- Ngay bần tăng lúc ấy cũng phải ngỡ ngàng, không rảnh để mà suy nghĩ. Du thí chủ dùng thủ đoạn đó thật khiến cho những người trong trường đểu bở vía.
Không hiểu...
Du Hữu Lượng vừa cười vừa ngắt lời:
- Vãn bối tiện tay ngắt một cành liễu nhỏ cắm ở góc mái hiên.
Hai chân đứng trên ngọn. Lúc ấy chàng lên, quãng cách lại khá xa, dĩ nhiên khó mà nhìn thấy được.
Pháp Minh ồ một tiếng như người chợt tỉnh ngộ nói:
- Tuy nói ra thì dễ như vậy, nhưng mượn cành liễu để làm chỗ đỡ chân thật là thần hồ kỳ phần. Đêm nay nhờ Du thí chủ tương trợ, không thì bần tăng khó lòng rút lui một cách bình yên.
Du Hữu Lượng khiêm tốn mấy câu. Pháp Minh nghiêm nghị nói:
- Bản lãnh Hồng Bào Nhân thật khó lòng tỷ đấu. Tâm tư hắn lại càng thâm mật. Đã mấy lần hắn nẩy dạ hoài nghi muốn ra tay tấn công thí chủ nhưng rồi lại nín nhịn. Đó là hắn suy nghĩ nhiều quá.
Du Hữu Lượng đáp:
- Thực ra lúc vãn bối xuất hiện cũng chẳng nắm vững phần nào, Hồng Bào Nhân là con người kỳ bí, cứ thấy mặt hắn là vãn bối lại phát sợ...
Pháp Minh hỏi:
- Hắn không phải là Bách Độc Giáo Chủ Du Nhất Kỳ hay sao?
Du Hữu Lượng lắc đầu đáp:
- Không phải! Không phải! Võ công của Du Nhất Kỳ không ghê gớm thế được.
Pháp Minh trầm ngâm rồi nói:
- Không hiểu tại sao Tuệ Nguyên lại vào phe với hắn thật là kỳ? Bần tăng vấp phải chướng ngại vật này, pho Kim cương kinh càng khó lòng thu về được.
Lúc này mặt trời đã mọc. Hai người xuyên qua khu hoang sơ bỗng gặp phải khe nước chắn đường ở phía trước. Pháp Minh Thiền Sư vì bận việc riêng liền từ biệt Du Hữu Lượng rẽ vào đường khác vọt đi...
Du Hữu Lượng lật đật suốt đêm, bụng đã đói meo. Chàng liền đi lên cầu gỗ bắc ngang khe suối, đảo mắt nhìn bốn phía chợt thấy trên ngọn cây đằng xa thấp thoáng hiện ra màu biếc và lác đác những viên ngói điểm xuyết. Chàng liền lẩm bẩm:
- Sau lùm cây rậm kia chắc có nhà ở. Ta thử qua đó may tìm được chút cơm ăn cho đỡ đói...
Quyết định chủ ý rồi, chàng tiến vào rừng tìm đường nhỏ mà đi.
Cây rừng thưa thớt nhưng đầy lá rụng, bước chân đi phát ra những tiếng sột soạt. Hồn thơ lai láng, chàng nghĩ thầm:
- Nơi đây thật là tịnh mịch. Chỉ có cảnh tịnh mịch trong rừng này mới làm cho ta quên được mọi sự vinh nhục mà yên tĩnh trong lòng. Chàng chậm chạp xuyên qua khu rừng quả thấy phía trước có một gian nhà tranh. Chàng liền tiến lại gần thì thấy cánh cửa phên chỉ khép hờ. Chàng đứng ngoài gọi luôn mấy câu nhưng không có tiếng người đáp lại.
Sau một lúc bỗng thấy một lão gia mặc áo vải xanh từ bên khe suối trở về.
Tay lão cầm một chiếc cần câu. Lão thấy Du Hữu Lượng đứng trước cửa liền cười nói:
- Lão hán sáng sớm ra ngoài buông câu, chưa được con cá nào bỗng động tâm lật đật trở về. Quả nhiên có khách đến.
Du Hữu Lượng tiến lại chắp tay nói:
- Tiểu nhân đến quẫy nhiễu lão trượng một bữa. Thật tình bụng đói quá rồi...
Chàng nói tới đây thẹn đỏ mặt lên rồi dừng lại.
