Chương trước
Chương sau
Ý chỉ phong Phó Vân Anh làm giám quân của Chu Hòa Sưởng nhanh chóng lan tràn khắp nơi trong triều.
Nàng không đi Kinh Tương một mình, còn đưa cả mấy vị chủ sự ở Công Bộ, Hộ Bộ đi cùng. Trước đây Phó Vân Chương từng dâng sớ đưa ý kiến về chuyện xử lý lưu dân. Chu Hòa Sưởng cho rằng y có hiểu biết về chuyện này tốt hơn nữa chắc chắn không phải loại người làm bừa như Tào tổng đốc, còn cho rằng hai anh em có thể chăm sóc lẫn nhau, để y đi với Phó Vân Anh luôn.
Diêu Văn Đạt giật mình, sai lão bộc tới nhà dặn dò hai anh em Phó Vân Chương rằng sau khi tới Kinh Tương phải hành động cẩn thận, không nên xung đột chính diện với Tào tổng đốc.
Tú tài mà gặp phải binh, có lý cũng không nói rõ được. Từ trước đến nay, quan văn và quan võ vốn không hơp nhau, Tào tổng đốc lại là người dữ dằn, trước kia, khi còn phòng thủ ở Ninh Hạ từng có lần ẩu đả giám quân. Nếu không phải ông ta còn kiêng dè thân phận của giám quân, nói không chừng đã đánh chết người ta rồi.
Ngày tiễn bọn họ lên đường, Diêu Văn Đạt phồng râu trợn mắt, gọi Phó Vân Anh tới, "Nhất là ngươi đấy! Ngươi kiềm chế lại chút cho ta! Tuổi thì không lớn mà lúc nào cũng giật đùng đùng! Ngươi với Tào tổng đốc đều là mấy quả pháo, đốt phát nổ luôn! Học anh ngươi nhiều một chút. Kinh Tương là địa bàn của Tào tổng đốc, tới đó rồi thì kiềm chế lại, cái gì nhịn được thì nhịn đi."
Rồi ông ta lại nói với Phó Vân Chương: "Trông chừng em ngươi đấy, khuyên nó nhiều vào."
Phó Vân Chương cười mà không nói.
Hôm nay là ngày nghỉ, rất nhiều người tới tiễn họ. Những quan viên bình thường có quan hệ tốt với bọn họ đều tới cả. Vương các lão và Uông Mân cũng sai con trai tới dự bữa tiệc tiễn họ lên đường.
Thành viên thi xã đòi họ làm thơ, nếu không sẽ không cho họ đi, Phó Vân Anh vội vàng đánh trống lảng sang chuyện khác.
Hôm nay nàng mặc mãng phục, đội mũ sa, Kiều gia phía sau bưng hộp gấp đựng Thượng Phương bảo kiếm, áo rộng tay dài, thân cao dong dỏng như thanh tùng trên đỉnh núi sừng sững, đưa mắt nhìn quanh, có cảm giác tựa tiên nhân, làm cho người khác không thể không có cảm giác vừa yêu thương vừa trân trọng.
Giống hoa sen mới nở, chỉ có thể nhìn từ xa mà không thể kinh nhờn.
Mọi người yêu quý cốt cách của hai anh em họ, cười ha hả, không làm khó họ nữa, mỗi người ngâm mấy bài thơ đưa tiễn.
Đúng lúc đang lưu luyến không rời, có tiếng xôn xao truyền tới từ hướng cổng thành, mười mấy binh sĩ Cẩm Y Vệ hộ tống một chiếc xe ngựa che lọng đi về phía họ, người cưỡi ngựa đi theo bên cạnh hình như là Đô Chỉ Huy đồng tri.
Hai bên sườn xe là những nội quan mặc thiếp lý, đó rõ ràng là những người hầu hạ bên cạnh Thiên tử.
Mọi người kinh ngạc, im thin thít.
Phó Vân Anh đang định lên ngựa bỗng lại nhận ra người ngồi trên càng xe là Cát Tường, buông dây cương xuống.
Xe ngựa đã tới gần, Cẩm Y Vệ tản ra bốn phía, Đô Chỉ Huy đồng tri vén màn xe lên, Chu Hòa Sưởng bước xuống.
Sợ bị dân chúng nhận ra, hôm nay hắn không mặc thường phục của Hoàng đế, đội mũ trụ có vành, mặc một bộ trực thân cổ chéo bằng gấm thêu hoa văn chìm màu xanh đuôi yến, cầm trên tay một chiếc quạt xếp, ăn mặc như một công tử nhà giàu bình thường, mỉm cười nhìn xung quanh một lượt, ý bảo mọi người không cần hành lễ.
Đám quan viên vẫn khom người chào hỏi.
Chu Hòa Sưởng đi tới bên cạnh Phó Vân Anh, Cát Tường bưng một chiếc khay đỏ thẫm đi bên cạnh.
Trên khay có mười mấy chiếc trâm hoa bằng vàng nạm ngọc.
Chu Hòa Sưởng cầm một chiếc trâm lên, gài lên mũ sa của Phó Vân Anh, nhẹ nhàng nắm tay nàng, nhìn nàng bằng ánh mắt trông mong.
"Vạn sự giữ gìn."
Gió mùa hè thổi qua, không khí ẩm ướt lẫn mùi hoa cỏ rất nồng.
Phó Vân Anh mỉm cười, "Mong ngài cũng vậy."
Khóe miệng Chu Hòa Sưởng cong lên.
Sau đó, hắn lần lượt cài trâm hoa cho mấy người Phó Vân Chương, Tô Đồng, không cần nội quan nhắc cũng gọi chính xác tên từng người, cười nói: "Các khanh đều là rường cột nước nhà, Trẫm chờ đợi tin tốt của các khanh."
Hắn còn hỏi sau khi Tô Đồng rời kinh thì thu xếp cho vợ con thế nào, hỏi Hộ Bộ chủ sự việc ở nhà đã lo liệu tốt cả chưa, bảo nội quan chú ý quan tâm người nhà bọn họ.
