Chương trước
Chương sau
Đó là một sáng thứ Năm bình thường, Nhậm Thanh Hoàng, giám đốc công ty nội thất Hoàng Gia, đến ngân hàng Wilshire để bàn chuyện vay vốn làm ăn.
“Tầng ba.” Kiệt đáp cộc lốc.
Sau vài cú gõ cửa, Hoàng bước vào văn phòng của Đức và ngạc nhiên khi thấy khắp sàn nhà đâu đâu cũng có những thùng giấy đựng hồ sơ, còn bàn làm việc thì ngổn ngang các loại giấy tờ.
“Tôi đến không đúng lúc sao?” Hoàng hỏi.
“Đâu có. Mời anh ngồi!” Đức mỉm cười đáp.
Hoàng kéo một cái ghế để ngồi xuống trong khi Đức thu gom mớ giấy tờ trên bàn lại rồi bưng để lên ghế sofa. “Vậy là anh đã chấp nhận vay tiền ở chỗ chúng tôi?”
“Nếu không thì tôi tới đây làm gì?” Hoàng bật cười, “Phần thủ tục chắc cũng nhanh thôi nhỉ?”
“Chắc cũng khoảng ba chục phút.” Đức đáp và mở máy tính lên, “Anh đang bận sao? Tôi cần in mớ giấy tờ trước đã. Sau đó đến phần giải thích điều khoản và anh chỉ việc ký xác nhận là xong.”
Hoàng nhún vai: “Tôi cũng không gấp lắm, tôi sẽ chờ.”
“Tôi quay lại ngay.” Đức nói và đi ra khỏi phòng.
Còn lại một mình, Hoàng liếc nhìn một vòng quanh phòng làm việc của Đức và khẽ cười nhếch, xong lại chuyển qua nhìn những thùng hồ sơ để dưới đất mà trề môi, chép miệng. Khoảng mười phút sau thì Đức quay lại với một xấp giấy dày cộm. Anh bắt đầu việc giải thích những điều khoản, chính sách của công ty với Hoàng. Hoàng lắng nghe với thái độ hờ hững, thi thoảng lại gật đầu “ừ” vài tiếng.
“Xong rồi!” Đức mỉm cười kiểm tra lại mớ hồ sơ lần nữa và bàn giao cho Hoàng, “Bản copy của anh đây. Cám ơn vì đã chọn ngân hàng của chúng tôi.”
Hoàng nhận tập hồ sơ và đứng dậy bắt tay Đức: “Tôi phải nói cám ơn các anh mới đúng. Mà.. tôi có chút thắc mắc này: Cái đống lộn xộn này là sao?” Hoàng chỉ tay vào thùng hồ sơ trên sàn.
“À. Tại hồi xưa chưa có công nghệ hiện đại nên toàn lưu trữ thông tin khách hàng theo kiểu dùng hồ sơ giấy thôi. Tới khoảng tám, chín năm trước chúng tôi mới bắt đầu chuyển qua lưu trữ trên mạng, nhưng đó là đối với khách hàng sau này, còn những khách hàng từ khoảng mấy chục năm trước thì thông tin của họ vẫn nằm trong các thùng giấy này đây. Người tiền nhiệm của tôi cũng có vài lần nói về việc sẽ cho cập nhật thông tin lên mạng, nhưng rốt cuộc lại không có cơ hội làm việc đó.”
“Cho nên anh mới làm đúng không?”
Đức chép miệng: “Đúng vậy. Nhưng còn một lý do khác là dạo gần đây tôi đang phải làm thay việc cho một nhân viên đang nghỉ phép dài hạn. Anh ta làm bên mảng vay tiền mua nhà, và khi tôi kiểm tra các hồ sơ cho vay thì tôi thấy có một vài chỗ không ổn.”
Hoàng giật mình: “Không ổn? Nghiêm trọng tới mức nào?”
