- Không thể nào có chuyện đó được. - Hoàng đế bác bỏ.
Bởi vì Vĩnh Xuân hiện thời đương khỏe mạnh, nếu biết gìn giữ cơ thể cẩn thận thì không thể nào đột ngột đổ bệnh. Bởi vì ngài đã định Thánh thọ tiết* năm nay sẽ tấn phong vài người. Trong đó, Lâu Nguyệt Dao lên hàng tài nhân ngũ phẩm để nàng nuôi nấng hoàng tự được danh xứng với thực.
Thân Long Chương chợt nhớ lại lời mô tả của nàng về bệnh tình của Vĩnh Xuân giống hệt với bệnh trạng của người trúng độc Tiên Ngộ thời kì toàn phát.
Có lẽ là ngày nghĩ gì, đêm mơ đó mà thôi.
-
Nàng đang lo lắng thái quá.
Lâu Nguyệt Dao chống tay nhổm dậy nhìn ngài trận trận bằng đôi mắt ầng ậng nước. Chốc sau, nàng ngúng nguẩy quay đầu giấu mặt đi, chỉ để cho Hoàng đế cái ót với một chiếc thoa cài bằng ngọc màu hồng phớt đan xéo trong mớ tóc xanh rậm rì. Còn như những trâm cài, trang sức khác đều rơi hết trên sàn tự khi nào.
- Nhưng... nhưng công chúa ra nông nỗi ấy, sao thần thiếp không lo cho được? Bệ hạ còn lạnh nhạt với thần thiếp nữa.
Hoàng đế thở hắt ra một hơi, rướn người dậy, xoay mình cướp lấy vị thế làm chủ. Có lẽ nàng tưởng mình sẽ đập đầu vào thành kỷ nên nhắm tịt mắt hòng tránh né cơn đau, ngài đã kịp đưa cánh tay đến làm gối đầu. Cơn đau không xuất hiện đúng như dự kiến, rèm mi nàng mở xòe như cánh quạt. Đôi mắt phượng hẵng còn vương dấu lệ ngay lập tức nhắm tịt lại, bởi môi lưỡi ướt át, nóng rẫy tấn công da thịt nơi cổ mình.
- Lạnh nhạt đầu nào? Sao trẫm không thấy?
Dứt câu, ngài đã cúi đầu tiếp tục công cuộc tạo dấu tích. Lâu Nguyệt Dao hoảng hốt đẩy đầu Hoàng đế ra. Nàng thở hổn hển can ngăn.
- Đừng... đừng để lại dấu vết. - Phủng Nguyệt các bây giờ còn có công chúa nữa mà.
Hoàng đế ngẩng đầu, đôi mắt híp lại ra chiều bất mãn. Ngay khi ngài chuẩn bị đánh úp chỗ khác, Lâu Nguyệt Dao đã ngồi dậy, kéo cổ áo che đậy vết hôn, lạnh nhạt bảo:
- Thần thiếp không tiện thị tẩm. Mời bệ hạ đi tìm người khác.
Nàng cũng chẳng nhàn rỗi, lẹ tay chỉnh trang y phục cho ngài, lại nhặt nhạnh mấy món hà bao, dây đai lưng, ngọc bội,... hoa văn rồng ổ trên đất treo lên thắt lưng Hoàng đế.
Thân Long Chương sầm mặt, “hừ” một tiếng tưởng như trời đất sắp rung chuyển tới nơi. Ngài quay ngoắt, toan cất bước, đã bị nàng ôm chầm lấy từ đằng sau.
- Bệ hạ đi thật ạ?
Hoàng đế cho rằng mình mà không dạy dỗ đàng hoàng cho nàng biết mặt, không khéo mai này nàng cả gan dám trèo lên đầu mình mất.
- Mỹ nhân không tiện tiếp đón trẫm thì trẫm đi nơi khác. Mỹ nhân cứ yên tâm nghỉ ngơi đi, trẫm sang Minh Nguyệt các, Mãn Nguyệt các ngay cung Phồn Dương đây thôi.
Lâu Nguyệt Dao bất chấp hình tượng phi tần đoan trang nhã nhặn, bám cả người lẫn tay chân lên thánh thể, quyết tâm giữ Hoàng đế ở lại. (
- Bệ hạ đừng đi.
- Sao? - Hoàng đế cười khẩy.
- Thường ngày mỹ nhân đối xử với Tôn quý nhân và Liễu mỹ nhân thân tình như thể ruột thịt cùng phụ mẫu, thậm chí còn nhiều lần xin trẫm giữ hai nàng ấy ở lại dùng thiện cùng. Thì ra tỷ muội tình thâm cũng chỉ đến thế thôi sao?
Lâu mỹ nhân dán mặt lên lưng Hoàng đế, tỉ tê.
