mùi thơm của lá bạch đàn khô cong lách tách cháy trong những bếp lửa quyện cùng mùi thịt nướng thơm lừng, mùi của những chõ xôi nếp và cả mùi rượu ngào ngạt làm cho binh lính ai nấy đều trông vui vẻ, có sức sống hẳn lên. Ngay cả đám Thân quân dữ tợn thường ngày cũng bớt đi bảy phần hung hãn, hông dắt kiếm bệ vệ đi khắp nơi hỏi han trò chuyện. Có mấy kẻ cả người quấn băng trắng xoá cũng cố lết ra tiệc khao quân chung vui. Cả doanh trại nô nức chẳng khác nào đi hội.

Lịch Vũ bỏ xuống lớp giáp sắt oai vệ thường ngày, khoác lên mình một chiếc áo viên lĩnh màu lam nhạt thêu chỉ bạc, thắt lưng cũng bằng bạc lại nạm thêm mấy viên đá xanh ngọc vô cùng bắt mắt. Khác với đa số binh lính trong trại y không búi hay cắt ngắn, tóc Lịch Vũ chỉ cột cao lên trông có vẻ rất tuỳ hứng nhưng cũng đặc biệt khí chất, gọn gàng. Nếu chỉ xét riêng về góc độ thẩm mỹ thì tôi có lời khen cho y. Một người đàn ông thanh nhã như vậy nếu gặp ngoài đường thì khó lòng mà tưởng tượng y lại là tướng lĩnh giết người không ghê tay.

Tôi theo hầu phía sau Lịch Vũ, y ngồi ngay sát gần ghế rồng của Long Đĩnh. Phía bên dưới vẫn còn mấy mươi ghế được sắp thẳng hàng, chia làm hai dãy, dựa theo phẩm trật(11) từ chức to đến chức bé nối nhau ngồi đến xa tít tắp không rõ mặt. Nhân lúc Long Đĩnh còn chưa đến tôi ngọt nhạt hỏi Lịch Vũ:

"Bẩm Đô chỉ huy sứ, rượu hoa cau có phải quý lắm không?"

"Rất quý!" - Lịch Vũ gật đầu, nói đoạn ôn tồn giảng giải - "Thường nhất là rượu tẻ. Rượu nấu từ gạo nếp thì ngon hơn. Rượu nếp cẩm màu đỏ sẫm, vị ngọt hơn rượu trắng. Rượu hoa cau là quý nhất. Trồng cau để lấy quả ăn trầu, không dễ để bỏ quả lấy hoa ngâm rượu."

Tôi cho là phải. Ở thời kỳ này già trẻ lớn bé, ai ai cũng ăn trầu. Cau và trầu lại càng được giá. Lấy hoa cau xuống cũng đồng nghĩa bỏ đi quả vụ đấy, vậy ra loại rượu này quý hiếm là phải. Ở thời đại của tôi dường như thứ rượu này đã thất truyền. Lần gần nhất tôi nghe về "rượu" và "cau" là có ai đó đã nhập viện nguy kịch vì rượu ngâm hạt cau khô. Chẳng biết vị "bartender"(12) nào có thể nghĩ ra thức uống tai hại đến vậy!

Mọi người yên vị ai vào chỗ nấy thì Long Đĩnh mới xuất hiện. Y mặc áo lụa đỏ, hông đeo bạch ngọc vô cùng xa hoa. Chúa thượng vừa xuất hiện thì toàn quân đồng loạt hô vang "Vạn tuế" rầm trời. Khoé môi Long Đĩnh chỉ hơi cong lên rồi lấy lại vẻ trầm tĩnh như thường ngày. Liền đó Bạch Vỹ theo hầu phía sau cẩn thận rót một chén rượu dâng lên cho chúa thượng. Theo sau là một đám người mang mười vò rượu đi lên, bắt đầu châm tửu từ chỗ Lịch Vũ. Tôi cố tình rướn người lên phía trước quan sát cho rõ, miệng lẩm bẩm: "Rượu hoa cau! Nhất định là rượu hoa cau!".

Vò rượu vừa mở ra thì tất thảy ai nấy đều phải trầm trồ. Hương cay nồng của rượu nếp ủ lâu ngày hoà cùng mùi hương rất ngọt, rất thanh của hoa cau khiến cho mưa gió rét mướt nơi chiến trường trong giây lát chỉ như gió thu thoảng trong vườn nhà, mưa xuân đọng trên mái hiên. Một bầu rượu ngon làm tiêu tan nỗi lo trần tục(13). Được thưởng thức rượu hoa cau một lần thì dù cho bị nhịn đói dăm bảy ngày tôi cũng chẳng còn luyến tiếc gì nữa.

Khai tiệc.

Tôi còn đang tính toán đủ loại mưu hèn kế bẩn xem làm thế nào để mình có thể thử được rượu hoa cau, xung quanh mọi người chè chén ăn uống vui vẻ thì bỗng dưng vang lên tiếng hát. Tôi tròn mắt. Ai? Kẻ nào? Sao đang yên đang lành lại hát trong tiệc khao quân của Lê Long Đĩnh cơ chứ? Kẻ này đúng là chọn cái chết rồi! Ngươi không bị giao long cắn thì ai bị?