Nội quan vội vàng chắp tay thưa vâng.
Được quân vương kỳ vọng cao như thế, một đám quan viên trẻ tuổi đỏ hoe cả mắt, tay siết chặt, cảm giác máu nóng trong người sôi lên sung sục, trong lồng ngực tràn ngập ý chí chiến đấu!
Mọi người mời Chu Hòa Sưởng trở về thành.
Hắn lắc đầu, đứng ở chỗ cao, nơi đầu gió, dõi theo Phó Vân Anh và đoàn người cưỡi ngựa rời đi. Đợi tới khi hình bóng bọn họ biến mất giữa những ngọn núi mênh mang trước mắt, hắn còn đứng nhìn rất lâu.
Đám quan viên tới tiễn bọn họ nhìn nhau, lén trao đổi qua ánh mắt.
May mà bọn họ có đến!
...
Trở lại cung, Chu Hòa Sưởng thay quần áo, trở về với thường phục của Hoàng đế, triệu kiến phó chỉ huy sứ của Binh Mã Tư.
Phó chỉ huy sứ vội vàng đi tới, ôm quyền nói: "Hoàng thượng, thần đã điều tra xong rồi ạ, những tên cướp đường đó đã chỉ điểm và xác nhận những kẻ thuê bọn chúng là người hầu nhà Trường Nhạc Hầu. Còn những người loan truyền tin đồn trong kinh là quan viên cấp thấp trong kinh, là khách quý của Khổng gia, qua lại gần gũi với Khổng quốc trượng. Hôm nay Phó đại nhân vừa rời kinh, những người đó đã không chờ nổi nữa, xúi giục quan viên ở Đại Lý Tự buộc tội Phó đại nhân, đã bị Tề thiếu khanh ở Đại Lý Tự bác bỏ hết một lượt, cúp đuôi đi rồi."
Chu Hòa Sưởng đứng trước bàn luyện chữ, nghe xong mấy lời này dừng tay lại.
Phó chỉ huy sứ nói tiếp: "Nhưng mà toàn bộ chứng cứ đều đã bị Phó đại nhân thiêu hủy... Có lẽ Phó đại nhân không định làm to chuyện này."
Chu Hòa Sưởng cúi đầu nhìn chữ mình mới viết.
Cát Tường quỳ gối bên cạnh đốt hương.
Chu Hòa Sưởng hỏi hắn: "Ngươi cũng giống Trẫm, quen biết Vân ca nhi nhiều năm. Ngươi nói xem, vì sao đệ ấy lại muốn giấu giếm chuyện này?"
Cát Tường vội vàng đặt chiếc hộp lụa bọc gấm màu xanh ngọc đựng hương xuống, cúi đầu nói: "Chuyện này... Thân phận Phó đại nhân quý trọng, nô không dám phỏng đoán suy nghĩ của Phó đại nhân."
Chu Hòa Sưởng nói: "Nghĩ gì nói nấy đi."
Cát Tường cúi đầu trầm tư, cân nhắc hồi lâu, chậm rãi nói: "Vạn tuế gia, không phải có câu "sơ bất gián thân" [1] hay sao?"
[1] Người xa không làm ngăn cách được người gần.
Khổng Hoàng hậu là người bên gối của hắn, Vân ca nhi chỉ là thần tử.
Ngòi bút dừng lại trên giấy hồi lâu, mực thấm ra thành một vệt đen lớn.
Chu Hòa Sưởng đặt bút xuống.
Trước đây hắn học hành không nghiêm túc. Là Thế tử, cả đời này hắn không cần lo chuyện ăn mặc, khi còn nhỏ lại ốm đau bệnh tật, ông già thương hắn còn chẳng hết, chưa bao giờ yêu cầu hắn học hành vất vả.
Tuy những cuốn sách đành hoàng nhưng buồn tẻ vô vị đó hắn có thể không đọc nhưng những thứ cơ bản như cầm kỳ thi họa thì vẫn phải học, không cần học tới mức tinh thông nhưng ít nhất phải biết một chút.
Nhưng cũng chỉ giới hạn trong biết một chút mà thôi.
Lúc còn ở thư viện, Vân ca nhi học hành khắc khổ hơn hắn gấp mười lần, hắn lười biếng la cà, chơi nhiều hơn học. Vân ca nhi học hành vất vả như thế nhưng chưa bao giờ ghét hắn vì hắn lười biếng, đệ ấy biết hắn không cần phải học những thứ đó.
Ông già từng nhắc nhở Chu Hòa Sưởng, nếu hắn bắt buộc phải khắc khổ học hành mới có thể tìm được lối ra, bên cạnh lại có một cậu ấm ăn không ngồi rồi đi ra đi vào, không tức chết đã là tốt lắm rồi, chắc chắn không làm bạn với kẻ đó.
Thuở thiếu niên hắn tùy ý làm bậy, khiến cho Vân ca nhi cũng bị dính vào, Vân ca nhi cũng không hề giận cá chém thớt với hắn.
Chuyện này đương nhiên cũng có liên quan tới thân phận tôn quý của hắn nhưng đa phần là bởi Vân ca nhi biết hắn không có ý xấu, không chấp nhặt với hắn.
Nhưng với Phó Vân Khải và Viên Tam, thái độ của Vân ca nhi lại khác hẳn. Nếu bọn họ dám lơ là việc học, Vân ca sẽ không nể nang chút nào chỉ ra lỗi sai, nghiêm khắc đốc thúc bọn họ sửa chữa sai lầm, định ra các quy tắc làm việc và nghỉ ngơi nghiêm ngặt cho bọn họ, thưởng phạt rõ ràng.
Từ đầu đến cuối Vân ca nhi vẫn rất tỉnh táo, biết Chu Hòa Sưởng không giống những người khác. Nhưng trong quá trình giữ gìn sự tỉnh táo này, Vân ca nhi vẫn trao cho hắn thiện ý lớn nhất.
