Go Ara chặn đường Khang Kiều trước cổng trường điêu khắc khi cô chuẩn bị về nhà. Khang Kiều đứng dưới kiến trúc được đẽo gọt từ một phiến đá lớn, cảm giác đầu tiên tạo cho Go Ara giống hệt như câu nói hôm qua Hoắc Liên Ngao buông ra khi say: Ara, tôi lo một ngày nào đó ngoài đường nổi gió lớn, cô ấy sẽ bị cơn gió thổi bay mất. Cũng mới chỉ nửa tháng, Khang Kiều đứng trước mặt cô ta dường như gầy rộc chỉ còn độc hai con mắt. Hai con mắt đó giờ đang nhìn cô ta một cách vô cảm. “Tôi không tới đây sinh sự.” Go Ara cất giọng gượng gạo. Chiếc xe dừng lại trên bến tàu, mặt hướng ra biển. Trước đây, Go Ara chưa từng nghĩ sẽ có một ngày cô ta và một người được cô ta coi là cái gai trong mắt lại bình tĩnh ngồi với nhau, điều khiến Go Ara khó tin hơn nữa là cô ta lại xuất hiện trước mặt Khang Kiều với thân phận thuyết khách. “Khang Kiều!” Go Ara bình thản gọi tên cô: “Hôm qua bác sỹ nói từ nay về sau Liên Ngao sẽ không thể đại diện cho trường tham gia bất kỳ cuộc thi bơi lội nào nữa”. Câu nói của cô ta không nhận được bất kỳ phản ứng nào. Go Ara quay mặt sang nhìn người ngồi bên ghế lái phụ. Khang Kiều từ đầu tới cuối chỉ duy trì tư thế này, cố chấp kiên trì một động tác duy nhất, nhìn thẳng ra biển. “Anh ấy…” Ngừng một lát, cô ta nói tiếp: “Bây giờ hơi tệ”. Không, không, không phải là hơi tệ. Lần đầu tiên gặp lại Hoắc Liên Ngao, anh đã say lướt khướt. Cô ta nhìn thấy anh ấy hút điếu thuốc đầu tiên, mùi nicotin trộn lẫn mùi rượu, ánh mắt mơ màng gọi “Đầu gỗ”. Đầu gỗ, anh hứa với em sau này sẽ không gọi mắt em là mắt cá chết nữa. Đầu gỗ, anh thề sau này sẽ thật sự đối tốt với Tiểu Phàn. Đầu gỗ, thật ra anh biết em thích nhất anh đi giày thể thao màu xanh trắng. Đầu gỗ, đầu gỗ, em biết không? Vì em, anh không dám ghét mẹ em nữa. Người nói những câu đó là Hoắc Liên Ngao, là Hoắc Liên Ngao đấy, là Hoắc Liên Ngao kiêu hãnh hơn bất kỳ ai, ích kỷ hơn bất kỳ ai, hai mặt hơn bất kỳ ai. “Anh ấy…” Go Ara nghiến răng, “Tôi cảm thấy anh ấy vẫn còn muốn được ở bên cô”. Khang Kiều vẫn duy trì dáng vẻ lúc trước. Shit! Đúng rồi, còn Văn Tú Thanh nữa. Gã khốn Hoắc Liên Ngao còn bắt cô ta chuyển lời về người ấy. Cô ta nâng cao giọng: “Khang Kiều, từ sau khi đưa Văn Tú Thanh qua Mỹ, Hoắc Liên Ngao đã không còn tiếp xúc với cô ta nữa, một lần cũng không”. Người ngồi bên cạnh vẫn hết sức dửng dưng, trông như một khúc gỗ, quả thật đúng như Hoắc Liên Ngao hay gọi: Đầu gỗ. Khúc gỗ này thật sự khiến Go Ara đầy một bụng tức. Tiếng còi xe inh ỏi cuối cùng cũng đánh thức khúc gỗ đó. Cô quay sang, khẽ nói: “Về thôi”. “Khang Kiều!” Go Ara đè nén cảm giác ghen tỵ đang nảy sinh: “Hoắc Liên Ngao…”. Lời nói ấy bị Khang Kiều ngắt ngang: “Hoắc Liên Ngao bây giờ rất tệ, từ khi Văn Tú Thanh được đưa qua Mỹ anh ấy chưa từng gặp cô ta một lần nào, những gì cô nói tôi đã nghe cả rồi”. Nói xong, cô nhìn sắc trời. “Bây giờ có thể đưa tôi về rồi chứ?” Vài tiếng sau khi Go Ara thuật lại mọi chuyện xảy ra với Hoắc