🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
“ Tháng mười một năm Thuận Hưng thứ nhất, vua Trần Nhân Tông ban chiếu chỉ hạ lệnh cho toàn dân nước Đại Việt phải đến công đường ở các Phủ - Lộ gần nơi sinh sống để kê khai hộ tịch. Dân chúng cả nước đều phải nghiêm chỉnh chắp hành! “ – Triệu bà đứng trước tấm bảng dán một tờ cáo thị thật to được đặt ngay tại vị trí trung tâm của ngôi chợ huyện, đọc rõ ràng từng chữ cho Lê Việt An, Lý Yên Lạc và cậu bé Triệu Tấn đang đứng bên cạnh của mình có thể nghe rõ, Triệu bà bất giác thở dài rồi chép miệng lên tiếng:
“ Bà và tiểu Tấn đến làng Trấn Thủy này sinh sống mới được vài tháng … nếu chúng ta kê khai hộ tịch ở làng Trấn Thủy thì tiểu Tấn muốn đi học sẽ khó càng thêm khó vì trong làng không có thầy dạy chữ … “ – Triệu bà buồn bã đưa tay xoa cái đầu nhỏ của Triệu Tấn, trong đôi mắt của bà ẩn chứa sự yêu thương lẫn áy náy.
“ Bà ơi, chúng ta về nhà rồi tính được không ạ? “ – Lý Yên Lạc vừa dùng hai cánh tay của mình che chắn cho bà và Triệu Tấn vừa thấp giọng lên tiếng nói.
Bốn bà cháu khó khăn lắm mới có thể tách ra khỏi đám đông đang chen chúc như đàn kiến bu quanh viên kẹo rồi chậm rãi trở về căn nhà nhỏ của mình. 
“ Hôm nay chúng ta bán rau được ba mươi văn tiền, hoa lài được năm mươi văn tiền, cá được sáu mươi văn tiền, tổng cộng cũng chỉ có một trăm bốn mươi văn tiền thôi! “ – Lý Yên Lạc lấy túi vải đựng tiền từ trong ngực áo đổ tất cả số tiền xu lên mặt bàn tính toán chi tiết. ( Tiền tệ được sử dụng dưới thời nhà Trần là tiền Tỉnh Bách; 1 quan = 10 tiền = 690 văn)
“ Một nhà lớn nhỏ bốn miệng ăn, người lớn chúng ta bữa rau bữa cháo cũng chẳng sao, nhưng còn tiểu Tấn đang trong tuổi lớn, đệ ấy ăn còn không đủ no như vậy thì chúng ta làm sao có đủ tiền lo cho tiểu Tấn đi học? “ – Lê Việt An nhíu mày suy nghĩ rồi nhìn Lý Yên Lạc lo lắng lên tiếng.
“ Bà ơi, bà nghe theo chúng con một lần duy nhất được không ạ? Bà đem hai chiếc nhẫn ngọc chúng con gởi bà cất giữ đi bán lấy tiền đi ạ?! Chúng ta sẽ vào thị trấn mua một ngôi nhà khác và buôn bán nhỏ tùy theo khả năng của mình. “ – Lê Việt An đưa tay nắm lấy bàn tay của Triệu bà năn nỉ.
“ Hai chiếc nhẫn kia cũng chỉ là vật ngoài thân, có cũng được, không có cũng chẳng sao … nhưng tiểu Tấn lớn rồi, muốn đệ ấy có tương lai chúng ta phải cho đệ ấy đi học. Bà ơi, bà nghe theo tụi con đi bà, một lần này thôi mà! “ – Lý Yên Lạc đứng ở bên cạnh, cô nắm lấy cánh tay còn lại của Triệu bà lắc lắc tận lực phối hợp với Lê Việt An cố gắng thuyết phục bà.
“ Được rồi! Được rồi! … Ngày mai bà sẽ đi đến thành Nam Hoa đem hai chiếc nhẫn của hai đứa đi cầm …  khi nào có tiền sẽ lập tức mang đến đó chuộc lại. Dù sao nó cũng là của hồi môn gia truyền của hai đứa, bà thật lòng không muốn dùng đến … “
“ Ngày mai hai đứa con và tiểu Tấn sẽ mang đồ ra chợ bán, bà cứ yên tâm vào thành làm nhiệm vụ quan trọng nha! “ – Lê Việt An mỉm cười vui vẻ lên tiếng.