“Không hẳn là nghiêm trọng, nhưng nói sao đây nhỉ? Theo điều luật của công ty thì nếu khách hàng chậm trả tiền hoặc trả thiếu thì ngân hàng có thể đóng khoản vay của họ và tịch biên tài sản, tất nhiên đó là giải pháp cuối cùng thôi. Anh nhân viên của tôi có tính “thương người” nên đã “lén” giúp đỡ khách hàng bằng cách hạ lãi suất, tất nhiên là trong phạm vi cho phép; hoặc kéo dài ngày đáo hạn ra…”
“Ồ.” Hoàng đáp, “Anh ta giúp khách hàng không gặp rắc rối, nhưng lại khiến bản thân rơi vào rắc rối đúng không? Chuyện này về “lý” thì sai nhưng về “tình” thì không hẳn sai.”
“Đúng vậy.” Đức gật gù, “Tôi cũng thấy khá khó xử nên đã hỏi ý kiến ngài Kim. Ổng trả lời y như anh vừa nói vậy đó, và còn bảo là thôi thì thà công ty chịu thiệt một chút còn hơn là để khách hàng chịu thiệt, khách hàng là thượng đế mà. Thành ra chuyện những hồ sơ vay tiền đó không cần nói tới nữa. Và sẵn dịp này tôi bèn trình bày ý định cho cập nhật và kiểm tra lại hồ sơ của khách hàng luôn. Ngài Kim bảo tôi là trưởng chi nhánh thì cứ tự quyết định mọi việc đi, không cần hỏi xin phép ổng làm gì.”
“Chà, vậy giờ một mình anh phải nhập đống hồ sơ này vào máy tính sao?”
“Không, còn có cô Hạnh phụ một tay mà. Tôi còn định nhờ vài nhân viên khác nhưng họ đều nói là không rãnh. Với tình hình thế này thì chắc tới cuối năm mới xong hết tất cả hồ sơ mất.”
Hoàng bật cười, “Thôi thì anh chịu khó vậy. Mà anh cũng nên tỏ vẻ “uy quyền” một chút đi. Anh là sếp mà. Cứ nhân nhượng với cấp dưới thì họ sẽ chẳng coi anh ra gì đâu đấy!”
“Tôi cũng muốn lắm, nhưng lại sợ họ nghĩ tôi độc đoán, chuyên quyền này nọ.”
“Vậy thì anh nên đăng kí tham gia khóa học làm lãnh đạo, tôi sẽ gửi email cho anh về vài chương trình mà tôi biết. Xong rồi ha? Giờ tôi về đây!”
Đức mỉm cười: “Vâng, tôi không tiễn vì tôi còn phải làm việc nữa.”
“Ừ. Làm việc đi. Mà nhớ lời tôi nói đó, tỏ ra dáng lãnh đạo đi! Đứng thẳng lưng lên, tôi thấy anh có hơi… “gù” đấy.” Hoàng mỉm cười nói rồi bỏ đi.
Từ đó đến cuối ngày, chả có chuyện gì đặc biệt xảy ra ở ngân hàng Wilshire cả.
Tới khoảng mười giờ tối, khi đường phố giờ đã thưa thớt dần thì có một bóng người đi bộ dọc theo đường Ba Tháng Hai đến gần tòa nhà ngân hàng. Vốn cửa chính nằm ở hướng đường Ngô Quyền và chắc chắn có lắp camera an ninh nên gã đã chọn hướng đường Ba Tháng Hai là bên hông tòa nhà.
Gã nhìn quanh quất để chắc rằng không có ai trông thấy cảnh này. Chợt có vài chiếc xe máy lướt qua khiến gã giật mình đôi chút. Chờ cho những chiếc xe đã đi xa rồi, gã dựa lưng vào bức tường, mắt vẫn nhìn xung quanh cảnh giác. Rồi gã từ từ lùi lại… lùi lại… Sau cùng gã đã ở trong ngân hàng.
Gã lấy trong túi áo ra một cái đèn pin và bật lên. Gã đi từng bước nhẹ nhàng lên tầng hai, rồi tầng ba. Cũng cùng một cách, gã vào trong phòng giám đốc thật dễ dàng, rồi nhìn những thùng hồ sơ để ngổn ngang khắp sàn nhà, gã thở dài ngao ngán.