Liên Ngao, anh đã gọi liền mấy cuộc sang Mỹ. Go Ara loáng thoáng nghe thấy Hoắc Liên Ngao nói gì đó về căn nhà của mẹ để lại cho anh. Go Ara đoán cuối cùng anh đã gọi cho công ty sửa nhà. Go Ara nghe rất rõ một câu: “Bạn gái tôi thích màu trắng và xanh dương”. Chính câu nói này đã khiến cô ta quyết định dừng việc nghe trộm lại. Khang Kiều thường nghĩ, nếu có cuộc bình chọn những người thường xuyên phải tham gia tang lễ của người thân, có lẽ cô sẽ có tên trên danh sách. Nếu xét cả về tuổi tác, cô có lẽ còn xếp ba vị trí đầu tiên. Khang Kiều năm nay 21 tuổi đã tham gia ba đám tang, tiễn bà ngoại năm 12 tuổi, tiễn mẹ năm 19 tuổi. Và mùa hè năm 21 tuổi, cô đã tiễn biệt Tiểu Phàn. Vì Tiểu Phàn còn quá nhỏ, những người đó nói quá rầm rộ không thích hợp với tang lễ của nó. Cho dù vậy, đám tang vẫn phải to theo yêu cầu của Hoắc Chính Khải. Kỳ lạ là, đám tang hoành tráng ấy lại không có nhiều tiểu tiết và nội dung khiến Khang Kiều nhớ. Càng kỳ lạ hơn là cũng chỉ qua một đêm, cô đã quên nó sạch sẽ. Thậm chí trong đám tang đó Khang Kiều chưa rơi một nửa giọt nước mắt nào. Khi đó cô nghĩ, phải chăng nước mắt của mình đã trôi cả theo cơn mưa tầm tã ấy rồi? Có lẽ từ nay về sau cô sẽ không khóc nữa. Tiểu Phàn của cô không còn nữa, thế mà từ đầu tới cuối trong đám tang đó cô lại không khóc chút nào. Tiểu Phàn là bảo bối ruột gan của cô cơ mà, thật lạ! Điều duy nhất khiến Khang Kiều nhớ trong đám tang đó là chiếc hộp đựng hài cốt Tiểu Phàn. Nó cực nhỏ, người ở nhà tang lễ nói hộp của người lớn và trẻ con không thể giống nhau. Họ chọn cho Tiểu Phàn chiếc nhỏ nhất, nhỏ tới mức có thể vừa lòng bàn tay cô. Ngày thứ hai sau khi kết thúc tang lễ, Khang Kiều trở lại trường học. Cô cũng ngoan ngoãn nghe theo lời quản gia Diêu chuyển tới biệt thự chính. A Xảo đi theo cô. Dì Ngô thi thoảng nói nhỏ nhẹ bên tai cô: “Khang Kiều, ông Hoắc đã nhượng mấy căn nhà và một chiếc du thuyền sang tên con. Khang Kiều, ông Hoắc còn mở cho con một tài khoản ở ngân hàng Thụy Sỹ. Khang Kiều, bây giờ con là một trong số những cô gái giàu có nhất thành phố rồi”. “Dì Ngô, dì gửi lời cảm ơn của con tới chú Hoắc.” Khang Kiều nói. Thế là dì Ngô hài lòng bỏ đi. Sau lễ tốt nghiệp, Khang Kiều đi học điêu khắc như mọi năm. Trước kia Khang Kiều học tiết buổi chiều, giờ thì cô đăng ký cả ngày. Từng ngày từng ngày trôi qua, Khang Kiều những tưởng cuộc sống trôi qua rất khó khăn. Nhưng hình như không, ngoài việc buổi tối ngủ hơi muộn thì thời gian ngược lại trôi khá nhanh. Sáng hôm nay, Khang Kiều dậy như mọi ngày, sau đó đánh răng rửa mặt, chải đầu rồi đứng trước cửa sổ đợi dì Ngô gõ cửa. Tiếng gõ cửa vang lên. “Khang Kiều, ăn sáng thôi.” “Vâng.” Đáp xong, Khang Kiều chậm rãi rời khỏi cửa sổ, mở cửa phòng. Dì Ngô đang đứng ngoài đợi cô. Cô theo dì Ngô, từng bước, từng bước đi ra phòng khách. Từ sau khi Khang Kiều vào ở trong biệt thự chính, cô dùng bữa nào cũng ra nhà ăn. Nhà ăn ở đây cực rộng, một chiếc bàn dài ngồi vừa 24 người nhưng lại chỉ có mình cô. Ngày đầu tiên cô vào đây thì Hoắc Chính Khải có mặt. Ông ta nói: “Liên Ngao đã ra biển. Sau này chú Hoắc sẽ tranh thủ thời gian ăn cơm cùng con”. “Vâng.” Cô đáp ngay. Kể từ ngày đó, phòng ăn từ đầu tới cuối chỉ có mình cô. Sáng nay, có thêm một người nữa, ngồi vào vị trí của mình, Khang Kiều chào người đối diện: “Anh ra biển về rồi hả?”