Hôm nay, Mục Táp không về nhà. Cô nhờ tài xế chở mình đến khách sạn gần đấy thuê tạm một gian phòng. Cầm chìa khóa phòng trên tay , Mục Táp bi ai phát giác, năm cô 27 tuổi, tâm lí vẫn y chang thuở còn 17. Mỗi khi gặp chuyện, cô đều hành động theo phản xạ, đầu tiên tìm cách trốn tránh, luôn chùn tay trước điểm mấu chốt vấn đề. Nhưng nếu bây giờ, cô về nhà gặp Tống Vực, chỉ e khó khống chế cảm xúc, dẫn tới ăn nói hồ đồ, gây mích lòng nhau. Chi bằng tìm một chỗ yên tĩnh, giúp bản thân tỉnh táo lại, tỉ mẫn nghiền ngẫm tương lai của cô và anh. Hai huyệt thái dương cô nảy bùm bùm, đau dữ dội. Vùng đầu như thể bị đá tảng nện vào. Vô phòng, cô tắm táp toàn thân, hòng để dòng nước cuốn trôi bụi trần mệt mỏi. Sau đó, cô gọi thức ăn và ly sữa nóng. Ăn uống xong xuôi, Mục Táp móc di động ra xem, màn hình thông báo 17 cuộc gọi nhỡ, năm cuộc từ Tống Vực, còn lại đều của bố cô. Cô gọi lại số máy ông Mục Chính Khang. Đầu bên kia, ông nhanh chóng tiếp điện, nôn nóng hỏi:“Táp Táp, sao con tắt điện thoại thế?” “Dạ, tại hết pin.” Mục Táp ngồi co gối, ráng xốc lại tinh thần,“Bố gọi con có việc gì ạ?” “Cũng không có gì, bố gọi tính hỏi thăm tình hình cuộc sống và công việc của con. Nhưng con cứ tắt máy suốt, làm bố sốt ruột quá chừng, cứ như ngồi trên đống lửa.” Ông Mục Chính Khang nhẹ giọng thở phào, đoạn quan tâm hỏi“Con ở nhà à? Đã ăn cơm chưa?” Kể từ buổi tiệc sinh nhật đầy sóng gió của Mục Kiều, đây là lần đầu tiên ông gọi điện hỏi thăm cô. Nếu cuộc điện thoại này đến từ ngày hôm qua, ắt hẳn cô sẽ có chút ngại ngùng, hoặc hờn mát ông. Song, tại khoảnh khắc này, khi nghe giọng nói ôn hòa của bố, đôi mắt cô liền nhòa lệ, tức tưởi gọi bố ơi. Ông Mục Chính Khang nghe thấy tiếng nói nghèn nghẹt của con gái, liền sốt sắng hỏi han tình trạng của con. “Hôm nay con ở khách sạn, không về nhà ạ. Con ăn cơm rồi bố.” Mục Táp ngẫm nghĩ, sau thành thực trả lời. “Sao con không về nhà? Trong nhà phát sinh chuyện gì hả?” “Cũng không có gì to tát đâu bố, con chỉ không thích về thôi.”. “Con đang ở khách sạn nào? Đọc bố nghe địa chỉ đi.” Mục Chính Khang chần chừ vài giây rồi đề nghị. **** Ông Mục Chính Khang nhanh chóng gõ cửa phòng Mục Táp. Ngoài trời ồ ạt đổ cơn mưa tầm tã, thế nên lúc ông vào phòng, chiếc áo khoác bành tô đã ướt nhẹp nước mưa. Ông mỉm cười hiền hậu, ân cần đưa Mục Táp cái túi đang cầm trên tay:“Sẵn tiện đi ngang qua cửa hàng dì Chu, bố mua vài món con thích ăn nè.” Mục Táp nhanh nhảu tiếp nhận. Cô mở túi, bên trong đựng đầy mấy món ăn vặt khoái khẩu của cô: nào chè đậu đỏ, nào cơm nắm hoa mai, có cả cánh gà nướng… Kí ức cô trôi dạt về quãng thời gian ôn thi đại học. Khi đó mỗi ngày cô đều nhín chút thì giờ, chạy ra cửa hàng của dì Chu, thích thú