Chương trước
Chương sau
Cuối cùng ý chỉ đã được hạ, điều Đô Sát Viện phó đô ngự sử Kiều Thanh Dư và Lại Bộ thị lang Thôi Nam Hiên xuống Triệu Khánh phủ Quảng Đông điều tra tổng đốc Quảng Đông, nếu có chứng cứ rõ ràng về việc thông đồng với giặc thì lập tức áp giải vào kinh.
Kiều Thanh Dư lập tức khởi hành, Thôi Nam Hiên thì để năm ngày sau xuất phát.
Chu Hòa Sưởng ghi nhớ lời nhắc nhở của Phó Vân Anh, tìm tấu chương của Hộ Bộ thị lang, đọc kỹ từ đầu chí cuối mấy lần, cau mày.
Tối hôm đó, hắn lại triệu kiến Nội Các đại thần, Phó Vân Anh và mấy quan viên quan trọng trong Lục Bộ lần nữa.
Lúc nội quan tới Phó gia tuyên chỉ, Hoắc Minh Cẩm cũng ở đó.
Chàng nhìn về phía chiếc đèn lồng đỏ rực vừa mới được treo trên hành lang, đứng dậy khoác áo, cùng vào cung với Phó Vân Anh. Nàng cũng vừa mới thay một chiếc áo bào cổ tròn.
Xe ngựa chạy giữa trời tuyết lớn, trong xe đặt một chiếc đèn dầu, ánh đèn vàng mờ.
Phó Vân Anh vén màn xe lên nhìn ra bên ngoài, phố dài vắng tanh vắng ngắt, giờ này hẳn là lúc cả nhà đoàn tụ, già trẻ lớn bé quây quần quanh chậu than nói nói cười cười.
Nhà nhà lên đèn, năm tháng an bình.
Một cánh tay đưa tới, ôm lấy bả vai nàng, phất bông tuyết vừa bay vào rơi xuống tay nàng đi, giọng nói trầm trầm vang lên bên tai nàng: "Nghĩ gì thế?"
Nàng không nhìn ra ngoài nữa, thả màn xe xuống rồi tựa vào ngực Hoắc Minh Cẩm, cái ôm này thật ấm áp, không cần phải ôm lò sưởi tay bằng đồng.
"Không nghĩ gì cả." Nàng khẽ nói, ngước mắt lên nhìn Hoắc Minh Cẩm, "Minh Cẩm ca, ngày nào ta cũng bận như thế, thiệt thòi cho chàng rồi."
Đã nói sẽ ở nhà với chàng, nhưng lại chỉ nghỉ được một ngày, trong cung lúc nào cũng có thể có lệnh gọi nàng vào gấp, nàng chỉ có thể ở nhà chờ truyền triệu.
Khóe miệng Hoắc Minh Cẩm cong lên, mỉm cười, cúi đầu nhìn nàng.
Nàng nằm trong vòng tay chàng, trên chóp mũi có một bông tuyết trong suốt. Khi nãy nàng vừa tựa vào cửa sổ xe ngó ra ngoài nhìn, mặt lạnh tới mức đỏ ửng cả lên, đôi mắt đen láy sáng bừng.
Chàng cúi đầu hôn lên chóp mũi nàng, bông tuyết kia hòa tan giữa môi răng chàng.
"Cảm thấy ta thiệt thòi thì bồi thường cho ta đi."
Chàng cong môi, ghé sát lại gần tai nàng, thì thầm mấy câu.
Phó Vân Anh trợn tròn mắt, ngơ ngác một lát, cuối cùng cũng hiểu được ý nghĩa của mấy câu kia, tim đột nhiên đập nhanh hơn, đẩy chàng ra, ngồi thẳng người, cúi đầu sửa sang lại vạt áo.
Nụ cười trên môi Hoắc Minh Cẩm càng rạng rỡ, đôi mắt sâu thẳm nhìn nàng, chớp chớp, "Đồng ý rồi nhé?"
Phó Vân Anh liếc sang, lườm chàng một cái.