- Thần thiếp san sẻ những thức ngự thiện quý giá chứ đã san sẻ bệ hạ bao giờ?
Cơn thịnh nộ của Thân Long Chương dịu đi hơn nửa. Ngài đưa tay giữ lấy phần lưng Lâu mỹ nhân, tránh cho nàng mỏi tay chân mà ngã khỏi lưng ngài. Hoàng đế cõng nàng về trường kỷ. Lâu Nguyệt Dao đặt mông lên nệm lót, chỉ chăm chú nhìn ngài chứ không lên tiếng.
Hoàng đế đã hiểu Lâu mỹ nhân của ngài cũng là một người ngang bướng. Song, bình thường nàng vẫn luôn kìm nén để phù hợp với thân phận phi tần thiên tử mình đang mang. Có lẽ do gần đây tâm thần bất ổn, lại thêm thân thể không tiện mới khiến nàng bùng nổ.
Trong lúc ngài không để ý, nàng Lâu mỹ nhân kia đã chôn mặt vào đầu nệm lót, xấu hổ không dám nhìn ngài.
-
- Thần thiếp... Ý thần thiếp không phải như vậy.
- Không phải à. Vậy như thế nào mới là phải?
Hoàng đế ghé sát lại gần hôn hít. Hơi thở nam tính mập mờ vấn vít bên tại Lâu Nguyệt Dao.
- Ý... ý thần thiếp là sắp đến lúc cục Thượng thực dâng vãn thiện rồi. Mời bệ hạ ra ngoài dùng bữa.
Rõ ràng biết Lâu Nguyệt Dao đang đánh trống lảng, Thân Long Chương lại vẫn nể tình, chỉ ngoạm môi nàng một cái rồi ngồi dậy.
- Thách nàng cũng không có gan đuổi trẫm đi.
Bữa xong, công chúa Vĩnh Xuân lại nhờ nhũ mẫu Lâm Thu Nương và Thu Lê ôm theo giấy mực cùng mình sang Minh Nguyệt các. Hoàng đế đang tính hỏi con bé đi đâu thì Vĩnh Xuân đã thưa:
- Liễu nương nương với Tôn nương nương nhờ con sang giảng bài. Tối nay con nghỉ chung với hai vị nương nương, cha cứ yên tâm.
Hoàng đế có phần bất mãn. Bởi vì mọi hôm ngài sang đây, Lâu mỹ nhân thường có hoạt động kể chuyện du kí, phong tục thủy thổ các nơi cho Vĩnh Xuân nghe trước khi đi ngủ. Theo ngài thấy, hành vi này rất được, ngài nghe cùng cũng thư thái. Vả lại:
- Buổi đêm chong đèn đọc sách nhiều hại mắt. Muốn học thì để sang ngày mai hẵng học.
Lâu Nguyệt Dao xấu hổ che miệng ho, kéo kéo ống tay áo Hoàng đế. Ngài trông cái bộ dạng ráng hồng nhuộm má của nàng, tự dưng như có thần giao cách cảm mà hiểu ra ý đồ đằng sau chuyện Tôn quý nhân và Liễu mỹ nhân mời công chúa rời khỏi Phủng Nguyệt các. Tự dưng cổ họng ngài cũng hơi ngứa. Hoàng để bảo với con bé:
- À. Con đi đi. Thiếu giấy, mực, sách vở thì cứ nói với cha. Cha bảo Xuân Ẩn đưa sang cho.
Công chúa đi rồi. Nhâm Hòa và Lã Xuân Ẩn cũng ăn ý dẫn cung nhân lui ra. Lâu Nguyệt Dao đâm ra lúng túng hơn. Đại khái là từ khi công chúa vào ở Phủng Nguyệt các, thú khuê phòng của Hoàng đế và nàng cũng phải kín kẽ hơn. Đêm nào Hoàng đế tới, Lâu Nguyệt Dao cũng ước có thứ dược vật gì đó khiến mình bị câm tạm thời để khỏi phải phát ra mấy âm thanh đáng xấu hổ ấy nữa. Hoàng đế nhất trí tán thành, nhưng khó tránh khỏi hưng phấn thái quá mà dẫn đến mất kiểm soát.
Đôi bên cẩn thận đến mức nào thì vẫn có lúc đánh thức công chúa. Có một hôm, công chúa hỏi vì sao đêm qua Lâu Nguyệt Dao lại khóc, có phải nàng chuyện buồn không ngay trước mặt Tôn Mộng và Liễu Thanh Thanh. Lâu Nguyệt Dao nhớ nổi mình đã trải qua cảm giác ngượng đến độ muốn úp mặt luôn vào chén trà luôn cho rồi, ngặt nỗi miệng chén nhỏ quá, che không trọn bản mặt của nàng. Sau, phải nhờ Tôn quý nhân giải vây cho mới thoát được câu hỏi của Vĩnh Xuân.