. “Ừm.” Người đối diện khẽ đáp. Khang Kiều cúi đầu, tập trung ăn uống. Cô ăn sạch sẽ phần quà sáng trước mặt mình, đặt cốc sữa bò xuống, nói với người đối diện: “Anh ăn từ từ”. Nói xong, Khang Kiều định đứng lên thì bị gọi lại: “Đợi đã”. Khựng lại, Khang Kiều nhìn người đối diện, cứ thế nhìn anh cầm khăn ăn lên, đi ra khỏi bàn, từ từ đặt lên khóe miệng cô. Sau lưng anh ngoài dì Ngô còn có hai người làm khác. Dì Ngô cụp mắt xuống, họ cũng quay mặt đi. Chiếc khăn ăn rời đi, dính chút sữa. Anh nói: “Miệng em dính sữa”. “Cảm ơn anh.” Trở về phòng, thay giày xong, Khang Kiều cầm túi xách đi ra cửa. Điều khác biệt là cô không nhìn thấy người tài xế mặc đồng phục đứng trước cửa biệt thự, thay vào đó là một người khác. Áo sơ mi màu xám nhạt, quần bò màu xanh đậm, đôi giày thể thao màu xanh trắng, bóng người cao gầy, Khang Kiều chuyển tầm nhìn khỏi đôi giày, quay nhìn khuôn mặt anh rồi hơi nhíu mày. Anh cúi xuống, nói nhỏ: “Anh đưa em tới trường”. Khang Kiều nhìn xung quanh. Người làm vườn đang tưới hoa, người cắt cỏ đang cắt cỏ, hai người làm khác đang dọn dẹp đài phun nước. “Đi thôi.” Anh dường như tảng lờ mọi thứ xung quanh, đưa tay về phía cô. Khang Kiều đút tay vào túi. Hôm nay cô mặc chiếc áo chui đầu không tay, nó có một chiếc túi. Cô cúi đầu bước lên xe. Chiếc Ferrari màu đen gạch không có mái che. Xe đi ra khỏi cửa màu vàng. Bảo vệ đứng một bên thẳng người, nhìn người lái xe rồi lại nhìn cô, sau đó lập tức quay đi. Chiếc xe dừng lại trước cổng trường, Khang Kiều vừa đặt tay vào dây an toàn thì nó đã bật ra. Cô cầm túi xách lên, vừa chạm tay vào cửa thì đã có người từ ngoài mở ra. Cô bước xuống xe, nói với người đứng bên cạnh xe: “Cảm ơn anh” rồi đi vào trường. Vì báo tiêt cả ngày hôm nay, Khang Kiều nghỉ và ăn trưa ở ký túc, như vậy cô có thể ở trường nhiều thời gian hơn. Bốn rưỡi chiều, Khang Kiều rời trường. Chiếc Ferrari màu đen gạch vẫn đứng chỗ lúc sáng. Người dựa vào xe khi nhìn thấy cô thì đứng thẳng lên, đi về phía cô. Khi anh đi từng bước, từng bước tới, Khang Kiều bỗng dưng cảm thấy dạ dày khó chịu. Khang Kiều nhớ kỹ lại xem buổi trưa mình đã ăn những gì. Sau khi nhớ lại, cô phát hiện bữa trưa của cô không có vấn đề gì. Khang Kiều không hiểu sự khó chịu này ở đâu ra? Đè nén cảm giác ấy xuống, miễn cưỡng vực lại tinh thần, cô đứng đó nhìn người đang đi về phía mình đến ngẩn người. Đôi giày thể thao xanh trắng dừng lại trước mặt cô, đôi tay ấy đặt lên túi xách của cô. Cô giữ chặt túi xách. “Hoắc Liên Ngao!” Cùng với âm thanh đó, Khang Kiều cảm thấy trái tim mình như thủng một chỗ. Cô gọi tên anh và nói: “Hoắc Liên Ngao, mấy chuyện như lau sữa trên miệng em, lái xe đưa em tới trường sau này đừng làm nữa, bị người ta nhìn không hay đâu”. Làm như không nghe thấy, anh nói với cô: “Học cả ngày mệt không?”