Xe ngựa lắc lư rồi dừng lại.
Hoắc Minh Cẩm vén rèm đi xuống trước.
Trước khi màn xe buông xuống, phía sau bỗng vang lên một tiếng nói khẽ: "Được."
Hoắc Minh Cẩm sửng sốt trong giây lát, xoay người lại định nói gì nhưng màn xe đã buông xuống, xe ngựa tiếp tục đi về phía trước.
Mình chàng ở lại đó, đứng trên nền tuyết thất thần hồi lâu, nhìn theo chiếc xe ngựa đi xa dần, lắc đầu bật cười.
Xe ngựa tới trước cửa cung, Phó Vân Anh mới xuống xe.
Tới khi Hoắc Minh Cẩm đi vào Noãn Các, nàng và Chu Hòa Sưởng đã nói chuyện được một lúc rồi. Thấy chàng bước vào, nàng không có bất cứ phản ứng nào.
Sau khi chuyền tay nhau đọc bản tấu của Hộ Bộ thị lang, các vị các lão và thượng thư, thị lang trầm tư rất lâu.
Ngoài điện trời âm u, tuyết bay tán loạn, trong Noãn Các lại ấm áp như xuân, hương thơm thoang thoảng.
Chu Hòa Sưởng mặc một bộ thường phục màu đen cổ chéo bó tay, bên trong mặc trung y đỏ sẫm, lệnh cho nội quan dâng trà lên, mời các vị các lão ngồi xuống, nói với Hộ Bộ thị lang: "Khanh tóm tắt những điểm quan trọng, Trẫm không muốn nghe thao thao bất tuyệt."
Hộ Bộ thị lang khom người thưa vâng, chậm rãi nói: "Triều ta tuy rằng đất rộng của nhiều nhưng lại có rất ít mỏ bạc. Hằng năm, tổng sản lượng bạc khai thác được chỉ có mười mấy vạn lượng, nhiều nhất thì cùng lắm cũng chỉ hai mươi mấy vạn lượng. Từ đầu năm đến nay, bạc trắng trên thị trường chủ yếu đến từ Lữ Tống, Nhật Bản và Tây Dương, mà nguồn bạc đổ vào triều ta từ Lữ Tống lại đến từ buôn bán, trao đổi đường biển, bọn họ dùng bạc trắng để đổi lấy tơ lụa, đồ sứ, hương liệu chúng ta để bán cho Tây Dương hoặc các nước phương tây khác. Bởi vậy hằng năm lại có một lượng lớn bạc trắng đổ vào Trung Nguyên. Chỉ có điều mấy năm trở lại đây, lượng bạc trắng đổ vào đột nhiên giảm."
Nói tiếp, cũng thật xấu hổ, triều đình cấm người dân bình thường sử dụng bạc trắng, tiền giấy và tiền đồng mới là đồng tiền chính thức được triều đình chấp nhận cho lưu thông. Nhưng trên thực té, bạc trắng đã gắn liền với mạch máu kinh tế của toàn bộ quốc triều, là nguồn dự trữ và chi tiêu chủ yếu.
Tuy vậy Trung Nguyên không có bao nhiêu mỏ bạc, thậm chí còn chẳng đủ cho tự cung tự cấp, ỷ lại nghiêm trọng vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài.
Triều đình muốn tự đúc bạc, không có đủ mỏ bạc. Phát hành tiền giấy, tiền giấy nhanh chóng hư hại, chẳng mấy chốc thành giấy vụn, không ai muốn dùng.
Nói một cách ngắn gọn, lượng bạc không đáp ứng đủ tiêu dùng, triều đình cần thêm nhiều bạc.
Vương các lão nhíu mày nói: "Nói cách khác, hiện giờ bạc trắng đang khan hiếm, rất có thể sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu bạc?"
Hộ Bộ thị lang gật đầu, thở dài nói: "Bạc trắng càng khan hiếm, các nhà giàu có sẽ càng tích trữ bạc trắng, theo thời gian, không chỉ ảnh hưởng tới tài chính mà còn sẽ phá hủy toàn bộ thị thường buôn bán mậu dịch ở Giang Nam."