Thật may là cái ghế sofa đã được dọn sạch sẽ, không còn giấy tờ nào trên đó. Gã bưng một thùng hồ sơ để lên ghế và ngồi xuống bên cạnh. Gã lấy ra một tập hồ sơ, rọi đèn vào và bắt đầu lướt từng trang một cách chậm rãi và cẩn thận.
Tới nửa đêm, gã đã gần như đọc xong mớ hồ sơ trong phòng giám đốc. Vươn vai mệt mỏi và ngáp dài một cái, gã càu nhàu đứng dậy đi tìm toilet. Lúc trở lại, gã tò mò nên vào trong phòng kế toán – kiêm lưu trữ hồ sơ – để xem tình hình thế nào. Gã há hốc mồm, choáng váng vì đống hồ sơ trong này còn nhiều hơn và lộn xộn đống hồ sơ ở phòng bên cạnh.
“Khỉ thật!” Gã gắt lên, rồi tự trách mình đáng lẽ nên kiểm tra nơi này sớm hơn thay vì để tới bây giờ. Rồi gã chợt nhớ cô người tình của mình. Ôi chao, cặp lông mày lá liễu, bờ môi chín mọng, những đường cong quyến rũ chết người… Tất cả những thứ đó đã khiến gã như phát cuồng và cố theo đuổi cô gái cho bằng được. Và cũng vì mải lo theo “người đẹp” mà gã bận tối mắt tối mũi suốt gần một tháng qua, chưa kể còn phải lo cho chi nhánh mới sắp mở cửa nữa.
Không nghĩ tới thì thôi, lỡ nghĩ tới rồi thì giờ trong đầu gã chỉ có hình bóng của cô tình nhân. Gã thấy người bứt rứt, nóng như lửa đốt. Gã chỉ muốn bỏ hết mọi thứ để chạy về nhà với “em yêu” của mình, nhưng rồi nhìn lại những thùng hồ sơ, gã nghiến răng, hai cánh mũi phập phồng thở gấp tức giận. Kế hoạch của gã đã rất hoàn hảo, cho tới khi nó bị “bóc mẻ” bởi cái đám đó. Rồi thì kế hoạch vẫn sẽ hoàn hảo nếu không bởi cái thằng đó.
Nghĩ tới cái đám đó thì trong đầu gã bèn lóe lên một ý tưởng. Gã mở điện thoại, bấm gọi nhưng không có ai bắt máy. Gã gọi lại lần nữa, lần nữa, và cuối cùng cũng nghe một giọng mệt mỏi trả lời.
“Là tôi đây. Tôi cần giúp đỡ.”
“Vâng, kế hoạch là như vậy. Nó có nhiều rủi ro à? Mặc kệ! Tôi đã chán cứ phải lén lút thế này lắm rồi! Tôi là một doanh nhân, đáng lẽ tôi nên ngồi ở bàn làm việc trong phòng máy lạnh mát mẻ chứ không phải chui rúc trong cái xó chật hẹp, nóng nực và bẩn thỉu như vầy. Hãy làm đi! Các anh đã hứa là sẽ giúp tôi che dấu mọi chuyện còn gì?”
“Tại sao nó lại quan trọng đến vậy à? Vì kế hoạch của tôi đã rất hoàn hảo, cho tới khi… Cho tới khi nó xuất hiện. Nó chả là gì nhưng cũng như một miếng dằm trong tay vậy. Nhỏ xíu, vô hại, nhưng khó chịu. Tôi phải nhổ cái miếng dằm này đi thì mới có thể ăn ngon ngủ yên được!”
Gã cúp máy, thở dài, khuôn mặt bơ phờ. Gã bỏ tập hồ sơ lại vào trong thùng hồ sơ rồi nhấc cái thùng khỏi ghế sofa và thảy xuống sàn nhà đánh “rầm” một cái. Gã nhìn bức tường trước mặt rồi bước tới… bước tới… Và chợt gã giật mình, nhảy lùi về sau!
Gã thọc tay vào trong bức tường, lôi ra một mớ dây nhợ cùng một cái camera. “Chết tiệt!” Gã kêu lên và nhét cái camera lại vào trong tường. Trong suốt một tiếng sau đó, gã đi lùng sục khắp các ngõ ngách trong ngân hàng và phát hiện ra có tới gần chục cái camera được lắp ngầm trong tường như vậy.