Bởi sự tỉnh táo và lý trí này, Vân ca nhi mới không chủ động nói chuyện Khổng gia cho hắn.
Đúng như Cát Tường nói, sơ bất gián thân.
Chu Hòa Sưởng không để bụng chuyện Vân ca nhi giấu giếm hắn vài điều. Trước kia hắn là Thế tử, hiện giờ là Hoàng đế, có thể quyết định chuyện sống chết của rất nhiều người, Vân ca nhi chỉ là một người bình thường, không thể nào hoàn toàn không kiêng dè chút nào như hắn.
Trong số các triều thần, có rất nhiều đại thần muốn che mắt hắn, hắn không làm gì những người đó cả, hắn là Hoàng đế, không có nghĩa là hắn có thể khống chế suy nghĩ của người khác.
Hậu phi trong cung cũng có tính toán nho nhỏ.
Từ nhỏ Chu Hòa Sưởng đã lớn lên ở Vương phủ, tuy không hiểu sự đời nhưng hắn lại từng chứng kiến tất cả những thủ đoạn ngầm trong nội trạch. Mấy người hậu phi của hắn còn nhỏ, mới mười mấy tuổi, dù có thông minh thì lòng dạ vẫn chưa đủ thâm sâu. Hắn là người mười mấy tuổi đã biết nhân sự, những thủ đoạn nho nhỏ để tranh sủng của bọn họ hắn chỉ cần liếc mắt đã nhìn thấu.
Nhưng hắn chưa bao giờ vạch trần.
Hậu phi trong cung ai chẳng sống dựa vào sự sủng ái của hắn, bọn họ chanh chua cãi cọ, âm mưu tranh giành cũng chỉ là chuyện thường ở đời mà thôi.
Chỉ cần bọn họ không buông lời gièm pha gây hại cho người vô tội, Chu Hòa Sưởng có thể mắt nhắm mắt mở, giả vờ như không biết gì.
Có điều lần này bọn họ làm quá.
Chu Hòa Sưởng vo viên tờ giấy vừa viết hỏng, ném sang một bên, "Thẩm vấn tên hoạn quan kia tới đâu rồi?"
Cát Tường đáp: "Gia, hắn nói... hắn phụng ý chỉ của cung Khôn Ninh nên mới nói những lời sỉ nhục Phó đại nhân như thế."
Chu Hòa Sưởng thở dài, cúi đầu lau vết mực dính trên ngón tay.
Cung Khôn Ninh.
Hoa sen trong nội viện nở rộ, Khổng Hoàng hậu dậy sớm nên cảm thấy không thoải mái lắm, nữ quan đề nghị nàng ta tới nhà thủy tạ bên cạnh hồ sen hóng mát, ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài. Tầm mắt được giải phóng, trong lòng cũng thoải mái.
Bốn bề nhà thủy tạ che mành sa mỏng, chắn côn trùng bên hồ bay vào, gió mát thổi nhẹ, gió đưa tới hương sen tươi mắt, lá sen san sát, dập dềnh như những làn sóng xanh mướt.
Cung nữ nhanh chóng bước vào nhà thủy tạ, "Nương nương, Vạn tuế gia tới."
Khổng Hoàng hậu đang gối trên chiếc gối mềm bằng lụa tơ tằm lơ mơ ngủ, nghe vậy lập tức ngồi dậy, hỏi nữ quan xem đầu tóc quần áo mình có chỉnh tề không.
Trong nhà thủy tạ cũng có đồ trang điểm, nữ quan thoa cao hồng ngọc cho Khổng Hoàng hậu, vừa chấm một ít son môi, nội quan đã vén mành sa lên.
Chu Hòa Sưởng chắp tay sau lưng đi vào.
Khổng Hoàng hậu đứng dậy hành lễ. Từ sau khi nàng ta mang thai, Chu Hòa Sưởng thông cảm cho nàng bụng lớn cồng kềnh, lần nào cũng bảo miễn lễ.
Lần này hắn lại không nói một lời.
Khổng Hoàng hậu còn chưa cảm thấy điều gì, nữ quan đứng bên cạnh đã nhìn ra sắc mặt Chu Hòa Sưởng không bình thường, tim đập mạnh, lòng lo lắng.
Chu Hòa Sưởng liếc nhìn xung quanh một lượt.
Cung nữ đứng hầu xung quanh im thin thít, yên lặng lui ra ngoài.
Nữ quan thầm thở dài, cũng khom người rời đi.
Chu Hòa Sưởng ngồi xuống phía đối diện hồ sen, phóng tầm mắt về phía những bông sen đang đung đưa trong gió.
"Hoàng thượng?"
Người của cung Khôn Ninh đã đi hết, Khổng Hoàng hậu mới dần cảm thấy bất an.
Chu Hòa Sưởng liếc nhìn nàng ta một cái, "Nàng phái người chất vấn Vân ca nhi, mấy chữ lễ nghĩa liêm sỉ viết thế nào đúng không?"
Mặt Khổng Hoàng hậu biến sắc, siết chặt khăn lụa trong tay.
Chu Hòa Sưởng nhìn ra chỗ khác, "Vì sao nàng không tới hỏi Trẫm nhỉ? Trẫm có thể nói cho nàng đấy."
Giọng điệu của hắn vẫn như thường.
Nhưng Khổng Hoàng hậu lại kinh hãi, đúng là nàng ta từng vô tình nói tới chuyện mấy chữ lễ nghĩa liêm sỉ, nhưng nào đã nghĩ tới chuyện hỏi thẳng vào mặt Phó Vân đâu cơ chứ!
Nàng ta lấy lại bình tĩnh rồi nói: "Hoàng thương, thiếp chưa từng nói thế, dựa vào cái gì mà Phó Vân lại dám khẳng định là thiếp? Hắn nói năng bừa bãi!"