. “Hoắc Liên Ngao, còn nữa…” Khang Kiều đè nặng giọng: “Buổi tối đừng có tới phòng em”. Cô biết, liên tục hai đêm liền hơi thở sau lưng mình là ai, gò má cọ cọ lên tóc cô là ai. Giọng nói đó rất khẽ, rất nhẹ: “Đầu gỗ, anh chỉ muốn tới thăm em”. Tiếng đầu gỗ bỗng dấy lên cơn buồn nôn, cô đè tay lên bụng, lao nhanh tới góc tường. Buổi trưa ăn một chút đồ ngọt cũng nôn hết ra. Cô và anh dựa vào tường. Cô nói với anh: “Giờ thì hiểu rồi chứ, em không muốn nhìn thấy anh chút nào. Đúng rồi, sau này đừng gọi em là ‘đầu gỗ’”. Dựa vào tường, cô nhìn thấy anh quay người, đi từng bước về phía xe của anh. Cô nhìn thấy anh đâm phải một cậu bé trượt patin. Sau khi đỡ cậu bé ấy dậy, anh lại tiếp tục va phải một cô bé tay đang cầm kem. Cả cây kem dính lên chiếc áo sơ mi của anh. Không để cô gái đó có cơ hội xin lỗi, anh cuống cuồng bước lên xe. Chiếc xe đen biến mất ở góc đường nhanh một tia chớp. Sáng hôm sau, Khang Kiều không nhìn thấy Hoắc Liên Ngao lúc ăn sáng nữa. Từ đó về sau, cô cũng không gặp Hoắc Liên Ngao nữa. Một chiều cuối tuần cuối tháng bảy, Khang Kiều ngồi trên xích đu trong vườn hoa, vừa nghe nhạc vừa nhắm mắt nghỉ ngơi. Mấy buổi tối gần đây Khang Kiều càng lúc càng ngủ muộn. Cứ ba ngày, thời gian ngủ của cô lại lùi đi nửa tiếng. Từ 11 giờ xuống 11 rưỡi, từ 11 rưỡi xuống 12 giờ. Hai hôm trước đã lùi xuống 1 rưỡi đêm. Nhưng dù ngủ lúc mấy giờ cô đều dậy cố định lúc 5 giờ sáng. Thật đáng chết, việc này khiến Khang Kiều buộc phải bỏ chút công sức làm mờ quầng thâm ở mắt. Cô dùng một lượng mỹ phẩm lớn để che đi. Khoảng thời gian này cô rất sợ có ai tới quấy rầy. Cô biết có rất nhiều đôi mắt đang lén quan sát cô, chỉ cần cô có chút bất thường, bác sỹ ở một phương diện nào đó sẽ xuất hiện, dùng thanh âm khiến người ta đau đầu để hỏi cô có muốn nói chuyện với mình không. Nói chuyện? Cô chẳng có hứng thú gì với 18 đời tổ tông nhà họ. Để tránh những phiền phức này tiếp tục xuất hiện, Khang Kiều vẫn như mọi khi, yên lặng ngồi đó, phải làm gì thì làm nấy. Đây là một buổi cuối tuần rảnh rang. Khang Kiều ngồi trên xích đu, cụ thể đang nghe bài nhạc gì cô cũng không rõ nữa. Cơn gió Nam thổi qua tường bao, vượt qua vườn hoa tới trước mặt cô, làm rối tung mái tóc cô. Lọn tóc chốc chốc lại đập vào mặt cô, hơi ngứa nhưng rất dễ chịu. Dần dần, tư duy lắng lại ở một vị trí mềm mại, vật thể như bong bóng ấy đưa cô vào một trạng thái hỗn độn. A, trời thật xanh, có gió nhẹ thổi qua những đám mây. Những lọn tóc cứ đập vào mặt cô dường như có tay ai vuốt ve, ngón tay rất nhỏ, rất đáng yêu. “Tiểu Phàn, đừng nghịch, chị buồn ngủ lắm, chị muốn ngủ.” Cô cảnh cáo. Sau đó, đôi tay kia rời đi. Xung quanh rất yên ắng. Tiếng nhạc ồn ã bên tai cũng chẳng biết đã bị ai đổi