Lão già nhìn mặt chàng hiểu ý liền đáp:
- Trong nhà lão đã có chút thức ăn, mời huynh đệ vào đây.
Du Hữu Lượng không nề hà gì nữa theo lão đi liền. Trong nhà tuy bày biện sơ sài nhưng sạch sẽ, kiến chàng cảm thấy nhẹ nhõm như thoát ra khỏi vòng trần tục.
Chàng ngó quanh một lượt tuy không nói ra miệng, nhưng ước thầm trong bụng:
- Không biết đến bao giờ ta mới tìm được một nơi yên tĩnh để ẩn cư cho thoải mái...
Chàng ngồi xuống rồi, lão già bày thức ăn ra nói:
- Đây là chỗ quê mùa cơm hẩm canh lạt. Tiểu huynh đệ dùng tạm một chút.
Du Hữu Lượng toan cầm đũa, chợt động tâm linh, liền nhân lúc lão nhìn ra chỗ khác, thò tay vào bọc móc lén trái Đại Hùng Châu ra đặt vào thức ăn, chàng thấy trái châu vẫn không biến sắc, trong lòng không khỏi bẽn lẽn nghĩ thầm:
- Ta thật khéo lo xa, thủy chung không tin một ai. Lão già trước mắt tuy là người lạ, nhưng thanh khí siêu thoát, không một chút tà tướng mà ta cũng hoài nghi trong cơm có chất độc. Thật là đáng chết.
Lão già chợt quay lại ngó thấy Du Hữu Lượng cầm trái châu nhỏ sắc vàng thì vẻ mặt đột nhiên biến đổi.
Du Hữu Lượng vội cất trái Đại Hùng Châu đi, ăn lẹ cho xong bữa. Chàng giơ tay áo lên lau miệng. Thị tuyến ngẫu nhiên nhìn lên vách, bất giác chàng thộn mặt ra.
Nguyên trên vách tường có người đã dùng nội lực khắc hai hàng chữ khải như rồng bay phượng múa:
Phỏng tận Tứ hải hữu hào kiệt.
Đã biến thiên hạ vô địch thủ.
Lão già thấy Du Hữu Lượng ngó trân trân lên bức tường liền cười hỏi:
- Tiểu ca làm sao thế?
Du Hữu Lượng ngập ngừng đáp:
- Trên tường vách... có đề chữ...
Lão già ồ một tiếng rồi nói:
- Chữ đề trên vách ư? Đó là một vị cố nhân của lão hủ. Ngày trước lão đến tệ xá chơi ít ngày rồi ngẫu nhiên cao hứng đề chữ lên tường.
Du Hữu Lượng nói:
- Xin hỏi lão trượng. Vị cỗ hữu của lão trượng là ai?
Lão già đáp:
- Tiểu ca cũng thích thú vụ này ư? Người cho chữ họ Triệu...
Du Hữu Lượng buột miệng nói ngay:
- Triệu Phụng Hào lão tiền bối.
Câu nói ra khỏi cửa miệng chàng mới biết mình lỡ lời.
Lão già nói:
- Té ra tiểu ca cũng biết ông này.
Giọng nói rất bình thản dường như đối với chuyện Du Hữu Lượng quen biết Triệu Phụng Hào chẳng có gì đáng kinh ngạc.
Du Hữu Lượng nói:
- Lão trượng đã là chỗ thâm giao với Triệu tiền bối thì tiểu tử thất kính mất rồi.
Lão già xua tay ra điều bất tất phải quan tâm. Bỗng lão dương mắt nhìn lên Du Hữu Lượng một lúc rồi lắc đầu:
- Ấn đường của tiểu ca có luồng thanh khí ngưng tụ không tan đi. Huyệt Thiên đột lõm vào, e rằng...
Du Hữu Lượng chấn động tâm thần hỏi:
- Tiểu tử chưa hiểu rõ ý kiến của lão trượng.
Lão già trầm giọng đáp:
- E rằng đêm nay tiểu ca gặp kỳ họa.
Du Hữu Lượng giật mình kinh hãi nghĩ thầm trong bụng:
- Đêm nay ư? Đêm nay ta có ước hẹn với người áo lam thần bí... nhưng chẳng lẽ lão này đã biết chuyện đó?
Chàng nghĩ tới cuộc ước hội với người áo lam bất giác toàn thân ớn lạnh rồi không tự chủ được, giật mình đánh thót một cái.