Gã cẩn thận xem xét thì thấy những camera này đều đã hết pin. Và gã thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu gã: Thật quá tiện lợi, những cái camera này sẽ góp phần “hợp thức hóa” thêm cho màn “trình diễn” sắp tới.
Gã ra khỏi ngân hàng cũng y chang như cách đi vào. Nhìn đồng hồ thì thấy đã hơn một giờ sáng, gã chắc lưỡi nghĩ thầm có lẽ “em yêu” của mình giờ đang say giấc nồng rồi. Nghĩ tới đó, gã lại cảm thấy nóng trong người và chợt nhớ ra mình đang ở quận 10. Gã mỉm cười đắc ý và bước vội đi. Đầu tiên gã cần tìm một hiệu thuốc, không biết giờ này có tiệm nào còn mở cửa không. Sau đó, là một quán cà phê luôn đóng cửa vào buổi sáng.

***

“Tới rồi!” Chủ quán nhủ thầm khi thấy hình bóng quen thuộc từ ngoài cửa: Chính là cái người tự xưng là kiến trúc sư ấy. Đi cùng anh ta là một cô gái còn khá trẻ, trông chừng mới đôi mươi là cùng. Cô gái có vóc người nhỏ nhắn, nếu không muốn nói là hơi gầy, cứ nhìn bờ vai xương xẩu là biết. Nhưng có chỗ thon thì cũng có chỗ đầy đặn, mà đúng chỗ thật ấy.
Nói tới đây, chủ quán bất giác giật mình và khẽ liếc nhìn quanh coi vợ mình có đang quan sát mình hay không. May quá, chả có một cú véo tai hay đay nghiến gì cả, chắc cô ấy đang ở trong bếp.
“Xin chào.” Chủ quán nói với giọng niềm nở, “Anh dẫn bạn tới à? Tốt quá.”
Người kiến trúc sư mỉm cười: “Bởi vì cô ấy nói là thích ăn mì xào dòn nên tôi bèn nói về nơi này.”
“Mời ngồi.” Chủ quán nói và bỏ đi lấy tờ thực đơn.
“Tôi sẽ ăn món mì hoành thánh, tôi muốn cái gì có nước.” Người đàn ông nói và quay sang nhìn cô gái: “Thử món kem “đặc sản” ở đây nhé? Lạnh buốt óc luôn đấy!”
Cô gái mỉm cười gật đầu. Cô có làn da hơi ngăm, tóc dài chấm ngang vai, đôi mắt sáng nhưng trông có vẻ mệt mỏi.
Bữa ăn sau đó diễn ra một cách khá trầm lặng, nếu không muốn nói là buồn tẻ khiến chủ quán thấy ngạc nhiên. Khi đã ăn gần nửa ly kem thì người đàn ông đứng dậy trả tiền. Quán lúc này cũng khá vắng vẻ.
“Khỏi thối.” Người đàn ông đáp và khẽ liếc nhìn xung quanh rồi rướn người về trước, nói thì thầm: “Anh nghĩ sao?”
Chủ quán nhìn người đàn ông, rồi nghiêng đầu nhìn cô gái, đáp: “Cổ cũng xinh đấy!”
“Tôi không nói về cô ấy.” Người đàn ông nói, “Lời đề nghị hôm nọ…”
“Tôi chả biết gì cả!” Chủ quán cắt lời, giọng đanh lại, “Cám ơn anh đã đến ủng hộ.”
“Tôi nói rồi, tôi không phải người của chúng.”
“Người của ai cũng được, tôi không muốn làm lớn chuyện… Tôi chỉ muốn có một cuộc sống bình yên, mở một quán ăn nhỏ để nuôi gia đình nhỏ này thôi.”
“Nhưng cứ thế này thì sao anh có thể sống bình yên được? Được nước làm tới, chúng sẽ càng tăng giá lên, đến một lúc nào đó anh không thể trả được. Rồi tiền bạc luôn thiếu hụt, nói xui chứ lỡ trong nhà hay trong quán có chuyện gì thì lấy đâu ra bù đắp đây?”