Lần này, lại phải nhờ hai người bọn họ. Nhưng có phải họ hiểu nhầm gì không? Nàng có thị tẩm được đâu?
Chốc sau, Lâu Nguyệt Dao đã được “khai sáng” thêm kiến thức về cách hầu hạ thánh giá mà không phải dùng thân mình.
Hoàng đế những tưởng đêm nay nàng sẽ được ngon giấc. Nào ngờ, nửa đêm ngài mơ màng thức giấc, trong lòng không còn “gối ôm” mềm mại, thơm tho. Ngài đưa tay sờ soạng chỗ bên cạnh cũng không thấy tăm hơi đâu cả. Hoàng để giật mình, vén góc chăn ngồi dậy.
Nội tẩm tối om, cơ hồ phải dựa sát tường mới lần mò ra được cửa Phủng Nguyệt các. Nghe thấy động tĩnh, Lã Xuân Ẩn bèn tiến vào châm đèn. Hoàng để sốt sắng hỏi dồn:
- Lâu mỹ nhân đâu? Nàng đi lúc nào? Ngươi không biết can ngăn hay sao?
Ánh nến nhập nhoạng rọi khắp nội tẩm. Nửa khuôn mặt khó ở của Hoàng đế chìm trong thứ ánh sáng chập chờn ấy.
- Muôn tâu bệ hạ. Thần nghe nói có chứng bệnh tên là mộng du. Dân gian hay bảo nếu tùy tiện đánh thức người đang mộng du sẽ khiến người bệnh bị xuất hồn nên mới không dám can ngăn nương nương. - Lã Xuân Ẩn đáp.
Đương nhiên, Hoàng đế biết Lâu Nguyệt Dao đâu phải mắc chứng mộng du, mà là bị kinh sợ bởi mộng mị. Ngài đột nhiên ngộ ra nàng đang ở đâu. Hoàng đế cất bước. Lã Xuân Ẩn vội mang theo áo choàng khoác cho ngài, tay cầm đèn cung đình soi bước ngài đi.
Quả nhiên, Lâu mỹ nhân đang ở Mãn Nguyệt các của Tôn Mộng, trước giường công chúa Vĩnh Xuân nằm. Hai nàng Tôn, Liễu đang thử thấp giọng khuyên nhủ nàng, khuyên nàng về các Phủng Nguyệt. Nhưng hai nàng cố gắng chỉ tổ tốn công dã tràng*, Lâu Nguyệt Dao không có phản ứng, gọi hỏi mãi mà không hé răng, chỉ lặng yên rơi lệ.
Giữa lúc Tôn Mộng và Liễu Thanh Thanh đâm ra sốt ruột thì Hoàng đế tiến vào. Không có thánh lệnh, Lã Xuân Ẩn không dám tiến vào tẩm phòng của phi tần, bèn đứng ngoài đợi. Hai nàng Tôn, Liễu khi ấy chỉ khoác trung y, tóc tai buông xõa, chưa tô son điểm phấn, đang tính bái kiến thánh giá thì Hoàng đế đã ngăn lại. Chẳng nói chẳng rằng, Hoàng đế ôm ngang Lâu Nguyệt Dao lên cùng về Phủng Nguyệt các.
Sáng sớm, lúc Hoàng đế lên triều, ngài nói bên tai nàng một câu:
- Đợi trẫm chốc nữa.
Lâu Nguyệt Dao ngẩn ra vì không hiểu. Chốc sau, tin tức tấn phong truyền đến, nàng mới hiểu câu đó của Thân Long Chương có hàm nghĩa ra sao.
Nàng từng kể với ngài, trong giấc chiêm bao, vì nghi ngờ nàng câu kết với Đoạn Trần, nghi ngờ nàng thất tiết; ngài ban cho Lâu mỹ nhân ba thước lụa trắng. Vậy tấn phong nàng lên bậc quý nhân lục phẩm có thể yên ủi lòng nàng chăng?
Chú thích:
- Thánh thọ tiết: sinh nhật của Hoàng đế, tùy triều đại mà có cách gọi khác nhau. Ví dụ thường thấy trong các truyện cung đấu là Vạn Thọ tiết (Vạn Thọ khánh tiết) hay Thiên thu tiết (cách gọi này có thể xuất hiện với tư cách là ngày sinh nhật của Hoàng hậu). Vua chúa nước mình thì thường là khi lên ngôi sẽ định riêng cách gọi cho ngày sinh nhật của mình.
- công dã tràng: hay dã tràng xe cát. Bắt nguồn từ truyện cổ tích "Sự tích con dã tràng". Ý nói phí công vô ích. Dân gian có câu:
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]