Lão già lại nói:
- Vừa rồi lão hủ xem kỹ lại thì huyệt Quan nguyên của tiểu ca đóng kín, huyệt Thiên đột tuy lõm vào nhưng không nổi màu đen, dù có gặp kỳ họa nhưng tựa hồ họa biến thành phúc, chết biến thành sống... Quái lạ! Trong đời lão phu coi tướng đã nhiều mà chưa thấy ai kỳ dị như tiểu ca...
Du Hữu Lượng không nhịn được hỏi:
- Tiểu tử xin lão trượng chỉ thị cho vài điều được chăng?
Lão già thản nhiên đáp:
- Gặp nhau là có duyên, hà tất phải tương thức? Hà hà! Tiểu ca hỏi câu ấy là thừa.
Lão cười mấy tiếng, nói tiếp:
- Nếu lão hủ tính không lầm thì đêm nay tiểu ca có người ước hẹn một trường quyết đấu sinh tử.
Du Hữu Lượng đáp:
- Lão trượng thần diệu toán. Tiểu tử quả có một cuộc ước hẹn đó.
Lão già trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Theo ý lão hủ thì tiểu ca chẳng phó ước cũng được.
Du Hữu Lượng nghiêm nghị đáp:
- Bậc đại trượng phu nói lời phải giữ lấy lời. Tiểu tử không thể thất tín được.
Lão già vỗ tay nói:
- Hay cho kẻ đại trượng phu biết thủ tín. Quả không hổ là cho cao đồ dưới trướng Đại thiền tông.
Du Hữu Lượng kinh ngạc ấp úng hỏi:
- Sao lão trượng lại biết...
Giữa lúc ấy bỗng ngoài nhà có tiếng bước chân nhộn nhịp rồi tiếng ồm ồm cất lên hỏi:
- Trong nhà có người không?
Lão già nghe tiếng đứng phắt dậy dõng dạc đáp:
- Hạc đến coi nhà, mây khóa trước cửa mới là không người.
Lão dứt lời, phên cổng kẹt mở. Một người đứng sững trước cửa. Du Hữu Lượng nhìn người mới đến cực kỳ khích động không nói nên lời.
o O o Ánh sáng ban mai mát dịu, chim kêu ríu rít khiến cho thế giới thêm phần khinh khí.
Tô Bạch Phong theo dòng nước chảy róc rách cất bước tiến đi. Đầu óc y hiện lên cuộc đại chiến trước miếu Thanh Không đêm qua. Thỉnh thoảng lại ngâm câu:
- Phòng tận tứ hải hữu hào kiệt, đã thiên hạ vô địch thủ... Triệu lão gia dặn ta nếu gặp lão họ Tả thì đọc hai câu này. Không ngờ lúc đó ta quên bẵng đi mất.
Tô Bạch Phong ngẫm nghĩ rồi lắc đầu lẩm bẩm:
- Tuy người mặc áo lam tự xưng họ Tả mà không đúng hình dung như Triệu lão gia đã miêu tả. Chẳng lẽ trong vụ này lại có điều gì trùng hợp.
Tiện tay y ngắt một bông cúc vàng để lên mũi ngửi. Mùi thơm thấm vào gan ruột khiến cho trong lòng khoan khoái.
Một đôi ong ngửi thấy mùi thơm vo ve bay đến đậu trên nhị hoa.
Tô Bạch Phong liệng bông hoa đi. Chàng nghĩ tiếp:
- Lão họ Tả không hiểu là nhân vật thế nào? Triệu lão gia bảo y là đệ nhất kỳ nhân trong võ lâm. Lão nhân gia còn thừa nhận chịu kém họ Tả một bậc, nhưng mình khó tin lắm.
Y còn đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe tiếng vó ngựa đồn dập phá tan bầu không khí tịnh mịch. Trên đường cát bụi mù mịt.
Vó ngựa mỗi lúc một gần. Một người kỵ mã xuất hiện trước mặt ở đằng xa tốc độ phi thường. Chớp mắt đã tới nơi.
Tô Bạch Phong đang né tránh thì con ngựa thét lên be be, không hiểu vật gì làm cho nó kinh hãi. Đột nhiên nó nhảy xéo qua mé tả như muốn chồm vào Tô Bạch Phong.
Người kỵ mã rít dây cương một cái. Con ngựa tung bốn vó lên không lướt qua đầu Tô Bạch Phong.