Chu Hòa Sưởng nhìn về phía Cát Tường.
Cát Tường hiểu ý, sai người dẫn nội quan ở Chung Cổ Tư kia tới.
Nội quan mắt ti hí bị người ta xách vào nhà thủy tạ. Hắn ngã xuống mặt đất, bò bằng đầu gối tới chân Khổng Hoàng hậu, "Nương nương, nô đều làm theo lời người dặn, người nói người hận Phó đại nhân thấu xương, bảo nô đi chất vấn Phó đại nhân vậy nên hôm cung yến Đoan Ngọ, nô mới cản đường Phó đại nhân. Nương nương, người cứu nô với..."
Khổng Hoàng hậu hoảng sợ.
Nội quan này là tâm phúc của nàng ta, đúng là trước mặt hắn, nàng ta đã từng oán giận chuyện Hoàng thượng quá tin tưởng Phó Vân, không gần gũi với Khổng gia, nội quan hứa sẽ giúp nàng ta giải tỏa mối lo này. Khi ấy nàng ta còn cho rằng cùng lắm nội quan chỉ thuận miệng nói vậy, hoàn toàn không để bụng.
Không ngờ nội quan lại còn đi thẳng tới chỗ Phó Vân cãi cọ, rồi lại bị kiện tới tận chỗ Hoàng thượng!
Vành mắt Khổng Hoàng hậu đỏ hoe, "Hoàng thượng, đúng là thần thiếp không thích Phó Vân, nhưng hắn là mệnh quan triều đình, thiếp là phụ nữ trong thâm cung, sao có thể làm khó Phó đại nhân cơ chứ?"
Vừa dứt lời, nội quan của Chung Cổ Tư đã dập đầu liên tục với nàng ta, "Nương nương, nô phụng mệnh làm việc, làm sao người có thể thề thốt phủ nhận như thế? Nô còn nhớ người từng nói, người nói hiện giờ người không thể làm gì Phó đại nhân, đợi tới khi người sinh hạ được Thái tử, sớm muộn gì cũng sẽ xử lý Phó đại nhân..."
Khổng Hoàng hậu trợn trừng mắt, mặt mày đầy vẻ khiếp sợ.
"Hoàng thượng, thiếp không nói thế!" Nàng ta cuống quýt kéo cánh tay Chu Hòa Sưởng.
Chu Hòa Sưởng dường như cố ý, lại tựa như vô tình, đúng lúc này thu cánh tay đang gác trên đầu gối lại, tránh cánh tay đang đưa tới của nàng ta.
Hắn giơ tay lên.
Nội quan đi vào, kéo gã nội quan của Chung Cổ Tư đang quỳ rạp xuống đất xin tha ra ngoài.
Nước mắt Khổng Hoàng hậu tràn mi, "Hoàng thượng, thiếp thật sự không nói như thế!"
Cát Tường đứng bên cạnh cúi đầu.
Cái gã nội quan của Chung Cổ Tư kia thật sự quá độc địa, tất cả những chuyện nhằm vào Phó đại nhân trước kia đều chẳng nói làm gì. Chính câu nói ban nãy mới thực sự đẩy Hoàng hậu vào hố lửa đấy!
Sinh hạ được Thái tử liền xử lý công thần đã nâng đỡ Hoàng thượng đăng cơ... Thế thì chờ Thái tử lớn lên, chẳng phải Khổng gia sẽ không còn coi Hoàng thượng ra gì nữa hay sao?
Phi tử trong hậu cung mới có mười mấy tuổi thôi mà! Xinh đẹp như hoa tươi mà lòng dạ lại thâm sâu như vậy.
Cát Tường lạnh cả sống lưng.
Nước mắt Khổng Hoàng hậu rơi như mưa.
Nếu là cách đây mấy ngày, Hoàng thượng thấy nàng ta rơi lệ thì đã bắt đầu ôn tồn mềm giọng an ủi nàng ta, biết nàng ta ăn không thấy ngon, còn đích thân đút cho nàng ta ăn, che chở sủng ái nàng ta như một đứa trẻ.
Các cung nữ đều hâm mộ nàng ta. Thử hỏi trên thế gian có bao nhiêu người chồng sẽ đút cho vợ mình ăn chứ?
Hôm nay, nàng ta khóc, Hoàng thượng lại ngồi đó thờ ơ.
Ban đầu nàng ta chỉ khóc vì tủi thân, cuối cùng lại thực sự cảm thấy đau lòng.
Chu Hòa Sưởng liếc nhìn nàng ta, ra hiệu cho thị vệ để nữ quan vào chăm sóc cho nàng ta.
"Trẫm biết nội quan kia sỉ nhục mệnh quan triều đình không phải xuất phát từ ý định của bản thân ngươi, châm chọc Vân ca nhi là Hàn Vương Tôn cũng không phải lời nói của ngươi."
Khổng Hoàng hậu ngẩng đầu, nước mắt ướt sũng mi, bởi mới thoa cao hồng ngọc, quanh khóe mắt dính dính.
Chu Hòa Sưởng chậm rãi nói tiếp, "Chuyện thuê kẻ cướp ám sát Vân ca nhi ở ngoại thành cũng chẳng phải do anh trai ngươi làm."
Nghe đến câu này, nữ quan hãi hùng khiếp vía.
Khổng Hoàng hậu sững sờ ngơ ngác.
Chu Hòa Sưởng nói tiếp: "Nhưng toàn bộ chứng cứ đều cho thấy là anh trai ngươi làm. Cha và anh trai ngươi suốt ngày buông lời oán hận trên bàn tiệc, ngươi cũng thường nói xấu Vân ca nhi trước mặt cung nhân, anh trai ngươi còn nói nếu ngày nào đó Vân ca nhi có bị làm sao, hắn nhất định sẽ mua mấy ngàn dây pháo đốt chúc mừng, đủ loại người ra vào Khổng gia toàn là những kẻ thích gây chuyện thị phi, người ở trong lẫn ngoài kinh sư đều biết người Khổng gia hận Vân ca nhi thấu xương... Hoàng hậu, ngươi nghĩ lại mà xem, nếu Vân ca nhi có gì bất trắc, người trong thiên hạ sẽ nghĩ thế nào, Trẫm sẽ nghĩ thế nào?"