Mọi người nghe xong vô cùng hoảng hốt.
Các châu huyện phía đông nam, đặc biệt là khu vực Giang Nam giàu có đông đúc, từ trước tới nay luôn đóng góp một phần rất lớn trong lượng thuế thu được của quốc triều. Cái này gọi là "Lấy Đông Nam để nuôi Tây Bắc".
Giang Nam là nơi giàu có nhất cả nước, nếu như kinh tế khu vực Giang Nam suy sụp, thu nhập từ thuế giảm mạnh, triều đình không có bạc thì không thể khống chế thế cục ở vùng tây bắc...
Đến lúc đó thiên hạ chắc chắn đại loại.
Phó Vân Anh lấy những tin tức tình báo mà trước đó đã thu thập được ra, đưa mấy người Vương các lão chuyền tay đọc, nói thêm, "Không chỉ có khu vực Giang Nam mà còn có vùng tây bắc, bởi có cải cách thuế phú, triều đình đã chuyển toàn bộ các khoản thuế thành bạc trắng, nhưng giờ vùng nào cũng đang thiếu bạc, giá bạc tăng cao, dân chúng vất vả cả năm, lượng bạc tương đương với một gánh lương thực trước kia giờ có khi phải dùng hai mươi gánh mới đổi được! Họ không có bạc trong tay, chỉ có thể bán vợ bán con, năm nào có thiên tai thì phải bỏ xứ mà đi."
Những lưu dân bỏ trốn đó không còn đường nào để đi, cuối cùng đều trở thành đạo tặc, số lượng càng ngày càng nhiều hơn, thậm chí thành cảnh "đất hoang ngàn dặm, lưu dân trăm vạn", cuối cùng thế nào cũng gây nguy hiểm cho sự ổn định của quốc triều.
Mấy vị các lão cau mày.
Phó Vân Anh nói tiếp: "Ở phương nam, bạc trắng khan hiếm, đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa tăng vọt. Khu vực Giang Nam có nghề dệt vải phát triển, càng ngày càng có nhiều người sống bằng nghề dệt vải, nhưng dù việc buôn bán mậu dịch có phồn vinh đến đâu đi chăng nữa thì dân chúng vẫn cứ phải ăn cơm. Mậu dịch giảm sút, lương thực mỗi năm một đắt đỏ, đến vùng Tô Hàng chưa bao giờ thiếu lương thực cũng bắt đầu thiếu, nhiều người chết đói."
Hộ Bộ thị lang cau mày thở dài, "Trước đây lưu dân ở tây bắc, vùng Kinh Tương khởi nghĩa, một phần là bởi không có đất trồng trọt, một phần là bởi thiên tai, tuy vẫn chưa xảy ra vấn đề gì lớn nhưng nếu tình trạng thiếu bạc vẫn tiếp tục kéo dài, chỉ sở khắp nơi đều sẽ nổi loạn."
Ông ta cũng không phải là đang nói quá, tuy dân chúng hiền lành nhưng cũng có giới hạn cuối cùng, đó chính là phải để bọn họ được ăn no, nếu như có một ngày phần lớn mọi người đều ăn không đủ no...
Thế thì giang sơn xã tắc nguy rồi.
Khởi nghĩa nông dân, kinh tế suy sụp, quân đội bị buông lỏng, hơn nữa Vệ Nô ở tây bắc như hổ rình mồi, đủ khả năng kéo sập toàn bộ quốc gia.
Thấy mọi người trầm mặc, Chu Hòa Sưởng đưa mắt ra hiệu cho Phó Vân Anh, hỏi nàng, "Chuyện thiếu bạc có quan hệ gì với người Phật Lang Cơ?"
Nội quan tinh ý, vội mang bản đồ lúc trước tới, móc vào gậy, treo lên cao.
Mấy nội quan khác cầm đèn lồng đứng bên cạnh soi lên, để các vị các lão nhìn bản đồ cho rõ.