“Đó là chuyện của tôi, anh không cần phải bận tâm. Mời…”
“Nghe này!” Người đàn ông chồm tới và nắm cổ áo chủ quán, “Hãy nhìn cô ấy đi! Không, không phải vợ anh. Không, không phải cô phục vụ. Là cô gái đi chung với tôi ấy! Cổ có năng lực có thể giúp anh, là khả năng Dịch Chuyển Tức Thời. Như vậy thì anh có thể tống khứ cái đám đó đi bất kì nơi nào anh muốn.”
“Bất kì nơi nào?”
“Đúng vậy, như một ngọn núi lửa đang hoạt động chẳng hạn. Nhưng như thế thì nhẹ nhàng cho chúng quá. Có thể tống chúng qua bên Tàu để bị mổ nội tạng, hoặc là ném qua châu Phi cho chúng bị cái nóng thiêu đốt và bị sư tử ăn thịt.”
“Anh nên đổi nghề đi, đừng làm kiến trúc sư nữa. Đi thi Thách Thức Danh Hài (một chương trình truyền hình) đi, biết đâu kiếm được một mớ tiền ấy chứ?” Chủ quán nói.
“Nhìn mặt tôi giống đang đùa lắm sao?”
“Không. Người đang đùa là tôi mới phải.” Chủ quán hất tay người đàn ông ra, “Anh ăn xong rồi thì mời đi cho. Lần này coi như tôi không nghe thấy gì. Nhưng nếu lần sau…” Chủ quán chép miệng, “Không có lần sau đâu đấy!”
Người đàn ông thở dài quay lại bàn mình. Sau khi ăn hết ly kem thì hai người bỏ đi. Vừa ra tới ngoài cửa, cô gái nắm lấy tay anh ta và hỏi muốn đi đâu.
“Chúng ta sẽ đi bộ cho tiêu thức ăn. Anh thừa biết em muốn đến đâu rồi. Uống trà sữa nhiều không tốt đâu! Với lại anh muốn cho em xem cái này.”
Cô gái làm mặt giận dỗi nhưng rồi cũng đi theo người đàn ông. Họ men theo đường Vĩnh Viễn ra gần tới đường Nguyễn Tri Phương. Người đàn ông chỉ vào một căn nhà nhỏ đang đóng cửa và nói:
“Em có thấy vết nám đen ngoài cửa không? Vết cháy đấy! Cửa hàng này do chậm đóng tiền nên đã bị “dằn mặt.” Ban đầu chỉ bị tạt sơn, ném mắm tôm thôi. Nhưng sau đó chủ hàng tức quá nói là sẽ đóng cửa nghỉ bán nên bọn chúng châm lửa đốt quán luôn.”
“Công an khu vực không làm gì sao?” Cô gái hỏi, giọng cô nghe ngọt ngào như mía lùi.
“Không đủ bằng chứng, lần nào cũng thế cả.”
“Không đủ bằng chứng hay còn lý do “khó nói” nào khác?”
Người đàn ông nhún vai: “Chả biết. Anh chỉ biết rằng kẻ đầu sỏ rất thông minh và thâm hiểm.”
Hơn một năm trước, có vài gã côn đồ tìm đến những chủ hộ kinh doanh nằm trong khu vực hai phường là phường 8 và phường 6 để đòi chút tiền gọi là “phí bảo an.” Hộ nào không nộp tiền, hoặc đòi báo công an thì bọn côn đồ sẽ phá hoại việc làm ăn của họ, như: Cử người đứng trước cửa hàng để dọa nạt, đuổi khách; hoặc dùng sơn vẽ bậy; hoặc tạt máu chó, mắm tôm…
Các hộ kinh doanh đã cùng nhau đệ đơn lên công an, nhưng cả năm qua chỉ nhận được hồi âm là: Đang thu thập bằng chứng, bà con cứ bình tĩnh và vững tin. Nhiều người do không chịu nổi việc bị quấy phá nên đã đóng cửa, đi nơi khác làm ăn, thế nhưng bọn “bảo kê” vẫn chưa chịu buông tha họ mà còn tìm đến cửa hàng mới để quậy phá cho bằng được. Đây giống như một lời “cảnh cáo” của chúng dành cho các chủ hàng: Dù có dọn đi nơi khác thì chúng vẫn sẽ tìm và quấy rối cho bằng được.