Cẩm Y Vệ đi Nam Kinh điều tra Trường Nhạc Hầu, nghe nói lúc uống say, Trường Nhạc Hầu từng nói bậy nói bạ, nói hắn là cậu ruột của Thái tử, quân tử báo thù mười năm chưa muộn, hắn sớm muộn gì cũng có thể báo được mối thù ở Đại Lý Tự. Cẩm Y Vệ nhân dịp hắn say rượu, hỏi hắn có biết chuyện bọn cướp đường kia không, hắn tưởng nhầm là Vân ca nhi đã bị hại, lại còn cười ha hả, nói Vân ca nhi chết chưa hết tội.
Chu Hòa Sưởng thở dài một hơi, "Hoàng hậu, Vân ca nhi không tới tìm Trẫm kể tội, đệ ấy biết cả nhà các ngươi đều bị lợi dụng, có người định nhân cơ hội này tạo mâu thuẫn giữa hậu cung của Trẫm và thần tử và Trẫm tin tưởng nhất, để các ngươi trai cò đánh nhau. Đệ ấy thà một sự nhịn là chín sự lành, giúp Khổng gia vùi lấp tất cả chứng cứ để Trẫm không cãi cọ với ngươi."
Khổng Hoàng hậu vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi, tức giận đến mức run lên lẩy bẩy, nghiến răng nghiến lợi, "Là ai đã hãm hại thiếp? Có phải Triệu Hiền phi không?"
Nhìn thấy ánh mắt lạnh lùng của Chu Hòa Sưởng, nàng ta sững sờ một lát, nước mắt rơi lã chã, "Hoàng thượng, hiện giờ thiếp mang thai, bọn họ liền nhân cơ hội này hãm hại thiếp..."
Chu Hòa Sưởng đè tay nàng ta xuống.
"Hoàng hậu, nội quan vừa nãy là nội gián người khác xếp vào cung Khôn Ninh... Khổng gia bị người khác hãm hại, chuyện này là thật. Nhưng mà những lời mà cha và anh ngươi chính miệng nói ra cũng là thật."
Khổng Hoàng hậu nghẹn ngào nói, "Cha và anh thiếp rượu vào lời ra, nói năng lung tung, làm sao có thể nói là thật."
Chu Hòa Sưởng bật cười.
"Thế lời Hoàng hậu nói thì sao? Ngươi đâu có say."
Chân tay Khổng Hoàng hậu lạnh toát, trong lòng chợt cảm thấy tủi thân và phẫn uất vô cùng, "Hoàng thượng, ngài trách thiếp sao? Thiếp chỉ thương cho anh trai, oán giận mấy câu với người bên cạnh mà thôi, chưa từng thực sự làm hại Phó Vân."
"Trẫm biết." Chu Hòa Sưởng thở dài, rồi lại đổi giọng, "Nhưng ngươi là Hoàng hậu, ngươi chỉ cần có loại suy tính này, nói ra mấy lời, thể nào cũng sẽ có người chủ động đi làm thay ngươi. Hoàng hậu, mỗi lời nói, mỗi hành động của ngươi, không phải là chuyện của mình ngươi thôi đâu."
Khổng Hoàng hậu cắn môi.
Chu Hòa Sưởng nhìn nàng ta, biết nàng ta vẫn không cam lòng.
Khổng Hoàng hậu coi hắn là chồng mình chứ không phải Thiên tử. Nàng ta hâm mộ Trương Hoàng hậu trong sử sách, người đã từng được độc sủng, hy vọng hắn cũng có thể giống như Hiếu Tông, tuy hai người là Đế Hậu nhưng có thể có một cuộc sống bình thường như dân chúng.
Cả cuộc đời, Hiếu Tông chưa từng nạp phi, chỉ có một mình Trương Hoàng hậu, hai vợ chồng họ sớm chiều có nhau, giống những đôi vợ chồng bình thường, vô cùng yêu thương nhau. Nhà mẹ đẻ của Trương Hoàng hậu một người đắc đạo gà chó lên trời, Trương Hoàng hậu yêu thương anh em, dung túng người trong tộc làm xằng làm bậy, cả đời Hiếu Tông chưa từng trừng trị người Trương gia.
Trong mắt Khổng Hoàng hậu, vợ chồng là tuy hai mà là một, bọn họ mới là những người gần gũi nhất trên đời của nhau, hắn hắn phải đứng về phía Hoàng hậu.
Nhưng giờ Chu Hòa Sưởng là Thiên tử, hơn nữa còn là một Thiên tử mong muốn đạt được thành tựu.
Hắn chấp nhận bao dung người Khổng gia nhưng liệu Hoàng hậu có thể vì hắn mà chấp nhận thay đổi hay không?
Nếu đã là Đế Hậu thì phải gánh vác được trách nhiệm của Đế Hậu chứ không phải vừa muốn hưởng thụ những đặc quyền mà vị trí Đế Hậu mang lại, vừa oán giận rằng quá nhiều trói buộc, không thể muốn nói gì thì nói nấy như người bình thường.
Những kẻ hãm hại Khổng gia chưa chắc đã thật sự muốn giết Vân ca nhi. Bọn chúng tạo mâu thuẫn từ cả hai phía để tăng lợi thế, vừa châm ngòi thổi gió bên tai Khổng Hoàng hậu, khơi gợi sự căm ghét của Khổng Hoàng hậu với Vân ca nhi, vừa tiếp cận người Khổng gia ở ngoài cung, chẳng cần tốn nhiều công sức cũng có thể đẩy Trường Nhạc Hầu vào bẫy.