Người kỵ mã kìm ngựa lại nhìn Tô Bạch Phong nói:
- Xin lỗi các hạ. Con ngựa này đã làm các hạ hoang mang.. Hắn chưa dứt lời, nhìn thẳng vào mặt Tô Bạch Phong buột miệng hô:
- Té ra ông bạn.
Tô Bạch Phong nhìn kỹ lại người kỵ mã thấy gã còn nhỏ tuổi mặt mũi thanh tú, cưỡi con ngựa đen tuyền, không một sợi lông nào tạp sắc, liền nhận ran gay là một thứ danh câu.
Y mỉm cười đáp:
- Thuật kỵ mã của Nhan công tử thật là tinh thâm.
Gã thiếu nhiên này là Nhan Bách Ba, trợn mắt lên nguýt Tô Bạch Phong một cái rồi bắt ngựa dông tuốt.
Tô Bạch Phong biết mình đã tiết lộ cái chết của chưởng môn năm phái lớn trong cuộc đại hội ở Trường An là đắc tội với môn hạ phái Võ Đang. Y tưởng gã thiếu niên kia hãy còn tính nết trẻ con nên không để ý, chỉ nhún vai một cái rồi tiếp tục cất bước tiến về phía trước.
Tô Bạch Phong mới đi chừng vài chục bước thì phía sau tiếng vó ngựa lại vang lên. Ngọn gió xô tới, một người kỵ mã từ phía sau vọt lẹ, lướt qua bên mình y rồi dừng lại. Chính là Nhan Bách Ba đi rồi quanh trở lại.
Tô Bạch Phong ngạc nhiên chưa kịp lên tiếng thì Nhan Bách Ba đã nói trước:
- Tô... Tô huynh! Vừa rồi tiểu đệ đã quá đường đột...
Tô Bạch Phong sửng sốt, cho là đối phương không ghét mình nữa nên mới cung kính như vậy, liền đáp:
- Huynh đài dạy quá lời.
Nhan Bách Ba ấp úng hỏi:
- Tiểu đệ... muốn hỏi thăm hành tung một người...
Tô Bạch Phong đáp ngay:
- Nếu tại hạ biết thì xin nói hết.
Nhan Bách Ba ngập ngừng:
- Nhưng thôi. Người đó hành tung chập chờn vô định, chắc Tô huynh không thể biết được...
Rồi gã lại giục ngựa tiến về phía trước, để lại sau đám cát bụi mịt mờ và Tô Bạch Phong đứng ngẩn người ra.
Tô Bạch Phong lắc đầu tự hỏi:
- Gã Nhan Bách Ba này bản tính cao ngạo mà lại đối với mình một cách khiêm cung, thì ra gã cũng đang ngóng tin tức một người. Chẳng hiểu gã định hỏi hành tung ai?
Rồi y không nghĩ nhiều nữa, càng tiếp tục cất bước. Bỗng phía sau lại có tiếng ngựa vang lên. Y cho là Nhan Bách Ba quay trở lại lần thứ hai, liền dừng chân chờ đợi.
Nhưng sau khi nghe kỹ, y thấy tiếng vó ngựa rối loạn hiển nhiên không phải một người.
Bọn kỵ mã đi gần tới nơi. Tô Bạch Phong chú ý nhìn ra thấy bốn người, hai trước hai sau song song chạy tới.
Bốn người kỵ mã xít qua bên người Tô Bạch Phong. Y liếc mắt nhìn thấy cả bốn người đều mặc áo màu xám, một tay cầm cương, một tay chung nhau khiêng một cỗ quan tài sắc đen. Y động tâm nghĩ thầm:
- Bốn người này cưỡi ngựa đi nhanh mà còn hợp lực khiêng được vật nặng không để lệch lạc hay rớt xuống thì thuật kỵ mã của họ thật là hiếm có.
Điều khiến y kinh ngạc hơn là bọn họ khiêng cỗ quan tài đó đi giữa ban ngay chẳng úy kỵ gì. Không hiểu lai lịch họ thế nào?
Y còn đang xoay chuyển ý nghĩ thì bốn người kỵ mã đã rẽ qua đường mé tả.
Y không nghĩ ngợi gì nữa tung mình thi triển khinh công rượt theo.
Tô Bạch Phong rượt tới ngã ba đường thì mất hút bốn người kỵ mã, trong lòng nghi hoặc nghĩ thầm.