mua mấy món ăn vặt, về nhà nhai nhóp nhép trong miệng. Lúc ấy bố cô hay la rầy, chê thức ăn ngoài đường không hợp vệ sinh, dễ khiến người ta tiền mất tật mang, khuyên cô mau bỏ thói quen xấu. “Con mới ăn cơm xong, bụng còn no lắm.” Mục Táp đặt túi đồ lên bàn. “Thì con cứ đặt đấy, chờ lúc nào đói bụng thì ăn.” Ông Mục Chính Khang vừa nói vừa rút khăn tay lau sơ quần áo. Mục Táp đi tìm máy sấy, giúp ông sấy tóc. “Hai vợ chồng cãi nhau?” Ông thẳng thắn hỏi cô bằng ánh mắt chất chứa nỗi sầu lo. “Dạ…coi như có chút mâu thuẫn.” Mục Táp ậm ừ đáp. Mục Chính Khang đến ngồi trên sô pha, hai tay khoác lên thành ghế. Chân mày ông khẽ nhíu, trầm ngâm một hồi, hỏi:“Nó ức hiếp con?” “Không đâu ạ.” Mục Táp gượng cười,“Vợ chồng con có chút chuyện không vui. Nói ra thì hơi dài dòng, chỉ sợ bố không hiểu.” Mục Chính Khang lắc đầu, phản đối cách nghĩ của cô:“Ơ, con bé này vui nhở, chuyện vợ chuyện chồng, bố đây có kinh nghiệm đi trước con vài chục năm đấy nhé, sao bố lại không hiểu? Con chớ xem thường bố, có uẩn khúc gì cứ thoải mái chia sẻ, bố sẽ giúp con tìm biện pháp giải quyết.” Mục Táp ngừng động tác đôi tay, tắt máy sấy, đặt lại chỗ cũ, rồi tới ngồi bên mép giường, nghĩ nghĩ và nói: “Tụi con xảy ra mâu thuẫn. Con tạm thời muốn tránh mặt anh ấy, nên quyết định ở đây một đêm.”. Mục Chính Khang chồm người phía trước, đắn đo hỏi:“Hai đứa cãi nhau bằng miệng thôi phải không? Có động tay động chân không đấy?” Mục Táp thoáng ngớ người, đoạn phì cười:“Thế bố nghĩ, anh ấy đánh con hay con đánh anh ấy? Bố à, bố suy nghĩ nhiều rồi, tụi con đều là người có học thức, lại sinh hoạt trong xã hội văn minh, tuyệt đối không dùng nắm đấm để nói chuyện.” “Con đã không muốn nói, vậy bố cũng không ép. Thế nhưng, cớ sao con chịu ấm ức mà không gọi điện báo bố biết?” Ông trở nên bùi ngùi,“Dẫu năng lực bố hạn hẹp, không giúp được con nhiều. Nhưng ông già này luôn sẵn sàng lắng nghe con tâm sự. Táp Táp, con đừng nên sống khép kín quá, hễ buồn hay tủi đều tự nuốt vào lòng, thể nào cũng tích tụ thành tâm bệnh. Có đôi khi, thoải mái chia sẻ lại là cách chữa trị nhanh nhất và hiệu quả nhất.” Mục Táp gật gù, nói nhỏ tiếng ‘vâng’. Song cô quả thật không biết giải thích thế nào để ông hiểu. Hiếm hoi lắm mới có dịp cùng bố hàn huyên tâm sự, lòng cô bỗng bồi hồi, xao xuyến lạ. Trong vùng kí ức xa xăm của thời thơ ấu, tâm trí cô vẫn hiện hữu hình ảnh ‘một nhà ba người êm đềm, hạnh phúc’. Thuở còn thơ, cô bé Mục Táp rất thích quấn quýt chơi đùa cùng bố. Tướng đi của bé hệt như chú chim cánh cụt, chạy lẫm đẫm quanh người bố, vòi vĩnh ôm chân bố, thỏ thẻ nói: bố ơi, bế con đi. Bố bé bật cười ha hả, bế bổng bé lên cao, lượn quanh mấy vòng tròn. Sau, bé lại làm nũng, đòi được hôn