Thành ra các chủ hàng giờ lâm vào thế “đi không được, ở không xong.” Cuối cùng, tất cả họ đều chịu “thỏa hiệp” là đồng ý đóng “phí bảo an” hằng tháng cho bọn côn đồ.
Kẻ cầm đầu đám côn đồ này vẫn còn là một ẩn số. Trong những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu giữa các cư dân thuộc phường 6 hoặc phường 8 thì tên cầm đầu có thể là một kẻ được “chống lưng” bởi những người có thế lực. Số khác thì nói rằng hắn là một đại ca từng đi tù mấy chục năm về. Số khác lại bảo hắn là một kẻ có đầu óc, có học thức nên mới nghĩ ra những cách “làm tiền” tồi tệ đến như vậy, cũng như những “âm mưu” có một không hai:
Tình trạng “bảo kê” diễn ra hơn nửa năm thì một ngày đẹp trời nọ, có một người xuất hiện và tự xưng là phóng viên báo Tuổi Trẻ. Anh ta ăn mặc lịch sự, nói chuyện nhỏ nhẹ và còn có thẻ nhà báo nên chả ai nghi ngờ gì. Thành ra khi anh ta hỏi về chuyện”bảo kê” quấy rồi thì ai cũng nhiệt tình kể lể, chỉ mặt đám côn đồ. Anh ta cho ghi âm lại hết những lời “buộc tội” này còn làm một “bảng thu thập chữ ký” của các hộ kinh doanh, nói là sẽ trình lên thành phố nhờ giải quyết.
Các chủ hàng vui mừng, tưởng rằng công lý cuối cùng cũng về phía họ. Nhưng không! Vài ngày sau đó, đám “bảo kê” bỗng xuất hiện như những cơn lốc dữ, càn quét qua các cửa hàng khiến chả ai làm ăn được gì. Tới lúc này thì mọi việc mới vỡ lẽ ra:
Cái gã tự xưng là nhà báo đó thật chất là người của đám bảo kê! Việc hắn đi thu thập những “lời buộc tội” và “chữ ký” là để đám bảo kê có cái cớ làm tiền nhiều hơn. Lý lẽ của chúng như sau: Bảo kê là chuyện bình thường, ở đâu cũng có. Nếu không phải bọn chúng thì cũng sẽ là một băng nhóm khác. Chúng nói rằng chúng đối xử các chủ hàng không tệ, trước giờ toàn dọa dẫm chứ không động tay chân hay phá hoại gì cả (và cũng vì lẽ này mà công an chưa có chứng cứ buộc tội chúng).
Nhưng việc các chủ hộ thi nhau tố cáo, buộc tội, thậm chí còn ký tên gửi lên thành phố đã khiến cho chúng cảm thấy buồn. Chúng gọi các chủ hàng là “lũ vô ơn,” là “lũ ăn cháo đá bát” và kể lể những “việc tốt” mà chúng đã làm trong thời gian qua như: Giữ gìn trật tự khu phố, thông báo trước việc đội Trật Tự Đô Thị sẽ đi thu gom xe đậu lấn chiếm lề đường hoặc thu gom bảng hiệu…
Cuối cùng, chúng nói rằng vì các chủ hàng đã làm chúng “buồn” nên chúng sẽ tăng giá “phí bảo an” lên. Hộ nào không đồng ý thì sẽ có chuyện với chúng. Và tất nhiên hộ nào cũng phải cắn răng đồng ý “cống nạp” thêm cho chúng một khoản tiền không nhỏ hằng tháng.
“Gớm!” Cô gái bĩu môi, “Vậy mà anh nói thằng cầm đầu rất thông minh? Em thấy nó bệnh hoạn thì đúng hơn, nghĩ ra những cái cách lừa gạt mất nhân tính như vậy!”