Dù bọn chúng có thành công hay không, Chu Hòa Sưởng cũng không thể đối xử với Khổng Hoàng hậu giống như trước kia nữa.
"Chuyện này ngươi không phải lo, Trẫm sẽ xử lý tốt."
Chu Hòa Sưởng đứng dậy, gió thổi từ hồ sen tới, quần áo bay phần phật. Gương mặt ngây thơ một thời càng lúc càng trở nên thâm thúy, từng động tác cử chỉ đều thể hiện cái uy của bậc quân vương.
"Hoàng hậu, hiện giờ ngươi có mang, cần dưỡng thai cho tốt. Về phần công việc trong cung, cứ giao cho nữ quan xử lý trước đã."
Hắn thở dài khe khẽ, xoay người rời đi.
Hai mắt Khổng Hoàng hậu nhòe nhoẹt nước mắt, nhìn theo bóng dáng hắn, không nói nên lời.
...
Sau khi trở lại cung Càn Thanh, Chu Hòa Sưởng triệu kiến Cẩm Y Vệ chỉ huy sứ, lệnh cho hắn cậy miệng tên nội quan của Chung Cổ Tư kia, điều tra rõ xem trong cung Khôn Ninh rốt cuộc còn bao nhiêu tai mắt của những người khác nữa.
Nhân cơ hội này, hắn định quét sạch những kẻ không có quy củ trong chốn hậu cung.
Chỉ huy sứ thưa vâng.
Trời nóng, vừa đi ra ngoài một chuyến, quần áo Chu Hòa Sưởng đã ướt đẫm, đi phòng tắm tắm gội, thay một bộ áo bào cổ chéo bằng vải bông, nằm trên giường cạnh cửa sổ nghỉ ngơi.
Cát Tường quỳ gối bên cạnh quạt cho hắn.
Chu Hòa Sưởng nhắm mắt lại hỏi hắn: "Ngươi biết điều khiến Trẫm tức giận là gì không?"
Cát Tường cúi đầu, không dám hé răng.
Chu Hòa Sưởng tự hỏi tự đáp: "Bên ngoài không hề có lời đồn như vậy, vậy mà trong cung loan truyền những lời nói như thế này. Nàng ta là Hoàng hậu, việc đầu tiên cần làm hẳn là điều tra rõ ràng xem lời đồn phát ra từ đâu, trừng trị kẻ tung tin đồn, làm trong sạch không khí trong cung, khiến Trẫm không phải lo tới chuyện hậu cung. Nhưng nàng ta lại tin lời đồn, để mặc lời đồn lan truyền, còn bàn luận về đại thần trong triều trước mặt cung nhân."
Hắn thở dài.
"Trong mắt nàng ta, Trẫm là loại quân vương ép buộc triều thần lấy sắc thờ người hay sao?"
Nếu như hắn thực sự có cái loại tâm tư đó với Vân ca nhi, nhất định sẽ không đẩy đệ ấy tới đầu sóng ngọn gió. Sự tin tưởng cộng thêm ham muốn của quân vương sẽ khiến cho cả đời Vân ca nhi cũng không thoát khỏi cảnh bị bêu danh là xu nịnh, thậm chí sử sách đời sau cũng sẽ không bỏ qua cho đệ ấy, cho dù đời này đệ ấy lập được bao nhiêu công lao, cũng vẫn sẽ bị người đời sau nhạo báng.
Hơn nữa, nếu như Chu Hòa Sưởng hắn thực sự thích đàn ông thì còn cần phải che che giấu giấu sao?
Thích thì cứ thoải mái mà thích.
Bên cạnh hắn chẳng có một nam sủng nào, tại sao Hoảng hậu lại cứ khăng khăng tin rằng hắn có tư tình với Vân ca nhi cơ chứ?
Cậy sủng mà kiêu thực ra cũng đáng yêu đấy, nhưng cái kiêu này của Hoàng hậu lệch hướng rồi!
Chu Hòa Sưởng lắc đầu, mở bừng mắt, "Cây cao đón gió, Vân ca nhi quá nổi bật, đệ ấy đi Kinh Tương, không biết bao giờ mới quay về, nhất định sẽ có người nhân dịp hắn không ở đây để ly gián quan hệ giữa hai người chúng ta."
Hắn vẫn luôn ghi nhớ câu chuyện ba người thành hổ [2].
[2] Lời đồn thất thiệt lặp lại nhiều lần sẽ có thể che giấu chân tướng, khiến người ta tin tưởng là sự thật. Điển cố ở cuối chương.
Hắn cũng có lúc không tỉnh táo, nhỡ đâu bị người khác lừa, trong cơn giận dữ lại hại Vân ca nhi thật thì phải làm sao bây giờ?
Tuy rằng trước kia hắn đã cho đệ ấy thánh chỉ miễn tử, nhưng nói cho cùng cũng chẳng ăn thua gì.
Vân ca nhi là người chính trực, một lòng nguyện trung thành với hắn. Vì hắn, đệ ấy còn không thèm giữ thể diện cho Hoàng hậu, hắn không thể phụ lòng Vân ca nhi.
Chu Hòa Sưởng lẩm bẩm, "Trẫm có thể che chở cho Vân ca nhi nhất thời nhưng không che chở được cả đời, cần phải mau mau tính toán."
Cát Tường im thin thít, nhìn chằm chằm xuống đất.
Hắn bỗng nhiên hơi hiểu ra vì sao Phó đại nhân lại đắc tội với Khổng Hoàng hậu.
Trước kia hắn nghĩ mãi không ra, bằng bản lĩnh của Phó đại nhân, lúc trước hoàn toàn có thể nghĩ ra cách khác để xử lý vụ Trường Nhạc Hầu đánh chửi Tề thiếu khanh, cứ coi như lúc đó không được đi, lúc xong việc chỉ cần ngài ấy muốn làm thì chắc chắn đã có thể biến thù thành bạn với Khổng gia từ lâu rồi.