Phó Vân Anh đi tới trước bản đồ, chỉ vào vị trí Lữ Tống, nói: "Buôn bán trên biển phát triển, hàng hóa chủ yếu đi theo ba còn đường. Một là được trung chuyển qua Lữ Tống, buôn bán tơ lụa, bông vải, vân vân, đây là một trong những nguồn bạc trắng. Một đường khác là do người Phật Lang Cơ trực tiếp trao đổi với Tiểu Lưu Cầu, và những đảo nhỏ trên biển, cũng buôn bán đồ sứ, hương liệu, tơ lụa, vân vân. Còn một đường nữa, đó là người Đại Phật Cơ và Nhật Bản giao dịch buôn bán thông qua Tiểu Lưu Cầu."
Nàng vạch ra mấy đường tưởng tượng trong không khí, "Trong đó bạc trắng từ việc buôn bán qua lại ở cảng Lữ Tống có một nửa chảy vào triều ta, tại sao mấy năm gần đây lượng bạc trắng bỗng nhiên sụt giảm? Người Đại Phật Lang Cơ và người Tiểu Phật Lang Cơ đến từ phương tây, vận chuyển hàng hóa của chúng ta sang phương tây buôn bán, bạc vốn là do bọn họ đưa tới Lữ Tống, muốn biết nguyên nhân lượng bạc trắng giảm mạnh, phải hiểu rõ được bạc của người Phật Lang Cơ là từ đâu tới."
Người Phật Lang Cơ nắm giữ mậu dịch đường biển, bọn họ có rất nhiều bạc, còn thứ mà bọn họ muốn dùng bạc để mua là các loại hàng hóa của phương Đông như tơ lụa, đồ sứ, vân vân.
Trong quan hệ buôn bán Đông - Tây này, quốc triều vẫn luôn là phe kiếm được tiền, bạc từ khắp thiên hạ, bất kể là từ đâu tới, cũng không quan trọng là sẽ đưa đến nơi nào, cuối cùng cũng sẽ có một nửa chảy vào Trung Nguyên theo các con đường khác nhau.
Bao nhiêu năm hun đúc trong Trình Chu Lý học đã giam cầm tư tưởng của sĩ phu ở mức độ nhất định, bọn họ không quan tâm xem thế giới bên ngoài đang có những thay đổi gì bởi Trung Nguyên đất rộng của nhiều, cho dù có không buôn bán với người nước ngoài thì cũng có thể tự cung tự cấp, hơn nữa vẫn hưng thịnh phồn vinh.
Nhưng hiện giờ Phó Vân Anh lại nói với bọn họ, bọn họ cần phải phóng tầm mắt của mình ra ngoài biển, nếu không hiện tượng thiếu bạc sẽ càng nghiêm trọng, còn có thể lay động cả căn cơ của xã tắc.
Mấy người Vương các lão không nói một lời.
Lại Bộ tả thị lang thì thầm một câu, "Đúng là xuất thân thương hộ."
Sắc mặt Hoắc Minh Cẩm lập tức sa sầm.
Phó Vân Anh xuất thân thương hộ, những thứ nàng nói đều liên quan đến buôn bán dao dịch, Lại Bộ tả thị lang nói vậy là đang trào phúng nàng.
Từ xưa đến nay, quan lại trọng nông khinh thương, tuy rằng kinh tế khu vực Giang Nam phồn vinh nhưng đa số mọi người vẫn coi thường thương nghiệp.
Hơn nữa, mấy năm gần đây, những kẻ có tiền ở phủ Tô Châu, phủ Hàng Châu phô trương quá mức, theo đuổi sự hào nhoáng xa xỉ, lối sống thối nát bê tha... Không chỉ có vậy, vấn đề là bọn họ sa vào hưởng thụ, không nghĩ đến chuyện đền đáp triều đình, các vị đại thần không thích điều này.
Đương nhiên họ cũng sẽ càng không thích thương nhân.