“ Hai đứa con thật là … “ – Triệu bà lắc đầu, tỏ vẻ bất lực nhưng trong đôi mắt của bà không biết từ khi nào đã phảng phất một tầng sương mỏng.
Sáng hôm sau, khi trời vừa hửng sáng, Triệu bà đã khăn gói lên đường vào thành Nam Hoa. Thành Nam Hoa là thủ phủ chính của Lộ Hải Đông, ở nơi đây dân cư sầm uất, buôn bán trao đổi hàng hóa vô cùng phong phú, nhộn nhịp.
“ Phạm Tướng Quân, ngài nhìn bà lão đứng trước cửa hiệu cầm đồ Vạn Phúc xem, bà ta cứ đi vào trong cửa hiệu được vài ba bước rồi lại đi trở ra, ra ra vào vào như vậy cũng hơn mười lần rồi! … Không biết có phải bà ta đang âm mưu trộm cắp vật gì quý giá hay không?“ – một người đàn ông ăn mặc giống như một tên gia nhân cung kính nhìn người đàn ông đang ngồi nhàn tản thưởng trà, thấp giọng lên tiếng như muốn bẩm báo với quan trên về một đối tượng khả nghi.
Người đàn ông được cung kính gọi là Phạm Tướng Quân dáng người cao ráo cân đối khỏe mạnh, mái tóc búi cao sau đầu được cố định bằng dải lụa màu xanh dương đậm, râu ria xồm xoàm nhưng sống mũi của người đó lại thẳng tắp, nổi bật là vầng trán cao rộng và cặp mắt sáng ngời sự thông minh cơ trí. Sau khi nghe thuộc cấp bẩm báo xong sắc mặt nhàn tản vẫn không hề thay đổi, duy chỉ có khóe môi khẽ cong lên.
“ Ngô phó tướng, ngươi nhìn xem trên tay bà ta đang cầm vật gì vậy? “ – một người đàn ông khác dáng vẻ lịch lãm khuôn mặt vô cùng tuấn tú; khác với vị Phạm tướng quân nọ, chòm râu của người này lại được cắt tỉa gọn gàng, mái tóc dài được búi thành một búi phía sau đầu cố định bằng một cây trâm bằng ngọc màu đen, giọng điệu bình thản lên tiếng hỏi.
“ Bẩm Hưng Vũ Vương, trên tay bà ta đang cầm một tấm lụa màu tía ạ! “ – Ngô phó tướng nghiêng người kính cẩn đáp lời.
“ Muốn biết rõ thật hư thì chúng ta phải mời bà ta lên đây một chuyến! “ – vị Phạm tướng quân cầm chén trà trên tay uống một ngụm rồi điềm đạm lên tiếng.
***
Triệu bà cứ đi qua đi lại trước cửa hiệu cầm đồ lớn nhất thành Nam Hoa hết lần này đến lần khác mà vẫn không quyết định được mình có nên đem hai chiếc nhẫn ngọc của Lý Yên Lạc và Lê Việt An đi cầm lấy tiền làm vốn lập kế sinh nhai như những lời hai cô đã nói hay không? Kể từ lúc cứu sống hai cô ở bờ sông, bà đã cảm thấy giữa bà và hai cô gái trẻ này có một duyên phận rất lớn, sự hảo cảm của bà dành cho hai cô cũng đong đầy theo từng ngày chung sống dưới một mái nhà. Bà thật sự xem hai cô giống như hai đứa cháu ruột thịt của mình, cũng yêu thương lo lắng cho hai cô không kém gì tiểu Tấn … Đem của hồi môn gia truyền của cháu mình đi cầm là việc mà bà không cam tâm tình nguyện làm nhất trong suốt cả cuộc đời…
“ Chào bà, chủ nhân của tôi thấy bà cứ đứng ở chỗ này đi qua đi lại gần một nén nhang rồi, ngài cảm thấy bà đang có việc khó xử nên có nhã ý muốn mời bà vào quán trà đối diện dùng một chén trà nóng để nghỉ ngơi rồi mới suy nghĩ tiếp được không ạ? – một người gia nhân ăn mặc chỉnh tề lịch sự tiến đến trước mặt Triệu bà, người đó nghiêng người cúi đầu chào bà rồi lễ phép lên tiếng.