Nhưng dường như Phó đại nhân lại đột nhiên trở nên quá thẳng thắn tới mức cứng nhắc.
Tuy rằng nhờ việc này, Phó đại nhân đã trở thành thanh thiên lão gia thanh danh vang dội trong lòng dân chúng nhưng nếu như sau này Khổng gia đắc thế, Phó đại nhân sẽ gặp nguy hiểm đó!
Mấy vị đại thần nhìn xa trông rộng kia đều đang thầm châm biếm Phó đại nhân rằng ngài ấy cũng có lúc xúc động làm hỏng việc.
Cát Tường cũng từng lo lắng thay cho Phó đại nhân, hiện giờ mới hiểu ra được một chút.
Phó đại nhân mưu tính sâu xa lắm!
Ngài ấy lấy lui làm tiến, chẳng nói gì cả, khiến Hoàng thượng cho rằng ngài ấy bị thiệt thòi vô cùng, lại còn nghĩ cho tương lai của ngài ấy, muốn để lại đường lui cho ngài ấy.
Bằng sức ảnh hưởng hiện giờ của Phó đại nhân đối với Hoàng thượng, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày giống với Thẩm các lão trước kia, công cao chấn chủ, thậm chí ngài ấy có thể liên hợp với các đại thần khác để áp đặt Hoàng thượng.
Dù Hoàng thượng có tin tưởng ngài ấy đến đâu đi chăng nữa, vẫn sẽ có ngày nghi ngờ, xa lánh ngài ấy.
Phó đại nhân dứt khoát trở mặt với hậu cung, hoàn toàn cắt đứt liên hệ với hậu cung, chỉ trung thành với Hoàng thượng, chẳng thèm hợp tác với ai.
Chuyện này tương đương với việc phô bày nhược điểm của mình ra trước mặt người khác.
Cứ như thế, một mặt, Hoàng thượng sẽ không cảnh giác với ngài ấy, mặt khác, Hoàng thượng sẽ còn thương xót ngài ấy, chủ động lo lắng cho ngài ấy.
Ngoài ra, nếu trong tương lai xảy ra chuyện tranh giành vị trí kế thừa ngôi báu, Phó đại nhân sẽ không bị kéo vào, chỉ cần lo thân mình là được.
Sau này Thái tử lớn lên mà dám nói gì không tốt về Phó đại nhân, Hoàng thượng sẽ là người đầu tiên nhảy dựng lên mắng con trai: Ngươi định làm gì trung thần của cha ngươi?! Đến thiên hạ cha ngươi còn để lại cho ngươi, tại sao ngươi cứ nhất định phải nhằm vào công thần của cha ngươi thế?
Về chuyện sau này nếu Hoàng thượng không còn nữa, Phó đại nhân phải làm sao thì đều là chuyện tương lai, trước hết cứ sống mấy chục năm uy phong vẻ vang cái đã, chuyện đâu rồi sẽ có đó. Nếu cứ đi một bước đã phải tính chuyện cả con đường sau này phải đi thế nào thì mệt sao kể hết cơ chứ?
Ai mà biết liệu giữa đường có chuyện gì bất ngờ xảy ra hay không?
Vậy nên chuyện Phó đại nhân trở mặt với hậu cung, trong ba mươi năm tới, lợi nhiều hơn hại.
Cát Tường suy nghĩ hồi lâu, quyết định phải học tập Phó đại nhân nhiều hơn.
Là người hầu bên cạnh Hoàng thượng, hắn cũng không nên để mình bị cuốn vào phân tranh chốn hậu cung, cứ để mấy vị nương nương đó đấu với nhau đi thôi, hắn chỉ cần hầu hạ Vạn tuế gia cho tốt là đủ rồi.
...
Lúc Phó Vân Anh và mấy người Phó Vân Chương, Tô Đồng sắp đến khu vực Kinh Tương, nàng nhận được mật báo từ kinh sư.
Chu Hòa Sưởng lấy lý do là Hoàng hậu cần an tâm dưỡng thai, để nữ quan cung đình tiếp quản công việc ở hậu cung. Sau này, đàn ông Khổng gia không có lệnh của hắn, không được phép vào cung. Mỗi tháng Khổng thái thái có thể vào cung thăm Hoàng hậu một lần nhưng không được ngủ lại.
Mấy vị phi tần trong cung đều bị hạ vị phân, chuyển sang cung khác ở.
Hắn điều tra ra được trong cung có hơn ba trăm cung nhân từng bí mật tuồn thông tin ra ngoài, đuổi tất cả ra khỏi Tử Cấm Thành, cả đời không được quay lại.
Đám du côn lưu manh và phụ tá vô tích sự từng ỷ vào việc có quen biết với Khổng gia để làm xằng làm bậy khắp nơi trên phố phường cũng bị đuổi ra khỏi kinh.
Chỉ trong một thời gian ngắn, trước cửa Khổng gia vắng tanh, không còn ngựa xe tấp nập như trước.
Trên triều đình, hắn bắt bảy quan viên vì tội âm mưu nói xấu đại thần, tước công danh, đuổi về quê cũ.
Vì những chuyện này, không khí trong kinh đột nhiên lắng xuống.
Trong thư mật báo, Dương tỷ phu nói cả triều đình đều sửng sốt, các đại thần đều bị Chu Hòa Sưởng dọa cho sợ cứng người.
Phó Vân Anh đọc thư mật xong liền đốt luôn.
Hôm cung yến, lúc nội quan của Chung Cổ Tư chặn nàng lại, nàng nhìn thấy góc áo của Chu Hòa Sưởng thấp thoáng ở cửa sổ ngắm hoa đã biết hắn đang đứng đằng sau cửa sổ.
Trước kia hắn từng cố tình đi sau nàng, sau đó đột nhiên nhảy ra dọa nàng.