Hộ Bộ thị lang là người đầu tiên không chịu, căm tức nhìn Lại Bộ tả thị lang, "Mỗ và Phó tự thừa lo lắng chuyện thiếu bạc, bởi vậy đã tra cứu sách vở, dốc hết tâm huyết, xuất thân thương hộ thì liên quan gì?!"
Phó Vân Anh thấy Hộ Bộ thị lang sắp tức điên, ngăn ông ta lại, mỉm cười nói: "Chính là bởi gia thúc làm ăn buôn bán đã nhiều năm, hạ quan được mưa dầm thấm đất, nên mới coi như có chút hiểu biết về chuyện này. Hạ quan còn non kém, trong đó có chỗ nào sai sót, mong đại nhân chỉ rõ chỗ sai, đại nhân là người học thức uyên bác, hạ quan còn chưa theo kịp."
Lại Bộ tả thị lang xấu hổ, cúi đầu không nói.
Chỉ ra chỗ sai à?
Những thứ Phó Vân nói ông ta chỉ biết đại khái, căn bản không có hiểu biết sâu xa, đừng nói là chỉ ra chỗ sai, hiện giờ ông ta còn chưa hiểu hết đâu.
Chu Hòa Sưởng len lén cười trộm.
Nói chuyện xong, vua tôi thống nhất với nhau, không chỉ cần bắt tổng đốc Quảng Đông mà còn phải bắt luôn cả đám người Phật Lang Cơ đang bá chiếm những đảo nhỏ vùng duyên hải.
Ra khỏi Đông Các, Vương các lão ngẩng đầu, nhìn về phía khoảng sáng rực rỡ trong ánh đèn lồng trước mặt, nói với Uông Mân: "Ta già rồi, không trẻ trung khỏe mạnh được như cậu, cậu cũng có quan hệ khá tốt với Phó Vân, chuyện người Phật Lang Cơ cứ giao cho cậu xử lý đi."
Bọn họ không biết rốt cuộc Phó Vân muốn làm gì, nhưng nhìn vào những việc Phó Vân đã làm, mục đích của "y" nhất định không dừng lại ở việc bắt mấy người Phật Lang Cơ thôi đâu.
Buôn bán trên biển, Tây Dương, Phật Lang Cơ, Mãn Lạt Gia...
Phó Vân vẫn cứ muốn mở đường xuống Tây Dương rồi!
Chỉ cần xử lý tốt việc ở Trung Nguyên là được rồi, tại sao cứ phải quan tâm tới sóng gió trên biển làm cái gì?
Chuyện này bọn họ không thể cứ để mặc thế được, nhất định phải nhúng tay vào.
Uông Mân mỉm cười, nói: "Trông lão tiên sinh còn quắc thước lắm, làm gì đến nỗi thế."
Vương các lão lắc đầu nói: "Phó Vân còn trẻ, có khát vọng, làm việc quyết đoán, quả cảm, lại được Hoàng thượng cực kỳ tin tưởng, ta lại già rồi, tuổi tác đã cao, không chịu nổi biến cố nữa. Tạm thời giữa hắn và chúng ta chưa có bất cứ xung đột gì, nhưng như vậy không có nghĩa là về sau cũng vẫn có thể bình yên không có việc gì. Ta không trông coi nổi hắn, cậu phải theo dõi hắn sát sao, nếu hắn làm những việc có ích cho quốc triều thì không sao, nhưng nếu hắn xúi giục Hoàng thượng làm những việc hao tiền tốn của, cứ coi như ta phải liều cái mạng già này cũng phải kéo hắn xuống."
Bên ngoài điện, gió bắc thét gào, Uông Mân đỡ Vương các lão xuống bậc thang, mỉm cười nói: "Thầy ngoài miệng thì nói vậy, nhưng học sinh thấy thầy và Phó Vân tới nay vẫn hòa thuận đấy thôi."
Vương các lão cười cười.