Tôi quay lại nơi phát ra âm thanh đấy thì bất ngờ đến mức ngã ngửa ra đằng sau. Hình ảnh mà cả đời này, à không cả đời sau hay có xuyên không bao nhiêu lần tôi cũng không dám tưởng tượng. Là Lê Long Đĩnh, chính là vị bạo chúa trong truyền thuyết đang cất tiếng hát giữa tiệc khao quân?

Đúng vậy!

Trời đất quỷ thần ơi, chuyện gì vậy trời?

Tôi dụi mắt hai lần, rõ ràng tôi không hề say nhưng sao lại thấy Lê Long Đĩnh vừa mặc áo lụa đỏ vừa đứng hát mời rượu binh lính thế kia? Chắc chắn là do những ngày tháng qua vất vả làm việc đến độ thần kinh suy nhược sinh hoang tưởng. Quả thật hình tượng này so với Long Đĩnh ngang ngược trong tâm tưởng của tôi cách xa một vạn tám nghìn dặm. Sai trái! Vô cùng sai trái!

Nhưng dù tôi có phủ nhận thế nào đi chăng nữa thì rõ ràng vẫn là vị chúa thượng ngang tàng đó đang đứng trước mặt. Giọng hát thì có vẻ cũng hay nhưng tôi không tài nào hiểu được lời lẽ trong đó có ý gì. Thấy tôi nhấp nhổm như đứng trên ổ kiến lửa, Lịch Vũ tựa hẳn người vào ghế, hơi nghiêng đầu như thể đã sẵn sàng nghe mười vạn câu hỏi vì sao. Đợi Long Đĩnh hát xong tôi mới dám nuốt nước bọt, thì thào với Lịch Vũ:

"Đô chỉ huy sứ, sao chúa thượng lại hát ạ?"

Lịch Vũ không quay lại mà chỉ bảo:

"Đại Hành tiên đế vốn xuất thân là Thập Đạo Tướng Quân. Lệ cũ người thường mặc áo lụa, tự hát mời rượu mỗi khi khao quân hay yến tiệc quan trọng. Chúa thượng lấy đó làm gương không có gì là lạ cả."(14)

Hoá ra là vậy. Môi tôi vô thức trề xuống. Dù câu trả lời của Lịch Vũ nghe có vẻ hợp lý nhưng ghép lên hình tượng Long Đĩnh trong đầu tôi thì cực kỳ sai lệch. Thôi thì Lê Long Đĩnh bạo ngược hà khắc, ba tháng hạ hết ba anh em của mình vẫn dễ chấp nhận hơn là người đang hát trước mặt tôi đây.

Lịch Vũ tự mình rót rượu, phẩy tay:

- Đam, hôm nay là tiệc khao quân không cần theo hầu. Đi tìm La Đạc chơi đi.

Nghe mấy lời kia của Lịch Vũ tôi tròn mắt, mừng mừng rỡ rỡ hỏi lại:

"Thật chứ ạ?"

Lịch Vũ gật đầu, tôi vui đến mức chỉ thiếu điều nhảy cẫng lên. Lúc này mới nhớ ra nguyện ước uống rượu hoa cau của mình khó lòng mà thực hiện được nên chỉ biết nhìn về vò rượu, chép miệng tiếc rẻ rồi chạy biến đi mất. Nhanh chân lên trước khi tiệc tàn. Ăn cỗ đi trước lội nước theo sau. Giờ thì chả còn sớm sủa gì nữa nhưng cũng không thể để muộn được!

Chức tước của La Đạc chẳng phải dạng cao gì nhưng ở trong doanh trại này tìm Đạc thì lại đơn giản. Giữa mấy ngàn quân chỉ cần tìm mái đầu nào trắng nhất, to miệng nhất chắc chắn là y. La Đạc đang ngồi với một hội gần chục người, thấy tôi đến cả đám mừng như bắt được vàng. Có hai tên trong số đó tận tay tôi mới băng bó tối qua. Thêm La Đạc, Lê Sương và Trần Chất là ba người được vào vòng thi cuối cùng của buổi cung khảo. Tôi thì đâu có quen hết cả đám người kia nhưng rượu vào thì tất cả mãi mãi là anh em. La Đạc lôi ra vò rượu nếp cẩm, kéo tôi lại thì thầm:

- Uống nhanh đi, mãi mới thó được từ bọn du binh(15).