Chu Hòa Sưởng thương hương tiếc ngọc, rất khoan dung với nữ giới, vậy mà lần này lại tàn nhẫn xử lý hết tất cả phi tần trong hậu cung khiến cách vị đại thần đều kinh ngạc.
Trong lòng Phó Vân Anh không có nhiều cảm xúc.
Chuyện này nằm trong dự kiến của nàng.
Phó chỉ huy sứ của Binh Mã Tư là người của nàng. Nàng thiêu hủy toàn bộ chứng cứ nhưng lại bảo phó chỉ huy sứ tới thỉnh tội với Chu Hòa Sưởng.
Lần đó vì nàng, nhị ca lo lắng hãi hùng, còn bị thương nhẹ, nàng không thể bỏ qua cho bọn chúng như thế được.
...
Gần như cùng lúc lá thư mật của Dương tỷ phu được đưa tới Kinh Tương, một bức thư tay của Chu Hòa Sưởng cũng được đưa ra khỏi kinh sư.
Đích thân Cẩm Y Vệ phụ trách việc này, ra roi thúc ngựa, đi thẳng xuống phía nam.
Tới nơi cần đến, hắn nhảy xuống ngựa, bước nhanh tới cổng một tòa nhà.
Thân binh trước cổng viện xác nhận thân phận của hắn xong, cho hắn đi vào.
Tòa nhà gạch xanh ngói đen, nhìn từ bên ngoài trông rất bình thường, bên trong lại hoàn toàn khác biệt. Núi giả, thác nước, hành lang, vườn hoa, tuy diện tích không lớn nhưng chẳng thiếu cái gì.
Trong sân có dựng một giàn hoa tường vi, lá xanh bò kín cả giàn, những đóa hoa nhàn nhạt điểm xuyết trên đó, hoa đã héo rũ, bị nắng thiêu đốt cả ngày, gần như đã bị nướng thành hoa khô.
Dưới giàn tường vi, một người đàn ông mặc áo bào cổ chéo bằng lụa thêu mây đang ngồi đường hoàng oai vệ trên ghế, cúi đầu lau thanh đao trong tay. Ngũ quan sắc nét, xương quai hàm cứng cỏi.
Một cậu bé khỏe mạnh kháu khỉnh, đôi mắt lóng lánh tròn xoe như quả nho đang ôm chân chàng, bám chặt vào người chàng, đôi mắt tròn xoe nhìn thanh đao trong tay chàng, nước dãi chảy ròng ròng.
Thân binh đứng chờ xung quanh âm thầm lo lắng toát cả mồ hôi, tiểu thiếu gia còn nhỏ vậy mà Nhị gia lại lau đao trước mặt tiểu tiếu gia, không sợ làm tiểu thiếu gia sợ hay sao!
Cẩm Y Vệ đi vào, dâng bức thư bổ nhiệm do Hoàng thượng tự tay viết lên.
Hoắc Minh Cẩm tra đao vào vỏ, nhận lấy bức thư bổ nhiệm, đọc mấy lần, khóe miệng cong lên.
Editor: Điển tích ba người thành hổ:
Vào thời Chiến Quốc, để kết tình giao hảo với nước láng giềng là Triệu quốc, vua nước Ngụy đã quyết định đưa thái tử sang đô thành Hàm Đan làm con tin, đồng thời phái trọng thần tên là Bàng Thông đi cùng.
Bàng Thông là người nước Ngụy, là đại thần được Ngụy Vương vô cùng trọng dụng. Vì lo sợ rằng sau khi rời khỏi cố quốc sẽ có lời gièm pha đến tai Ngụy Vương, nên trước khi đi Bàng Thông đã hỏi Ngụy Vương: "Tâu đại vương, nếu có người nói với đại vương rằng ở chợ xuất hiện hổ ăn thịt người, thì đại vương có tin không?".
Ngụy Vương ngay lập tức trả lời: "Ta đương nhiên là không tin rồi, chợ đông đúc sao có hổ được?".
Bàng Thông hỏi tiếp: "Nếu lại có người nói với đại vương rằng ở chợ xuất hiện hổ, ngài có tin không?".
Nguỵ Vương chần chừ một lúc rồi nói: "Đối với chuyện đó, ta nửa tin nửa ngờ".
"Nếu có người thứ ba đến nói rằng ở chợ xuất hiện hổ, thì ngài còn tin không?", Bàng Thông lại hỏi tiếp.
Lần này Ngụy Vương gật gật đầu, bảo rằng: "Mọi người đều nói như vậy, đương nhiên là ta tin rồi".
Bàng Thông bèn nói:
"Chợ không hề có hổ, đó là điều rõ ràng. Nhưng liên tiếp có ba người khẳng định rằng ở chợ có hổ, thì đại vương liền cho là có hổ. Nay, thần đưa thái tử sang Hàm Đan của nước Triệu, nơi đó cách thành Đại Lương của ta còn xa hơn nhiều so với cung điện cách chợ. Những nghị luận sau lưng thần, lời nói xấu về thần e rằng sẽ không chỉ có ba người. Vậy nên đối với những lời nghị luận về thần, mong đại vương thẩm tra kỹ càng, nắm rõ sự thật, đừng để bị lời đồn dẫn dụ, che lấp chân tướng".
Ngụy Vương đồng ý với lời đề nghị của Bàng Thông và nói rằng: "Quả nhân tự biết điều đó, khanh cứ yên tâm đi!".
Tuy vậy, không lâu sau khi Bàng Thông đến Hàm Đan thì đã có người nói xấu ông trước mặt Ngụy Vương. Ban đầu ông không tin, về sau số người nói xấu Bàng Thông ngày một nhiều lên, rốt cuộc Nguỵ Vương cũng tin. Đợi đến khi Bàng Thông cùng thái tử từ Hàm Đan quay về, Nguỵ Vương thật sự đã xa lánh và không triệu kiến ông nữa.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.