"Lúc Thẩm công còn sống, một mình Thẩm đảng nắm giữ triều chính. Lúc cậu ra làm quan, Thẩm đảng đang độ hưng thịnh, nên cậu chưa từng nhìn thấy cái hại của việc tranh chấp đảng phái... Ta còn nhớ năm ấy, khi ta mới lên làm chủ sự ở Hình Bộ, trong triều đình có mấy đảng phái lớn, ai cũng muốn làm theo ý mình. Chỉ cần đảng phái này kiến nghị việc gì, người của một đảng phái khác sẽ kiên quyết phản đối, không cần biết sai đúng thế nào, chỉ quan tâm tới lập trường của bản thân. Bao nhiêu kiến nghị có ích cho dân cho nước bởi vì thế mà bị bác bỏ, bao nhiêu quan viên thanh liêm chính trực cũng bởi bị cuốn vào tranh chấp đảng phái mà bị cách chức, bị giết chết... Bên ngươi thất thế rồi, bên ta lên sân khấu, ai nắm quyền thì người đó sẽ dùng hết sức lực đả kích những đảng phái khác, từ bất đồng chính kiến trở thành đấu tranh sống chết, không chết không ngừng. Bọn họ không quan tâm tới việc phải phát triển đất nước, không để ý tới triều chính, chỉ quan tâm lợi ích của chính mình, ngày nào cũng lục đục với nhau, tranh quyền đoạt lợi... Tranh đi tranh lại, đơn giản chính là vì lợi ích..."
Nói tới đây, Vương các lão thở dài một hơi, khi ông ta còn trẻ, cũng từng bị cuốn vào tranh chấp đảng phái.
"Trong tranh chấp đảng phái, thứ cần tranh chính là quyết sách, tranh làm thế nào để có thể thống trị quốc gia tốt hơn chứ không phải vì lòng riêng của mình mà tàn hại trung lương. Ta thấy Phó Vân được tân quân nể trọng, nhưng hắn vẫn chưa từng ỷ vào quan hệ với Hoàng thượng để buông lời gièm pha xúi dục quân vương. Hắn đã giúp những quan viên bị Thẩm đảng chèn ép rửa oan, tiếp tục xử dụng những người từng bị cách trức này nhưng cũng có thể không chấp nhặt những mâu thuẫn trước đây để thu phục những thành viên cũ của Thẩm đảng. Hắn và Thôi Nam Hiên dường như có thù với nhau nhưng lại liên tục tiến cử Thôi Nam Hiên trước mặt Hoàng thượng, hắn biết chúng ta không tán đồng quan điểm của hắn nhưng chưa từng có ý hại chúng ta."
Vương các lão nhẹ nhàng khép mắt lại một lúc, lúc mở ra, mắt nhìn xa xăm.
"Nếu các vị đại thần trong triều đều có thể được như thế, đó là may mắn của quốc triều!"
Vương các lão không thích tranh đấu đảng phái tới mức ngươi chết ta sống, cho nên những lúc nào có thể dĩ hòa vi quý, ông ta sẽ dĩ hòa vi quý, cố gắng không đắc tội ai cả. Nhìn thấy những đại thần có năng lực nhưng rồi tiền đồ bị hủy hoại trong tranh chấp đảng phái, ông ta vô cùng đau đớn.
Tuy chức quan của Phó Vân không cao nhưng địa vị lại rất cao.
Vương các lão vẫn luôn lo lắng rằng "y" nâng đỡ Hoàng thượng đăng cơ là có ý đồ khác, sợ "y" che mắt Hoàng thượng, trở thành một Thẩm Giới Khê khác.
Nhưng Phó Vân không nhân lúc đắc thế để làm xằng làm bậy, "y" làm quan thanh liêm chính trực, dám nói ra ý kiến của mình.
Tuy "y" còn trẻ tuổi bồng bột, đôi khi sẽ phạm sai lầm nhưng ít nhất "y" không lãng phí thời gian, ngày nào cũng nỗ lực làm việc.
Vậy nên chỉ cần Phó Vân có thể tiếp tục làm việc như bây giờ, không lợi dụng quyền lực để loại bỏ những người bất đồng chính kiến, tôn trọng tất cả những vị triều thần tận tụy với công việc của mình, thì cho dù không tán thành với quan điểm của "y", Vương các lão cũng sẽ không coi "y" là địch."