- Vừa rồi ta thi triển khinh công đến bảy thành, tốc độc tuy không nhanh bằng ngựa phi, nhưng bốn người kỵ mã đột nhiên mất hút thì chắc họ đi vào nẻo đường nào khác.
Tô Bạch Phong do dự một chút lại chạy về phía trước. Con đường ngày ngoằn ngoèo đi về phía tây, càng đi càng tới chỗ hoang lương. Tô Bạch Phong bỗng nhiên cảm thấy ớn mình.
Y nhìn ra xa quả nhiên phía trước có nẻo đường rẽ. Y đảo mắt thấp thoáng nhìn thấy bốn chấm đen đang chuyển động.
Tô Bạch Phong tăng gia cước lực, chỉ trong nháy mắt đã lướt tới chỗ ngã ba đường. Y ngưng thần nhìn kỹ thì bốn người áo xám đứng lại, bốn con ngựa cùng cỗ quan tài không thấy đâu nữa.
Tô Bạch Phong hắng dặng một tiếng rồi nói:
- Chào liệt vị bằng hữu...
Bốn người kia không nói gì. Tô Bạch Phong trong lúc nhất thời không hiểu rõ gốc ngọn đối phương, lại ướm lời:
- Tại hạ có việc gấp phải đi, xin các vị bằng hữu nhường lối cho.
Tuy y buông thong hai tay mà thực ra đã ngấm ngầm vận kình lực như thế rồi rảo bước tiến về phía trước.
Đột nhiên bóng xám thấp thoáng, đại hán đứng ở mé hữu lạng người ra chắn trước mặt y.
Tô Bạch Phong cố ý lộ vẻ tức giận hỏi:
- Các hạ làm thế này là có ý gì?
Bốn người vẫn im tiếng. Tám tia mục quang lạnh lùng nhìn chằm chặp vào mặt Tô Bạch Phong.
Tô Bạch Phong sinh lòng ngờ vực né người đi lại muốn cất bước thì vèo lên một tiếng, người áo xám mé tả đứng ra cản đường.
Tô Bạch Phong giậm chân, xẵng giọng:
- Các vị bằng hữu đã không chịu nói lại không nhường bước tức là bắt buộc tại hạ phải đắc tội...
Bốn người đứng trân không lộ vẻ gì. Tô Bạch Phong lại nói:
- Bốn vị không nhường lối là không được đâu.
Giọng nói rất gay gắt có ý chọc giận đối phương.
Bốn người dường như không lấy thế làm tức giận, nhưng người mé hữu phóng ra một chưởng đánh tới trước ngực Tô Bạch Phong.
Tô Bạch Phong thấy phát chưởng của đối phương hời hợt mà thực ra nguy cơ trầm trọng. Lúc bàn tay xoay sở ẩn dấu rất nhiều biến hóa. Y kinh hãi tung mình né tránh.
Đại hán kia không phát chưởng nữa. Bốn người vẫn lặng lẽ đứng giữa đường.
Bầu không khí yên lặng khủng khiếp.
Tô Bạch Phong không nhịn được, lớn tiếng hỏi:
- Sao các vị lại tiếc lời? Chẳng lẽ các vị không biết nói?
Y vừa nói câu này, bốn người kia liền lộ vẻ tức giận. Hán tử mé tả người tương đối lùn hơn một chút muốn tiến lên động thủ. Nhưng người mé hữu xua tay cản lại.
Tô Bạch Phong dường như tỉnh ngộ bụng bảo dạ:
- Phải rồi! Phải rồi! Bọn họ là những người câm mà sao lúc trước ta không nghĩ tới điểm này? Chỉ vì coi vẻ người họ thì chẳng có dáng gì là kẻ câm điếc. Có khi bọ bị người ta cắt đầu lưỡi...
Tô Bạch Phong lại tiến lên một bước hỏi:
- Ý các bạn muốn gì?
Đại bán mé hữu giơ ngón tay lên không viết hai chữ "Quay về".
Tô Bạch Phong hỏi:
- Đường sá ai cũng đi được, sao lại cấm tại hạ?
Đại hán mé hữu sắc mặt âm thầm giơ tay lên không vạch:
- "Nếu bọn ta không mang mệnh lệnh trong mình thì đã ra tay phát lạc ngươi rồi. Đừng nhiều lời nữa, quay về ngay đi!".
Tô Bạch Phong đáp:
- Tại hạ chẳng phải là người ai bảo gì cũng nghe. Vậy bằng hữu hãy nói rõ lý do.