má bố. Bố bé vội vàng quay mặt đi, than phiền: mặt bố bẩn lắm, chờ bố đi rửa đã. Bé lắc đầu nguầy nguậy, nhất quyết đòi hôn bố. Bé mếu máo nói, con không sợ bẩn, con muốn hôn bố cơ. Bố bé hết cách, đành chìa má ra, bé hí hửng ‘trét nước miếng’ khắp gương mặt bố. Kí ức ngọt ngào của hai bố con cô! Đáng tiếc, ngày vui chóng tàn, hạnh phúc tựa như nắm cát hững hờ trôi qua những kẽ tay. Không bao lâu sau, bố mẹ cô ly hôn. Cô theo mẹ đi Tây Xương, cực chẳng đã phải chia xa bố. Mãi đến năm cô mười một tuổi, mẹ cô chết bệnh, cô một mình quay về, sống cùng gia đình mới của ông. Có điều, dẫu tình cảm sâu đậm bao nhiêu, thì vẫn nhạt nhòa theo đôi cánh thời gian, cô không thể cùng ông thân thiết, kề cận như xưa nữa. Huống hồ, ông đã có thêm người vợ và cô con gái mới, nên trách nhiệm và tình thương bắt buộc san sẻ….. Đã từng, cô nỗ lực hòa nhập với gia đình ông, nhưng từ đầu chí cuối, dì Kiều vẫn giữ thái độ xa cách, dè dặt khi tiếp xúc cùng cô, thêm Mục Kiều mang nặng ‘chủ nghĩa vị kỉ’. Dần dà, khát vọng thân cận của cô với họ bị bào mòn sạch sẽ. Tuy cô và họ chung một mái nhà, nhưng tồn đọng khoảng cách tình cảm khá lớn. “Táp Táp, bố hời hợt lắm phải không? Bố đã không trông nom, chăm sóc con chu đáo.” Ông khó khăn thốt từng tiếng khàn đục: “Hôn nhân là chuyện hệ trọng, mang tính chất quyết định hạnh phúc hoặc bất hạnh cả đời người. Thế nhưng, chỉ vì bố bất tài khiến công ty rơi vào tình cảnh khốn đốn, mà nhẫn tâm yêu cầu con gánh vác,” Nói tới đây, ông phải lấy tay đè mạnh lên mũi. Nghe giọng nói ông gần như biến thành nức nở, Mục Táp sửng sốt ngước nhìn, phát hiện vẻ mặt ông trầm luân trong hối hận. Toàn thân ông như hóa đá, ngồi bất động một lúc lâu mới ngửa đầu bộc bạch,“Lúc ấy bố đánh mất lí trí, chỉ khăng khăng tìm cách trả nợ, hòng tiếp tục chèo chống công ty, xem nhẹ suy nghĩ, cảm xúc và giá trị của con. Từ khi con lấy chồng, mỗi đêm bố đều tự xỉ vả mình, bố có lỗi với con nhiều lắm. Con là con gái bảo bối của bố, kể cả khi bố cùng đường bí lối, cũng không thể lấy con đi đổi chác như một thứ hàng hóa.” Mục Táp mở mắt trân trân nhìn ông, lời muốn nói tắc nghẽn ngay cổ họng cô. “Táp Táp, bố quả là kẻ vô dụng.” Ngữ khí ông ủ đầy ray rứt, tự trách,“Vô số lần bố nằm chiêm bao, mơ thấy mẹ con phẫn nộ nhìn bố. Tay bà ấy chỉa thẳng mũi bố, mắng to: ông là kẻ nhu nhược . Thậm chí trong giấc mơ, bố cũng không có mặt mũi đối diện bà ấy. Táp Táp, đôi khi bố nghĩ, bố làm người quá mức thất bại, bất luận làm chồng hay làm bố, thậm chí làm một ‘con buôn’ cũng chẳng ra hồn. Sai lầm của bố bắt đầu từ năm bố tin lời đồn đãi nhảm nhí, đồng ý li hôn mẹ con. Đáng lí bố phải giữ vững lập trường kiên định, cùng bà ấy chuyển công tác đến Tây Xương, làm