Gió đêm lạnh thấu xương, Vương các lão khép chặt vạt áo choàng, nói với Uông Mân, "Phó Vân là một hạt giống tốt, thực ra ta vẫn rất thích hắn, nhưng mà cũng không thể không đề phòng hắn. Bá Kỳ à, thầy nói cho con nghe, nếu một ngày nào đó thầy gặp nạn, người có thể cứu thầy và sẽ cứu thầy nhất định là Phó Vân. Nhưng thầy là thủ phụ, chỉ cần còn một hơi thở, thì vẫn sẽ phải đề phòng hắn."
Uông Mân đưa Vương các lão lên xe, nhìn theo xe ngựa đi xa dần, đứng yên tại chỗ, cẩn thận nghiền ngẫm lời Vương các lão.
...
Lúc Phó Vân Anh từ trong điện đi ra, bước xuống bậc thang, trước hành lang có mấy bóng đen phủ xuống, mấy tùy tùng mặc áo choàng bước lên mấy bước.
"Phó đại nhân, đại nhân nhà chúng ta mời ngài sang nói chuyện."
Để tránh nghi ngờ, Hoắc Minh Cẩm đã đi trước, Phó Vân Anh ở lại nói mấy câu với Chu Hòa Sưởng, là người về cuối cùng.
Bóng đêm đặc sệt, tuyết lẫn vào trong gió.
Nàng ngẩng đầu nhìn theo hướng chỉ của người tùy tùng, Thôi Nam Hiên đang đứng trước bậc thềm, chắp tay sau lưng. Trên đầu hắn, mấy chiếc đèn lồng đu đưa trong gió.
Mặt hắn lúc tối lúc sáng, khi ánh sáng hắt lên khuôn mặt hắn, ngũ quan tinh xảo hiện ra, tựa như một bức tranh, lúc ánh sáng chuyển sang hướng khác, không nhìn rõ được cảm xúc trên mặt hắn, chỉ có thể cảm nhặn được trong bóng tối, đôi mắt hắn sâu thẳm, lãnh đạm.
Kiều Gia dùng thân phận người hầu để vào cung, lúc này đang theo sát bên cạnh nàng, dùng ánh mắt cảnh giác quan sát Thôi Nam Hiên.
Nàng nghĩ ngợi, bảo Kiều Gia đi theo mình rồi bước về phía Thôi Nam Hiên.
Khi đi tới trước mặt hắn, nàng cũng không nhìn hắn, tiếp tục đi về phía trước.
Thôi Nam Hiên nhíu mày, cất bước đuổi theo.
Từ trước đến nay hắn không thích giao lưu với đồng liêu, vậy mà giờ lại chủ động tiếp cận Phó Vân, đến tùy tùng của hắn thấy vậy cũng phải thầm kinh ngạc không thôi.
Thôi Nam Hiên có thể hiểu được sự ngạc nhiên trong mắt đám tùy tùng.
Trong mắt người ngoài, nhất định cảm thấy hắn rất buồn cười nhỉ?
Phó Vân từng nói năm lần bảy lượt rằng không muốn có bất kỳ liên quan gì tới hắn, hắn lại dường như không nghe thấy.
Như vậy là mất đi phong độ của người quân tử, Thôi Nam Hiên cô độc, bị người khác từ chối một lần nên thức thời mới phải, nhưng mà có vài việc không phải bản thân hắn có thể khống chế được.
Trong bóng đêm, tuyết rơi không một tiếng động.
Thôi Nam Hiên đột nhiên hỏi: "Năm nay tuyết ở phía nam cũng lớn như vậy sao?"
Mặt mày Phó Vân Anh lãnh đạm, nàng nói: "Thôi các lão muốn nói gì, xin cứ nói thẳng."
Hai ngưới đi giữa trời tuyết, tùy tùng đi sát theo sau.
Thôi Nam Hiên không nhìn nàng, khẽ nói: "Giang Nam mới có một chuyện lạ."