mất, đổi thành tiếng trong veo của trẻ con. Âm thanh ấy đang gọi “Chị ơi, chị ơi”. “Ừm.” Cô lẩm bẩm. Giọng nói đó tiếp tục, rất nhẹ nhàng: “Chị, hôm nay chú hề cho em kẹo bảy màu, em chỉ ăn một viên, còn lại em để vào trong ngăn kéo mà chị thích. Chú hề nói kẹo bảy màu không dễ tặng ai, thế nên em cảm thấy đó nhất định là thứ ngon, thứ ngon dành cho chị”. Nói xong, dường như có ai đánh một cái lên gáy cô, rồi cô ngã xuống khỏi xích đu. Xung quanh im lìm không một tiếng động. Bò dậy khỏi đất, Khang Kiều loạng choạng chạy về phía căn nhà ba tầng màu trắng. Đó là nơi mẹ, cô và Tiểu Phàn sinh sống. Tiểu Phàn nói trong ngăn kéo cô thích có rất nhiều kẹo bảy màu. Loạng choạng trở về nơi cô từ chối quay lại, mở căn phòng hôm nào, mở ngăn kéo đó, cô nhìn thấy kẹo bảy màu, đó thật sự là một thứ không bắt mắt chút nào. Cầm hộp kẹo trong tay, Khang Kiều không dám ở lại đây lâu. Cô cứ thế đi về phía có ánh sáng, cô không dám nhìn phòng mẹ. Rõ ràng lúc đó mẹ đã dặn cô phải chăm sóc tốt cho Tiểu Phàn, nhưng không, cô không chăm sóc tốt cho nó. Suy nghĩ này khiến Khang Kiều rảo nhanh bước chân. Sắp rồi, sắp rồi, sắp tới chỗ sáng rồi. Cô nhấc chân trái, cuối cùng cũng bắt được ánh sáng. Chân cô bước hụt, cả cơ thể mất đi thăng bằng, bàn tay cầm kẹo tung lên trời theo bản năng. Cô giơ tay bắt lại. Cô hướng mặt lên trời, giương mắt nhìn những viên kẹo trong hộp rơi vãi ra ngoài, cuối cùng rơi xuống đất như một cơn mưa cầu vồng. Màu đỏ, màu vàng, màu lục, màu tím, màu cam, màu lam, chói mắt dưới ánh mặt trời, cực kỳ đẹp. Tiểu Phàn nói: Thứ ngon dành cho chị. Khi cơn mưa ấy rơi xuống mặt cô. Cô nhìn trời, phải, phải, là thứ ngon, thật ngon. Tiểu Phàn nói: Chị, sau này nếu em biến mất, chị đừng hoang mang, cũng đừng khóc. Em đang trốn ở nơi nào đó đấy. Chỉ là chị không nhìn thấy em thôi, còn em luôn nhìn thấy chị. Từng giọt nước mắt lăn xuống, thứ đáng lẽ phải rơi từ tang lễ đã chần chừ đến muộn. Cô nằm trên cỏ, ngước mắt nhìn trời, đầu lưỡi vẫn còn vị ngọt của kẹo. Cô giơ tay ra bắt bầu trời, ánh nắng đổ nghiêng lên lòng bàn tay cô, thật ấm áp. Từ từ xòe những ngón tay ra, ánh nắng thấm qua kẽ ngón tay rồi bị cái bóng do ngón tay tạo ra cắt thành một dải cầu vồng. Nheo mắt lại, khóe miệng cô khó khăn rướn lên. Hoắc Tiểu Phàn đang nhìn đấy. Giống như ánh cầu vồng: Chị, chỉ có chị không nhìn thấy em thôi, còn em vẫn luôn nhìn thấy chị. Khang Kiều năm 21 tuổi đã tham gia đám tang thứ ba trong cuộc đời mình, ở đám tang ấy cô tiễn biệt Hoắc Tiểu Phàn. Hoắc Tiểu Phàn xinh vào buổi chiều thứ Năm một ngày tháng chín. Đứa trẻ sinh vào thứ Nam ấy chỉ đi đến một nơi rất xa mà thôi… Pre: “Tám rưỡi sáng mai anh đợi em ở sân bay. Nhớ kỹ, lần này không giống lần trước. Anh sẽ không lỡ một phút vì em nữa. Nếu tám rưỡi em chưa xuất hiện, anh sẽ coi như em từ bỏ tất cả. Mà tất cả những gì em từ bỏ sẽ thuộc về một người khác, người mà em ghét.”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]