tròn trách nhiệm của người chồng người bố, thì đâu dẫn tới cớ sự ngày hôm nay.” Trình Hạo Anh là điển hình của mẫu phụ nữ xem trọng sự nghiệp, đúng chuẩn nữ cường nhân. Ngày xưa lúc mang thai Mục Táp ở cuối tháng thứ tám, cô vẫn chịu khó vác bụng bầu đi làm. Sau khi sinh chưa được bao lâu, cô vội vàng quay lại phòng nghiên cứu. Điều này khiến bà Mục vô cùng bất mãn. Bà quan niệm, phụ nữ nên ở nhà giúp chồng dạy con, chứ suốt ngày chạy rông ngoài đường, chỉ tạo cơ hội đàn đúm, rất dễ hư hỏng. Hễ gặp mặt, bà liền nói xỏ nói xiên, đay nghiến chì chiết con dâu tơi bời. Thậm chí bà còn nhỏ to bên tai Mục Táp, nhằm châm ngòi li gián: Ôi, cháu bà đáng thương quá. Mẹ cháu bây giờ chẳng thèm ngó ngàng gia đình này nữa, ngay cả cháu… nó cũng vứt bỏ bù lăn bù lốc. Mâu thuẫn giữa Trình Hạo Anh và mẹ chồng càng ngày càng gay gắt, hồ như nước với lửa. Đúng lúc ấy, viện nghiên cứu – nơi Trình Hạo Anh công tác lan truyền tin đồn thất thiệt, bôi nhọ Trình Hạo Anh và người trợ lí vụng trộm mèo mả gà đồng. Tin đồn tố cáo Trình Hạo Anh dựa vào địa vị và uy tín bản thân, đề bạt người trợ lí đến phòng công tác trung ương, còn nhiệt tình giúp cậu ta chuẩn bị luận văn. Hai người ngày đêm gian díu trong phòng thí nghiệm, bày trò mua vui quên trời quên đất, quên luôn cả đường đi lối về. Bà Mục tin sái cổ, tức điên người, kiên quyết ép con trai ly hôn người vợ lăng loàn. Mục Chính Khang vốn nổi tiếng hiếu thảo, hễ mẹ gọi là dạ, mẹ bảo là vâng. Vả lại, hằng ngày bà Mục cứ cằn nhằn bên tai anh suốt, liên tiếp tạo áp lực khiến anh dao động. Và việc Trình Hạo Anh chủ động đệ đơn, xin thuyên chuyển công tác đến Tây Xương ví như ‘một giọt nước tràn ly’. Bởi cô tự ý quyết định, không thương lượng trước với chồng, đã khiến Mục Chính Khang phẫn uất. Anh bướng bỉnh bắt cô lựa:“Tây Xương và anh, chọn một trong hai.” Trình Hạo Anh không hề do dự, khẳng khái chọn Tây Xương. Lựa chọn đấy khiến cô chịu ánh mắt ghẻ lạnh của biết bao nhiêu người. Trong mắt họ, cô chẳng khác nào ‘quái nhân’. Phụ nữ mà cả ngày chui đầu vô phòng thí nghiệm, ngu ngốc xem trọng sự nghiệp hơn gia đình. Song họ đâu biết, với Trình Hạo Anh, tình yêu thiên văn học đã thấm nhuần theo dòng máu chảy, vượt xa những lời đàm tiếu thế gian. Không ngoa khi nói, thiên văn học là tín ngưỡng, là chỗ dựa tinh thần của cô. Nó quan trọng không kém gì gia đình và người thân cô. Mỗi người có một lí tưởng sống khác nhau, cô không thuộc dạng phụ nữ truyền thống: tình nguyện giam mình cả ngày trong ngôi nhà buồn tẻ, vui vẻ chăm chồng nuôi con. Cô là nhà khoa học. Cô khao khát được cống hiến trí tuệ và công sức của mình cho nền khoa học nước nhà. Lý tưởng ấy được cô ấp ủ từ những ngày thơ bé, lớn dần theo thời gian, trở