Triệu bà mím môi đắn đo suy nghĩ một lúc thật lâu mới chậm rãi đi theo người gia nhân đó bước vào bên trong một quán trà khá sang trọng. Người gia nhân đi trước dẫn đường cho Triệu bà đi lên chiếc cầu thang bằng gỗ tiến vào khu vực trên lầu rồi đi thẳng đến một chiếc bàn trà bằng gỗ, nơi hai vị Phạm tướng quân và Hưng Vũ Vương đang ngồi mới dừng lại.
Triệu bà đưa mắt cẩn thận đánh giá hai người đang ngồi bên cạnh chiếc bàn trà bằng gỗ khá trang nhã, cả hai người đàn ông này đều vô cùng tuấn mỹ, khí chất cao quý cùng thần thái chính trực của bậc quân tử như ánh hào quang dù có cố gắng che giấu nhưng vẫn nhàn nhạt tỏa ra trên từng nét mặt, từng cử chỉ của họ.
“ Tại hạ họ Phạm tên Ngũ, là người ở huyện Đường Hào, Lộ Hải Dương còn đây là bằng hữu của ta tên gọi Hưng Vũ! “ – vị Phạm tướng quân cung kính đứng dậy cúi đầu chào Triệu bà sau đó tự giới thiệu về mình cùng người đàn ông đang đứng bên cạnh.
“ Lão họ Triệu, chỉ là một bá tánh bình thường, lão không dám nhận lễ của các ngài như vậy đâu a! “ – Triệu bà hữu lễ nhã nhặn đáp lời.
“ Triệu lão phu nhân chắc hẳn là một nữ lưu am hiểu lễ nghĩa, nếu lão phu nhân không chê chúng ta trẻ người vô tri không biết tôn ti trật tự, xin hãy ngồi xuống dùng một chén trà với chúng ta rồi mới tiếp tục công việc còn dang dở của mình được không? “ – Hưng Vũ mỉm cười, khẽ nghiêng người cung kính lên tiếng mời Triệu bà.
Triệu bà mỉm cười, khẽ gật đầu đồng ý. Triệu bà vừa ngồi xuống chiếc ghế gỗ thì người phục vụ trong quán trà đã bưng ra cho bà một chén trà xanh còn nghi ngút khói và một dĩa bánh đậu xanh được xếp thành hình hoa mai rất đẹp mắt. Triệu bà đưa chén trà lên miệng thổi nhẹ cho trà nguội bớt rồi mới từ tốn uống một ngụm trà sau đó đặt chén trà xuống mặt bàn, ánh mắt lại nhìn về phía tấm bảng tên của cửa hiệu cầm đồ, bất giác thở dài.
“ Triệu lão phu nhân hình như đang có việc khó xử? “ – Phạm Ngũ quan sát từng cử chỉ cùng nét mặt của bà, chàng uống một ngụm trà sau đó mới chậm rãi lên tiếng hỏi.
“ Không giấu gì các ngài, lão nhận được sự ủy thác đem hai món đồ này đi cầm để có một số ngân lượng lập kế sinh nhai … nhưng quả thật lão không nỡ đem hai vật này đi cầm … không đem cầm chúng lấy tiền mang về lão không biết phải ăn nói với hai đứa nhỏ đó … còn nếu đem cầm cho người ta rồi lỡ như sau này có muốn mang tiền đến chuộc lại sợ rằng vật sẽ không còn … “ – Triệu bà buồn bã đáp lời.
“ Triệu lão phu nhân có thể cho tại hạ xem qua hai vật đó được không? “ – Hưng Vũ từ tốn lên tiếng nói.
“ Đây là tín vật gia truyền của hai đứa nhỏ đó … đồ quý như vậy mà chúng nó kiên quyết nhờ lão mang đi cầm … ngài xem có phải chúng nó rất ngốc hay không? “ – Triệu bà lấy từ trong người ra tấm lụa màu đỏ tía, cẩn thận mở tấm lụa ra rồi xót xa lên tiếng.
“ Là chỉ hoàn ( nhẫn) làm từ loại huyết phượng ngọc và bạch vân ngọc, quả thật là vật cực phẩm! “ – Hưng Vũ lần lượt cầm hai chiếc nhẫn ngọc lên, tỉ mỉ xem xét rồi đưa ra nhận định.
“ Tại sao chủ nhân của chúng lại nhất định nhờ Triệu lão phu nhân mang chúng đi cầm như vậy? “ – Phạm Lão trầm giọng lên tiếng hỏi.