Không nói nhiều, nghe đồ phải đi trộm chắc chắn là của ngon rồi. Tôi đổ một chút ra gáo dừa, một hơi tu hết sạch. Ái chà chà!!! Tôi "khà" lên một tiếng rõ to. Quả là rượu ngon, rượu ngon. Uống một hơi thấy ngọt lịm, càng uống lại càng ngọt hơn. Cả đám bù khú với nhau, kẻ cắt thịt người châm tửu, mãi cho đến nửa đêm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Rượu này uống một hơi thấy ngọt lịm, càng uống lại càng ngọt hơn, bảo sao phải đi trộm là phải. Cả đám thấy tôi khen liền vui vẻ ra mặt, kéo tôi ngồi xuống bù khú với nhau, kẻ cắt thịt người châm tửu, mãi cho đến nửa đêm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhưng rõ ràng rằng tôi nên dừng vào lúc đấy, hoặc thậm chí là không nên uống một ngụm rượu nào trong tình cảnh giả trai này. Khoảnh khắc mà tôi bắt đầu lải nhải về lược sử loài người, về Homo sapiens(16) và Neanderthals(17) với những người sinh sống ngàn năm về trước có nghĩa là tôi đã say đến mức không làm chủ được cái lưỡi của mình. Hoạ bao giờ cũng từ miệng mà ra! 

Tiệc tan hẳn La Đạc và Trần Chất mới bá vai bá cổ dìu tôi về lều. Cả 3 đi xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu va hết chỗ nọ đến chỗ kia. Rượu vào lời ra, tôi không ngừng lè nhè lải nhải:

- Các anh biết gì không? Sapiens ngày càng phát triển theo chiều hướng không tuân thủ quy luật tạo hóa. Haha...Ha...Tiến hoá theo tạo hoá rồi lại không tuân thủ. Haha

Trần Chất đưa tay lên bịt miệng tôi không cho nói nữa, thẳng tay ném tôi vào lều rồi y cùng La Đạc lại khoác vai nhau tiếp tục vừa đi vừa ngã.

"Say à?"

Tôi đang nằm trên đất như một con nhái, nghe tiếng người liền ngẩng lên nhìn thì thấy Lịch Vũ. Ồ, sao thế nhỉ? Sao lại ở lều của Lịch Vũ nhỉ? Tôi cười cười, ngây ngốc gật gật đầu. Y vẫy tôi lại gần:

"Đặc biệt xin thêm một ly thưởng cho ngươi."

Tôi đi về phía Đô chỉ huy sứ theo điệu vắt sổ, nói đoạn hít hít ly rượu Lịch Vũ đang cầm trên tay.

"Là rượu hoa cau ạ? Thơm quá!" - Tôi ngồi phịch xuống bên cạnh, đón lấy ly rượu kia rồi một hơi tu cạn, quẳng cái ly xuống sàn, đưa hai tay lên ôm má Lịch Vũ:

"Người là sapiens đẹp trai nhất mà tôi từng gặp."

Sau đấy tôi hôn chụt một cái vào má rồi ngất đi!



Chú giải:

(3) Thái Thường Tự: giữ việc lăng miếu, lễ nhạc nghi chế, thiên văn thuật số, áo mũ. Nhà Tống coi trọng Thái thường tự nên coi chủ quan liệt dưới Thượng thư 6 bộ nhưng danh vọng ngang bộ Lại. (Theo Từ điển Chức quan Việt Nam)

(4) Giáo thụ: chức danh học quan bắt đầu đặt từ thời Tống. (Theo Từ Điển Chức Quan Việt Nam)

(5) giáp mây: áo giáp làm bằng cây mây.

(6) kỳ binh: ​​(Cờ binh) có nhiệm vụ chính là cầm cờ và là người đầu tiên đứng trên chiến trận. Cờ binh đứng đầu tiền tuyến, phất cao ngọn cờ tung bay trong gió và đẩy nhuệ khí của binh sĩ lên cao nhất.

(7) Khi tập trung vào một màu trong khoảng thời gian dài mắt sẽ sinh ra hiện tượng dư ảnh, nhìn thấy màu bù của màu đó.

Màu bù của màu đỏ là xanh lá. Đây cũng là lý do các bác sĩ phẫu thuật thường mặc màu xanh lá.

(8)

"Nhà vua sai chém Long Kính, tha tội cho Long Ngận*. Nhân tiện, đem quân đi đánh Ngự Man Vương Long Đinh ở Phong Châu; Long Đinh phải đầu hàng. Từ đó các vương đều chịu phục cả." (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục) *Long Ngận hay Long Cân.

(9) cố khí: Bỏ người bạn cũ.

(10) Phỏng theo sách "Võ bị chế thắng chí" (Binh Thư Yếu Lược).

(11) phẩm trật: Thứ bậc trên dưới của quan lại.

(12) Bartender: người làm nghề pha chế đồ uống, thức uống chứa cồn, pha chế cocktail, mocktail...

(13) Một bầu rượu trắng tiêu tan nỗi lo trần tục: dịch nghĩa từ câu thơ "Nhất hồ bạch tửu tiêu trần lự" (Hạ nhật mạn thành - Nguyễn Trãi).

(14) "Hoàn thường mặc áo dệt hoa màu đỏ, đội khăn gắn ngọc trang sức, có khi tự ca hát mời rượu, không hiểu được lời lẽ." (Tống sử)

(15) du binh: binh lính thăm dò tình hình.

(16) Homo sapiens: người tinh khôn.

(17) Neanderthals: một loài trong chi Người đã tuyệt chủng.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.