thành mục tiêu cả đời cô. Người khác không hiểu, nhưng Mục Chính Khang nắm rõ như lòng bàn tay. Ừ thì hiểu đấy, hiểu tường tận là đằng khác. Song khi tự đặt bản thân lên bàn cân so sánh với sự nghiệp của vợ, hiển nhiên Mục Chính Khang sẽ thiên vị chính mình. Hà cớ gì anh luôn xếp sau sự nghiệp của cô. Những lúc đưa ra quyết định, rốt cuộc cô có băn khoăn cảm thụ của anh không? Cuối cùng, hai người ly hôn trong hòa bình. Trước sự cố chấp của bà Mục, Trình Hạo Anh quyết định dẫn theo Mục Táp. Từ đầu đến cuối, thái độ cô luôn thản nhiên, trầm tĩnh, không hề oán trách Mục Chính Khang hay gia đình chồng. “Mẹ con là người phụ nữ sống trọn cuộc đời vì lí tưởng, vì khát vọng, vì tình yêu đất nước. Bà ấy luôn quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám trả giá, dám đánh đổi, chẳng ngại đương đầu sóng to gió lớn. Ngược lại, bố yếu đuối hơn mẹ con nhiều.” Ông Mục Chính Khang thả hồn về quá khứ,“Đoạn thời gian đó, ngày nào bố cũng kiếm chuyện, gây gỗ liên miên. Bố chán ghét cái cách bà ấy vùi đầu vào sự nghiệp, lơ là, bỏ mặc chồng và gia đình. Bố độc đoán bắt bà ấy từ bỏ sự nghiệp, chuyên tâm làm bà nội trợ bình thường. Đương nhiên, bà ấy hữu tâm vô lực.” “Rất nhiều người nhìn bà ấy bằng ánh mắt kì thị, khinh miệt. Họ bảo bà ấy chẳng khác nào quái nhân. Bố vô tình nghe được, ma xui quỷ khiến lại cảm thấy họ đúng. Bố tự hỏi, quanh đi ngoảnh lại, phụ nữ an phận thủ thường làm hậu phương cho chồng có mà đầy ra đường, cớ sao bà ấy không làm được. Bố chả cần người vợ nổi danh là nhà khoa học quốc gia. Gì mà tín ngưỡng, gì mà khát khao cống hiến, buồn cười, đàn ông chưa chắc đã làm được, thế mà bà ấy cứ ham đua đòi. Chức trách của phụ nữ là giúp chồng dạy con, và bố chỉ cần một người vợ thực hiện đúng chức trách là đủ.” Mục Chính Khang tiếp tục giãi bày,“Giờ ngẫm lại, lúc ấy bố suy nghĩ quá đỗi ích kỉ. Bố chăm chăm trách móc bà ấy mà quên mất, ban đầu mới quen, chính thần thái, tác phong nhanh nhẹn, tháo vác trong công việc của bà ấy đã thu hút bố.Vì nó, bố quyết tâm theo đuổi bà ấy. Giả dụ bà ấy chấp nhận nghe lời bố thay đổi, trở thành bà thím bình thường, suốt ngày lục tục quanh quẩn nơi xó bếp, tất bật giặt giũ nấu cơm, thì có lẽ, bà ấy sẽ không còn là Trình Hạo Anh – người phụ nữ bố yêu nhất đời?” “Vì bất đồng quan điểm, nên bố mẹ li hôn?” Mục Táp điềm nhiên rút kết luận. Ông Mục Chính Khang gật đầu:“Ly hôn rồi, bố hối hận vô cùng. Nhiều lần muốn vứt bỏ tất cả, chạy đến Tây Xương tìm hai mẹ con. Song mỗi lần chuẩn bị xuất phát, bố đều không vượt qua được cửa ải cuối cùng của bản thân. Cuối cùng bố nghĩ, thôi quên đi, bố không có năng lực đem đến hạnh phúc cho bà ấy. Nhỡ đâu xuất hiện lại cản trở tiền đồ xán lạn của bà