Đại hán mé hữu ra chiều không nhẫn nại được nữa, giơ tay lên vạch:
"Bọn ta bốn người tám tay là lý do phát lạc ngươi, nếu ngươi muốn về địa phủ thì tiến lên bước nữa".
Tô Bạch Phong cười mát tiến lên một bước.
Đại hán mé hữu đột nhiên phóng quyền đánh tới trước mặt Tô Bạch Phong.
Thoi quyền nhanh như gió, luồng lực đạo cực kỳ uy mãnh.
Tô Bạch Phong thấy tay đối phương sắp cử động liền nhằm trúng đại hán nhảy xổ tới.
Đại hán mé hữu lộn người lùi lại, vỗ tay một cái. Ba hán tử kia lập tức di chuyển phương hướng bao vây Tô Bạch Phong vào giữa.
Bọn chúng bắt đầu động thủ, bóng quyền nặng như núi, chưởng phong rít lên veo véo.
Tô Bạch Phong khẽ hú một tiếng. Hai tay áo phất liên hồi để bảo vệ huyệt mạch toàn thân.
Thủ pháp này của chàng dùng thủ làm công, tư thế rất ung dung, tuyệt không lật đật chút nào. Quả nhiên y bức bách bốn người đối phương phải lùi lại.
Bốn hán tử đưa mắt nhìn nhau. Tên đứng đầu đã giơ ngón tay cái bên mặt lên.
Tên thứ hai giơ tay trỏ. Tên thứ ba giơ ngón giữa. Tên thứ tư giơ ngón tay vô danh.
Tô Bạch Phong coi tình trạng đối phương bất giác run lên. Bốn người kia đã khai diễn cuộc xoay chuyển thành hình vòng tròn, thân pháp uốn éo như con rồng.
Tô Bạch Phong cảm thấy không khí xung quanh ngột ngạt, không khỏi lo thầm trong bụng:
- Nguy rồi!
Nhưng chàng quyết đoán ngay vội dí đều ngón chân xuống vọt người lên không xoay chuyển giữa những vòng cánh cung.
Chỉ trong khoảnh khắc, bốn hán tử lại thay đổi phương vị và cùng phóng ra mười lăm chưởng. Chưởng phong ầm ầm như sấm nổi, khiến người nghe thấy phải khủng khiếp, chụp lẹ xuống đầu y.
Sầm một tiếng vang lên. Luồng cuồng phong vọt ra. Cát bụi mịt mờ.
Tô Bạch Phong người vẫn chập chờn né tránh. Người y tựa hồ bị một màng lưới quyền phong hất ra xa mấy trượng.
Bốn người thu chưởng về ngơ ngác nhìn nhau. Bọn họ không tài nào hiểu được tại sao cả bọn đã phối hợp rất kín đáo phóng chiêu mà đối phương còn thoát được.
Tô Bạch Phong trầm giọng nói:
- Tại hạ thất kính mất rồi. Vì không ngờ Hồng Hoa Tứ Ma đã tái xuất giang hồ.
Tô Bạch Phong tuy rất trông cậy vào bản lãnh của mình, nhưng nghĩ tới Hồng Hoa Tứ Ma không khỏi lo sợ.
Hồng Hoa Tứ Ma này mấy chục năm trước cùng xuất hiện trên chốn giang hồ ở vùng Giang Bắc. Cứ trong vòng mấy tháng là lại đánh chết mấy chục cao thủ võ lâm. Lần cuối cùng Tứ Ma đánh nhau với Tà Thần Bồ Phi, bốn người phải thi triển "Hồng Hoa Giao Kích" mới đả thương được Tà Thần. Từ đó tiếng tăm "Tứ ma".
đồn đại khắp giang hồ.
Nhưng hai năm sau, Tà Thần luyện được Tà Công tìm đến báo thù. Tứ ma bị thất bại rồi mai danh ẩn tích. Không ngờ bữa nay lại chạm trán Tô Bạch Phong.
Tên đứng đầu Tứ ma giơ tay lên không vạch:
"Đây là Hồng Hoa Giao Kích của bọn ta và là lần thứ hai không thành công.
Hảo bằng hữu lai lịch thế nào?".
Tô Bạch Phong đáp:
- Tại hạ là Tô Bạch Phong.
Hồng Hoa tứ ma lộ vẻ kinh ngạc tựa hồ chưa nghe thấy tên này bao giờ.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]