“ Không giấu gì các ngài, trước khi xảy ra chiến tranh gia đình lão sống ở Lộ Thiên Trường, thuộc dòng dõi thư hương, gia cảnh sung túc … Chiến tranh xảy ra, lão mất đi đứa con trai duy nhất lẫn đứa con dâu nết na hiền thục … lão chỉ biết ôm đứa cháu nội theo dòng người lưu lạc tha phương để tránh giặc … Bây giờ lão tuổi già sức yếu, đối với lão sống chết sướng khổ đã không còn quan trọng … điều lão mong mỏi nhất là có thể lo cho đứa cháu của lão ăn học thành tài để có thể mãn nguyện mà đi gặp liệt tổ liệt tông Triệu gia! “
“ Hai chiếc chỉ hoàn bằng ngọc này không phải của lão mà của hai đứa cháu nội nuôi nhà lão... Hai đứa nó thấy gia cảnh của lão khó khăn, lo miếng ăn còn chưa xong làm sao có khả năng lo cho cháu nội ăn học nên chúng nó một mực nài nỉ ép lão phải đem hai chiếc chỉ hoàn này đi cầm để có tiền mà xoay sở lo liệu … “
“ Hóa ra là như vậy! “ – Hưng Vũ nghe xong, chàng trầm mặc suy nghĩ một lúc mới lên tiếng.
“ Triệu lão phu nhân, nếu người tin tưởng chúng ta, chúng ta sẽ đứng ra nhận mua hai chiếc chỉ hoàn này giúp người, bất cứ khi nào người có khả năng mang ngân lượng đến chuộc lại, chúng ta nhất định sẽ đem chúng hoàn chỉnh giao trả lại cho lão phu nhân! “ – Phạm Ngũ mỉm cười đề nghị.
“ Có thật như vậy không? … Các ngài chịu giúp cho lão già này đến mức như vậy thật sao? “ – Triệu bà vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ hỏi lại.
“ Chúng ta đến đây trong người không mang theo nhiều ngân lượng, nên phải chia ra thành hai người mua mới có đủ số ngân lượng để trả cho Triệu lão phu nhân, hai chiếc chỉ hoàn này chúng ta cũng sẽ chia nhau ra giữ. Hai chúng ta sẽ viết cho người hai tờ giấy cam đoan đồng ý cho phu nhân mang tiền đến chuộc lại hai món đồ trên mà không thu thêm tiền lãi. Khi nào người có thể mang ngân lượng đến chuộc thì cứ đến địa chỉ này tìm gặp chúng ta! “ – Phạm Ngũ vẫn từ tốn đáp lời Triệu bà. Nói xong, chàng quay sang nhìn người đàn ông đang cung kính đứng bên cạnh lên tiếng sai bảo.
“ Ngô Hiền, ngươi đi mượn chủ quán giấy bút, mang đến đây cho ta! “ 
“ Vâng ạ! “ – Người đàn ông tên Ngô Hiền lập tức cúi đầu nhận lệnh rồi xoay người bước đi thật nhanh.
“ Hưng Vũ huynh, huynh chọn chiếc chỉ hoàn nào? “ – Phạm Ngũ đưa bàn tay ra hiệu mời Hưng Vũ chọn trước.
“ Ta lấy chiếc này! “ – Hưng Vũ cầm chiếc nhẫn ngọc màu đỏ, không một chút do dự lên tiếng nói.
“ Ta lại rất thích chiếc màu trắng! “ – Phạm Ngũ mỉm cười, thành thật lên tiếng.
Hai người đàn ông tên Phạm Ngũ và Hưng Vũ tiêu sái cầm bút viết vào tờ giấy số ngân lượng đã dùng để mua hai chiếc nhẫn ngọc cùng nội dung cam kết đúng như những lời đã nói với Triệu bà. Viết xong, hai người họ còn lấy ra một cái mộc bằng gỗ rồi đóng lên mỗi tờ giấy một con dấu đỏ như son. Triệu bà cầm tờ giấy lên bất giác hít vào một hơi thật sâu bởi vì bà chưa từng nhìn thấy hai nét chữ nào đẹp đến như vậy, bà cẩn thận đọc từng chữ ghi trên tờ giấy rồi xếp chúng lại ngay ngắn, dùng chiếc khăn lụa gói lại kỹ càng mới yên tâm uống hết chén trà.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.