“Vậy mà em nói không thông minh? Em đã thấy anh chủ quán ban nãy từ chối lời đề nghị của anh ra sao rồi đó! Cũng vì chuyện của tên nhà báo giả dạng mà từ giờ các chủ hàng quanh đây sẽ trở nên cảnh giác, nếu không muốn nói là đa nghi hơn. Sau này nếu có nhà báo thật đến phỏng vấn, em nghĩ là họ có chịu hợp tác không?”
Cô gái im lặng rồi gật gù: “Cũng phải, dẫu sao họ cũng bị lừa một lần rồi, thành ra nếu có phóng viên thật đến thì họ cũng sẽ ngại không dám nói ra.”
“Mà không nói ra thì phóng viên chả có gì để viết, thành ra đám “bảo kê” vẫn sống khỏe thôi.”
“Nhưng lúc nãy anh nói chúng toàn dọa dẫm, ít động tay chân mà? Sao cửa hàng kia lại bị cháy vậy? Như thế chả phải chứng cứ rõ ràng cho công an điều tra đó sao?”
“Anh cũng không rõ. Anh chỉ biết hiện giờ chủ cửa hàng đã bỏ trốn. Và trên mạng giờ đang lan truyền những câu chuyện không rõ nguồn gốc, nói là chủ cửa hàng này thích chơi cá độ, mượn tiền không trả nên mới bị bọn vay lãi cao tẩm xăng đốt nhà “dằn mặt.” Một số khác thì nói chủ hàng ngoại tình nên người nhà vợ/chồng tới đốt cửa hàng trả thù… Thông tin hư hư thực thực, chả biết đâu mà lần.”
“Vậy thì sao?”
“Việc tung ra hàng loạt “tin giả” như vậy sẽ khiến những người nhẹ dạ, cả tin dần có “ác cảm” với nạn nhân và chuyển sang “đồng cảm,” “thương cảm” kẻ xấu. Sau một thời gian, do có quá nhiều thông tin giả mạo như vậy sẽ khiến người ta thấy bối rối và chán nản, rồi không thèm quan tâm nữa, thế là vụ này coi như “chìm xuồng.” Đây là cách đánh lừa dư luận rất tài tình, mà anh ngờ rằng việc tung tin đồn nhảm này cũng là do bọn bảo kê làm.”
“Gớm, chỉ có lũ bệnh hoạn mới đi “thương cảm” cho kẻ xấu thôi. Nhưng công an vẫn có thể dò hỏi các hộ xung quanh để biết rõ thực hư mà?”
“Em nghĩ họ có dám nói ra sự thật không? Nói ra chỉ tổ thiệt cho họ thôi.”
Cô gái thở dài: “Thật là. Vậy tại sao anh lại muốn giúp họ? Và cái ông chủ quán cơm ấy, có gì đặc biệt ở ổng sao?”
“Mặc dù ông chủ đã cố chối nhưng hôm nọ anh dẫn Gilbert tới đó ăn thử và Gilbert đã xác nhận với anh là ông chủ quả đúng là có siêu năng lực. Anh ta còn nói là thấy một “nguồn năng lượng rất lớn” xuất hiện dọc theo hai cánh tay, và điều đặc biệt là năng lượng ở hai tay lại “tỏa” ra hai ánh sáng khác nhau: Một màu xanh và một màu đỏ.”
“Chà. Nhưng mà… năng lượng có màu sao?”
“Sao anh biết được? Gilbert nói sao thì anh nói lại vậy thôi. Nhưng anh không nghĩ Gilbert bịa chuyện đâu, có lợi gì cho anh ta chứ? Anh cảm thấy khá hứng thú với năng lực bí ẩn của ông chủ và muốn tìm hiểu thêm. Nếu được… ông ta có thể là một thành viên cho kế hoạch sắp tới.”
“Vậy bước kế tiếp là gì?”
“Trước tiên chúng ta cần phải “lôi” cái tên cầm đầu đường dây bảo kê ra. Như thế sẽ giúp anh lấy được tình cảm của không chỉ ông chủ mà còn có thể nhiều người khác nữa. Để làm như vậy thì chúng ta cần phải mở một cửa hàng để làm “mồi nhử.” Anh sẽ liên lạc với Hội, chuyện này không khó đâu.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.