ấy, chi bằng dứt khoát buông tay, đừng lằng nhằng dây dưa nữa, cứ yên lặng chúc phúc bà ấy thôi. Sau này, bố đi thêm bước nữa, lại càng không nghĩ tới chuyện liên hệ cùng bà ấy. Nào ngờ nhiều năm sau, bố bàng hoàng nghe tin bà ấy qua đời vì bệnh tật. Suốt đêm đó, bố khóc cạn nước mắt, cảm thấy bản thân tội lỗi quá nhiều.” Dứt lời, ông cúi đầu, giơ tay che đôi mắt, lâm vào trạng thái mất đi tinh thần. “Bố ơi, mẹ không trách bố đâu, mẹ nói cả đời này, mẹ chỉ yêu mình bố.” Mục Táp an ủi ông,“Bố đừng áy náy, tự trách bản thân nữa. Những năm ở Tây Xương, cuộc sống của mẹ và con cũng tốt lắm. Nụ cười luôn thường trực trên môi mẹ. Cả người mẹ luôn tràn trề tinh lực, mẹ đã sống bằng tất cả nhiệt huyết. Vấn đề kinh tế cũng khá ổn, hai mẹ con con tuy không dư dả, nhưng đủ ăn đủ mặc, hơn cả khối người ấy chứ .” Ông Mục Chính Khang trầm mặc thật lâu, mới nhấc tay ra, ngửa mặt nhìn cô:“Táp Táp, bố biết mình là người bố vô dụng, có điều, quá khứ không thể vãn hồi. Bây giờ bố chỉ có tâm nguyện, cầu mong con có thể hạnh phúc, bình yên trọn đời. Hứa với bố, nếu con gặp bất kì khó khăn gì, hãy nói bố nghe. Bố sẽ cùng con tìm cách giải quyết.” Mục Táp khẽ gật đầu, rồi đứng dậy đi tới ngồi cạnh ông, ngã đầu trên vai ông. Ông dang tay ôm lấy bờ vai cô. Như thể trở về ngày thơ dại, bé Mục Táp tham lam chui rúc trong lòng bố, say mê hít hà mùi hương thuộc về bố. “Bố ơi, bố nói thử xem, tình yêu là gì ạ?” “Tình yêu ư? Thì là một lòng một dạ hướng về đối phương, luôn ao ước được ở cạnh đối phương. Nếu đối phương vui vẻ, con cũng được vui lây. Ngược lại, nếu đối phương đau buồn, thì con buồn đau gấp bội. Tuy nhiên tình yêu cũng có mặt trái của nó. Hai người yêu nhau sẽ khó tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn. Khi đối phương lơ là con, con buồn bực trong lòng. Đối phương lạnh nhạt, con lại thương tâm. Cảm xúc con dễ dàng bị đối phương ảnh hưởng, lên lên xuống xuống, thay đổi thất thường, chẳng biết đâu mà lần. ” “Vậy xét tổng thể, tình yêu mang đến cho ta hạnh phúc nhiều hơn, hay đau khổ chiếm đa số hả bố?” “Tất nhiên vui vẻ, hạnh phúc nhiều hơn chứ. Nếu không, tại sao hằng hà sa số người lũ lượt kéo nhau nhảy vào con đường tình yêu. Bởi họ phát hiện, đẹp biết bao khi ta mở lòng yêu thương một người. Tuy rằng ta sẽ lo được lo mất, sẽ đối mặt những gian nan, trắc trở…. Nhưng so với niềm vui do tình yêu mang lại, chỉ như muối bỏ bể.” Ông vỗ về bờ vai cô: “Về chuyện yêu đương, con nên tự mình trải nghiệm, bố không cần thiết giảng giải nhiều. Rồi sẽ có ngày con minh bạch hết thảy. Hiện tại nếu con đã yêu, bố khuyên con cứ dũng cảm dấn thân, hãy phấn đấu vì tình cảm, vì hạnh phúc của mình.”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]