Phó Vân Anh không nói lời nào.
Thôi Nam Hiên nói tiếp: "Phủ Hàng Châu có một vị cao tăng đắc đạo, lúc vào đông đã viên tịch dưới gốc tùng già. Lúc sinh thời ông ta vẽ rất đẹp, thi từ ca phú, cái gì cũng giỏi. Sau khi ông ta chết được ba năm, con trai của một gia đình nông dân dưới chân núi của ngôi chùa ấy lại tự nhiên xuất khẩu thành thơ, phải biết là hắn chưa bao giờ đi học đường, cũng chưa bao giờ có ai dạy hắn làm thơ. Hơn nữa, một người chưa bao giờ cầm bút vẽ như hắn lại còn có thể vẽ rất đẹp, từ phong cách đến nét vẽ đều giống y hệt vị cao tăng kia."
Nắm tay trong tay áo của Phó Vân Anh từ từ siết chặt, hơi nhìn xuống đất, mặt không biểu hiện bất cứ cảm xúc nào.
Ánh mắt thâm thúy của Thôi Nam Hiên quét về phía nàng, nhìn sườn mặt nàng, nói từng câu từng chữ: "Dân trong vùng đều nói con trai gia đình nông dân kia nhất định là cao tăng chuyển thế. Tăng lữ trong chùa mời hắn vào chùa, hắn lĩnh ngộ Phật pháp rất tốt, đến chủ trì còn không bằng hắn."
Tiếng gió bỗng nhiên trở nên thê lương, tuyết bị cuốn lên thât cao, trong đêm khuya tĩnh lặng, tiếng gió tuyết như tiếng khóc than.
Phó Vân Anh nhìn về phía cửa cung cách đó không xa, khẽ mỉm cười, "Thôi các lão kể chuyện xong chưa?"
Thôi Nam Hiên nhìn nàng, giữa mày u ám.
Nàng chắp tay nói: "Cáo từ."
Biết rồi thì sao nào, cho dù vẫn là Ngụy Vân Anh thì cũng chẳng có quan hệ gì với hắn.
Nàng rời đi.
Hoắc Minh Cẩm ngồi trên xe ngựa chờ nàng, thấy nàng lên xe liền giũ áo choàng ra, ôm lấy nàng, sưởi ấm tay cho nàng.
Nàng dựa lưng vào người chàng, đôi tay được tay chàng cầm lên vuốt ve, từ từ trở nên ấm áp, ngẩng đâu hỏi chàng: "Ngày mai trong cung mở tiệc, ta lười quá, không muốn đi, chàng có đi không?"
Hoắc Minh Cẩm lắc đầu.
Xưa nay chàng vẫn không thích tham gia cung yến, đến đại triều hội còn không tham gia nữa là.
"Vân Anh... " Chàng cúi đầu, nhìn vào mắt nàng, "Nếu mọi chuyện suôn sẻ, đến khi đó ta sẽ suất binh thảo phạt đảo Song Ngư. Đảo Song Ngư tuy nhỏ nhưng thành lũy trên đảo kiên cố, hằng ngày tàu của người Phật Lang Cơ sẽ tuần tra ở các đảo nhỏ xung quanh, rất khó tới gần. Những người khác mang quân đi cũng có thể bắt được chúng nhưng thời gian bị kéo dài, nhất định sẽ xảy ra biến cố. Trận này ta sẽ tự đi."
Phó Vân Anh ngẩn người, ngồi dậy đối mặt với chàng.
Hoắc Minh Cẩm cười, vuốt ve cằm nàng, nói: "Một hai ngàn tên cướp biển thôi mà, nàng đừng lo."
Vốn dĩ định tới lúc thành thân xong mới nói chuyện này cho nàng, nhưng chàng nghĩ, cứ thành thật nói cho nàng thì hơn.
Chàng kề sát lại bên nàng, trán đặt lên trán nàng.
Phó Vân Anh không nói gì, nhẹ nhàng ôm lấy eo chàng.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.